Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chương VI: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn »»
Trần Thừa sanh ra Trần Liễu và Trần Cảnh. Vì lúc nhỏ Trần Cảnh hay theo cha vào cung, nên Trần Cảnh hay nô đùa chơi giỡn với Lý Chiêu Hoàng. Đây là hình ảnh mà Trần Thủ Độ thấy cũng rất hợp với ý của mình và ông mong rằng tương lai ngôi vua không còn lệ thuộc nơi Nhà Lý nữa, mà phải chuyển sang Nhà Trần, thì Trần Cảnh chính là đích đến mà ông đã nhắm. Ngày lại tháng qua Trần Thủ Độ tạo ra không biết bao nhiêu cơ hội để cho hai đứa trẻ đùa nghịch chơi giỡn với nhau cho đến lúc lên 7 lên 8 tuổi. Thế rồi ông tìm đủ mọi cách cho hai người chơi chung với nhau bằng những trò chơi con nít thân mật hơn và họ phao tin với nhau rằng Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng đã thành thân với nhau và đây là cái cớ để cho Trần Thủ Độ vịn vào và làm ông mai để dựng nên việc chồng vợ giữa hai triều đại khác nhau. Lý Chiêu Hoàng chỉ làm vua được 2 năm, từ năm 1224 đến 1226, thì bị truất phế và nhường ngôi cho Trần Cảnh. Khi Trần Cảnh lên làm vua, ông ta xưng đế hiệu là Trần Thái Tông, nhưng mọi việc quyền bính trong triều đình đều do một tay của Thái Sư Trần Thủ Độ lo toan cả. Ngày qua ngày nhưng không thấy Chiêu Hoàng sinh con đầu lòng để nối ngôi, nên ông mới lo. Thật sự ra thì Chiêu Hoàng có sinh một đứa con trai đầu lòng với Trần Cảnh, nhưng đứa bé bị chết yểu chứ nếu nói Chiêu Hoàng không có con thì không đúng, sau này bà tái giá vẫn sinh cả con trai và con gái như thường. Ngày xưa khi hai vợ chồng không con cái thường thường cái lỗi ấy người vợ phải lãnh đủ, nhưng ngày nay khi khoa học đã tiến bộ thì việc không sinh sản được cũng bị ảnh hưởng bởi người đàn ông nữa.
Thủ Độ thấy không xong, nhân thấy vợ Trần Liễu đang mang thai 3 tháng, nên ông ép Trần Cảnh phải bỏ Lý Chiêu Hoàng để lấy chị dâu của mình, để có người nối dõi Trần triều. Dầu sau này Trần Thái Tông đã có Trần Thánh Tông nối ngôi, nhưng cái oan ấy Trần Liễu phải đổ thừa cho ai đây. Cho nên Trần Liễu muốn báo thù và việc này phải là trách nhiệm của những người con của mình, đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Vũ Thành Vương Doãn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Cảm Hoàng hậu. Đây là 4 người con tuyệt vời của Trần Liễu và ông đã mất năm 1251. Trần Liễu đã lộ ý chí phục thù rõ nét trong việc ông chuẩn bị tương lai cho người con thứ của ông là Trần Quốc Tuấn (1226-1300). Khi Quốc Tuấn mới sinh ra, một Thầy tướng tiên đoán rằng: “Người này ngày sau có thể giúp đời”. Đến khi Quốc Tuấn lớn lên, Trần Liễu tìm rước những người tài giỏi về dạy cho Quốc Tuấn. Lúc sắp mất Trần Liễu trối trăn với Quốc Tuấn tâm sự của mình và nói rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.” Trần Quốc Tuấn ghi nhận di huấn của cha, nhưng không có phản ứng cụ thể nào. Vì sao vậy?
Vì nghĩ cho cùng thì có tranh giành ngôi vua của Thánh Tông, cũng là anh em chú bác với mình, điều ấy Trần Quốc Tuấn đâu có muốn. Theo lời trăn trối thì có lẽ Trần Liễu nghĩ rằng ngôi vua của Nhà Trần phải thuộc về Trần Liễu, chứ không thể là Trần Cảnh được. Vì Trần Cảnh không có gì đặc biệt hơn Trần Liễu. Nếu có chăng, chẳng qua là do cơ may Trần Cảnh đã làm thân với Lý Chiêu Hoàng và những cơ mưu của Trần Thủ Độ sắp đặt, chứ thực ra công cán của Nhà Trần đều do phía Trần Liễu chứ không phải bên phía Trần Cảnh. Trần Cảnh chỉ nhờ cái phước đón hờ mà nên danh phận, còn ông mới chính là người có công trong việc an bang tế thế này. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ mãi chẳng biết sao.
Năm 1282 Hốt Tất Liệt sai Toa Đô cầm quân theo đường biển xuống đánh Chiêm Thành và dòm ngó Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông liền họp các Vương hầu và tướng lãnh ở Bình Than thuộc Chí Linh, Hải Dương để tìm kế chống quân Nguyên. Cuối năm sau (1283) Trần Nhân Tông bổ nhiệm Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công, Tiết Chế thống lĩnh chư quân. Năm 1284 Hốt Tất Liệt sai một cánh quân khác do Thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan tiến xuống bằng đường bộ, nhắm trực chỉ Đại Việt. Trong khi đó Toa Đô ở phía Nam (Chiêm Thành) đánh bọc lên. Đây là lần thứ hai quân Nguyên sang xâm lăng nước ta (1284-1285). Được tin này nhà Vua ra lệnh Trần Quốc Tuấn tổ chức cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu (bến Đông Tân sông Hồng ngày nay) chuẩn bị chống xâm lăng.
Nhìn sự phong chức tước của Nhân Tông cho Quốc Tuấn là để an ủi cha vợ và cốt ý làm giảm cái thù nhà để lo việc nước. Khi Hưng Đạo chiến đấu, ông ta sẽ dễ quên đi mối thù bên trong mà cha mình là Trần Liễu đã gởi gắm; nhưng nay thì khó phân bua với ai được, vì em gái mình là Thiên Cảm đã là vợ của Thánh Tông rồi. Bây giờ Nhân Tông con Thánh Tông lại là rể của mình, làm sao ông trả thù bằng cách nào đây? Thôi để lo trả nợ nước trước đã, sau đó tình nhà mới nghĩ đến, thì có thể yên thân chăng? Lúc đó Trần Quốc Tuấn chẳng những nắm hết binh quyền trong tay mà ông còn ảnh hưởng rất lớn về chính trị, vì ngoài thế lực bản thân của ông, ông còn là anh ruột của Hoàng Thái Hậu và là cha của Hoàng hậu đương triều. Đây chính là cơ hội thuận tiện để Trần Quốc Tuấn thực hành di mệnh của Phụ thân. Di chúc ấy là mối hận thù và hoài bão lớn lao suốt đời của Trần Liễu đã ấp ủ. Bây giờ Trần Quốc Tuấn phải hành xử như thế nào trong hoàn cảnh này đây?
