Bài tập đầu tiên chuẩn bị cho phép Từ bi quán là ban rải tình thương đến
cho chính mình, và phương cách để thực hiện việc ấy là nghĩ đến những
điều hay đẹp mình đã từng làm. Đức Phật dạy rằng, nguyên nhân gần nhất
để làm phát khởi tâm từ là thấy được cái hay đẹp trong kẻ khác. Đi tham
dự một khóa tu cũng là một việc làm rất hay đẹp, và bạn vừa mới làm đó!
Trong đạo Phật, việc làm này được gọi là tích lũy công đức.
Cuối một khóa tu, tôi thường cảm thấy rất hân hoan, và có cảm tưởng như
mình vừa mới vượt qua một hố sâu trên sợi dây thừng vậy. Nhất là vào
những năm đầu tiên khi mới bắt đầu tu tập, mỗi khóa thiền tập đối với
tôi giống như là những chuyến đi tàu lượn siêu tốc gây cảm giác mạnh ở
Space Mountain trong công viên giải trí Disneyland vậy. Một khi chuyến
tàu đã bắt đầu rồi thì ta không thể xuống được, cho đến khi nó chấm dứt.
Hơn nữa, khi tàu chạy vào bên trong, tối thui, ta không thể thấy trước
được những chỗ cong, những khúc ngoặt gấp hay lộn nhào phía trước. Không
có cách nào để ta đoán trước mà chuẩn bị. Chỉ có một cách duy nhất là cứ
phó mặc cho hoàn cảnh và rồi đối diện với nó.
Sau một thời gian, tôi buông bỏ hết những ước đoán của mình về những
kinh nghiệm nào sẽ xảy ra trong một khóa tu. Có một lần, tôi đang cảm
thấy rất hạnh phúc, cùng với khoảng ba, bốn mươi thiền sinh khác, xếp
hàng từ từ đi vào thiền đường, trước khi chúng tôi giữ giới im lặng đánh
dấu bắt đầu một khóa tu. Một người bạn đi cạnh tôi quay sang hỏi: “Sao,
con gái của chị đã tìm được việc làm chưa?”
Tôi đáp: “Chưa, cháu vẫn còn đang đi tìm.”
“Việc làm trong ngành phát thanh ít lắm!” Anh ta nói như một lời an ủi,
và cả hai chúng tôi đi vào thiền đường trong thinh lặng.
Căn phòng im lặng như tờ, nhưng tâm tôi lại bùng vỡ với những tư tưởng
tự phê phán và trách móc. “Sao mình lại có thể là một bà mẹ hư đến vậy!
Đáng lẽ mình không nên khuyến khích nó! Cái ngành truyền thanh thật bấp
bênh vô cùng. Có lẽ vì chính mình cũng thích ngành ấy nên mới khuyến
khích nó như vậy! Tại sao mình không nhắc nhở nó nên chọn một nghề bình
thường như những người khác! Chắc mình nên lén trốn ra ngoài để gọi cho
nó, bảo nó nên đổi nghề đi. Anh bạn ấy cũng ở trong nghành truyền thanh,
chắc chắn anh ta biết rất rõ.” Tôi đang bị một cuộc tấn công tới tấp của
các chướng ngại - nghi ngờ, bực tức, bối rối, cắn rứt, những lo nghĩ mà
tôi chỉ tha thiết mong cầu là chúng biến mất. Tôi không nhớ là cơn bão
tố ấy chấm dứt khi nào hay là vẫn tiếp tục cho đến cuối khóa tu. Nhưng
tôi nhớ là mình vẫn ở lại cho đến cuối khoá tu ấy. Và tôi cảm thấy như
một vị anh hùng.
Khi tôi biết và hiểu rõ hơn về con đường thực tập, cảm giác như đang mạo
hiểm ấy của tôi cũng bắt đầu thuyên giảm. Có những khóa tu xảy ra rất dễ
dàng, có những khóa hơi khó khăn. Tôi ý thức rằng cái tác ý muốn giữ
chánh niệm mới là quan trọng. Nếu xếp hạng các khoá tu theo mức độ khó
khăn sẽ là chuyện hoàn toàn không thích đáng. Khó hay dễ cũng chỉ là
những kinh nghiệm mà thôi.
Và cho dù kinh nghiệm của bạn như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng đang
tích luỹ công đức cho mình.
Hỏi: Nhưng sao tôi không cảm thấy “công đức” gì cả? Mà thật ra, trong
thời gian thiền tập ở đây, tôi lại còn nhớ đến một vài chuyện không tốt
mà tôi đã làm trong quá khứ, và cả những thói hư tật xấu của mình nữa.
Đáp: Có một điều luôn luôn xảy đến cho tôi trong những khoá thiền tập là
đột nhiên tôi nhớ đến những điều không hay, những việc làm trong quá khứ
mà bây giờ tôi hối tiếc. Nhưng bây giờ thì đó lại là một trong những
điều mà tôi đã chấp nhận, tôn trọng và đôi khi còn vui hưởng nó trong
thiền tập nữa.
Sự thật thì sự kiện ta chợt nhớ lại những vấn đề luân lý ấy là biểu hiện
của một tâm thức bắt đầu trở nên an tĩnh. Khi nó xảy đến với tôi, tôi
rất ngạc nhiên và hơi thất vọng. Tôi cảm thấy rất nản lòng vì nhận thấy
biết bao nhiêu lần mình đã gây nên lỗi lầm, làm khổ kẻ khác và thiếu
tình thương. Nhưng mặt khác, tôi cũng cảm thấy vững lòng hơn khi khám
phá rằng nhờ sự thực tập này mà bây giờ tôi thấy rõ được những lầm lỗi
của mình, để còn có cơ hội sửa đổi.
Trong khóa tu tôi cũng thong thả và không buồn bực vì mình không thể sửa
được lỗi lầm ấy ngay tức khắc. Trong khóa tu tôi không viết, nhưng tôi
có ghi lại một danh sách về những gì cần được sửa đổi khi tôi về nhà.
Như vậy, tôi không cần phải gắng ghi nhớ chúng.
Nhớ lại những lỗi lầm xưa và cố gắng sửa đổi là bằng chứng rằng sự thực
tập của ta có kết quả. Tôi tin rằng có lẽ vì vậy mà trong kinh gọi sự
thực tập của chúng ta là một “con đường thanh tịnh”.
Bạn hãy ngồi lại một vài phút trong thinh lặng, thư giãn, thở một vài
hơi sâu và nhẹ. Rồi bạn hãy đọc sang phần nói về phương pháp thực tập Từ
bi quán.