Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vào thiền »» Thiền trong cuộc sống »»

Vào thiền
»» Thiền trong cuộc sống

Donate

(Lượt xem: 4.405)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Vào thiền - Thiền trong cuộc sống

Font chữ:


Đến đây, chúng ta đã biện luận khá nhiều về thiền trong một nỗ lực vận dụng ngôn ngữ nhằm biểu đạt hoặc hé mở đôi chút hiểu biết về thiền. Như đã nói, điều này thật ra chỉ là một việc gượng làm, khi không có chọn lựa nào khác. Bởi vì đối với một số người trong chúng ta, giai đoạn tìm hiểu này có vẻ như tất yếu phải trải qua trước khi có thể đặt được niềm tin vào những gì sẽ làm.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải luôn nhớ rằng, qua lăng kính của ngôn ngữ, thiền không còn thực sự là thiền nữa, và những gì chúng ta nắm hiểu được về thiền qua phương thức này tất yếu phải có những giới hạn và sai lệch nhất định. Nhưng nếu đây là cửa ngõ thích hợp có thể giúp người bước chân vào thiền, chúng ta đành sẽ phải chấp nhận với sự tỉnh táo nhận biết những nguy hiểm của con đường đang đi.

Thật ra, thiền chê bỏ mọi phương tiện, ngay cả những phương tiện trong lãnh vực tri thức. Thiền trước hết và trên hết là một sự rèn luyện và trải nghiệm tự thân trong cuộc sống, không phụ thuộc vào bất cứ sự luận giải nào. Bởi vì mọi sự luận giải đều chỉ là uổng phí thời gian và công sức, không bao giờ dẫn đến mục đích nhận hiểu cuối cùng. Kết quả có được từ những sự luận giải, như đã nói, bao giờ cũng là những hình ảnh sai lệch và méo mó về thực tại. Những kinh nghiệm chính xác bao giờ cũng phải có được ngay từ trong cuộc sống này. Khi bạn muốn hiểu thế nào là vị ngọt của đường, bạn không thể dựa theo những miêu tả dẫn dụ dài dòng. Điều đơn giản nhất là hãy cho một ít đường vào miệng, và điều đó rõ ràng có giá trị hơn bất cứ ngôn từ nào khác.

Một nguy cơ khác nữa của việc đến với thiền qua những phương tiện dẫn dụ là sự nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Thiền hay nhắc đến ví dụ “ngón tay và mặt trăng” để chỉ cho việc này. Ngón tay là yếu tố cần thiết để giúp ta biết được mặt trăng nằm về hướng nào, nhưng sẽ là một thảm họa cho người muốn tìm mặt trăng nếu như không thể rời mắt khỏi ngón tay! Hơn thế nữa, chúng ta có thể cảm thấy thật buồn cười nếu như có ai đó lầm tưởng ngón tay là mặt trăng, nhưng trong thực tế thì chuyện buồn cười này đã xảy đến với không ít người. Và nếu bình tĩnh xét kỹ lại, bản thân mỗi chúng ta có thể cũng đã có không ít lần rơi vào những tình huống sai lầm tương tự mà không hề hay biết. Khi không có sự tỉnh táo nhận biết, chúng ta thường không chấp nhận bất cứ thay đổi nào làm khuấy động tâm trạng tự mãn của mình, cho dù điều đó là cần thiết để giúp ta vươn lên một tầm cao mới.

Tất cả những quyển sách viết về thiền đều không thể đi quá giới hạn của ngón tay. Nỗ lực của người viết là vận dụng mọi cách có thể được để làm cho ngón tay trở nên thật dễ dàng nhìn thấy đối với người đọc. Nhưng nếu những cung cách mô tả, diễn đạt được thực hiện rất thành công, cũng sẽ có không ít người nhận lấy ngón tay là mặt trăng. Điều này đã xảy đến cho khá nhiều tác phẩm trong thiền tông, khi có rất nhiều người đọc thuộc lòng những cách diễn đạt trong tác phẩm và xem đó như là những chỗ sở đắc về thiền!

Mặt khác, khi tiếp cận với thiền từ góc độ siêu hình, một số người có thể cảm thấy phần nào khó hiểu vì điều đó đòi hỏi đi kèm theo với khả năng phân tích nghiên cứu hay quán sát nội tâm. Và chúng ta hoàn toàn có thể đến với thiền từ một góc độ khác đơn giản hơn, và thật ra cũng là gần gũi hơn với bản chất thực sự của thiền.

