Cụm từ “uy lực” đã được người xưa dùng để mô tả về những ảnh hưởng tích
cực rất lớn lao của việc thọ trì Tam quy và Ngũ giới trong đời sống. Đây
có thể xem là cụm từ chính xác nhất, bởi vì những ảnh hưởng tích cực của
việc thọ trì quy giới trong thực tế là rất lớn, tạo thành một sức mạnh
vô song có khả năng giúp chuyển hóa hết thảy mọi hạt giống xấu ác tiềm
ẩn trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chỉ có sự thực hành là phương thức duy
nhất mới có thể giúp ta hiểu hết được uy lực của quy giới, còn mọi sự mô
tả, diễn giải đều chỉ có tính cách lý luận, dẫn dắt mà thôi. Những gì mà
chúng ta có thể bàn đến ở đây thật ra chỉ là phần biểu lộ bên ngoài của
vấn đề, còn chiều sâu thực sự của những giá trị tinh thần lại là điều mà
mỗi người chỉ có thể tự cảm nhận được qua sự hành trì trong thực tế đời
sống mà thôi.
Tam quy và Ngũ giới mang lại cho chúng ta hai khía cạnh lợi ích lớn lao
không tách rời nhau. Nói một cách nôm na dễ hiểu nhất, việc quy y Tam
bảo giúp chúng ta xác lập một niềm tin, một chỗ dựa tinh thần vững chắc,
còn việc học hiểu và thọ trì Ngũ giới giúp chúng ta vạch ra được một
hướng đi cụ thể trong đời sống. Nói một cách khác, Tam quy mang lại lợi
ích trước hết cho phần tinh thần, còn Ngũ giới tác động trước hết đến
mọi hành động do thân xác thực hiện. Nhưng ngay ở điểm này chúng ta có
thể thấy ngay được mối quan hệ chặt chẽ không thể chia tách giữa hai
khía cạnh vừa đề cập. Bởi vì tinh thần không thể tồn tại tách biệt với
thân xác, và ngược lại thì mọi hành động do thân xác thực hiện cũng
không thể thiếu yếu tố tinh thần. Chính điều này giải thích cho một quy
định bất thành văn mà chúng ta đã có lần đề cập đến: tất cả những người
quy y Tam bảo đều cùng lúc phát tâm thọ trì Ngũ giới. Chúng ta có thể
nói một cách cụ thể hơn rằng, việc quy y Tam bảo là tiền đề tất yếu để
dẫn đến thọ trì Ngũ giới, trong khi việc thọ trì Ngũ giới lại là điều
kiện tất yếu phải có để cụ thể hóa và duy trì tâm nguyện quy y.
Vì sao nói rằng quy y Tam bảo giúp chúng ta có một chỗ dựa tinh thần
vững chắc? Một trong những tính chất vốn có của con người là luôn muốn
hiểu được tất cả những hiện tượng, sự việc xảy ra quanh mình. Nhưng
trong thực tế, từ thuở sơ khai cho đến nay luôn có quá nhiều điều mà con
người không sao hiểu hết. Những bí ẩn không lời giải đáp luôn bàng bạc
trong thế giới tự nhiên quanh ta và nằm ngay trong chính thế giới nội
tâm của mỗi chúng ta. Có những bí ẩn chỉ gợi sự tò mò, thắc mắc (như sự
hình thành và biên giới của vũ trụ, hay nguồn gốc con người... ), nhưng
phần lớn các bí ẩn lại thường có khuynh hướng làm cho chúng ta sợ hãi,
bất an (như sấm sét, dịch bệnh, mưa bão, động đất... ). Ngày nay, chúng
ta có sự tiến bộ nhất định về khoa học, và điều đó giúp giải thích một
số vấn đề, nhưng điều đó lại không có nghĩa là kiểm soát được những vấn
đề ấy. Chẳng hạn, con người sơ khai sợ sấm sét, động đất... vì hoàn toàn
không hiểu được nguyên nhân, con người ngày nay dù đã giải thích được
nguyên nhân, nhưng vẫn bất lực khi những hiện tượng này xảy ra và cướp
đi sinh mạng của nhiều người... Và vì thế, chúng ta vẫn tiếp tục nuôi
dưỡng sự sợ hãi đối với những gì nằm ngoài sự hiểu biết và kiểm soát của
chúng ta trong môi trường tự nhiên. Chính sự sợ hãi này là một trong
những nguyên nhân khiến con người phải dựng nên một số các tôn giáo, tín
ngưỡng để làm chỗ dựa tinh thần.
