Lúc ấy, Phật đang ở nước Tỳ-xá-ly, nơi một giảng đường lớn được xây dựng
có nhiều tầng. Trong thành có một người chuyên nghề trộm cắp, khắp nước
đều biết tiếng.
Ngày kia, nghe nói chỗ các thầy tỳ-kheo ở có món đồ bằng đồng rất giá
trị, tên trộm liền đang đêm đến đó rình mò định lấy. Ngờ đâu chư tỳ-kheo
rất tỉnh táo, chẳng có lúc nào sơ hở thuận tiện, nên cứ nằm rình trên
mái nhà cả đêm. Nhân đó, nghe các thầy luận đàm với nhau, bàn về sự khác
biệt giữa người phàm với chư thiên. Một thầy nói: “Người cõi thế đôi
tròng mắt đảo nhanh lắm, còn chư thiên thì rất chậm.” Tên trộm nghe rồi
liền nhớ. Nằm đó rình hoài chẳng được, chán nản bỏ về.
Ít lâu sau có người thương nhân từ nơi khác đến, mang theo một hạt châu
ma-ni rất quý, đem dâng cho vua. Vua được hạt châu quý, mừng lắm, liền
mang đến tháp Phật mà cúng dường, gắn lên bên trên nơi cổng trước của
tháp.
Tên trộm nghe biết việc vua cúng dường hạt châu quý gắn nơi cổng tháp,
liền nhân lúc đêm tối lẻn đến gỡ lấy mất. Lấy được rồi giấu kỹ chẳng dám
mang đi bán, sợ người biết mà tra xét.
Vua nghe tin hạt châu bị mất, tức giận vô cùng, truyền lệnh truy nã khắp
nước. Lại ra chỉ dụ rằng, ai biết được kẻ trộm mà đến mật báo với vua,
đều được trọng thưởng. Tuy vậy, trải qua thời gian rất lâu mà chẳng có
manh mối gì. Vua thất vọng không còn biết phải làm gì để tìm ra kẻ trộm.
Bấy giờ có vị quan văn tâu lên với vua rằng: “Nay đất nước ta phong tục
thuần hóa, chẳng mấy khi xảy ra việc trộm cắp. Duy chỉ có một người
chuyên nghề ăn trộm, cả nước ai cũng biết cả. Hạt châu ấy nhất định là
do anh ta lấy. Nhưng nếu bây giờ bắt bớ, khảo tra, chắc không chịu nhận.
Đại vương nên lập kế mới tìm ra được sự thật.”
Vua hỏi: “Lập kế thế nào?”
Vị quan ấy đáp: “Bây giờ nên kín đáo sai người đến chỗ tên ấy, mời mọc
đãi đằng rượu thịt no say. Phục uống nhiều rượu cho say mèm đến mức
chẳng biết chi nữa, rồi cho người khiêng bỏ trước điện chầu. Lại trang
trí thêm ở chung quanh điện cho thật trang nghiêm đẹp đẽ, trổi lên các
thứ âm nhạc, đàn sáo... giả làm như cõi trời. Tên ấy vừa tỉnh, tất nhiên
hoảng hốt, chẳng hiểu gì. Khi ấy, cho các tỳ nữ đến nói rằng: “Chúng tôi
nghe rằng trước đây người ở cõi Diêm-phù-đề, lấy trộm hạt châu trên cổng
tháp, nhờ vậy mà được sinh lên cõi trời Đao-lỵ này. Tỳ nữ chúng tôi ở
đây có nhiệm vụ hầu hạ cho ngài. Chẳng hay việc ấy có không?” Trong lúc
tinh thần còn hoang mang, chắc rằng tên ấy sẽ thú nhận.
Vua nghe lời vị quan ấy, y kế thi hành. Khi các tỳ nữ gặn hỏi trước điện
đường, trong lòng đã muốn thú nhận. Chợt nhớ câu chuyện đã nghe nơi chỗ
các thầy tỳ-kheo trước đây, liền chú ý nhìn vào mắt mấy cô tỳ nữ, thấy
tròng mắt đảo nhanh chẳng khác gì mình, liền suy nghĩ: “Đây chẳng phải
cảnh chư thiên, chắc có điều gì mờ ám.” Nghĩ vậy rồi, một mực chối
phăng, chẳng nhận là mình có trộm hạt châu. Vua túng thế phải thả ra cho
về nhà. Người ấy về rồi, trong lòng tỉnh ngộ ra, hối trách lỗi xưa, lại
nghĩ nhờ một câu nói của thầy tỳ-kheo mà thoát được tội chết, nên sinh
lòng tín kính.
Khi ấy, vị quan văn lại tâu với vua nữa: “Thần có một kế nữa, có thể dò
xét ra hạt châu ấy.” Vua hỏi: “Kế ấy thế nào?”
Đại thần nói: “Đại vương nên giả làm thân thiện, gọi người ấy đến phong
cho làm đại thần. Tất cả của cải trong kho, mật cho người kê khai ghi
chép đủ, rồi giao hết cho người ấy coi giữ. Ít lâu sau lại gọi đến mà
khen thưởng, nói rằng: “Chưa có bầy tôi nào được như khanh, coi sóc hết
thảy của cải trong kho chẳng hề thất thoát.” Người ấy tất sinh lòng hoan
hỷ, vui mừng. Khi ấy, đại vương nên hỏi: “Trước đây ta có gắn hạt châu
nơi cổng tháp, khanh có nghe biết việc ấy chăng?” Lúc đó, người ấy chắc
sẽ thú thật. Bởi vì thấy vua yêu chuộng khen thưởng, tin cậy giao cho
hết thảy của cải, nếu không thú thật thì biết khi nào mới có dịp như thế
nữa?”
Vua lại nghe lời, y kế thi hành.
Quả nhiên, khi ấy tên trộm liền thú thật: “Hạt châu ấy quả là do kẻ nô
tài này trộm lấy. Vì sợ quá nên giấu kỹ chẳng dám để lộ ra.”
Vua lại hỏi: “Ngươi lần trước say rượu túy lúy, ta cho người giả cảnh
thiên cung mà hỏi, sao không thú nhận?” Tên trộm đáp: “Trước đây nô tài
có nghe một câu nói của thầy tỳ-kheo kia, rằng tròng mắt của chư thiên
đảo qua đảo lại rất chậm, không như mắt của người thường. Khi ấy, các tỳ
nữ của vua tròng mắt chẳng khác người, nên biết đó là cảnh giả, làm sao
dám nhận?”
Khi ấy, vua lấy lại được hạt châu, trong lòng vui vẻ, không bắt tội. Tên
trộm liền quỳ tâu rằng: “Đại vương đã thương mà không bắt tội, xin cho
nô tài được xuất gia.”
Vua hỏi: “Ngươi nay được ta phong làm đại thần, vinh hoa phú quý chẳng
ai bằng, vì sao lại muốn xuất gia?”
Tên trộm đáp: “Trước đây nô tài chỉ nhờ một câu nói của thầy tỳ-kheo mà
sau được toàn mạng sống. Nếu được nghe pháp Phật, y pháp tu hành, chắc
chắn sẽ được lợi ích lớn. Vì vậy, nguyện xin được xuất gia.”
Vua liền vui vẻ thuận cho. Người ấy chuyên cần tu tập, chẳng bao lâu đắc
quả A-La-hán, đủ Ba trí sáng, Sáu phép thần thông, Tám môn giải thoát,
khắp cõi trời người ai gặp cũng đều kính trọng, ngưỡng mộ.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.