München có chùa Tây Tạng đã thành lập hơn 20 năm rồi. Chùa này không có vị sư nào trù trì cả, chỉ có mấy người Mông Cổ ở đây để lo nhang khói, phụng thờ. Và trong tháng 10 năm 82 khi Đức Đạt Lai Đạt Ma ghé thăm nước Đức, Ngài đã dừng chân tại chùa này để thăm viếng Phật tử trong vùng. Có một điều hơi lạ, ít ai để ý đến danh từ “München” được biến thể từ danh từ “Mönch” có nghĩa là tu sĩ (có thể là Phật giáo, Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo), nhưng danh từ “Mönch” thường được dùng để chỉ cho những vị tu sĩ Phật giáo nhiều hơn. Cảnh trí ở đây rất đẹp, nhưng nhân tình ở đây cũng hơi khác biệt, chẳng khác nào người Nhật với hoa Anh Đào. Hoa Anh Đào rất đẹp, rất quý nhưng không tỏa một chút hương thơm, người Nhật cũng rất là sang trọng, lễ phép, lịch sự, nhưng chỉ bề ngoài thôi chứ trong thâm tâm họ lại khác.
Rời München bạn có thể lên Stuttgart để xem thành phố chìm ngập trong một thung lũng thật hữu tình.
Tại đây có một trung tâm kiểu mẫu của người Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1981, lấy tên là Trung Tâm Độc Lập. Trung Tâm phục vụ người tỵ nạn Cộng sản Đông Dương sớm hội nhập vào đời sống mới tại Tây Đức. Hướng dẫn mọi điều mọi việc cho đồng bào khi mới đến Tây Đức. Đây là một Trung Tâm được hỗ trợ bởi chính quyền cũng như những cơ quan từ thiện xã hội Tây Đức. Trong thời gian gần 2 năm qua, Trung Tâm đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Trung Tâm còn mãi với thời gian, với đồng bào để đóng góp phần mình trong công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa của người Việt Nam tại Tây Đức nói riêng và hải ngoại nói chung.
Bonn là thủ đô của Tây Đức, nhưng tại vùng này có rất ít người Việt Nam cư ngụ. Vùng nhiều nhất phải nói là vùng thuộc tiểu bang Nordrhein Westfallen như Bochum, Dortmund, Köln, Aachen v.v... quy tụ ít nhất là 5.000 - 6.000 ngàn người Việt tỵ nạn. Nhưng tại đây cũng chưa có một ngôi chùa hay Niệm Phật Đường của người Việt Nam, kể cả những người Đức cũng không có nữa. Quả là một điều thiếu sót, nhưng trong tương lai gần, vùng này sẽ được những vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo chiếu cố nhiều hơn.
Nước Đức là thế đó, người Đức là vậy đó, chúng tôi đã kể cho các bạn và quý vị nghe qua nhiều rồi. Hy vọng trong tương lai có cơ hội chúng tôi sẽ trở lại một lần nữa để giới thiệu cho những vị ở xa nhiều cái hay, cái đẹp, những điều mới lạ ở xứ này.
Ngoài ra ở Đức phải nói có nhiều Hội Đoàn Việt Nam nhất trên thế giới. Mỗi một địa phương là một Hội Đoàn, có khi địa phương lớn có 5 hay 6 Hội Đoàn. Vào thời điểm sau 1975, tại Tây Đức có ít nhất là 50 đến 70 Hội Đoàn xuất hiện và khoảng 30 - 40 tờ báo cũng có mặt khắp nơi, nhưng trải qua bao cơn phong ba bão táp với thời gian, với sự nắng mưa dãi dầu của năm tháng, ngày nay trên nước Đức chỉ còn có 3 tờ ra với tính cách định kỳ và ba, bốn tờ ra không định kỳ. Đó là tờ Độc Lập, ra rất đúng kỳ hạn, hằng tháng, tờ Viên Giác ra mỗi 2 tháng một lần. Tờ Sự Thật của Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, tờ Khởi Hành v.v... hoặc một vài tờ báo khác, có tính cách chính trị, thời sự như Nhân Quyền v.v... vẫn còn tiếp tục, nhưng không có tính cách đều đặn. Lý do chính vẫn là tài chánh và nhân sự. Thật ra trình độ, khả năng của người Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên thế giới vốn có thừa. Mong rằng với năm tháng ở hải ngoại, nhất là ở tại Đức, đồng bào Việt Nam chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn về khía cạnh này.
Người Việt Nam của chúng ta được cái phước là “tái sanh” vào nước Đức. Chuyện gì cũng đã có chính quyền và các bộ liên hệ lo, chúng ta chỉ có bổn phận thực thi những điều kiện đó và làm tròn bổn phận của mình thôi. Nhưng nếu không làm được những điều đó, dù có lên được thế giới Cực Lạc chắc Đức Phật A Di Đà cũng cho về lại thế giới Ta Bà một thời gian nữa để tu nghiệp! Chừng nào công đã thành, quả đã mãn mới được diện kiến Đức Di Đà lại lần thứ hai vậy.
Ở Á châu tôi chọn Nhật Bản để học hành, làm việc. Vì sao vậy? Vì người Nhật Bản cần cù, chăm chỉ, biết kính trên nhường dưới, còn người Việt Nam mình ít biết kính nhường nhau, không nên học ở người Việt Nam điểm này. Nếu ở Âu Châu tôi sẽ chọn Đức để học về Giáo Dục và Luật Pháp. Vì người dân ở đây đa số ý thức được trách nhiệm của mình, làm việc chăm chỉ, tánh tình hiền hòa, chỉ hơi lạnh nhạt và tò mò chút thôi! Ngoài ra những lãnh vực khác khá tốt đẹp so với người Việt Nam.
Người Việt Nam chúng ta cá nhân thì có rất nhiều người giỏi, nhưng đoàn thể của mình ở tại ngoại quốc chắc chắn là thua những đoàn thể khác như Do Thái, Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản một cách hiển nhiên, ngoại trừ những đoàn thể tôn giáo, như Phật giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài v.v...
Bởi thế người ta thường hay nói rằng: “Nếu người làm tôn giáo không biết đến chính trị cũng không sao, nhưng làm chính trị mà không có tôn giáo trong mình, quả như con sư tử có lòng mà không có dạ vậy!”