Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 15. Những ngôi chùa xứ Huế »»

Đường Không Biên Giới
»» 15. Những ngôi chùa xứ Huế

(Lượt xem: 2.016)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 15. Những ngôi chùa xứ Huế

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sống ở ngoại quốc nhiều năm mới thấy được cái lạnh buốt và sự trống trải của tâm hồn. Người thế gian còn có những trò chơi giải trí, hoặc du lịch nghỉ hè để choán bớt những khoảng trống đó, nhưng đôi khi còn chưa hết trống được. Kẻ được tôn xưng là Trưởng tử Như Lai, “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, họ sẽ làm gì trong một thế giới khác lạ và cuộc sống xô bồ hỗn độn này?

Ở đâu và thời buổi nào họ cũng phải có bổn phận “thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân”, để cho bên ngoài hạt giống giác ngộ được đâm chồi nảy lộc và bên trong chấn nhiếp tất cả não loạn của nội tâm, dầu là một vi trần đang dấy động.

Tục ngữ Việt nam có câu: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn.” Tô canh cần thiết đối với bữa cơm như thế nào thì người tu hành cũng cần có những người bạn hiểu đạo và cùng lý tưởng để sách tấn nhau tu hành và phụng sự cho đạo như thế ấy.

Nhìn cảnh chùa chiền ngày nay tại ngoại quốc không phải là cảnh “nhất Tăng nhất tự” mà thậm chí là “nhất Tăng đa tự”, một thầy kiêm nhiệm cả ba, bốn chùa chứ không phải chỉ một chùa. Do đó thì giờ đã không có, lại còn có nhiều việc hơn nữa phải làm.

Nhân việc đi giảng nhiều nơi cũng như tại chùa Viên Giác, tôi có trình bày về thực trạng trên của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại ngày nay, nên có người đã phát tâm xuất gia, có người đang và sẽ khoác lên mình màu áo giải thoát, cho hoa giác ngộ được nở khắp muôn phương, để sen trong đầm và trong tâm hồn còn có cơ khoe sắc thắm, cảm niệm ân đức của Tam Bảo và nghĩ đến “Thánh chủng” của Như Lai đã, đang và sẽ đâm chồi nảy lộc nơi xứ trời Âu giá buốt này một ngày không xa.

Khi đói người ta có thể tìm cách no lòng bằng cơm, canh, bằng kẹo bánh v.v... Nhưng khi tâm hồn bị trống rỗng, người ta biết nương tựa vào đâu, nếu không có một ngôi chùa, không có một vị thầy khả kính để hướng dẫn Phật tử.

So sánh cảnh chùa ở ngoại quốc ngày nay với cảnh quê hương qua xứ Huế êm đềm thơ mộng, có sông Hương, núi Ngự, có hoàng cung biệt điện, có đền miếu chùa chiền, để nhớ thương về trong dĩ vãng.

Quê hương ta vẫn còn đó, đạo pháp ta muôn đời bất diệt, nhưng không biết ngày tháng dần trôi, chốn thần kinh kia, nơi có núi đồi trùng điệp, có chùa tháp hằng hà, có bị tang thương biến đổi như chốn ngự triều kia trải qua bao cuộc đổi thay dâu biển chăng? Có sinh thì có diệt, có đến phải có đi. Khi hiểu được luật vô thường của tạo hóa, chắc ta cũng không tiếc gì cả, chỉ tự thương cho dân tộc mình quá điêu linh thống khổ. Tất cả đã mất mát, chỉ còn một chút tinh thần, để hiến dâng cho quê hương và sông núi, nhưng cũng không được trọn vẹn.

Trở lại với tình tự dân tộc qua mấy câu ca dao:

“Học trò xứ Quảng ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”

Điều này chỉ đúng với một giai đoạn lịch sử nào đó, khi mà người con gái Huế còn sống trong cảnh thanh bình gần nơi quan quyền vua chúa. Còn bây giờ thì sao? Chắc lòng dạ của người Huế vẫn còn đẹp, nhưng người xưa không còn nữa. Nếu có còn chăng, chỉ nghe thoang thoảng đâu đây:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.”

Tiếng chuông u minh vào hai thời công phu sáng tối đã thức tỉnh lòng người âm cũng như kẻ dương và nguyện cầu cho bao vạn sinh linh được siêu thoát.

Huế đẹp lắm, Huế có chùa Thiên Mụ, có chuông Diệu Đế, có dốc Nam Giao, có lăng tẩm của các vua triều Nguyễn và bến Vân Lâu v.v...

