Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 18. Quay lại Úc châu »»

Đường Không Biên Giới
»» 18. Quay lại Úc châu

Donate

(Lượt xem: 2.905)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 18. Quay lại Úc châu

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kể từ Viên Giác bộ mới số 2, chúng tôi đã có lần viết về nước Úc và sau hơn 4 năm chúng tôi mới có cơ duyên gởi đến quý độc giả xa gần để đọc và biết về nước Úc một cách tường tận hơn.

Ba lần trước đến Úc, chúng tôi chỉ đi một mình. Và lần này ngoài chúng tôi ra còn có 3 vị đến từ Thụy Sĩ, 3 người từ Na Uy và 25 người từ Đức, cùng đi chung một phái đoàn để dự lễ khánh thành chùa Pháp Bảo vào ngày 26 tháng 5 năm 1985 tại Sydney. Nếu đi một mình thì chẳng có chuyện gì đáng nói, nhưng đi tập thể nên có rất nhiều vấn đề.

Đây là lần đầu tiên tôi tổ chức đi xa và hy vọng rằng những chuyến đi xa khác trong tương lai không phức tạp nhiều như lần này. Có nhiều vị thấy đi tập thể có nhiều điều hay và tiện lợi nên đề nghị chúng tôi tổ chức đi các Châu khác, nhưng chưa biết sao, để chờ thời gian sẽ quyết định.

Chúng tôi phải lo visa và vé máy bay từ trước ngày khởi hành 3 tháng, nhưng về vấn đề giấy tờ khá phức tạp. Kẻ muốn đi lại thiếu phương tiện, người có phương tiện lại vì chuyện này hay chuyện khác của gia đình đành phải hủy bỏ chuyến đi. Cũng vì gởi giấy tờ đến tòa Đại Sứ Úc ở Bonn không đều nên hồ sơ bị thất lạc, có một số hiểu lầm, nhưng sau đó cũng tìm ra passport được. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đã lên đường và mọi người gặp nhau ở điểm hẹn, phi trường Frankfurt.

Bắt đầu đi từ lúc 19:30 phút ngày 10 tháng 5 và đến Sydney, Úc vào lúc 9:45 phút ngày 12 tháng 5 năm 1985 sau 26 tiếng đồng hồ bay và nghỉ 4 tiếng qua các nơi Thụy Sĩ, Karachi, Singapore, Melbourne và cuối cùng là Sydney. Lên máy bay xong, chúng tôi nghĩ rằng đã khỏe được sau một số thủ tục tại phi trường, nhưng vẫn chưa yên được. Vì có một số quý vị lớn tuổi không quen đi đường xa nên đã quá mệt trên phi cơ. Chúng tôi lại phải lo lắng, và nhờ có người hướng dẫn của hãng du lịch là người Việt Nam nên chúng tôi cũng đỡ vất vả phần nào qua các thủ tục cần phải có cho một người bệnh.

Chúng tôi phải ngủ 2 đêm và thức một ngày ngồi trên máy bay nên ai nấy đều uể oải. Có nhiều vị tưởng rằng gần, mặc dầu chúng tôi đã báo trước thời gian phải đi là như thế, nên sanh tâm lo ngại. Mới lên máy bay thì ai cũng náo nức, nhưng ngồi trên máy bay thấy đường dài ai cũng có vẻ trông mong đến nơi sớm để gặp chùa, gặp thầy hoặc gặp bà con thân nhân đi đón tại phi trường.

Đến phi trường Sydney đúng giờ như đã định, nhưng sau hơn 2 tiếng đồng hồ làm thủ tục nhập cảnh và khám xét hành lý, người cuối cùng của phái đoàn mới ra được khỏi các trạm kiểm soát. Đến nơi tất cả là 31 người nhưng về chùa chỉ có 9 vị, còn những vị khác đều có thân nhân đón về nhà.

Lần này chúng tôi được đưa thẳng về chùa Pháp Bảo mới tại Smithfield chứ không phải chùa cũ tại Lakemba như những lần trước. Đường từ phi trường về chùa mất hơn một tiếng đồng hồ xe hơi với người rành đường. Nếu không, phải mất nhiều thời gian hơn như thế nữa.

Ngôi chùa tọa lạc trên một thửa đất rộng 5.000 mét vuông có nhiều cây to, với những tàn cây che bóng mát. Chùa được kiến trúc theo kiểu hiện đại, vẫn có cổng tam quan, có đại hùng bửu điện, Tăng phòng, khách điện, tháp vãng sanh v.v... nhưng hoàn toàn theo lối mới. Mái chùa không cong, nhưng nơi đó vươn lên thêm một mái khác nữa nằm chồng lên bên trên, trông có vẻ tân kỳ. Cổng tam quan biến thể giữa Âu và Á nhưng trông cũng rất đẹp mắt. Nhà đa dụng, thư phòng, nhà trù, còn đang xây cất dang dở cũng như lầu chuông và lầu trống. Hy vọng trong tương lai gần, chùa sẽ hoàn tất đợt hai để trở thành một ngôi chùa Việt Nam lịch sử đầu tiên tại xứ Úc.

Ngày nay tại hải ngoại chúng ta có khoảng trên 100 ngôi chùa và Niệm Phật Đường, nhưng hầu hết đều thuê mướn hoặc mua nhà rồi “cải gia vi tự”. Chỉ có 8-10 ngôi chùa được xây dựng chính thức có đường nét Á Đông, gồm những nơi như sau:

- Chùa Pháp Hoa tại Marseille Pháp, dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Thiền Định, được xây cất năm 1976.

- Chùa Khánh Anh tại Bagneux Pháp, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Minh Tâm, được xây cất năm 1979.

- Chùa Tịnh Tâm tại Sèvres Pháp, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Minh Lễ, được xây cất năm 1981.

- Chùa Linh Sơn tại Joinville Pháp, dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Huyền Vi, được xây cất năm 1982.

- Chùa Thiện Minh tại Lyon Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đại Đức Thích Tánh Thiệt, được xây cất năm 1984.

- Chùa Liên Hoa tại Brossard Canada, dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Tâm Châu, được xây cất năm 1976.

- Chùa Quan Âm tại Montreal Canada, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Minh Tâm và chúng tôi, được xây cất hoàn thành năm 1984.

