Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Về mái chùa xưa »» Lên chùa thắp một nén hương... »»

Về mái chùa xưa
»» Lên chùa thắp một nén hương...

Donate

(Lượt xem: 8.494)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Về mái chùa xưa - Lên chùa thắp một nén hương...

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Chúng ta có thể đến chùa với nhiều tâm trạng khác nhau. Có người đến chùa với sự kính ngưỡng, với tâm chân thành để dâng hương lễ Phật, cũng có người đến chùa với một tâm nguyện nào đó ôm ấp trong lòng, và cầu khấn để mong rằng tâm nguyện ấy sẽ sớm trở thành hiện thực, lại cũng có người đến chùa chỉ để thăm thú, vãn cảnh, tìm một vài giây phút thanh thản, thư giãn trong cuộc sống vốn dĩ đầy bon chen, căng thẳng...

Cho dù là chúng ta đến chùa với tâm trạng nào đi nữa, chúng ta cũng cần hiểu qua một số yếu tố tích cực có thể góp phần làm cho việc đến chùa của ta được nhiều lợi lạc hơn.

Yếu tố đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến ở đây là sự buông xả. Khi bạn đến chùa, trước hết hãy buông xả tất cả những gì đang trĩu nặng trong lòng. Như một ly nước đầy không thể rót thêm vào được nữa, tâm hồn bạn nếu chất chứa đầy những ưu tư, lo nghĩ hay phiền muộn... sẽ không còn có khả năng tiếp nhận gì nữa từ môi trường bên ngoài. Và vì thế, việc đến chùa có rất ít cơ may mang lại cho bạn những giây phút thảnh thơi, an lạc.

Ngôi chùa có thể xem là một cảnh giới hoàn toàn khác biệt với thế giới trần tục mà chúng ta đang sống. Ở đó không có sự bon chen, tranh giành vật chất, địa vị hay quyền lực, không có sự ganh ghét, giận hờn hay đố kỵ lẫn nhau... Đó là cảnh giới của những người hướng đến sự giải thoát, hướng đến sự cởi bỏ tất cả những ràng buộc tầm thường của đời sống thế tục. Vì thế, khi ta bước chân vào đó, điều trước hết là hãy buông xả hết thảy những “bụi trần” của thế tục, để có thể mở rộng lòng đón nhận những cơn gió mát lành bên trong cửa từ bi.

Thử tưởng tượng, nếu bạn đến chùa trong một tâm trạng tức giận chưa nguôi ngoai, hoặc đang ôm ấp những lo toan, dự trù cho một công việc quan trọng sắp đến... Liệu trong những trường hợp ấy, bạn có thể nào cảm nhận được sự thanh thản, nhẹ nhàng hay thư giãn được chăng?

Nếu bạn là người đã từng đến chùa nhiều lần, hãy thử nhớ lại và so sánh tâm trạng khác nhau của những lần ấy. Bạn sẽ thấy ra một điều là: có những lần bạn thực sự cảm nhận được sự an lạc, thảnh thơi, và cũng có những lần nào đó bạn hầu như không cảm nhận được chút an vui nào cả. Điều đó không phải gì khác hơn mà chính là sự biểu hiện tâm trạng của mỗi chúng ta khi đến chùa. Nếu chúng ta có khả năng buông xả được tất cả những gì chất chứa trong lòng, chúng ta mới có thể tiếp nhận được niềm vui trong sáng của việc đến chùa. Bằng không, việc đến chùa sẽ có ý nghĩa rất ít trong đời sống tinh thần của chúng ta. Hay nói khác đi, chúng ta sẽ có rất ít khả năng cảm nhận được sự khác biệt giữa việc đến chùa với việc đi đến bất cứ một nơi nào khác.

Nói như thế không có nghĩa là bạn chỉ nên đến chùa khi không có bất cứ điều gì lo toan chất chứa trong lòng. Ngược lại, chính những lúc ấy mới là những lúc bạn rất cần đến chùa. Sự khác biệt ở đây là, bạn cần ý thức thật rõ rệt điều này: Hãy buông xả, bỏ lại tất cả những lo toan của bạn ở bên ngoài cổng chùa, đừng mang chúng vào theo đến tận nơi lễ Phật.

