Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ »» 6. Thiền định »»

Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ
»» 6. Thiền định

Donate

(Lượt xem: 9.000)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ - 6. Thiền định

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Phát triển định và tuệ

Trong ngôn ngữ Tây Tạng, chữ “gom” (có nghĩa là thiền) có cùng gốc động từ với những chữ mang nghĩa “tập luyện cho quen” hay “làm cho quen thuộc với”. Vì thế, trong thiền tập chúng ta nỗ lực để tự mình làm quen với những cách nhìn đúng đắn về thế giới. Ta cũng cố gắng làm quen với một quan điểm chân xác về thực tại để đoạn trừ mọi quan niệm sai lầm và những tâm hành phiền não.

Thiền không phải là xua đuổi mọi tư tưởng ra khỏi đầu óc và an trú trong trạng thái trống rỗng. Một đầu óc trống rỗng chẳng có gì đáng nói cả. Những tư tưởng được định hướng khéo léo có thể hữu ích cho ta, nhất là trong những giai đoạn tu tập thiền định ban đầu. Cuối cùng rồi thì chúng ta cũng cần phải vượt qua những giới hạn của các khái niệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là rơi vào một trạng thái trống không vô cảm, mà chính là sự trực nhận thật sáng suốt về thực tại.

Trước hết, chúng ta nhất thiết phải lắng nghe những hướng dẫn về phương pháp thiền định và các đề mục thiền quán. Thiền không chỉ là ngồi bắt tréo chân và nhắm mắt lại. Thiền là hướng tâm đến một đối tượng tích cực và nuôi dưỡng những khuynh hướng lợi lạc. Chúng ta cần phải lắng nghe những chỉ dẫn từ một vị thầy có kinh nghiệm để biết cách thực hành sao cho thích hợp.

Tiếp đến, chúng ta suy ngẫm về những chỉ dẫn đó: ta nhất thiết phải hiểu được một đề mục trước khi có thể tự mình quen thuộc với nó. Sự suy ngẫm này có thể được thực hiện qua thảo luận với các bạn đồng tu và với các vị thầy. Hoặc ta cũng có thể ngồi thiền và tự mình suy ngẫm.

Khi đã có được một phần hiểu biết về đề mục quán chiếu, ta hợp nhất hợp nhất đề mục ấy với tâm thức mình thông qua thiền định. Nhờ rèn luyện tâm thức trở nên quen thuộc với những khuynh hướng và quan điểm nhất định nào đó - chẳng hạn như tâm từ vô phân biệt hay trí tuệ nhận thức thực tại - nên những phẩm tính đó dần dần trở thành những khuynh hướng tự nhiên trong ta.

Tư thế ngồi thiền truyền thống là hai chân bắt tréo nhau trên một bồ đoàn, phần mông hơi cao hơn chân một chút. Hai vai ngang bằng, lưng giữ thẳng, như thể ta đang được một lực kéo thẳng lên từ đỉnh đầu. Hai bàn tay được đặt vào trong lòng, ngay bên dưới rốn. Bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, hai ngón tay cái chạm vào nhau. Hai cánh tay không ép sát vào thân mình, cũng không tách xa ra, chỉ để thật tự nhiên thoải mái. Đầu hơi nghiêng về phía trước, miệng ngậm lại, lưỡi cong chạm lên vòm họng.

Mắt hơi mở hé để tránh rơi vào hôn trầm, nhưng không nhìn gì cả. Nói đúng hơn là hơi nhìn xuống, nhẹ nhàng tập trung vào chóp mũi hay [một điểm dưới] mặt đất phía trước mặt. Thiền được thực hành với toàn bộ tâm thức chứ không chỉ riêng nhãn thức. Ta không nên cố gắng để “nhìn thấy” bất cứ điều gì bằng mắt trong khi thiền tập.

