Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ »» 4. Nuôi dưỡng lòng vị tha »»

Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ
»» 4. Nuôi dưỡng lòng vị tha

Donate

(Lượt xem: 8.339)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ - 4. Nuôi dưỡng lòng vị tha

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Tâm từ bi rộng mở

Chứng ngộ căn bản thứ hai trên con đường tu tập là tâm nguyện vị tha muốn đạt đến sự giác ngộ để làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Trong tiếng Sanskrit, tâm nguyện này được gọi là “bodhicitta”, có thể chuyển dịch theo nhiều cách như là: tâm tỉnh giác, tâm Bồ-đề, tâm vị tha hay tư tưởng giác ngộ. Những ai có động lực này - các vị Bồ Tát - đều có lòng từ bi vô hạn, bình đẳng và vị tha với tất cả chúng sinh rất mạnh mẽ đến mức luôn mong muốn đạt đến giác ngộ để có được khả năng tốt nhất trong việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Chúng ta sống chung trong một thế giới với biết bao người khác. Bất chấp việc chúng ta có những thân thể khác nhau và kinh nghiệm khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều rất giống nhau. Tất cả chúng ta đều có những khổ đau bất ổn và phiền não. Tất cả chúng ta đều xoay vòng mãi trong sinh tử. Mỗi chúng ta đều có chung một mong ước sâu xa là được sống hạnh phúc và né tránh mọi khổ đau.

Nhận biết được rằng tất cả chúng ta đều đi chung trên một con thuyền, làm sao ta có thể xem là hợp lý khi chỉ biết lo cho lợi ích của riêng mình? Giống hệt như chúng ta, người khác cũng khổ đau vì những đau đớn và bất ổn của họ. Làm sao ta sao có thể nói rằng mình là quan trọng hơn người khác? Có lý lẽ hay lập luận nào biện hộ cho việc ta luôn chăm chút chính mình hơn là người khác?

Nếu nghĩ đến cái chung, ta sẽ thấy rằng ta chỉ có mỗi một mình trong khi những chúng sinh khác là vô số. Nếu ta so sánh hạnh phúc của một người với hạnh phúc của tất cả chúng sinh thì việc quan tâm duy nhất đến hạnh phúc của riêng mình sẽ là không hợp lý. Chúng ta không thể đi theo con đường tâm linh chỉ để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Ta cũng phải giúp đỡ mọi người để cùng đạt được hạnh phúc.

Việc cứu giúp tất cả chúng sinh là rất khó khăn khi ta chưa đạt đến tâm bình đẳng đối với mọi người. Ta thường có khuynh hướng yêu thích một số người hơn những người khác và chấp nhận làm mọi việc để giúp đỡ họ. Chúng ta đối xử không tốt với những người ta cho là đáng ghét và không ưa thích. Khi nào ta vẫn còn nhận thức về người khác theo cách phân chia thành các nhóm bạn bè, thù nghịch hoặc xa lạ, rồi dựa vào đó mà sinh lòng luyến ái, căm ghét hoặc vô cảm, thì việc cứu giúp họ là điều rất khó khăn. Trước hết, ta cần phải phát khởi tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Nền tảng của tâm từ bi [bình đẳng như thế] là nhận thức được rằng mọi người vốn không hề sẵn có bản chất là bạn bè, thù nghịch hay xa lạ đối với ta. Một người bạn có thể rồi sẽ trở thành người xa lạ hay kẻ thù nghịch. Một người ta không ưa thích có thể rồi sẽ trở thành bè bạn hay xa lạ. Và một người xa lạ có thể rồi sẽ trở thành bạn bè hoặc kẻ thù. Những mối quan hệ này luôn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Nếu nhìn lại cuộc sống [đã qua] của chính mình, ta sẽ thấy nhiều trường hợp thay đổi như thế. Vì mối quan hệ của ta với người khác không ngừng biến đổi, nên việc phân chia mọi người quanh ta thành các nhóm cố định [như bạn, thù hoặc xa lạ] để rồi sinh tâm luyến ái, căm ghét hoặc dửng dưng là hoàn toàn vô nghĩa.

