Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Chó thật, chó đá, chó rơm Nguyễn Dư
Chó là con vật sống rất gần gũi người. Sướng khổ như người.
So với chó nhiều nước thì chó Việt Nam chưa được xếp vào hạng được ăn ngon mặc đẹp. Tuy vậy, chó Việt Nam có thể hãnh diện về mặt huyết thống của mình.
Ta có ít nhất là ba giống chó. Ngoài chó thật biết gâu gâu, ta còn có chó đá trơ trơ và chó rơm im thin thít... Mỗi giống một vẻ, mười phân gần vẹn mười.
* Số phận con chó bằng xương bằng thịt thì ai cũng đã biết. Thật đáng thương.
Ăn thì bữa đói bữa no. Làm thì chẳng từ chuyện gì. Dọn cho thằng cu, liếm cho cái đĩ mỗi lần chúng bậy ra nhà. Nào là canh trộm ban đêm, canh người lạ ban ngày.
Thế mà còn bị... chụp mũ. Mất mạng như chơi.
Một người cưỡi ngựa đi đến đầu làng kia, có con chó đang ngủ giữa đường, bỗng giật mình thức dậy, đuổi theo con ngựa, sủa cắn mãi, làm cho con ngựa sợ, chạy lồng lên.
Người cưỡi ngựa tức giận vô cùng, muốn giết ngay con chó, mới bảo rằng :
- Tao mà có súng, thì cho mày một phát là hết cắn. Nhưng mà được, tao đã có cách làm cho mày chết.
Nói xong, người kia chạy đến giữa làng, kêu to lên rằng :
- Chó dại ! Chó dại !
Những người xung quanh đấy, nghe tiếng kêu chó dại, liền vác gậy, vác xẻng ra đuổi đánh chết con chó.
Gớm thay cho lời nói của người ta, có khi giết hại được hơn là đồ binh khí !
(Quốc văn giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, 1948)Chó nước ta được sinh ra trên mảnh đất lắm người nhiều quán nhậu. Ngàn năm văn hiến, đậm đà truyền thống " hoa thơm bướm lượn, chó rông người thèm ".
Chó là một trong mấy cái thú ở đời. Không những thế...
Con chó nhà kia bị chủ hoá kiếp.
Xuống âm phủ, Diêm Vương gọi chó ra hỏi tội.
- Đồ chó chết kia, ai cho mi được vinh dự đến chầu ta ?
Chó run sợ, mếu máo kể lể :
- Tâu Diêm Vương, con ăn ở hết lòng với vợ chồng chủ con từ tấm bé. Nào trông nhà, nào dọn đồ dơ.
Thế mà con vẫn còn bị chúng nó đánh chửi, huỷ hoại cả " thú vị ". Đau quá Diêm Vương ơi. Đời mà hết động cỡn, sống âm thầm như một hoạn quan, thì còn gì là đời.
Tuần vừa qua, nhà chúng nó bỗng vui như mở hội. Nào rượu, nào mẻ, riềng tỏi, lạc rang, húng quế. Thân con bị băm vằm, chia năm xẻ bảy. Tưng bừng lá vông. Rựa mận, tiết canh, dồi, gan. Nướng, xào, luộc, rim...
Diêm Vương nuốt nước miếng, cắt lời chó :
- Đừng nói nữa kẻo... tao thèm. Trông mày hơ hớ như thế kia thì ai mà chả muốn " đánh " mày.
Chó bẽn lẽn... toát mồ hôi lạnh.
- Mày bị giết oan, tao cho đi gác cầu Vòng. Chờ ngày bọn khốn nạn kia xuống đây, cho mày bẻ răng, xẻo lưỡi, móc mắt chúng nó.
Diêm Vương cho chó chơi trò cân phúc, cân tội ! Có tiếng xì xào " Phen này chúng mày sẽ biết... mõm ông ". Nhưng không...
