Trải qua hơn 20 thế kỷ tồn tại và phát triển trên đất Việt, đạo Phật đã
tạo ra những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn dân tộc đến nỗi đôi khi ta
không còn có thể phân tách được giữa những gì gọi là bản sắc dân tộc với
bản sắc Phật giáo. Nói một cách khác, tất cả đã hòa quyện vào nhau thành
một khối, và trở thành những giá trị văn hóa chung, những giá trị tinh
thần mà bất cứ người dân Việt nào cũng được thừa hưởng, được un đúc từ
sâu thẳm trong tiềm thức.
Chính vì thế mà trên khắp đất nước Việt Nam này, đâu đâu cũng có chùa.
Tôi đã từng có dịp sống ở nhiều vùng đất mới, và điều chung nhất mà tôi
nhận ra là, ngay khi việc ăn ở vừa tạm yên, những người dân tha hương đã
ngay lập tức họp bàn với nhau để chung sức dựng một ngôi chùa. Nếu chưa
được như thế, khi điều kiện kinh tế còn quá khó khăn, người ta cũng dựng
lên một mái nhà tranh nhỏ bé để an trí tượng Phật làm nơi lễ bái, gọi là
Niệm Phật Đường. Và điều ta có thể tin chắc là, nơi đây sẽ trở thành một
ngôi chùa tôn nghiêm ngay khi nào mà người dân vừa ổn định được cuộc
sống.
Tấm lòng của dân ta đối với ngôi chùa là như thế, thủy chung như nhất,
bao giờ cũng xem đây là chỗ dựa tinh thần, là nơi quy hướng, là nơi mang
lại sự bình an cho cuộc sống, và cũng là nơi dắt dẫn mọi người đi theo
con đường tốt đẹp, dẫn đến sự an vui, hạnh phúc.
Thế nhưng, vật đổi sao dời, cuộc sống ngày nay đang phát triển và đổi
thay với tốc độ chóng mặt, thì những ngôi chùa ngày nay cũng có phần nào
đó thay đổi khác xưa đôi chút.
Ở đây tôi không muốn nói đến những thay đổi về kiến trúc hay hình thể,
vì những điều ấy là tất nhiên và rất dễ nhận ra. Tôi muốn đề cập đến một
vài nét tinh tế hơn, có tác động đến khuynh hướng tu tập của tín đồ, và
không phải là ai cũng dễ dàng nhận thấy.
Trước hết, chùa ngày nay đến gần với dân cư hơn, không như những ngôi
chùa xưa thường chọn những nơi núi rừng tịch tĩnh, cách xa phố thị. Đi
một vòng thăm qua nhiều ngôi chùa mới xây dựng gần đây, hầu hết đều là ở
những khu dân cư tập trung và gần mặt đường. Nếu có khó khăn lắm không
tìm được đất mặt tiền, thì cũng phải có đường vào thuận lợi, xe lớn vào
được.
Sự thay đổi này có rất nhiều ý nghĩa tích cực. Trước hết, tín đồ ngày
nay có ít thời gian hơn – thời đại công nghiệp mà – nên khi muốn đến
chùa cũng không thể cất công băng rừng lội suối hay đi theo những con
đường ngoằn ngoèo nhỏ hẹp hàng cây số... mà cần có những điểm đến thuận
lợi, dễ dàng hơn. Thứ hai, tín đồ ngày nay không chỉ đến chùa để dâng
hương lễ bái vào những ngày rằm, mồng một như trước đây, mà còn có thêm
cả nhu cầu đến chùa để vãn cảnh, thư giãn trong vòng mười lăm, hai mươi
phút... Vì thế, sẽ dễ dàng hơn nhiều khi có một ngôi chùa ở những vị trí
thuận lợi, dễ dàng đi đến. Thứ ba, chư tăng ni ngày nay cần phải bắt kịp
tri thức của thời đại mới có thể làm tốt công việc hoằng hóa của mình,
vì thế họ không thể theo học duy nhất một vị thầy như ở các ngôi chùa
xưa, mà cần phải được đào tạo một cách có hệ thống trường lớp, có chương
trình và quy mô hẳn hòi. Do đó, việc tu tập ở những ngôi chùa có điều
kiện đi lại thuận lợi sẽ giúp cho các vị dễ dàng hơn khi theo học các
trường Phật học.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tích cực như trên (và tất nhiên cũng còn
nhiều thuận lợi khác nữa mà ở đây chưa thể nói hết), sự thay đổi này
cũng tạo ra một vài khó khăn cho việc tu tập của chư tăng ni, và người
tín đồ cần phải hiểu được điều đó. Trước hết là sự tiếp xúc quá nhiều và
quá gần với đời sống thế tục. Vì thế, nếu như xưa kia tinh thần “hòa
quang đồng trần” chỉ được nghe các vị thạc đức nhắc đến, thì ngày nay
đến cả một chú sa-di vừa mới vào chùa cũng đã phải học lấy tinh thần này
rồi. Bởi vì chỉ cần bước chân ra khỏi cổng chùa là các vị đã phải tiếp
xúc ngay với biết bao phiền toái và cám dỗ của đời sống thế tục. Và do
đó mà sự phát tâm tu tập của chư tăng ni ngày nay được đòi hỏi phải hết
sức mạnh mẽ và kiên quyết. Kèm theo đó, phải có sự xác định ranh giới rõ
ràng giữa đời sống xuất gia và những gì thuộc về thế tục. Người tín đồ
cần hiểu được những khó khăn này để không vô tình mang đến chùa những sự
phiền toái của đời sống gia đình, làm trở ngại và quấy nhiễu việc tu tập
của các vị.