Đây là việc nên làm, nhưng không hẳn đã dễ làm. Quán tính thông thường của hầu hết chúng ta là làm theo cách ngược lại. Chúng ta mang đến chùa hết thảy những ưu tư, lo lắng, niềm vui, nỗi buồn trần tục của mình, để mong rằng khung cảnh thiêng liêng và sự nguyện cầu sẽ có thể giúp ta biến tất cả những điều ấy trở thành tốt đẹp. Đó là một ý niệm sai lầm, và chúng ta sẽ có dịp trở lại để bàn sâu hơn ở một phần khác cũng trong sách này.

Để thực hành bài tập buông xả trước khi vào chùa, trước hết bạn phải nhận thức được rằng mình đang bước vào một cảnh giới khác, cảnh giới của an lạc và giải thoát, ít ra cũng là trong những giây phút ngắn ngủi mà bạn được lưu lại trong khuôn viên ngôi chùa. Và vì thế, bạn có thể xem như mình sẽ tạm thời “vắng mặt” khỏi thế giới trần tục này trong suốt quãng thời gian đến chùa. Mười lăm phút, ba mươi phút, một giờ, hay nửa ngày, hoặc thậm chí là vài ba ngày... đó là thời gian mà bạn cần xác định rõ là mình sẽ không hiện diện trong “thế giới trần tục” này, để hoàn toàn bước vào “thế giới thảnh thơi” của an lạc và giải thoát. Nhận thức này là tiền đề quyết định để bạn có thể mở rộng lòng tiếp nhận những niềm vui thực sự khi được đến chùa.

Bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này: cho dù bạn có vắng mặt khỏi “thế giới trần tục” này trong mười lăm phút, một giờ hay nửa ngày... chắc chắn là điều ấy cũng sẽ không dẫn đến bất cứ biến cố, thay đổi quan trọng nào. Nhưng ngược lại, nếu bạn thực sự buông xả để đến chùa trong một tâm trạng hoàn toàn không vướng mắc, điều đó sẽ mang lại lợi ích tinh thần rất lớn lao và thậm chí có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tốt đẹp hơn.

Khi bước chân vào cổng chùa với tâm trạng buông xả mọi lo toan, tính toán trong đời sống thế tục, đó là chúng ta thực sự dọn mình để đến gần hơn với cảnh giới của sự thanh thản và giải thoát. Chính trong tâm trạng đó, chúng ta mới có thể dễ dàng có được niềm an lạc thực sự, và cũng chính trong tâm trạng đó, chúng ta mới thực sự có được sự giao cảm nhiệm mầu khi dâng hương lễ Phật.

Yếu tố buông xả có ý nghĩa với hết thảy mọi đối tượng đến chùa. Cho dù bạn chỉ là người đến vãn cảnh chùa để tìm đôi chút thời gian thảnh thơi, thư giãn, hay đến chùa để dâng hương lễ Phật như một tín đồ thuần thành... Trong mọi trường hợp, sự buông xả đều có khả năng giúp bạn dễ dàng có được những cảm nhận tốt đẹp và an lạc hơn. Những vườn hoa, chậu cảnh, khóm trúc hay con đường trải sỏi... tất cả đều sẽ trở nên xinh đẹp hơn, tươi mát hơn khi bạn có thể dạo chơi và ngắm nhìn với một tâm trạng thảnh thơi, bình thản. Và giây phút dâng hương lễ Phật sẽ trở nên thiêng liêng hơn, tôn nghiêm hơn khi bạn không còn vướng bận trong lòng bất cứ sự lo toan tính toán nào. Mặt khác, nếu bạn đến chùa để tìm lời khuyên bảo, chỉ dạy cho một đời sống tinh thần hướng thượng, tâm trạng buông xả sẽ giúp bạn sáng suốt hơn nhiều để có thể hiểu và tiếp thu được những gì quý thầy giảng dạy.

Yếu tố thứ hai mà tôi muốn bàn đến ở đây là sự thành tâm. Sự thành tâm ở đây được hiểu như là sự để hết tâm ý vào một mục đích duy nhất khi đến chùa. Vì thế, bạn phát khởi tâm nguyện đến chùa chỉ với mục đích duy nhất ấy, không kèm theo với bất cứ một điều kiện hay mục đích nào khác.