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại rằng khi quân Nguyên sang xâm chiếm Đại Việt, Trần Quốc Tuấn lúc đó đã nắm hết uy quyền trong tay, đem di mệnh của Phụ thân hỏi hai người gia nô thân tín và trung thành là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai ông vốn xuất thân nghề làm biển, lặn sâu và lâu dưới nước như rái cá mà không biết mệt. Chính hai ông đã lặn xuống nước và đục lủng thuyền của giặc Nguyên Mông trong cả 2 trận chiến khốc liệt vào năm 1258 và 1288. Cả hai ông đều bộc trực, nên đã trả lời Quốc Tuấn rằng: “Nếu thi hành kế ấy, dù có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại Vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, mà được như người mổ dê tên Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước, chứ không làm sự bất trung, bất hiếu để cầu may.” Quốc Tuấn nghe những lời này cảm động rơi nước mắt.
Người xưa có những tấm gương trung trinh tiết liệt như vậy, nên vua mới nhờ và nước mới thịnh. Nếu ngày nay mà nước nào có được những bậc anh hùng liệt nữ như vậy, thì đất nước sẽ được độc lập tự cường và nở mặt, nở mày với năm châu bốn biển. Người giàu lại muốn giàu thêm, người có quyền lại muốn có quyền thêm, trong khi đó bàn dân thiên hạ lại chịu sự hy sinh to lớn cho đại cuộc nhưng đâu có được bù đắp một việc gì? Cuối cùng rồi cái tham nó cũng sẽ dễ dàng ngự trị, nếu người ấy không biết sự tự chủ của chính mình. Một mặt Hưng Đạo nhớ lời cha dặn năm xưa trước khi nhắm mắt, nhưng mặt khác, khi nghe những người gia nô làm việc trong nhà mình mà còn tâu lên được những lời tâm huyết như vậy, thì ông nỡ lòng nào!
Một lần khác, Trần Quốc Tuấn dò ý con là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn và hỏi như thế này:
“Cổ nhân giàu có cả thiên hạ (ý nói là Vua), để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?”
Quốc Nghiễn thưa rằng: “Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là cùng một họ.”
Trần Quốc Tuấn rất bằng lòng, lại cũng dùng câu trên để hỏi người con thứ ba là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng.
Quốc Tảng hăng hái nói: “Tống Thái Tổ là người làm ruộng, chỉ nhờ gặp được thời vận mà lấy được thiên hạ.”
Trần Quốc Tuấn giận quá, kể tội Quốc Tảng: “Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra.” Ông rút gươm định giết Quốc Tảng, may nhờ Quốc Nghiễn can thiệp, xin tha tội.
Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông 2 lần vào cuối thế kỷ thứ 13 Trần Nhân Tông phong cho Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn làm Khai Quốc Công Thần. Qua câu trần tình với thân phụ mình, chứng tỏ Quốc Nghiễn rất chững chạc, vì ông cũng là con trưởng trong 4 người anh em trai và một em gái, nên cách trả lời như thế không làm cho cha giận. Đúng là tư cách của một bậc khai quốc công thần.
Sau khi hai trận đánh kết thúc vua Thánh Tông và vua Nhân Tông đều có thưởng phạt công minh. Phong cho Trần Quốc Tuấn là Hưng Đạo Đại Vương; Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng được phong làm Tiết Độ Sứ. Tư cách làm nên con người chứ không phải sự giàu có hay quan quyền. Nếu Hưng Đạo Vương không nhờ lời khuyên của Yết Kiêu và Dã Tượng cũng như Quốc Nghiễn thì chắc rằng Hưng Đạo sẽ trả thù mối hận của cha mình là Trần Liễu năm xưa dưới một hình thức khác.
Và cũng nhờ lời nói bộc trực của Quốc Tảng, tuy không phải có ý nói cha mình là kẻ vũ phu, nhưng so sánh như vậy khiến cho Hưng Đạo Vương giận dữ. Tuy nhiên cũng nhờ “trung ngôn nghịch nhĩ” như vậy, nên đã khiến mọi mưu toan trong đầu óc của ông cũng dần quên đi, nhất là khi nghĩ lại làm Đại Vương trong quân ngũ, làm anh của Hoàng hậu và làm Quốc Trượng của Hoàng Đế Nhân Tông đương triều thì triều đình có ai hơn được như thế?
Tháng 12 năm 1258, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan dẫn quân qua ải Chi Lăng, Lạng Sơn, nhắm Thăng Long trực chỉ. Trần Quốc Tuấn lui về Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tông được tin này, dùng thuyền nhỏ qua Hải Đông (Hải Dương), cho người mời Trần Quốc Tuấn đến bảo: “Thế giặc mạnh như vậy, ta hãy chịu hàng để cứu muôn dân.” Trần Quốc Tuấn khẳng khái trả lời rằng: “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng.”
Cả hai câu nói, một của Vua và một của tướng tài. Vua Nhân Tông thể hiện tình thương dân như con ruột của mình, vì nếu có bề nào thì dân chịu khổ trước, Vua Nhân Tông không muốn nhìn thấy cảnh chinh chiến ấy kéo dài, khiến cho mọi người lại bị đói rách lầm than nữa, nên mới thốt ra lời nhân từ nơi cửa miệng của mình như thế. Phàm làm tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phải có cái khí phách của bậc anh hùng, những câu trả lời như thế khiến vua an tâm, vì vua nghĩ rằng: Vẫn còn những người trung với vua và hiếu với nước, dân và quân, vua và tôi lâu nay người ta vẫn ví như cá với nước là vậy. Nếu cá mà không có nước thì làm sao cá có thể sống được, còn nước mà không có cá thì sự hiện hữu của nước ấy không mang lại được một ý nghĩa nào cả, nên trong cái này phải có sự hiện hữu của cái kia và trong cái kia phải có sự hiện hữu của cái này là vậy. Ai hiểu được nguyên tắc này, người ấy sẽ tồn tại mãi mãi trên thế gian này, dầu người đó ngày sau này có đi vào thiên cổ đi chăng nữa.
Quân Nguyên tiến chiếm Thăng Long. Trần Quốc Tuấn rước vua và Thượng hoàng chạy vào Thanh Hóa. Khi đi theo phò tá vua, Trần Quốc Tuấn thường cầm cây gậy bằng gỗ, đầu trượng có cắm mũi sắt nhọn, nên nhiều người liếc mắt trông chừng Trần Quốc Tuấn. Người ta nghi ngờ ông có thể sát hại vua. Ông hiểu ý, bỏ mũi sắt nhọn, chỉ cầm cây trượng gỗ để mọi người yên tâm. Nếu Trần Quốc Tuấn âm mưu lật đổ Nhân Tông và Thượng Hoàng Thánh Tông trong lúc này cũng chẳng được mối lợi gì cả, vì giang sơn gấm vóc đang bị vùi sâu vào máu lửa, cùng với những trận đánh dở sống dở chết với quân Nguyên Mông, nên còn lòng dạ nào mà Trần Quốc Tuấn nỡ đang tâm làm việc ấy, để cho thiên hạ ngày sau có thể chê cười.