Nhưng tôn giáo hình thành theo cách này thực chất là xuất phát từ sự
thiếu hiểu biết, từ sự hình dung, tưởng tượng vô căn cứ về những điều
chưa biết... Và với nền tảng đó, nó không thể thực sự là chỗ dựa tinh
thần vững chắc cho con người. Với hoạt động của tri thức, con người luôn
hoài nghi về những điều không hợp lý (vốn là bản chất của sự tưởng
tượng), và điều này giải thích lý do vì sao con người đã tìm được chỗ
dựa nơi tôn giáo nhưng tự sâu thẳm trong tâm hồn vẫn cảm thấy một sự băn
khoăn, bất an.
Phật giáo không phải là một tôn giáo hình thành theo cách đó. Đức Phật
không chấp nhận những điều mô tả theo trí tưởng tượng, mà chỉ đưa ra
những mô tả xuất phát từ sự chứng nghiệm trong thực tế. Trí tuệ giác ngộ
của ngài đã nhìn xuyên suốt mọi hiện tượng trong tự nhiên, xuyên suốt
mọi thế giới mà đối với chúng ta là huyền bí, khó hiểu. Tuy nhiên, ngài
không yêu cầu chúng ta đặt niềm tin vào những gì huyền bí, khó hiểu đó,
mà dẫn dắt chúng ta đặt niềm tin vào những gì rất thiết thực, có thể
chứng nghiệm ngay trong cuộc sống này.
Niềm tin vào Tam bảo là một niềm tin hình thành theo cách đó, với các
đối tượng Phật, Pháp, Tăng mà chúng ta có thể hiểu được và thấy nghe
nhận biết bằng tri giác thông thường của bản thân mình. Vì thế, quy y
Tam bảo trước hết là quy y với những đối tượng mà chúng ta kính ngưỡng
và nguyện noi theo để có cuộc sống tốt đẹp, an vui hơn.
Thế nhưng, trí tuệ và nhân cách siêu việt của đức Phật còn giúp chúng ta
đẩy lùi mọi sự sợ hãi vô căn cứ mà trước đây có thể đã từng ngự trị
trong tâm hồn ta. Lấy ví dụ như những điều may rủi đến với ta trong cuộc
sống có vẻ như không theo một quy luật nhất định nào, và do đó ta thường
lo sợ khi liên tiếp gặp phải những rủi ro. Từ đó, ta đi tìm chỗ dựa tinh
thần vào những việc như bói toán, xem ngày giờ, cúng sao giải hạn...
Nhưng tất cả những điều đó đều chỉ là những phương thức được hình thành
từ sự tưởng tượng vô căn cứ. Trí tuệ giác ngộ của đức Phật đã chỉ ra
rằng tất cả những gì xảy đến cho chúng ta hôm nay là kết quả của những
hành vi trong quá khứ của chính chúng ta, và mối quan hệ nhân quả này đã
được ngài quán sát thấu đáo để giải thích cho tất cả mọi hành vi và
nghiệp báo của chúng sanh. Khi tin và hiểu được điều này, chúng ta không
còn những lo sợ vô căn cứ như trước nữa, mà trái lại có thái độ tích cực
hơn để cải thiện mọi hành vi trong hiện tại của mình, vì chúng ta biết
chắc rằng điều đó sẽ quyết định những gì chúng ta gặt hái vào ngày mai.
Luật nhân quả là một phạm trù khá rộng và phức tạp nhưng rất thú vị,
chúng ta hy vọng sẽ có dịp quay trở lại vấn đề này trong một tập sách
khác.
Mặt khác, như đã nói, nhân cách siêu việt của đức Phật giúp chúng ta khi
đã đặt niềm tin vào ngài thì không còn sự sợ hãi trước bất kỳ đối tượng
nào khác. Rất nhiều người trong chúng ta trước đây có thể đã từng thờ
cúng các vị thần mà chúng ta chưa từng thực sự được biết, không phải
xuất phát từ sự kính phục hay ngưỡng mộ, mà thực chất là vì sợ hãi.
Chúng ta sợ rằng nếu không thờ cúng các vị ấy, chúng ta sẽ phải chịu
những sự trừng phạt bí ẩn nào đó mà không ai có thể bảo vệ được cho ta.
