佛 ; S, P: buddha; T: sangs rgyas;
Dạng viết tắt của chữ Phật-đà, dịch âm của từ Buddha ra Hán ngữ, cũng được gọi là Bụt-đà, Bụt, dịch nguyên nghĩa là Bậc giác ngộ, Giác giả. Danh từ Phật có nhiều nghĩa:
1. Phật là người đã dứt khỏi Luân hồi (s: saṃsāra), đạt Giác ngộ hoàn toàn, đạt giải thoát (Niết-bàn). Nội dung quan trọng nhất của giáo pháp giác ngộ là Tứ diệu đế. Phật là người đã vượt qua mọi tham Ái (s: tṛṣṇā; p: taṇhā), là người biết phân biệt hay dở tốt xấu nhưng tâm không vướng mắc vào các phân biệt đó. Sau khi chết, một vị Phật không còn tái sinh.
Người ta phân biệt hai quả vị Phật: Ðộc giác Phật (s: pratyeka-buddha), là người hoàn toàn giác ngộ, nhưng không giáo hóa, và Tam-miệu Tam-phật-đà, dịch ý là Bậc Chính đẳng chính giác, (s: samyak-saṃbuddha) là người giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Một vị Tam-miệu Phật là một vị đạt Nhất thiết trí (s: sarvajñatā), Mười lực (s: daśabala), chứng Bốn tự tín. Vị Phật của thời đại chúng ta là Thích-ca Mâu-ni. Ðức Thích-ca – một nhân vật lịch sử có thật – không phải là vị Phật đầu tiên và duy nhất. Trong những kinh Tiểu thừa nguyên thủy, người ta đã nhắc các vị Phật trong các thời đại trước: Tì-bà-thi (s: vipaśyin; p: vipassi), Thi-khí (s: śikin; p: sikhī), Tì-xá-phù (s: viśvabhū, p: vessabhū), Ca-la-ca-tôn-đại (s: krakuccanda, p: kakusandha), Câu-na-hàm (s, p: konagāmana) và Ca-diếp (s: kāśyapa, p: kassapa). Vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai để tiếp tục hoằng pháp là Di-lặc (s: maitreya, p: metteyya). Trong kinh sách, người ta còn nhắc đến 13 vị Phật khác mà vị quan trọng nhất là Nhiên Ðăng (s, p: dīpaṅkara). Trong thời quá khứ, Phật Thích-ca là người tu khổ hạnh mang tên Thiện Huệ (sumedha), đệ tử của Nhiên Ðăng Phật. Lịch sử các vị Phật được ghi trong Tiểu bộ kinh (p: khuddaka-nikāya).
Bắt đầu con đường tiến lên Phật quả, một vị Bồ Tát phát nguyện trước một vị Phật, quyết tâm thành đạo giác ngộ. Trải qua vô lượng kiếp, vị Bồ Tát đó thực hành mười hạnh Ba-la-mật-đa. Trước khi sinh lần cuối, vị đó thường giáo hóa ở cung trời Ðâu-suất (s: tuṣita). Khi sinh lần cuối vị Phật sẽ mang trong người Ba mươi hai tướng tốt, 80 vẻ đẹp khác cũng như đã đạt 37 Bồ-đề phần. Các vị Phật khi sinh ra thì mẹ của các Ngài sẽ chết bảy ngày sau đó. Lúc lớn lên, đến thời kì thích hợp, các vị Phật sẽ sống không nhà và sau khi giác ngộ sẽ thành lập Tăng-già. Lúc đức Phật nhập Niết-bàn là cũng là lúc chấm dứt quá trình đạt đạo.
2. Nhân vật lịch sử Thích-ca Mâu-ni. Ngài sinh năm 563 trước Công nguyên, con trai của một tiểu vương của dòng họ Thích-ca (s: śākya), ngày nay thuộc nước Nepal, gần Hi-mã-lạp sơn. Tên thật Ngài là Tất-đạt-đa (s: siddhārtha), thuộc họ Cồ-đàm (s: gautama; p: gotama), vì vậy cũng có người gọi là Phật Cồ-đàm. Sau quá trình tu hành đạt đạo, Ngài mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni – »Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca.« Nhằm phân biệt đức Phật lịch sử với Phật tính (xem phần 3), người ta nên gọi rõ là Phật Thích-ca.
3. Phật tính, được xem là gốc của mọi hiện tượng; mọi hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. Nếu phái Tiểu thừa chỉ công nhận mỗi thời đại chỉ có một vị Phật, và vị này là phải là một nhân vật lịch sử và là đạo sư giáo hóa, thì phái Ðại thừa cho rằng có vô số đức Phật được biểu hiện khác nhau. Theo quan điểm Ba thân (s: trikāya) của Ðại thừa thì Phật tính biểu hiện qua ba dạng chính và mỗi dạng Phật biểu hiện một tính chất của Chân như.
Các dạng siêu việt của Phật tính, Chân như (xem Phật gia) được kể là các vị Phật A-di-đà, Ðại Nhật, Bảo Sinh, Bất Ðộng, Bất Không Thành Tựu, Kim cương Tát-đóa. Các vị này là thầy của các vị Bồ Tát và là giáo chủ của các Tịnh độ. Các dạng Phật-đà siêu việt của Chân như đều có tính chất siêu thế gian, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, toàn năng, vô lượng thọ. Theo quan điểm Ba thân thì Báo thân Phật (s: saṃbhogakāya) chính là hình ảnh lí tưởng của các vị Bồ Tát tự tạo nên để theo đó mà tu học. Báo thân lại chính là Chân tâm của Ứng thân (hay Hóa thân; s: nirmāṇakāya), là thân của Phật có dạng con người sống trên địa cầu. Khoảng năm 750 sau Công nguyên, sau khi Kim cương thừa ra đời thì trong các trường phái Ðại thừa cũng chấp nhận ngoài Pháp thân (dharmakāya) có thêm năm vị Phật chuyển hóa từ Pháp thân đó, được gọi là Ngũ Phật hay Phật gia, vì mỗi một vị Phật đó được xem có thêm một vị Phật lịch sử (từng sống trên địa cầu) và một vị Bồ Tát đi kèm: 1. Cùng với Phật Ðại Nhật là vị Ca-la-ca-tôn-đại (s: krakuccanda) và Bồ Tát Phổ Hiền (s: samantabhadra), 2. Cùng với Phật Bất Ðộng (s: akṣobhya) là vị Ka-na-ca Mâu-ni (s: kanakamuni) và Bồ Tát Kim Cương Thủ (s: vajrapāṇi), 3. Cùng với Phật Bảo Sinh là vị Phật lịch sử Ca-diếp (s: kāśyapa) và Bồ Tát Bảo Thủ (s: ratnapāṇi), 4. Cùng với Phật Bất Không Thành Tựu là vị Phật Di-lặc và Bồ Tát Phổ Chùy Thủ (s: viśvapāṇi), 5. Cùng với Phật A-di-đà là đức Thích-ca Mâu-ni và Bồ Tát Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara).
4. Một khái niệm chỉ cái tuyệt đối, cuối cùng của thế giới. Thể này nằm ngoài mọi suy luận, không thể nghĩ bàn, là bản thể không hề biến hoại của Phật tính.«