Ngay cả khi bạn đến chùa để vãn cảnh và dạo chơi thư giãn, thì đó cũng phải là mục đích duy nhất của bạn, không nên kèm theo bất cứ một mục đích nào khác. Chẳng hạn, khi bạn nghĩ rằng: “Chiều nay tôi sẽ đến chùa để dạo chơi thư giãn, và sau đó sẽ nhân tiện ghé qua siêu thị mua một vài món đồ... hoặc nhân tiện tôi sẽ ghé thăm một người bạn cũ ở gần đó...”, như vậy là bạn đã thiếu đi yếu tố thành tâm. Và ý nghĩa việc đến chùa của bạn sẽ do đó mà sút giảm đi rất nhiều.

Khi bạn đến chùa để dâng hương lễ Phật hoặc nghe thuyết pháp cũng vậy, bạn cần phải có sự thành tâm. Chính sự thành tâm giúp bạn có được một sức mạnh tinh thần rất lớn lao để có thể nhận hiểu và tiếp xúc được với những gì là tốt đẹp hay thiêng liêng, cao cả khi đến chùa.

Thử tưởng tượng, bạn đang dạo chơi trong vườn chùa xinh đẹp và thoáng mát, nhưng chốc chốc lại phải liếc nhìn đồng hồ để xem đã đến giờ thực hiện một “mục đích thứ hai” nào đó hay chưa... Bạn sẽ không thể nào có khả năng cảm nhận, tiếp xúc với vẻ đẹp quanh mình được nữa. Và nếu bạn dâng hương lễ Phật trong một tâm trạng như thế, bạn càng không thể đạt được bất cứ sự giao cảm nào trong thế giới tâm linh. Còn nếu bạn ngồi nghe một bài pháp thoại với tâm trạng ấy, bạn càng không có khả năng hiểu và tiếp nhận những gì được nghe.

Cuộc sống của chúng ta vốn rất ngắn ngủi, và sẽ càng ngắn ngủi hơn nữa nếu chúng ta không biết cách sử dụng đúng đắn thời gian trôi qua. Khi chúng ta có thể dành ra được mười lăm, hai mươi phút hay nửa giờ, nửa ngày... để đến chùa, nhưng lại thiếu mất sự thành tâm, lại phân tán quãng thời gian này vào nhiều mục đích khác nhau... chúng ta sẽ nhận được rất ít giá trị tinh thần, hoặc thậm chí chẳng nhận được gì cả từ việc đến chùa theo cách đó.

Hiểu được điều này, bạn sẽ dễ dàng giải thích được vì sao có những lúc bạn đến chùa mà không có được sự an lạc thật sự. Đó là vì bạn đã không có được sự thành tâm, là vì tuy bạn đang ở chùa mà tâm hồn bạn vẫn bị chi phối bởi một mục đích khác, hướng về một nơi khác. Lần tới đây, khi bạn có dịp đến chùa, hãy nhớ xác định đó là mục đích duy nhất của mình, hãy dành trọn tâm hồn hướng về mục đích đó. Tất nhiên là bạn vẫn còn rất nhiều công việc phải làm trong ngày mai, nhưng dành riêng một quãng thời gian cho việc đến chùa không bao giờ là chuyện vô ích. Hơn thế nữa, đừng bao giờ để thói quen “nhân tiện” chi phối vào tâm nguyện đến chùa của bạn. Nếu bạn làm thế, bạn chỉ có thể đưa thân xác đến chùa chứ không hướng được tâm ý đến chùa, và như thế sẽ chẳng có ích lợi gì cho đời sống tinh thần của bạn.

Yếu tố thứ ba là sự tự nguyện. Tự nguyện ở đây được hiểu như là sự quay về quan sát tự tâm và tự mình phát khởi sự mong muốn, tâm nguyện đến chùa. Khi tôi phát khởi tâm nguyện đến chùa, tôi biết rằng đó chính là ý muốn, là nhu cầu của bản thân tôi chứ không vì ai khác. Cho dù nhu cầu đó chỉ đơn giản là để thưởng ngoạn cảnh chùa và tìm những giây phút thảnh thơi, thư giãn, điều đó cũng phải là xuất phát từ tự tâm, từ sự mong muốn của chính tôi, không phải vì nhìn thấy ai khác đã làm như thế, hay vì chiều theo ý muốn của một người khác... Chỉ khi tự thân bạn thực sự có nhu cầu ấy, bạn mới cảm nhận được hết những gì tốt đẹp, cao cả khi đến chùa. Bởi vì việc đến chùa khi ấy là đáp ứng đúng với mong muốn của chính bạn, thoả mãn một nhu cầu tâm linh hay tinh thần có thật trong bạn, mà không phải là được thực hiện chỉ bởi nhìn vào người khác hoặc để có được một sự đánh giá nào đó từ người khác.