Với một tầm nhìn toàn diện hơn, hẳn ta sẽ thấy rằng việc gán ghép cho mọi người những giá trị như bạn bè, thù nghịch hoặc xa lạ là chủ quan và tùy tiện biết bao. Hôm nay, người nào đó cho ta một số tiền lớn và trở thành bạn ta. Ngày mai, người ấy sỉ nhục ta và trở thành kẻ thù. Một người khác sỉ nhục ta hôm nay rồi ngày mai lại cho ta một số tiền lớn. [Trong hai người ấy,] ai là bạn, ai là thù?

Bạn và thù chỉ là những sự phân biệt hoàn toàn chủ quan, tùy theo thời điểm, hoàn cảnh và tùy theo sự gán ghép của ta cho một người là bạn hay thù. Giá như ta có thể nhớ lại những mối quan hệ của mình với mọi chúng sinh - kể cả những mối quan hệ trong tiền kiếp - hẳn ta sẽ thấy rằng tất cả chúng sinh đối với ta đều đã từng là bạn hữu, là kẻ thù nghịch hay là người xa lạ trong những thời điểm khác nhau.

Nói chung, ta luôn xem những người tử tế với ta và tán thành những quan điểm của ta là người tốt, là thân hữu. Những ai không có quan hệ tốt đẹp, hòa hợp với ta, ta đều xem là người xấu, là kẻ thù nghịch với mình. Nhưng hai hạng người theo phân loại như thế của ta đều sẵn có cả những tính tốt và những tính xấu. Chúng ta chỉ nhìn thấy một vài tính chất của mỗi người và nhấn mạnh vào đó rồi nghĩ rằng đó là tính cách của người ấy.

Cách nhìn của ta về người khác là rất chủ quan. Khi ta nhìn vào một người nào đó và thấy có vẻ như rất tuyệt vời, thì đối với một người khác, cũng con người ấy lại có vẻ như rất đáng ghét. Tại sao vậy? Đó là vì ta đã nhìn người ấy từ một góc độ, trong khi người khác lại nhìn người ấy từ một góc độ khác. Thật ra, người ấy vốn có cả những mặt tốt đẹp và những điểm khiếm khuyết.

Nếu ta tu tập để có được một cách nhìn toàn diện hơn về người khác, ta sẽ không thất vọng khi người thân yêu không đáp lại những kỳ vọng của ta. Ta sẽ nhận ra và chấp nhận những khiếm khuyết của họ. Cũng vậy, ta sẽ biết khoan dung và tôn trọng hơn đối với những người mà trước đây ta cho là đáng ghét, vì ta nhận biết được những phẩm tính tốt đẹp của họ. Mặc dù có thể hiện nay họ chưa đối xử tốt với ta, nhưng họ đã đối xử tốt với nhiều người khác. Khi ta xem xét đến mọi phương diện trong tính cách của người khác và ý thức được về sự biến đổi cũng như tính chất chủ quan của những mối quan hệ, cảm xúc của ta đối với mọi người quanh ta sẽ được bình ổn hơn.

Khi vượt qua được chướng ngại của những cảm xúc luyến ái, sân hận và vô cảm, tâm hồn ta sẽ rộng mở hơn đối với mọi người.

Lòng tốt của người khác

Trên căn bản tình cảm không thiên lệch đối với mọi chúng sinh, ta có thể tu tập phát triển tâm từ bi. Bước đầu tiên để phát khởi tâm từ bi là phải nghĩ nhớ đến lòng tốt của người khác.

Mọi thứ mà ta có được đều nhờ vào lòng tốt của người khác. Thực phẩm của ta được trồng trọt, chuyên chở và cũng thường được nấu nướng bởi người khác. Y phục của ta cũng do người khác làm ra. Căn nhà của ta cũng có được nhờ vào nỗ lực đóng góp của nhiều người: những kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân xây dựng, thợ hàn, thợ điện, thợ sơn, thợ mộc... Nếu suy xét kỹ, ta sẽ thấy rằng mọi thứ ta đang hưởng thụ đều có được nhờ vào sức lao động của người khác.

Một số người cho rằng: “Nhưng đôi khi những người ấy không làm tốt công việc của họ. Họ thiếu trách nhiệm và làm ô nhiễm môi trường. Ngây cẩ khi họ làm tốt công việc của họ thì đó cũng chỉ là để kiếm tiền, chẳng phải vì để giúp đỡ ta.”