Khi được hỏi “Thế nào là đạo?”, ngài Nam Tuyền đã trả lời: “Tâm bình thường là đạo.” (平常心是道。- Bình thường tâm thị đạo.)

Tất cả những gì cần nhắm đến chỉ là một “tâm bình thường”. Nói cách khác, đạo không là gì khác hơn sự hiện hữu bình thường của chính chúng ta trong cuộc sống này, một sự hiện hữu không bị xáo động bởi các yếu tố đến từ bên ngoài, và do đó luôn ở trong trạng thái an ổn, tự tin và chân thật. Đây chính là cốt lõi của thiền, và chính từ ý nghĩa này mà thiền không bao giờ tách rời khỏi cuộc sống bình thường.

Điều mà thiền trực tiếp nhắm đến chính là cuộc sống này, không thông qua sự cầu nguyện ở bất cứ một đấng tối cao nào, cũng không thông qua bất cứ yếu tố nào có thể làm xáo động một nếp sống bình thường. Mục tiêu của thiền là trực nhận cuộc sống này trong điều kiện bình thường diễn ra mỗi ngày. Thiền không hàm chứa bất kỳ một sự phi thường hay bí ẩn nào.

Khi ta hiện hữu giữa cuộc sống bình thường, đọc sách, uống trà, nghe nhạc... thực hiện những công việc của một ngày bình thường, hay nhìn lên một áng mây trôi qua bầu trời... tất cả những điều ấy đều có thể là sự thực hành thiền. Và nếu bạn làm được như thế, bạn đang sống với thiền. Không cần thiết phải có thêm bất cứ sự phân tích, luận giải nào. Có thể bạn không biết phải giải thích thế nào, không thể nói ra được là vì sao, nhưng khi mặt trời lên thì cả thế giới quanh ta như nhảy múa trong niềm vui, trong khi tâm hồn ta cũng tràn ngập niềm vui và sự an ổn. Sự trực nhận thiền chỉ có thể xảy ra ngay tại đây và vào lúc này!

Khi Lương Võ Đế hỏi tổ Bồ-đề Đạt-ma: “Đối diện với trẫm là ai?” (對朕者誰 - Đối trẫm giả thùy?) Tổ sư đáp: “Không biết.” (不識 - Bất thức.)

Câu trả lời hoàn toàn đơn giản và trực tiếp đến mức không sao có thể đơn giản và trực tiếp hơn được nữa. Không phải vì tổ sư không muốn giải thích mình là ai hoặc muốn tránh mọi sự tranh luận về ngôn ngữ như cách hiểu của một số người. Chỉ đơn giản là vì ngài đang là chính ngài và không thể là bất cứ ai khác, nên không thể biết được câu trả lời cho câu hỏi “là ai”.

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng (南嶽懷讓 - 677-744) lần đầu tiên đến tham bái Lục Tổ Huệ Năng. Khi đang bước đến, Tổ sư liền hỏi: “Vật gì đang đến đó?” (什麼物恁麼來- Thậm ma vật nhậm ma lai?)

Nam Nhạc trả lời: “Nói tương tợ như một vật là không đúng.” (說似一物即不中 - Thuyết tự nhất vật tức bất trúng.)

Cách nhìn nhận về tự thân của ngài Nam Nhạc cũng không khác với câu trả lời “không biết” của tổ Đạt-ma.

Một hôm, thiền sư Duy Nghiễm đang ngồi. Thầy của ngài là thiền sư Thạch Đầu đi qua trông thấy liền hỏi:

- Con ở trong đó làm gì? (汝在遮裏作麼。- Nhữ tại già lý tác ma?)

Duy Nghiễm trả lời:

- Không làm gì cả. (一切不為。- Nhất thiết bất vi.)

Thạch Đầu liền nói:

- Như thế là ngồi yên nhàn rỗi vậy. (恁麼即閑坐也。- Nhậm ma tức nhàn tọa dã.)

Duy Nghiễm đáp:

- Nếu bảo ngồi yên nhàn rỗi là có làm rồi vậy. (若閑坐即為也。- Nhược nhàn tọa tức vi dã.)

Thạch Đầu hỏi tiếp:

- Con nói không làm, vậy không làm đó là ai? (汝道不為, 且不為箇什麼。- Nhữ đạo bất vi, thả bất vi cá thậm ma?)

Duy Nghiễm thưa:

- Ngàn vị thánh cũng không biết.” (千聖亦不識。- Thiên thánh diệc bất thức.)

