Một câu chuyện về sân hận
Khi ta có những cảm xúc khó chịu, tâm ta sẽ trở nên cáu kỉnh. Nó nổi cáu
lên với tất cả những gì nó gặp. Và nó vẫn tiếp tục cằn nhằn cho dù biết
rõ không thể nào khác hơn. Tôi học được bài học này khi đi bơi ở
Jerusalem.
Hồ bơi của tôi ở quận Sonoma, California, rất có trật tự. Người ta bơi
tới lui theo những đường vạch sẵn, và có ý thức rõ rệt về các vòng bơi.
Khi tôi đến nơi và xuống hồ bơi, tôi có thể tham gia và lách một cách
rất tự nhiên vào bất cứ một đường bơi nào. Tôi chỉ cần chọn đường nào có
những người bơi cùng một tốc độ với tôi, rồi chen vào tự nhiên. Rồi
chúng tôi bơi lội theo những vòng bơi dài, tới lui, tới lui. Mọi người
ai cũng giữ đúng theo đường của mình.
Năm ngoái, tôi sang sống ở thành phố Jerusalem trong một tháng. Khi đến
nơi, muốn giữ cho sự thể dục của mình được tiếp tục, tôi gia nhập vào
một câu lạc bộ thể thao gần đó. Ngày hôm sau, sau khi thay đồ tắm trong
phòng, tôi bước ra ngoài với khăn tắm trên tay và nhìn thấy hồ bơi lần
đầu tiên. Trong hồ đầy những phụ nữ rất to lớn, đầu đội mũ tắm, bơi
ngang dọc khắp nơi không theo một trật tự nào hết. Tôi rón rén bước
xuống hồ và cố gắng bơi tới lui theo đường bơi. Lập tức tôi chạm phải
một người khác. Cô ta nổi giận. Tôi cố gắng xin lỗi, nhưng lại không nói
rành tiếng Do Thái. Cô ta cứ mắng xối xả vào mặt tôi, cho dù tôi không
hiểu một lời nào. Cô ta gọi người trực cấp cứu trong hồ bơi, và chỉ vào
tôi với những động tác giận dữ. Tôi cảm thấy rất bẽ mặt. Tôi quyết định
là sẽ bơi nhưng không úp mặt xuống nữa, tôi cần nhìn ra phía trước để
khỏi đụng vào ai. Nhưng khi người ta thấy tôi đang bơi về phía họ, cũng
không ai tránh sang một bên. Họ đứng nói chuyện với nhau ngay giữa hồ
bơi!
Mỗi ngày tôi vẫn tiếp tục đi bơi ở Jerusalem, nhưng tôi bơi rất thận
trọng, trong đầu cứ khuấy lên những tư tưởng như là “Họ phải ngăn ra
thành những đường bơi rõ ràng,” “Họ phải có những điều luật trong khi sử
dụng hồ bơi,” “Nếu mấy bà đó muốn nói chuyện thì họ nên ra khỏi hồ mà
nói chuyện với nhau.” Trong khi bơi mà tôi cứ tức tối bởi những ý nghĩ
mà tôi cho rằng rất chính đáng đó. Điều đó rất khó chịu. Tôi không vui
chút nào hết.
Một ngày nọ sau khi bơi, trong khi thay đồ trong phòng tắm, sự công kích
trong tôi cũng giảm xuống đôi chút, tôi chợt nghe những người đàn bà nói
chuyện với nhau. Họ nói bằng tiếng Nga, có pha lẫn tiếng Yiddish. Họ là
những di dân từ Nga đến xứ sở này. Tôi chợt nhìn gương mặt của những
người đàn bà ấy, hằn rõ những nét mệt mỏi, cực khổ của năm tháng. Họ đã
sống cả đời ở một xứ sở nhiều chiến tranh và nghèo khó. Tôi chợt cảm
thấy một sự cảm thông sâu xa. Và trong tôi có một niềm vui vì thấy tất
cả chúng tôi đều được có mặt ở nơi này, mạnh khoẻ, an toàn, bơi lội
chung với nhau.
Và kinh nghiệm ấy khiến tôi cảm thấy mình có nhiều hạnh phúc hơn. Tôi tự
nghĩ: “Khoẻ quá, bây giờ thì mình không còn nuôi dưỡng những tư tưởng
sân hận ấy nữa, bây giờ thì mình có thể bơi lội thư thả với mọi người
trong hồ. Bây giờ thì mình thông cảm tất cả hơn và họ có thể bơi bất cứ
nơi nào họ muốn.”
Hôm sau, khi xuống hồ bơi, nhìn những người đàn bà ấy bơi lội ngoằn
ngoèo khắp nơi, và những bất mãn trong tôi lại bắt đầu khởi lên y như
trước. Khi hoàn cảnh hiện tại là bất như ý, những ác cảm trong ta sẽ
khởi lên. Nó là như vậy.
Cuối chuyến đi một tháng ấy, tôi có kể lại câu chuyện ở câu lạc bộ thể
thao cho một số thiền sinh ở Jerusalem, nơi tôi đang hướng dẫn khoá
thiền. Tôi kể vì muốn nói lên một điểm là ta có thể có được sự an tĩnh,
nếu sẵn sàng buông bỏ hết những kỳ vọng nào đưa đến sự ghét bỏ lẫn nhau.
Có một thiền sinh đứng lên sửa sai tôi. Anh ta nói: “Tôi nghĩ bà sai
rồi. Đáng lẽ bà phải trình bày với nhân viên có trách nhiệm ở đó, và
chắc chắn họ sẽ hướng dẫn cho mọi người bơi ngay hàng.”
Tôi nghĩ buổi tối hôm ấy tôi đã không hướng dẫn các thiền sinh rõ ràng
cho lắm. Nếu tôi trình bày rõ, tất cả sẽ hiểu rằng, cho dù các bà ấy có
bơi đúng hàng của mình, thì nước cũng lạnh quá, những chiếc khăn lau nhỏ
quá, mà lại còn xù xì nữa... Tôi nghĩ Gilda Radner đã diễn tả rất chính
xác trong tựa sách của cô “It’s Always Something (Bao giờ cũng là một
cái gì đó).
Bài thiền tập
Những ác cảm và sự mơ tưởng, chúng đến rồi sẽ đi. Chúng là những phản
ứng tự nhiên của tâm ta khi tiếp xúc hoặc nhớ lại những sự kiện nào khó
chịu. Chúng không nhất thiết phải là vấn đề cho ta. Ghi nhận sự có mặt
của chúng sẽ làm giảm sức mạnh của chúng đi. Những tư tưởng sân hận có
khuynh hướng tạo nên một sự căng thẳng trong thân, cho nên bạn hãy vươn
thẳng hai cánh tay và đôi chân, thả lỏng đôi vai. Hãy mỉm cười. Ngồi yên
5 phút. Buông thư. Đem tâm tiếp xúc với những cảm xúc nào có mặt trong
thân. Rồi bạn hãy mở sang phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều” ở trang
114.