Ở Mỹ tuy chùa rất nhiều, nhưng chưa có chùa nào được xây cất hoàn thành. Có những chùa đang xây cất dang dở như sau:

- Chùa Giác Minh tại Palo Alto gần San Jose, dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Thanh Cát.

- Tu Viện Liên Hoa, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Pháp Nhẫn tại Dallas v.v...

Tại Úc Châu, ngôi chùa Pháp Bảo, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Bảo Lạc - là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên, có diện tích đất đai đứng hàng số một trên thế giới và là ngôi chùa không hề mắc nợ của ngân hàng một đồng nào cả, so với các chùa đã được xây dựng vừa kể trên. Đây là điều đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam tại Úc nói riêng và tại hải ngoại nói chung. Sau một năm xây dựng, chùa đã làm lễ khánh thành vào ngày 26 tháng 5 năm 1985 vừa qua. Lễ khánh thành dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Phước Huệ và Hòa Thượng Thích Thiền Định cũng như sự chủ trì của ông Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên và Gia Cư của Tiểu Bang New South Wales cùng hơn 800 chư tăng và quan khách đến từ các tiểu bang tại nước Úc và ngoại quốc như Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Na Uy, Canada và Tây Đức. Nghi lễ được diễn ra như mọi nghi lễ khánh thành an vị khác đã được cử hành xưa nay tại quốc nội cũng như hải ngoại.

Có điều đặc biệt là trước lễ khánh thành một ngày, chùa Pháp Bảo có tổ chức lễ vớt vong trên biển và sau đó mang vong về an trí tại chùa để nghe kinh cầu nguyện và tiếp theo đó là lễ chẩn tế cô hồn. Có lẽ đây là một lễ chẩn tế có tính cách quy mô được tổ chức tại ngoại quốc lần thứ 2, sau lần đầu được tổ chức tại Hoa Kỳ, khi Hòa Thượng Thích Thiên Ân còn tại thế. Có phướn, có nêu triệu cô hồn thập loại, có bàn thờ Tam Bảo nội và Tam Bảo ngoại để triệu thỉnh chư tiên linh về nơi Pháp hội. Một vị gia trì, 4 vị kinh sư nhịp nhàng theo tiếng kinh lời kệ, âm mõ âm chuông v.v... nghe như trầm hùng mà thoát tục, lặng lẽ âm thầm mà ý vị cao xa. Thật là một cảnh tạm ở trần gian mà cảm như ở một tha phương thế giới vậy.

Thượng Tọa Thích Như Huệ, Viện chủ chùa Pháp Hoa tại Adelaide, Úc, trong cương vị của một vị gia trì với giọng thanh cao và ấm như dội thẳng vào lòng người sống cũng như tâm thức của người quá vãng một sự siêu giải thoát khôn cùng. Đại Đức Thích Quảng Ba trụ trì chùa Vạn Hạnh tại Canberra, Úc, trong cương vị tả bạch, với giọng ngân cao vút tận không trung như rước các vong hồn lên cao thêm chút nữa và dội thẳng những âm thanh vi diệu đó vào lòng người, biến thành một khúc nhạc Phật giáo muôn đời bất diệt. Các vị kinh sư khác cũng nhịp nhàng trong điệu mõ tiếng chuông, tạo nên những âm thanh rất thiền vị.

Trước lễ khánh thành, ai ai cũng bộn rộn, ngôi chùa hằng ngày vốn yên tịnh nay lại nhộn nhịp hẳn lên và sau ngày Đại Lễ ấy, chốn thiền môn lại yên tịnh như cũ.

Đi chung kỳ này có một chuyện rủi nhưng lại hóa may, và trong may nhưng lại có rủi. Nguyên là trước ngày lễ khánh thành chùa Pháp Bảo một tuần, chúng tôi đã đi Canberra để thăm thủ đô nước Úc và dự lễ nhập tự của Đại Đức Thích Quảng Ba tại chùa Vạn Hạnh.

Cùng đi với chúng tôi có 4 xe khác tháp tùng. Trên đường đi bị lạc mất một chiếc, sau đó biết tin là đã xảy ra tai nạn, do người tài xế sơ ý qua mặt không kịp xe khác. Hai xe khác cùng đi trước, một chiếc cũng bị tai nạn vì tài xế không rành đường ở thành phố lạ. Đi cùng một lúc, nhưng bị nạn 2 nơi khác nhau cùng một ngày. Quả là cộng khổ nghiệp của chúng sanh là như vậy. Một trong 2 xe đi trước có 3 người bị thương: 2 người bị nhẹ và người khác hơi trầm trọng. Những tưởng rằng mọi chuyện rủi ro như vậy đã qua, nhưng không đơn giản, vì nỗi đau ngày càng tăng dần cho bệnh nhân. Và đương nhiên có nhiều chuyện phức tạp sau đó. Chúng tôi cũng không muốn đem chuyện buồn vào đây làm bận lòng độc giả, nhưng nói cho quý vị thấy rõ sự khó khăn của một chuyến đi như thế nào.

Hôm ấy cũng là ngày lễ Nhập Tự chùa Vạn Hạnh của Đại Đức Thích Quảng Ba. Công chuyện đã bận rộn, làm cho Thầy càng bận rộn hơn nữa. Thế nhưng cuối cùng rồi buổi lễ cũng diễn ra một cách trang nghiêm thanh tịnh. Quý vị Hoà Thượng Hội Chủ Thích Phước Huệ, Thượng Tọa Thích Như Huệ, Thượng Tọa Thích Bảo Lạc, Ni Sư Như Tuấn, Đại Đức Thích Minh Tâm và chúng tôi đến từ xa, còn bao nhiêu là Phật tử địa phương cũng đã đến chùa để chung lời cầu nguyện hôm đó.

Chúc Thiện, một Phật tử vừa có tâm đạo vừa phụng sự hết lòng nên chuyện gì cũng đã giúp đỡ chúng tôi xong suốt cả. Tôi thường hay nói: “Chúc Thiện nhỏ nhưng hay làm việc lớn. Còn nhiều người lớn, nhưng lại hay làm những chuyện nhỏ.” Thiện chỉ mỉm cười. Nếu ở đâu cũng có những người Phật tử thật thuần thành và thật dễ mến như vậy, lo hết mình cho đạo cho chùa, thì chẳng mấy chốc Phật giáo tại hải ngoại lại càng vững vàng hơn.