Thiền tập vào buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày làm việc là rất tốt vì lúc đó tâm thức ta sáng suốt, tỉnh táo hơn. Nhờ việc định tâm vào những khuynh hướng hiền thiện trong thiền tập buổi sáng sớm nên suốt trong ngày ta sẽ có được sự tỉnh giác và điềm tỉnh hơn. Thiền tập vào buổi tối cũng giúp ta làm an định tâm thức và “chuyển hóa” được những gì xảy ra trong ngày trước khi đi vào giấc ngủ.

Ban đầu, mỗi lần thiền tập không nên kéo dài quá lâu. Nên chọn thời gian phù hợp với khả năng và thời biểu của bạn. Điều quan trọng là phải thực hành đều đặn, vì sự lặp lại đều đặn rất cần thiết để tự mình trở nên quen thuộc dần với những khuynh hướng tốt đẹp. Thiền tập mười lăm phút [đều đặn] mỗi ngày sẽ lợi lạc hơn so với việc thiền tập ba tiếng đồng hồ trong một ngày rồi mê ngủ suốt những ngày còn lại trong tuần.

Vì động cơ hành động của ta sẽ quyết định hành động của ta có mang lại lợi lạc hay không, nên việc phát khởi một động cơ hiền thiện trước khi thiền tập là cực kỳ quan trọng. Nếu ta khởi đầu mỗi buổi thiền tập với một động cơ mạnh mẽ, việc định tâm sẽ dễ dàng hơn. Do vậy, trước khi nhiếp tâm vào đề mục thiền quán, ta nên dành ít phút để nghĩ đến những ích lợi của thiền tập cho bản thân ta và người khác.

Những tâm nguyện vị tha như thế này là rất hữu ích: “Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tất cả chúng sinh đều được an vui hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau! Tôi mong muốn thực hiện điều này bằng cách chỉ bày cho người khác con đường tiến đến giác ngộ. Nhưng khi tâm thức tôi vẫn còn mê tối, tôi không thể tự cứu chính mình, nói gì đến người khác. Vì thế, tôi muốn hoàn thiện bản thân - đoạn trừ mọi chướng ngại và phát triển những tiềm năng tốt đẹp của mình - để có thể phụng sự tốt hơn cho hết thảy chúng sinh. Với tâm nguyện như thế, tôi sẽ thực hành buổi thiền tập này để tiến thêm một bước nữa trên con đường tu tập.”

Nhưng trong đạo Phật giáo có nhiều pháp thiền. Về cơ bản có thể chia thành hai nhóm: một nhóm nhằm đạt đến samatha (chỉ) hay sự an định, và một loại có công năng làm tăng trưởng vipassana (quán) hay tuệ giác.

Trong kinh Hiển bày Thánh ý, đức Phật nhấn mạnh về hai loại thiền này:

“Các ông nên biết rằng, cho dù ta đã dạy nhiều khía cạnh khác nhau của các trạng thái thiền Thanh văn (những vị đang tu tiến đến quả vị A la-hán), Bồ Tát và Như Lai (chư Phật), nhưng tất cả những khía cạnh đó đều bao hàm trong hai pháp tu tập về định (thiền chỉ) và tuệ (thiền quán).

Định

Định là khả năng chú tâm vào một đối tượng thiền quán với sự sáng suốt và ổn định trong khoảng thời gian kéo dài tùy theo ý muốn. Với trạng thái định, tâm chúng ta trở nên cực kỳ nhu nhuyến, giúp ta có thể tùy ý hướng tâm vào bất kỳ chủ đề hiền thiện nào mà ta muốn. Mặc dù chỉ riêng việc định tâm không thể đoạn trừ được gốc rễ của phiền não, nhưng nó làm cho sức mạnh của phiền não suy yếu đi rất nhiều. Những [tâm niệm] thô của sân hận, tham lam và ghen tỵ không còn sinh khởi và nhờ đó nên ta cảm thấy hòa hợp hơn với môi trường quanh ta.