Nếu ai đó có lần đi ngược dòng sông Hương để lên miền núi Ngự, bên tả ngạn của con sông hữu tình này sẽ thấy một ngôi chùa đã được dựng lên gần 4 thế kỷ. Các bậc thang cấp chạy dọc từ bến sông lên tận hai gác chuông và trống cao ngất tận trời xanh. Đến bên trên sân trước, khách thập phương nhìn thấy một ngôi tháp 7 tầng xây theo lối kiến trúc cổ hình lục giác bằng gạch. Hình lục giác có lẽ tượng trưng cho “Lục tự Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây phương”. Bên trong ngôi tháp cổ ấy, khách thập phương chiêm ngưỡng được pháp thân của Chư Phật trong quá khứ. Bước thêm lên mấy chục nấc thang nữa sẽ gặp ngay các vị Hộ Pháp đứng hai bên để bảo hộ người hiền cũng như trừng trị những người phá đạo. Hai bên là 2 dãy lầu chuông, trống. Đây là quả chuông có giá trị lịch sử lâu đời, nghe đâu nặng đến mấy ngàn cân và mỗi lần gióng lên, tiếng chuông vang dội đến mãi bên làng Thọ Xương vẫn còn âm hưởng. Tiến vào sâu bên trong, khách thập phương phải qua một hoa viên với đầy đủ những loại hoa thơm cỏ lạ của chốn thần kinh. Nào hoa sứ, hoa sung, hoa bưởi, hoa lài, hoa bìm bịp... tạo nên một mùi thơm kỳ diệu nơi chốn thiền môn u tịch, khiến khách nhàn du như chợt liên tưởng đến mùi hương của hoa Ưu Bát La từ ngàn xưa vẫn còn lan tỏa.

Tiền đường của chùa Thiên Mụ cũng còn gọi là Thiêu Hương Điện, nơi có một lư hương thật lớn để khách thập phương lễ bái dâng hương trước khi vào Phật điện. Bên cạnh đó có thờ tôn tượng đức Từ Thị Di Lặc Phật bằng đồng đen với nụ cười hoan hỷ, như thầm nhủ với khách trần tục rằng: Vào đến nơi đây, từ nội tâm cho đến ngoại cảnh đều phải dứt bỏ hết. Chỉ còn lại một nụ cười hé mở trên môi để hiến dâng lên đấng Điều Ngự.

Khách thập phương muốn vào chánh điện phải qua hai dãy Đông Tây đường ở hai bên rồi mới có thể cung kính, nhẹ nhàng đến sụp lạy trước tôn tượng của Đức Bổn Sư đã bao ngàn năm giáng thế. Nhờ phép Phật nhiệm mầu nên đã cảm hóa được các bậc Nhân Vương Hộ Quốc như chúa Nguyễn và các vua đầu đời nhà Nguyễn, mới xây dựng được ngôi chùa này qua lời báo mộng của một người đàn bà, nên chùa này sau khi xây xong đặt tên là Linh Mụ hay Thiên Mụ.

Phía sau chánh điện là Hậu tổ và sau nữa có Quan Âm Các. Ngày xưa Thúc Sinh đã xây Quán Âm Các cho nàng Kiều để nàng vào đó tu hành, chép kinh ghi sử, không biết rộng được bao nhiêu mkhiến cho Hoạn Thư phải ghen tương và cuối cùng vì ni cô Trạc Tuyền không còn giữ được chữ nhẫn để phải ôm chuông vàng khánh bạc trốn khỏi nơi đây? Nhưng rồi nghiệp ấy cũng không khỏi. Có lẽ vì Quan Âm Các ấy quá nhỏ chăng, nên không đủ để dung chứa 3 tâm hồn, 3 mối tình đã đến thời kỳ náo loạn? Còn ở đây, Quan Âm Các của chùa Linh Mụ rất nguy nga và tráng lệ. Không biết ngày xưa có nàng công chúa nào vào đây tu không, không thấy sử sách nào nhắc tới, nhưng chắc chắn rằng phải có sự giúp đỡ của các bậc quân vương triều Nguyễn, chùa Linh Mụ và Quan Âm Các mới nguy nga tráng lệ như thế này.

Ngày xưa các vua chúa hay phong cho các vị trụ trì là Tăng cang hoặc phong sắc tứ cho chùa. Có thể vì chùa đó thuộc về quốc bảo của đất nước, hoặc giả nơi đó có các bậc danh tăng, hay có vị công tôn vương tử nào đó vào đây tu chẳng hạn. Ví dụ như chùa Tam Thai ở núi Non Nước thuộc Đà Nẵng có một nàng công chúa con vua Minh Mạng vào đấy tu và chùa này được triều Nguyễn bảo hộ mãi cho đến những năm tháng sau này.