Khi đến chùa, chúng ta nên hết sức giữ thái độ cung kính đối với Tam
bảo, nhất là đối với chư vị tăng ni. Chúng ta chỉ nên thưa hỏi những gì
thực sự liên quan đến việc tu tập, những gì cần đến sự dẫn dắt, chỉ dạy
của các vị trong đời sống tinh thần, và đừng bao giờ trao đổi, trò
chuyện về những gì không thực sự cần thiết cho việc tu tập của bản thân
mình. Khi làm được như thế là chúng ta đã góp phần tích cực trong việc
gìn giữ sự thanh tịnh của chốn thiền môn, giúp cho đạo hạnh của chư vị
tăng ni ngày càng tỏa sáng và mãi mãi là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho
tất cả tín đồ.
Khó khăn thứ hai cho việc tu tập của chư vị tăng ni ở những ngôi chùa
ngày nay là sự mở rộng các phương tiện tiếp xúc. Chùa nằm ở khu đông dân
cư thì tất yếu phải có điện thoại. Nhiều vị còn có thêm nhu cầu sử dụng
điện thoại di động hoặc thư điện tử... Những phương tiện này trước hết
là được sử dụng vào mục đích tu học và hoằng pháp của các vị, nhưng hệ
quả tất yếu là nó cũng làm cho đời sống của các vị có phần nào đó trở
nên bận rộn hơn, bớt đi phần thanh thản như chư tăng ở các ngôi chùa
xưa. Có lần tôi được nghe tiếng chuông điện thoại di động reo lảnh lót
giữa buổi thuyết pháp của chư tăng, và tôi biết đó là điều không mấy
thuận lợi cho sự tu tập của các vị. Người tín đồ cần hiểu được điều này
để không làm tăng thêm sự khó khăn cho các vị. Khi có nhu cầu gọi điện
thoại đến chùa hoặc cho một vị tăng ni nào đó, chúng ta cần biết chắc là
vào giờ đó các vị đang làm gì, có thuận tiện cho việc nghe và trả lời
điện thoại hay không. Một khi không thể biết chắc như thế, tốt nhất là
chúng ta đừng sử dụng phương tiện này. Hơn thế nữa, xin hãy cân nhắc
thận trọng nội dung cần trao đổi, đừng bao giờ làm phiền các vị bằng
những vấn đề thực sự không cần thiết.
Một trong những ngôi chùa mà tôi thường lui tới có quy định (và được
thông báo rõ cho tất cả tín đồ) là chỉ nghe điện thoại vào một số giờ
nhất định trong ngày. Ngoài những giờ ấy ra, dây điện thoại được các vị
tháo rời khỏi máy. Đây cũng là một phương cách rất hữu hiệu mà chư tăng
ni có thể áp dụng để bảo vệ thời gian tu tập của mình trong ngày.
Nếu chúng ta có được địa chỉ điện thư của một ngôi chùa hay một vị tăng
ni nào đó, cũng phải hết sức cân nhắc thận trọng trước khi gửi đi một
bức điện thư. Thời gian tu tập của các vị là cực kỳ quý báu, và ta không
nên làm phiền các vị với những vấn đề không thực sự cần thiết. Nếu mỗi
tín đồ đều ý thức được điều đó, chắc chắn là sự tu tập của chư vị tăng
ni sẽ được bớt phần khó khăn.
Sự thay đổi thứ hai là mối quan hệ giữa chư tăng ni trong một ngôi chùa
ngày nay, đặc biệt là vị trú trì, với tín đồ của ngôi chùa ấy. Ngày nay,
hầu như khu dân cư nào cũng có chùa, và vì thế mà mỗi ngôi chùa thường
có một số tín đồ nhất định sống quanh chùa thường xuyên lui tới. Mối
quan hệ thường xuyên này dẫn đến việc người tín đồ mong muốn được thầy
trú trì quan tâm giúp đỡ cho hết thảy mọi việc hệ trọng trong gia đình
mình. Những việc hệ trọng này thường là bao gồm các lễ cầu an, cầu siêu,
ma chay, tang tế... Và vì là dân cư đông đúc nên hệ quả tất yếu là những
hoạt động này phải chiếm mất phần lớn thời gian tu tập của các vị tăng
ni trong chùa. Nếu vị trú trì có thể nhận ra điều này và có một sự phân
bổ thời gian hợp lý, điều đó có thể giúp giảm nhẹ khó khăn cho sự tu tập
của tăng ni. Nhưng nếu không có một sự giới hạn cần thiết, thường là
những hoạt động này sẽ có thể là lợi bất cập hại. Và kết quả là việc tu
tập của chư tăng ni trong chùa có thể sẽ phải trì trệ, khó khăn rất
nhiều.