Đến Úc đúng vào mùa thu, lá vàng rơi lả tả dọc theo những đại lộ dài dệt nên những gấm hoa như những tấm thảm thiên nhiên mà khách lãm du là thiên thần trong vạn cảnh. Ở Âu Châu bây giờ đang độ xuân sang và hè đến, trong khi ở đây là mùa thu. Kể ra tạo hóa cũng công bình mà thiên nhiên cũng hòa cùng một nhịp điệu sống. Vì quả đất xoay tròn bởi sanh tử là độc lộ của trường thiên còn chúng sanh là những khách bộ hành bắt buộc.

Đất nước Úc rộng mênh mông, người Úc quá thưa thớt. Ví như đem cả dân tộc Việt Nam vào đây ở hẳn cũng còn rộng chỗ. Vì thế, ai đến đây cũng thích ở lại. Úc có sức quyến rũ người Âu lẫn Á là như thế. Người nào dầu khó tính đến đâu cũng không thể chê Úc được. Vì Úc là xứ dễ sống.

Năm 1979, tại Úc chưa có Hội Phật Giáo nào mà cũng chưa có chùa nào, cũng chưa có thầy nào cả. Bắt đầu cuối năm 1979, Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales mới thành lập. Kể từ 1979 đến nay, qua 6 năm hoạt động, đồng bào Phật tử Việt Nam tại Úc đã có những ngôi chùa được thành lập như sau: Chùa Pháp Bảo và chùa Phước Huệ tại Sydney, chùa Đại Bi Quan Âm ở Melbourne, Chùa Pháp Hoa ở Adelaide, Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Brisbane, Chùa Vạn Hạnh tại Canberra và chùa Phật giáo Việt Nam tại Perth. Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Úc cũng đã được thành hình trong 3 năm về trước và ngày nay có nhiều Hội tại các tiểu bang cũng thuộc về Tổng Hội.

Chùa Phước Huệ tại Sydney, cơ quan hành chánh của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Úc dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Phước Huệ cũng mới chỉ là một căn nhà tạm đã biến thành chùa. Phía sau nhà tạm, Tổng Hội đã cho xây một căn nhà làm nơi thờ Phật và chỗ lễ bái của Phật tử, tương đối khá rộng, có thể dung chứa được khoảng trên 100 người. Nếu tương lai Phật giáo tại Úc phát triển nhiều hơn nữa, e rằng nơi ấy không đủ sức để dung chứa số Phật tử đến lễ bái hằng tuần.

Sinh hoạt tại Úc không những chỉ là vấn đề tôn giáo mà còn có các vấn đề văn hóa, giáo dục, nghề nghiệp, đời sống v.v... nhưng khả năng của chúng tôi thì có giới hạn trong một vài phạm vi, còn những vấn đề khác chỉ có thể nói lược qua cho quý độc giả hiểu một cách khái quát mà thôi. Chắc hẳn quý vị không phiền hà chúng tôi lắm. Vì cái gì biết mà nói mới hay, còn không biết mà tự đặt điều để nói quả là điều không nên làm của một người cầm bút.

Hoa Kỳ có các thành phố Los Angeles, Westminster, San Jose, San Diego, Houston v.v... là những nơi có nhiều người Việt sinh sống và buôn bán như ở Việt Nam thuở trước, còn ở Úc thì có các thành phố Bankstown, Cabramatta, Sydney v.v... cũng không kém phần nhộn nhịp như ở các nước, nơi mà người Việt mình định cư nhiều.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, quốc gia nhận nhiều người tỵ nạn Việt Nam nhất là Hoa Kỳ, sau đó là Úc, kế nữa là Canada, Pháp, Đức, Anh v.v...

Số người Việt tỵ nạn ngày nay tại Úc có khoảng hơn 80.000 người và riêng tại Sydney đã quy tụ hơn 25.000. Như vậy là một con số đáng kể cho mọi sinh hoạt tại nơi đây.

Sydney có các tờ báo Chuông Sài Gòn, Chiêu Dương v.v... có đài phát thanh Quê Mẹ, phát thanh mỗi tuần 3 lần, truyền đi các tin tức của thế giới và cộng đồng. Tờ báo sống lâu nhất tại đây có thể nói là tờ Chuông Sài Gòn, từ tuần san đã chuyển thành bán tuần san và số lượng phát hành cũng đáng kể. Về phía Phật giáo ở Úc ngày nay có 2 tờ báo ra có tính cách định kỳ. Đó là tờ Pháp Bảo của Hội Phật giáo Việt Nam tại New South Wales chủ trương và tờ Vạn Hạnh, tờ Phổ Quang ra có tính cách không định kỳ nhưng cũng đã phổ cập rất nhiều vào quần chúng Phật tử.

Sau lễ khánh thành chùa Pháp Bảo tại Sydney Úc vào ngày 26 tháng 5 năm 1985, chúng tôi gồm: Đại Đức Thích An Thiên đến từ Nhật, Ni Sư Thích Nữ Như Tuấn đến từ Thụy Sĩ, cùng một vài Phật tử khác cũng như tôi chuẩn bị cuộc hành trình dài bằng xe bus xuyên qua các tiểu bang của nước Úc. Chẳng là trước đây tôi thường hay đi máy bay từ Sydney đến Melbourne, Adelaide và Brisbane, không xem được phong cảnh của xứ Úc. Lần này tôi muốn thấy cái bao la của vũ trụ đất trời nên đã quyết định như thế, mặc dầu có nhiều Phật tử dọa tôi là “sợ thầy không chịu nổi sự cực nhọc của đường dài”. Tôi trả lời rằng: “Tôi đã quen với sương gió rồi nên có lẽ chẳng sao đâu.”

Lý do thứ hai để mọi người phải cùng đi xe bus là vì đi máy bay loại rẻ tiền (stand by) chưa chắc gì dư chỗ cho nhiều người cùng một lúc. Ở Úc có một loại vé máy bay đặc biệt dành cho những người đi không có vé trước. Người đi cứ đến quày bán vé, nếu có vé thì đi, không có thì chờ chuyến khác. Trung bình mỗi vé như vậy rẻ được 20 phần trăm. Vì hãng máy bay có lẽ quan niệm rằng nếu không bán vé dư còn lại thì cũng bỏ chỗ trống. Trong khi đó các hãng máy bay tại Âu Châu quan niệm rằng: Bởi khách cần nên mới đi gấp, do đó giá vé đi liền rất đắt.