Tôi biết ngày nay có không ít người đến chùa thiếu yếu tố tự nguyện hiểu theo cách này. Một số người xem việc đến chùa như là cách tốt nhất để bày tỏ với người khác rằng mình là người tốt, là người hướng thiện... Một số khác lại không muốn tỏ ra khác biệt khi những người quanh mình đến chùa, và vì thế mà tự thân họ cũng đến chùa... Tôi không có ý nói rằng những người như thế là có gì sai trái, nhưng xét từ góc độ những lợi ích lớn lao mà việc đến chùa mang lại thì thật tội nghiệp cho họ, bởi vì họ có rất ít cơ may tiếp nhận được những lợi ích lớn lao đó, khi mà việc họ đến chùa không xuất phát từ những suy nghĩ, mong muốn và cảm nhận của chính mình.

Xét theo yếu tố này, khi bạn khởi lên ý muốn đến chùa, bạn hãy dành ra vài ba phút để tự hỏi những câu hỏi tương tự như thế này: “Vì sao tôi muốn đến chùa? Việc đến chùa này là do bản thân tôi mong muốn hay vì tôi muốn làm như thế để chiều theo ý muốn của người khác? Có phải tôi đến chùa chỉ vì quanh tôi đang có rất nhiều người làm như thế hay chăng?... ”

Khi có thể tự hỏi và thành thật trả lời những câu hỏi như thế, đó là bạn đã tự soi rọi vào nội tâm mình để thấy được nguyên nhân, động cơ thực sự của việc đến chùa. Tôi hoàn toàn không có ý nói rằng nếu bạn đến chùa không xuất phát từ mong muốn của chính mình thì điều đó sẽ không có lợi hoặc có gì là sai trái, nhưng điều quan trọng nhất ở đây là bạn sẽ tự biết được điều đó. Và hơn thế nữa, bạn cần hiểu thêm rằng, nếu bạn có thể tự mình phát khởi được tâm nguyện đến chùa thì yếu tố đó sẽ giúp cho việc đến chùa của bạn mang lại rất nhiều lợi lạc rất lớn về mặt tinh thần.

Trong hầu hết mọi trường hợp, ngôi chùa là một nguồn sức mạnh tinh thần vô tận cho tất cả những ai đến viếng thăm và lễ bái. Trừ ra một số rất ít những ngôi chùa nội thành quá chật chội, còn thì hầu hết các chùa đều có một khuôn viên thoáng rộng bao quanh với cảnh trí nhẹ nhàng thanh thoát. Chỉ riêng việc viếng cảnh chùa thôi cũng đã có thể mang lại phần nào sức sống cho mỗi chúng ta sau những ngày bon chen mệt nhọc, miễn là ta hiểu được tầm quan trọng của những yếu tố tích cực trong việc đến chùa. Bạn có thể nghĩ rằng, điều đó cũng có thể có được khi tôi đến với những khung cảnh thiên nhiên như rừng cây, thác nước hay bãi biển... Vâng, đúng vậy. Nhưng vẫn có sự khác biệt rất lớn ở đây so với việc đến chùa. Bởi vì cảnh quan vườn chùa không chỉ là một thiên nhiên xinh đẹp thu nhỏ đủ để mang lại cho bạn sự thanh thản, thư thái, mà nó còn gắn liền với yếu tố con người: đó là những nụ cười khoan hoà, những ánh mắt bao dung từ ái, những lời khuyên dạy chí tình đạt lý cho cuộc sống tinh thần hướng thượng của bạn... những điều mà bạn không thể tìm được ở bất cứ nơi đâu khác ngoài việc đến chùa.

Rất nhiều người trong chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến những yếu tố tích cực nêu trên. Chúng ta đến chùa không có sự buông xả, vì thế mà lòng ta chất chứa đầy ắp những gì mà cuộc sống thế tục đã mang lại cho ta. Chúng ta không biết rằng, việc đến chùa có thể mang lại cho ta những chất liệu tinh thần tốt đẹp hơn trong đời sống, nhưng tự nó không thể thải bỏ, làm tan biến những yếu tố tiêu cực, xấu ác ra khỏi tâm thức của chúng ta. Và chính ta phải làm điều ấy chứ không ai khác có thể làm thay cho ta được. Đơn giản cũng giống như là việc đổ đi một ly nước đầy bùn đất để nhận lại một ly nước mới trong sạch, tinh khiết. Việc đến chùa có thể mang đến cho chúng ta vô số những ly nước trong lành, tinh khiết, nhưng việc đổ bỏ ly nước cũ đầy bùn đất chỉ có thể là công việc của chính ta. Và ta cần phải làm điều đó mỗi khi ta bước chân đến chùa.

