HomeIndex

Ái

; S: tṛṣṇā; P: taṇhā; nghĩa là »ham muốn«, »sự thèm khát«;

Khái niệm quan trọng của đạo Phật. Ái chỉ mọi ham muốn xuất phát từ sự tiếp xúc của giác quan với đối tượng của giác quan đó. Cần hiểu rằng, con người gồm có năm giác quan thông thường và ý (khả năng suy nghĩ, ý nghĩ, xem Lục căn) là sáu. Vì vậy Ái bao gồm hai lĩnh vực: vật chất và tinh thần. Sự tham muốn đó biểu lộ bằng tâm vướng bận và đó chính là Khổ (s: duḥkha), là nguyên do tại sao loài hữu tình cứ mãi trôi nổi trong Vòng sinh tử. Muốn thoát khỏi Ái, người ta cần phòng hộ các giác quan (Nhiếp căn), không để cho thèm khát và ham muốn nổi lên, nhờ đó có thể chấm dứt cái khổ.

Có nhiều cách phân loại Ái: 1. Dục ái (欲 愛; s: kāmatṛṣṇā), Hữu ái (有 愛; s: bhavatṛṣṇā) và Phi hữu ái (非 有 愛; hoặc Ðoạn ái, ái muốn tiêu diệt, s: vibhavatṛṣṇā). Ba loại ái này là nội dung của chân lí thứ hai (tập đế) trong Tứ diệu đế; 2. Dựa trên giác quan, người ta phân biệt ái thuộc sắc, thanh âm, mùi thơm, vị ngon ngọt, tiếp xúc và tư tưởng; 3. Dựa trên Ba thế giới có thứ Ái thuộc dục giới, Ái thuộc sắc giới (色 愛; sắc ái; s: rūpatṛṣṇā) và vô sắc giới (無 色 愛; vô sắc ái; s: arūpatṛṣṇā).

Trong Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda), Ái do Thụ (; s: vedanā) sinh ra, và bản thân Ái lại sinh ra Thủ (; s: upādāna).

Trong giai đoạn Phật giáo nguyên thủy, người ta tin rằng Ái là nguyên nhân duy nhất của khổ và vì vậy xem nó là nguyên nhân của sinh tử, Luân hồi. Về sau, người ta thấy rằng thoát khỏi Ái chưa đủ mà cần phải dứt bỏ sự chấp Ngã (Vô ngã) mới được giải thoát. Ngã là gốc của Ái vì nếu xem Ngã là một thể tồn tại độc lập thì mọi thứ liên quan đến Ngã đều dễ sinh ra Ái. Người ta tiến đến giải thoát bằng tri kiến »cái này không phải là ta, cái này không phải của ta« và như thế, Ái tự hoại diệt.