Cách đây 3 năm, giá vé “stand by” đi từ Sydney về Adelaide chỉ có 70 đô-la Úc. Sau 3 năm, đồng Úc kim hạ giá quá xa so với đô-la Mỹ, nên người đi phải trả giá gấp đôi.

Chúng tôi muốn mọi chuyện được thuận buồm xuôi gió trong cuộc hành trình này nên đã nhắc nhở anh em Phật tử chùa Pháp Bảo mua vé xe bus trước cho chắc chắn. Sáng ngày 28 tháng 5, Phật tử đã sẵn sàng đưa chúng tôi sang bến xe bus của hãng V.I.P. (Via Important People) nhưng rủi thay bến xe đã đổi chỗ, không còn thì giờ nữa nên phải chạy thất tha thất thểu trên đường phố Liverpool, ai trông thấy lúc đó có lẽ cũng nực cười. Đến được bến xe đi Melbourne thì không phải của hãng VIP mà của hãng Greyhound. Thôi đành gạt mồ hôi trán để bước lên chuyến đò khác, không là thuyền bát-nhã đưa khách trần ai rời nơi tục lụy về chốn liên đài, mà là “thuyền từ một chiếc chơi vơi, đưa người tăng sĩ xa rời trần ai”.

Nếu đi máy bay từ Sydney đến Melbourne chỉ cần 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó dùng xe bus chúng tôi phải mất hơn 12 tiếng. Xa lộ của Úc chỉ cho chạy vận tốc tối đa là 110 cây số giờ, vì đường quá xấu so với những xa lộ hiện đại của Tây Đức, cũng không rộng rãi thênh thang như các xa lộ ở Hoa Kỳ. Dọc đường đi, tài xế cho xe nghỉ 3 lần để hành khách có thể xuống dùng điểm tâm hoặc ăn trưa tại những nơi cố định. Suốt dọc đường đi, chúng tôi chỉ thấy toàn là bò với cừu và ngựa, thỉnh thoảng mới thấy một ngôi nhà. Quả thật đất Úc rộng mà dân thưa là thế. Cả một hòn đảo lớn gần bằng Châu Âu mà chỉ có 15 triệu dân, trong khi đó các nước tại Châu Âu đã có hơn mấy trăm triệu người.

Đến Melbourne lúc 9 giờ 15 phút cùng ngày, chờ mãi đến 10 giờ đêm vẫn không có người đến đón. Chúng tôi nóng lòng gọi điện thoại về chùa Quan Âm, nhưng tiếng chuông điện thoại vẫn reo mà người nơi đầu dây chẳng thấy xuất hiện. Sau một hồi chờ đợi, những Phật tử đã đến, hỏi lý do mới biết là đi đón lầm bến. Thế thì thôi, ai cũng thở dài. Thôi tạm về nhà Phật tử. Ngày mai rồi sẽ đến chùa lễ Phật.

Ngày hôm sau đến chùa Quan Âm, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Đại Đức Thích Phước Nhơn, mới biết ra là tối hôm trước nhiều Phật tử đã tập trung tại chùa chờ đợi, nhưng không nghe điện thoại reo nên đã ra về, khiến hai nồi cháo chờ chúng tôi phải ứ đọng mãi đến ngày hôm nay vẫn còn đầy. Không phải lầm số, cũng chẳng phải điện thoại hư, mà có lẽ vì duyên chùa chưa gặp. Câu trả lời đành bỏ trống.

Ngôi chùa Đại Bi Quan Âm trước đây tại Melbourne do Thượng Tọa Thích Huyền Tôn trụ trì, nay đã được dời về địa chỉ khác để Đại Đức Thích Phước Nhơn thay thế. Lý do vì nơi cũ không phải là chỗ sinh hoạt công cộng, gây phiền hà cho hàng xóm. Nhưng ngôi chùa thứ hai có lẽ cũng tương tự như ngôi chùa trước. Hỏi ra mới biết đây chỉ là địa điểm tạm thời, còn phải chờ mua đất xây chùa thật sự nữa.

Tối 29 chúng tôi nói chuyện với một số quý Phật tử tại chùa, thấy trình độ giáo lý của Phật tử tại Melbourne khá vững vàng hơn những nơi khác. Quả thật câu ca dao Việt Nam nói chẳng sai chút nào:

“Ở nhà nhất mẹ nhì con,
Ra đường chán vạn kẻ dòn hơn ta.”

Ngày 30 chúng tôi đi phố Tàu ở đây, nhưng gặp cơn mưa đầu đông làm lạnh thấm cả người. Tại Melbourne có một khí hậu khá đặc biệt, sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và tối mùa đông. Cho nên hầu như người Melbounre đi đâu cũng phải có cây dù trong xe hơi hoặc xách tay.

Sự giao thông ở Melbourne cũng khác hơn nhiều nơi trên nước Úc. Ai có bằng lái xe hơi ở những tiểu bang khác về đây cũng đều phải thi lại cả. Có lẽ vì Melbourne vẫn còn giữ loại xe điện chạy trên đường chung với xe hơi như một vài thành phổ ở Đức. Và kỳ lạ hơn các nơi khác trên thế giới là đi bên trái muốn quẹo mặt, không quẹo ở đường bên tay mặt mà qua bên ranh đường bên trái để quẹo mặt lúc chờ các xe đi thẳng bên mặt của phía trái đã qua xong.

Sáng tinh sương ngày 31, một số quý Phật tử tại Melbourne đưa chúng tôi sang trạm xe bus hãng VIP để đi Adelaide. Cuộc chia ly nào rồi cũng bịn rịn cả. Kẻ ở người đi trông quyến luyến biết dường nào. May là chúng tôi đã đi tu rồi, chứ người đời thì thôi chắc khỏi nói sự quyến luyến.