Không có gì bí ẩn trong câu trả lời của ngài Duy Nghiễm, nếu ta nhớ lại hai ví dụ đã nêu trên. Thực tại được nêu lên một cách đơn giản và thẳng tắt đúng như nó đang hiện hữu. Sự khó hiểu chính là ở về phía chúng ta, vì đã không tiếp cận với vấn đề theo phương cách trực nhận tối giản như Bồ-đề Đạt-ma hoặc Duy Nghiễm, khi các ngài đưa ra những phát biểu như trên. Ngược lại, nếu có sự tương đồng về mặt tâm thức, chúng ta sẽ thấy đây là những phát biểu đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa.

Vì thế, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điều là thiền luôn tránh xa các khái niệm trừu tượng hay những biểu tượng xa vời, những biện thuyết phức tạp. Ngay cả những khái niệm rất quen thuộc như Phật, Thánh, Bồ Tát... cũng không có chút giá trị thực sự nào, vì chúng vẫn chỉ là những từ ngữ và khái niệm không hơn không kém. Chúng ta không thể đạt đến sự giải thoát tâm thức hay bất cứ giá trị tâm linh nào nhờ vào những danh từ và khái niệm ấy. Và vì thế, thiền xác quyết rằng giá trị thực sự của thiền cũng không thể được tạo ra bởi những từ ngữ và khái niệm. Ngược lại, chúng còn bóp méo, làm sai lệch đi những giá trị thực sự mà lẽ ra ta hoàn toàn có thể trực nhận được.

Vì thế, một trong những điều quan trọng mà người mới bước vào thiền cần lưu ý là phải luôn luôn cảnh giác với ngôn ngữ và khái niệm. Khi một thiền sư được hỏi “Phật là gì?”, người có thể trả lời theo rất nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung đều nhắm đến việc loại bỏ sợi dây trói khái niệm cho người học.

Có thể dẫn ra đây trường hợp của thiền sư Động Sơn chẳng hạn. Khi được hỏi “Phật là gì?”, ngài đáp: “Ba cân mè.” (麻三斤 - Ma tam cân.)

Trong tập Vô Môn Quan, thiền sư Vô Môn có bài tụng về chuyện này như sau:

Mè vụt đưa ba cân,
Lời gần, ý thêm gần.
Người đến phân phải quấy,
Chính kẻ mang lòng trần.

突出麻三斤
言親意更親 
來說是非者
便是是非人

Đột xuất ma tam cân,
Ngôn thân ý cánh thân.
Lai thuyết thị phi giả,
Tiện thị thị phi nhân.

Hỏi như thế, đáp như thế, nhận xét như thế! Nếu không thấy được dụng ý của thiền sư, hẳn người đọc phải cho rằng đây là những câu đối đáp đầy bí ẩn, khó hiểu. Nhưng nếu hiểu được, thì quả thật là lời đã gần mà ý càng gần hơn nữa!

Do đó, cách duy nhất để hiểu được những lời này là phải loại bỏ được sự trói buộc của ngôn ngữ, khái niệm và đạt đến tâm thức tự do tương ứng với người đã nói ra những lời ấy.

Do tính chất thực tiễn và trực nhận, thiền không bao giờ muốn phí thời gian để vận dụng ngôn từ nhằm giảng giải luận bàn về sự việc. Những câu trả lời được đưa ra luôn ngắn gọn đến mức gần như cộc lốc, và mạnh mẽ, súc tích đến mức trở thành khó hiểu đối với những ai chưa đủ sự chuẩn bị. Một thiền sư thường chỉ đưa ra các chỉ dẫn cần thiết khi cảm nhận được sự chín mùi trong tâm thức của người tham học, tương tự như người nông dân chỉ gieo giống trên thửa ruộng đã được cày xới cẩn thận. Và những mẩu đối thoại của thiền không có giai đoạn cân nhắc, chần chừ. Tất cả được ví như tiếng vang, như hình chiếu, tức thời được đưa ra vào những thời điểm thích hợp. Nếu như chúng ta không chộp bắt được ý nghĩa của vấn đề, chúng ta không còn có cơ hội để suy tư nghiền ngẫm nhiều hơn nữa. Bởi vì nếu có lần sau thì mọi việc cũng đã hoàn toàn khác trước!

Bởi vậy, ta thường nghe trong các thiền ngữ sử dụng những miêu tả như ánh chớp, sao băng, điện xẹt... đều là để chỉ tính cách ứng đối tức thời không ngăn ngại này. Tuy nhiên, sự nhanh chóng tức thời không phải chỗ nhắm đến của thiền. Tính chất của thiền là hoàn toàn tự nhiên, vượt thoát mọi sự giả tạo do tri thức đã tạo ra, và do đó trở thành sự biểu lộ của chính bản thân đời sống không thông qua bất kỳ một cơ chế diễn dịch nào. Vì thế, thiền luôn luôn độc đáo và sống động.

