Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Lời kinh xưa buổi sáng này »» Rừng trưa im nắng »»

Lời kinh xưa buổi sáng này
»» Rừng trưa im nắng

Donate

(Lượt xem: 6.975)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lời kinh xưa buổi sáng này - Rừng trưa im nắng

Font chữ:


Nắng trong. Một ngôi rừng nhỏ. Nơi đây đi chừng năm mười phút bạn sẽ gặp một con suối nhỏ chảy róc rách tiếng thủy tinh. Lòng suối trong sỏi cát. Những buổi trưa giữa rừng không gian yên tĩnh lạ. Ngàn bóng lá chập chùng in bóng trên mặt nước, loáng thoáng trên đồi cỏ và che mát con đường đất nhỏ. Một buổi trưa không gian quạnh quẽ. Tôi ngồi xuống bên bờ suối, hơi nước bốc lên mát lạnh, giữa những thân cây xưa loang lổ bóng nắng.

Một vầng trăng đẹp


Có bao giờ bạn đi giữa một khu rừng trưa, trên cao có nắng và lá, rồi bỗng nhiên cảm thấy cuộc sống mình đầy đủ không? Cái cảm giác đầy đủ ấy đem lại cho ta một sự an lạc. Việc ấy không phải là nhờ suy luận hay một tính toán nào. Mà tôi nghĩ, lý trí không có khả năng đem lại cho ta một sự đầy đủ nào cả. Khi ta bằng lòng với hiện tại của mình, cái cảm giác đó là một sự an lạc. Ở đây, bây giờ là một khu rừng trưa. Nhưng chiều nay nếu được đi dạo trên bờ biển với một người thân, nhìn hoàng hôn xuống ở chân trời, cũng có thể là một hạnh phúc bạn nhỉ!

Quan niệm của tôi về hạnh phúc có lẽ khác với bạn, nhưng tôi nghĩ tự thể cũng đều giống như nhau. Chúng đơn sơ và bình dị hơn ta tưởng. Có lẽ một ngày nào, khi ta thôi đuổi bắt tương lai hoặc quay về tìm kiếm trong quá khứ, hạnh phúc sẽ lộ dạng cho ta thấy, nó hiện hữu ngay trong giờ phút này. Đó có thể là một buổi trưa rừng xanh lá, một ánh trăng rơi trong tách trà, tiếng cười của một người thân yêu, một bài thơ đẹp, hay là một em bé đang say ngủ... Sự an lạc đôi khi rất bình dị.

Nhưng có điều quan trọng, hạnh phúc ấy phải thật sự là của ta. Lật những trang xưa trong kinh điển có ghi chép những câu chuyện về hạnh phúc, về an lạc. Nhưng ta cũng nên cẩn trọng, đừng vội lấy đó mà làm mẫu mực cho mình. Đọc những câu chuyện trong nhà thiền chắc bạn cũng nhớ ngài Ryuokan. Ngài nổi tiếng là một thiền sư sống một cuộc đời đơn giản trong một căn lều nhỏ dưới chân núi. Vào một buổi chiều khi ngài đi vắng, có một tên trộm lén vào lục soát để lấy đồ. Nhưng hắn chẳng tìm thấy một vật gì có giá trị. Khi ấy Ryuokan về đến, thấy vậy ngài nói: “Có lẽ anh từ xa đến đây. Không lẽ tôi lại để anh đi về tay không sao đành. Tôi chỉ có bộ quần áo mặc trên người đây là đáng giá. Thôi anh hãy lấy để làm một món quà.” Tên trộm lộ vẻ bối rối, ngạc nhiên. Hắn bèn cầm bộ quần áo của ngài trao cho rồi lủi thủi trốn đi mất. Còn lại Ryuokan ngồi một mình trần truồng, ngước mắt nhìn ánh trăng rằm vằng vặc, ngài nói thầm: “Tội nghiệp anh bạn nghèo khổ ấy. Ước gì ta có thể cho anh vầng trăng đẹp này!”

Những bậc thiền sư có được những hành động phi thường như vậy là vì các ngài thật-sự-là-như-vậy. Sự an lạc của các ngài rất tự nhiên và những hành động của các ngài không có sự do dự, tính toán. Bạn và tôi, khi chúng ta cố gắng trở thành một nhân vật nào không phải là mình, chúng ta sẽ bị nô lệ, ràng buộc vào những ý niệm khô chết, cứng nhắc. Không khéo vô tình ta lại chỉ tạo thêm những khổ đau không cần thiết cho mình mà thôi. Những câu chuyện ấy rất cao thượng và đầy ý nghĩa khuyến tu, nhưng ta hãy thận trọng, vì sự tu tập của ta không phải chỉ giản dị là bắt chước theo các bậc thiền sư ấy.

