Tháng Bảy âm lịch, tháng của lễ hội thiêng liêng. Đặc biệt là ngày rằm tháng Bảy, ngày mang nhiều yếu tố tâm linh, thắm đượm tình người và tính nhân văn cao cả.
Thứ nhất, đó là ngày lễ Vu lan, mùa hiếu hạnh. Lễ này bắt nguồn từ sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ. Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật và là bậc Thần thông đệ nhất.
Sau khi chứng quả A-la-hán, ngài Mục Kiền Liên dùng huệ nhãn tìm kiếm mẫu thân khắp trong các cõi. Thấy mẹ bị đọa vào kiếp ngạ quỷ thống khổ vô cùng nơi địa ngục A-tỳ, lòng quá xót xa, Mục Kiền Liên bèn dùng phép thần thông đem cơm đến dâng cho mẹ. Bà Thanh Đề vì tâm tham lam bỏn sẻn chưa dứt, lòng lo sợ bị chúng ma tranh giành nên vội vàng giật lấy bát cơm, tay trái che đậy, tay phải bốc ăn. Nhưng than ôi! Do tâm tham ấy mà cơm chưa vào miệng đã biến thành lửa, không sao ăn được. Nhìn cảnh tượng đó, ngài Mục Kiền Liên đau đớn khóc than thảm thiết, liền trở về bạch Phật cầu xin ngài chỉ dạy cách thức cứu mẹ.
Đức Phật cho biết mẹ của Mục Kiền Liên đã gây tạo ác nghiệp nặng nề nên dù có thần thông hay lòng hiếu thảo thấu đến trời cao thì một mình Mục Kiền Liên cũng không thể nào cứu được. Chỉ có thần lực của mười phương Tăng đồng tâm cầu nguyện mới mong giúp được bà.
Phật lại dạy, vào ngày rằm tháng Bảy, phải sắm sanh lễ vật, thiết lập trai nghi, thỉnh chư Tăng đến cúng dường. Vì theo pháp nhà Phật, trước khi thọ thực, chư Tăng sẽ nhất tâm cầu nguyện, hồi hướng phước lành cho cha mẹ hiện tiền của thí chủ được tăng phước tăng thọ, cửu huyền thất tổ được siêu thăng.
Và Mục Kiền Liên đã làm đúng lời Phật dạy. Thỉnh chư Tăng cúng dường, nương nhờ tâm thanh tịnh sau ba tháng an cư của chư Tăng chú nguyện mà bà Thanh Đề đã chuyển hóa tâm thức, xả bỏ lòng tham, thoát khỏi kiếp quỷ đói, sanh về cảnh giới an lành. Tích này được chép trong kinh Vu lan bồn.
Vu lan bồn là phiên âm từ chữ Phạn Ullambana, Trung Hoa dịch là Giải đảo huyền, có nghĩa là cứu nạn treo ngược. Hình phạt bị treo ngược ở đây là chỉ cho quả báo chịu sự hành hạ cùng cực mà những người gây tội ác nặng nề phải lãnh thọ nơi địa ngục. Mặt khác, cực hình treo ngược còn để chỉ cho những tâm lý phiền não, tham, sân, si… đã trói buộc, dẫn dắt chúng sanh đi trong sanh tử luân hồi nên rất cần được giải cứu.
Từ tích truyện đó, rằm tháng Bảy trở thành ngày Báo hiếu Báo ân. Khi đạo Phật truyền vào nước ta, thể nhập hài hòa với nếp sinh hoạt văn hóa dân gian thì lễ Vu lan trở thành ngày lễ truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Vào ngày này, dù không phải đạo Phật, mọi người cũng đều thiết tha nhớ nghĩ và dốc lòng báo đáp thâm ân sâu dày của cha mẹ. Ai ai cũng ít nhiều sắm sanh lễ vật để dâng bày, tỏ lòng chí thành chí kính đối với song thân và phát tâm làm việc phước đức để cầu nguyện cho người thân quá vãng được sanh về thế giới an lành.
Tín ngưỡng dân gian còn quan niệm rằng, vào ngày rằm tháng Bảy, ở dưới âm phủ sẽ mở cửa ngục, bao nhiêu tội nhân đều được tha, “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Vì vậy, những người ở trên dương thế đã sắm bày phẩm vật để cúng thí cho những tội nhân, cô hồn không nơi nương tựa đó. Dần dần, việc làm mang tính nhân đạo này trở thành tục lệ cúng cô hồn vào ngày rằm tháng Bảy trong dân gian.
Trong kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni do Thiền sư Bất Không dịch vào đời Đường kể lại: Một hôm, Tôn giả A-nan đang tĩnh tọa trong khu vườn thanh vắng, chợt có một con quỷ đói gầy gò, mặt lửa cháy bừng tên là Diện Nhiên hiện ra báo cho hay là trong ba ngày nữa Tôn giả A-nan sẽ chết và bị đọa làm ngạ quỷ.
Nghe nói thế, Tôn giả A-nan lo lắng, liền hỏi quỷ xem có cách nào thoát được không. Quỷ bảo rằng, nếu ngày mai Tôn giả có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ cùng vô số các vị tiên nhân bà-la-môn, mỗi người đều được thí cho một hộc lương thực... cũng như vì ngạ quỷ mà cúng dường Tam bảo thì bản thân ngài sẽ được tăng tuổi thọ, lại cũng giúp cho ngạ quỷ này được thoát khỏi cảnh khổ và sinh lên cõi trời.