Người học thiền luôn cảnh giác với sự “mê hoặc” của ngôn ngữ để không bị rơi vào sự trói buộc hoặc nhận thức sai lệch. Bài thứ 12 trong tập Vô Môn Quan kể lại câu chuyện như sau:

Hòa thượng Thoại Nham Ngạn (瑞巖彥) mỗi ngày tự gọi: “Ông chủ!” rồi tự đáp: “Dạ.” Lại nói: “Tỉnh táo nhé!” Lại đáp: “Dạ!” “Mai kia mốt nọ đừng để người ta gạt nhé!” “Dạ! Dạ!” (瑞巖彥和尚每日自喚主人公。復自應諾。乃云。惺惺著喏。他時異日莫受人瞞。喏喏- Thoại Nham Ngạn hòa thượng mỗi nhật tự hoán chủ nhân công, hậu tự ứng nặc. Nãi vân tinh tinh trước, nhạ. Tha thời dị nhật mạc thọ nhân man, nhạ nhạ.)

Thiền sư Vô Môn có bài tụng về chuyện này như sau:

Người nay học đạo chẳng biết chân,
Chỉ theo trước mắt nhận thức thần.
Cội nguồn sinh tử từ muôn kiếp,
Kẻ ngu lầm tưởng ấy nguồn chân.

學道之人不識真
只為從前認識神 
無量劫來生死本
癡人喚作本來人

Học đạo chi nhân bất thức chân,
Chỉ vi tùng tiền nhận thức thần.
Vô lượng kiếp lai sinh tử bản,
Si nhân hoán tác bản lai nhân.

Khi hiểu đúng chức năng của ngôn ngữ trong mối tương quan với thực tại, thiền vẫn vận dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, nhưng hoàn toàn không rơi vào sự “mê hoặc” của ngôn ngữ, không bị trói buộc vào những lý luận khô cứng hay khái niệm chật hẹp. Trong ý nghĩa này, có thể nói là thiền đã vượt thoát ra khỏi phạm trù ngôn ngữ, và thể hiện đúng theo tông chỉ “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”.

Vì thế, nếu chúng ta còn mang bộ óc đầy ắp tri thức và khái niệm, ta rất ít có cơ may cảm nhận được thiền. Khi ta cố gắng diễn giải ngôn ngữ của thiền bằng những lý luận, khái niệm sẵn có, ta càng đi xa những ý nghĩa thực sự của thiền. Nan-in, một thiền sư Nhật Bản sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, có lần tiếp một giáo sư đại học đến tham vấn về thiền. Nan-in lặng lẽ châm trà mời khách, và khi tách trà đã đầy, ngài vẫn tiếp tục rót mãi. Vị giáo sư nhìn tách trà chảy tràn cho đến một lúc không còn đủ kiên nhẫn để lặng thinh được nữa, ông kêu lên: “Tách trà đã đầy, xin ngài đừng rót thêm vào nữa!” Thiền sư nhìn ông và chậm rãi nói: “Giống như tách trà này, trong đầu ông cũng chứa đầy những ý tưởng và khái niệm, làm sao có thể tiếp nhận thiền?”

Với những gì đã trình bày, sẽ không ít người có thể cảm thấy thiền là một chủ đề rất khó tiếp cận, có phần xa lạ với cuộc sống bình thường này, và cho dù có vẻ như vô cùng cuốn hút nhưng lại cũng rất khó nắm bắt.

Nhưng thật ra tất cả những gì phiền toái mà cho đến nay chúng ta đã phải trải qua trong nỗ lực tiếp cận với thiền đều do chính chúng ta tự chuốc lấy. Tri thức kiến giải càng nhiều thì càng phải cần đến nhiều biện luận giảng giải, vì không như thế thì không thể xác lập niềm tin. Bởi vậy, thiền đặt trọng tâm với người bước đầu tu học chính là ở nơi sự tin nhận.

Khi Sa-di Cao đến tham vấn thiền sư Dược Sơn và chứng tỏ được chỗ đạt ngộ của mình, thiền sư Dược Sơn hỏi:

- Ngươi do xem kinh mà được hay do thưa hỏi mà được? (汝從看經得, 請益得 - Nhữ tùng khán kinh đắc, thỉnh ích đắc?)