Những điểm này nghe rất thuyết phục. Nhưng, thật kỳ lạ biết bao khi một mặt ta luôn muốn xem người khác là tử tế và dành tình cảm nồng nàn cho họ, nhưng mặt khác bất cứ khi nào ta bắt đầu cân nhắc đến những gì người khác đã làm cho ta thì một phần khác trong ta lại phản đối và lên tiếng: “Quả có thế, nhưng mà... ”, và rồi kể lể ra những lỗi lầm của họ.

Thế nhưng, có thể đáp lại những ngờ vực nói trên như thế này: Đúng là có một số người đã sai lầm và có những hành vi gây hại một cách vô tình hoặc cố ý. Nhưng họ đã cố gắng hết sức, xét theo những điều kiện tinh thần và thể chất của họ. Nếu có người đang gây hại cho người khác hoặc mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, chúng ta nên nỗ lực khắc phục tình trạng đó. Tuy nhiên, ta có thể làm điều đó mà không nổi giận với họ.

Một trong những vị thầy của tôi, ngài Lama Yeshe, thường bảo chúng tôi: “Họ có ý tốt đấy, các con ạ!” Ngay cả những người gây hại đến người khác hoặc làm việc bất cẩn cũng chỉ là đang cố gắng để có được hạnh phúc. Nếu xét đến sự vô minh và mê lầm của chính họ thì thật ra họ vẫn đang làm những gì mà họ thấy là đúng đắn.

Người ta có thể làm việc vì tiền, không hề có ý định tử tế gì với ta. Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là lý do làm việc của họ, mà là chúng ta đã được lợi ích nhờ vào những nỗ lực của họ. Bất kể là họ đang làm việc vì tiền bạc hay danh tiếng, sự thật là nếu họ không làm những việc ấy thì hẳn là chúng ta phải khốn khó hơn.

Cũng có người nói rằng: “Tôi trả tiền cho công việc họ làm, vì thế họ chỉ làm những việc đã được thuê. Như thế có gì là tử tế?” Ngay cả khi ta trả tiền để thuê người làm việc, ta vẫn được lợi từ những nỗ lực của họ. Hơn nữa, đồng tiền mà ta dùng trả công cho họ cũng chẳng phải của ta. Ta sinh ra đời vốn không sẵn có chút tiền bạc nào trong tay! Tiền bạc ta có được đều là do người khác trao cho. Nếu không nhờ vào sự tử tế của chủ thuê hoặc của các khách hàng, làm sao chúng ta có được tiền bạc?

Khi mới sinh ra, ta chẳng có gì cả. Thậm chí ta không thể tự ăn uống hay tự bảo vệ mình trong những điều kiện lạnh hay nóng. Hoàn toàn là nhờ vào tình thương cha mẹ nên ta đã không chết đi khi còn là đứa trẻ sơ sinh.

Ta có thể cảm thấy mình khôn ngoan và uyên bác, nhưng từ đâu ta có được những phẩm tính đó? Cha mẹ dạy ta nói năng, các thầy cô giáo dạy ta nhiều kỹ năng và kiến thức. Cho dù thuở nhỏ ta có thể không biết trân trọng những gì mà cha mẹ, thầy cô đã làm cho ta, nhưng giờ đây nếu suy xét lại ta sẽ thấy là công ơn của các vị rất lớn lao.

Một số người thuở nhỏ từng bị xâm hại, hoặc từng trải qua những tình huống kinh hoàng như trốn chạy lưu vong hoặc là nạn nhân chiến tranh. Làm sao những người này có thể khởi tâm xem người khác là tử tế tốt bụng, khi mà những tổn thương đã qua của họ là quá nặng nề?

Trước hết, ta có thể quán tưởng sâu xa về những người đã đối xử tốt với ta. Dù cho đó là một nhân viên trại tị nạn hay một thầy giáo, một người bạn hay một người xa lạ với nụ cười biểu lộ sự cảm thông và quan tâm, tất cả chúng ta đều đã từng nhận được sự tử tế [từ người khác]. Việc nhớ lại những điều tốt nhỏ nhặt của người khác cũng rất hữu ích, vì nó sẽ xoa dịu nỗi đau của ta và giúp mở rộng trái tim để cảm xúc thương yêu trở lại.

Kế đến, ta có thể xem xét việc những người gây tổn hại cho ta có thường xuyên làm việc đó hay không. Có thể ta đã từng có những kinh nghiệm không xấu hoặc thậm chí là tốt đẹp đối với họ. Việc nhớ lại những điều đó giúp ta thấy được rằng những người gây hại cho ta cũng không phải đã hoàn toàn hư hỏng về nhân cách.

