Lúc ấy, Phật hóa độ qua các nơi trong nước Ma-kiệt-đề, đến bờ con sông
Hằng.
Cách bờ sông Hằng chẳng bao xa, có một cảnh tháp cổ điêu tàn, hư rã bởi
những cơn mưa sa nắng táp, không ai trông nom, tu sửa. Chư tỳ-kheo thấy
cảnh ấy, bạch hỏi Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Chẳng hay tháp ấy là
tháp chi? Vì sao lại hoang tàn như vậy, chẳng có ai trông nom tu sửa?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi nên chú ý lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi
mà phân biệt giảng nói.
“Này chư tỳ-kheo! Về thuở quá khứ, vào khoảng giữa Hiền kiếp này, nước
Ba-la-nại có một vị vua tên là Phạm-ma Đạt-đa. Vua ấy trị nước đúng theo
chánh pháp, nên nhân dân sung túc, giàu có, mùa màng bội thu, dân cư
đông đảo, yên ổn làm ăn, chẳng có những nạn binh đao, dịch bệnh xảy ra
trong xứ, lại thêm trâu bò, gia súc đều đông đúc.
Vua ấy không có con. Người rất buồn bực, thành tâm mà cầu đảo các vị
thần thánh, nhưng chưa thấy ứng nghiệm gì.
Thuở ấy, trong vườn hoa của vua, nhằm lúc hoa sen đua nở. Có một búp sen
hiện lên, to lớn lạ thường. Búp sen ấy càng ngày càng lớn, đến khi nở
ra, bên trong thấy một hài nhi xinh đẹp ngồi theo lối kiết già, có đủ ba
mươi hai tướng quý và tám mươi vẻ đẹp, trong miệng tỏa ra hơi thơm của
hoa ưu-bát-la, và các lỗ chân lông đều xuất ra mùi hương chiên-đàn.
Bấy giờ, người làm vườn tâu lên với vua. Vua nghe chuyện lấy làm vui
mừng, liền ngự ra vườn hoa, có triều thần với các vị hậu phi theo hầu.
Khi nhìn thấy đứa trẻ ấy thì vua bỗng vui mừng không tự chế được, lòng
muốn chạy đến mà ôm lấy ngay. Đứa trẻ ấy vừa thấy vua liền lên tiếng nói
rằng: “Vì đại vương thường cầu thỉnh, nên nay tôi đến đây làm con của
ngài.”
Khi ấy, vua cùng với các vị hậu phi nghe lời ấy rồi thì thảy đều vui
mừng, liền ẵm đứa bé về cung nuôi nấng.
Khi đứa trẻ dần dần lớn lên, mỗi khi đi đứng nơi đâu, chỗ bước chân đều
nảy sinh lên những đóa hoa sen, còn các lỗ chân lông trong người thì tỏa
ra mùi hương chiên-đàn thơm ngát, nhân đó mà đặt tên là Chiên Đàn Hương.
Bấy giờ, đứa trẻ ấy tự quan sát thấy những chỗ mình đi qua đều nảy sinh
hoa sen, mới sanh thì tươi tốt, xinh đẹp, chẳng bao lâu liền héo úa, tàn
lụi. Thấy như vậy rồi, liền tự suy nghĩ, thấy thân người cũng không bền
chắc, giống như vậy không khác. Nhân đó mà ngộ hiểu được lý vô thường,
chứng quả Phật Bích-chi. Ngay khi ấy thân thể liền bay được lên không
trung, hiện đủ mười tám phép thần biến, rồi nhập Niết-bàn.
Khi ấy, vua và các vị hậu phi, cung nữ đều buồn thảm than khóc. Liền
mang di thể đi thiêu hóa, thu nhặt xá-lỵ rồi lập tháp đặt vào mà thờ
kính, cúng dường. Đó chính là ngôi tháp cổ mà ngày nay các ngươi thấy
đó.”
Chư tỳ-kheo lại hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn ! Chẳng hay vị Phật Bích-chi
ấy nhờ nhân duyên phước báo gì mà được có mùi thơm chiên-đàn tỏa ra từ
nơi thân thể như vậy?”.
Phật nói với chư tỳ-kheo: “Các ngươi nên chú ý lắng nghe, ta sẽ vì các
ngươi mà phân biệt giảng nói.
