Tuần thứ 3 tháng 3 năm 2017Người xưa thường nói: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người chẳng có ai toàn hảo về mọi mặt. Trong thực tế, điều đó chỉ là một trong rất nhiều thực tế cần nhận biết của cuộc đời. Đức Phật khuyên chúng ta hãy nhìn thẳng vào bản chất thực tế của cuộc đời này để thấy rằng không chỉ vấn đề toàn hảo của mỗi con người là tương đối, mà tất cả mọi hiện tượng vật chất cũng như tinh thần ta đang nhận biết cũng đều là tương đối và giả tạm, không hề tồn tại vĩnh hằng bất biến với thời gian. Một số người cho rằng nhận thức như vậy là quá bi quan và có thể làm chúng ta mất đi niềm vui sống. Liệu cách nghĩ này có đúng không? Trong lá thư tuần này, chúng tôi xin chia sẻ một vài khía cạnh có liên quan đến vấn đề này.
Sở dĩ đức Phật dạy rằng tất cả các hiện tượng đều tương đối và giả tạm, không thường hằng, là vì chúng luôn hiện hữu trong mối quan hệ duyên sinh tương tác với các hiện tượng khác. Không một hiện tượng nào tự nó khởi sinh và tồn tại mà không có sự tương quan với vô số những hiện tượng khác. Đó là một sự thật mà chúng ta chỉ có thể nhận ra chứ không thay đổi được. Trong thế giới vật chất, một hạt giống nảy mầm cần phải có đủ nhiều điều kiện thuận lợi như đất ẩm, hơi ấm, ánh nắng... Nếu thiếu đi các điều kiện thuận lợi, hiện tượng nảy mầm của hạt giống không thể diễn ra. Trong thế giới tinh thần hoặc cảm xúc, một tình cảm thương, ghét hay ưa thích của chúng ta cũng không thể tự nó sinh khởi, mà phải do nhiều yếu tố ngoại duyên cũng như nội tại. Chỉ cần các yếu tố đó thay đổi khác đi, cảm xúc của chúng ta cũng sẽ thay đổi hoặc thậm chí là không sinh khởi nữa.
Hiểu đúng về sự thật này không có nghĩa là bi quan, mà là một cách nhận thức đúng đắn và sáng suốt. Với nhận thức đúng, chúng ta mới có được thái độ và cách hành xử đúng, do đó không chịu - hoặc ít nhất cũng là hạn chế được - sự cuốn hút vào dòng xoáy khổ đau của tâm thức bất như ý khi mọi việc diễn ra không như ta mong muốn.
Trong thực tế, những điều kiện tốt đẹp và thuận lợi không thể gắn bó mãi cùng ta, cho dù ta rất muốn như thế. Điều kiện sống quanh ta liên tục thay đổi, môi trường và con người cũng thay đổi, tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi mà nhiều khi ta không hề mong muốn. Tuy nhiên, khi hiểu đúng về quy luật vận hành của thực tại, ta sẽ dễ dàng chấp nhận những đổi thay không mong muốn đó, thay vì khởi tâm oán hận, bực tức...
Trong quan hệ tình cảm cũng vậy. Những người ta yêu thương và thương yêu ta không phải bao giờ cũng duy trì được những tình cảm ấy một cách vĩnh hằng. Khi ta đáp ứng được những phẩm chất nhất định mà một người khác đang mong muốn, ta có được sự thương yêu. Khi ta thay đổi, hoặc thậm chí sự mong muốn của người ấy thay đổi, tình cảm cũng thay đổi như một sự tất yếu. Hiểu được điều đó, ta không thể mong cầu nắm giữ mãi mãi một tình cảm nào đó. Thay vì vậy, ta sẽ cố gắng làm hết sức mình trong phạm vi có thể được để vun bồi một tình cảm tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng chấp nhận việc mất đi tình cảm ấy khi hoàn cảnh đổi thay.