Nhưng khi chúng ta quy y Tam bảo, đức Phật chỉ rõ một cách bao quát rằng
tất cả những cảnh giới như trời, thần, quỷ, vật... đều không thoát ngoài
tam giới, đều là những chúng sanh đang chịu sự chi phối của nghiệp quả
luân hồi, và do đó chúng ta không có gì phải sợ sệt hoặc nương theo
những đối tượng ấy. Cách tốt nhất để mang lại sự an ổn cho bản thân là
hướng về điều thiện, và quy y Tam bảo là nền tảng đầu tiên cho một cuộc
sống hướng thiện. Trong một số kinh, đức Phật còn mô tả uy lực của người
thọ trì Tam quy và Ngũ giới là được các vị thiện thần vây quanh để hộ
trì. Và điều đó cho thấy khi chúng ta đặt niềm tin nơi Tam bảo thì chúng
ta không còn phải lo sợ trước bất kỳ một đối tượng nào khác. Vì thế mà
có thể xác định rằng việc quy y Tam bảo là xác lập niềm tin và mang lại
cho chúng ta một chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Nhiều người đã quy y Tam bảo nhưng vẫn thờ cúng các vị thần linh huyễn
hoặc, chẳng hạn như thờ thần tài, ông địa, ông táo... hoặc vẫn tin vào
việc bói toán, xem ngày giờ tốt xấu, cúng sao giải hạn... Đó là vì những
người ấy chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của việc quy y, và do đó cũng
chưa thực sự đặt trọn niềm tin nơi Tam bảo. Nếu hiểu và tin theo lời
Phật dạy, thì những chuyện tốt lành, lợi lạc đến với chúng ta chỉ có thể
là kết quả của những việc làm phước thiện, làm sao lại có thể dựa vào sự
phù hộ độ trì của một vị thần này hay thần khác, nhất là khi sự phù hộ
độ trì đó lại có vẻ như là kết quả của những hành động “đút lót” bằng lễ
vật cúng kính!
Những niềm tin và nhận thức sai lầm như trên có thể dễ dàng loại bỏ nhờ
vào việc thọ trì Ngũ giới. Trong kinh nói: Nhân giới sanh định, nhân
định phát huệ. Vì thế, thọ trì Ngũ giới có thể giúp chúng ta chuyển hóa
đời sống theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn, và do đó mà tâm trí sẽ được
sáng suốt hơn, có thể hiểu đúng những giáo lý do Phật truyền dạy, và
điều đó giúp ta xóa tan đi những nhận thức sai lầm, tà kiến.
Thực hành Ngũ giới là bước khởi đầu căn bản nhất, nhưng cũng chính là
chặng đường dài mà người học Phật có thể nương theo để đi suốt cuộc đời
mình. Sở dĩ như thế, là vì trong 5 giới bao gồm nhiều lớp ý nghĩa, nhiều
tầng bậc hành trì từ thấp đến cao, giúp cho người mới học có thể dễ dàng
tiếp nhận, mà người thực hành, chiêm nghiệm lâu năm cũng vẫn còn có chỗ
phải tiếp tục học hỏi.
Chính vì khả năng bao quát như thế, nên Ngũ giới có một uy lực vô song
trong việc chuyển hóa đời sống của chúng ta. Có thể hình dung ở mức độ
xấu nhất, khi bản thân ta là người đầy dẫy những thói hư tật xấu cố hữu,
nhưng chỉ cần phát tâm nghiêm túc thọ trì Ngũ giới, ngay lập tức tất cả
các thói hư tật xấu ấy sẽ bị ngăn chặn, và dần dần không bao lâu sẽ đi
đến chỗ diệt mất. Điều khó khăn quyết định ở đây là ta phải có một quyết
tâm, một ý chí dũng mãnh để nghiêm túc thọ trì không phạm giới. Chỉ cần
được như thế thì mọi việc chắc chắn sẽ trở nên tốt đẹp. Ở đây có thể
hình dung 5 giới như một cái khuôn của người thợ đúc, cho dù nguyên liệu
sử dụng có bất cứ hình dạng nào, nhưng một khi đã đưa được vào khuôn thì
chỉ có thể sản xuất ra một hình dạng duy nhất theo cái khuôn ấy.
Tính chất bao quát của 5 giới đã dẫn đến một kết quả thực tiễn là: ta
không thể thực hiện bất kỳ một hành vi xấu ác nào mà không phạm vào 5
giới. Vì thế, khi ta giữ trọn 5 giới thì tất cả mọi hành vi xấu ác đều
nhất thời bị ngăn chặn.
Tác dụng của 5 giới có thể tạm chia ra hai giai đoạn, cũng là hai tầng
bậc thực hành giới như sau:
1. Với người mới phát tâm thọ giới, việc
thực hành 5 giới thường mang tính khuôn thước, máy móc, và được hiểu
theo nghĩa căn bản nhất của giới. Tác dụng của 5 giới trong giai đoạn
này là ngăn chặn, dừng lại tất cả mọi hành vi xấu ác không cho bộc lộ ra
bên ngoài (nhưng thường là vẫn còn âm ỉ trong tư tưởng, ý niệm). Quá
trình ngăn chặn này thường diễn ra theo trình tự như sau: Khi ý niệm về
một hành động xấu khởi lên, người trì giới nhận biết và so sánh với ý
nghĩa ngăn ngừa của 5 giới, nhận ra được là nó thuộc về phạm vi ý nghĩa
ngăn ngừa của giới, và do đó quyết định không thực hiện nó.