Cuối cùng sau các chiến thắng lẫy lừng của quân dân Nhà Trần qua sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết (cả 3 đều trên sông Hồng, phía nam Thăng Long, Vạn Kiếp (giao lưu với sông Lục Nam và sông Thương) vào giữa năm 1285, Thoát Hoan trốn trong ống đồng, đặt trên xe cho quân sĩ đẩy về Trung Hoa. Vua Trần Nhân Tông cùng Thượng Hoàng Thánh Tông trở về Thăng Long. Nước ta được thái bình trở lại, nhưng chỉ một thời gian ngắn trong 2 năm, sau đó quân Nguyên đã trở lại để xâm lăng Đại Việt.
Thoát Hoan là Thái tử con vua và cũng là một vị tướng, ông thống lĩnh một đội quân tinh nhuệ, mang sang Đại Việt, tiến vào Thăng Long như vào vườn không nhà trống, tưởng là đã thắng trận to, không ngờ đây là kế sách của Nhà Trần. Vua, quan, hoàng hậu, thứ phi đều đi lánh nạn xa, giãn dân ra bên ngoài thành để tránh bớt sự chết chóc và ý chính vẫn là chặn đường tiếp tế lương thực bên ngoài vào. Khi bên trong không có gì nuôi quân, thì lính sẽ đói lại thêm phong thổ không hợp, sự đói khát và tật bệnh hoành hành, lúc đó quân dân ta đánh úp vào thành thì đại thắng. Đó là lấy nhu để thắng cương, lấy nhược để thắng cường là vậy… Thoát Hoan lúc mang quân ra đi, chắc hẳn tin rằng lần này sẽ thắng, nhưng nào ngờ phải rúc vào ống đồng để cho quân lính đẩy về Tàu, thật là nhục nhã biết bao! Nếu không có Vua Trần Nhân Tông ra lệnh cho Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng không nên đánh tiếp kẻ thua đã bỏ chạy, thì thân phận của Thái tử Thoát Hoan cũng đã bị vùi thây nơi chiến trường Đại Việt rồi.
Năm 1287 là lần thứ 3 quân Nguyên Mông xâm lấn Đại Việt, cùng với quyết tâm trả thù cho 2 lần thất bại trước. Lần này quân Nguyên tràn vào Đại Việt bằng cả đường bộ lẫn đường biển. Trên bộ, quân Nguyên chia làm hai cánh, Thoát Hoan tiến qua ải Nam Quan. Còn Áo Lỗ từ Vân Nam theo đường sông Hồng tiến xuống. Trên biển, bằng đường sông Bạch Đằng, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đi trước và Trương Văn Hổ tải lương đi sau.
Thoát Hoan chiếm Vạn Kiếp, tấn công Thăng Long. Vua Nhân Tông và Thượng Hoàng Thánh Tông chạy vào Nam. Quân Nguyên đóng ở Thăng Long lâu ngày thiếu lương thực. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi trở ra biển đón đoàn thuyền lương thực của Trương Văn Hổ. Khi qua cửa Vân Đồn, Ô Mã Nhi thắng, quân của Trần Khánh Dư để cho Ô Mã Nhi đi qua và chận đánh tan tành đoàn thuyền tải lương của Hổ. Đây là lối đánh nhử địch, vờ thua, đôi khi lại trá hàng, nhưng là mưu lược của những kẻ cầm binh khiển tướng. Kế sách này chắc chắn từ Hưng Đạo Vương ban ra, nên quan quân mới thần phục và thực hành theo những hiệu lịnh đã bàn tính trước như vậy.
Lâu ngày hết lương, Thoát Hoan phải lui binh. Ô Mã Nhi dẫn thủy quân trở ra biển, bị chặn đánh ở sông Bạch Đằng. Còn Thoát Hoan theo đường bộ trở về Tàu, bị phục kích chặn đánh ở Lạng Sơn. Quân Nguyên thua to, Thoát Hoan một lần nữa bỏ trốn về Trung Hoa. Đất nước chúng ta lại thanh bình nhờ quân dân hết lòng đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của các vua đầu đời Nhà Trần, với sự giúp đỡ đắc lực của danh tướng Trần Hưng Đạo.
Khi giặc Nguyên Mông vào xâm chiếm nước ta lần thứ 3, Thượng Hoàng Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập các bô lão ở điện Diên Hồng trong cung vua để hỏi ý kiến là: “Nên hòa hay nên chiến?” Lâu nay các bô lão đa phần là nông dân sống với ruộng đồng làm ăn lam lũ. Nay lại được Thượng Hoàng và đương kim Hoàng Đế mời vào cung vua để hỏi, nên các bô lão đồng thanh là “đánh”, đánh cho đến cuối cùng. Đây là một thế tâm lý chiến, mà vua quan Nhà Trần đã lấy được nơi lòng dân. Cho nên người xưa thường nói rằng: “Có được lòng dân là có tất cả”. Nếu vua, tướng “hô” mà dân quân không “ứng” thì chắc rằng cuộc tranh đấu chống ngoại xâm ấy khó mang lại thắng lợi về phần mình. Vả lại mới chiến đấu thành công sau hai năm, bao nhiêu nhân lực và vật lực đã hao mòn, nay lại còn tả xung hữu đột nữa thì làm sao mà dân quân chịu đựng cho nổi, nên tinh thần Hội Nghị Diên Hồng có tính cách dân chủ ấy đã quyết định tánh thành công về phía của chúng ta. Tuy là các bô lão không xông pha nơi trận mạc, nhưng tinh thần của các bô lão đã động viên con cháu mình hy sinh để giữ gìn Quốc Tổ. Đây là điều mà những bậc trưởng thượng đã thề nguyền với vua là “đánh” thì phàm làm con, làm cháu sao có thể cam tâm chịu nhục nhã, thấp hèn khi phải hàng giặc sao? Do đó già trẻ, lớn bé, nam phụ lão ấu đều tham gia đánh giặc sau Hội Nghị Diên Hồng này. Cho nên lịch sử Việt Nam gọi đây là cuộc Hội Nghị lịch sử cũng không sai chút nào.
Sau hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thành công, triều đình xét định công trạng. Năm 1289 Vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293) gia phong Trần Quốc Tuấn làm Đại Vương. Cuối cùng khi hết làm quan dưới triều Trần Anh Tông (trị vì 1293-1314), Trần Quốc Tuấn lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Như vậy ông làm quan và làm tướng chỉ huy cho cả 4 đời vua Nhà Trần. Đó là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông. Khi quân Nguyên Mông xâm chiếm Đại Việt từ năm 1257 Vua Thái Tông đã hạ mệnh lệnh sai ông đem quân đi trấn giữ biên thùy phía Bắc rồi. Trong cả 4 triều đại này ông đã hiểu rõ thế giặc và lòng người, nên ông là một vị tướng nổi bật nhất ở trong triều đình cũng như trước ba quân tướng sĩ.