- Con không biết trả thù. Con chỉ xin Diêm Vương bắt chúng nó từ nay phải tôn trọng " cẩu quyền ", " thú vị ", cho đồng bào con được nhờ.
- Khá khen thay. Hôm nay ta học được bài học " Có dung người dưới mới là khuyển trên ".
Từ đó, trên dương gian bắt đầu có hội bảo vệ súc vật.Đấy là chuyện dưới âm phủ. Chuyện trên trần gian cũng lâm li không kém.
Có lần tôi được nghe bố mẹ kể chuyện những năm loạn lạc.
- Làng mình được lệnh phải giết hết chó.
- Mấy con mực, con vện cứ thấy tự vệ, du kích là sủa toáng lên. Tây ngoài đồn bốt hô lính chạy vào làng lùng xét, tra hỏi. Uỷ ban bắt buộc phải đối phó kịp thời...
Thế là làng xóm được một dịp đánh chén bất đắc dĩ.
Ông giáo ngà ngà say, đưa tay dụi mắt, giọng lè nhè :
Phong trần đến cả thôn quê
Tang thương đến cả trâu kia khuyển này
Chó cũng bị đẩy vào cuộc chiến. Nói chẳng ai tin.Ngoài mấy trường hợp đặc biệt kể trên, phần đông chó Việt Nam sống cuộc sống bình thường của chó. Nghĩa là ăn, ngủ, chạy rông. Thỉnh thoảng a dua bạn bè.
Con chó đi gặp con gà trống mới chào, rồi nói :
- Tôi trông cho gặp anh một chuyến, mà hỏi một chuyện. Con chó mới hỏi : Trời phú tính cho anh hay, chớ phải chơi sao! Sao lại biết canh ba, lại khi gần sáng dậy mà gáy ; ngày ngày cũng vậy.
Con gà nói :
- Cái là trời đã phú tánh hễ tới chừng thì gáy. Rồi con gà mới hỏi : Còn như anh làm sao anh biết có người đi mà sủa ?
- Vốn cái tâm tôi thuộc đất : hễ động đất là động tới tâm tôi, nên tôi biết.
- Mà khi anh nằm dưới đất thì làm vậy, chớ như khi anh nằm trên ván, thì biết sao được mà sủa ?
- Chừng tôi ở trên ván, nghe chúng sủa, thì tôi bắt chước sủa hùa theo mà thôi.
(Trương Vĩnh Ký, Chuyện đời xưa, Sudasie tái bản, 1994)Con chó thành thực đến độ dễ thương. Không biết nó có hùa theo bạn bè cắn càn người ta không ?
Xưa kia tục ta tin rằng chó trắng mũi đỏ là yêu khuyển, không nên nuôi. Ngược lại, nên nuôi chó đen vì giống này kị yêu ma.
" Giống chó (trắng) này tuy mang hình chó, nhưng khi chủ vắng nhà, nó nhảy lên nằm võng đưa như người, và những đêm thanh vắng, sáng trăng suông nó sẽ đội nón, chống gậy đi trên mái nhà bằng hai chân sau như người. Nó sẽ tìm gặp những yêu ma để tỏ rõ hết mọi sự trong nhà và xui giục ma quấy rầy nhà chủ, gây bệnh hoạn làm đau ốm các người trong gia đình.
Những phụ nữ hữu sinh vô dưỡng khi sinh thường lấy máu chó đen vẩy ở quanh buồng đẻ để tà ma không dám tới, nhất là để kỵ giặc Phạm Nhan. Theo ông Nghiêm Thẩm, thì các sản phụ này phải ăn thịt và dồi chó đen và còn phải chôn ở dưới chân giường xương chó đen nữa. Phải kén chó đen tuyền mới hiệu nghiệm ".
(Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, tập 2, Xuân Thu tái bản, tr. 265).Thời Xuân Thu, Phạm Lãi giúp Việt Câu Tiễn đánh bại được Ngô Phù Sai.