Để tâm có thể an trú trong trạng thái định, chúng ta nhất thiết phải buông bỏ mọi buồn phiền, dự tưởng, lo âu và xao nhãng. Vì thế, để phát triển trạng thái định, ta thực hành thiền chỉ, nhằm rèn luyện tâm thức tập trung vào đề mục thiền tập.

Đức Phật có dạy về rất nhiều đề mục để ta có thể chú tâm vào nhằm phát triển sự nhất tâm. Trong các đề mục này bao gồm pháp quán niệm tâm từ để đối trị sân hận và quán bất tịnh để đối trị tham luyến. Ta cũng có thể quán niệm về bản chất trong sáng và tỉnh giác của tâm. Hình tượng đức Phật cũng có thể là một đề mục cho thiền định, trong đó chúng ta hình dung đức Phật bằng thị kiến trong tâm thức và duy trì sự chú tâm vào đó. Một trong những đề mục chính thường được dùng để phát triển sự định tâm là hơi thở.

Để quán niệm hơi thở, chúng ta ngồi trong tư thế thật thoải mái và hít thở tự nhiên. Đừng thở sâu hay thúc ép hơi thở theo bất kỳ cách nào. Hãy thở như bình thường, chỉ có điều là giờ đây ta theo dõi và cảm nhận trọn vẹn hơi thở. Chú tâm vào chóp mũi và theo dõi sự cảm nhận hơi thở khi ta hít vào, thở ra.

Hầu hết chúng ta đều ngạc nhiên và thậm chí là sợ hãi khi mới bắt đầu tập thiền. Dường như tâm thức ta tương tự một đường phố náo nhiệt ở trung tâm New York - có quá nhiều sự huyên náo, quá nhiều tư tưởng, quá nhiều sự thúc ép, lôi kéo. Không phải thiền làm cho tâm ta trở nên hỗn loạn như thế. Thực ra, tâm thức ta vốn đã luôn vọng động, nhưng vì sự tỉnh giác nội quán của ta yếu ớt nên không nhận biết được. Tuy nhiên, sự hỗn loạn trong nội tâm này không phải là một tình trạng tuyệt vọng. Thông qua sự thực hành [thiền tập] đều đặn, tâm ta sẽ có khả năng tập trung tốt hơn và sự hỗn loạn sẽ suy giảm.

Hôn trầm và trạo cử là hai chướng ngại chính của sự phát triển định lực. Hôn trầm xảy ra khi tâm thức thiếu sự sinh động, và nếu không đối trị hôn trầm, ta có thể sẽ rơi vào giấc ngủ. Khi tâm thức trở nên uể oải, lờ đờ, chúng ta cần áp dụng những pháp đối trị thích hợp để khơi dậy sự tỉnh giác. Ta có thể tạm thời ngưng việc quán niệm hơi thở để chuyển sang một đề mục nào đó có thể giúp tâm hưng phấn hơn, chẳng hạn như việc ta có được thân người hoàn hảo hiện nay, hay về khả năng thành Phật của mình. Quán tưởng căn phòng tràn ngập ánh sáng hay ánh sáng tràn ngập vào bên trong thân thể cũng là những đề mục hữu ích. Những pháp quán tưởng như vậy sẽ giúp tâm trở nên sinh động và xua tan trạng thái hôn trầm. Khi ấy, ta sẽ quay lại với việc quán niệm hơi thở.

Đối với những ai cảm thấy buồn ngủ khi thiền tập, nên rửa mặt bằng nước lạnh trước khi ngồi thiền. Trong khoảng nghỉ giữa hai thời thiền tập, việc phóng tầm mắt nhìn ra xa cũng giúp tâm trải rộng và sinh động hơn.