Thêm vào đó, ta có thể suy xét rằng những người gây hại cho ta đã hành động do sự vô minh và mê lầm. Cho dù họ chỉ hoàn toàn mong muốn được hạnh phúc nhưng đã chọn cách làm sai trái dẫn đến gây hại cho chính mình và người khác. Suy xét theo cách này, ta có thể dần dần khởi tâm tha thứ họ và chữa lành những tổn thương tình cảm của mình.

Rộng mở tâm hồn

Người Phật tử tin rằng, lòng tốt của người khác sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ta xét đến việc mình đã từng trải qua nhiều kiếp sống. Trong mỗi kiếp sống, có những người đã đối xử rất tốt với ta. Chúng ta không phải lúc nào cũng sống chung với những người mà ta gần gũi hiện nay. Trong những kiếp sống quá khứ, chúng ta đã từng có đủ các quan hệ khác nhau với mọi chúng sinh khác. Chúng ta đã từng là cha mẹ, con cái của nhau, cho dù hiện nay ta không thể nhớ lại điều đó.

Ban đầu, điều này có vẻ như rất lạ lùng, nhưng khi ta xét đến việc những kiếp sống [của chúng sinh] đã có từ vô thủy, ta có thể hiểu được rằng trước đây ta đã từng quen biết hết thảy mọi người khác. Trong những kiếp sống quá khứ đó, khi những người khác từng là cha mẹ của ta, nói chung là họ rất thương yêu ta. Ngay cả khi họ không làm cha mẹ ta thì họ cũng giúp đỡ ta.

Khi ta suy xét thật sâu xa về điều này, ta cảm thấy lòng tràn ngập sự trân trọng và biết ơn đối với mọi người. Và như thế, mỗi khi nghĩ đến người khác ta sẽ hình dung họ là vô cùng tử tế. Ta sẽ chân thành mong muốn đền đáp lòng tử tế của họ. Từ trong trái tim mình, ta cầu mong cho họ được hạnh phúc. Đây chính là lòng thương yêu.

Tâm hồn thương yêu rộng mở như thế khiến ta cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Nhưng khi ôm lòng ích kỷ ta cảm thấy thế nào? Tâm hồn ta đầy sợ hãi, căng thẳng và khó chịu. Liệu tâm ích kỷ như thế có ích gì chăng? Khuynh hướng ích kỷ có vẻ ngoài dường như chăm lo cho ta với luận điệu rằng: “Nếu tôi không lo cho bản thân mình trước thì ai lo cho tôi đây? Sống trên đời này, tôi phải lo cho hạnh phúc của riêng tôi trước nhất.”

Nhưng trong thực tế, chính khuynh hướng này hủy hoại hạnh phúc của ta. Nếu ta khảo sát những trải nghiệm của mình, ta sẽ thấy cứ mỗi khi ta xảy ra xung đột căng thẳng với người khác, đều là có liên quan đến tâm ích kỷ. Mỗi lần ta có hành vi bất thiện và vì thế gây khổ đau cho chính mình trong tương lai, đều có sự ẩn tàng của tâm ích kỷ. Bất luận khi nào chúng ta lười biếng, đòi hỏi quá đáng hay vô ơn bội nghĩa, đều là do tác động của tâm ích kỷ. Vì sao các quốc gia có chiến tranh? Vì sao có xung đột trong gia đình? Vì sao có những người nghiện ngập hay chạy theo quyền lực và sự giàu có? Câu trả lời bao giờ cũng quy kết về tâm ích kỷ, chăm lo cho bản thân hơn là người khác.

Có một phương pháp rất hiệu quả để làm giảm bớt tâm ích kỷ. Đó là hình dung có rất đông người vây quanh ta. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, ta đang sống chung trong thế giới này với nhiều người khác. Và như vậy, thay vì chỉ tự biết mình, ta đặt mình vào địa vị người khác và nhìn lại chính mình. Người khác nhìn nhận về ta như thế nào? Liệu ta có quan trọng [đối với họ] như ta vẫn tưởng không?

