Dứt trừ cội gốc vô minh
Sau khi đã phát khởi quyết tâm vượt thoát mọi khổ đau và tâm nguyện vị tha cầu quả Phật để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, làm thế nào để chúng ta biến những tâm nguyện đó thành hiện thực? Để giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi với những khổ đau bất tận, đức Phật dạy rằng ta phải diệt trừ tận gốc rễ nguyên nhân của chúng: sự vô minh bám chấp vào một bản ngã [được cho là] có thật và tồn tại độc lập. Ta thực hiện sự diệt trừ này bằng cách phát triển trí tuệ, chính là chứng ngộ căn bản thứ ba trên đường tu tập. Đại sư Tông-khách-ba (Lama Tzong Khapa) trong tác phẩm Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập (The Three Principles of The Path) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuệ giác nhau sau:
“Cho dù ta có thiền quán về quyết tâm vượt thoát khổ đau và tâm nguyện vị tha [cầu quả Phật để làm lợi ích chúng sinh], nhưng nếu không có trí tuệ nhận thức được bản chất rốt ráo [của thực tại] (vốn không có tự tánh tự tồn tại), thì ta cũng không thể dứt trừ được gốc rễ của vòng sinh tử luân hồi. Vì vậy, phải nỗ lực hết sức cho mục tiêu nhận hiểu được nguyên lý duyên khởi.”
Để dứt trừ hoàn toàn mọi che chướng trong tâm thức mình thân tâm và phát triển tiềm năng trở thành một vị Phật, ta nhất thiết phải tẩy sạch những bụi bẩn vô minh vi tế. Điều này cũng được thực hiện bằng cách phát triển trí tuệ nhận thức tính Không của mọi hiện hữu. Tóm lại, trí tuệ nhận thức tính Không không chỉ là pháp hành tịnh hóa thân tâm hữu hiệu nhất, mà còn là điểm then chốt để nhận hiểu thực tại và phân biệt được những gì hiện hữu với những gì phi hiện hữu.
Chủ đề tính Không rất khó hiểu. Để hiểu được tường tận, chúng ta cần phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi và thiền quán. Những gì trình bày dưới đây là rất sơ lược. Đây không phải là những giải thích hoàn chỉnh và rất có thể sẽ gợi lên những thắc mắc và hoài nghi trong tâm trí các bạn. Điều đó là bình thường, vì trong đạo Phật chúng ta không mong đợi sẽ ngay lập tức thấu hiểu và chấp nhận mọi điều.
Nhận hiểu tánh Không không có nghĩa là làm cho đầu óc ta trở nên trống rỗng, không còn bất cứ tư tưởng nào. Một số loài vật cũng không suy nghĩ nhiều, nhưng điều đó không có gì thuộc về phạm trù đạo đức. Tánh Không mà chúng ta cần nhận biết cũng không giống với sự trống rỗng của dạ dày khi đói. Thay vì vậy, tánh Không được nhận biết qua trí tuệ là sự vắng bặt mọi cách thức hiện hữu không thật có mà chỉ do ta gán ghép lên mọi con người và hiện tượng. Đó là sự vắng bặt, không tồn tại, của một cách thức hiện hữu giả tạo.
Trước hết, ta phải hiểu được mình đang phủ định điều gì. Những gì là không thật có nơi con người và hiện tượng quanh ta? Đó chính là bản chất thực hữu hay tự tính tự tồn độc lập. Thật không may là từ vô thủy đến nay ta đã quá quen thuộc với sự biểu hiện có vẻ như tồn tại độc lập của mọi hiện tượng và đã quen bám chấp vào vẻ ngoài đó như là đúng thật, đến nỗi ta không còn khả năng nhận ra được vẻ ngoài ấy là giả tạo. Chúng ta không nhận thức được rằng con người và hiện tượng quanh ta không thực sự tồn tại theo như vẻ ngoài mà ta nhìn thấy đó.
Đi tìm cái bánh quy thật
Mọi sự vật hiện ra đối với chúng ta như thế nào? Hãy lấy một cái bánh quy làm ví dụ. Nó hiện ra đối với chúng ta như là một cái bánh quy thật. Bất kỳ ai bước vào căn phòng này hẳn đều phải nhận ra đây là một cái bánh quy, vì có những “tính chất bánh quy” nào đó. Có điều gì đó liên quan đến hoặc hiện hữu trong nó, khiến cho nó phải là cái bánh quy chứ không phải cái gì khác. Nó là một cái bánh quy sờ mó được, tồn tại “bên ngoài” và độc lập với tâm thức ta. Nó nằm đó - với những tính chất riêng biệt của chính nó - và ta chỉ tình cờ nhìn thấy nó. Cái bánh quy này có thể được nhận biết: nó đang nằm đó!
Cái bánh quy hiện ra đối với chúng ta như là đang tồn tại “bên ngoài”, độc lập với mọi điều kiện nhân duyên, độc lập với các thành phần cấu tạo nên nó và độc lập với tâm thức ta cũng như những khái niệm và tên gọi do ta gán ghép lên nó. Nhưng nếu cái bánh quy thực sự tồn tại theo cách như vậy, thì khi ta phân tích và tìm kiếm cái bánh quy đích thực này, hẳn là ta chắc chắn phải tìm ra nó.
Chúng ta sẽ đi tìm cái bánh quy thực có và tồn tại độc lập mà đối với ta có vẻ như đang hiện hữu “bên ngoài”. Ta sẽ tìm kiếm xem cái gì là “bánh quy”. Nếu ta bẻ đôi cái bánh ra, liệu cái bánh quy đích thực sẽ nằm ở phần này hay phần kia? Hay ở trong cả hai phần? Nếu bảo nó ở trong cả hai phần, thì tất nhiên phải có hai cái bánh quy, vì ta có hai mẩu bánh tách biệt. Đây chắc hẳn là một phương pháp dễ dàng để sản xuất bánh quy!
Nếu ta cho rằng cái bánh quy nằm ở phần này, không nằm ở phần kia, thế thì tại sao miếng này là bánh quy mà miếng kia lại không phải? Ngay cả khi ta nhận rằng miếng lớn hơn là bánh quy, thì cái gì có liên quan đến hoặc nằm trong nó là “bánh quy”? Chúng ta hẳn phải tìm được cái “bánh quy” và “tính chất bánh quy” nằm ở đâu đó trong nó. Nhưng nếu ta tiếp tục bẻ cái bánh ra thành những miếng nhỏ hơn để cố tìm cái bánh đích thực, thì cuối cùng ta chỉ thấy một mớ hỗn độn, không phải bánh quy. Chúng ta có một đống mẩu bánh vụn, có gì trong đó là bánh quy?
Cái bánh quy thực có và tự tồn có vẻ như đang hiện hữu nhưng lại không thể tìm thấy được khi ta phân tích và tìm cách xác định nó.
Nếu có một cái bánh quy tự tồn nào đó ở bên ngoài, hẳn ta phải tìm được nó trong các thành phần cấu tạo, hoặc tách biệt với các thành phần đó. Nhưng “cái bánh” như thế không nằm trong các thành phần của nó, và cũng không nằm tách biệt với các thành phần của nó. Nếu “cái bánh” là tách biệt với các thành phần tạo nên nó, thì hỗn hợp bột mì nhồi với nước được nướng chín sẽ nằm trên đĩa này, còn bánh thì ở đâu đó bên kia căn phòng. Điều đó là không thể, vì ngoài khối bột nhào được nướng chín này, đâu có gì khác được gọi là “bánh quy”?
Cái bánh quy cũng không phải là tập hợp các thành phần tạo thành nó, vì một tập hợp chỉ là một nhóm các thành phần. Nếu không có phần nào trong số đó tự nó là bánh quy, thì làm sao nhiều phần như thế hợp lại có thể là bánh quy với “tính chất bánh” nào đó? Cũng giống như một tập hợp những con châu chấu, không phải bướm, thì không thể tạo thành một đàn bướm; một tập hợp những phần không phải bánh quy, những mẩu vỡ vụn, không thể đột nhiên tạo thành cái “bánh quy” thực sự có thể tự nó tồn tại như một cái bánh.
Điều này đưa ta kết luận rằng không hề có tự thể bánh quy trong bất kỳ trường hợp nào. Hay nói cách khác, cái bánh quy đối với ta có vẻ như chắc thật, cụ thể và nhận biết được và ta đã bám chấp vào đó như một sự tồn tại độc lập, là không hề tồn tại. Điều này không có nghĩa là hoàn toàn không có cái bánh quy ở đó, nhưng chỉ có nghĩa là không hề có cái bánh quy tự nó tồn tại. Cái bánh quy đó không tồn tại theo như cách nó hiện ra đối với ta. Nó không tồn tại theo cách mà ta vẫn tưởng.
Tuy vậy, cái bánh quy vẫn đang tồn tại. Nếu không, ta đã không thể ăn bánh! Dù nó không tồn tại theo cách không phụ thuộc, nhưng nó quả có tồn tại một cách phụ thuộc. Nó phụ thuộc vào các điều kiện nhân duyên của nó, như bột mì, nước, thợ nướng bánh v.v... Nó phụ thuộc vào các thành phần của nó, như các phần khác nhau tạo thành cái bánh, cũng như màu sắc, hình dáng, mùi vị v.v... Và nó cũng phụ thuộc vào việc ta nhận biết và gọi tên “bánh quy” theo quy ước. Về mặt xã hội, tất cả chúng ta đã đồng ý xem cái tập hợp các thành phần có công năng cụ thể như thế này là một sự vật cá biệt và gọi tên nó là “bánh quy” để phân biệt với những sự vật khác.
Chúng ta đã tìm kiếm một cái gì mà tự nó [hiện hữu như] là cái bánh quy, không phụ thuộc vào các thành phần của nó, không phụ thuộc vào tâm thức với những khái niệm và tên gọi của ta. Một cái bánh thật có và không phụ thuộc như thế không thể tìm thấy, vì nó không hề tồn tại. Nhưng cái bánh quy tồn tại một cách phụ thuộc thì vẫn đang có đó. Đó chính là cái bánh ta ăn.
Cái bánh quy tồn tại như thế nào? Một tập hợp các nguyên tử được kết hợp theo một mô thức nhất định nào đó. Tâm thức ta nhận biết, cho nó là một sự vật và đặt tên là “bánh quy”. Nó trở thành “cái bánh quy” vì tất cả chúng ta đều nhận biết về nó theo cùng cách tương tự như nhau và cùng gọi tên nó là “bánh quy” quy ước của xã hội. Trong kinh Ưu-ba-ly thỉnh vấn (Questions of Upāli) nói rằng:
Những bông hoa đủ màu quyến rũ,
Và những lâu đài vàng chói ngời hấp dẫn,
Thảy đều không có người tạo tác với tự tính tự tồn.
Chúng được thừa nhận
qua năng lực của khái niệm,
Thế giới này khởi sinh qua năng lực của khái niệm.
Cái bánh quy đó chỉ tồn tại một cách phụ thuộc. Ngoài cái bánh tồn tại một cách phụ thuộc này, không còn có cái bánh quy nào khác. Không hề có một cái bánh tự nó tồn tại không phụ thuộc với bản chất “bánh” nào đó gắn liền với nó. Cái bánh quy có tồn tại, nhưng nó không tồn tại theo đúng như vẻ ngoài xuất hiện của nó. Nó xuất hiện có vẻ như không phụ thuộc, nhưng thực tế không phải vậy. Nó phụ thuộc vào các điều kiện nhân duyên, thành phần của nó, vào tâm thức chủ thể nhận thức về nó như là “cái bánh quy”. Cái bánh quy là một hiện tượng duyên sinh.
Ta là ai?
Nếu không có cái bánh quy với tự thể không phụ thuộc, vậy có một “cái tôi” không phụ thuộc hay chăng? Có hay chăng một cái tôi thực hữu, một con người nhận biết được?
Câu trả của đức Phật khác biệt với ý niệm về một linh hồn vĩnh hằng bất biến của Do Thái - Ki-tô giáo, và khái niệm “tự ngã” (atman) của đạo Hindu. Hẳn là khi phân tích và tìm kiếm, chúng ta phải tìm ra được linh hồn, tự ngã hay bản ngã tự tồn tại, một cái gì đó chính là con người [mà ta đang tìm kiếm]. Ta có thể tìm được chăng?
Hãy nhớ lại một tình huống mà chúng ta cực kỳ giận dữ. Lúc đó “cái tôi” hiện ra như thế nào? Nó dường như rất chắc thật. Có một “cái tôi” rất thật đang bị người khác xúc phạm. “Cái tôi” đó phải được bảo vệ. “Cái tôi”, cái “bản ngã” đó, ta cảm thấy như có thể tìm ra được, nó phải nằm đâu đó trong hợp thể thân-tâm ta.
Nếu “cái tôi” chắc thật, cụ thể và không phụ thuộc đó tồn tại đúng như nó hiện ra đối với chúng ta, hẳn ta phải tìm ra được nó trong thân tâm này hoặc tách biệt với thân tâm. “Cái tôi” đó không thể tồn tại ở nơi nào khác hơn nữa.
Liệu “cái tôi” có phải là thân thể ta? Nếu thế, thì bộ phận nào của thân thể là tôi? Cánh tay chăng? Dạ dày chăng? Hay bộ não? Tất cả các bộ phận trong cơ thể đều được cấu tạo từ những nguyên tử. Chúng không phải là “cái tôi”. Toàn bộ cơ thể cũng không phải “cái tôi”, vì nếu đúng vậy thì sau khi tôi chết, xác chết của tôi hẳn phải là “cái tôi”. “Tôi” là một cái gì đó nhiều hơn là những nguyên tử cấu tạo nên thân thể, vì chỉ riêng phần vật chất của cơ thể mà không có ý thức thì không thể nhận biết được các đối tượng, nhưng tôi thật có năng lực nhận thức.
Vậy “cái tôi” là tâm thức này? Nếu vậy thì “cái tôi” là nhãn thức, vốn nhận biết màu sắc và hình dạng? Hay “cái tôi” là nhĩ thức, vốn nhận biết âm thanh? Hay “cái tôi” là ý thức, vốn có chức năng suy nghĩ? Hay “cái tôi” là một cá tính cụ thể của tôi? Nếu vậy thì khi cái tôi là sự tức giận, hẳn tôi phải luôn luôn tức giận; nếu cái tôi là sự thông minh, hẳn tôi lúc nào cũng thông minh?
“Cái tôi” cũng không phải là một tập hợp của những phẩm tính tinh thần và các trạng thái tâm lý khác nhau, vì một tập hợp gồm nhiều yếu tố mà bản thân mỗi yếu tố đều không phải là một cái tôi chắc thật, không phụ thuộc, thì tập hợp đó không thể trở thành “cái tôi”.
Mặc dù ta cảm thấy như có một “chủ thể suy nghĩ” hay một yếu tố nội tâm nào đó đã tạo ra các quyết định của ta, nhưng khi cố tìm kiếm yếu tố cụ thể đó, ta không thể tìm thấy. Những quyết định và tư tưởng của ta khởi lên tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố tinh thần. Chẳng có một anh chàng tí hon nào ẩn nấp trong đó để điều khiển chương trình cả!
Sự kết hợp thân và tâm chúng ta cũng không phải là một “cái tôi” không phụ thuộc, vì đó là một tập hợp nhiều thành phần. Nó phụ thuộc vào chính các thành phần đó. Làm sao có thể tìm thấy một “cái tôi” có thật và không phụ thuộc trong kết hợp của thân và tâm tôi, khi cả hai phần ấy đều không phải là tôi?
“Cái tôi” cũng không tồn tại như một cái gì tách biệt với thân và tâm. Nếu điều đó là đúng, hẳn là tôi đã có thể xác định và tìm thấy chính tôi ở một nơi không hề có cả thân và tâm tôi. Điều này có nghĩa là, tôi có thể ở một nơi trong khi thân và tâm tôi ở một nơi khác! Rõ ràng là không thể như vậy. Tự ngã, hay “cái tôi” được liên kết và có quan hệ với cả thân và tâm.
Liệu “cái tôi” có phải là một thực thể độc lập đi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác? Vào thời điểm lâm chung, tâm thức chúng ta đi dần vào những trạng thái càng lúc càng vi tế hơn. Chính mức độ vi tế nhất của tâm thức sẽ đi từ kiếp sống này sang kiếp sống kế tiếp. Tuy nhiên, tâm thức cực vi tế này liên tục biến đổi trong từng sát-na. Tâm thức không bao giờ duy trì bất biến trong hai sát-na kế tiếp nhau, cũng giống như trên bình diện vật lý, cấu trúc của các hạt electron trong một nguyên tử luôn thay đổi trong từng thời điểm. Chúng ta không thể chỉ ra bất kỳ một khoảnh khắc tâm thức nào là đã từng và cũng sẽ mãi mãi là ta. Ta không phải là tâm thức của hôm qua, không phải là tâm thức của hôm nay hay ngày mai. Ta không phải là tâm thức sẽ lìa bỏ thân xác này lúc chết, cũng không phải là tâm thức sẽ tái sanh. Cái mà ta gọi là “tôi” phụ thuộc vào tất cả những trạng thái tâm này, nhưng không phải là bất kỳ trạng thái nào trong số đó.
Việc nhớ lại ví vụ con sông [trong phần Tái sinh diễn ra như thế nào? (Phần III, mục Tái sinh)] có thể giúp ta hiểu được điều này. Con sông Mississippi không phải là hai bờ của nó. Cũng không phải là nước sông, những tảng đá [dưới lòng sông], hay những dòng suối đổ vào nó. Dường như có một con sông rất thật và tự nó tồn tại khi ta không phân tích vấn đề, nhưng ngay khi ta nêu câu hỏi: “Cái gì là con sông có vẻ như đang tự nó tồn tại rất thật này?”, ta không tìm được điều gì để chỉ ra cả. Dù vậy, vẫn có một con sông đang tồn tại một cách phụ thuộc.
Tương tự, dòng tâm thức của ta không phải bất kỳ một sát-na tâm nào, cũng không phải tập hợp của nhiều sát-na. Không hề có một dòng tâm thức thực sự tồn tại theo cách đó. Tâm thức chúng ta không tồn tại theo cách như một thực thể chân thật hoặc sẵn có tự tính tồn tại. Dù vậy, vẫn có một dòng tương tục các sát-na tâm tạo thành dòng tâm thức, và chính dòng tâm thức này đi tái sanh.
“Cái tôi” hay bản ngã không tồn tại theo cách không phụ thuộc vào thân và tâm, cũng không thể tìm thấy bên trong thân hoặc tâm. Nó cũng không phải là sự kết hợp cả thân và tâm. Hay nói cách khác, “cái tôi” chắc thật và cụ thể mà ta cảm nhận khi ta đang giận dữ lại không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu. Tại sao? Vì nó không hề tồn tại. “Cái tôi” không hề tồn tại theo cách không phụ thuộc. Đây chính là ý nghĩa của vô ngã hay tánh Không.
Tồn tại một cách phụ thuộc
Điều đó không có nghĩa là “cái tôi” hoàn toàn không tồn tại. Những gì chúng ta đang phủ định ở đây là một sự tồn tại theo cách không phụ thuộc hoặc do tự tính sẵn có. Chúng ta quả thật có tồn tại. Nếu chúng ta hoàn toàn không tồn tại thì ai là người viết cuốn sách này và ai là người đọc sách?
Nhưng sự tồn tại của chúng ta là hoàn toàn phụ thuộc. Chúng ta tồn tại phụ thuộc vào các yếu tố nhân duyên, như tinh cha noãn mẹ, như dòng tâm thức được tiếp nối từ đời sống trước. Chúng ta phụ thuộc vào các phần cấu thành ta, như thân và tâm. Chúng ta cũng phụ thuộc vào khái niệm và tên gọi. Trên nền tảng thân và tâm kết hợp với nhau, chúng ta nhận hiểu về tổ hợp này như là một con người và gọi tên đó là “tôi”. Chúng ta chỉ tồn tại qua tên gọi được gán ghép trên một nền tảng thích hợp. Như đức Phật dạy:
Như việc gọi tên một chiếc xe,
dựa trên các thành phần hợp lại.
Cũng vậy, theo quy ước mà một con người,
(được gọi tên) dựa trên
các uẩn (thân và tâm) [hợp thành].
Điều quan trọng là phải nhận hiểu rằng, việc nhận ra tánh Không không phá hủy “cái tôi”, vì một “cái tôi” với thực thể chân thật và không phụ thuộc vốn chưa bao giờ tồn tại cả. Những gì ta hủy diệt chính là sự vô minh bám chấp vào ý niệm: thật có tồn tại một “cái tôi” cụ thể và chắc thật.