Trong giai đoạn này, người trì giới thường không cảm thấy thoải mái lắm
trong việc trì giới, bởi vì tâm trí người ấy thường xuyên bị đè nặng bởi
những ý tưởng như “phạm giới” hay “không phạm giới”, hoặc là “không được
làm điều này”, “không được làm điều kia”... Hơn thế nữa, sự phân biệt
các phạm vi ý nghĩa ngăn ngừa của giới thường là một quá trình suy diễn
máy móc chủ yếu dựa vào các ý nghĩa đã được truyền dạy, còn những gì
thuộc về kinh nghiệm bản thân chưa có được bao nhiêu.
Người thọ trì 5 giới trong giai đoạn này giống như người cày ruộng. Lợi
tức thu hoạch từ ruộng lúa là sự hứa hẹn trong tương lai, còn hiện tại
là sự nỗ lực và mệt nhọc vì công việc. Việc nghiêm túc trì giới đòi hỏi
phải có những nỗ lực tranh đấu liên tục trong tự thân giữa những thói
quen (thường là phạm giới) và ý chí hướng thiện. Trong khi đó kết quả
hoàn thiện đời sống tinh thần lại thường rất hiếm khi có thể được cảm
nhận tức thời, cho dù là điều đó đang thực sự diễn ra.
Do những tính chất nêu trên, người thọ giới trong giai đoạn này nên
thường xuyên củng cố niềm tin của mình bằng cách đến chùa, lễ bái Tam
bảo, hoặc tham gia các khóa tu học tại các chùa. Cũng có thể tự mình tìm
hiểu thêm về Phật pháp bằng cách đọc tụng kinh điển hay tìm đọc những
sách giảng giải về giáo lý. Những nỗ lực phụ trợ này sẽ có ý nghĩa tích
cực giúp cho việc trì giới trở nên dễ dàng hơn và cũng có hiệu quả hơn.
Giai đoạn này có thể kéo dài trong một quãng thời gian khác nhau đối với
mỗi người, tùy thuộc vào năng lực thực hành giới cũng như khởi điểm khi
bắt đầu thọ giới. Nói chung, giai đoạn này có thể được xem như chấm dứt
khi người thọ giới bắt đầu tự mình cảm nhận được sự thoải mái trong việc
trì giới và những cải thiện đáng kể trong mọi sinh hoạt của đời sống
thường ngày.
2. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mà người
thọ giới đã hoàn toàn quen thuộc với các phạm trù ngăn ngừa của giới, và
việc giữ giới trở thành một phản xạ tự thân khá nhuần nguyễn. Chẳng hạn,
nếu như trong giai đoạn thứ nhất, người thọ giới phải đối đầu với một sự
thèm khát nhất định khi phải từ chối không uống rượu do ý nghĩa ngăn
ngừa của giới thứ 5, thì trong giai đoạn thứ hai này, việc không uống
rượu trở nên một phản ứng hoàn toàn tự nhiên, và người thọ giới không
còn khởi lên sự thèm khát mong muốn đối với loại thức uống độc hại ấy
nữa.
Chuyển biến quan trọng trong giai đoạn này là người thọ giới thực sự cảm
nhận được lợi ích của việc trì giới, tự thấy được những thay đổi tích
cực, cải thiện trong đời sống hằng ngày, và kèm theo đó là một niềm an
lạc, hạnh phúc mang lại do có được nếp sống chân chính, tốt đẹp. Thêm
vào đó, uy lực của giới trong giai đoạn này cũng tỏa rộng ra chung
quanh, khiến cho mọi người khi tiếp xúc với người thọ giới đều có thể dễ
dàng nhận ra và kính phục.
Đây cũng là giai đoạn mà người thọ giới đã tích lũy được những kinh
nghiệm tự thân trong việc trì giới, có được những cảm xúc và nhận xét
của riêng mình qua từng trường hợp cọ xát với thực tiễn đời sống. Đó là
những điều hoàn toàn không thể được truyền dạy từ người khác. Với những
kết quả có được từ sự thực hành 5 giới trong cuộc sống của chính mình,
người thọ giới bắt đầu có thể chiêm nghiệm về ý nghĩa của từng giới và
mở rộng được phạm vi ngăn ngừa của giới. Sự mở rộng này là một kết quả
tất nhiên có được qua thực hành và chiêm nghiệm, bởi vì những ý nghĩa mở
rộng này vốn đã hàm chứa trong giới mà không phải là một sự thêm thắt về
sau. Chỉ có điều là để hiểu được những ý nghĩa đó, đòi hỏi chúng ta phải
có một quá trình thực hành việc trì giới trong thực tế đời sống.