Từ Melbourne đến Adelaide đường dài khoảng 700 cây số mà đi xe bus mất hơn 10 tiếng đồng hồ. Đoạn đường ấy cũng toàn là cây, cỏ, sa mạc. Ở Úc bất cứ nơi đâu cũng thấy rặt một giống cây dầu khuynh diệp, có người gọi là “bạch đàn hương”, có lẽ vì loại cây này có mùi rất thơm. Ngày xưa trong kinh A Di Đà, Đức Phật có nói về Nam Phương thế giới, có lẽ là đây chăng? Nơi mà mặt trời mọc về hướng Tây và lặn về phương Đông nên mới gọi là xứ Nam Cực.

Đến bến xe đã có Thượng Tọa Thích Như Huệ - vị thầy cũ dạy đạo cho tôi hơn 20 năm về trước, cùng các bác trong Ban Trị Sự của Hội Phật Giáo Nam Úc, chùa Pháp Hoa và một số anh em trong Gia Đình Phật tử ra đón. Cảm động làm sao khi nhận những bó hoa trao tặng từ những anh chị em Phật tử hiền hòa dễ mến ấy. Chúng tôi đón nhận những đóa hoa tình thương nhân ái ấy như đón nhận cả một tấm lòng cao thượng.

Đi đến đâu tôi cũng mong được dùng rau muống, rau lang và những rau tươi thuộc vùng nhiệt đới, nhưng tiếc rằng lúc bấy giờ Nam Úc cũng đã sang đông nên điều tôi mong ước chẳng có vào tối hôm đó. Thế mà sáng hôm sau các bác trong chùa đã cho chúng tôi một bữa cơm chay như dự định, toàn là rau cải quê hương, ngon chi ngon lạ rứa!

Sáng ngày 1 tháng 6, có một số anh em Phật tử đưa chúng tôi đi xem phong cảnh của thị thành và đạo hữu Hội Trưởng cũng đưa sang ngôi chùa Pháp Hoa mới phát mộc, tọa lạc trên một lô đất rộng 5.000 mét vuông, trông chẳng kém chùa Pháp Bảo tại Sydney chút nào. Nếu ngôi chùa Pháp Hoa tại Adelaide được xây cất hoàn thành trong nay mai, thì đây là ngôi chùa thứ 2 tại Úc được xây dựng rất quy mô và có đường nét Á Đông, sau chùa Pháp Bảo.

Chiều hôm ấy có buổi lễ Phật cầu an định kỳ tại chánh điện chùa cũ. Thầy An Thiên đã nói về Phật giáo Nhật Bản. Ni Sư Như Tuấn nói cảm tưởng của mình nhân buổi lễ và cuối cùng tôi đưa mọi người vào câu chuyện đạo lý hơn một tiếng đồng hồ mà chưa ai thấy mỏi mệt cả. Ở đâu cũng có những người Phật tử nhiệt tâm với đạo, nhất là tìm hiểu, nghiên cứu về giáo lý của Đức Thế Tôn, nên chúng tôi rất vui mừng. Quả thật là: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.”

Ngày 2 tháng 6 có lẽ là ngày bận rộn nhất của chùa Pháp Hoa. Vì đó là ngày lễ mừng Phật Đản 2529. Đúng 2 giờ chiều buổi lễ bắt đầu và chấm dứt 7 giờ tối.

Phần đầu gồm các bài diễn văn chào mừng Khánh Đản và nghi lễ cổ truyền của Phật giáo. Phần thứ hai gồm có các màn vũ, nhạc, kịch, hợp ca cũng như đơn ca. Đặc biệt nhất là vở kịch “Cuộc đời Đức Phật từ sơ sanh đến xuất gia” do các anh em Gia Đình Phật tử chùa Pháp Hoa đảm trách. Tuy còn kém về phần kỹ thuật sân khấu, nhưng rất đẹp đẽ về y trang của chốn hoàng cung vào thời xa xưa nơi vua Tịnh Phạn đã trị vì.

Cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn, như những giọt sương mai lững lờ treo trên đầu cây ngọn cỏ. Sáng ngày 3 chúng tôi phải trở lại Sydney để Thầy An Thiên kịp đi Perth, còn chúng tôi phải đi Brisbane thăm đồng bào Phật tử nơi ấy.

Từ Adelaide đi Sydney bằng xe bus mất gần 24 tiếng đồng hồ. Đoạn đường này cũng toàn là sa mạc và đồng khô cỏ cháy. Thỉnh thoảng mới thấy một vài ngôi nhà và phố thị. Đi hết ngày rồi lại đêm. Phố đã lên đèn và tài xế xe bus bắt đầu cho chúng tôi xem tivi để chiếm bớt khoảng thời gian khá dài và nặng nề trong đêm dài cô tịch ấy. Phim đã hết mà đường vẫn còn xa, mãi đến sáng tinh sương ngày hôm sau chúng tôi mới về lại được chùa Pháp Bảo.

Ngày 4 chúng tôi nghỉ lại chùa và làm lễ “tâm niệm an cư” của năm ấy. Vì đi xa nên phải chấp nhận vậy. Nếu không có lễ khánh thành chùa Pháp Bảo thì chúng tôi đã làm lễ An cư kiết hạ ở Đức từ sau ngày rằm tháng 4 của năm Ất Sửu rồi.

Sáng ngày 5, lại một lần nữa chúng tôi lên đường bằng xe bus để đi Brisbane, nơi có khí hậu gần giống Việt Nam mình. Lần này chỉ có tôi và 3 Phật tử khác, còn Thầy An Thiên phải đi Perth và Ni Sư Như Tuấn có một vài chuyện cần phải làm cho xong tại Sydney trước khi về lại Thụy Sĩ, nên Đường Không Biên Giới của chuyến trở lại quê hương trong quê hương của kẻ khác đã “có biên giới” rồi.

Trên suốt cuộc hành trình từ Đức sang Úc và ngược lại từ Úc trở về Đức cũng như trên các tuyến đường, tôi như một thông dịch viên bất đắc dĩ. Có lần tôi để các Phật tử cứ tự tiện đi mua đồ ăn và thức uống. Ngồi ngẫm mà tự mỉm cười. Ngày xưa câu cách ngôn Pháp nói “con mắt là cửa sổ tâm hồn”, nhưng bây giờ phải nói “ngôn ngữ là cửa sổ tâm hồn” mới đúng. Cũng vì ngôn ngữ không thông nên vị Phật tử kia gọi sữa để uống thành ra coca. Tôi uống coca mà cười chứ không nói gì cả. Quả thật ngôn ngữ quan trọng là như thế ấy.

