Tăng, hay Tăng-già, do tiếng Phạn là Sangha mà ra. Đó là chỉ chung cho
giáo hội, tập hợp tất cả những đệ tử của Phật đã xuất gia và thọ trì đủ
giới luật. Trong Tăng-già gồm có tỳ-kheo là các vị phái nam và tỳ-kheo
ni là các vị thuộc nữ giới. Tỳ-kheo và tỳ-kheo ni đều có những giới luật
nghiêm ngặt. Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng nhìn chung đều là để
giúp cho người tu luôn luôn đi đúng theo con đường mà Phật Tổ xưa đã
vạch ra, nhằm đạt đến chỗ diệt hết khổ não và thoát khỏi luân hồi.
Ở các nước còn giữ được quy củ giống như xưa kia, thì việc được xuất gia
làm một vị tỳ-kheo là vinh dự lớn lắm. Muốn các vị trưởng lão thâu nhận,
phải có đủ các điều kiện đúng đắn, thanh cao. Và khi đã làm đệ tử xuất
gia của Phật thì khác hẳn với người thế tục, phải quyết chí đạt được trí
tuệ giải thoát ngay ở đời hiện tại này.
Ở các nước ấy, ai không giữ được tịnh hạnh, hủy phạm đại giới thì người
ta không cho ở lại chùa, hoặc ai tự biết mình không đủ nghị lực mà thắng
tình dục thì có thể xả giới, trở lại đời sống của thế gian. Vì thế,
trong giáo hội đều toàn là những người trong sạch. Cũng ở các nước ấy,
người xuất gia chỉ gọi chung là tỳ-kheo, tỳ-kheo ni mà thôi, không có
đặt ra các chức phận lớn nhỏ trong tăng đoàn. Tuy nhiên, ai có đức hạnh
và trí tuệ thì được kính trọng lên hàng trên trước. Thường thì đó là
những vị nhiều tuổi đạo, những bậc trưởng lão thông thuộc kinh điển,
giới luật và tu thiền nhiều năm.
Giáo hội Tăng-già chỉ gồm các vị tăng ni đã thọ đủ giới mà thôi, không
tính đến hàng Phật tử cư sĩ tại gia và hàng sa-di, tức là những người
xuất gia chưa đủ hai mươi tuổi, hoặc tuy lớn tuổi nhưng còn trong thời
gian mới xuất gia chưa được thọ đủ giới.
Ở những nơi theo Đại thừa, hàng tăng sĩ được phân ra nhiều thứ bậc, và
giới luật không hoàn toàn giữ nguyên như thuở xưa mà thường có sự châm
chế, thay đổi ít nhiều để phù hợp hơn với phong thổ, tập tục mỗi nơi.
Điều này xét ra cũng hợp lý. Vì những xứ sở khác nhau không thể mang ra
áp dụng những điều giống hệt như nhau. Vậy tốt nhất là giữ lấy cái cốt
yếu, tinh túy, tức là làm sao đạt được mục đích đặt ra cho người thọ trì
giới luật. Ở Tây Tạng, giáo hội có soạn những luật riêng để cho tăng
chúng trong nước tu học. Ở Nhật, người ta cũng rút lấy cái tinh túy của
Phật giáo Ấn Độ mà làm thành một nền Phật giáo cho nước mình.
Mặc dù danh xưng Tăng-già là chỉ riêng cho hàng xuất gia, nhưng ở những
nơi theo Đại thừa, người ta hiểu rằng đạo Phật là của chung hết thảy mọi
người, nên Phật tử lại được xem là bao gồm tất cả hàng xuất gia và tại
gia. Những người đến cúng dường cho một ngôi chùa đều được tăng chúng ở
đó gọi là bổn đạo. Đó là theo tông chỉ Đại thừa, người ta muốn cho đạo
Phật lan rộng ra khắp chốn, nên vui lòng thâu nhận tất cả mọi người làm
bổn đạo, chỉ cần có đến chùa lễ Phật, thọ Tam quy y là được rồi.
Theo Phật giáo nguyên thủy, hoặc Tiểu thừa, danh xưng Tăng-già chỉ dành
cho tập thể các tăng sĩ có đủ tư cách làm lễ thế độ cho thiện nam tín
nữ, có thể thâu nhận người xuất gia tu tập làm sa-di, có thể truyền giới
cụ túc để trở thành tỳ-kheo, có quyền nhóm hội bố-tát một tháng hai kỳ,
nghỉ yên một nơi trong ba tháng mùa mưa, và hành lễ tại chùa hay cầu
nguyện, tụng niệm cho hàng Phật tử tại gia khi hữu sự.
Thuở xưa có ít chùa, nhưng mỗi chùa lại có rất nhiều tăng chúng. Có chùa
đến cả ngàn người, cùng nương tựa, học hỏi, dìu dắt nhau trên đường tu
học, lại giúp nhau giữ tròn giới luật.
Mỗi chùa cũng giống như một giáo hội Tăng-già thu nhỏ vậy, sinh hoạt tu
tập phân minh và rất có trật tự. Chư tăng thường hội họp lại mà phán xét
các trường hợp phạm lỗi, và khuyên răn, khuyến khích lẫn nhau trong
những ngày Tự tứ.