Thông thường người xưa theo Nho học thì có 2 lối xử sự với đời. Đó là xuất và xử.
Xuất có nghĩa là ra làm quan sau khi đã học hành thi cử đỗ đạt ở chốn học đường. Sau một thời gian làm quan có thể là 5, 10, 15 năm hay cho đến trọn đời vẫn giúp vua giữ nước, nếu trường hợp quê hương có giặc ngoại xâm như Hưng Đạo Vương, nhưng cũng có nhiều trường hợp “từ quan” khi thấy chốn kinh thành vua, tôi vô đạo v.v…. Trong chốn Hoàng triều cũng vậy, đôi khi cũng có những vị vua sau một thời gian ngự trị đã rời bỏ ngai vàng theo quyết định của mình chứ không vì sự cưỡng bức. Trong triều Trần ta thấy các vua thường nhường ngôi cho con mình lúc còn trẻ, tuổi đời chưa đến 50 để lên làm Thái Thượng Hoàng. Có lẽ như thế vua sẽ an tâm hơn, khi các thái tử nhiếp chính thì mình có cơ hội để trao truyền những kinh nghiệm của mình với vai trò là Thái Thượng Hoàng thì dễ dàng hơn. Thế nhưng cũng có những ông vua không ham danh lợi quyền quý khi đã giành được chiến thắng về mình như Vua Trần Nhân Tông sau hai lần đại thắng quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288; đến năm 1293 ông đã nhường ngôi cho con mình là Trần Anh Tông để lên ngôi Thái Thượng Hoàng và năm 1296 ông đã chính thức xuất gia đầu Phật. Trong lịch sử Phật giáo Thế giới không thiếu những ông vua như vậy như ở Ấn Độ, Bhutan, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản. Đây là những hình ảnh rất đẹp một cách tiêu biểu về đạo đức con người, mà người đời sau nên nhìn ra để học hỏi những bài học trong kinh nghiệm sống của một đời người.
Còn xử chính là việc xử thế ở đời, làm sao cho chính danh là một quân tử trong trời đất. Là một kẻ sĩ, một đấng quân vương hay một kẻ hàn Nho cũng không thể lãng quên trách nhiệm này.
Tại Vạn Kiếp, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thành công, Vua Trần Nhân Tông ra lệnh xây dựng Sanh từ cho Trần Quốc Tuấn, tức là đền thờ của ông trong khi ông còn sống. Khi soạn bài văn bia đặt tại Sanh từ của Trần Quốc Tuấn, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông (cha của Nhân Tông) đã kính cẩn gọi Trần Quốc Tuấn là “Thượng Phụ”. Trong lịch sử Việt Nam, Trần Quốc Tuấn là người duy nhất được vua tôn vinh là “Thượng Phụ” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, tập II, Hà Nội 1998, trang 80).
Thật ra việc này cũng không khó hiểu mấy. Sau đây là những lý do chính.
Đầu tiên là việc đại thắng quân Nguyên Mông, cả 3 lần đều có sự cầm quân chống giặc của Trần Quốc Tuấn. Đứng về phương diện quốc gia, sơn hà xã tắc thì không ai có công hơn ông được, nên lập đền thờ để tôn phong ông lúc còn sống cũng là chuyện bình thường mà Vua nào cũng phải làm như thế thôi.
Lý do thứ hai, đứng về phía tình nhà thì Trần Thánh Tông gọi Trần Quốc Tuấn là anh con nhà bác mà cũng là anh vợ của mình, vì Thánh Tông lấy Thiên Cảm là em gái của Trần Quốc Tuấn về làm Hoàng hậu. Nhân Tông là con của Thánh Tông và Thiên Cảm nên phải kêu Quốc Tuấn là bác nếu đứng về phía cha, kêu bằng cậu nếu đứng về phía bên mẹ, và Nhân Tông lại lấy Khâm Từ con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm vợ, nên Nhân Tông phải gọi Trần Quốc Tuấn là cha vợ.
Vậy thì chữ “Thượng Phụ” mà cả Thái Thượng Hoàng Thánh Tông lẫn Hoàng Đế đương triều Nhân Tông phong cho ông cũng là điều bình thường thôi và biết đâu cả Thượng Hoàng và Hoàng Đế đương triều biết được thù xưa của Quốc Tuấn muốn trả cho cha mình là Trần Liễu, nên phong cho một hàm “Đại Vương” và một hàm “Thượng Phụ” to tát như vậy ngõ hầu làm cho Hưng Đạo Đại Vương vui lòng để mà còn lo cho chuyện sơn hà xã tắc chăng?
Trần Quốc Tuấn rất quý trọng nhân tài. Ông đã tiến cử nhiều người tài ba để phụng sự đất nước như: Phạm Ngũ Lão, Trần Trì Kích, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng v.v… Bên cạnh cách dùng người trong nghệ thuật chỉ huy, Trần Quốc Tuấn còn có biệt tài về dụng binh, tự mình soạn bộ “Binh gia diệu lý yếu lược” là 4 quyển sách nói về lý thuyết mầu nhiệm và phương lược cốt yếu của nhà binh, để dạy cho tướng sĩ, ông viết bài “Hịch tướng sĩ văn”, lời văn rất hùng tráng để kích thích lòng quân. Ngoài ra Trần Quốc Tuấn còn soạn bộ binh thư “Vạn Kiếp tông bí truyền” nay đã bị thất lạc. Ông là một nhà tướng văn võ toàn tài.
Dưới đây là hai bản dịch Hịch Tướng Sĩ (Dụ chư tỳ tướng hịch văn) của Trần Hưng Đạo do Ngô Tất Tố dịch trong “Việt Nam Văn Học: Văn Học đời Trần”. Nhà xuất bản Đại Nam, Sài Gòn 1960.
“Ta thường nghe: Kỷ Tín lấy thân chết thay, cứu thoát được vua Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo che chở được vua Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để trả thù cho Thầy; Thân Khoái chặt tay để gánh nạn cho nước; Uất Trì Cung một viên tướng nhỏ còn biết che đỡ Đường chủ ra khỏi vòng vây của Thế Sung; Nhan Cảo Khanh là bầy tôi xa còn biết mắng chửi Lộc Sơn, không nghe lời dụ của nghịch tặc. Từ xưa những bậc trung thần nghĩa sĩ lấy thân theo nước, đời nào là không có đâu? Nếu mấy người kia, chăm chăm học thói nhút nhát của con gái trẻ con, chẳng qua cũng đến chết rũ ở dưới cửa sổ, đâu được ghi tên vào trong thẻ tre lụa trắng, danh tiếng cùng trời đất lâu bền?
