Bài này của một vị tỳ-kheo đời Đông Tấn bên Trung Hoa dịch, đã mất tên,
vào khoảng năm 400 theo Dương lịch.
Oai nghi của sa-di ni, về căn bản phải giữ đủ những điều như sa-di,
nhưng cũng có một số điểm được lưu ý đặc biệt hơn. Vì thế, khi đọc phần
này nên đối chiếu với phần Oai nghi của sa-di.
Sa-di ni không được mặc y phục bằng tơ lụa có nhiều màu sắc rực rỡ, chói
lọi.
Không được may, mua sắm y phục ấy cho kẻ khác.
Không được nói những lời giễu cợt, ác ý.
Không được chỉ bảo, sai khiến kẻ khác nói lời thô tục.
Không được cùng với những người nữ cư sĩ ngắm nghía hình dáng của nhau
để đùa cợt.
Không được ở nơi chỗ vắng vẻ mà trút bỏ y phục, phô bày thân thể.
Không được soi gương mà đánh phấn, vẽ chân mày...
Không được nóng giận nói ra những lời oán rủa.
Không được tư tưởng đến việc giao tiếp cùng nam giới, rồi hỏi người nữ
cư sĩ xem việc ấy như thế nào.
Không được ngồi trên thảm lông, nệm gấm.
Không được mang giày da, cũng không được làm ra hoặc mua sắm cho kẻ
khác.
Không được tham muốn tiền bạc của cha mẹ ở nhà, hoặc cố tìm cách để
người khác phải mang tiền bạc, của cải trao cho mình.
Không được ngồi trên giường của phụ nữ tại gia, mở hòm, tủ của họ mà xem
y phục rồi khen chê, bình phẩm tốt xấu.
Từ mười sáu tuổi trở lên, thiếu nữ nào muốn làm sa-di ni, phải có nết na
trong sạch, không có tiếng xấu với đời và phải được cha mẹ ưng thuận.
Người mắc bệnh vô sinh và các bệnh kín không được thu nhận.
Không được ở đêm chung phòng với một vị tỳ-kheo, cũng không được ngồi
chung một chỗ.
Không được cùng tỳ-kheo nhìn ngắm hình thể của nhau mà đùa cợt.
Không được sử dụng mền đắp, y phục của sa-di khi nằm.
Không được nghịch phá đồ đạc, y phục của chúng tăng.
Không được tự tay trao đồ vật cho nam giới. Như có vật cần đưa thì để
xuống đất cho người ta lấy là được.
Không được lõa hình tắm chung với hàng phụ nữ tại gia.
Không được một mình đi đến phòng của tăng để hỏi nghĩa kinh.
Không được nói chuyện thế tục.
Không được cười nói, đùa cợt khi tụng đọc kinh điển, không được quay
nhìn sang hai bên, không được gục đầu tựa trên tay.
Đi học kinh kệ, phải nhớ năm điều: 1. Phải có một vị ni lớn tuổi cùng
đi. 2. Ngồi cách xa thầy chừng sáu thước. 3. Phải quỳ mà hỏi. 4. Chỉ
được hỏi về ý nghĩa mà thôi. 5. Còn kinh văn phải thuộc lòng, tự biết.
Đến thăm thầy khi có bệnh, phải nhớ bốn điều này: 1. Có quan hệ thân
thuộc nên đến thăm. 2. Nên có ba người cùng đi chung nhau. 3. Ngồi cách
giường thầy sáu thước, quỳ mà hỏi thăm sức khỏe thầy. 4. Thăm hỏi xong
phải về ngay, không được bàn luận chuyện gì khác.
Nằm ngủ, phải nhớ năm điều này: 1. Nằm xuống liền phải niệm Phật. 2. Nằm
nghiêng bên mặt, xếp mình, không được duỗi thẳng chân. 3. Đầu hơi cúi
xuống ngực. 4. Che đắp thân thể không được để lộ ra. 5. Không được để
tay gần chỗ bất tịnh.
Có việc đến nhà thí chủ, phải nhớ năm điều này: 1. Trước hết phải lễ
Phật. 2. Sau đó lễ thầy và chúng tăng. 3. Khi có nữ thí chủ thỉnh mới
nên đến. 4. Đến trình với thầy, phải đứng ngay phía trước thầy, cách sáu
thước. 5. Đến nhà, chỉ ngồi nơi ghế dành riêng cho mình.
Nếu nghỉ lại ở nhà thí chủ, phải nhớ có năm điều không nên làm: 1. Không
được vào phòng riêng của phụ nữ để nói chuyện, cười đùa. 2. Không được
đến nhà bếp ngồi ăn uống. 3. Không được nói chuyện riêng với phụ nữ giúp
việc trong nhà. 4. Không được một mình đi ra nhà sau. 5. Không được cùng
với người khác vào nhà vệ sinh, không được ngồi trên bàn cầu dành cho
nam giới.
Vào nhà tắm, phải nhớ năm điều: 1. Không được tắm chung với nữ cư sĩ. 2.
Không được tắm chung với người giúp việc nữ. 3. Không được tắm chung với
trẻ con. 4. Không được dùng nước của người khác mang đến, phải tự mình
xách nước lấy mà dùng. 5. Không được nhìn ngắm hình thể chỗ kín của
mình.
Khi dâng hương, phải nhớ năm điều này: 1. Không được ngoái nhìn hai bên.
2. Không được dâng hương một mình với người cư sĩ nam. 3. Không được
dâng hương một mình với người giúp việc. 4. Phải đứng ngay ngắn. 5.
Không được quay lưng về phía tượng Phật.
Buổi sáng thức dậy phải nhớ năm điều: 1. Phải làm vệ sinh sạch sẽ rồi
mới mặc pháp y. 2. Làm lễ tượng Phật. 3. Tiếp đến lễ thầy. 4. Lui lại
cách thầy sáu thước mà thưa hỏi vấn an. 5. Sau đó mới được rời đi ra
ngoài.
Khi thầy dạy dỗ, phải nhớ năm điều này: 1. Khi hỏi những chỗ không hiểu
trong kinh điển, giới luật, thì phải chú ý lắng nghe. 2. Như có bị quở
trách thì phải biết hối lỗi, tự trách. 3. Không được che giấu chỗ lỗi
lầm. 4. Không được cãi lý theo ý mình. 5. Không được nhìn thầy bằng ánh
mắt chẳng lành.
Khi giặt y phải bốn điều này: 1. Chọn chỗ khuất vắng, quỳ xuống mà giặt.
2. Đổ nước dơ nơi chỗ khuất, không được đổ ra nơi có người đi lại. 3.
Phải chờ cho khô, vừa khô nên lấy vào ngay. 4. Không được để rơi xuống
đất.
Đi trên đường phải nhớ năm điều này: 1. Nên có ba người cùng đi. 2. Nên
đi với một vị tỳ-kheo ni lớn tuổi. 3. Hoặc cùng đi với cư sĩ nữ. 4. Phải
nhìn thẳng phía trước chừng sáu thước. 5. Phải mặc pháp y.