Câu Tiễn là người đa nghi, hay giết. Phạm Lãi đoán biết rằng những người có công giúp Câu Tiễn trong lúc khó khăn, không thể sống chung với Câu Tiễn trong thời bình.
Phạm Lãi quyết định từ quan. Trước khi rời bỏ Câu Tiễn, ông nói với xung quanh :
" Thỏ tử cẩu phanh, điểu tận cung tàng " (thỏ chết rồi thì chó bị làm thịt, chim không còn thì cung bị cất dấu).
Phạm Lãi là một nhà tiên tri. Ông còn cho chúng ta biết một điều quan trọng là người Trung quốc cũng ăn thịt chó. Rất có thể trước cả người Việt Nam.
Thế mà nhiều người cứ bô bô... tự hào bậy !
Trở lại chuyện chó nước ta.
Chó Việt Nam thông minh, có óc sáng tạo. Cứ nghe chó giãi bày tâm sự với đám trâu, ngựa, dê, gà, lợn thì đủ hiểu :
(...)Thật khó tin ! Chó chết được chủ lo gạo tiền, tống táng. Nước ta có chủ nào tử tế với chó đến mức như vậy không ?
Khi sống thì gìn giữ của đời
Khi thác xuống giữ cầu âm giới
Người có phước muông đưa ra khỏi
Ai vô nhơn, qua chẳng đặng đâu
Chủ có lòng suy trước , xét sau
Khi lâm tử, gạo tiền tống táng
Chủ đã có công dày, ngãi rộng
Muông dễ không tiếp rước đãi đưa (...)
(Truyện Lục súc tranh công)Có chứ ! Có nhiều lắm. Nhưng tại sao chó lại được đối đãi như vậy ? Tại vì...
Thành ngữ" Tiền cột cổ chó " được Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam quốc âm tự vị) giải nghĩa là : " Ngu tục hiểu con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giái, cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, hoạ ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti ".
Chu choa, chèng đéc ơi !
Phải công nhận rằng chó Việt Nam đáng nể hơn chó các nước khác.
Chủ kia chắc là ăn ở cũng khá lem nhem, sợ bị Diêm Vương chiếu cố. Hắn lo móc nối ngay từ bây giờ, sửa soạn phong bì đi hối lộ cai tù tương lai của âm phủ. Gặp được con chó ngoan, biết điều. Mình là chó, lúc cần mình thì nó tôn mình lên. Hết cần thì nó cho một chày là xong. Đừng tưởng bở. Mình gặp thời, nó mời mình ăn. Không ăn đứa khác cũng đớp mất. Uổng của trời. Chi bằng cứ bài bản " vừa có tình, vừa có lí " cho xong chuyện.
Tiếc rằng dư luận lâu nay cứ chĩa mũi dùi vào mấy ông, mấy bà đầy tớ vênh váo kia! Nhầm đối tượng rồi, bà con ơi. Ồn ào mà chả đi đến đâu. " Chó sủa, đoàn người cứ đi " (Les chiens aboient, la caravane passe).
Trước hiện tượng " Tiền cột cổ chó ", giới khoa học nước ta tỏ ra lo ngại, tranh cãi sôi nổi. Phe theo thuyết tiến hoá thì cho rằng chó truyền bệnh sang người. Phe khác phản bác, dựa vào lịch sử xã hội để chứng minh rằng người truyền bệnh sang chó.
Tuy chưa có kết luận thống nhất nhưng cả hai phe đều đồng ý với nhau trên một điểm là người giống chó, chó giống người, cả hai cùng biết ăn hối lộ.
Dân đen gọi những ông hèn kém mà lại có địa vị cao, hợm hĩnh, là " chó nhảy (hay ngồi) bàn độc ". Bàn độc là bàn ngồi đọc sách, bàn để đồ thờ. Có người diễn nôm chữ độc là chất độc, là cái bả. Nghe cũng hay hay.
