Ngày hôm sau, sau khi ăn điểm tâm, chúng tôi lên xe để đến viếng đạo
viện của bà Maji, một vị nữ tu sĩ rất nổi tiếng, làu thông kinh điển
Phệ-đà. Bà ở trong một động đá dưới hầm của đạo viện, nằm bên bờ sông
Hằng, cách thành phố Ba-la-nại độ hai dặm. Bà thừa kế đạo viện này của
thân phụ bà, vốn là một Yogi, cùng với một ngôi nhà trong thành phố và
một thư viện Phạn ngữ rất phong phú và quý giá.
Đó là một nơi ẩn cư rất tĩnh mịch, nhất là vào buổi sáng sớm, và rất
thuận lợi cho việc công phu thiền định. Tọa lạc bên bờ sông, độ mười lăm
thước cao hơn mặt nước, và được che khuất dưới những lùm cây cổ thụ,
thật là một nơi đạo viện lý tưởng có phong vị thần tiên khi chúng tôi
ngồi trên bệ đá dưới những gốc hòe nở hoa đỏ thắm, cành lá sum suê rậm
rạp và luận đàm về đạo lý với nhà nữ tu trí thức này.
Đó là một trong những kinh nghiệm kỳ thú nhất của chúng tôi trên đất Ấn
Độ, mà người quen sống ở các xứ Tây phương không bao giờ có thể tưởng
tượng được.
Hồi ấy, bà Maji trạc bốn mươi tuổi, màu da lợt, với một phong độ trang
nghiêm và cốt cách lịch sự làm cho người ta phải kính nể. Bà có một
giọng nói dịu dàng, gương mặt và thân hình đầy đặn, đôi mắt tinh anh
biểu lộ sự thông minh và đức tính quả cảm, cương nghị. Bà từ chối không
biểu diễn phép thuật thần thông, như chúng tôi vẫn luôn yêu cầu các nhà
đạo sĩ trong những dịp tương tự. Những lý do từ chối của bà đều được tất
cả các bạn trong nhóm chúng tôi chấp nhận là đầy đủ, và cuộc thăm viếng
vẫn có ảnh hưởng thuận lợi cho tất cả mọi người.
Tôi không biết rằng bà có khả năng thực hiện phép mầu hay không, nhưng
vốn là một tín đồ chân chính của triết học Vedanta, bà mạnh dạn chỉ
trích sự dại khờ của những kẻ ham mê các trò chơi ấu trĩ ấy, thay vì để
tâm hồn được yên tĩnh vắng lặng như nền đạo lý cổ truyền từ nghìn xưa
vẫn luôn khuyên nhủ các môn sinh trên đường tầm đạo. Dù đi đến bất cứ
nơi nào trên đất Ấn Độ, người ta luôn luôn nhận biết được kinh nghiệm
đó. Những nhà tu khổ hạnh cao siêu nhất vẫn luôn từ chối không biểu diễn
những quyền năng thần bí, trừ phi trong những trường hợp rất đặc biệt.
Những ai biểu diễn phép thuật nhiệm mầu bị xem như thuộc hạng thấp kém,
chẳng hạn như các nhà phù thủy Hắc phái, họ chỉ được sự bảo trợ và trọng
vọng của những người thuộc các giai cấp hạ tiện.
Vài ngày sau, vị nữ tu Maji đến viếng thăm trả lễ bà Blavatsky. Việc ấy
gây sự ngạc nhiên trong các giới Ấn Độ, và chúng tôi được cho biết rằng
đây là một điều rất lạ thường, vì vị nữ tu này hiếm khi đích thân đến
viếng một người nào khác ngoài tôn sư của bà, còn việc bà đến viếng thăm
một người Âu thì chưa từng có.
Tôi cảm thấy một sự say mê thích thú về nữ tu sĩ này do những chuyện mà
tôi đã nghe kể lại về bà, và thật sự tôi đã đến viếng bà mỗi khi có dịp
ghé qua thánh địa Ba-la-nại. Lần cuối cùng tôi đến viếng bà là cùng với
bà Annie Besant và nữ bá tước Wachtmeister. Trong nhiều năm, tôi vẫn tin
rằng bà là một siêu nhân.
Trong cuộc viếng thăm của bà lúc ấy, bà vẫn là một người hoàn toàn xa lạ
đối với chúng tôi, và theo chỗ chúng tôi biết, không một người nào đã
từng nói cho bà biết chúng tôi là ai, trừ ra chúng tôi tự giới thiệu
trong dịp đến viếng đạo viện của bà lần đầu tiên. Tuy vậy, bà đã nói cho
các bạn đạo cùng đi với tôi, trong một dịp bà Blavatsky vắng mặt, nghe
một chuyện dị kỳ về bà Blavatsky. Bà nói rằng thể xác của bà Blavatsky
đã được một nhà đạo sĩ Yoga mượn tạm vì mục đích phổ biến Triết học Đông
phương. Đó là cái thể xác thứ ba mà nhà đạo sĩ đã dùng vào mục đích ấy,
và thời gian ông ta đã trải qua trong ba cái thể xác đó, cộng chung lại
là độ một trăm năm mươi năm.
Trong một chuyến đi Calcutta nhiều năm sau đó, tôi đã đến khu ngoại ô
Bhowanipore để viếng Maji, trong dịp bà từ Ba-la-nại đến đây để viếng
thăm một bạn đạo là Nobin Bannerji tại nhà ông này. Tôi đã hội kiến với
bà hằng ngày trong thời gian hai tuần ở Calcutta và rất thích thú mà
nghe lời thuyết giáo của bà. Bà lúc nào cũng có một số người tầm đạo vây
quanh, và những lời giải đáp thắc mắc của bà luôn biểu lộ một học lực
uyên thâm, sâu sắc. Phong thái hấp dẫn và giọng nói dễ mến của bà làm
cho bà càng thêm đắc nhân tâm và được nhiều người ngưỡng mộ.
Sau hết, còn có sự hấp dẫn của những năng lực thần bí, thường được gán
cho những đạo sĩ chân tu ở Ấn Độ, một di sản còn sót lại của những
truyền thống từ thời đại cổ xưa. Những quyền lực đó, bà Maji hẳn là phải
có đến một mức độ nào, bởi vì chúng ta đã thấy rằng lần gặp gỡ đầu tiên
giữa bà với chúng tôi hồi năm 1879, trước khi người ta được biết gì về
sự liên hệ giữa bà Blavatsky với hai vị chân sư, bà Maji đã nói với tôi
những điều về các ngài mà không ai có thể nói lại cho bà biết, và trong
tập nhật ký của bạn Damodar có ghi rằng bà đã làm cho ông ta vô cùng
ngạc nhiên với những lời tiết lộ của bà về nhà huyền học T. Subba Rao và
về những nhân vật khác nữa.
Sau khi bà Maji từ Calcutta trở về đạo viện của bà ở Ba-la-nại, chúng
tôi đã có dịp trở lại viếng thăm bà lần nữa, nhưng không ngờ đây là lần
cuối, vì sau đó ít lâu chúng tôi được tin bà từ trần.