Những ánh trăng ngày mười lăm, mười sáu đẹp thật chứ, bạn nhỉ! Có những đêm trở về, đi trên con đường nhỏ dẫn vào nhà, tôi bắt gặp ánh trăng to tròn sáng vằng vặc trên cao, soi những bóng cây đổ dài trước sân cỏ. Một không gian bí mật và huyền diệu. Cuộc đời này, giữa những dập dồn của khổ đau và hạnh phúc, đôi khi chúng ta vẫn có dịp bắt gặp những giây phút tĩnh lặng. Lắm khi thật bất ngờ. Sự tu tập có lẽ mục đích là giúp ta thấy được những giây phút ấy thường xuyên hơn!

Ta là ai?


Ở Tây phương ngày nay có rất nhiều thiền viện và trung tâm tu học mọc lên khắp nơi. Đó cũng là một điều may mắn, vì nếu biết khéo sử dụng, chúng có thể trợ giúp cho ta rất nhiều trên con đường tu tập. Nhưng bạn đừng xem những thiền viện như là những nơi để ta trốn tránh cuộc đời này. Ngược lại, những nơi ấy phải có khả năng nuôi dưỡng ta, đem ta trở về hội nhập với sự sống, với những gì đang xảy ra chung quanh mình. Chúng ta phải ý thức được rõ ràng mình là ai trong giây phút hiện tại này và phải biết cách đối phó với những gì đang xảy ra chung quanh ta.

Mấy năm trước tôi có đi tham dự một khóa tu thiền Vipassana theo truyền thống Nam tông. Chúng tôi được vị thiền sư chỉ dẫn cho phương pháp ngồi yên lặng và theo dõi hơi thở của mình. Hai việc ấy tuy đơn giản nhưng rất khó mà thực hành cho đúng đắn. Mỗi ngày chúng tôi được phép vào gặp riêng vị thiền sư để trình bày những khó khăn và tiến bộ của mình. Lúc vào gặp thầy, tôi có nhắc đến cái đau nơi chân khi phải ngồi yên trong một thời gian dài. Thầy hỏi: “Cái đau ấy của ai? Nó có thật là của mình không? Nếu vậy thì bây giờ nó đâu rồi?” Lúc ấy tôi vẫn không thật sự hiểu được lời thầy muốn nói. Vì cái đau ấy đối với tôi nó có thật vô cùng! Nó thật như bàn tay của tôi, mặt mày của tôi, da thịt của tôi vậy.

Nhưng “tôi” là ai? Chắc bạn cũng biết những tế bào của ta đổi mới, chết đi trong mỗi giây, mỗi phút. Tóc, da ta, máu, tim, phổi, gan... của ta cũng đang được đổi mới luôn luôn. Mới đây tôi được nghe kể, toàn thể bộ xương cứng rắn của ta, chỉ vỏn vẹn trong vòng ba tháng đã được đổi mới hoàn toàn. Quán chiếu điều ấy, thì cái đau năm xưa thật sự là của ai bạn nhỉ?

Dừng lại để thấy


Tôi thấy những cụm mây trắng nằm yên dưới lòng suối. Một chiếc lá ướt nằm rũ mục trên cạnh bờ. Khu rừng buổi trưa hình như vươn cao hẳn lên, những tàn cây lớn phủ che một bầu trời xanh thẫm, ánh nắng rơi qua kẽ lá loáng thoáng trên con đường đất nhỏ gập ghềnh. Không gian tĩnh lặng.

Bà Joko Beck nói rằng, mục đích của thiền tập là để luyện cho ta cách đối diện với khổ đau. Mục đích ấy không đến nỗi bi quan như bạn nghĩ đâu. Khổ đau tự nó không có một giá trị nào, nhưng nếu biết khéo sử dụng nó sẽ là một vị thầy giỏi. Vì chỉ khi nào ta có thể sẵn sàng đối diện với mọi kinh nghiệm của mình, cho dù là khổ đau hay hạnh phúc, chừng ấy ta mới biết sống. Thật sự mà sống. Khi chúng ta ngồi thiền tức là lúc ta đang tập đối diện trực tiếp với những gì đang xảy ra nơi ta ở giờ phút hiện tại. Ta ngồi yên đấy trong một hoàn cảnh tương đối vững vàng và an ổn. Bà Joko nói, trong những lúc ấy khổ đau có khi lại là một sự may mắn cho ta.