Năm 1929, Nguyễn Công Hoan viết truyện ngắn Răng con chó của nhà tư sản, kể chuyện một ông lão ăn mày lập mưu cướp được đĩa cơm của chó, bị ông chủ chó phóng xe ô tô " kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!".
Khoảng 1952, Canh Thân sáng tác bản nhạc tả cảnh chó bẹc giê nhà giàu " lếnh loáng hết ngay một đĩa đầy " thịt bò.
- Mới thấy một con chó nhà giàu mà đã nóng mặt. Những nhà tư sản mới bây giờ nuôi cả bầy có nghe ai nói gì đâu!
Ngày xưa, nước ta có " Chó đá " (Thạch khuyển).
Lần kể xuân thu biết mấy mươiCửa nghiêm là chỗ thờ phụng trang nghiêm.
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi
Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng
Chào người quân tử chẳng phe đuôi
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.
(Lê Thánh Tông, Hồng Đức quốc âm thi tập)Trước kia, hai bên cửa vào nội điện Lam Sơn có " hai con chó đá thô sơ ". Phan Huy Chú cũng cho biết " ngoài cửa nghi môn có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng " (Nguyễn Tiến Cảnh, Mỹ thuật thời Lê sơ, Văn Hoá, 1978, tr. 35).
(Chúng tôi có tham khảo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú nhưng không thấy đoạn viết được Nguyễn Tiến Cảnh nói đến).
Bằng chứng chắc chắn hơn là con chó đá chầu trước đền thờ Đinh Tiên Hoàng, tại Hoa Lư. Theo Bezacier thì con chó đá này được tạo dựng vào khoảng năm 1610 (Louis Bezacier, L'art vietnamien, Editions de l'Union française, 1955, tr.193).
Dường như lúc đầu, khoảng thế kỉ 15 hoặc sớm hơn nữa, người ta đặt chó đá để canh giữ chỗ thờ phụng vua.
Đời sau, nhiều làng bắt chước chôn chó đá để yểm trừ ma quỷ, bảo vệ dân làng. Ban đầu chôn ở cửa đình, cửa chùa, rồi dần dần chôn cả ở cổng làng, đường làng.
Cadière (1918) cho biết :
Làng Nam Phổ Đông nằm trên đường từ Huế ra Thuận An có chôn 2 con chó đá. Một con để chắn hướng đòn ngang của ngôi đình làng Phú Khê nằm gần đó. Con kia để chắn hướng một con đường chạy qua bãi tha ma.
(Léopold Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tập 2, Ecole française d'Extrême-Orient, 1992, tr.132, 133).Dưới gốc đa già, bên cạnh con đường dẫn vào làng Hoàng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày nay) trước năm 1945, có chôn 4 con chó đá.
Tiếp theo làng quê, đến lượt các nhà giàu cũng chôn chó đá.
Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí.
(Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Đông Nam Á tái bản, 1985, tr.179).Kho thóc của thành Quảng Trị có chiếc đòn hướng vào dinh quan án sát. Người ta cho đắp một con chó (thần cẩu) đặt trên mái dinh để ngăn chặn ảnh hưởng của chiếc đòn kia (L. Cadière, sđd).
Hàng quý tộc chôn chó đá để canh giữ, bảo vệ chỗ thờ vua chúa. Nhà phong thuỷ chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần. Dân gian chôn chó đá để xua đuổi ma quỷ.
Nếu không tiện chôn hay đặt chó đá thì có thể gắn một tấm gương.
Tại Huế, gần bến Đông Ba có nhà bị đòn ngang của đền Quan Đế phía trước đâm thẳng vào. Chủ nhà cho gắn một tấm gương trên mái. Gương sẽ phản chiếu, đổi hướng đi của chiếc đòn ngang.
Bị một con đường phía trước hướng thẳng vào nhà người ta cũng cho đặt một tấm gương trên mái để tránh rủi ro. (L. Cadière, sđd).