Nếu người tín đồ nhận ra và ý thức đúng được điều này, chúng ta sẽ dễ
dàng cảm thông và không tạo ra sự khó xử cho thầy trú trì cũng như các
vị tăng ni. Chúng ta nên hiểu rằng, vai trò dẫn dắt đời sống tinh thần
của chư tăng đối với chúng ta không chỉ nằm trong việc cúng kính, lễ
lạt... mà cần yếu hơn là những bài thuyết pháp, những chỉ dẫn cụ thể cho
mọi hành vi ứng xử của chúng ta trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta phải
tinh tế nhận ra và dành thời gian nhiều hơn để các vị có thể tiếp xúc và
chỉ dạy cho chúng ta, mà không phải là dành hầu hết thời gian cho các
nghi thức lễ lạt, cúng kính... Một số các chùa có thành lập những Ban hộ
niệm gồm các vị cư sĩ lớn tuổi để đảm nhận việc cúng kính thay cho chư
tăng ni. Đây cũng là một hướng đi đúng đắn, biểu hiện cụ thể sự ủng hộ
của chúng ta đối với việc tu tập của chư vị tăng ni.
Một thay đổi khác nữa là thời gian dành cho việc thuyết pháp hay tổ chức
các khóa tu học thường xuyên tại chùa. Ở những ngôi chùa xưa kia, đây là
một trong các hoạt động trọng tâm. Ngay cả ở các thiền viện, là những
nơi mà việc tu tập được chú trọng chủ yếu vào sự hành trì hơn là phần
giáo nghĩa, thì những buổi thăng đường thuyết pháp vẫn được diễn ra khá
đều đặn, là cơ sở cho sự tham vấn, học tập giáo pháp cho hàng học tăng
cũng như chúng cư sĩ. Còn đối với các chùa thuộc Giáo tông thì những
buổi thuyết pháp được xem là hoạt động thường xuyên và tất yếu của chùa.
Tất cả các chùa đều có một hoặc nhiều vị Giáo thọ chuyên lo việc dạy dỗ
tăng chúng. Ngày nay, chức danh này dù vẫn còn nhưng phần lớn hoạt động
giảng dạy của các vị không còn rõ nét nữa. Sự thay đổi này xuất phát từ
một thực tế là, việc học của tăng ni ngày nay tập trung chủ yếu về các
trường Phật học, từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. Do đó, những buổi
thuyết pháp không còn được mở ra thường xuyên ở các chùa để bất cứ ai
muốn học hỏi giáo pháp đều có thể đến tham dự. Như một hệ quả tất yếu,
người tín đồ ngày nay muốn học hỏi về giáo pháp phải sử dụng hai cách:
hoặc là trực tiếp thưa hỏi để được một vị tăng ni nào đó giảng giải, chỉ
bày cho, hoặc là tìm đọc kinh điển và các sách về Phật học. Thường thì
cần phải kết hợp cả 2 phương cách này mới có thể giúp cho người tín đồ
học hỏi một cách có hiệu quả.
Người tín đồ cần phải hiểu được điều này để không chờ đợi một cách thụ
động, mà phải tự mình tích cực học hỏi giáo pháp. Vai trò của chư tăng
ni giờ đây chủ yếu là hướng dẫn người cư sĩ tự tìm học giáo pháp trong
kinh điển, sách vở, và giúp giải quyết những nghi vấn phát sinh trong
quá trình học tập. Nhiều vị tăng ni đã sớm nhận ra thực tế này nên đã
dành thời gian viết những tập sách giảng giải giáo lý để người cư sĩ có
thể dễ dàng tìm đọc. Việc làm đó của các vị đã góp phần bổ khuyết phần
nào vào khoảng trống trong việc tu học mà người tín đồ ngày nay đang gặp
phải.
Mặc dù có ít nhiều khác biệt như trên, nhưng chúng ta vẫn thấy rõ một
điều là, dù xưa dù nay thì mái chùa vẫn là nơi đi về, quy hướng của đa
số người dân Việt, vẫn là chỗ dựa tinh thần không gì có thể thay thế
được, và cũng là nơi un đúc, đào luyện những giá trị đạo đức và tinh
thần cho bất cứ ai biết quay về nương theo Tam bảo, để giúp họ vững bước
trên con đường đời chông chênh nhiều đau khổ mà vẫn có thể sống vui
trong an lạc và hạnh phúc vì luôn có một đời sống chân chính và hướng
thiện.