Giáo pháp của những bậc Giác ngộ
Thông điệp của của Đức Phật là thông điệp an vui, hạnh phúc. Ngài đã tìm ra kho báu và muốn chúng ta đi theo con đường dẫn đến kho báu đó. Ngài dạy rằng, nhân loại hiện đang sống trong vô minh tăm tối, nhưng có một con đường dẫn ra ánh sáng. Ngài muốn chúng ta vươn lên từ đời sống ảo mộng để đạt đến một đời sống cao quý hơn, ở đó con người chỉ thương yêu mà không thù hận, chỉ giúp đỡ mà không hãm hại nhau. Lời kêu gọi của ngài mang tính phổ quát, vì ngài kêu gọi lý trí và phần phổ quát nhất trong tất cả chúng ta: “Chính mỗi người phải tự nỗ lực hành trì. Chư Phật quá khứ chỉ vạch ra con đường.” Ngài đã đạt đến sự hài hòa siêu việt giữa tri kiến và trí tuệ bằng cách đặt chân lý tâm linh trước thử thách của sự chứng nghiệm mang tính quyết định; và chỉ có sự chứng nghiệm mới thỏa mãn được tâm trí của con người hiện đại. Ngài muốn chúng ta hãy quan sát và thức tỉnh, ngài muốn chúng ta hãy tìm kiếm và phát hiện.
Juan Mascano - Viện sĩ và nhà giáo dục Tây Ban Nha, Giảng viên Đại học Cambridge
Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên mô tả sự chứng ngộ của ngài về bốn sự thật của hiện hữu, được biết đến như là Tứ thánh đế. Bốn sự thật đó là:
1. Chúng ta đang chịu đựng những cảm thọ không mong muốn (sự thật về khổ đau). Những cảm thọ khổ đau này cần phải được nhận biết.
2. Những cảm thọ khổ đau đó đều có nguyên nhân: đó là vô minh và các tâm hành phiền não (sự thật về nguyên nhân của khổ đau). Những nguyên nhân này cần phải được dứt trừ.
3. Có một trạng thái an tịnh, trong đó mọi cảm thọ khổ đau và những nguyên nhân của chúng đều bị dứt sạch (sự thật về sự dứt trừ khổ đau). Sự diệt tận mọi phiền não cần phải được thực hiện.
4. Có một con đường đưa ta đến trạng thái an tịnh (sự thật về con đường tu tập). Con đường tu tập cần phải được hành trì.
Nhận diện các trạng thái khổ đau
Việc chuyển dịch sự thật đầu tiên là “sự thật về khổ đau” có thể dẫn đến hiểu lầm, vì thuật ngữ “khổ đau” hàm nghĩa có sự đau đớn. Vì thế, khi nghe đức Phật nói rằng cuộc đời là khổ đau, ta tự hỏi không biết ngài muốn nói đến điều gì, vì hầu hết chúng ta không phải lúc nào cũng chịu đựng những nỗi đớn đau, khổ sở cùng cực. Thật ra, thuật ngữ dukha trong tiếng Pali hoặc Sanskrit có nghĩa là những gì không hoàn toàn đúng đắn, thích hợp. Có gì đó bất ổn; có những hoàn cảnh không thỏa mãn trong đời sống của chúng ta.
Hầu hết chúng ta hẳn sẽ đồng ý với điều này. Từ kinh nghiệm của chính bản thân mình chúng ta biết được rằng, mỗi khi trò chuyện với người khác, dù đó là người giàu sang hay nghèo khó, là ông chủ hay người làm thuê, chỉ sau khoảng hơn năm phút thôi, điều không tránh khỏi là họ sẽ bắt đầu kể lể với ta về những bất ổn trong cuộc sống của họ. Mỗi người đều có một khó khăn nào đó, một điều gì đó không được suôn sẻ trong cuộc sống của họ.
Chúng ta trải qua nhiều tình trạng bất như ý như thế: ta không đạt được điều mình muốn, hoặc phải nhận lấy điều mình không muốn. Trong khi ta phải nỗ lực hết mình để đạt được những gì ta muốn, thì những điều ta không mong muốn lại cứ dễ dàng tìm đến, không đợi ta phải đòi hỏi hay bỏ công sức ra. Cho dù ta có được những gì mình muốn, thì chúng cũng không tồn tại mãi mãi. Những vật sở hữu của ta đều sẽ hư hỏng hoặc lỗi thời. Chúng ta không thể luôn sống bên cạnh những người mình thương yêu. Cuối cùng rồi thì mọi quan hệ thân thiết cũng đều chấm dứt bởi sự chia ly hay cái chết.