Trong thực tế có quá nhiều người khác, trong khi chỉ có mỗi một cái “ta” mà thôi. Vì vậy, liệu có hợp lý không khi ta chỉ biết quan tâm đến hạnh phúc của riêng mình? Liệu có đúng đắn không khi xem hạnh phúc của riêng mình là quan trọng hơn của mọi người khác? Suy xét theo cách này sẽ giúp ta có một cách nhìn đúng đắn về sự việc.

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta là người xấu xa chỉ vì đôi khi ta ích kỷ. Khuynh hướng ích kỷ là một trong những đám mây chướng ngại trên bầu trời trong trẻo của tâm thức chúng ta. Ta không nên sai lầm đồng nhất mình với sự ích kỷ, vì nếu làm như vậy chính là ta kết hợp sự đả thương với bản thân sự thương tổn. Ở đây, ta cần phải mạnh mẽ chống lại sự ích kỷ, bởi vì nó gây hại cho chính ta và người khác.

Trái lại, việc thương yêu chăm sóc người khác mang lại lợi lạc rất lớn lao. Người khác được hạnh phúc và ta cũng hạnh phúc. Thêm vào đó, với sự quan tâm chăm lo cho người khác, ta sẽ có những hành vi hiền thiện. Điều này tạo ra kết quả kèm theo là hạnh phúc của ta trong những kiếp sống tương lai. Quan hệ giữa ta và người khác trở nên hòa hợp hơn và môi trường sống quanh ta cũng thế. Nhờ biết yêu thương người khác hơn chính bản thân mình, tâm hồn ta trở nên cao cả và ta sẽ thăng tiến trên đường tu tập. Ngài Tịch Thiên (Shantideva), bậc thánh vĩ đại người Ấn Độ, đã dạy rằng:

Mọi niềm vui trong cuộc đời này,
Đều có được từ tâm nguyện
mong cầu người khác được hạnh phúc.
Và mọi khổ đau trong cuộc đời này,
Đều do lòng ích kỷ
khát khao hạnh phúc cho riêng mình.
Nhưng điều đó cũng chẳng có gì
cần phải nói thêm nhiều.
Những kẻ u mê hành động
vì lợi lạc cho chính bản thân họ,
Chư Phật hành động
vì lợi lạc cho hết thảy chúng sinh.
Hãy nhìn vào sự khác biệt
giữa hai trường hợp đó.

Tâm từ bi

Tâm từ là mong muốn cho mọi người đều được hạnh phúc, còn tâm bi là mong muốn cho mọi người thoát khỏi mọi khổ đau. Tâm từ bi có thể là bình đẳng và rộng mở đến tất cả chúng sinh khi ta trừ bỏ được tâm luyến ái với người thân, căm hận với kẻ thù và vô cam với người xa lạ. Tâm từ không phải là một thứ chất liệu có giới hạn mà ta phải phân phát một cách dè sẻn. Khi chúng ta nhận thức được lòng tốt của người khác và biết tôn trọng khát vọng hạnh phúc, né tránh khổ đau của họ, thì tâm từ của chúng ta phát triển đến vô cùng.

Một số người có thể hoài nghi: “Điều đó phải chăng là có phần không thực tiễn? Lẽ nào tôi phải từ bỏ gia đình của mình? Hoặc là tôi phải yêu thương mọi người giống như nhau và sẽ kết hôn với thật nhiều người? Hay là tôi phải để cho những tên trộm vào nhà rồi chỉ chỗ cất tiền bạc vì tôi thương yêu chúng?”

Tâm từ phải luôn đi kèm với trí tuệ. Đó không phải là một kiểu tình thương ngốc nghếch. Đối với gia đình, chúng ta phải phát triển tình thương yêu hơn là sự luyến ái. Chúng ta có thể có tình thương yêu bình đẳng với tất cả chúng sinh, nhưng ta vẫn sống với gia đình của mình.

Tâm từ khác với ái dục. Tình thương yêu bình đẳng với mọi người không phải thể hiện qua tình dục. Tương tự, tiếp tay cho hành vi phạm tội như trộm cắp không phải là lòng từ. Tuy nhiên, ta có thể dùng tài sản của mình để giúp đỡ người khác được ăn học và có công ăn việc làm, nhờ đó họ không phải sống bằng trộm cắp.

