Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Những ưu tư trong Lễ hội hoa Đà Lạt

Trương Thái Du

1. Lan man chữ nghĩa

Tương truyền năm 1893, khi đoàn thám hiểm của bác sĩ Yersin đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên, thông qua phu dẫn đường phiên dịch ông hỏi cư dân bản địa: "Đây là đâu?". Một người đã trả lời: "Đây là Đạ Lạch". Ngữ âm này ngay lập tức biến thành địa danh Dalat trên bản đồ Đông Dương thuộc Pháp. Khi Việt hóa Dalat, chúng ta có tên gọi Đà Lạt.

Chính vì nguồn gốc từ Đà Lạt không được Yersin ghi chép lại, hoặc có ghi chép nhưng đã thất lạc nên trước nay xuất hiện rất nhiều cách giải thích ngữ nghĩa. Gần đây mọi người hầu như đã thống nhất với nhau rằng Đà Lạt tức là Đạ Lạch: (Dòng) nước, (dòng) suối của người Lạch. Cũng cần nhấn mạnh thêm một lần nữa: Ở chợ Đà Lạt được xây dựng năm 1937, người ta gắn một phù điêu chữ Latin: Dat allis laetium allis temperriem (cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Nhiều người từng lầm tưởng đó không phải là kiểu chơi chữ Dalat mà gán ghép nó thành gốc rễ của tên gọi Đà Lạt.

Người Lạch, chủ nhân đầu tiên của mảnh đất Đà Lạt là một phân chi trong dân tộc Kơ Ho. Dân tộc Kơ Ho lại là một chi lớn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên Việt Nam với những đặc trưng văn hóa - chủng tộc thuộc về đại cộng đồng người tiền Đông Nam Á bản địa xa xưa. Những thành tựu nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam và thế giới gần đây cho thấy thuật ngữ "Cộng đồng người tiền Đông Nam Á" trải rộng từ Indonesia lên đến bờ nam sông Trường Giang Trung Quốc. Bằng các phương pháp truy nguyên ngữ âm học, các chuyên gia ngôn ngữ học Việt Nam hiện nay đã đi đến kết luận chữ Giang trong Trường Giang là Hán tự kí âm phương ngữ. Thật vậy, chữ Giang ghép bởi chữ Thủy (mang nghĩa nước, sông) và chữ Công (kí âm). Công có họ hàng với Krông, tức là dòng sông, dòng suối trong ngôn ngữ của cộng đồng người Đông Nam Á cổ và hiện vẫn tồn tại trong ngôn ngữ Tây Nguyên. Trường hợp tên gọi Mêkông (tiếng Thái, tức là mẹ của các dòng sông, dòng suối) cũng vậy. Ngày nay ở Tây Nguyên nhóm từ Đạ / Đak / Krông đều chỉ nước, sông, suối.

Tại hội nghị nghiên cứu thời kì Hùng Vương năm 1971, trong tham luận "Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc", Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã giải thích Lạc nghĩa là nước. Hai ông cũng liên hệ được Lạc với Nác (tức nước) theo phương ngữ miền trung Việt Nam. Theo tôi từ Lạc không đơn thuần chỉ là nước mà nó đôi khi còn được sử dụng với nghĩa Xứ Sở với các dẫn chứng liên hệ như Negeri (tiếng của người Mianagkabau ở Malaysia), Nưgar (tiếng của người Chiêm Thành).

Như vậy, khi xâu chuỗi các nghiên cứu trên lại với nhau ta có một nhóm từ tố mang nghĩa rất giống nhau là : Đạ / Đak / Krông / Lạc / Nác / Nước / Nưgar / Negeri. Câu hỏi đặt ra ở đây là: trong môi trường văn hóa - chủng tộc Đông Nam Á cổ, phải chăng cả dải đất Việt Nam ngày nay đều thuộc về con cháu vua Hùng, tổ tiên họ đều từng ở trong bọc trứng của Âu Cơ tức là Mẹ Đất? Chữ Âu ngoài nghĩa đất còn có thể là U, Mẹ, Núi, Non (1).

Nếu các nhà nghiên cứu của chúng ta tiếp tục các nỗ lực về nguồn không mệt mỏi, tôi tin rằng họ sẽ sớm chứng minh được từ Lạc, Nác và Đạ cũng như Đak có một mẫu số chung là nền văn hóa tiền Việt Nam. Xin được nêu ra ở đây một giả thuyết: không đơn giản Lạc / Nác / Đạ / Đak nói về nước, về sông, suối. Có thể chúng còn mang một nghĩa rộng hơn, trừu tượng hơn đó là Xứ Sở tương tự như Nưgar, Negeri. Do đó Đà Lạt, trái tim của Tây Nguyên là gì nếu không phải "Xứ sở của người Lạch thuộc dân tộc Kơ Ho, hậu duệ của một trong năm mươi người con lên núi cùng bà mẹ cao quí Âu Cơ". Và thật tuyệt vời Đà Lạt lại chính là một tên gọi giúp chúng ta chứng minh nghĩa của Lạc Việt là Xứ sở của người Việt.

