Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Lời kinh xưa buổi sáng này »» Lưới trời Đế Thích »»

Lời kinh xưa buổi sáng này
»» Lưới trời Đế Thích

Donate

(Lượt xem: 7.063)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lời kinh xưa buổi sáng này - Lưới trời Đế Thích

Font chữ:


Trong phòng sách cạnh bàn viết tôi có trồng một chậu cúc. Cả tuần nay tôi quên mở tấm màn che cửa sổ. Những chiếc lá thon dài có lẽ vì thiếu ánh sáng nên như nhạt đi màu xanh. Chậu cúc trong phòng sách tôi đã có hơn bốn, năm năm nay. Mặc dù ít chăm sóc nhưng nó vẫn lớn, vẫn mọc cao, những thân nhỏ đứng không vững phải tựa vào tường. Mấy tuần nữa trời ấm, tôi sẽ mở tung cửa sổ ra. Những hôm gió lộng lùa vào, ngồi đọc sách và nghe tiếng lá reo, cứ tưởng như mình đang ngồi ngoài vườn vậy.

Cơn bão tuyết cuối cùng của mùa đông cũng vừa qua. Sáng nay nhìn ra ngoài cửa sổ tôi thấy nắng trong và trời thật xanh. Ngoài sân, tuyết phủ vạn vật trắng tinh, ngập con đường nhỏ dẫn vào nhà. Vậy mà chỉ còn có vài ba ngày nữa là đầu mùa xuân rồi còn gì! Mấy sáng nay thức dậy, tôi nghe tiếng chim hót ríu rít ngoài sân.

Mùa xuân ở nơi này trời đất sẽ đẹp lắm. Cây nào cũng có hoa nở rộ đủ màu, chen lẫn với màu xanh của lá non. Những ngày có gió, phấn hoa bay đầy trời. Có hôm đi làm ra tôi thấy phấn hoa phủ trên xe một lớp mỏng như bụi. Mùa xuân nơi đây đẹp, nhưng không thích hợp với nhiều người vì bụi phấn hoa có thể làm cho họ bị hắt hơi, chảy mũi, ngứa mắt... Có một thời gian tôi cũng bị như vậy, nhưng sau mấy năm tự nhiên hết đi. Ở quanh đây đa số nhà nào cũng có trồng những bụi cây đỗ quyên phía trước. Chừng vài tuần nữa trời ấm, chúng sẽ trổ bông vàng, đỏ, trắng phủ trùm cả toàn cây. Những ngày ấm nắng trong, nếu không bị dị ứng vì phấn hoa, bạn có thể ra ngoài đi dạo xem hoa và lá xanh, đẹp lắm!

Con người và thiên nhiên


Hồi còn nhỏ ở quê nhà, có lần tôi theo ba má leo lên một ngọn núi cao, thăm một ngôi chùa cổ xây tận trên đỉnh. Chiều về, tôi chạy chơi với anh em vòng theo một con đường nhỏ ôm quanh núi. Qua một khúc quanh, chúng tôi bắt gặp một tảng đá núi thật to, chừng hai ba người lớn ôm, chắn ngang lối đi. Tảng đá trông thật hùng vĩ nằm chơ vơ bên triền núi, nhìn xuống phía dưới kia xa xa là những cánh đồng ruộng lúa ướp vàng nắng chiều. Hình ảnh uy nghiêm, cổ kính ấy in sâu vào tâm hồn tôi.

Thiên nhiên có khả năng ảnh hưởng đến tâm hồn con người rất sâu đậm, phải không bạn? Một ngày trời trong, nắng ấm, nghe tiếng chim hót, ta thấy cuộc sống đẹp. Đi dạo trên bãi biển vào một sáng sớm, nhìn mây trắng bay, nghe tiếng sóng vỗ, đi chân không trên bọt trắng xóa, tôi thấy cuộc đời thong thả. Mà tôi nghĩ, con người cũng là một phần của thiên nhiên. Như tảng đá núi, như ánh nắng, áng mây, bầu trời, biển cả... sự an lạc và vững vàng của ta cũng có thể là một nơi cho người khác nương tựa, là nguồn hạnh phúc cho những người thân chung quanh ta.

Bạn có nghĩ vậy không? Chúng ta cũng là một phần của thiên nhiên, và là một phần rất quan trọng. Hạnh phúc, khổ đau của ta chắc chắn có thể làm trong sạch hay ô nhiễm thế giới chung quanh ta. Bạn biết không, từ lúc có lịch sử đến nay, tất cả những sự tàn phá thiên nhiên do thiên tai gây nên không thấm vào đâu so với sự phá hoại của con người! Con người là một yếu tố rất quan trọng cho sự sinh tồn của trái đất này. Hạnh phúc của bạn có thể làm một dòng suối trong hơn, một chiếc lá xanh hơn, cho một người nào đó bớt khổ đau hơn.

