老 子 ; C: lǎozǐ; tk. 6 (?) trước Công nguyên, cũng được gọi là Lão Ðam;
Một trong hai vị hiền triết nổi danh nhất của Ðạo giáo song song với Trang Tử. Sử kí viết rằng, Lão Tử người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ, xóm Khúc Nhân (Hồ Nam bây giờ). Ông họ Lí, tên Nhĩ, tự Ðam. Trong tất cả những tác phẩm triết học người ta đều gọi ông là Lão Tử hoặc Lão Ðam.
Theo nguồn tài liệu trên thì Lão Ðam giữ kho sách của nhà Châu và trong thời gian này ông có dịp gặp Khổng Tử. Cuộc gặp gỡ này thường được nhắc lại nhưng không thể xem là một sự kiện lịch sử. Thấy nước Châu suy, ông bỏ ra đi. Ðến cửa quan phía Tây, vị quan coi cửa là Doãn Hỉ biết ông sắp ẩn tích bèn cầu xin chỉ dạy. Thế là ông viết một quyển sách với khoảng 5000 chữ nói về Ðạo và đức, sau được gọi là Ðạo đức kinh, và sau đó đi mất tích.
Theo truyền thống thì Lão Tử là tác giả của Ðạo đức kinh nhưng các nhà nghiên cứu sau này đều nhất trí rằng, quyển sách này không thể ra đời trước thế kỉ thứ 4, 3 trước Công nguyên và vì vậy không phải là tác phẩm từ tay Lão Tử.
Theo Tư Mã Thiên, tác giả của Sử kí, thì Lão Tử trau dồi đạo đức; học thuyết của ông cốt ở chỗ dấu mình, ẩn danh. Quan niệm này được nêu rõ trong cuộc gặp gỡ giữa ông và Khổng Tử (bản dịch của Nguyễn Duy Cần): »Khổng Tử đến Châu, hỏi Lễ. Lão Tử nói: ›Lời nói của ông là lời nói của những kẻ xương tàn cốt rụi. Vả, người quân tử đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì tay vòn nón lá mà đi chân. Ta nghe rằng, kẻ buôn giỏi khéo giữ của quí như không có gì, người quân tử đức thạnh, dung mạo dường như kẻ ngu. Họ khác với cái kiêu khí và đa dục của ông, sắc thái và dâm chi ấy không ích gì cho thân ông cả. Tôi sở dĩ bảo chô ông biết có bấy nhiêu thôi.‹ Khổng Tử về bảo đệ tử: ›Chim, ta biết nó bay thế nào; cá, ta biết nó lội làm sao; thú ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy thì ta có lưới bắt nó; cá lội thì ta có dây câu ví nó; chim bay thì ta có bẫy gài nó. Chí như con rồng, thì ta không biết nó theo mây theo gió mà bay lượn như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con rồng!‹«
Các Lão gia sau này đã tôn thờ Lão Tử, gọi ông là Thái Thượng Lão Quân, Ðạo Ðức Thiên Tôn. Ông được xem là người sáng lập Ðạo giáo. Nhiều huyền thoại về ông cũng được lưu lại. Việc mất tích của ông được các Lão gia giảng rằng, ông sang Ấn Ðộ gặp đức Phật và thâu nhận Phật làm đệ tử. Thuyết này được các Lão gia nêu ra trong những cuộc tranh luận với các vị tăng nhà Phật sau này.
Ðạo đức kinh bao gồm 81 chương ngắn, trong đó 37 chương đầu nói về »Ðạo«, 44 chương sau nói về »Ðức.« Nội cung của quyển sách này cũng không nhất quán bởi vì nó cũng chứa đựng những quan niệm triết lí khác song song với triết lí Ðạo giáo. Quan niệm trung tâm của quyển sách này – ngoài đạo và đức nêu trên – là vô vi, tức là làm mà không có tác ý (Bất hành nhi hành). Tư tưởng của Lão Tử cũng được các vị Cao tăng Trung Quốc hấp thụ và giảng trình theo cách nhìn của nhà Phật.