Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Trong
thành có một người bà-la-môn làm ruộng. Người ấy cưới được một cô vợ
cũng hợp ý với mình, không bao lâu sinh được một bé trai kháu khỉnh, đặt
tên là Nguyệt Quang. Lớn dần lên, dung mạo đoan trang, ai thấy cũng đều
yêu mến.
Một hôm, cậu bé Nguyệt Quang có dịp đi chơi với trưởng giả Tu-đạt, được
ông dẫn đến tinh xá Kỳ Hoàn, nghe Phật thuyết pháp. Do có túc duyên từ
nhiều kiếp, cậu ngộ được nghĩa lý của một bài kệ bốn câu. Đêm hôm ấy về
nhà, mạng chung sinh lên cõi trời Đao-lỵ.
Bấy giờ, cha mẹ của cậu bé Nguyệt Quang vô cùng đau khổ, than khóc thảm
thiết, đến nghĩa địa rồi ôm xác cậu mà kêu gào, chẳng chịu về nhà. Bằng
hữu quyến thuộc khuyên can đều chẳng được.
Lòng bi lụy ấy cảm ứng đến tận cõi trời, khiến cho cung điện của vị
thiên tử Nguyệt Quang khi ấy phải chấn động, không được an ổn. Người
liền tự quán sát biết được nguyên nhân, thấy cha mẹ đời trước của mình
hiện vẫn còn ôm xác mà kêu gào nơi nghĩa địa, chẳng chịu về nhà.
Thiên tử Nguyệt Quang khi ấy liền từ cõi trời hiện xuống, hóa hình thành
một vị tiên nhân đi lại chỗ cha mẹ mình đang khóc lóc. Tiên nhân ấy vừa
đi vừa lấy lửa mà tự đốt thân mình.
Người cha lấy làm lạ liền hỏi rằng: “Bạch đại đức, người lấy lửa nóng
đốt thân mình khổ sở như vậy, có sở nguyện gì hay chăng?”
Tiên nhân đáp: “Ta cầu sẽ được làm vua một cõi, có xe đi làm bằng vàng
ròng, trang hoàng bằng các món trân bảo, mặt trời mặt trăng phải theo
hầu hai bên ta, lại sai bốn vị thiên vương kéo xe của ta đi du hành khắp
bốn cõi thiên hạ. Người thấy như vậy chẳng thích lắm sao?”
Người bà-la-môn cha của Nguyệt Quang liền đáp rằng: “Tôi nghĩ dù ông có
ngày đêm chịu khổ lửa nóng đốt thân như vậy cho đến cả trăm năm, thì sở
nguyện của ông cũng chẳng thể nào thành tựu được.”
Khi ấy, tiên nhân liền hỏi lại: “Thế hai ông bà ở nơi nghĩa địa này mà
ôm cái xác chết ấy, có sở nguyện gì chăng?”
Vợ chồng người bà-la-môn đáp: “Đây là đứa con duy nhất mà chúng tôi yêu
quý. Nay nó bỏ chúng tôi mà đi. Chúng tôi ôm xác này cầu mong nó sống
lại.”
Tiên nhân liền nói: “Ta nghĩ dù hai ông bà có ôm tử thi ấy mà gào khóc
suốt đêm ngày, kéo dài cho đến cả trăm năm, thì sở nguyện ấy cũng không
thể nào thành tựu được.”
Khi ấy, người bà-la-môn nghe được lời nói của tiên nhân rồi, liền tự
thấy hổ thẹn, biết được sự phi lý của mình, liền thôi không còn gào khóc
nữa. Khi ấy, tiên nhân liền hiện lại nguyên hình thiên tử cõi trời, nói
với cha mẹ rằng: “Ta chính là đứa con duy nhất của hai người đây. Nhờ
duyên lành được nghe pháp Phật, nên mạng chung đã sinh lên cõi trời
Đao-lỵ. Nay muốn cho cha mẹ đừng âu sầu khỏ não nữa nên mới từ cõi trời
mà hiện xuống đây.”
Vợ chồng người bà-la-môn nghe biết như vậy rồi, vui mừng khôn xiết. Khi
ấy, vị thiên tử hóa hiện đủ các thứ hương hoa, trân bảo, khuyên hai
người nên cùng đi đến cúng dường Phật.
Đến nơi, lễ bái cúng dường Phật xong, liền cùng nhau ngồi lại mà nghe
pháp. Phật vì mọi người mà thuyết pháp Tứ diệu đế, khiến tất cả đều đồng
thời đắc quả Tu-đà-hoàn.
Bấy giờ, chư tỳ-kheo thấy vậy liền thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Vị
thiên tử này nhờ nhân duyên gì mà có thể khuyên can cha mẹ đời trước,
lại được nghe pháp Phật mà đắc quả?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Không phải chỉ đến ngày nay người này mới khuyên
giải giúp ích cho cha mẹ. Trong đời quá khứ cũng đã từng vì cha mẹ mà
khuyên giải làm cho không còn sầu não.”
Chư tỳ-kheo lại thưa hỏi: “Chẳng biết nhân duyên quá khứ như thế nào,
xin được Thế Tôn giảng giải cho nghe.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các
ngươi mà phân biệt giảng nói. Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ
Ba-la-nại có một người ngu si thời làm chuyện trộm cắp, tà dâm, dối gạt
người khác, bị quan binh truy nã bắt được, giải lên cho vua.
Vua xét hỏi tội trạng, người ấy thú thật đủ mọi điều, liền xử tội phải
mang đi chém.
Bấy giờ, đứa con trai của người ấy tánh nết nhân từ, hiền thuận, nhu
hòa, lại hiếu kính với cha mẹ, nhân dân cả nước đều biết. Người con ấy
vì thương cha nên đến khẩn cầu nhà vua xin tội cho cha. Vua chẳng thuận
cho. Lại khẩn khoản cầu xin đến lần thứ ba, vua không nỡ giết liền
truyền tha tội.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Kẻ tội nhân suýt chết ngày ấy, nay chính là người
bà-la-môn cha của Nguyệt Quang. Người con hiền đức, hiếu thuận ấy nay là
vị thiên tử đây. Do nhân duyên có một lần vào thời Phật Ca-diếp ra đời
đã thọ Tam quy y, nên đến nay được gặp ta, nghe pháp mà đắc đạo.
Phật thuyết nhân duyên cậu bé Nguyệt Quang sinh lên cõi trời rồi, trong
chúng hội có người đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến có người phát tâm cầu quả
vô thượng Bồ-đề.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.