Trạo cử là một chướng ngại lớn khác nữa trong việc phát triển sự định tâm. Trạo cử xuất hiện khi tâm ta bị lôi cuốn theo những gì ta bám chấp. Chẳng hạn, ta chú tâm vào hơi thở được khoảng ba mươi giây, và rồi ta chẳng biết vì sao lại chuyển sang suy tưởng về thức ăn. Và rồi ta nghĩ đến những người ta thương yêu, sau đó là nghĩ đến nơi mình sẽ đi chơi vào cuối tuần. Những trường hợp như thế là trạo cử.

Trạo cử khác với sự xao nhãng, phóng tâm. Trạo cử là hướng tâm vào những đối tượng ta tham luyến, trong khi phóng tâm là chú ý đến cả những điều khác nữa. Chẳng hạn, ta nghĩ đến những lời xúc phạm của ai đó cách đây 5 năm, đó là một trường hợp phóng tâm. Cũng vậy, khi ta nghĩ lan man đến những phẩm tính hiền thiện của đức Phật trong khi đang quán niệm hơi thở thì đó cũng là phóng tâm.

Trạo cử hàm nghĩa là tâm thức quá phấn khích, hứng khởi. Vì vậy, pháp đối trị với nó là nghĩ về điều gì đó ảm đạm, buồn thảm. Ta có thể tạm thời quán chiếu về sự vô thường, về những khía cạnh bất tịnh của bất kỳ điều gì mà ta đang tham luyến, hoặc về những khổ đau trong vòng luân hồi. Sau khi đã làm cho tâm trở nên nghiêm túc hơn, chúng ta quay lại với việc quán chiếu hơi thở.

Chánh niệm và sự tỉnh giác nội quán là hai yếu tố tâm thức giúp ta ngăn ngừa và đối trị với sự phóng tâm, hôn trầm và trạo cử. Với chánh niệm, chúng ta luôn nhớ đến đối tượng thiền tập là hơi thở. Sự nghĩ nhớ hay chánh niệm về hơi thở của ta quá mạnh mẽ đến nỗi các vọng niệm không thể xâm nhập.

Muốn chắc chắn rằng tâm thức không rơi vào sự phóng tâm, hôn trầm hay trạo cử, ta phải dùng đến sự tỉnh giác nội quán để xác định xem liệu tâm thức ta có đang duy trì sự tập trung vào đối tượng thiền định hay không. Sự tỉnh giác nội quán giống như một chàng do thám - cứ thỉnh thoảng xuất hiện và lặng lẽ theo dõi xem ta có tiếp tục chú tâm vào hơi thở hay đã tản mạn sang nơi khác. Sự tỉnh giác nội quán cũng cảnh báo ta khi sự chú tâm bị buông lỏng và không chú tâm một cách sáng suốt vào hơi thở.

Nếu sự tỉnh giác nội quán nhận thấy tâm ta vẫn duy trì định tâm, ta sẽ tiếp tục công phu. Nếu phát hiện có sự phóng tâm, hôn trầm hay trạo cử, ta sẽ khôi phục lại chánh niệm và hướng tâm trở về với đối tượng thiền định. Hoặc ta áp dụng các phương pháp đối trị với hôn trầm và trạo cử như được trình bày ở trên.

Nhẫn nhục là một phẩm tính thiết yếu khác để phát triển sự an định. Chúng ta phải chấp nhận bản thân mình như vốn có, cũng như phải có sự tự tin và nhiệt thành muốn làm cho tâm thức an bình hơn. Nếu ta tự thúc ép mình và mong đợi những kết quả ngay tức khắc thì khuynh hướng đó tự nó sẽ cản trở ta. Ngược lại, nếu ta lười nhác giải đãi thì sẽ không có sự tiến bộ. Chúng ta cần phải phát triển sự nỗ lực không căng thẳng.

Phát triển định lực là một tiến trình tuần tự cần có thời gian. Chúng ta không nên mong đợi có thể đạt đến sự nhất tâm qua vài ba lần thiền tập. Tuy nhiên, nếu ta có được sự hướng dẫn thiền tập đúng đắn và tu tập dưới sự dẫn dắt của một vị thầy, và nếu chúng ta kiên trì với sự vui thích và không mong đợi kết quả, cuối cùng ta sẽ đạt đến sự an định.