Sa-di Cao đáp:

- Không do xem kinh được, cũng không do thưa hỏi mà được. (不從看經得, 亦不從請益得。- Bất tùng khán kinh đắc, diệc bất tùng thỉnh ích đắc.)

Thiền sư Dược Sơn lại hỏi:

- Có nhiều người không xem kinh, không thưa hỏi, vì sao lại chẳng được? (大有人不看經不請益, 為什麼不得。- Đại hữu nhân bất khán kinh, bất thỉnh ích, vi thậm ma bất đắc?)

Sa-di Cao thưa:

- Không nói họ không được, chỉ là họ không chịu tin nhận lấy. (不道他無, 只是他不肯承當。- Bất đạo tha vô, chỉ thị tha bất khẳng thừa đương.)

Người tin nhận được mới có thể trực nhận yếu chỉ của thiền. Tất cả những nỗ lực biện thuyết giảng giải cũng chỉ là vì người không chịu tin nhận mà thuyết phục, mà xóa bỏ dần đi những kiến giải đầy ắp trong “tách trà” của họ.

Với những ai có một tâm hồn nhạy cảm và ít chịu sự trói buộc của tri thức kiến giải, con đường đến với thiền có thể giản dị hơn nhiều. Cuộc sống vẫn là nền tảng cho tất cả những gì chúng ta đề cập đến. Hết thảy mọi sự biện giải chia chẻ cũng không thể đi ra ngoài đời sống. Cho dù có tinh thông những luận thuyết thâm áo đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể tránh được sự đối mặt cùng cuộc sống với bản chất thực sự của nó. Dù có hướng mắt về những vì sao xa tít tắp trên cao, chúng ta vẫn phải bước chân đi ngay trên mặt đất này. Vì thế, điểm gặp nhau của tất cả chúng ta vẫn là những vấn đề thiết thực ngay trong cuộc sống hằng ngày.

Và tất cả chúng ta đều có thể đến với thiền ngay trong cuộc sống bình thường. Một vị tăng vừa mới vào thiền viện, đến thưa với ngài Triệu Châu:

- Con mới vào chùa, xin thầy chỉ dạy. (某甲乍入叢林, 乞師指示。- Mỗ giáp sạ nhập tùng lâm, khất sư chỉ thị.)

Ngài liền hỏi:

- Ăn cháo xong chưa? (喫粥了也未。- Khiết chúc liễu dã vị?)

Vị tăng đáp:

- Ăn cháo rồi. (喫粥了也。- Khiết chúc liễu dã?)

Ngài bảo:

- Rửa bát đi. (洗缽盂去。- Tẩy bát vu khứ.)

Vị tăng nghe xong đại ngộ.

Lại ngày khác, ngài hỏi một vị tăng mới đến:
- Ngươi đã từng đến đây chưa?
Vị tăng thưa:
- Đã từng đến.
Ngài liền bảo:
- Uống trà đi.

Rồi hỏi một vị tăng khác:
- Ngươi đã từng đến đây chưa?
Vị tăng thưa:
- Chưa từng đến.
Ngài lại bảo:
- Uống trà đi.

Vị viện chủ không hiểu được, liền thưa hỏi:

- Hòa thượng vì sao: người đã từng đến, dạy uống trà đi; người chưa từng đến, cũng dạy uống trà đi?

Ngài liền gọi:
- Viện chủ!
Viện chủ đáp:
- Dạ!
Ngài bảo:
- Uống trà đi.

Triệu Châu là một trong các vị thiền sư lỗi lạc nhất, có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của Thiền tông tại Trung Hoa. Người đời sau xưng tụng rằng tất cả những gì ngài nói ra đều là châu ngọc của thiền môn. Trong cuộc đời ngài, đến 80 tuổi vẫn còn đi chưa dừng nghỉ, và giáo hóa đồ chúng cho đến phút cuối đời, thọ 120 tuổi mà vẫn an nhiên không bệnh tật. Quả là tấm gương sáng cho hậu học.

Những lời dạy của ngài Triệu Châu hàm chứa đầy thiền vị nhưng lại không quá xa vời đối với người mới bước vào thiền. Vì thế, những gì ngài đã nói ra được rất nhiều người biết đến. Chính qua những lời này mà rất nhiều người cảm nhận được tinh thần của thiền trong cuộc sống hằng ngày.

Một hôm, ngài đang quét sân, có người đến hỏi:

- Hòa thượng là bậc thiện tri thức, vì sao lại có bụi? (和尚是善知識為什麼有塵。- Hòa thượng thị thiện tri thức vi thậm ma hữu trần?)