Đến Linh Mụ để lễ Phật, ngắm hoa, rồi đến khi đói dạ, khách thập phương có thể đến nhà trù để gặp quý vị tịnh nhân mà thưởng thức món tương chay chấm với trái vả cùng cơm hẩm. Ngon làm sao lạ, cơm Thiên Mụ có lẽ ngon hơn cơm Âm Phủ ở gần thành nội nhiều. Ăn cơm Thiên Mụ dễ đi lên, vì cơm chay thanh tịnh, nhưng cơm Âm Phủ chỉ có khách phù tang mới dám mời, còn các vị chân tăng chắc không bao giờ đặt chân đến đó.

Tại Huế, ngoài chùa Linh Mụ ra còn có các chùa nổi tiếng như chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, chùa Tây Thiên, chùa Báo Quốc, chùa Tường Vân, chùa Kim Tiên v.v... Chùa Từ Đàm, đã có lần Thượng Tọa Thích Tín Nghĩa giới thiệu sơ lược về lịch sử trong một số báo Viên Giác nào đó và sau này, năm 1963 Từ Đàm là nơi phát xuất công cuộc tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo. Từ đó “Từ Đàm quê hương tôi” lại vang vọng cả bốn phương trời, khắp Trung Nam Bắc rồi lan dần qua các xứ tự do và ngay cả nước Cộng sản thuở bấy giờ.

Chùa Tường Vân là nơi di dưỡng pháp thân của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. So với lịch sử Phật giáo Việt Nam, kể từ khi vua Đinh Tiên Hoàng phong cho Khuông Việt Thái Sư năm 981 là vị Tăng Thống đầu tiên của nước Việt, Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết là đời thứ mấy, không thấy lịch sử ghi chép, vì những thế kỷ sau này không có chức Tăng Thống mà chỉ có Quốc Sư do vua ban, nhưng ở hậu bán thế kỷ 20 này chắc chắn Ngài là vị Tăng Thống đầu tiên vậy.

Chùa Tường Vân có cách kiến trúc cũng giống hệt như chùa Vạn Đức và Chúc Thánh tại Quảng Nam, như đã giới thiệu với quý vị phần trước. Có lẽ ngày xưa các vị Tổ đều cùng một quan điểm và ý niệm như nhau, nên dù xa từ Quảng Nam ra Huế hàng mấy trăm cây số vẫn có kiến trúc giống nhau, mặc dầu lúc bấy giờ, 400 năm về trước, hẳn là phương tiện giao thông không dễ dàng như ngày nay.

Chùa Tây Thiên có Ôn Tây Thiên sống lâu trường thọ. Các Ôn ngoài Huế thường sống từ 80 đến 113 tuổi là thường. Không biết đất Huế có gì đặc biệt? Hay người Huế có vẻ chân tu hơn những miền khác của đất nước? Có phải Huế nhờ gió mát sông Hương hoặc nhờ vào vị thế của các núi có hình long, lân, quy, phụng? Câu trả lời xin dành cho các bậc chân tăng xuất thân từ đấy và cũng là một đề tài để Phật tử giảo nghiệm.

Chùa Tây Thiên là tiền thân của Phật Học Viện Tây Thiên mà các Ôn như Ôn Trí Thủ, Ôn Đôn Hậu v.v... đã có thời tòng học tại đó.

Chùa này nằm xa thành phố Huế hàng mấy chục cây số. Đúng là một chốn tùng lâm, hay trúc lâm thì đúng hơn, vì ở đấy có trồng nhiều cây trúc.

Chùa Báo Quốc, cũng gọi là Phật Học Viện Báo Quốc, nơi đã đào tạo biết bao nhiêu chân tăng tài đức của nước nhà, như Hòa Thượng Thích Thiện Hòa (Phó Tăng Thống), Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (Cố Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất) v.v... Và còn rất nhiều vị cao tăng lỗi lạc khác đang sống tại quốc nội cũng như hải ngoại ngày nay, cũng được đào tạo từ Phật Học Viện này.

Phật Học Viện Báo Quốc chung quanh vườn trồng thật nhiều trà và phong cảnh nơi đây thật thơ mộng hữu tình, có thông reo vi vút và gió mát thổi quanh năm...