Tâm từ là một khuynh hướng nội tâm luôn quan tâm chăm sóc cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, chúng ta phải có hành động thích hợp trong mỗi tình huống, sao cho mang lại lợi lạc lớn lao nhất cho đa số đông đảo. Nếu buộc phải ngăn chặn một người đang gây hại cho người khác, ta có thể làm điều đó không phải vì giận dữ hay căm thù, mà vì sự quan tâm đến chính người ấy cũng như mọi người khác có liên quan. Về mặt tinh thần và cảm xúc, ta ứng xử bình đẳng với hết thảy chúng sinh. Tuy nhiên, ta phải có những lời nói và hành vi thích hợp trong từng trường hợp.

Ta có thể phát triển tâm bi cùng với tâm từ, mong muốn cho mọi người thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tâm bi rộng mở và bình đẳng với hết thảy mọi người, không phân biệt người đó là ai hoặc hành xử như thế nào.

Tâm bi khác với lòng thương hại. Lòng thương hại là một thái độ hạ cố, cao ngạo: “Tôi là người tốt đẹp như thế đấy, luôn giúp đỡ những người nghèo khó, những kẻ không may có cuộc sống đang đổ vỡ.” Tâm bi thì ngược lại, luôn xem mọi người bình đẳng với chính mình, vì tất cả chúng ta đều như nhau trong ước muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Với lòng tôn trọng và tính khiêm hạ, ta sẽ giúp đỡ mọi người bằng mọi cách có thể mà không cần ai biết đến việc làm của mình. Chúng ta giúp đỡ người khác một cách tự nhiên và không mong đền đáp, cũng giống như ta đang giúp đỡ chính mình.

Với tâm từ bi, chúng ta sẽ tiếp tục phát khởi tâm nguyện vĩ đại tự mình gánh lấy trách nhiệm mang đến hạnh phúc an vui cho tất cả chúng sinh. Nếu không có tâm nguyện vĩ đại này, thì dù có tâm từ bi ta cũng không có động lực để dấn thân hành động. Như có người thấy người khác chết đuối nhưng chỉ đứng nhìn và suy nghĩ: “Ôi, khủng khiếp quá! Người này cần phải được cứu giúp.” Cũng vậy, ta sẽ không bao giờ có ý tưởng thực sự nhập cuộc để giúp đỡ. Nhưng khi đã phát triển trọn vẹn tâm nguyện vĩ đại vì chúng sinh, tự nhiên ta sẽ phụng sự người khác bất cứ việc gì trong khả năng mình, mà không hề có sự ngần ngại, miễn cưỡng hay phiền hà. Chính tâm nguyện vĩ đại kia đã biến những cảm xúc từ bi thành hành động thực tiễn.

Chúng ta làm thế nào để mang đến hạnh phúc cho người khác một cách hiệu quả nhất? Mặc dù chúng ta có thể có tâm nguyện giúp ích cho mọi người, nhưng khả năng hiện nay của ta rất giới hạn. Tâm bi của ta chưa phát triển trọn vẹn, trí tuệ kém cỏi và phương tiện chưa thiện xảo. Vậy ai là người hội đủ những phẩm tính đó để có thể làm lợi lạc cho chúng sinh một cách tốt nhất?

Nhìn khắp thế gian, ta thấy mọi chúng sinh phàm phu đều không có được những phẩm tính ấy. Các bậc thánh hiền - A-la-hán và chư Bồ Tát - đã phát triển rất nhiều những phẩm tính đó, nhưng vẫn chưa viên mãn. Chỉ có chư Phật mới hoàn toàn trừ bỏ được hết mọi chướng ngại trong tâm thức và phát triển trọn vẹn những phẩm tính đó. Hiểu được điều này, ta sẽ phát khởi tâm nguyện thành Phật để có thể làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh. Đây chính là tâm lượng vị tha, là chứng ngộ căn bản thứ hai trên con đường tu tập.

Người nào đã nuôi dưỡng được tâm Bồ-đề một cách tương tục, ngày cũng như đêm, được gọi là Bồ Tát. Bước tiếp theo là tu tập hoàn thiện 6 pháp ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây là con đường tu tập hướng đến sự giác ngộ viên mãn của một vị Phật. Trong số những yếu tố quan trọng nhất để đạt đến giác ngộ có 2 yếu tố là thiền định và trí tuệ, sẽ được tìm hiểu dưới đây.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống đẹp giữa dòng đời


Chuyển họa thành phúc


Có và Không


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.208.243 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...