Ở nước ta, trải qua nhiều thời kỳ ngoại xâm rối rắm, chùa tuy còn rất
nhiều mà số tăng sĩ lại ít lắm. Mỗi chùa chỉ có một vài vị tăng, không
thể thực hiện việc phân xử lẫn nhau. Đó cũng là một phần lý do khiến cho
việc trì giới đôi khi trở thành cẩu thả, tùy tiện. Lẽ ra, mỗi chùa đều
phải có nhiều tăng sĩ tu tập mới có thể cùng nhau hội họp mà bàn luận và
phán xét những việc xây dựng chung cho Tăng-già. Nhưng thực tế ngày nay
đáng buồn thay! Có nhiều chùa chỉ vỏn vẹn có một vị tăng. Như vị ấy có
điều chi sai sót thì lấy ai mà xây dựng, khuyên răn?
Việc tu tập rất quý sự yên tịnh, nhưng cũng cần chỗ dựa vào tập thể tăng
chúng. Vì thế, một tổ chức lý tưởng của ngôi chùa là nên có nhiều tăng
chúng cùng đồng lòng tu tập. Vì đều quyết lòng tu tập, nên không ai ngăn
trở ai, tuy ở đông mà vẫn giữ được sự yên tịnh. Nhưng trong khi tu tập,
nếu có ai gặp lúc mềm lòng thối chí, đều sẽ được tập thể nâng đỡ, khuyến
khích cho mà vượt qua. Còn những ai sai phạm, dù vô tình hay cố ý, cũng
đều có tập thể phán xét phân minh và chỉ cho đường ngay nẻo chính để trở
về.
Ngày nay việc tu tập ở các chùa thường rơi vào một trong hai cực đoan.
Hoặc là chùa rất ít tăng chúng, không đủ để lập nên một hình thức chúng
tu học đúng nghĩa. Thậm chí chỉ một hai vị tăng, vài cô ni cũng lập
riêng cho mình một cảnh chùa, hoặc một cái tịnh thất... Tên gọi không
quan trọng, nhưng cái chính là các vị ấy không được tu tập trong một tập
thể Tăng-già, mà rất dễ tự mình phóng túng làm theo ý riêng. Trong khi
tu tập như vậy, tất nhiên vẫn nghĩ rằng mình đang đi đúng đường. Nhưng
nếu không có sự phán xét khách quan thì biết đâu là đúng đắn? Vì vậy, có
nhiều vị chỉ lấy việc tụng đọc năm ba quyển kinh, rồi lễ lạy Phật và cầu
nguyện cho hàng cư sĩ tại gia, đã cho như vậy là đủ rồi! Các vị không cố
học hỏi thêm, trong khi Phật pháp thì mênh mông như biển lớn.
Điểm cực đoan thứ hai mà các chùa thường rơi vào là quên mất sự yên tĩnh
quí báu của chốn thiền môn. Các chùa càng đông tăng chúng thì sinh hoạt
lại càng rộn rịp vô cùng. Mặc dù cũng đều là những việc được xem là Phật
sự, nhưng rộn ràng quá thì chẳng thể giữ được sự yên tĩnh để mà tu tập,
nên cần phải có sự quan tâm bố trí cho phù hợp. Nếu không có một sự sắp
xếp sinh hoạt hợp lý, nghiêm túc, thì ngôi chùa có thể sẽ trở thành một
nơi rất khó mà tĩnh tọa, tham thiền, vì là nơi đông đảo tới lui của rất
đông Phật tử. Những ai thật tâm muốn tham thiền học đạo lại thường phải
đi tìm nơi khác yên tĩnh để tu tập, chẳng hạn như tìm đến những chỗ sườn
non vách núi, hoặc bờ biển hoang vu, để có thể dễ dàng mà tham thiền,
học đạo.
Phân tích như trên là để thấy rằng, Tăng-già cũng là một tập thể cần
thường xuyên xây dựng, chỉnh tu. Không thể hiểu đơn giản chỉ cần cạo tóc
xuất gia là được giải thoát ngay. Tăng chúng tu tập cũng cần những điều
kiện thích hợp, mà nhất là phải duy trì cho được những cốt tủy tinh hoa
mà Phật Tổ đã truyền lại. Muốn như vậy thì việc nghiêm trì giới luật
chính là chỗ để khởi đầu. Và muốn nghiêm trì giới luật, thì không phải
chỉ tự mỗi người có thể làm được, mà cần phải có sự nâng đỡ, uốn nắn của
một tập thể đồng tu. Chính vì vậy mà vai trò của Tăng-già là rất quan
trọng.
Trong thời đại hiện nay, kinh sách có điều kiện in ấn dễ dàng, không như
thuở xưa việc khắc bản rất khó khăn không dễ gì in kinh nhiều để phổ
biến. Do vậy, ngày nay hàng Phật tử tại gia thông kinh hiểu luật cũng
không phải là ít. Vì thế, chính sự thạnh suy trong Phật giáo cũng một
phần do ở những cư sĩ tại gia, thiện nam tín nữ. Mặt khác, chính hàng cư
sĩ tại gia là những kẻ lo lắng việc cấp dưỡng, cung phụng cho chư tăng
để các vị có đủ điều kiện tu tập. Như vậy, cư sĩ tại gia nhất thiết phải
đóng một vai trò tích cực trong việc tiếp sức với chư tăng mà xây dựng,
hoàn thiện hệ thống Tăng-già, bảo tồn ngôi Tam bảo.