2. Lễ hội hoa hay festival hoa

"Hoa nghĩa là gì?", một người bạn Nhật đang học tiếng Việt đã chỉ vào những cánh phướn sặc sỡ có dòng chữ Festival Hoa và hỏi tôi. Cái tên gọi nửa Tây - nửa Ta ấy còn vô duyên hơn rất nhiều công trình dành cho Lễ hội hoa 2005 vẫn dang dở bê tông, cát đá, xi măng, sắt thép trên thảm đất đỏ nhoèn nhoẹt dưới mưa phùn.

Cái khó của những lễ hội Việt Nam là làm sao vừa tôn vinh truyền thống dân tộc, vừa hài hòa với hiện đại. Song le, trên mảnh đất Lâm Viên này sự xung khắc giữa truyền thống thiểu số bản địa và ký ức Pháp thuộc lại hé mở nhiều khía cạnh cần xem xét cẩn trọng.

Nguồn gốc mỹ danh "Thành phố hoa" bắt đầu từ một bài báo của P. Munier trên Tạp chí Đông Dương (1941): "Ở bên phải tôi một lọ lớn cắm hoa Glay-ơn tuyệt đẹp. Ở bên trái tôi là nhũng đóa hoa Cẩm chướng xinh tươi như ở Pháp. Trong một lọ hoa khác là vài nhành Địa lan màu vàng tôi vừa hái trong rừng. Trước cửa sổ sáu cành hoa Mimosa đong đưa trong gió. Ba đóa hoa Cẩm tú cầu như ba khối tròn mà xanh biếc đặt trên lò sưởi chờ cắm vào bình. Đà Lạt là như vậy đó! Trước hết Đà Lạt là xứ sở của hoa..."(2).

Sau năm 1954, dưới trào Chủ tịch hội đồng thị xã Nguyễn Vỹ, cuộc cách mạng Việt hóa các địa danh Đà Lạt nói riêng và cao nguyên Lâm Viên nói chung, diễn ra rộng khắp. Tên danh nhân và những vùng đất lịch sử - văn hóa nước Việt thay thế dần tên Pháp: Duy Tân, Hàm Nghi, (Hồ) Xuân Hương, Vạn Kiếp... Các phương ngữ bản địa thì biến thành Việt âm: Langbian thành Lâm Viên, Djilinh thành Di Linh, B'lao thành Bảo Lộc...

Việc dịch xuôi tiếng Pháp như Bois d' Amour là Rừng Ái Ân, Vallée d' Amour là Thung lũng Tình yêu, Lac du cité Decoux (Hồ Đờ Cu - tên một viên toàn quyền Đông Dương) thành Hồ Vạn Kiếp, là hoàn toàn chính đáng. Đây là nỗ lực lớn lao của con người Đà Lạt nhằm phi thực dân hóa mảnh đất vạn xuân này. Mặc dù ít nhiều trong dân gian, vẫn không thiếu kẻ vọng ngoại, họ thích gọi hoa cúc là Marguerite, gọi du thuyền Thiên nga là Pedalo... chắc là cho oai!

Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất lại xảy ra với quá trình Việt hóa ngôn ngữ bản địa. Về khía cạnh nào đó, nó không khác kiểu tái lập thực dân. Thật vậy, tất cả các tên gọi bản địa đều mang những dấu tích văn hóa lịch sử của đồng bào dân tộc nơi đây. Chẳng hạn Langbian là ngọn núi do thần Lơm Biêng xây đắp làm trụ chống trời; Cam ly (tên thác) vốn là tên một tù trưởng dân tộc Cil, K' Mly; Prenn (tên đèo) nghĩa là vùng lấn chiếm từng ghi dấu chân của các chiến binh vương quốc Chămpa thế kỷ 17 .v.v..

Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã từng xót xa vì không tìm ra gốc tích các địa danh, nhân danh thời Hai Bà Trưng hoặc trước nữa vì nó đã bị kí âm bằng Hán tự (do chúng ta không có chữ viết), như Mê Linh (có lẽ là M'linh, tương tự như trường hợp Djilinh - Di Linh), Trưng Trắc, Trưng Nhị... Lẽ nào bài học ấy không thể được nhìn nhận lại trong cách hành xử văn hóa của chúng ta với đồng bào thiểu số Tây Nguyên hôm nay?

"Festival hoa" hay "Lễ hội hoa" về nghĩa cũng như nhau cả thôi, nhưng nó cho thấy cách nhìn và những giới hạn của người tổ chức. Mong lắm sự cân nhắc có chiều sâu văn hóa dân tộc và bản địa, ở từng sự kiện Việt Nam muốn vươn ra tầm khu vực và thế giới, đó chính là một phần bản sắc riêng biệt nơi ta mà bè bạn mong thấy.

Thung lũng Đa Thiện,
Đà Lạt 12.2005
Chú thích

(1) Xin xem thêm, cùng một tác giả: "Một cách tiếp cạn những vấn đề cổ sử Việt Nam"

(2) Theo Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt năm xưa, Cty VH TH Lâm Đồng, 1993.



 [  Trở Về  ]