Trái với miền Nam nước Úc, càng đi lên miền Bắc chừng nào, núi đồi cây cối càng xanh tươi, trùng trùng điệp điệp, ao hồ sông biển mênh mông, thuyền bè tấp nập. Thật là một phong cảnh quá hữu tình. Bởi thế ai đã đi Sydney, Adelaide, Melbourne mà không đi Brisbane là thiếu sót lắm.

Đến Brisbane vào lúc 12 giờ khuya cùng ngày, sau hơn 16 tiếng đồng hồ nằm và ngồi trên xe bus. Thầy Nhật Tân và một vài Phật tử đến bến xe để đón chúng tôi về chùa. Chúng tôi ở lại chùa ngày 6, 7 và 8. Trong 3 ngày ấy, 2 ngày đầu đi thăm các vườn nhà cây trái mà người Việt Nam ở đây trồng. Thăm cây chùm ruột, cây nhãn, cây mía, khoai mì, sắn dây, ổi, mít v.v... trông mà nhớ quê hương trong vô ngần. Thấy cây rau, nhìn cây phượng vĩ, nhớ miền Trung trong những buổi trưa hè nắng chói với lứa tuổi học trò hồn nhiên đùa giỡn sau những buổi tan trường. Hình ảnh của tuổi thơ đã khơi dậy trong tôi như mang trần ai vào nơi lạc cảnh. Bây giờ thì thế sự đã đổi thay nhiều rồi. Nếu ai còn nhớ đến quê hương, nên về lại đây để thăm cây phượng vĩ...

Chiều ngày 8, một thời thuyết pháp đã được diễn ra tại chánh điện Niệm Phật Đường, khoảng hơn 80 Phật tử đã về tham dự. Người ngồi nghe suốt hơn 3 tiếng đồng hồ không mỏi mệt quả là một điều hiếm có ở xứ văn minh vật chất này, thế nhưng Phật tử tại Brisbane dưới sự lãnh đạo của Đại Đức Thích Nhật Tân đã thực hiện được điều đó. Phật tử ở đây về tinh thần lẫn vật chất đều hộ trì ngôi Tam Bảo khá vững vàng so với những tháng năm mới thành lập.

Lẽ ra tôi về xe bus với 3 Phật tử khác cũng tháp tùng chuyến đi từ Sydney, nhưng vào sáng ngày 9 tháng 6 tại chùa Pháp Bảo có buổi giảng của tôi nữa nên phải về máy bay. Tánh tôi thường ít thích ai đưa hoặc đón nhiều người, nhưng hôm ấy tại phi trường Brisbane có ít nhất cũng gần 30 người đi đưa.

Sau hơn 1 giờ 15 phút bay, tôi đã có mặt tại Sydney. Những người Phật tử đi đón tôi hỏi: “Thầy mang gì về mà nhiều vậy?” “Thì bắp chuối, mía và rau muống chứ gì.” Tôi trả lời vậy. Mọi người cùng cười.

Ngôi chùa Pháp Bảo đã hiện ra dưới làn sương mờ của đêm đông hôm ấy, tôi như chợt tỉnh một điều gì. Chẳng biết duyên cớ vì sao nhưng tâm mình lại trở nên trống vắng. Có lẽ chùa vắng chủ chăng? Hay thức A-lại-da của mình quay lại cuốn phim dĩ vãng nào đó? Cuối cùng chẳng có gì, cảnh cũ vẫn là đây.

Đúng 11 giờ trưa ngày 9 tháng 6 nơi chánh điện của chùa Pháp Bảo quy tụ cả 100 người. Người lớn tuổi cũng có mà nhỏ tuổi như các em oanh vũ và Gia Đình Phật tử cũng có. Có lẽ vì “Bụt chùa nhà không thiêng” nên ai cũng chờ người từ xa đến. Do đó, sau hơn 2 tiếng đồng hồ nghe giảng ai cũng chẳng thấy mỏi mệt chút nào.

Chiều hôm ấy và ngày hôm sau, tôi đi thăm một vài nơi đáng phải thăm để rồi ngày kế phải chuẩn bị hành trang lên đường “hồi quy bản quốc”.

Vào lúc 11 giờ ngày 11 đã có nhiều xe túc trực tại chùa để đưa phái đoàn chúng tôi lên phi trường. Từ Đức sang Úc phái đoàn có 31 người, nhưng bây giờ trở về Đức chỉ còn có 11 người, không phải vì đất lành chim đậu mà vì những người đó có thân nhân nên ở lại với con cái lâu hơn một vài tháng rồi cũng sẽ trở lại Đức. Đi một đoạn đường dài gần 30 tiếng đồng hồ máy bay qua hơn 17.000 cây số và mấy ngàn tiền vé máy bay, nên bà con ở lại thăm con cháu lâu hơn cũng là điều hữu lý vậy.

Phật tử chùa Pháp Bảo chở chúng tôi ra phi trường Sydney - bận lòng người đi kẻ ở. Thôi thì thôi, thầy trò cách biệt, ngàn dặm gió sương... nhưng hy vọng vào một ngày gần đây sẽ trùng phùng tao ngộ.

Nước Úc có một diện tích khá rộng, khoảng 7.686.844 km vuông, thuộc về khí hậu của Nam bán cầu, 40 phần trăm diện tích nằm trong khí hậu của vùng nhiệt đới. Chiều dài từ đông sang tây đo được 4.025 km và bề rộng từ nam lên bắc là 3.220 km. Nước Úc có nhiều vịnh rất quan trọng trong việc thương mại và giao thông với nước ngoài, có 36.735 km chiều dài tổng số các vịnh và các hải cảng quan trọng. Các vịnh ấy đều tiếp giáp với Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Nói chung, 4 phía của nước Úc đều bao bọc bởi 4 biển. Nếu chỉ tính phần đất đai thì nước Úc có diện tích bằng nước Mỹ (ngoại trừ Alaska) và rộng hơn nửa Âu Châu (không kể Nga). Thế nhưng dân số chỉ có 15.400.000 người, đa số là những người di dân từ các nước Âu Châu và Á Châu đến. Thủ đô của Úc là Canberra. Ngoài ra còn có những tiểu bang như: New South Wales thủ phủ là Sydney, Queensland thủ phủ là Brisbane, Victoria thủ phủ là Melbourne, Tasmania thủ phủ là Hobart, South Australia thủ phủ là Adelaide, Western Australia thủ phủ là Perth và Northern Territory thủ phủ là Darwin.