Có lần tôi được nghe kể về một thiền sư tiếp một người bạn đến thăm. Cả hai cùng nhau ngồi thinh lặng uống trà. Đến giờ, người khách đứng dậy cáo từ ra về. Ông nói cuộc gặp gỡ rất là hạnh phúc, mặc dù không ai nói một lời nào. Mà thật vậy, đứng trên một ngọn đồi gió mát, bạn đâu cần phải nói gì mà vẫn thấy thư thái. Ngồi yên cạnh một con suối trong, nghe tiếng suối chảy róc rách cũng có thể làm tâm hồn bạn được tĩnh lặng. Và tôi biết chắc rằng, nếu được ngồi gần một người có an lạc ta cũng sẽ được tươi mát lây.

Cánh bướm và cơn bão


Thế nên, hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào cách sống, cách đi, đứng, nằm, ngồi của bạn. Và ngược lại cũng thế! Mấy năm trước tôi có đi dự một khoá tu học với Sư Ông. Ngày đầu thầy bắt mỗi người chúng tôi phải dán một tờ giấy nhỏ lên giày, dép của mình, trên ấy có viết “Tôi đi cho bạn”, (I walk for you). Mỗi lần đặt chân vào dép, nó nhắc nhở chúng tôi phải đi đứng cho có chánh niệm, vì những người có mặt chung quanh đang nương tựa vào sự vững vàng của mình.

Cuộc đời quanh ta có nhiều khổ đau, nên hạnh phúc của một người, dầu nhỏ nhoi đến đâu, cũng rất cần thiết. Những Bồ Tát đi cứu độ người khác thì chắc chắn bản thân các ngài phải có nhiều an lạc. Tôi nghĩ sự an lạc ấy là kết quả của một sự tu tập chánh niệm, thiền quán lâu dài. Các thiền sư thường nhắc nhở rằng, tự tính chúng ta là tĩnh lặng, là an vui. Nhưng dường như sau một thời gian trôi lăn trong khổ đau, hạnh phúc ấy không còn là một quyền bẩm sinh của chúng ta nữa. Và vì vậy mà an lạc cần phải được tu tập.

Hằng năm, chúng tôi thường bỏ ra một thời gian để đi dự những khóa tu học vì muốn được thực tập vững chãi và thảnh thơi. Chúng tôi dậy sớm, ngồi yên tập giữ gìn hơi thở có ý thức. Chúng tôi tập đặt những bước chân thiền hành vững vàng và yên ổn. Tôi ngồi mình tôi, đi mình tôi, nhưng tôi nghĩ những việc mình làm đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của những người thân yêu dầu đang vắng mặt. Tôi có nghe kể về một giả thuyết khoa học nói rằng, một trận bão xảy ra ở Boston là do ảnh hưởng bởi một con bướm vỗ cánh ở Trung Hoa. Nếu đó là sự thật thì mỗi bước chân vững vàng, mỗi hơi thở có ý thức của tôi sẽ còn có năng lực đến biết chừng nào nữa!

Chánh niệm và an lạc


Mùa đông năm nay hình như lạnh và dài hơn mọi năm. Tôi nhìn tấm lịch trên bàn, còn vài ngày nữa là bắt đầu mùa xuân mà ngoài kia tuyết trắng xoá. Tuyết cao lắm, chắc cũng phải mất mấy tuần mới tan hết.

Các thiền sư có dạy cho chúng ta một phương pháp để có được an lạc, đó là thực tập chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là ý thức được sự sống của mình trong giây phút này và ngay ở đây. Khổ đau hay an lạc không xảy ra trong quá khứ, chúng cũng không thể xảy ra trong tương lai. Bạn có hạnh phúc không? Câu hỏi đó phải được trả lời trong giây phút này. Và nếu tôi đang có một khổ đau, khổ đau ấy chỉ có thể được chuyển hóa trong bây giờ và ở đây, vì chúng ta đâu còn có một thời gian nào khác nữa!

Chánh niệm sẽ đem lại cho ta lối sống tỉnh thức và an lạc ấy. Thiền sư Lâm Tế viết: “Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề của quá khứ, trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Khi nào đến lúc cần thay đồ thì ta cứ mặc áo vào; đến lúc cần lên đường thì ta hãy bước chân đi. Có vậy thôi. Chứ còn mải mê đi loanh quanh tìm một Phật tánh xa xôi nào chi nữa!” Thiếu sự tu tập chánh niệm, chúng ta chưa mặc áo vào, chưa bước chân đi mà tâm ý đã phiêu du đến tận một phương trời nào trước rồi!