Ngài đáp:

- Từ bên ngoài đến. (外來。- Ngoại lai.)

Ngay khi câu hỏi cố nêu lên một phạm trù lý luận siêu hình, thì ngài vẫn thản nhiên đáp lại một cách hết sức giản đơn nhưng không kém phần hàm súc. Người hỏi rõ ràng không đơn giản chỉ đề cập đến “bụi’ đang được quét trong sân, mà muốn qua đó nêu lên vấn đề phiền não tạp niệm trong tâm thức. Câu đáp của ngài Triệu Châu tuy ngắn gọn nhưng đã hoàn toàn chỉ rõ được vấn đề: tất cả những gì mà chúng ta đang nỗ lực một đời để rũ bỏ thật ra đều chỉ là những bụi bặm từ bên ngoài đến!

Vấn đề thật tánh, chân tánh hay Phật tánh là một trong những nghi vấn trọng tâm của hầu hết những người mới bước vào thiền. Bởi vì thiền tông dạy người “kiến tánh thành Phật” nên không thể không lưu tâm đến “tánh” ấy là gì. Đoạn văn sau đây sẽ cho ta thấy được cách nhìn độc đáo của ngài Triệu Châu về vấn đề này.

Có vị tăng hỏi:

- Con chó có tánh Phật hay không? (狗子還有佛性也無?- Cẩu tử hoàn hữu Phật tánh dã vô?)

Ngài đáp:

- Có. (有。- Hữu.)

Vị tăng hỏi:

- Đã có, vì sao còn chui vào trong cái túi da ấy? (既有, 為甚麼卻撞入這箇皮袋?- Ký hữu, vi thậm ma khước chàng nhập giá cá bì đại?)

Ngài đáp:

- Vì đã biết mà cố phạm vào. (為他知而故犯。- Vị dã tri nhi cố phạm.)

Lại có vị tăng khác hỏi:

- Con chó có tánh Phật hay không? (狗子還有佛性也無?- Cẩu tử hoàn hữu Phật tánh dã vô?)

Ngài đáp:

- Không. (無。- Vô.)

Vị tăng hỏi:

- Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, con chó vì sao lại không có? (一切眾生皆有佛性, 狗子為什麼卻無?- Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, cẩu tử vi thậm ma khước vô.)

Ngài đáp:

- Vì nó còn có nghiệp thức. (為伊有業識在。- Vị y hữu nghiệp thức tại.)

Cùng một câu hỏi, nhưng câu trả lời lại lúc có lúc không, và đều được nói ra từ một vị thiền sư đạt ngộ, phải chăng điều này chỉ có thể được thấy ở thiền? Tính chất ứng đối tùy theo người hỏi và tùy theo sự việc có thể nói là một đặc điểm chung của những mẩu đối thoại trong thiền môn.

Có người hỏi thiền sư Quy Sơn đã làm gì trong suốt mùa hè qua. Thiền sư trả lời: “Ngày ăn một bữa, tối ngủ ngon.”

Qua câu trả lời này, chúng ta thấy rõ thiền hiện hữu ngay trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng người đi tìm ý nghĩa của thiền lại thường phóng tầm mắt nhìn ra quá xa, và vì thế không sao thấy được. Một vị tăng tham học đã khá lâu, một hôm đến thưa với vị thầy của mình: “Con theo thầy đã lâu, sao không được chỉ dạy chỗ tinh yếu?” Thiền sư đáp: “Sao con lại nói thế? Mỗi sáng con đến chào, ta đều đáp lại; khi con bưng trà, ta nhận uống. Ngoài những điều ấy, con còn muốn ta chỉ dạy thêm gì nữa?”

Nếu đây là thiền, rõ ràng hầu hết chúng ta đều đã rời xa nó để chạy đi tìm kiếm ở những nơi không thể có! Kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống bình thường mỗi ngày lại chính là những gì mà ta vẫn tưởng là rất xa xôi và bí ẩn!

Chúng ta đã cố gắng tiếp cận với thiền từ nhiều góc độ, nhưng cho dù ta có thể gom góp rất nhiều những biện giải lý luận để nhắm đến việc hiểu được thiền, thì khía cạnh đáng nói nhất, quan trọng nhất của thiền vẫn là tính cách thiết thực ngay trong đời sống. Những bộ óc đầy tri thức kiến giải khi đến với thiền thường phải mất một thời gian rất lâu chỉ để... xóa bỏ đi những tri kiến ấy. Thiền sư Vô Môn khuyên người học thiền: “Dẹp sạch đi những chỗ thấy biết tệ hại trước kia, lâu ngày được thuần thục.” (蕩盡從前惡 知惡覺, 久久純熟。 - Đãng tận tùng tiền ố tri ố giác, cửu cửu thuần thục.)