Ở đây đa số trong các thành phố đều có nhiều công viên xanh lá, có những khu rừng nhỏ với ao hồ, với suối trong. Nhưng với sự bành trướng của tiện nghi, của tiến bộ, những khu rừng này dần dà trở nên hiếm hoi. Nơi đây đời sống vật chất quá đầy đủ. Sự giàu có của xứ sở này đôi khi lại làm cho người ta khó có thể cảm nhận được một niềm vui căn bản của sự sống, của một hiện hữu thuần túy. Việc ấy có vẻ như mâu thuẫn. Có những người Tây phương sau khi sang Ấn Độ về kể lại rằng, giữa những cơ cực khổ đau của cuộc sống nghèo khổ, họ cũng nhiều khi bắt gặp những niềm hạnh phúc tuyệt vời của các người dân ở đấy. Khi bị bắt buộc lúc nào cũng phải đối diện với chuyện tử sanh, người ta sẽ biết trân quý cái giây phút hiện tại này. Vì vậy mà sự an ổn, những tiện nghi vật chất của mình đôi khi có thể trở thành một chướng ngại cho việc nhìn thấy hạnh phúc.

Các vị thiền sư cứ nhắc nhở ta rằng, hạnh phúc không thể nào tìm kiếm. Nhiều khi cũng vì mải mê tìm kiếm mà ta không thấy được nó. Vì khi ta đi tìm, ta sẽ tự tạo ra một ý niệm về vật mà mình muốn kiếm. Mà ta có thật sự biết hạnh phúc hình dạng ra sao không? Các bậc thiền sư khuyên ta hãy dừng lại, rồi một ngày hạnh phúc sẽ bắt gặp ta.

Tiếng hót chim bồ câu


Bà Joko Beck kể một câu chuyện như sau. Có một thiền sinh trong giờ trình pháp nói với bà, buổi sáng hôm ấy cô ta đang ngồi định tâm trong thiền đường. Trời mới tờ mờ sáng. Không gian vô cùng tĩnh lặng. Cánh cửa sổ thiền đường để mở cho không khí tươi mát buổi sáng lùa vào trong. Giữa không gian yên lặng ấy chợt cô nghe tiếng gáy của một con chim bồ câu trắng ngoài sân vọng vào. Ngay trong giây phút đó, hốt nhiên cô cảm thấy như bừng tỉnh dậy. Hiện hữu bỗng dưng thể nhập làm một. Lúc đó cô thấy không còn có cô, cũng không còn có tiếng hót của con bồ câu. Một giây phút nhiệm mầu. Kể đến đó, cô dừng lại chờ lời phê bình của bà. Bà Joko nhìn cô ta rồi đáp: “Tốt lắm! Kinh nghiệm của cô tốt lắm! Nhưng giả sử lúc ấy thay vì nghe tiếng gáy của một con bồ câu, cô lại nghe tiếng của một người nào đó chỉ trích hay xúc phạm cô thì sao, kinh nghiệm của cô sẽ như thế nào? Cô thấy có gì khác biệt giữa âm thanh của tiếng chim hót và của một lời chỉ trích không?”

Lời của bà Joko có thể làm một công án để cho chúng ta quán chiếu. Sống trong cuộc đời, chúng ta có thật sự nghe, thấy hết tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình không! Hay qua một sự chọn lọc nào đó. Lưỡi gươm của ý niệm phân biệt có thể chia cắt thực tại ra làm muôn ngàn mảnh vụn.

Lá cây xanh tràn ngập


Như thế thì sự tu tập không phải là để ta đi tìm một sự an lạc, hạnh phúc nào hết. Chúng ta chẳng cần phải đi đâu cả. Vì thật ra chẳng có một nơi nào để ta đến. Hạnh phúc nằm ngay trong giây phút này, nếu ta không thấy được thì mãi mãi sẽ không bao giờ có thể thấy. Sự tu tập của ta chỉ là để nhắc cho ta nhận thức được điều ấy. Bạn hãy làm những việc nào cần làm bây giờ: đi dạo với một người bạn, giải quyết một vấn đề, uống một tách trà, dỗ dành một em bé, mở cửa sổ cho ánh trăng vào... Việc nào cũng tiềm chứa một khả năng an lạc hết. Nhưng đôi khi ta cần phải thường xuyên tự nhắc nhở mình điều ấy.

Nói đến ánh trăng, tôi nhớ đến ngài Đạo Nguyên, một thiền sư ở thế kỷ 13. Một đêm sáng trăng trên mặt nước, ngài có viết một bài thơ haiku:

Nửa đêm.
Im sóng.
Lặng gió.
Khoang thuyền không,
Ánh trăng xanh tràn ngập.

Trưa nay trời tĩnh lặng. Có vài con chim nhỏ trốn nắng, thỉnh thoảng hót vang trong lùm cây cao. Không gian buổi trưa hanh hanh mùi hoa rừng, cỏ dại. Con đường đất vàng nhỏ loáng thoáng bóng lá cây xanh.

Rừng trưa.
Im nắng.
Con đường nhỏ.
Bầu trời không,
Ngàn chiếc lá xanh
chập chùng lòng suối vắng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


Đường Không Biên Giới


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Báo đáp công ơn cha mẹ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.6.41 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...