Giáo dục Phật giáo nói chung hay giáo dục Tăng Ni nói riêng đã được bắt đầu ngay khi Đức Phật quyết định chuyển bánh xe Pháp cứu độ chúng sinh. Trải qua hơn 25 thế kỷ, nhất là trong thời điểm hiện nay, thời toàn cầu hóa, Phật giáo đang phải đối đầu với nhiều thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài. Vấn đề giáo dục Tăng Ni của Phật giáo Việt Nam (PGVN) cũng theo đó mà có những thuận lợi và khó khăn khác nhau.
Thuận lợi thì ít
Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trên 2.000 năm, nên nói đến PGVN là đề cập đến dân tộc Việt Nam. Nói khác hơn, Phật giáo là đạo của dân tộc, đạo làm người của nước Việt mà hình ảnh Tăng Ni là biểu tượng cho sự mô phạm, trong sạch và thánh thiện.
Tăng Ni kế thừa gia tài Pháp bảo của Như Lai, với hành trang Giới-Định-Tuệ để gột rửa nội tâm, dấn thân hành đạo. Sự giáo dục Tăng Ni vì thế, dựa trên giới luật là chính. Mỗi Tăng Ni tu Phật đều tự ý thức hành trì lời Phật dạy hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ.
Hiện nay, hệ thống giáo dục Tăng Ni không còn hạn hẹp trong các tổ đình, tu viện nữa. Các cơ sở Phật học được xây dựng, Tăng Ni được tạo điều kiện theo học các trường Phật học ngày một đông. Một số khác được theo học các khoa, ngành thế học có liên quan, bổ túc cho Phật học.
Bên cạnh đó, Tăng Ni ngày nay còn được tiếp cận với nền khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin thành phương tiện học hỏi, trao đổi giáo lý Phật-đà. Internet đã giúp mở rộng mạng lưới giáo dục qua các chương trình Phật học “đào tạo từ xa”. Các Tăng Ni thông thạo ngoại ngữ có thể nghiên cứu giáo điển bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Chương trình giáo dục Phật giáo theo hệ thống Sơ, Trung cấp, Cao đẳng chuyên khoa và Học viện. Sau khi hoàn tất các chương trình Phật học trong nước, Tăng Ni sinh có thể học tiếp các chương trình sau đại học ở nước ngoài. Với vốn hiểu biết Phật pháp được học ở trường, nếu không theo học tiếp nữa thì Tăng Ni có thể áp dụng trong đời sống tu học thường nhật hay vào các tu viện chuyên tu.
Nhìn chung Tăng Ni trẻ ngày nay được đào tạo trường lớp, có đầy đủ điều kiện nâng cao kiến thức Phật pháp lẫn xã hội. Nếu giữ vững đạo lực, phát triển tâm linh tốt, sẽ rất thuận lợi trong việc đem đạo vào đời.
Như vậy, cùng với xu hướng phát triển chung của xã hội và sự tiến bộ của khoa học, PGVN đã có một số thuận lợi trong việc giáo dục Tăng Ni. Tuy nhiên, thuận lợi thì ít mà khó khăn lại nhiều.
Khó khăn lại nhiều
Các Tăng Ni trẻ ngày càng có xu hướng hướng ngoại và đối diện với nguy cơ bị biến chất, thế tục hóa. Trước đây, sự dạy dỗ có tính cách gia giáo, thầy trò khắng khít bên nhau như tình cha con. Thầy có bổn phận truyền đạt kiến thức cho đệ tử, huấn luyện oai nghi, nghiêm trì giới luật và giảng dạy kinh điển, truyền trao kinh nghiệm tu tập. Bằng thân giáo là chính, người thầy đã cảm hóa được đệ tử mình một cách hiệu quả. Các Phật học đường trước đây không chỉ cung cấp kiến thức Phật pháp mà còn là môi trường nội trú ứng dụng thực hành nếp sống thiền môn.
Giáo dục PGVN hiện nay theo một hình thức mới, sinh hoạt mới, mang tính xã hội hóa nhiều hơn. Tăng Ni được khuyến khích trang bị kiến thức thế học để cập nhật trình độ, và kinh điển trở thành đối tượng nghiên cứu hơn là phương thức tu tập. Các học viện, các trường Phật học không còn là những tùng lâm nội quán mà trở thành những trung tâm nghiên cứu Phật học. Giới luật có phần bị xem nhẹ.