Thời tiết và khí hậu ở Úc tương đối khác hơn các châu khác. Vì Úc nằm ở Nam Bán cầu nên được phân định như sau:

Mùa xuân bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Mùa hạ từ tháng 12 đến tháng 2. Mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5 và mùa đông từ tháng 6 đến tháng 8.

Trong khi Âu Châu và Bắc Mỹ Châu tuyết phủ đầy trời thì Úc Châu nóng nực, bực bội không thể tả được. Mùa Giáng Sinh của Úc sẽ không bao giờ có tuyết mà toàn là mồ hôi hột. Đã có lần tôi sang Úc vào cuối tháng 12. Nhiệt độ lúc bấy giờ lên đến 40 độ C. Ở trong nhà lại nóng hơn ngoài vườn, nhưng khi ra vườn núp dưới bóng cây, cái nóng vẫn còn đeo đuổi nên phải đổ nước lên trên thân cây cho mình hưởng lây được cái mát. Có năm vì trời nóng quá, không có mưa, thiếu nước. Chính phủ ra lệnh phải tiết kiệm nước. Những con cừu non vô tội không có nước uống phải bị chết khát thật thảm thương. Để khỏi bị hành hạ về sự khát, nên có nhiều nông trường họ đã bắn chết các con cừu để giúp chúng mau thoát qua cơn dằn vặt đọa đày.

Cũng vì nắng gắt vào mùa hè mà xứ Úc có nhiều rừng và nạn hỏa hoạn xảy ra thường xuyên, nhất là vùng Nam Úc. Rừng phát cháy có nhiều nguyên nhân, có thể do các tàn thuốc của những người vô ý gây nên, mà cũng có thể do sự cọ xát của thân cây cộng thêm nhiệt độ nóng quá nên phát hỏa. Đi đến xứ Úc vào mùa Hạ mới thấy khí hậu giống miền Bắc Phi Châu nhiều lắm. Người Phi Châu quý nước hơn vàng bạc và các loại ngọc ngà châu báu khác. Vì mỗi năm Phi Châu trời chỉ mưa số lượng rất ít, mà nhu cầu của con người, súc vật và cây cối lại nhiều, nên dân địa phương cần nước lắm. Nước Úc tương đối đỡ hơn, nhưng có năm cũng hạn hán không kém Phi Châu. Vì thế những ai hân hạnh được sống nơi nào mà có đầy đủ tiện nghi vật chất, nên dùng nước thật tiết kiệm. Có nhiều người thấy có nước là cứ tha hồ giặt, tắm một cách phung phí mà không biết rằng có những nơi cần nước nhiều hơn chúng ta nữa. Trong giới luật Đức Phật cũng dạy rằng: “Không nên xài nước một cách phung phí.” Vì nước và không khí là những món cần thiết hơn là các loại ngọc ngà châu báu. Người ta không ăn trong vòng một tháng không chết, nhưng nếu không uống nước trong vòng một tuần thì sẽ bị chết khát. Đức Phật há chẳng dạy “là người Phật tử, lúc giàu có nên nghĩ đến lúc mình nghèo nàn, lúc vui sướng nên nghĩ đến khi khổ cực, lúc trẻ nên nghĩ đến khi già v.v...”

Giữa Sydney và Perth có 2 giờ khác nhau. Ví dụ như ở Sydney là 10 giờ thì ở Adelaide là 9 giờ rưỡi và ở Perth là 8 giờ. So với giờ quốc tế thì nước Úc cách xa Anh từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ ở một ngày khác và cách xa New York cũng từ 9 đến 10 tiếng đồng hồ cùng ngày. Như vậy Úc Châu nằm giữa Âu Châu và Mỹ Châu, tính thời điểm qua ngả Á Châu và nằm ngang hàng với Nam Phi cũng như Nam Mỹ Châu tính từ Nam Bán cầu vậy.

Về khí hậu như đã trình bày ở trên, thời điểm nóng nhất là vào cuối tháng 12 và tháng giêng. Nhiệt độ thấp nhất vào tháng 6 và tháng 7. Nhiệt độ trung bình từ 20 độ đến 25 độ C. Chỉ có Canberra về mùa Đông, nhiệt độ có thể xuống đến âm 11 độ C. Nghe đâu có vài vùng vào đông cũng có tuyết như đảo Tasmania chẳng hạn.

Úc là nước di dân gồm đủ loại người đến sinh sống ở đó. Mỗi dân tộc đều có một ngôn ngữ riêng được bảo vệ và duy trì. Tuy nhiên, tiếng Anh là ngôn ngữ chính của mọi người, mọi nơi và mọi trường hợp. Nếu đến tạm cư hoặc du lịch tại Úc mà không biết tiếng Anh cũng như đi Nhật mà không biết tiếng Nhật thì gặp không ít khó khăn vậy. Nếu chỉ biết tiếng mẹ đẻ của mình, không đủ giao tiếp với người khác. Tiếng Tàu có hơn 1 tỷ người trên thế giới dùng đến hằng ngày nhưng không phải là ngôn ngữ được mọi người biết đến ở Úc. Ngược lại, tiếng Anh hay tiếng Mỹ là một ngôn ngữ khoảng chừng 400-500 triệu người nói hằng ngày, nhưng có thể gọi là tiếng nói của thế giới. Vì tất cả các văn thư ngoại giao, thương mại v.v... ngày nay đều dùng tiếng Anh để chuyển đạt ý niệm đến mọi người. Tiếng Pháp cũng là tiếng ngoại giao nhưng không được thông dụng mấy. Còn tiếng Đức vẫn còn khó khăn hơn cả tiếng Nhật nữa để có thể trong tương lai trở thành tiếng nói chung của mọi người. Nhưng dầu sao đi chăng nữa ngôn ngữ vẫn là “cửa sổ của tâm hồn” trong vấn đề truyền đạt tư tưởng của mình đến người đối diện, hoặc của một dân tộc đến một dân tộc, nên quan trọng lắm.