Cũng tương tự như vậy, ta thường vận dụng cách bố trí công việc thường ngày của mình vào ngay cả việc đến chùa. Ta không biết rằng việc đến chùa là một công việc thuộc về đời sống tinh thần, và không thể lẫn lộn nó với những công việc khác. Ta sắp xếp việc đến chùa kèm theo với việc này, việc nọ cho thuận tiện, để tiết kiệm thời gian... Và như thế ta đánh mất đi yếu tố thành tâm trong việc đến chùa. Mà như đã nói, việc đến chùa là một công việc thuộc về đời sống tinh thần, nên khi đánh mất sự thành tâm thì nó lại trở nên giống với những công việc khác, và do đó mà ta nhận được rất ít những giá trị tinh thần sau một lần đến chùa.

Đôi khi chúng ta đến chùa cũng giống như đi đến bất cứ một nơi nào khác, nghĩa là ta không hề có một sự chuẩn bị, nhận thức đúng đắn về mặt tinh thần. Ta không tự mình xác định được nguyên nhân, động lực của việc đến chùa. Ta không tự mình khởi lên được tâm niệm chân chính, mà ta làm điều đó như một sự bắt chước theo người khác, hoặc để tỏ ra mình cũng là người “biết chuyện”... Trong những trường hợp đó, ta thiếu đi yếu tố tự nguyện, tự phản tỉnh, và do đó mà chúng ta ít có khả năng tiếp nhận được những lợi ích tinh thần lớn lao trong việc đến chùa.

Thật ra, cả 3 yếu tố mà chúng ta vừa đề cập đến lại có một sự tương quan rất chặt chẽ với nhau. Chúng giống như những mặt khác nhau của cùng một vấn đề, và vì thế mà khi ta chú ý đầy đủ đến một trong 3 yếu tố này là ta cũng có thể có được cả ba. Lấy ví dụ, khi bạn thực sự buông xả hoàn toàn, bạn sẽ không còn mang theo vào chùa bất cứ ý niệm nào khác ngoài ý niệm đến chùa, và do đó mà bạn cũng có được sự thành tâm. Mặt khác, để có thể buông xả, bạn không thể không xuất phát từ một tâm nguyện thực sự mong muốn được đến chùa. Hay nói cách khác, nếu việc đến chùa của bạn chỉ là một việc làm “xu thời”, bạn sẽ không thể thực sự có được tâm trạng hoàn toàn buông xả...

Cũng có không ít người – và thường là những người mới đến chùa lần đầu – băn khoăn về vấn đề lễ vật khi đến chùa. Khi chúng ta hiểu được những yếu tố quan trọng nêu trên, chúng ta cũng đồng thời giải đáp được cho vấn đề này. Lễ vật là một phương tiện để giúp chúng ta bày tỏ sự thành tâm. Ngay trong lúc sắm sửa lễ vật, dù nhiều dù ít không quan trọng, là lúc bạn phát khởi tâm nguyện đến chùa. Vì thế, bạn hãy sắm sửa lễ vật theo như ý nguyện của chính mình. Dù đó là một thẻ hương, mâm trái cây, bình hoa... hay bất cứ món lễ vật nào khác, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố tự nguyện và sự thành tâm. Chính nhờ đó mà bạn mới có thể thực sự buông xả được tất cả những phiền muộn, lo toan khi bước chân đến chùa.

Khi lễ bái trước điện Phật, bạn cũng cần phải buông xả. Những lễ vật mà bạn mang về chùa đến đây xem như là đã làm xong nhiệm vụ, đừng bận tâm suy nghĩ đến chúng nữa. Cho dù bạn có mang về chùa rất nhiều hay rất ít, thì đến lúc này điều đó cũng không còn có ý nghĩa gì. Hãy thành tâm hướng trọn tâm hồn vào sự lễ bái. Được như vậy thì chỉ một nén hương thôi cũng đã quá đủ để đưa bạn đến bên toà sen của mười phương chư Phật...

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Báo đáp công ơn cha mẹ


Nắng mới bên thềm xuân


Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.28.200 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...