Đối với những vật sở hữu mà ta có được thì sự tồn tại mong manh của chúng lại càng rất dễ nhận ra. Ta có thể mất chúng bất cứ lúc nào, cho dù ta có ưa chuộng, trân quý đến mức nào đi chăng nữa. Một cái bình cổ có thể vỡ tan trong nháy mắt, chiếc nhẫn mà ta yêu quý có thể sơ ý rơi mất không sao tìm lại được... Mọi thứ đều có thể rời bỏ ta có vẻ như không báo trước, nhưng sự thật là chúng luôn tuân theo một nguyên lý chung: không có sự vật nào tồn tại vĩnh hằng.
Nhận thức đúng về thực tại tương đối và giả tạm, vô thường là một yếu tố quan trọng có thể giúp ta vượt qua nhiều trạng thái khổ đau trong cuộc sống. Càng say đắm với những giây phút yêu thương ngọt ngào, ta càng đau đớn nhiều hơn khi mất đi tình yêu ấy; càng bám víu vào những gì đang sở hữu, ta càng khổ sở nhiều hơn khi chúng mất đi... Sống tỉnh thức và nhận biết đúng thật về mọi hiện tượng không có nghĩa là ta hờ hững, lãnh đạm với mọi niềm vui trong cuộc sống, mà là ta nhận biết đúng để biết trân quý đến mức tối đa những gì đang có được, nhưng không bám víu để dẫn đến khổ đau.
Có một giai thoại về Nguyễn Công Trứ kể rằng, khi bị vua cách chức quan, bắt phải làm người lính hầu cầm giáo đứng gác, các bạn đồng liêu cũ đi ngang qua hỏi ông như thế có nhục không, ông thản nhiên trả lời: “Khi tôi làm quan chẳng thấy đó là vinh, thì nay làm lính nào có gì là nhục!”
Vinh, nhục, thăng, trầm... là những điều tất nhiên trong cuộc sống. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn nhiều khi phải trải qua những hoàn cảnh ấy mà không phải tất cả đều do ta quyết định. Chẳng thế mà người xưa từng có câu: “Luận anh hùng bất phân thành bại.” Bởi hoàn cảnh mang đến sự thành bại có vô số yếu tố, và khi nghịch duyên đầy rẫy thì dẫu bậc anh hùng cái thế cũng phải chấp nhận thất bại mà thôi.
Thiền sư Vạn Hạnh đời Lý có kệ rằng: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy”, đón nhận sự thịnh suy hay thăng trầm, thành bại trong cuộc sống với một tâm thái an nhiên tự tại không sợ sệt, đó không phải là bi quan, mà là sáng suốt và dũng cảm. Cuộc sống của mỗi người chúng ta luôn đầy dẫy những cặp tương đối như được mất, hơn thua, tốt xấu, yêu ghét, hay dở, thăng trầm, vinh nhục... nhưng xét cho cùng không có hoàn cảnh nào trong số đó là mãi mãi trường tồn. Hiểu được như thế, nên cách ứng xử đúng đắn nhất trong mọi hoàn cảnh vẫn luôn là “nhậm vận thịnh suy vô bố úy”.
Trong thực tế chúng ta từng chứng kiến hoặc nghe nói đến không ít những trường hợp quyên sinh vì tình phụ, hoặc nhảy lầu tự tử vì kinh doanh phá sản... Ở mức độ nhẹ hơn, không ít người quên ăn bỏ ngủ vì giận hờn ghen tức, hoặc đứng ngồi không yên vì lo sợ mất việc... Tất cả những tâm trạng đau đớn đó thực sự không giúp ta cải thiện hoàn cảnh tích cực hơn, mà chỉ nhấn chìm ta sâu hơn vào những khổ đau dằn vặt. Vì thế, tốt nhất là ngay từ khi những hoàn cảnh bất như ý còn chưa xảy ra, chúng ta nên luôn có sự tu tập quán chiếu để rèn luyện cho mình một nhận thức đúng đắn, một thái độ sẵn sàng “nhậm vận thịnh suy vô bố úy”.
Mong sao những chia sẻ ngắn ngủi này có thể giúp ích phần nào trong việc mang lại niềm vui và giảm bớt khổ đau trong đời sống.