Vì thế, giong ruổi trong khu vườn thiền mà không thấy được khía cạnh thực tiễn gần gũi với cuộc sống thường nhật, người học tất yếu sẽ còn nhiều sự dụng công sai lầm mỏi mệt. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta thấy rằng những ai thiên về cảm tính và trực giác thường có thể nói là gần gũi và dễ tiếp cận hơn với thiền. Bởi vì, đạo lý sâu xa nhất vẫn nằm ngay trong những gì mà ta cho là đơn sơ, tầm thường nhất, chỉ đơn giản là vì chúng bao giờ cũng là biểu hiện thực tế nhất của cuộc sống.

Khi sử dụng bộ óc phân tích lý luận, sự hiển lộ của thiền thường bị đẩy ra rất xa và thậm chí hoàn toàn biến mất trong lớp sương mù dày đặc của sự bí ẩn hay phức tạp. Nhưng khi buông bỏ tất cả những gì “đã biết” để đến với cuộc sống bằng một tâm thức hoàn toàn tự do và phóng khoáng, ta sẽ trực nhận được thiền ngay trong những sự việc đơn sơ nhất vì ánh sáng tỏa ra từ đó không bị che mờ bởi bất cứ điều gì.

Một thiền sư có thể đưa cây gậy trúc lên, hoặc bảo người học trò mang đến một món đồ, hoặc đơn giản hơn nữa là gọi tên người học trò... Tất cả những điều ấy là những sự kiện đơn giản nhất trong cuộc sống bình thường, nhưng có thể trở nên kỳ bí và phức tạp nhất chỉ vì chính chúng ta muốn thế! Nhưng thiền chỉ hiện diện trong ý nghĩa đơn giản nhất, vì đó mới là ý nghĩa thực sự của sự việc. Không có sự hiện hữu của thiền trong ý nghĩa kỳ bí và phức tạp, vì đó chỉ là một thứ ảo ảnh do chúng ta tạo ra.

Quốc sư Huệ Trung (慧忠 - ?-775) một hôm lên tiếng gọi thị giả. Thị giả ứng tiếng dạ. Gọi 3 lần như thế, thị giả cũng dạ 3 lần. Quốc sư nói: “Tưởng rằng ta phụ ngươi, hóa ra là ngươi phụ ta.” (將謂吾辜負汝。元來卻是汝辜負吾 - Tương vị ngô cô phụ nhữ, nguyên lai khước thị nhữ cô phụ ngô.)

Chúng ta có thể cất công đi tìm một ý nghĩa kỳ bí nào đó trong câu chuyện này. Nhưng thật ra còn có gì có thể đơn giản hơn nữa chăng? Một người gọi, một người đáp. Mỗi ngày có biết bao nhiêu lần những chuyện bình thường như thế trôi qua mà ta không hề lưu tâm đến? Nhưng nếu ngay cả những chuyện bình thường như thế mà ta không tỉnh táo nhận biết, thì ta còn mong tìm được ý nghĩa của thiền ở đâu? Quả thật có thể nói là đã phụ lòng quốc sư!

Thiền sư Vân Môn hỏi: “Thế giới rộng lớn như thế, sao nghe chuông lại mặc áo thất điều?” (世界恁麼廣闊。因甚向鐘聲裏披七條 - Thế giới nhậm ma quảng khoát, nhân thậm hướng chung thanh lý phi thất điều?)

Nghe chuông thì mặc áo thất điều, nghe tiếng bảng gỗ thì ôm bát đến trai phòng... đều là những việc thường ngày của tăng chúng. Vì sao như vậy? Ý nghĩa cốt lõi của đời sống lại không nằm ở một nơi xa vời, mà chính là ở chỗ hiểu được những gì đang xảy ra một cách tự nhiên quanh ta, ngay trước mắt ta trong hiện tại này! Bởi vì sự sống thực sự chỉ hiển lộ qua đó mà không nằm trong bất cứ một luận thuyết siêu hình hay sự phân tích chia chẻ phức tạp nào!