“Này chư tỳ-kheo! Về thuở quá khứ, cách nay vô số kiếp, nước Ba-la-nại
có Phật ra đời hiệu là Ca-la-ca Tôn-đà. Thuở ấy có một vị trưởng giả
giàu có vô cùng, tài sản, châu báu không tính kể xiết. Khi ấy, ông
trưởng giả chẳng may mất sớm, vợ ông với đứa con trai lại chẳng ở chung
nhau. Người con trai ông trưởng giả ấy rất đam mê sắc dục, gặp một cô kỹ
nữ đem lòng mê mệt. Cô đòi hỏi phải bỏ ra trăm lượng vàng thì cô mới
tiếp một đêm. Cứ như vậy qua nhiều năm thì tài sản cạn kiệt hết. Ngày
kia không còn đủ vàng cho cô nữa, cô không chịu tiếp. Người con ông
trưởng giả mới tha thiết khẩn cầu, chỉ xin được gần cô một đêm nữa thôi.
Cô kỹ nữ ấy nói rằng: ‘Nếu anh có thể kiếm được một bông hoa thật đẹp mà
mang đến cho tôi, thì tôi chịu tiếp anh một đêm.’
“Khi ấy, người con ông trưởng giả mới suy nghĩ rằng: ‘Nay tài sản ta
chẳng còn chi, đến tiền mua một cành hoa cũng không có nữa, lấy chi mà
mang cho cô ấy.’ Rồi lại nghĩ rằng: ‘Nay trong tháp của nhà vua chắc
chắn là có hoa đẹp, hay là ta vào đó lấy trộm một cành.’ Nghĩ rồi làm
liền.
“Nơi tháp của nhà vua lại có một người giữ, chẳng thể nào vào nơi cửa
trước được. Người con ông trưởng giả liền lẫn theo lối sau, ẩn mình chờ
khi thuận tiện thì đột nhập được vào trong tháp, mới trộm lấy một cành
hoa.
“Được hoa rồi mang đến chỗ cô kỹ nữ, cô liền tiếp một đêm. Ngờ đâu đến
sáng hôm sau, thân thể bỗng nổi lên rất nhiều ung nhọt, đau nhức, khổ
não không thể nói hết. Khi ấy mời các vị danh y đến xem bệnh liệu trị,
đều nói rằng phải dùng loại chiên-đàn thơm quý mà tán bột rắc lên những
chỗ ung nhọt ấy, mới có thể khỏi.
“Người con ông trưởng giả tự nghĩ: ‘Nay ta chẳng còn tiền bạc chi, lấy
gì mua bột chiên-đàn quý ấy?’ Liền bán hết nhà cửa đất đai, được sáu
trăm ngàn đồng tiền vàng, mang đi mua được sáu lượng bột chiên-đàn thơm.
“Khi ấy, ông suy nghĩ rồi không chịu trị bệnh nữa, nói với lương y rằng:
‘Nay bệnh của tôi thật là bệnh trong tâm, nếu chỉ trị ngoài thân thể làm
sao dứt được?’
“Nói lời ấy xong, liền vào trong một ngôi tháp, phát lời nguyện lớn
rằng: ‘Đức Như Lai ngày xưa tu đủ các hạnh khổ, thệ nguyện độ hết chúng
sanh trong chốn khổ ách. Nay thân thể này của con đọa vào chổ khổ não
không cùng, nguyện đức Thế Tôn đại từ lân mẫn cứu cho khỏi nạn.’ Phát
lời nguyện như thế rồi, liền lấy số bột chiên-đàn ra hai lượng, rắc lên
cúng dường tháp, hai lượng mang đền trả lại giá trị cành hoa, hai lượng
chí tâm cúng dường Phật, cầu xin sám hối.
“Ngay khi ấy, ung nhọt tự nhiên dứt trừ, trong thân thể các lỗ chân lông
đều xuất ra mùi hương thơm chiên-đàn. Nghe được mùi hương ấy, lòng vui
không kể xiết.
“Từ khi phát nguyện và cúng dường như thế về sau, nhờ công đức ấy mà
chẳng đọa các nẻo dữ, lại khi sinh ra trong cõi trời, cõi người, mỗi nơi
đi qua đều nảy sinh hoa sen xinh đẹp, từ trong lỗ chân lông lại tỏa ra
mùi thơm dễ chịu.
“Này chư tỳ-kheo! Người con ông trưởng giả ngày trước rắc bột chiên-đàn
cúng dường trong tháp ấy, về sau chính là vị Bích-chi Phật thờ trong
ngôi tháp cổ đó.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.