Tôn giả A-nan nhìn thấy ngạ quỷ đáng gớm ghiếc ấy... lại nghe nói ra những lời ghê sợ như vậy thì hết sức kinh hoàng, vội vàng đứng dậy tìm đến đức Phật xin chỉ dạy phương thức để khỏi đọa vào cảnh ngạ quỷ.
Đức Phật bảo A-nan: “Ông đừng quá lo lắng, ta sẽ dạy cho ông cách thức để có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ cùng các vị tiên nhân bà-la-môn, khiến cho tất cả đều có được đầy đủ món ăn thức uống.”
Sau đó, đức Phật truyền dạy thần chú Vô lượng uy đức tự tại quang minh thù thắng diệu lực, tức chú Biến thực. Đức Phật dạy ngài A-nan rằng, thần chú này có năng lực giúp người trì chú có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ, vô số các vị tiên nhân bà-la-môn... đều hưởng được no đủ các món ăn thức uống...; và có thể giúp các ngạ quỷ được thoát khổ sinh lên cõi trời, đồng thời giúp người trì chú được tăng tuổi thọ...
Từ đó hình thành truyền thống cúng thí thực cho những chúng sanh khuất mặt vào mỗi buổi chiều trong nhà chùa và lễ chẩn tế âm linh cô hồn.
Dung nhiếp cả hai ý nghĩa này, vào ngày rằm tháng Bảy, bên cạnh việc báo đáp công đức sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, đáp đền ơn nghĩa cuộc đời, người Phật tử còn thể hiện tinh thần cứu khổ ban vui của đạo Phật bằng việc cúng thí và cầu nguyện cho các loại cô hồn được no đủ và mau siêu thoát.
Ở vùng Rạch Giá, người ta gọi cúng cô hồn là cúng “thí giàn”. Nhân dịp tháng Bảy Vu lan, các chùa thường tổ chức trai đàn chẩn tế để cầu siêu cho các hương linh được gởi thờ trong chùa và cúng thí cho thập loại cô hồn. Khi thiết lập đàn tràng, (hồi khoảng hai mươi năm về trước), nhà chùa đã làm nhiều cái giàn bằng cây ván cao ráo để bày biện các đồ cúng thí nên còn gọi là thí giàn. Và sau khi các thầy tụng kinh chú nguyện xong, những người đến xem leo lên giàn để giành giựt đồ cúng thí nên cũng gọi là “giựt giàn”.
Người ta đi giựt giàn vì quan niệm nếu có được món đồ cúng thí thì sẽ gặp hên, may mắn cho bản thân và gia đình, thậm chí đem lại danh dự cho cả xóm. Vì vậy, đi giựt giàn cũng như đi xin lộc, cầu may và vui vẻ là chính.
Tuy nhiên, ngày nay người ta đã không còn làm “giàn” để bày lễ phẩm cúng thí nữa dù tục thí giàn và giựt giàn vẫn còn. Vật thực để cúng cô hồn được đặt trên bàn, có nhà chỉ bày lên mâm, để trên tấm đệm trải trước hàng ba hay ngay trên sân nhà.
Riêng giới kinh doanh có tục cúng cô hồn vào các ngày mùng 2 và 16 âm lịch hằng tháng là cốt để khỏi bị các oan hồn quấy phá và để cầu xin phò hộ. Việc làm này không liên quan đến ý nghĩa cúng cô hồn rằm tháng Bảy.
Cũng trong ngày rằm tháng Bảy, đối với Phật giáo còn có ba ý nghĩa quan trọng nữa.
Một là, ngày Phật hoan hỷ. Chư Phật ba đời vui mừng vì thấy hàng đệ tử xuất gia giữ gìn giới luật, duy trì truyền thống an cư kiết hạ, cùng nhau khép mình trong thanh quy, an trú trong chánh niệm, tinh tấn hành trì Giới-Định-Tuệ, tu học có kết quả, thành tựu công đức thù thắng, viên mãn thanh tịnh.
Hai là, ngày Tăng Tự tứ. Tự tứ là dịch nghĩa chữ Phạn Pravàrana, phiên âm là Bát-hòa-la, dịch nghĩa là Tùy ý. Nghĩa là vào ngày này, chúng Tăng tập trung lại, từng vị tỳ-kheo tự nguyện thỉnh cầu những bậc có giới đức chỉ giùm những lỗi lầm mà mình đã vô ý mắc phải trong suốt thời gian an cư ba tháng để mình biết mà sám hối. Điều này rất đặc biệt, thể hiện tinh thần tự giác cao của đạo Phật. Bởi lẽ, thói thường người ta hay né tránh, che giấu mỗi khi phạm phải sai lầm nào đó, ít khi dám thẳng thắn bộc bạch.
Ba là, ngày Tăng thọ tuế, tức là nhận tuổi. Trong Luật Phật, người xuất gia lấy năm an cư kiết hạ để tính tuổi. Nghĩa là sau khi mãn hạ, hành giả an cư sẽ được tính một tuổi gọi là tuổi hạ hay hạ lạp. Lấy hạ lạp làm tuổi đạo, khác với tuổi đời tính theo năm tháng ở thế gian. Ngày Tăng thọ tuế cũng chính là ngày Tết của chư Tăng. Vào ngày này, hàng môn đệ thường quay về tổ đình để đảnh lễ mừng khánh tuế bổn sư, các bậc tôn túc…
Nhưng trên hết, với ý nghĩa truyền thông, kết nối yêu thương từ trong gia đình huyết thống đến xã hội cộng đồng, qua nhiều thế hệ, vượt cả không gian, thời gian nên rằm tháng Bảy, mùa Vu lan còn được xem là ngày lễ hội tình người.