Sự dễ dãi cho phép Tăng Ni tiếp cận quá sớm với môi trường giáo dục bên ngoài trong khi chưa mấy am tường nội điển là cơ hội cho một số Tăng Ni sau khi tốt nghiệp thế học đã trở về đời sống thế tục. Sự tu tập chưa vững chãi mà tiếp xúc nhiều quá với các duyên bên ngoài thì hạt giống thế tục dễ phát sinh.
Một bộ phận Tăng Ni trẻ đã không còn nhìn nhau qua giới hạnh tu học nữa mà qua các tiện nghi vật chất. Họ thi nhau sắm sửa bề ngoài còn bên trong nội tâm thì phó mặc. Điều này một phần cũng do từ khâu tiếp độ xuất gia quá dễ dãi, không cân nhắc kỹ khi chọn người vào đạo, cho thế phát và thọ giới mà không qua thời gian thử thách đã khiến các vị ấy không nhận thức hết ý nghĩa cũng như giá trị của việc xuất gia. Ngoài ra, một số bổn sư không mấy quan tâm đến đệ tử, xuất gia rồi phải tự tìm vào các trường Phật học, tự mưu cầu sự sống cũng như việc tu học.
Còn các vị giáo thọ, giảng viên ở các trường Phật học thì vì nhiều lý do khác nhau nên không nhiếp chúng được. Người tu Phật đòi hỏi sự thể nghiệm hơn là lý thuyết. Một vị thầy đứng lớp dạy Phật pháp thì ngoài kiến thức Phật học còn phải thể hiện sự vững chãi và thanh tịnh nội tâm, bởi thân giáo bao giờ cũng thiết thực đối với người học Phật.
Các phương thức giáo dục tuy có nâng cao nhưng chưa được chuyên môn hóa và thống nhất. Nội dung giảng dạy chưa thực sự đi sâu vào thực tiễn… Sự bất cập trong giáo trình hiện nay đã khiến các Tăng Ni sinh không thu thập được bao nhiêu kiến thức. Một số vị giáo thọ thiếu kỹ năng sư phạm học đường nên không thu hút được học chúng. Giáo trình và phương pháp giảng dạy như thế đã làm không ít Tăng Ni sinh chán nản.
Sự chú trọng quá nhiều về kiến thức khiến Tăng Ni chạy theo bằng cấp, học vị nhiều hơn là tịnh hóa thân tâm. Các trường Phật học không có điều kiện kết hợp giữa học và tu. Ban Giáo dục Tăng Ni chưa lo được giáo trình giáo án cho các trường Phật học như nhiệm vụ chính yếu của mình.
Ngoài ra, ba tháng an cư kiết hạ cũng không phát huy hết ý nghĩa tâm linh nên sự giáo dục nếu có cũng khập khiễng, nặng tính hình thức. Tăng Ni sinh không có môi trường tốt để ứng dụng lời Phật dạy nên khó tìm được an lạc trong nếp sống tu hành bởi đa phần các trường Phật học không có cơ sở cho Tăng Ni nội trú.
Một vài biện pháp khắc phục
Có vị Lạt-ma đến học viện nói chuyện với Tăng Ni sinh, một tăng sinh hỏi vì sao Phật giáo Tây Tạng phát triển bền vững ở các nước phương Tây trong khi Phật giáo các nước khác đều lung lay, thậm chí mất gốc bởi sự xâm nhập của đời sống tiện nghi vật chất. Vị Lạt-ma trả lời rằng do các vị sư Tây Tạng chỉ một bề lo tu thôi, không quan tâm đến các việc bên ngoài. Câu trả lời thật đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Do vậy, để giáo dục Tăng Ni có hiệu quả thì yếu tố đầu tiên là tự thân mỗi vị Tăng Ni phải ý thức tu hành để cầu giải thoát giác ngộ. Giáo hội cần quan tâm đến đời sống Tăng Ni, theo dõi và ngăn chặn kịp thời các hành vi thế tục hóa. Các trường Phật học phải trang bị kiến thức, xây dựng chương trình giáo dục thực tiễn, áp dụng ngay vào đời sống tu học hằng ngày. Vị thầy đứng lớp phải có đạo lực để “nói chúng nghe”. Bổn sư kết hợp với nhà trường đôn đốc Tăng Ni kiện toàn việc tu học.
Có như vậy mới có thể đào tạo một nhà tu hành mẫu mực đủ tài, đủ đức làm lợi ích cho nhân loại. Nhất là trong thời đại ngày nay, Tăng Ni phải chuẩn bị nội lực tâm linh vững chãi để làm hành trang dấn thân phục vụ xã hội, đi vào đời mà không bị cuộc đời đồng hóa. Học Phật để ứng dụng vào đời sống tu hành và làm lợi ích cho chúng sanh.