Chờ đợi và nhìn cho rõ
Sau đây là những hướng dẫn giúp cho chánh niệm của bạn được tinh tế hơn.
Ngồi xuống. Buông thư. Thoải mái. Cảm nhận được toàn thân ta ngồi yên
đấy. Chờ cho đến khi nào bạn cảm thấy hơi thở có mặt. Đừng vội vã chộp
bắt lấy nó. Chờ đợi cho đến khi nào tự nó ra trình diện với ta, cho đến
khi nào nó khởi lên trong ý thức của mình. Chờ đợi một cách chăm chú như
là bạn biết chắc rằng nó sẽ đến, và bạn canh chừng cẩn mật. Bạn chờ đợi
nó như là sự trở về của một người thân: mừng vui chân thật, nhưng không
ngạc nhiên hay bất ngờ.
Chú ý một cách thoải mái, giữ cho mình chăm chú nhưng không bị dính mắc.
Đó là một hướng dẫn rất quan trọng. Chăm chú thì rất tốt, nhưng dính mắc
sẽ là một vấn đề. Khi bị dính mắc rồi thì ta không thể có tự do.
Trong buổi ngồi thiền này, hãy chú ý đến những cảm xúc hoặc tâm trạng
nào làm cho ta xao lãng. Khi có những tâm thức nào mạnh khởi lên, bạn có
thể giúp cho mình bớt bị chi phối bằng cách chú ý sâu sắc hơn đến hơi
thở. Hơi thở rất phức tạp và có nhiều điều để ghi nhận lắm. Bạn cảm nhận
nó rõ rệt nhất ở nơi nào? Ở bụng? Ở bên sườn? Hay ở nơi chóp mũi?
Bạn thật sự cảm thấy những gì? Bạn không cảm thấy hơi thở. Thật ra,
không có một sự vật nào là hơi thở cả. Hơi thở là tên gọi ta đặt cho
những sức ép, rung động, di chuyển và biến đổi của cảm giác trong thân.
Hơi thở vào khác với hơi thở ra như thế nào? Bạn có thể kinh nghiệm được
chúng như là hai hiện tượng khác biệt chăng? Chúng có sự bắt đầu không?
Chấm dứt không? Bạn thấy không, hơi thở không nhàm chán chút nào hết.
Hãy thử đi. Hãy thử ngồi trong 45 phút.
Ứng xử với những tâm thức khó khăn
Có lẽ trong thời ngồi thiền vừa qua, bạn bắt đầu ý thức sự có mặt của
những tâm thức, cảm xúc khác nhau, và chúng nổi bật đủ để cho bạn phải
chú ý đến. Nếu chúng dễ chịu, có lẽ bạn thích thú lắm. Nếu chúng khó
chịu, có lẽ bạn cho rằng chúng là những trạng thái khó khăn và ước gì
chúng biến mất. Ý thức được những trạng thái tâm thức, thấy được sự khởi
lên và mất đi của chúng, đó là lãnh vực thứ ba của chánh niệm.
Bây giờ, tôi nghĩ chúng ta cũng nên đặc biệt nói đến những tâm thức khó
khăn, thường khởi lên và lúc nào cũng có mặt trong kinh nghiệm của tất
cả mọi người. Trong kinh điển liệt kê có năm 5 loại là ái dục, sân hận,
thụy miên (mệt mỏi, mê ngủ), trạo hối (hối tiếc, bất an) và nghi ngờ.
Nghe qua thì như có vẻ hơi bí ẩn, nhưng thật ra chúng là những tâm
trạng hết sức thông thường. Bây giờ, bạn hãy đọc những kinh nghiệm dưới
đây, chọn một cái nào gần đúng với bạn nhất, và rồi làm theo hướng dẫn
tiếp sau đây.
Trường hợp I: Bạn nghĩ đến một việc gì đó mà bạn rất ưa thích, rồi bạn
không thể thôi không nghĩ đến nó nữa. Có lẽ bạn cảm thấy lãng mạn và
tình tứ, rồi bạn bỏ cả giờ ngồi thiền ra để soạn một lá thư tình trong
đầu. Hoặc có lẽ bạn thích kinh nghiệm tu học quá, trong đầu bạn hình
dung và vẽ ra một cái am nhỏ sau vườn mà bạn sẽ xây khi trở về nhà. Nếu
đây là những kinh nghiệm giống bạn, hãy mở xem trang 97, phần Ba của
con! Mẹ của con!
Trường hợp II: Bạn hoàn toàn bực mình về mọi việc xảy ra trong khoá tu
này. Bạn không ưa cái không gian, bạn không thích thời tiết, và những
lời hướng dẫn cũng làm bạn khó chịu. Bạn tự trách mình là tại sao lại
đến đây làm gì. Bạn hãy mở đến trang 101, xem phần Đi bơi ở Jerusalem.
Trường hợp III: Bạn cảm thấy buồn ngủ quá sức. Sau bữa ăn trưa thì không
còn mở mắt nổi. Không có gì hấp dẫn hơn là một giấc ngủ ngắn. Thật ra
bạn không thể làm gì khác hơn là đi ngủ một chút. Bạn hãy xem phần Phan
đã, phan đã ở trang 106.
Trường hợp IV: Bạn nghĩ về chuyện quá khứ hay một vấn đề khó khăn nào đó
và rồi trở nên lo lắng, đầy muộn phiền. “Ái chà, mình đang có những giờ
phút thật thảnh thơi, bỗng dưng sao lại nhớ đến chúng làm gì cho mệt thế
này!” Bây giờ thì bạn chỉ lo nghĩ đến những vấn đề của mình mà thôi. Bạn
hãy mở trang 108 xem phần Hawaii là đây.
Trường hợp V: Bạn hoàn toàn mất niềm tin vào sự thực tập này. Tất cả
những chuyện như là ngồi thiền, kinh hành, không làm gì hết hãy ngồi
yên... bắt đầu thấy có vẻ hơi lố bịch. Hay còn tệ hơn nữa là hoàn toàn
vô dụng. Đây là lúc mà sự nghi ngờ của ta đang núp bóng một tư tưởng
chính đáng. Bạn hãy mở đến phần “Giây phút của Macbeth”, trang 110.
Trường hợp VI: Bạn hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc, và nghĩ mình không cần
thêm một hướng dẫn đặc biệt nào nữa hết. Mời bạn mở sang phần “Hướng dẫn
kinh hành buổi chiều”, trang 114.
Trường Hợp VII: “Cảm thấy hạnh phúc ư? Tôi chẳng có chút gì là hạnh phúc
hết! Tôi cô đơn, tôi bực mình, tôi rối rắm, tôi bất an, và tôi hoàn toàn
không có chút gì tin rằng sự thực tập này sẽ mang lại cho tôi một ích
lợi nào hết.” Bạn hãy vững tin rằng, mặc dù bạn đang có những cảm xúc
này, nhưng bạn cũng đang tiêu thụ hết mọi những tâm thức khó khăn. Bạn
hãy chờ, mọi việc sẽ thay đổi và trở lại an ổn. Mời bạn hãy tiếp tục đọc
phần sau đây cho đến hết phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều.”