Đa số người Úc theo Thiên Chúa Giáo. Ngoài ra họ còn theo Tin Lành, Hồi Giáo, Phật giáo và các đạo khác nữa. Do đó có thể nói rằng xứ Úc là một xứ đa văn hóa vậy.

Nếu ở Úc không có người quen, khách đi du lịch phải tìm những khách sạn và nơi trú ngụ trong thời gian ở lại. Việc này có thể lo trước khi đến Úc. Nếu không, đến tại phi trường quốc tế ở Sydney lo cũng chẳng muộn. Vì ở đây sẽ có đủ mọi loại ngôn ngữ để hướng dẫn người du lịch và cũng đủ các dịch vụ cần thiết phục vụ cho một người mới vừa đặt chân đến nước Úc trong lúc ngỡ ngàng.

Những khách du lịch đi từ Âu Châu sang Úc Châu khỏi chích ngừa các loại như dịch tả hoặc đậu mùa, sốt rét, nhưng một vài nước Á Châu, Trung Âu và Phi Châu phải chích ngừa trước khi đến nước này. Bất cứ một chiếc máy bay nào từ ngoại quốc bay vào Úc cũng đều phải dừng tại phi cảng Melbourne trước. Đến đó, tất cả mọi khách lữ hành đều phải xuống tàu để làm thủ tục kiểm soát của sở y tế. Đầu tiên mọi người ngồi yên trên máy bay, các nhân viên y tế đến xịt một loại thuốc khử trùng có mùi hôi khó chịu vào toàn chiếc máy bay, sau đó mới cho tất cả rời tàu. Có những người không quen, thấy cảnh này đâm ra khó chịu. Nhưng đó là luật định của chính phủ, riết rồi cũng phải quen thôi. Vì “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”.

Đến Úc, điều đặc biệt là không nên mang thức ăn và cây cối vào đây. Thức ăn được kiểm soát một cách khá chặt chẽ tại phi trường và cây cối tuyệt nhiên không được mang vào. Tuy nhiên những loại cây nào đã được sự duyệt xét và cho phép của Tòa Đại Sứ Úc tại nước mình ở thì có thể mang vào một cách tự do. Thú vật cũng kiểm soát theo cách như vậy, nghĩa là thú vật mang theo người phải có sự cho phép của Bộ y tế địa phương và được sự đồng ý của Tòa Đại Sứ Úc sở tại. Có nhiều người nghĩ, người Âu Châu hay Úc Châu thường hay yêu mến chó mèo, nhưng ở phi trường, luật là luật chứ không có gì thay đổi cả.

Tôi nhớ có lần sang Úc thấy mấy bà mang trầu cau và bánh in theo, có giải thích cách mấy nhân viên thuế quan vẫn ném những thứ này vào thùng rác tại phi trường. Người mang những vật ấy cảm thấy đau lòng. Vì qua một chặng đường dài mấy mươi ngàn cây số đã đi qua được, đến đây, chỉ còn cửa ải cuối cùng nữa mà không qua được, nên sanh tâm nuối tiếc vô ngần.

Viết đến đây tôi nhớ lại một chuyện vui vui. Có nhiều người Phật tử đi chùa lâu năm nhưng không chịu quy y Tam Bảo. Có thể có nhiều lý do khác nhau. Hoặc giả họ chưa hiểu ý nghĩa của việc quy y là gì. Mặt khác, có người nghĩ chuyện quy y không cần thiết lắm... hoặc còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng tựu chung quy y cũng như một điều kiện ắt có và đủ để qua khỏi cửa ải sanh tử luân hồi. Nếu ai chưa quy y thì cũng giống như những khách lữ hành kia chưa qua được đoạn đường cuối của cuộc đời vậy. Có người bảo “Con qua được nước Cực Lạc rồi con sẽ làm giấy bảo lãnh cho chồng con hoặc vợ của con sang luôn.” Nhưng muốn bảo lãnh cũng phải có giấy tờ chứng minh chứ. Nếu khi Đức Phật Di Đà hoặc các Ngài Quan Âm, Thế Chí hỏi chứng điệp quy y và học tập giáo lý ở đâu, không có, thì có lẽ phải hồi nhập Ta Bà trong nhiều kiếp nữa, đợi bao giờ có giấy tờ chính thức mới được sanh lên chín phẩm liên hoa. Ở thế gian này mà còn nhiều hình thức khó khăn như vậy, huống gì là ở những cảnh giới của xuất thế gian. Vậy ai đã là Phật tử, nên cố gắng lưu tâm về việc này.

Đồng bào Việt Nam ngày nay tỵ nạn tại Úc độ chừng 90.000 người. Sydney là một thành phố mà đa số người Việt mình sinh sống đông nhất. Có thể nói con số lên đến 30.000 người. Kế đó là Melbourne 20.000 đến 25.000 người. Adelaide 8.000-10.000 người. Brisbane 7.000-8.000 người. Ngoài ra, đồng bào tỵ nạn mình còn ở các nơi như Perth, Darwin, Cairns, Townsville v.v... Người mình hay thích khí hậu vùng biển, ít thấy ai thích khí hậu sa mạc hoặc những vùng đất khô cằn bên trong lục địa của Úc.

Mỗi tiểu bang của Úc đều có nét đặc thù riêng của nó, nhưng vì bài viết có hạn định, do đó chúng tôi không thể giới thiệu hết từng chi tiết đến quý độc giả được. Nếu quý vị muốn biết rõ ràng hơn nên tìm hiểu ở Tòa Đại Sứ Úc nơi mình cư ngụ hoặc qua các sách báo tại các trung tâm văn hóa Úc thì tốt hơn.

Trên đây là một vài khái niệm tổng quát về nước Úc. Mong rằng nó sẽ giúp được quý độc giả ở xa có một cái nhìn tổng quát về những điều muốn biết về xứ người. Hy vọng có nhiều người hiểu biết hơn chỉ giúp cho những phần thiếu sót.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nắng mới bên thềm xuân


Phát tâm Bồ-đề


Nguyên lý duyên khởi


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.181.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...