Trong sách Quy nguyên trực chỉ, một tác phẩm bằng Hán văn ra đời vào
khoảng thế kỷ 11, có ghi lại một cuộc vấn đáp giữa thiền sư Nhất Nguyên
Tông Bổn với một người vốn không tin là có địa ngục.
Ngài Tông Bổn hỏi: “Ông có bao giờ nằm mộng chăng?”
Người kia đáp: “Có.”
Lại hỏi: “Trong mộng có khi nào gặp những việc buồn, vui, sướng, khổ...
chăng?”
Đáp: “Có.”
Ngài Tông Bổn liền hỏi: “Những lúc buồn, vui, sướng, khổ đó, có phải là
thân thể nhận lãnh sự buồn, vui, sướng, khổ hay chăng?”
Đáp: “Hẳn là không phải, vì thân thể lúc ấy mê muội, nằm yên bất động
trên giường ngủ, làm sao có thể nhận lãnh sự buồn, vui, sướng, khổ?”
Ngài Tông Bổn nói: “Vậy tức là phần tinh thần nhận lãnh. Cảnh giới địa
ngục cũng tương tự như thế, do tinh thần nhận lãnh, chẳng có hình tướng
nên không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, chỉ trong một giấc mộng mà còn có sự
buồn, vui, sướng, khổ không nhìn thấy được, huống chi là cảnh giới tinh
thần sau khi chết?”
Tất nhiên là lập luận như trên chưa đủ để thuyết phục những kẻ hoài nghi
trong thời hiện đại này. Bởi lẽ phần tinh thần trong giấc mơ là điều có
thể hiểu được, nhưng phần tinh thần tồn tại sau khi chết lại là chuyện
mà nhiều người vẫn chưa tin nhận được.
Tuy nhiên, lập luận trên đã nêu lên được ý nghĩa vật thể và phi vật thể
trong cách hiểu về địa ngục. Hơn thế nữa, sự cảm nhận những buồn, vui,
sướng, khổ trong một giấc mơ có thể gợi nhớ đến những buồn, vui, sướng,
khổ mà mỗi chúng ta đang nhận chịu trong suốt một kiếp người.
Và thật ra thì không chỉ những buồn, vui, sướng, khổ trong một giấc mơ
mới là những điều mà chúng ta không nắm bắt được một cách cụ thể, mà
ngay cả những cảm nhận buồn, vui, sướng, khổ trong cuộc sống này cũng
rất mơ hồ đối với nhiều người trong chúng ta, bởi rất ít khi chúng ta
dành thời gian để quan sát, phân tích những cảm nhận đó trong nội tâm
của chính mình, cho dù sự thật là chúng vẫn luôn luôn hiện hữu.
Vì thế, ngay trong cuộc sống này của chúng ta vốn dĩ đã song song tồn
tại hai yếu tố vật thể và phi vật thể, hay nói khác đi là hai cảnh giới
thể xác và tinh thần. Trong khi những nỗi đau thể xác là rất dễ nhận ra,
thì những nỗi đau tinh thần lại là điều gì đó rất riêng tư, chỉ thuộc về
sự cảm nhận của mỗi người, và bao giờ cũng rất mơ hồ, khó có thể nhận
biết hay mô tả được một cách thật cụ thể.
Nhưng cho dù là mơ hồ, khó nhận biết hay mô tả, những nỗi đau tinh thần
vẫn là hoàn toàn có thật. Và chỉ cần tự xét lại mình, mỗi chúng ta đều
có thể dễ dàng nhận ra ở từng mức độ khác nhau những nỗi đau đang tồn
tại trong nội tâm của chính mình.
Danh từ địa ngục được người Trung Hoa sử dụng để dịch nghĩa từ naraka
trong tiếng Phạn. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các trường hợp phiên
dịch khác, vẫn có những khác biệt nhất định về ý nghĩa của hai danh từ
trong hai ngôn ngữ khác nhau này.
Đối với người Trung Hoa, địa ngục là nơi các tội nhân bị giam giữ và
phải chịu đựng những hình phạt đau đớn, khổ sở. Trong danh từ của họ bao
hàm hai nghĩa: ngục, đồng nghĩa như lao ngục, tù ngục, là nơi giam giữ
những người phạm tội, và địa nghĩa là đất, hàm nghĩa chỉ cho vị trí của
ngục này là nằm sâu trong lòng đất. Và cũng không chỉ riêng cách hiểu về
địa ngục, mà hầu hết các khái niệm của người Trung Hoa xưa kia liên quan
đến “âm giới” – cảnh giới sau khi chết – đều được hình dung là nằm sâu
trong lòng đất. Chẳng hạn như cách hiểu về suối vàng (hoàng tuyền) hay
nơi chín suối (cửu tuyền) đều là nằm sâu trong lòng đất. Vì thế mới có
câu chuyện Khảo Thúc khuyên Trang công đào đất thật sâu giả lập cảnh
“suối vàng” để giải lời thề “không đến suối vàng không gặp mẹ”. Hơn thế
nữa, trong nhiều câu chuyện của người Trung Hoa, địa ngục còn được mô tả
với những dụng cụ để hành hình tội nhân rất cụ thể như vạc dầu, cối giã,
cưa xẻ...
Trong Phạn ngữ, danh từ naraka chỉ đến nơi mà người ta phải chịu đựng sự
không vui (bất lạc), đáng chán ghét (khả yểm) và đủ mọi sự trừng phạt,
hành hạ rất khổ sở, đau đớn bằng nhiều cách khác nhau (khổ cụ), nhưng mở
rộng không gian thành một cảnh giới riêng biệt chứ không chỉ hàm nghĩa
là một “nơi giam giữ”, và cũng không có ý cho rằng cảnh giới ấy là nằm
sâu trong lòng đất.
Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng danh từ naraka có vẻ như là một cách
hiểu rộng hơn và gần gũi hơn với ý niệm về một cảnh giới phi vật thể,
cảnh giới của những nỗi đau tinh thần mà chúng ta vừa đề cập đến trên
đây.
Và theo cách hiểu này thì có thể thấy là địa ngục hiện hữu ngay trong
cuộc sống của chúng ta, vào những khi mà chúng ta phải chịu đựng sự đau
đớn, khổ sở nặng nề về mặt tinh thần do một số nguyên nhân nhất định. Đó
chính là những lúc mà chúng ta không có niềm vui, chán ghét và đau khổ.
Có một địa ngục dành cho những kẻ ác sau khi chết hay không, điều đó xin
hãy tạm gác lại không bàn đến. Nhưng nếu hiểu địa ngục như là một cảnh
giới của những nỗi đau đớn tinh thần mà chúng ta thực sự cảm nhận trong
cuộc sống, thì có lẽ không ai có thể phủ nhận được một địa ngục như thế.
Tương tự như các hình phạt cụ thể trong thế giới vật chất, có thể xếp từ
nhẹ đến nặng như cảnh cáo, tù treo cho đến tù giam, tạp dịch, khổ sai...
cảnh giới địa ngục theo cách hiểu này cũng bắt đầu hiện hữu từ những nỗi
ray rứt, dằn vặt, hối tiếc cho đến những đau đớn khổ sở kéo dài nhiều
năm hay thậm chí là suốt đời...