Các người đời đời là con nhà võ, không biết chữ nghĩa, nghe những chuyện ấy, thảy đều nửa tin nửa ngờ. Thôi thì những việc cổ xưa, hãy để đó không nói đến nữa. Nay ta hãy đem chuyện nước Tống, dòng Thát (là chuyện gần đây) kể cho các người cùng nghe: Vương Công Kiên là người gì? Nguyễn Văn Lập tùy tướng của y lại là người gì, chỉ có vòng thành Điếu Ngư nhỏ bằng cái đấu, hai người ấy chống nổi toán quân trăm vạn của Mông-Kha, khiến cho con dân nước Tống, đến nay hãy còn nhớ ơn. Đường Ngột Ngại là người gì? Xích Tu Tư tùy tướng của y lại là người gì? Xông pha lam chướng trên đường muôn dặm, hai người ấy đánh được quân Nam Chiếu trong vài tuần, khiến cho vua chúa dòng Thát nay còn để tiếng!
Huống chi ta với các ngươi, sinh ở buổi rối ren, lớn lên nhằm khi khó nhọc, chính mắt ngó thấy sứ ngụy đi lại đường sá nghênh ngang, chúng múa cái lưỡi cú quạ làm nhục chốn triều đình, chúng giơ cái thân chó dê, kiêu ngạo với quan Tể phụ; chúng nhờ mệnh lệnh của chúa Mông Cổ mà đòi nào ngọc, nào lụa, sự vòi vĩnh thật vô cùng; chúng mượn danh hiệu của vua Vân Nam mà hạch nào bạc nào vàng, của kho đụn đã hồ hết, cung đốn cho chúng giống như đem thịt mà liệng cho cọp đói, sao cho khỏi lo về sau?
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan, uống máu của quân thù. Dẫu cho một trăm cái thân của ta phải phơi ngoài nội cỏ, một nghìn cái xác của ta phải đem bọc vào da ngựa, ta cũng vui lòng. Các ngươi lâu nay ở dưới cửa ta cầm giữ binh quyền, thiếu áo thì cởi áo cho, thiếu ăn thì sẻ cơm cho no lòng, quan nhỏ thì cho lên chức, bổng ít cho thêm lương, đi thủy cấp thuyền, đi bộ cấp ngựa, những khi trận mạc, sự sống thác Thầy chung với trò, những lúc mừng khao, tiếng vui cười ai cũng như nấy. So với Công Kiên làm chức Thiên Lý, Ngột Ngại ở ngôi Phó nhị, có khác gì đâu.
Thế mà các ngươi thấy chủ bị nhục chẳng lấy làm lo, gặp nước bị dơ chẳng lấy làm thẹn, làm tướng nhà nước phải hầu mấy đứa chum mường, mà không có lòng căm hờn, nghe khúc nhạc thờ đem thết một tên ngụy sứ, mà không có vẻ tức giận; kẻ thì chọi gà cho thích, kẻ thì đánh bạc mua vui, có người chỉ chăm vườn ruộng, cốt nuôi được nhà, có người chỉ mến vợ con, lấy mình làm trọng, cũng có kẻ chỉ lo làm giàu làm có, việc quân quốc chẳng thèm đoái hoài, cũng có người chỉ ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc là đam mùi rượu, hoặc là mê tiếng hát hay.
Một khi giặc Mông đến nơi, thì cựa gà nòi không thể đâm thủng áo giáp của giặc, thuật ở bàn bạc không thể đem làm mưu mẹo ở trong quân; vườn ruộng tuy giàu, tấm thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vợ con tuy sẵn, trong đám ba quân khó dùng, của cải tuy nhiều, không thể mua được đầu giặc; chó săn tuy khỏe, không thể đuổi được quân thù; rượu ngon không đủ để cho giặc phải mê; hát hay không đủ làm cho giặc phải điếc; lúc đó thầy trò ta sẽ cùng bị trói, đáng đau đớn biết chừng nào! Nếu thế, chẳng những là Thái Ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng bị kẻ khác chiếm mất; chẳng những là gia quyến của ta phải đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc của tổ tông ta sẽ bị giày xéo, mà đến mồ mả cha mẹ các ngươi cũng sẽ bị kẻ khác đào lên, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, trăm kiếp tiếng nhơ khó rửa, tên xấu vẫn còn mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng là nhà bại tướng. Đã đến khi đó các ngươi muốn chơi bời cho thỏa, được chăng?
Nay ta báo rõ các ngươi: Cái chuyện dấm lửa đống củi phải lo, mà câu sợ canh thổi rau nên nhớ. Các ngươi hãy nên huấn luyện quân sĩ, rèn tập cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Tất Liệt dưới cửa khuyết, ướp thịt Thoát Hoan trong trại rơm. Như thế chẳng những là Thái Ấp của ta mãi mãi là của gia truyền, mà bổng lộc của các ngươi cũng được suốt đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được yên giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng được sum họp đến già; chẳng những là tông miếu ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các người dưới trăm đời nữa tiếng thơm vẫn lưu truyền; chẳng những tên tuổi ta không bị mai một; mà đến tên họ các người cũng để tiếng thơm trong sử xanh. Khi ấy các ngươi không muốn vui chơi, được chăng?
Nay ta lựa chọn binh pháp các nhà, làm một quyển sách, đặt tên là sách “Binh Thư Yếu Lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách ấy, nghe lời dạy bảo của ta, ấy là duyên thầy trò kiếp xưa. Nếu các ngươi bỏ bê sách ấy, trái lời dạy bảo của ta, ấy là mối cựu thù kiếp xưa. Sao vậy? Bởi vì như vậy tức là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi không nghĩ tới, điềm nhiên không lo đến sự rửa thẹn, không tinh; đến việc trừ hung, không nhớ đến chuyện dạy tập quân sĩ. Thế là giơ giáo hàng giặc, nắm tay chống giặc. Rồi đây, sau khi dẹp yên quân giặc, các ngươi sẽ phải thẹn muôn đời, còn mặt mũi nào đứng giữa khoảng trời đất che chở? Ta muốn các ngươi biết rõ bụng ta, nhân viết mấy lời đó làm hịch.“
Sau đây là bài dịch “Hịch Tướng Sĩ” của Cử nhân Nguyễn Văn Bình thành lối song thất lục bát, như sau:
Xưa Kỷ Tín liều thân chịu chết,
Cứu Hán Vương thoát khỏi Hoàng Dương.
Do Vu cháu Sở Chiêu Vương,
Giơ lưng đỡ giáo tìm đường cứu Vua.
Kìa Dự Nhượng thuở xưa người Tấn,
Từng nuốt than lận đận phục thù.
Kìa Thân Khoái một Tể Phu,
Chặt tay theo nạn với vua nước Tề.
Quan nhỏ như Uất Trì Kính Đức,
Giúp Thái Tông khỏi bước trùng vi.
Cảo Khanh quan ở biên thùy,
Già mồm chửi giặc không hề tiếc thân.