Nhưng tính cách đơn giản tự nhiên của thiền hoàn toàn không nên nhầm lẫn với sự buông thả phóng túng. Một cuộc sống buông thả phóng túng sẽ hoàn toàn bị lôi cuốn theo những khuynh hướng vật dục tầm thường, bất chấp những giá trị đạo đức hay tâm linh. Điều này sẽ đẩy con người đến gần hơn với những tính chất của thú vật. Bởi vì hành vi của loài thú không có sự soi rọi của những chuẩn mực đạo đức hay tâm linh, chúng không có khuynh hướng nỗ lực để cải thiện những giá trị hiện có trong đời sống hoặc nâng cao những giá trị tinh thần.

Thiền sư Thạch Củng Huệ Tạng (石鞏慧藏) là học trò Mã Tổ. Lúc trước làm nghề săn bắn, sau gặp Mã Tổ cảm hóa liền bỏ nghề săn mà cạo tóc xuất gia. Một hôm đến phiên làm việc ở nhà bếp, Mã Tổ đi qua nhìn thấy hỏi: “Ngươi làm gì đó?” (作什麼 - Tác thậm ma?), Huệ Tạng thưa: “Chăn trâu.” (牧牛 - Mục ngưu.) Mã Tổ hỏi: “Chăn như thế nào?” (作麼生牧 - Tác ma sanh mục?) Huệ Tạng thưa: “Một khi vào trong cỏ liền nắm mũi kéo trở lại.” (一迴入草去便把鼻孔拽來 - Nhất hồi nhập thảo khứ tiện bả tị khổng duệ lai.) Mã Tổ nói: “Ngươi thật là biết chăn trâu.” (子真牧牛- Tử chân mục ngưu.)

Công phu tu tập như thế không thể gọi là buông thả, mà là cả một nỗ lực chuyên cần, liên tục tỉnh thức để vươn lên sự hoàn thiện. Chúng ta nhớ lại bài thứ 12 trong tập Vô Môn Quan và có thể thấy được những nỗ lực tỉnh thức tương tự.

Có người hỏi Quốc sư Huệ Trung (慧忠) về việc tu tập như thế nào suốt trong một ngày (十二時中如何修道 - Thập nhị thời trung như hà tu đạo?), ngài liền gọi một chú tiểu đến, xoa đầu và nói: “Tỉnh táo hết sức như thế, rõ ràng hết sức như thế, về sau đừng để người ta lừa gạt.” (惺惺直然惺惺。歷歷直然歷歷。已後莫受人謾。- Tinh tinh trực nhiên tinh tinh, lịch lịch trực nhiên lịch lịch, dĩ hậu mạc thọ nhân man.) Ở đây, một tinh thần nỗ lực tỉnh thức tương tự cũng được nêu lên.

Một thiền sư được hỏi là có nỗ lực để đạt đến chân lý hay không. Ngài đáp: “Có.” Hỏi: “Nỗ lực như thế nào?” Đáp: “Đói ăn, mệt nghỉ.”

Tất nhiên, vấn đề không thể dừng lại ở đây, vì rõ ràng là người hỏi chưa thể nhận hiểu được gì. Câu hỏi tiếp theo được đưa ra:

- Tất cả mọi người đều làm như thế, có thể nói là họ cũng tu thiền chăng?

- Không.

- Tại sao?

- Khi ăn, họ không thực sự ăn mà luôn để cho những điều khác lôi kéo. Khi ngủ, họ không thực sự ngủ mà bị cuốn hút vào muôn ngàn việc khác. Vì thế mà họ không giống như ta.

Người buông thả phóng túng thực sự không có tự do. Những gì họ suy nghĩ, hành động thật ra đều do nơi ngoại cảnh tác động và sai khiến. Tính cách tự nhiên của thiền hoàn toàn không giống như thế, nó mang lại sự tự do hoàn toàn cho cả thân và tâm. Thiền không chấp nhận bất cứ sự trói buộc hay dính mắc nào, hay nói theo kinh Kim Cang thì đó là một tinh thần “vô sở trụ”.

Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存 822-908) là một trong các đệ tử xuất sắc của thiền sư Đức Sơn. Ngài đã trải qua thời gian tu học ở rất nhiều nơi, và đi đến đâu cũng nhận lấy công việc nặng nề nhất trong tăng chúng. Về sau, khi đã trở thành một bậc thầy giáo hóa đồ chúng, có vị tăng thưa hỏi rằng: “Hòa thượng ở chỗ Đức Sơn được pháp yếu gì?” Ngài đáp: “Ta đi tay không, về tay không.” Sự phóng khoáng tự do của thiền đã bộc lộ rõ trong tinh thần này, nhưng hành trạng của thiền sư cũng đồng thời cho chúng ta thấy không hề có sự buông thả giãi đãi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.60.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...