俱 舍 宗; J: kusha-shū;
Một phái Phật giáo Trung Quốc, lấy A-tì-đạt-ma câu-xá luận làm cơ sở. Câu-xá luận do Thế Thân (s: vasubandhu) soạn, được Chân Ðế (s: paramārtha) và Huyền Trang dịch ra chữ Hán. Câu-xá tông được xem là Tiểu thừa, chấp nhận mọi Pháp (s: dharma) trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều có hiện hữu.
Câu-xá tông chỉ tồn tại trong đời Ðường. Kể từ năm 793, tông này được xem như một bộ phái của Pháp tướng tông, được truyền sang Nhật trong thế kỉ thứ 7, thứ 8.
Câu-xá tông cho rằng chư Pháp chính là yếu tố của tất cả hiện hữu và chia chúng ra thành hai loại: Hữu vi pháp (s: saṃskṛtadharma) và Vô vi pháp (s: asaṃskṛtadharma). Các pháp lúc nào cũng tồn tại (Nhất thiết hữu bộ) nhưng các tướng mà chúng tạo ra đều Vô thường, biến chuyển.
Các pháp hữu vi (72 pháp) được Câu-xá tông chia làm bốn nhóm: 1. Sắc, 11 pháp; 2. Thức, 1 pháp; 3. Tâm sở (s: cetasika), 46 pháp; 4. Tâm bất tương ưng hành pháp, nghĩa là chẳng thuộc tâm mà cũng chẳng thuộc vật, 14 pháp, trong đó có sinh, trụ, diệt... Ðược xếp vào vô vi pháp có ba loại: 1. Trạch diệt (s: pratisaṃkhyā-nirodha); 2. Phi trạch diệt (s: apratisaṃkhyā-nirodha) và 3. Hư không (s: ākāśa). 75 pháp trên có liên hệ với nhau về nhân quả và sự quan hệ này lại được chia ra 6 nhân (nguyên nhân), 4 duyên và 5 quả.