Hơi thở và thiền quán


Trong thiền, nhất là Zen và Vipassana, hơi thở được xem như một đối tượng thiền quán rất quan trọng. Có những khóa thiền kéo dài ba mươi ngày, chín mươi ngày mà hành giả chỉ ngồi để theo dõi hơi thở của mình. Phương pháp ấy không phải chỉ dành riêng cho những người mới tu, mà những bậc thiền sư lâu năm cũng chỉ thực hành có bấy nhiêu thôi.

Nhưng hơi thở không phải chỉ được sử dụng trong những khoá tu học mà thôi. Trong cuộc sống hằng ngày, hơi thở là một phương tiện thiện xảo giúp ta giữ gìn chánh niệm. Trong giờ phút hiện tại ta đang thở. Ý thức được hơi thở ấy có nghĩa là ta đang có mặt trong hiện tại. Tư tưởng ta nếu không có hơi thở giữ gìn, nó sẽ trôi bay đi bốn phương, tám hướng.

Tôi có một người bạn. Anh ta có một đời sống rất bận rộn. Anh nói với tôi, mỗi ngày anh đều vặn đồng hồ đeo tay của mình để cứ nửa tiếng nó báo hiệu một lần. Mỗi khi nghe tiếng báo hiệu ấy, anh trở về chú ý đến hơi thở của mình. Đôi khi nó báo hiệu khi anh đang ngồi trong phòng họp, đang giữa một cuộc tranh luận, trong lúc nói chuyện điện thoại... Trong thời gian đầu, tiếng báo hiệu ấy đối với anh là một trở ngại. Nó bắt anh phải bỏ dở dang công việc “quan trọng” mà anh đang làm, để chú ý đến một việc hết sức tầm thường là hơi thở. Lúc đầu nó làm anh hơi bực mình. Nhưng sau một thời gian, sự thực tập ấy trở thành một công phu. Nó nhắc nhở anh ít nhất là mỗi nửa tiếng phải trở về sống với hiện tại và nghỉ ngơi. Nó giúp anh ý thức được rằng không có công việc nào là thật sự quan trọng đến như anh tưởng! Và nếu ta không có khả năng sống trong hiện tại, an lạc ngay trong lúc này, thì phải đến bao giờ?

Lưới trời Đế Thích


Trong kinh có nói về cõi trời Đế Thích. Trên cung trời Đế Thích có một tấm lưới giăng trùng trùng điệp điệp, có đính những hạt châu. Và mỗi hạt châu đều phản chiếu tất cả những hạt châu khác trong tấm lưới. Nếu bất cứ một hạt châu nào thay đổi màu sắc thì tất cả những hạt châu khác sẽ phản ảnh việc ấy.

Sự sống của bạn, của tôi được tượng trưng bằng những hạt châu trong tấm lưới trùng điệp ấy. Mỗi hạnh phúc, khổ đau của bạn sẽ được phản ảnh qua những người thân yêu, qua bạn bè, qua thế giới chung quanh bạn. Và ngược lại cũng thế! Chúng ta là một phần của nhau.

Có một lần tại San Francisco, Gary Snyder, một nhà thơ Hoa Kỳ, lên diễn đàn đọc một bài thơ do ông sáng tác. Ông mở đầu bằng cách yêu cầu thính giả hãy thưởng thức hơi thở của mình (Please enjoy your breathing). Rồi ông nói tiếp: “Thầy Nhất Hạnh dạy tôi điều ấy.” Kế tiếp chương trình là đến phiên thầy Nhất Hạnh. Trước khi đọc một bài thơ của thầy, thầy nói với thính giả: “Xin quý vị hãy nhớ thưởng thức hơi thở của mình.” Rồi thầy nói thêm: “Gary Snyder dạy tôi điều ấy.” Cả hội trường cười thật vui.

Lát nữa tôi sẽ đi bón thêm phân và tưới nước cho chậu trúc trong phòng. Chờ khi trời ấm tôi sẽ đem hết những chậu cây trong nhà ra ngoài hiên để chúng hứng nắng và gió. Sáng nay trời nắng thật trong. Ngồi trong đây tôi chợt nghe có vài con chim nào đó từ xa trở về, chúng đuổi bắt, đùa giỡn với nhau, hót líu lo ngoài sân. Sau một mùa đông dài, mùa xuân năm nay cũng vừa mới đến. Tôi biết vậy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Hoa nhẫn nhục


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.92.6 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...