Bậc nghĩa sĩ trung thần từ trước,
Từng diệt thân cứu nước có nhiều.
Những người kia nếu chẳng liều,
Chết suông như đám nữ lưu xó nhà.
Còn danh tiếng đâu mà chép lại,
Cùng kiền khôn truyền mãi không ngầm.
Các ngươi dòng dõi vũ thần,
Xưa nay nào có hiểu văn nghĩa gì.
Nghe câu chuyện bán nghi bán tín,
Sự muôn năm nhắc đến chi vay?
Nay ta hãy nói cho hay,
Thử xem Tống, Thát truyện này ra sao?
Vương Công Kiên người nào thế vậy?
Tướng Nguyễn Văn Lập ấy người nào?
Điếu Ngư thằng bé tẻo teo,
Chống quân Mông Cổ ồn ào trăm muôn.
Khiến quân Tống thắng luôn mấy trận,
Đến bây giờ dân vẫn hàm ân.
Ngột Lang là tướng Đốc quân,
Với Tỳ Tướng Xích là nhân phẩm nào?
Ngoài muôn dặm quản bao nước độc,
Trong mấy ngày phá rốc quân Nam.
Lòng vua Thát Đát đã cam,
Đến nay lừng lẫy tiếng thơm nhường nào?
Ta với ngươi sanh vào đời loạn,
Vừa gặp bao cơn vận hạn gian nan.
Sứ Nguyên lai vãng bao lần,
Mọi nơi đường sá muôn vàn nôn nao.
Triều đình bị cú diều soi mói,
Tể tướng thì lang sói rẻ khinh.
Mượn oai Hốt Liệt tranh giành,
Lấy bao của báu chưa đành lòng tham.
Cậy thế chúa Vân Nam nạt nũ,
Đòi bạc vàng hết cả kho ta.
Thịt nuôi hùm đói mãi a?
Sao cho thoát khỏi lo xa sau này.
Ta đây những hàng ngày quên bữa,
Lúc đêm thâu ngồi dựa gối kiêu.
Giọt châu tầm tã tuôn trào,
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Chí những muốn moi gan lấy tiết,
Lòng những toan xẻ thịt vằm da.
Dù thân dầu với cỏ hoa,
Dù da ngựa bọc thân đà cũng vui.
Các người vốn là người môn thuộc,
Được trông nom mọi việc binh cơ.
Áo không, ta cởi áo cho,
Cơm không, ta sẻ cơm cho no lòng.
Quan nhỏ thì ta phong chức cả,
Lộc ít thì ta trả lương thêm.
Đi sông ta cấp cho thuyền,
Đi đường ta cũng lệnh truyền ngựa đi.
Cho cầm quân an nguy cùng lối,
Cho nằm yên, vui nói cùng hàng
So Vương Kiên với Ngột Lang,
Đãi chư Tỳ Tướng mọi người kém chi.
Nếu vua nhục, ngươi thì chẳng đoái.
Mà nước nguy, ngươi lại làm ngơ
Đứng hầu tướng giặc không dơ,
Nghe ca thết sứ vẫn trơ tráo ngồi.
Khi gà chọi, khi thời cờ bạc,
Cuộc vui chơi, gỡ gạc đủ trò.
Ruộng vườn muôn sự ấm no,
Vợ con vui thú riêng cho một mình.
Ham lập nghiệp, quên tình nhà, nước,
Mãi đi săn, nhát việc ngăn ngừa.
Rượu chè hôm sớm say sưa,
Hát hay, đàn ngọt sớm trưa thỏa lòng.
Đúng có lúc quân Mông, Thát tới,
Cựa gà không chọc nổi áo da.
Những nghề cờ bạc tinh ma,
Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân?
Ruộng nương nào đủ phần chuộc mạng,
Vợ con nào đã cáng quân nhu?
Của đâu chuốc được đầu thù?
Chó săn đâu đủ sức khua giặc trời!
Rượu ngon khó làm mồi bã giặc,
Hát hay không làm điếc tai thù.
Bây giờ chẳng xót lắm ru?
Vua tôi đều bị trói gô một đàn!
Tước ấp ta bị tan nát cả,
Bổng lộc người cũng chẳng còn gì.
Gia đình ta bị đuổi đi,
Vợ ngươi cũng phải đến khi nhọc nhằn.
Tông xã ta, địch quân xéo nát,
Phần mộ ngươi cũng bị quật lên.
Đời ta khổ nhục liên miên,
Cái tên nhơ nhuốc lưu truyền mãi sau!
Nhà các ngươi cũng đều mang tiếng,
Không khỏi làm những tướng bị thua.
Các ngươi đang lúc bây giờ,
Muốn mong vui thích như xưa được nào?
Lời ta nhủ thấp cao ngươi nhớ,
Phải coi nằm trên lửa là nguy,
Kiềng canh đưa cũng thổi xùy.
Luyện quân sĩ tốt tập nghề đao cung.
Khiến ai nấy nức lòng mạnh mẽ,
Sức Bàng Mông, Hậu Nghệ cũng ham,
Bêu đầu Hốt Liệt cho cam,
Phơi luôn thịt Chúa Vân Nam bên đường.
Tước ấp ta chăn thường ấm chỗ,
Bổng lộc ngươi hưởng có trọn đời
Gia đình ta được yên vui,
Vợ con ngươi cũng lo đời trăm năm.
Tông miếu ta nghìn năm hương lửa,
Tổ tiên ngươi muôn thuở cương thường.
Ta đây phỉ chí bồng tang,
Các người dường cũng vẻ vang vô cùng.
Huy hiệu ta tôn sùng mãi mãi,
Tính danh ngươi ghi với sử xanh.
Bấy giờ vui thú linh đình,
Các ngươi đều muốn buồn tênh được nào?
Này binh pháp chọn theo đời trước,
Là “Binh Thư Yếu Lược” ban ra.
Các ngươi theo đúng sách ta,
Ấy là thần, chủ một nhà từ xưa.
Nếu bỏ sách thờ ơ lời dạy,
Ấy kẻ thù đã mấy đời nay.
Tại sao mà lại thế này?
Là thù không đội trời này được chung.
Nếu các ngươi lòng không biết hổ,
Không coi điều “Sát lỗ” là cần.
Lại không vâng dạy luyện quân,
Ấy là quay giáo, bó thân quy hàng.
Giặc yên rồi còn mang tiếng mãi,
Mặt mũi nào đứng với cao đây?
Muốn ngươi hiểu rõ lòng đây,
Vậy nên thảo bức hịch này cho nghe.