Tuệ giác

Tuệ giác là nhận thức đúng thật về đối tượng thiền quán kết hợp với sự nhất tâm của tâm an định. Để tu tập tuệ giác, ta cần phải phát triển khả năng phân tích đối tượng thiền quán. Thiền chỉ nhấn mạnh sự phát triển tâm an định, trong khi thiền quán là phương tiện để đạt được tuệ giác. Tuy nhiên, thiền quán cũng có thể được vận dụng để phát triển tâm an định và thiền chỉ có thể giúp ta đạt được tuệ giác. Trên thực tế, tuệ giác là sự kết hợp giữa thiền quán và tâm an định.

Thiền quán chiếu hay nhận thức không có nghĩa là ta liên tục tư duy khái niệm, để rồi lạc lối trong một tâm thức hỗn loạn. Thay vì vậy, nhờ nhận hiểu rõ về đối tượng thiền định, ta sẽ có khả năng trải nghiệm đối tượng ấy một cách trọn vẹn. Trong thiền quán, ta không cần thiết phải sử dụng tư duy biện luận. Ta có thể dùng đến niệm tưởng tinh tế hơn để nhận thức đúng về đối tượng. Sau đó, ta chú tâm vào những gì đã nhận thức được để làm cho nhận thức ấy vững chãi hơn và hòa nhập vào tâm ta. Cuối cùng, tri thức khái niệm của ta sẽ chuyển thành sự thể nghiệm trực tiếp, hay trực giác. Vì vậy, kết quả cuối cùng của thiền quán là sự thể nghiệm vượt ngoài khái niệm. Trong kinh Ca-diếp thỉnh vấn, đức Phật dạy:

“Này Ca-diếp! Cũng giống như lửa phát sinh từ hai miếng gỗ cọ xát nhau, tuệ quán sinh khởi từ trạng thái tư duy khái niệm. Và cũng giống như lửa cháy bùng lên thiêu rụi hai miếng gỗ đó, tuệ quán tăng tưởng sẽ quét sạch mọi tư duy khái niệm.”

Có hai loại thiền quán căn bản. Một loại nhằm chuyển hóa khuynh hướng của chúng ta. Chẳng hạn, khi thiền quán về tâm từ, ta sẽ chuyển hóa khuynh hướng sân hận hay vô cảm của mình thành tình thương yêu chân thật. Với loại thiền quán thứ hai, ta quán chiếu đề mục thiền quán để thấu hiểu và cảm nhận. Thiền quán về vô thường và tánh không là những ví dụ.

Trong loại thiền quán thứ nhất, ta nhắm đến chuyển hóa khuynh hướng [tâm thức]. Khi thiền quán về tâm từ thì đối tượng quán chiếu là mọi chúng sinh. Ta suy xét đến lòng tốt của họ đối với ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi tự mình thể nhập vào ý nghĩa sâu xa của sự thật là tất cả mọi người đều mong muốn hạnh phúc và né tránh khổ đau, và sự khát khao này của họ cũng mãnh liệt không khác gì chính bản thân ta. Từ đó ta suy nghĩ: sẽ tốt đẹp biết bao nếu tất cả mọi người đều thực sự đạt được hạnh phúc!

Khi những tư tưởng này trở nên mạnh mẽ, tâm thức ta tràn ngập tình thương yêu sâu sắc và bình đẳng đối với tất cả mọi chúng sinh. Một cảm xúc mạnh mẽ khởi sinh trong ta - tâm nguyện ước mong cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc. Sau khi thực hành thiền quán để phát triển được tình thương yêu rồi, ta tiếp tục duy trì kinh nghiệm thương yêu sâu sắc này bằng cách thực hành thiền chỉ. Một số người có thể tiếp tục thiền quán về tâm từ và phát triển định lực trên đó.