Bên cạnh những nỗi khổ đó, còn có những nỗi khổ căn bản của sinh, lão, bệnh và tử. Thân thể ta vốn là đối tượng của bệnh tật: không có ai là người chưa từng mắc bệnh. Cũng vậy, chúng ta sẽ trở nên già yếu mà không có lựa chọn nào khác. Từ khi sinh ra là ta đã bắt đầu già đi. Không có cách nào để cho thời gian dừng lại. Không một phương thức rèn luyện hay can thiệp phẫu thuật nào có thể ngăn chặn được tiến trình lão hóa tự nhiên. Điều duy nhất ta có thể dự báo chắc chắn xảy đến cho ta là cái chết, vì không ai tránh được cái chết cả.
Trong những nỗi khổ kể trên, chẳng có điều nào là đặc biệt lý thú cả, phải không? Bằng những phương thức giả tạo, ta cố làm cho cuộc sống của mình trở nên tuyệt vời và thú vị: Chúng ta dựng lên các khu mua sắm, công viên giải trí Disneyland, thi hoa hậu thế giới, hội họp tiệc tùng, đoàn tụ gia đình v.v... Thế nhưng, khi thành thật với chính mình, ta phải thừa nhận rằng tình trạng của mình chẳng bao giờ được suôn sẻ trọn vẹn. Chúng ta luôn cảm thấy có gì đó thiếu thốn, và ta luôn tìm kiếm để có được nhiều hơn, tốt hơn.
Đức Phật mô tả những bất ổn và khó khăn không phải để làm cho ta buồn nản. Những điều đó luôn tồn tại, cho dù ta có nghĩ đến chúng hay không. Tuy nhiên, bằng vào việc nhận ra tính chất khổ đau của đời sống, ta mới có thể nỗ lực để thay đổi. Đức Phật thuyết dạy về khổ đau là để thúc đẩy chúng ta hãy làm thay đổi sự bất toại nguyện của mình. Đức Phật dạy rằng tình trạng hiện tại của chúng ta là giống như một người đang bệnh nặng. Việc giả vờ như không có bệnh sẽ không thể làm cho căn bệnh mất đi. Trước hết, người bệnh phải thừa nhận mình có bệnh và tìm đến bác sĩ để được chỉ dẫn. Sau đó, người ấy phải được điều trị bằng thuốc men. Điều này cũng đúng khi vận dụng vào đời sống. Dù ban đầu chúng ta có thể không muốn nghĩ đến những tình trạng khổ đau của mình, nhưng chính sự suy ngẫm về nỗi khổ sẽ thôi thúc ta tìm kiếm giải pháp. Hơn nữa, ta có thể cảm thấy thanh thản nhờ thái độ chân thật với chính mình. Khi biết rằng mình có thể làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn, ta sẽ được khích lệ và tăng thêm sức mạnh.
Dứt trừ nguyên nhân
Để thay đổi thực trạng, ta cần phải dứt trừ những nguyên nhân của nó: các tâm hành phiền não như tham, sân và si. Khi những tâm hành này sinh khởi, chúng làm cho ta khổ đau và hành động theo cách gây khổ đau cho người khác. Những hành vi này lại tạo thành nguyên nhân khiến cho chính bản thân ta phải nhận lãnh khổ đau trong hiện tại và mai sau.
Các tâm hành phiền não có thể bị dứt trừ, vì chúng dựa trên nền tảng của vô minh. Nếu ta tu tập theo con đường giới định tuệ, ta sẽ có khả năng dứt trừ tận gốc các tâm hành phiền não và những kết quả khổ đau của chúng. Khi đó, ta sẽ an trú trong trạng thái an bình và hỷ lạc. Con đường tu tập này đã được chứng thực bởi các bậc hiền thánh, là những vị đã tự mình tu tập và thực chứng được kết quả giải thoát an lạc.
Chấm dứt khổ đau là an lạc
Trạng thái an lạc, khi mọi tâm hành phiền não cùng với nghiệp và khổ đau do chúng tạo ra đều đã chấm dứt, được gọi là giải thoát, hay Niết-bàn. Người nào đạt đến trạng thái này được gọi là một vị A-la-hán. Nếu tiến xa hơn nữa, tịnh hóa được mọi chướng ngại vi tế và phát triển hoàn thiện mọi công hạnh, chúng ta sẽ đạt đến sự chứng ngộ, trạng thái của một vị Phật.
Một số người hỏi rằng: “Chẳng phải Niết-bàn như thế là buồn chán lắm sao? Chẳng phải chúng ta cần phải có khổ đau mới biết được hạnh phúc là gì đó sao?” Câu trả lời là không. Buồn chán là do sự vận hành của si mê và tham ái, và vì những tâm hành phiền não này đã bị dứt trừ khi chúng ta đạt được sự giải thoát, nên ta sẽ không còn nảy sinh trạng thái buồn chán nữa. Thêm nữa, ta đã nếm trải khổ đau rồi, không cần thiết phải tiếp tục khổ đau mới nhận biết được hạnh phúc
Trong trạng thái Niết-bàn, tâm thức chúng ta an định và sáng suốt. Những vị chứng đạt Niết-bàn không trở thành khác lạ và thụ động. Ngược lại, các ngài có một nguồn nội lực tâm linh rất lớn và lan tỏa quanh mình một cảm giác của tự do và hỷ lạc.
Con đường đưa đến an lạc
Làm thế nào ta có thể đạt đến sự giải thoát và giác ngộ? Bằng cách tu tập theo con đường Chánh Pháp dẫn đến những mục tiêu đó. Có nhiều cách giảng giải về con đường Chánh Pháp. Một trong số đó là diễn giảng theo Bát Thánh Đạo - bao gồm sự tu tập chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Bát Thánh Đạo sẽ không được trình bày chi tiết trong sách này, vì như thế sẽ làm cho số trang sách trở nên quá lớn. Ở cuối sách này sẽ có bảng liệt kê giới thiệu một số trong những cuốn sách rất hay về Bát Thánh Đạo.
Tứ thánh đế
1. Chân lý về khổ đau
2. Chân lý về nguyên nhân của khổ đau: những tâm hành phiền não và các hành vi tạo nghiệp
3. Chân lý về sự dứt trừ khổ đau và nguyên nhân của khổ đau
4. Chân lý về con đường đưa đến sự an lạc
Có một cách khác để mô tả về con đường Chánh Pháp, đề cập đến ba sự chứng ngộ căn bản: 1. Phát tâm xả ly (quyết tâm vượt thoát luân hồi), 2. Phát tâm Bồ-đề (quyết tâm đạt đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh), 3. Trí tuệ nhận biết được [đúng thật về] thực tại.
Ba điều này được gọi là chứng ngộ, vì khi ta suy nghiệm thuần thục thì những hiểu biết sâu sắc này sẽ trở thành một phần trong chính bản thân ta và chuyển hóa cách nhìn của ta về thế giới. Chúng ta sẽ bàn về ba sự chứng ngộ căn bản này trong những chương tiếp theo.
Hai cách giảng giải con đường đưa đến sự an lạc
Giảng giải theo Bát Thánh Đạo
CHÂN LÝ VỀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ AN LẠC:
* Giới:
+ 1. Chánh nghiệp,
+ 2. Chánh ngữ
+ 3. Chánh mạng
* Định:
+ 4. Chánh niệm
+ 5. Chánh định
+ 6. Chánh tinh tấn
* Tuệ:
+ 7. Chánh kiến
+ 8. Chánh tư duy
Giảng giải theo ba chứng ngộ căn bản
CHÂN LÝ VỀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ AN LẠC
# 1. Phát tâm xả ly (khát khao được chết bình an và tái sinh tốt đẹp; khát khao đạt được sự giải thoát)
# 2. Phát tâm Bồ-đề (cầu quả Phật vì tâm nguyện vị tha)
# 3. Trí tuệ nhận biết tánh Không
CHÚ THÍCH
Dấu * : thuộc về Tam vô lậu học
Dấu + : thuộc về Bát Thánh Đạo
Dấu # : thuộc về Ba chứng ngộ căn bản