Đọc bản văn “Hịch Tướng Sĩ” bằng chữ Hán của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết và Ngô Tất Tố đã dịch ra văn xuôi tiếng Việt, xem ra rất bi hùng. Nội dung khuyến khích, hỗ trợ quân sĩ, đôi khi có chút hăm dọa: Nếu để thua giặc thì sơn hà xã tắc, vợ con, ruộng vườn, nhà cửa, thú vui v.v… đều tiêu tan hết, nên phải cố gắng chiến đấu để giết chết quân thù. Câu văn giọng nói đúng là của một vị tướng văn võ song toàn. Sau này Cử nhân Nguyễn Văn Bình dịch sang lối thơ Việt Nam song thất lục bát cũng rất tuyệt vời. Xem như thơ đã lột tả được hết ý tác giả qua sự diễn dịch này. Từ cổ tích cho đến những việc làm cần thiết trong hiện tại cho mình, cho quân, cho tướng, cho vua, cho quan, cho sơn hà xã tắc… đều gói gọn trong ý tứ của những câu thơ trên. Đây thật là một áng văn tuyệt vời, đã hơn 800 năm trôi qua, nhưng khi đọc đến, chúng ta vẫn phải cúi đầu trước cái dũng của những bậc làm tướng ngày xưa, khi quê hương của chúng ta bị người phương Bắc đến đánh phá nhiều lần như vậy. Họ ỷ lớn, đi dọa nạt các nước nhỏ, nhưng khi đến Việt Nam bao nhiêu lần là bấy nhiêu keo đại bại. Thế mà họ không từ. Chẳng biết tại sao họ không sợ nhục? Việc này cả mấy ngàn năm qua, đến nay vẫn vậy. Lại có những kẻ bán nước cầu vinh như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc và cũng đã có rất nhiều anh hùng tướng sĩ oanh liệt một thời như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Nguyễn Phi Khanh v.v…
Trần Quốc Tuấn đã tách bạch giữa những người lãnh đạo quốc gia và lý tưởng cao cả của kẻ sĩ là phục vụ đại cuộc quốc gia. Những người lãnh đạo có thể sai lầm, nhưng kẻ sĩ không thể vì thế mà bỏ đi lý tưởng của riêng mình. Vào thời đại Trần Quốc Tuấn, lý tưởng đó là lòng trung quân ái quốc, khuông phò xã tắc chống ngoại xâm. Lòng ông thẳng thắn, không gợn một chút manh tâm phản trắc, ông chỉ một mực trung thành với vua, với nước. Ông dứt khoát bỏ qua thù riêng, tránh hẳn sự cám dỗ của quyền lực và lý tưởng kẻ sĩ ấy sau này Nguyễn Công Trứ cũng đã thể hiện qua vai trò Uy Viễn Tướng Công của mình như sau:
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý.
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên, chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiên, điếu Vị, canh Sằn
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu, ra tài lương đống
Ngoài biên thùy sạch mũi can tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi gian giai phận sự
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
Nhà nước yên mà sĩ được thung dung
Bây giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch.
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh.
Sĩ, nông, công, thương là bốn nghề chính trong dân chúng và kẻ sĩ được đứng đầu. Cho đến ngày nay cái học từ chương ấy không còn nữa, nhưng cái tư cách làm người của một con người thật đúng nghĩa, thì phải học hạnh của người xưa vậy. Có như thế xã hội mới thanh bình và đời sống muôn dân mới lạc nghiệp.
Chính nhờ vừa có tài dụng binh, vừa có tài dùng người, vừa sống hài hòa với cấp dưới, vừa trung thành với vua, với nước, Trần Quốc Tuấn đã giúp Nhà Trần chiến đấu kháng Nguyên thành công rực rỡ. Lúc đầu trong triều đình Nhà Trần có nhiều nghi kỵ đối với Trần Quốc Tuấn vì vấn đề Trần Liễu là thân sinh của ông dặn dò trước khi chết là “phải trả thù nhà”; nhưng dần dần cung cách xử sự của ông đã thuyết phục được mọi người. Vả lại ông đặt việc nước lên trước, tình nhà lên sau trên hai vai của mình, ông đã xử sự theo sĩ khí của kẻ sĩ đúng thời và đúng lúc, nên cuối cùng ông trở thành một tướng tài của Nhà Trần nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung qua các triều đại và muôn thuở sử sách phải nêu danh.
Trần Quốc Tuấn đã xử sự quang minh chính đại đối với các vua Nhà Trần, tuy là bà con nhưng cũng là cựu thù của cha ông và xử sự ngay thẳng với tất cả mọi người. Điều này là một tấm gương sáng về tình gia đình, về tinh thần đoàn kết quốc gia, khiến cho sĩ chúng thời Trần trên dưới một lòng, cùng nhau sát cánh tạo sức mạnh tổng lực chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập quốc gia. Vì lẽ đó mà ngay khi Trần Quốc Tuấn còn sống, ông đã được vua Trần gọi là Thượng Phụ, kính trọng như cha của mình. Khi Trần Quốc Tuấn từ trần tại Vạn Kiếp vào ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300) ông được Vua Trần Anh Tông tặng tước Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Riêng việc phong tước “Hưng Đạo Đại Vương”, tức vị đại vương đã chấn hưng đạo làm người, cho thấy nhà Vua và triều đình lúc bấy giờ nêu cao tinh túy ý nghĩa công nghiệp của Trần Quốc Tuấn, một tướng lãnh đức độ, tài ba, văn võ song toàn.
Khi Trần Hưng Đạo sắp từ trần, Vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi Trần Hưng Đạo rằng: “Khi Thượng Phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại sang thì phải làm thế nào?”
Trần Hưng Đạo trả lời rằng: “Đại để kẻ kia cậy có trường trận, mà ta thì cậy có đoản binh, lấy đoản chống nhau với trường, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng người giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.” (Quốc sử triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998, bản dịch tập 1, tr. 558-559).
Trần Anh Tông gọi Hưng Đạo Vương là ông Ngoại, vì Trần Nhân Tông, cha của Anh Tông lấy Khâm Từ con gái Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Hoàng hậu, nên khi Hưng Đạo Vương dạy những lời binh pháp như trên tuy là của một vị tướng về hưu, nhưng cũng là những lời tâm tình với cháu ngoại của mình thật là thâm sâu ý vị; trong đó vừa có tình nước non và tình nghĩa gia đình nữa. Cũng may là thời của Anh Tông không còn loạn phương Bắc nữa, mà sau đó cả 100 năm vào cuối Nhà Trần, quân nhà Minh mới trở lại xâm chiếm đất nước ta lần nữa và đặt sự đô hộ lần thứ 3 trên quê hương Đại Việt. Do đó anh hùng áo vải Lam Sơn Lê Lợi đã khởi nghĩa chống quân Minh dưới sự cố vấn chỉ đạo của Quân sư Nguyễn Trãi qua bài “Bình Ngô Đại Cáo” cũng không thua gì “Hịch Tướng Sĩ” của Hưng Đạo Đại Vương. Qua lời dặn dò chí tình chí thiết của Hưng Đạo Đại Vương cho Trần Anh Tông năm 1300 có thể được xem như một “chúc thư chính trị” của danh tướng Trần Hưng Đạo để lại cho tất cả những nhà cầm quyền hậu thế trong công cuộc bảo vệ đất nước. (Chương này đã sao chép nguyên văn một phần lớn của Sử gia Trần Gia Phụng, hiện đang sinh sống tại Canada. Bài này đã được đăng trên báo Viên Giác số 216 xuất bản vào tháng 12 năm 2016 tại Hannover, Đức Quốc).