Thành ngữ " Đánh chó đá vãi cứt " được dùng để ám chỉ bọn bất tài mà lại hay huyênh hoang, khoác lác.
Chó rơm (sô cẩu) có từ thời cổ xưa. Lão Tử than :
" Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu ; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu... " (Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm ; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm...).
Những con chó kết bằng rơm khi chưa bày để cúng thì được cất kỹ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi, người ta liệng chúng ra đường, người đi đường giẫm lên đầu, lên cổ chúng hoặc lượm về để nhóm lửa ".
(Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử -Đạo đức kinh, Văn Hoá, tr. 171).Chó rơm bị vứt ra đường, bị người ta giẫm lên, hoặc lượm về để nhóm lửa. Như vậy thì chó rơm không phải là đồ tế lễ của triều đình, vua chúa.
Chó rơm là vật cúng của dân gian. Bên cạnh chó rơm (hay chó cỏ) còn có rồng đất cũng là một vật cúng.
Thành ngữ " Chó cỏ rồng đất ", được giải nghĩa là :
" Xưa kia ta cúng tế thường bện chó bằng cỏ, nắn rồng bằng đất để dùng lễ cúng ; chừng cúng xong thì đem đi liệng bỏ. Nghĩa rộng (của thành ngữ) là : Người hoặc vật mà người ta hết cần dùng. Công thần đã đem mối nước lại cho nhà vua, mà bây giờ bị nhà vua sa thải ".
(Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954, tr. 80).Rồng là biểu tượng của vua chúa. Chó là con vật gần gũi dân đen. Tại sao " chó cỏ" lại nằm cạnh " rồng đất " trên bàn thờ ?
Câu trả lời đơn giản là rồng (long) của dân gian không phải là rồng của vua chúa. Rồng của dân gian là con long xà (loài rắn lớn), con giao long (cá sấu, loài thuỷ quái), con khủng long của thời tiền sử.
Tín ngưỡng dân gian tin rằng :
Những kẻ sát nhân, những gái giang hồ, những người bất nhân độc ác khi chết hồn bị đoạ xuống địa ngục, phải leo qua cầu Vòng. Cầu Vòng trơn như bôi mỡ bắc qua sông Nại Hà. Những tội nhân thường chỉ leo được đến lưng chừng là ngã lăn xuống sông Nại Hà bị chó ngao, thuồng luồng, rắn giải cắn xé.
(Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển 1, Xuân Thu, tr. 321).Người ta phải làm lễ cúng chó ngao, thuồng luồng, rắn giải dưới âm phủ để cầu cho người chết qua sông Nại Hà được bình yên.
" Chó cỏ, rồng đất " tượng trưng cho chó ngao, thuồng luồng, rắn giải của âm phủ.
Nhiều người sợ chó ngao nhưng lại hay mang chó ngao ra... hù doạ người khác.
Hù doạ bằng cách mời thầy phù thuỷ làm phương thuật " Yểm bùa họng chó ".
Thầy phù thuỷ làm một cái bùa, kết thành hình người mà thân chủ muốn trả thù, muốn hại. Rồi thầy thắp đèn đốt nhang, đọc thần chú, tung phép bắt hồn người kia nhập vào bùa. Bùa luyện xong, được thầy phù thuỷ yểm vào họng một con chó.
Người bị trả thù kia sẽ bị âm binh bắt nộp cho chó ngao.
Huỳnh Tịnh Của cho biết là chó cỏ (sô cẩu) còn được dùng để tế đảo vũ (cầu mưa).
Văn học thỉnh thoảng cũng mượn hình ảnh con chó để ví von, luận bàn thế sự.
Người thì chửi bọn làm tay sai cho thực dân Pháp :
Sống thì bắt thỏ thỏ kêu rêuNgười thì than vãn cho cuộc đời phù du :
Thác thả dòng sông xác nổi phều
Vằn vện sắc còn phơi lững đững
Thúi tha danh hãy nổi lêu bêu
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép
Đưa đón lao xao lũ quạ diều
Một trận gió dồi cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu
(Nguyễn Văn Lạc, Chó chết trôi)Lò cừ nung nấu sự đờiVân cẩu là đám mây hình con chó. Cuộc đời đổi thay nhanh như đám mây trắng bỗng chốc hoá thành hình chó xanh (thơ Đỗ Phủ).