Trong pháp thiền về vô thường, sự quán chiếu giúp chúng ta nhận hiểu được tính chất tạm bợ của thế giới quanh ta. Chúng ta có thể chọn đối tượng nào đó mà ta ưa thích, như âm nhạc chẳng hạn, rồi suy ngẫm về tính chất thay đổi của nó. Một giai điệu gồm có phần mở đầu, khoảng giữa và đoạn kết thúc. Giai điệu ấy không tồn tại mãi mãi. Ngay cả trong lúc đang tồn tại, giai điệu ấy cũng liên tục biến đổi. Mỗi nốt nhạc chỉ tồn tại trong một phần chia nhỏ của giây, và ngay cả trong thời gian ngắn ngủi đó, nó cũng thay đổi.

Khi quán chiếu sâu sắc về vô thường, ta sẽ hiểu được rằng vũ trụ quanh ta luôn chuyển động. Dù nó có vẻ như kiên cố và vững chắc đối với sự nhận biết [qua giác quan] thông thường của chúng ta, nhưng thực ra nó rất giả tạm. Hiểu được điều này giúp ta tránh được sự tham luyến cùng với những khổ đau và nhận thức mê lầm luôn đi kèm theo nó. Thấu hiểu về vô thường, ta sẽ nhận thức đúng giá trị của mọi sự vật và trải nghiệm trọn vẹn khi chúng còn đang tồn tại. Khi chúng mất đi, ta sẽ không than tiếc. Điều này sẽ tự nhiên làm lắng dịu đi sự khuấy động của tâm thức trong đời sống hằng ngày.

Khi thiền định về tánh Không, chúng ta phân tích bản chất rốt ráo của con người và hiện tượng giới. Như đã trình bày ở chương nói về tuệ giác, chúng ta sẽ khảo sát xem những giả định thông thường của ta về cách thức tồn tại của con người và hiện tượng giới có đúng thật hay không. Khi phân tích thật kỹ lưỡng, ta sẽ nhận ra rằng vạn pháp hoàn toàn không có những phóng tưởng sai lầm về sự tồn tại theo tự tính sẵn có. Vào lúc này, ta nhận thức được đúng thật về tánh Không.

Để đạt được tuệ giác về tánh Không, ta kết hợp sự hiểu biết đúng thật về tánh Không với tâm an định. Điều này cho phép tâm thức ta duy trì sự chú tâm vào tánh Không trong một thời gian lâu dài. Nhờ chú tâm vào thực tại theo cách này, tâm thức ta tịnh hóa được những chướng ngại.

Tất cả chủ đề được đề cập trong sách này đều là đề mục để thiền tập. Chúng ta có thể thiền quán về tái sanh và nhân quả để hiểu được cách thức vận hành của chúng. Quán chiếu về lòng tốt của người khác và những tác hại của tâm ích kỷ, ta sẽ phát khởi lòng từ và tâm nguyện tự nhiên muốn làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh. Tóm lại, những gì đức Phật đã dạy đều là chất liệu để nuôi dưỡng thiền tập.

Cả hai loại thiền chỉ và thiền quán đều rất quan trọng. Nếu ta chỉ có khả năng định tâm mà không thể quán chiếu phân tích đúng thật về các đối tượng thiền định như là tánh Không, thì ta không đủ khả năng dứt trừ tận gốc rễ của vô minh. Mặt khác, nếu chúng ta nhận hiểu đúng về tánh Không nhưng không có khả năng duy trì sự chú tâm vào đó, thì sự hiểu biết của ta không có được một tác động sâu xa vào tâm thức và sự vô minh của ta sẽ không bị dứt trừ hoàn toàn. Khi ta kết hợp cả tâm an định và tuệ giác quán chiếu, ta sẽ vững bước chắc chắn trên con đường hướng đến giải thoát.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Bức Thành Biên Giới


Hát lên lời thương yêu


Cho là nhận


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.163.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...