Nhân việc đọc lại “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo thì chúng ta cũng nên đọc lại “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi đã viết bằng chữ Hán vào thế kỷ thứ 15 khi kháng chiến chống quân Minh, mà Ngô Tất Tố ở thế kỷ thứ 20 đã dịch ra Việt văn như sau:
Thay trời hành hóa, Hoàng thượng chiếu rằng,
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước non bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt lúc nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải vong thân
Cửa Hàm Tử giết chết Toa Đô
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng cớ còn ghi
Vừa rồi :
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa
Bọn gian tà bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây binh kết oán trải hai mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả chốn chốn lưới giăng.
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nỗi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi
Lẽ nào trời đất dung tha
Ai bảo thần nhân chịu được?
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên
Chính lúc quân thù đang mạnh
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa Thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
Tấm lòng cứu nước vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.
Thế mà:
Trông người, người càng vắng bóng,
Mịt mù như nhìn chốn bể khơi
Tự ta ta phải dốc lòng,
Vội vã hơn cứu người chết đói.
Phần vì giận quân thù ngang dọc,
Phần vì lo phận nước khó khăn,
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.
Nhân dân bốn cõi một nhà,
Dựng cần trúc ngọn cờ phất phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử,
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.
Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh
Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía
Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.
Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc tâm quân giặc: Trần Hiệp đã phải bêu đầu
Mọt gian kẻ thù: Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
Vương Thông gỡ thế nguy,
Mà đám lửa cháy lại càng cháy
Mã Anh cứu trận đánh
Mà quân ta hăng lại càng hăng.
Bó tay để đợi bại vong,
Giặc đã trí cùng lực kiệt
Chẳng đánh mà người chịu khuất,
Ta đây mưu phạt tâm công.
Tưởng chúng biết lẽ ăn năn
Nên đã thay lòng đổi dạ
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính
Lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người,
Gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc,
Để cười cho tất cả thế gian.
Bởi thế:
Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
Đinh Mùi tháng Chín,
Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
Năm ấy tháng Mười,
Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm
Chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chặn đường
Tuyệt nguồn lương thực.
Ngày mười tháng Tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, Bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
Lại quân bốn mặt vây thành
Hẹn đến giữa tháng Mười diệt giặc
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận, sạch không kình ngạc.
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ
Đô Đốc Thôi Tụ lê gối dâng lời tạ tội,
Thượng Thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chết đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đảm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ.
Bị ta chặn ở Lê Hoa,
Quân Vân Nam nghi ngờ, khiếp vía mà vỡ mật
Nghe Thăng thua ở Cần Trạm,
Quân Mộc Thạnh xéo lên nhau, chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu máu chảy thành sông,
Nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá, thây chất thành núi,
Cỏ nội đầm đìa máu đen.
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng.
Tướng giặc bị cầm tù,
Như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại,
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức
Chẳng những mưu kế kỳ diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất Tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phò trợ
Than ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay.
Bình Ngô Đại Cáo này được Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa Xuân năm 1428, thay lời cho Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Về mặt văn chương, bài hịch này được người đương thời, ngay cả hậu thế, đều rất thán phục và coi là thiên cổ hùng văn. So với “Hịch Tướng Sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì đây là 2 bản tuyên ngôn, giữ nền tự chủ độc lập của nước nhà qua các triều đại Lý, Trần và hậu Lê. Nếu không có những chiến lược gia, quân sư, nhà tướng, nhà văn như Hưng Đạo Vương hay không có những người tài như Lê Lợi, Lê Lai qua sự cố vấn làm quân sư của Nguyễn Trãi thì Việt Nam chúng ta mãi bị quân phương Bắc làm ẩu, làm càng. Cứ ỷ thế mạnh mà lấn chiếm Đại Việt. Dù họ đã biết rằng: Đánh Đại Việt chỉ chuốc lấy thua là cái chắc, nhưng vì cái sĩ diện của kẻ nước lớn, dân đông, nên họ không quản ngại hy sinh thân xác của quân sĩ để củng cố ngai vàng và địa vị của họ nơi chốn triều đình, còn ai chết mặc ai, không cần biết đến. Trong khi đó, chúng ta xem xong Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại Vương và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi thì thấy rằng vua và tướng xem quân dân như con đẻ của mình, đói cho ăn, lạnh cho mặc. Lúc vui lúc buồn, lúc thịnh lúc suy, lúc nào cũng xem nhau như thân thích cha con, anh em ruột thịt trong gia đình, nên giặc ngoài dầu có mạnh bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể đâm ngang bẻ dọc được.
Lấy một thí dụ dễ hiểu như sau: Một cây thật to, cao nhưng đứng chơ vơ ở giữa trời đất, khi gió đến cây lại bị động lay, dẫu cứng cáp đến đâu đi nữa, có ngày cây kia cũng phải bị gãy cành, cây nát. Còn ở đây dùng thế yếu để thắng kẻ mạnh, chúng ta phải góp sức chung lưng lại với nhau ví như bó đũa tuy nhỏ, nếu bẻ từng chiếc thì bị gãy, nhưng nếu bẻ một bó thì không thể nào gãy được. Những tướng tài của Việt Nam hầu như trong bất cứ chiến tranh chống ngoại xâm nào đi nữa, họ đã sử dụng chiến thuật này. Trước để lấy lòng dân quân và sau nhiều năm trường kỳ kháng chiến thì sự thành công sẽ mang đến cho tất cả những ai có đầy đủ sự kiên nhẫn để chống lại ngoại xâm.
Nhìn xuyên suốt cuộc đời hành hoạt của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua suốt 4 đời vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông, ông đã một lòng vì quốc gia đại sự và với tâm nguyện quên thù nhà để trả nợ nước, nên qua 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1258, 1285 và 1288 chúng ta đều thấy rõ nét sự hy sinh của ông lúc xông trận đánh giặc, lúc phò vua cứu giá, lúc thưởng phạt cho binh sĩ, lúc ra hịch thúc quân v.v…, lúc nào cũng như lúc nào bốn chữ: Trung Quân Ái Quốc vẫn nằm trong tâm khảm của ông và chưa một lần thất bại, dầu ở trận đánh nào. Cho nên Thượng Hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế đương triều Nhân Tông phong cho ông là “Thượng Phụ” cũng quá xứng đáng cho một đời chinh y đầy bụi, và sĩ khí can cường kia đã làm cho người đời sau phải tự nghiêng mình trước những nghĩa cử cao cả của Hưng Đạo Đại Vương.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.97.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập