Đêm cũng đã khuya, tôi mở cửa bước ra ngoài. Một mảnh trăng nhỏ trên
cao, nằm yên trong lòng đêm. Bên ngọn đồi cỏ, thiền đường nằm im tĩnh
lặng. Tôi xuống sân, băng ngang qua con đường trải đá nhỏ, đến một chiếc
cầu bằng gỗ bắc ngang qua một dòng suối con. Tiếng nước chảy róc rách
trong không gian tĩnh mịch nghe như tiếng thủy tinh. Tôi thấy ánh trăng
màu ngọc rơi vụn vỡ trên những viên sỏi nhỏ trong lòng suối.
Trời đêm tháng năm vẫn còn rất lạnh. Trên cao bầu trời nhiều mây cho
những ngày mưa sắp tới. Không gian ban đêm ngoài miền quê thật tĩnh mặc.
Tôi thấy viền nét của khu rừng nhỏ phía sau thiền đường in đậm trên nền
trời sáng trăng. Đồi núi bao la yên tĩnh như dáng ngồi của một vị thiền
sư.
Những ngày tu học ở đây tôi cảm thấy như mình tiếp xúc được với một cái
gì an ổn và vững vàng. Giá như lúc này bạn có hỏi tôi hạnh phúc là gì,
có lẽ tôi sẽ đáp rằng là ánh trăng trên cao, là cây cầu nhỏ tôi đang đi
qua, là dòng suối con chảy róc rách, là ngôi thiền đường tĩnh lặng nằm
dưới kia. Hạnh phúc đâu thể nào diễn đạt được bằng ngôn ngữ, chúng chỉ
có thể kinh nghiệm mà thôi. Cũng như làm sao ta có thể bắt giữ được giây
phút hiện tại này, phải không bạn?
Những bước chân đơn sơ
Cuộc sống hằng ngày của ta lúc nào cũng bận rộn! Nhất là ở xứ sở này,
tôi chưa từng nghe ai nói là mình được rảnh rang bao giờ hết. Lúc nào ta
cũng có một công việc gì đó đòi hỏi sự quan tâm của mình. Giá chi cuộc
đời này có thể trở nên đơn giản hơn bạn nhỉ! Tôi nghĩ, cuộc sống này thì
chắc có lẽ bao giờ cũng vẫn thế, sẽ có những con đường sỏi đá chênh
vênh, gập ghềnh mà ta phải đi qua. Nhưng ta cũng có thể tập cho mình có
những bước chân an ổn hơn, và đơn sơ hơn.
Bạn biết không, tôi nghĩ rằng tâm của các bậc thiền sư chắc là đơn sơ và
giản dị lắm. Đơn sơ ở đây có nghĩa là không nhiều cũng không ít, chỉ vừa
đầy đủ. Có dịp tiếp xúc với những vị thiền sư, tôi cảm nhận được tính
đơn sơ ấy trong những bước đi, dáng ngồi, cử chỉ của các ngài. Vì nếu
không đơn sơ, làm sao các ngài có thể hiểu được cái cảnh giới trùng
trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm, hoặc cái thế giới bất nhị mênh mông của
Bát-nhã? Và lại có thể đem chúng thể nhập vào sự sống, việc ấy mới thật
sự đòi hỏi một tâm hồn giản dị phi thường. Bạn biết không, hạnh phúc
không bao giờ phải là những gì phức tạp và khó hiểu.
Tôi nghĩ rằng sự tu tập của ta là làm sao để có thể phát triển và thấy
lại được cái bản tâm đơn sơ ấy của mình. Nó bình thường như hơi thở của
ta. Đời sống có nhiều nỗi bận rộn và khổ đau, có những phiền muộn khiến
người ta tìm đến sự tu tập như tìm một lối thoát, một giải pháp cho
những khó khăn của họ. Nhưng có lẽ sau một thời gian, họ sẽ khám phá ra
rằng, con đường tu tập của mình không bao giờ là một công trình tìm kiếm
mà thật ra là một sự dừng lại. Ta dừng lại, trước hơn hết, là để nhìn,
để nghe và để tiếp xúc với những gì là đẹp, là hạnh phúc. Sự an lạc của
ta không thể có mặt ở một nơi nào khác hơn là bây giờ và ở đây. Cuộc đời
của ta chỉ có thể là giây phút hiện tại này. Tất cả những thời gian khác
chỉ là mộng tưởng mà thôi.
Buổi sáng nay chúng tôi đi thiền hành trên một con đường mòn nhỏ, có
tiếng chim hót vang rừng. Trên đường, chúng tôi đi qua một hàng cây leo
bên rừng có những đóa hoa màu trắng, cánh nhỏ như hoa dạ lý, tỏa hương
thơm ngát không gian. Chúng ta đâu cần phải mất công đi tìm kiếm những
cái đẹp, đáng yêu trên cuộc đời này làm gì bạn nhỉ, vì chúng lúc nào
cũng có mặt đâu đó ở cạnh bên. Hạnh phúc của ta cũng thế.
Tu tập nằm nơi sự sống
Ông Nasrudin là một nhà hiền triết của Hồi giáo. Ông thường có những
hành động như có vẻ khờ khạo để răn dạy người đời. Có một hôm, những
người láng giềng thấy ông đem vụn bánh mì ra sân, rắc lên trên những
vườn hoa trồng chung quanh nhà. Thấy vậy, họ tò mò sang hỏi: “Ông rải
những vụn bánh mì chung quanh nhà để làm gì vậy?” Ông đáp: “Các ông biết
không, ta làm thế để những con cọp và các loài thú dữ không bao giờ dám
đến đây.” Những người hàng xóm nghe ông nói lộ vẻ thắc mắc: “Nhưng ở
thành phố nơi này thì làm gì có cọp hay thú dữ?” Nasrudin gật gù đắc ý:
“Đó, các ông thấy chưa? Phương pháp của ta hiệu nghiệm vô cùng!”
Bạn biết không, chúng ta cũng đôi khi có một thái độ giống như ông
Nasrudin vậy. Nhất là khi ta nghĩ rằng sự bận rộn và lo âu của mình sẽ
giải quyết được những khó khăn, vấn đề trong cuộc đời. Có người sau khi
tham dự một khóa tu cảm thấy rằng cuộc đời mình dường như được thảnh
thơi hơn. Những khó khăn của cuộc sống vẫn có mặt ở đó, nhưng chúng
không còn là một vấn đề to tát như xưa. Có lẽ vì tâm họ đã được trở nên
một chút đơn sơ.
Nhưng không phải là ta cứ bỏ mặc mà không cần phải chú tâm đến để giải
quyết những vấn đề của mình. Bạn hãy cứ lo chuyện thành đạt của mình đi,
bạn hãy cứ học hành để trở thành những vị bác sĩ, kỹ sư đi, bạn hãy cứ
cố gắng làm việc để được thăng quan tiến chức, hãy làm những gì bạn cần
làm để có thể đem lại cho mình hạnh phúc. Nhưng bạn nên nhớ rằng, dẫu
bạn có tài ba đến đâu, dẫu chương trình của bạn có rõ ràng đến đâu, cuộc
đời này cũng chỉ có thể xảy ra trong bây giờ và ở đây. Và nếu ta không
tìm thấy hạnh phúc, an lạc trong giây phút này, thì những thời gian khác
cũng chỉ là hư ảo mà thôi.
Trời đêm cuối tháng năm vẫn còn thật lạnh. Nhất là ngoài vùng quê mênh
mông. Tôi đi xuống thiền đường để lấy tập sách bỏ quên ban chiều. Đêm
nay ánh trăng loáng thoáng tắm mát trong lòng suối nhỏ, những bước chân
trên chiếc cầu gỗ tôi cảm thấy thật yên. Hạnh phúc cũng có thể chỉ là
đơn sơ như thế này thôi, phải không bạn?
Giở một trang kinh
Đâu phải cuộc đời này không có khổ đau, nhưng ta không nên sợ sệt chúng.
Khổ đau có thể làm chất liệu cho hạnh phúc của ta. Nhưng khổ đau và hạnh
phúc thật ra cũng chỉ là những ý niệm, vì trong thực tại chỉ duy có kinh
nghiệm mà thôi! Vì vậy mà cuộc đời này có lẽ sẽ được đẹp hơn, trong sáng
hơn, nếu ta có thể sống với thực tại bằng một tâm hồn giản dị. Mặc dù ta
không làm ngưng được dòng nước mắt của kẻ khác, nhưng ta có thể đem lại
cho họ một nụ cười.
Tôi thích đi tham dự những khóa tu. Tôi để ý thấy rằng, những thiền sinh
thường có khuynh hướng tìm kiếm một cái gì mới, một triết lý nào đó để
tu tập. Tôi hy vọng họ sẽ đạt được những gì họ tìm kiếm. Đối với tôi,
những khóa tu là cơ hội để tôi được gần gũi với những người có nội lực
tu tập, với các vị thầy, để học cách đi đứng của các ngài, cách họ lật
một tờ kinh, thỉnh một tiếng chuông, xỏ một chiếc dép, mở một cánh
cửa... để tôi có thể thấy lại được mặt mũi thật của mình. Tôi sẽ không
đặt một câu hỏi nào. Mỗi hành động của họ là một tiếng chuông tỉnh thức,
nhắc nhở tôi biết tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong tôi và chung
quanh tôi. Lối sống của các ngài là một bài pháp thoại.
Gối nhẹ mây đầu núi
Núi đồi ở vùng quê nằm thoai thoải thật xanh mát. Nơi đây có một hồ nước
rộng, có rong phủ kín ven bờ. Buổi sáng mặt hồ loáng thoáng phản chiếu
ánh nắng ban mai, đẹp như một bức tranh. Sáng nay chúng tôi đi thiền
hành lên đồi. Rừng cây bên đường có mấy căn nhà gỗ cũ kỹ nằm khuất sau
hàng cây. Trên đường về lại thiền đường, chúng tôi đi theo một con đường
mòn nhỏ băng ngang qua rừng. Nắng trên cao xuyên qua những tàn lá rọi
xuống thành những vũng sáng lớn.
Nắng mai tuy trong và đẹp nhưng không đủ ấm, chúng tôi ai cũng mặc thêm
một chiếc áo khoác ngoài. Đi trên con đường mòn nhỏ nghe tiếng chim chóc
hót vang rừng, tôi chợt nghĩ đến núi rừng Phương Bối xưa mà tôi đã được
đọc qua sách vở. Phương Bối chắc chắn là đẹp và huyền bí hơn nơi đây
ngàn lần. Tôi nhớ đến bài thơ Thầy viết khi giã từ nơi ấy:
Gối nhẹ mây đầu núi
Nghe gió thoảng hương trà
Thiền duyệt tâm bất động
Rừng cây dâng hương hoa
Một sáng ta thức dậy
Sương lam phủ mái nhà
Hồn nhiên cười tiễn biệt
Chim chóc vang lời ca
Đời đi về muôn lối
Quan san mộng hải hà
Chút lửa hồng bếp cũ
Ấm áp bóng chiều sa
Đời vô thường vô ngã
Người khẩu Phật tâm xà
Niềm tin còn gửi gắm
Ta vui lòng đi xa
Thế sự như đại mộng
Quên tuế nguyệt sa đà
Tan biến dòng sinh tử
Duy còn Ngươi với Ta.
Chắc là nơi ấy phải đẹp lắm. Mỗi người chúng ta, có lẽ ai cũng phải cần
một nơi chốn như thế, yên tịnh và đơn sơ, để dừng lại và trở về. Đó là
một quê hương tâm linh để nuôi dưỡng hạnh phúc của ta. Chúng ta đâu cần
phải nói gì nhiều, làm gì nhiều, chỉ cần đứng nhìn những dải mây giắt
ngang núi, màu hồng cam của một buổi sáng ban mai, một bầu trời hoàng
hôn mây tím, cũng là đủ lắm rồi. Hạnh phúc có thể là những gì thật đơn
sơ, nhưng phải là chân thật. Sở dĩ chúng ta ai cũng yêu quý những cái
đẹp, thanh tịnh, và chân thật, vì tự thể của ta là vậy!
Bạn biết không, tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng ta thiếu thốn một
phương pháp sống hạnh phúc. Bạn đừng nghĩ rằng, ta tham dự một khóa tu
là chỉ để tìm học phương cách tu tập. Mặc dù đó có thể là một hình thức.
Tôi nghĩ thời gian ấy là để ta tiếp xúc lại được với cái bản tâm đơn sơ
của mình. Nơi đó có cất giữ một ước vọng sâu xa nhất của ta. Chính cái
ước vọng ấy đã dẫn dắt ta đến đây, và thuở bé đã cho ta giấc mơ làm
chàng dũng sĩ đi chuyển hóa cuộc đời. Thời gian ấy chắc cũng đã xa xôi
lắm rồi, nhưng đừng bao giờ để cuộc đời biến đổi chàng dũng sĩ của mình
bạn nhé!
Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ thật sự có hạnh phúc trừ khi mình
tiếp xúc được với cái mộng ước sâu xa nhất ấy. Mộng ước đó là gì, thì
chỉ có bạn mới biết được. Nó có mặt trong tự thể mỗi người chúng ta, và
chỉ có thể nhận diện được trong giờ phút này mà thôi. Vì sự sống phải có
mặt.
Đêm nay lòng đêm thanh tịnh, im lặng như khu rừng bên kia ngọn đồi. Tôi
đứng yên trên chiếc cầu nhỏ. Bên dưới lòng suối, nước chảy róc rách qua
những khe đá làm vỡ ánh trăng ra từng mảnh. Phải chi có bạn ở đây, tôi
sẽ vớt một mảnh trăng tặng bạn để đem về nơi ấy. Chúng ta đâu cần phải
nói với nhau một lời nào! Tôi vào thiền đường, thắp lên một nén hương
thơm và đọc cho bạn nghe một trang kinh. Lời xưa sao đơn sơ quá bạn nhỉ!