***

Cứ mỗi năm đến ngày Phật Đản thành phố Huế như sống lại sau một thời gian lãng quên của tạo vật bởi những rừng cờ Phật giáo treo tại tư gia cũng như trong các chốn Già Lam. Những xe hoa được kết thành bởi các bông sứ, bông vạn thọ, bông huệ, bông lan v.v... đủ màu đủ sắc và tạo nên những hình giả cũng như những hình thật về cuộc đời của Đức Phật để cúng dường ngày đản sanh của đấng Điều Ngự Bổn Sư. Những xe hoa này chạy qua các đường lớn của thành phố, nhiều khi còn chạy vào đến tận Đà Nẵng hoặc Hội An để cổ võ tinh thần của đồng bào Phật tử. Khách thập phương về chùa sẽ được các o, các mệ nói chuyện “bên ni bên tê” và tiếp đãi thật nồng nàn.

Quý Ôn, quý Thầy bận rộn trong những nghi lễ, các buổi giảng kinh, thuyết pháp... Chùa nào chùa nấy cũng khói trầm nghi ngút, quyện tỏa vào hư không, dệt nên những đóa tường vân nhiều sắc, tỏa rộng vào không gian, như mang lại những tinh ba thanh khiết cho muôn loại gội nhờ.

Một người nào đó chưa muốn đi chùa, cũng như chưa hiểu giáo lý nhà Phật một cách thâm sâu thì hãy tập nghe giọng tụng kinh Huế của các thầy và của các sư cô, hẳn sẽ muốn đi tu liền, vì nó thanh thoát hồn nhiên, trang nghiêm và đài các như chốn lầu son gác tía của tam cung lục viện ở hoàng triều.

Bến Vân Lâu, nơi ngồi câu cá của nhà cách mạng trí sĩ Phan Bội Châu vẫn còn đấy, một con người luôn luôn lo cho dân cho nước. Sau bao nhiêu năm bôn ba tại hải ngoại, hết Đông Kinh tới Thượng Hải hoặc Hương Cảng cũng chỉ nhằm có một điều là làm sao đưa dân tộc và nước nhà ra khỏi ách thống trị của thực dân.

Huế có các đại học đời cũng như Đạo, có nơi cao thượng cũng có chốn bình khang. Ai cao thượng thì hãy vào chùa để nghe những lời giáo huấn. Ai muốn ngâm thơ vịnh nguyệt đã có mấy mái đò thả dọc trên bến sông Hương. Ôi! Thanh nhàn một thuở nay còn đâu!

Miền Nam có tiếng là trái cây ngon nhất nước, nhưng nhãn lồng của Bình Dương làm sao so được với vị ngọt của nhãn lồng thành nội ở đây. Món ăn Huế xinh xinh nho nhỏ, nhưng thật thắm giọng mặn mà, giống như người Huế trong câu ca muôn thuở.

Người đàn bà Huế rất lịch sự và lễ phép, khi ra khỏi nhà luôn luôn mặc áo dài, mà các xứ miền Trung, miệt trong hay miệt ngoài đều ít thấy được. Dầu đi chùa, đi chợ, đi làm ruộng, chèo đò hay bất cứ đi đâu, người đàn bà Huế vẫn không rời chiếc áo dài. Có lẽ đó là một thói quen đã trở thành một nề nếp đẹp.

Người đàn ông xứ Huế có lẽ siêng năng, cần mẫn chịu khó như những người đàn ông của các miền xứ Quảng, nhưng nho nhã hơn, vì sống gần nơi cung vua và được đào tạo nên bởi chốn hoàng triều ấy.

Viết về Huế nhưng không sống tại Huế thì không thể tả hết những cái hay cái đẹp của xứ này. Mong rằng những ai là người sinh trưởng từ chốn thần kinh hãy bổ túc thêm cho những phần thiếu sót.

Hôm nay trong mùa An Cư Kiết Hạ nơi đây, tâm hồn tôi cảm thấy yên tĩnh lạ thường sau những giờ phút ngồi thiền, tụng kinh lễ Phật, xin viết và gởi về Huế một vài ý nghĩ trên, để dâng lên Tam Bảo chứng minh cho một tấm lòng, dầu xa quê hương suốt bao nhiêu năm tháng nhưng vẫn vọng trông về cố quốc. Nguyện cầu cho đất nước sớm thanh bình, nhân dân an lạc. Và cầu nguyện cho loài người đừng cố gieo rắc hận thù thêm nữa, để Huế nói riêng và nước Việt nói chung muôn hoa đua nở tỏa ngát hương thơm đây đó như hoa Ưu Bát La kia vẫn còn ngự trị trong lòng người Phật tử, tượng trưng cho tình thương cao thượng của Đấng Thiên Nhơn Sư trong chốn nhân quần.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.82.3.33 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (118 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...