Không phải là mọi sự vật trước đây đã từng hiện hữu, rồi ngay khi thiền quán về tánh Không, ta phá hủy sự hiện hữu đó. Cũng không phải là mọi sự vật trước đây đã từng tồn tại không phụ thuộc, rồi chúng ta [tu tập thiền quán và] loại bỏ phẩm tính này của chúng. Chúng ta chỉ đơn giản nhận ra được là chưa bao giờ có sự tồn tại không phụ thuộc, và nhờ đó ta xóa bỏ nhận thức sai lầm rằng thật có sự vật tồn tại một cách không phụ thuộc.
Có con người đạt đến sự chứng ngộ. Đây là “cái tôi” theo quy ước, vốn phụ thuộc vào các điều kiện nhân duyên, phụ thuộc vào các phần cấu thành, và phụ thuộc vào khái niệm cùng với sự định danh. Các bậc chứng ngộ không còn cảm nhận mạnh mẽ về một “cái tôi” riêng rẽ và chắc thật như chúng ta, vì các ngài đã nhận ra được rằng một “cái tôi” như vậy không hề tồn tại. “Cái tôi” vẫn hiện hữu, nhưng theo một cách thức hiền hòa và êm dịu hơn. “Cái tôi” đó hoàn toàn chỉ là một quy ước, không phải một thực thể.
Khi hiểu đúng về tánh Không và vô ngã, ta sẽ có được một phương tiện cực kỳ mạnh mẽ để chế ngự các tâm hành phiền não. Khi nhận biết được được tánh Không, ta sẽ thấy không hề có con người cụ thể nào đang nổi giận; không hề có con người thật nào để bảo vệ danh tiếng; không hề có một con người hay sự vật xinh đẹp nào có sự tồn tại độc lập để ta phải chiếm hữu. Nhờ nhận biết được tánh Không, những tham lam, sân hận, ganh tị, kiêu mạn và si mê của ta đều tan biến, vì chẳng hề có một con người cụ thể nào để ta phải bảo vệ và cũng chẳng có sự vật cụ thể nào để ta bám chấp.
Tầm quan trọng của sự nhận hiểu tánh Không được kinh The Superior of the King of Meditative Stabilization nhấn mạnh như sau:
Nếu thực tính vô ngã của các pháp được quán chiếu,
Và nếu sự quán chiếu này
được phát triển trong thiền định,
Thì sẽ được kết quả là Niết-bàn.
Ngoài ra, không còn cách nào khác
để đạt đến sự an lạc.
Nhận hiểu về tánh Không không có nghĩa là chúng ta trở nên vô cảm và mất hết khát vọng. Ta có thể nghĩ rằng: “Không có “cái tôi” thật, không có tiền bạc thật, vậy thì tại sao ta phải làm việc?” Nhưng suy nghĩ như thế là ta chưa hiểu đúng về tánh Không. Nhận hiểu được bản chất vô ngã sẽ cho ta một không gian rộng lớn để hành động. Thay vì cạn kiệt năng lượng vì sự tham lam, sân hận và si mê, ta sẽ tự do vận dụng lòng từ bi và trí tuệ của mình để làm lợi lạc cho chúng sinh bằng vô số phương tiện.
Khi thiền quán về tánh Không sau khi đã phát khởi tâm nguyện vượt thoát mọi khổ đau và phát tâm Bồ-đề, ta có thể tịnh hóa hoàn toàn mọi cấu nhiễm phiền não trong tâm thức. Vượt qua mọi giới hạn, ta sẽ có khả năng phát triển hoàn hảo mọi phẩm tính tốt đẹp, nhờ đó ta có thể vận dụng mọi phương tiện khéo léo để giúp đỡ chúng sinh theo những phương cách hiệu quả nhất. Tâm thức ta hoàn toàn có khả năng chuyển hóa bằng cách này. Ta có thể chuyển từ mê sang ngộ, từ một chúng sinh phàm phu thành một vị Phật, nhờ vào sự phát triển ba chứng ngộ căn bản trên đường tu tập.
Để phát triển ba chứng ngộ căn bản, cần có thời gian, đức nhẫn nhục và tinh tấn. Chúng ta cũng cần có sự định tâm để khi thiền quán về ba đề mục đó, tuệ giác của ta sẽ trở nên vững chãi và sắc bén.