HomeIndex

Huyền Trang

玄 奘 ; C: xuánzhuǎng; 600-664; còn mang danh hiệu là Tam Tạng Pháp sư, là người tinh thông cả ba tạng, Tam tạng;

Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) ra tiếng Hán. Sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (c: fǎxiàng-zōng), một dạng của Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc.

Sư du hành 16 năm (629-645) Ấn Ðộ, lưu lại học tại Na-lan-đà và thăm viếng tất cả các di tích Phật giáo quan trọng. Cuộc hành trình này được ghi trong Ðại Ðường Tây vực kí, giúp hậu thế hiểu nhiều lịch sử Ấn Ðộ trong thế kỉ thứ 7. Sau khi trở lại Trung Quốc, Sư bắt tay vào công trình dịch các tác phẩm của Duy thức tông và các kinh luận khác sang Hán ngữ, như bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitāsūtra) gồm 600 tập; Du-già sư địa luận (s: yogācārabhūmi-śāstra), Nhiếp Ðại thừa luận (s: mahāyāna-saṃgraha) của Vô Trước (s: asaṅga), A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhidharmakośa-śāstra), Duy thức tam thập tụng (s: triṃśikāvijñāptimātratāsiddhi) và Duy thức nhị thập tụng (viṃśatikāvijñāptimātratāsiddhi) của Thế Thân (s: vasubandhu). Sư cũng là tác giả của bộ luận Thành duy thức (s: vijñāptimātratāsiddhi), trong đó Sư tổng kết quan niệm Mười đại luận sư của Duy thức tông. Ðó là bộ luận bao gồm đầy đủ giáo lí của học phái này.

Huyền Trang sinh tại Hồ Nam. Năm lên 13 tuổi Sư đã xuất gia và Thụ giới cụ túc năm 21 tuổi. Sư tu học kinh sách Ðại thừa dưới nhiều giảng sư khác nhau và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Ðây là lí do chính thúc đẩy Sư lên đường đi Ấn Ðộ để tự mình tìm hiểu và năm 629, Sư rời Trường An. Năm 631, Sư đến Kashmir, năm 633 mạo hiểm tìm đến các dấu tích Phật như Ca-tì-la-vệ, Giác Thành và cuối cùng tìm đến đại học Phật giáo Na-lan-đà và được Giới Hiền (s: śīlābhadra) truyền Pháp môn Duy thức. Hai năm sau, Sư rời Na-lan-đà đi Tích Lan, rồi lại trở về Na-lan-đà học tiếp triết học Ấn Ðộ. Danh tiếng của Sư trở nên lừng lẫy, nhiều vua chúa mời Sư giảng dạy. Sư là người biện luận giỏi, nhiều lần thắng đại diện của Tiểu thừa cũng như phái Bà-la môn. Năm 645 Sư trở về Trường An và mang theo 520 bộ kinh sách của Tiểu thừa và Ðại thừa về Trung Quốc. Những năm sau đó, Sư tập trung dịch kinh và dịch được 75 bộ. Vì thông cả văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) nên Sư cũng dịch ngược lại Ðạo đức kinh của Lão TửÐại thừa khởi tín luận (s: mahāyānaśraddhotpāda-śāstra) sang Phạn ngữ (vì nguyên bản Phạn đã thất truyền). Ðặc điểm của các bản dịch của Huyền Trang là trình độ văn chương rất cao và rất chính xác. Sư là người có công trong việc đưa vào tiếng Hán một loạt thuật ngữ Phật giáo quan trọng.

Vào thế kỉ thứ 16, dựa vào chuyến Tây du của Huyền Trang, bộ Tây du kí của Ngô Thừa Ân ra đời, trong đó Huyền Trang có tên là Tam Tạng, mang nhiều tình tiết li kì hấp dẫn người đọc.