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
(Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc)Người khác lại muốn được... như chó :
Tâu rằng : " Hổ phận ngu si,Khuyển mã (chó ngựa) là lời tự khiêm của bầy tôi đối với vua hoặc tớ đối với chủ.
Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông " (Nhị độ mai)Ơ hay ! Sao lại vàng thau lẫn lộn như thế ? Bầy tôi có bổn phận của bầy tôi. Tớ có phong cách của tớ. Tại sao tôi tớ lại chơi trèo, đòi so sánh mình với chó ngựa ? Vô tình hạ thấp uy tín của chó ngựa.
Cao Bá Quát mượn chuyện các quan cãi nhau để chửi khéo triều đình Tự Đức :
...Hai bên cãi nhauKho tàng văn chương bình dân truyền khẩu có bài (tạm đặt tên là) Đôi ta :
Bên này bảo chó
Bên kia cũng chó
Hai bên đều chó
Rồi họ đánh nhau...
(Thái Bạch, Giai thoại văn chương Việt Nam, Xuân Thu tái bản, tr. 108)Em đẹp như phân lạc giữa dòngHương tình ngào ngạt, thiết tha đắm đuối. Tiếc thương cho số phận nổi trôi, đôi bờ phân cách. Bao giờ thuyền tình mới ghé bến mơ ?
Anh như chú khuyển đứng bên sông
Dòng sông nước chảy em trôi mãi
Anh đứng trên bờ rỏ dãi trôngKinh nghiệm sống dạy người dân quê một điều :
Chó đâu chó sủa chỗ khôngNgoài nghĩa đen, nghĩa bóng, câu ca dao còn phản ánh nền đạo lí của ta.
Chẳng thằng ăn trộm thì ông ăn màyĂn trộm, ăn cắp, ăn cướp, bất kể già hay trẻ, lớn hay bé, tất cả đều là thằng đáng khinh. Ngược lại, ăn mày được gọi bằng ông một cách kính trọng.
Ăn mày kiếm ăn giữa ban ngày, ăn trộm là phường chỉ thậm thụt bất kể ngày đêm.
Chó có đạo lí của chó. " Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo ", chưa chắc chó đã thua người.
Các nước phương tây ngày nay đã thành công trong việc huấn luyện chó để cứu người, tìm ma tuý, chất nổ.
Người ta đang cố gắng dạy chó ngửi được những đồng tiền bẩn.
Trời đất quỷ thần ơi ! Sao lại dạy chó... chống lại người như vậy ? Người ta muốn diệt chủng chó à ?
Chó nước ta thực tế, biết mình biết người. Không mơ mộng được cưng chiều. Chỉ mong giang sơn gấm vóc kia giảm bớt những lò sát sinh treo " cờ tây " ngất nghểu. Bảy, tám món ăn chơi. Chín, mười món ăn thiệt. Bớt những tấm bảng hiệu chào khách lủng lẳng, cao gần bằng... mái đình làng!
Trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta nên thận trọng để tránh một vài ngộ nhận.
" Chó má " là lời khen con nít mới đẻ xinh tốt, mà không dám nói ngay (Huỳnh Tịnh Của). " Đồ chó má " là câu chửi, khinh thường người khác.
" Cây chó đẻ " là một loài cỏ dùng làm thuốc chữa bệnh hậu sản. " Đồ chó đẻ " là câu chửi tục tĩu.
Đúng như các cụ vẫn thường nói, cứ đụng đến " đồ " là hết cả trang nghiêm. Nhất là... đồ chó.
Nguyễn Dư
(Lyon, 9/2005)
[ Trở Về ]