Hoa nhẫn nhục là loài hoa mọc trên đất tâm (tâm địa). Hạt giống của nó
luôn sẵn có trong khu vườn Phật pháp nên bất cứ ai cũng có thể mang về
gieo trồng. Rất nhiều người đã gieo trồng loài hoa này và thu hoạch được
những lợi ích vô cùng lớn lao. Mặc dù vậy, cho đến nay nó vẫn còn là một
loài hoa quý hiếm, vì số người thành công trong việc gieo trồng hoa nhẫn
nhục vẫn còn là quá ít so với số người chưa từng được biết đến những
công năng kỳ diệu và lợi ích lớn lao của nó.
Vì sao một loài hoa luôn sẵn có hạt giống và bất cứ ai cũng có thể mang
về gieo trồng nhưng vẫn là quý hiếm? Đó là vì sự chăm sóc cây hoa này có
nhiều điểm đặc biệt không dễ dàng. Những người thất bại thường là vì
không biết chăm sóc đúng cách, vì thế mà việc trồng hoa của họ không
mang lại kết quả. Nếu việc trồng hoa đã không mang lại kết quả, thì việc
sẵn có hạt giống liệu có ích gì?
Ngày xưa có một vị tăng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, sau khi được nghe thầy
giảng dạy về hạnh nhẫn nhục liền hạ quyết tâm là phải tu tập thành tựu
pháp môn này. Vị ấy rời khỏi ngôi chùa trong làng, tìm đến sống trong
một hang đá trên ngọn đồi cách làng khá xa. Ngày ngày ông ta uống nước
suối, ăn rau rừng để sống qua bữa và tập trung tinh thần suy xét về pháp
môn nhẫn nhục. Vì nơi ông ở cách xa làng nên không có bất cứ ai đến quấy
rầy việc tu tập của ông. Cứ như vậy trong một thời gian khá lâu.
Nhưng ngày kia có một nông dân trong làng bị lạc mất con nghé, tìm mãi
suốt ngày không thấy. Sau cùng, ông phát hiện thấy dấu chân chú nghé con
chạy về phía ngọn đồi nên tìm theo về hướng đó. Khi mặt trời gần khuất
bóng thì ông lên đến lưng chừng đồi và nhận thấy ở đó có một cái hang
nằm sau mấy lùm cây rậm. Nghĩ rằng chú nghé con có thể đang ẩn náu trong
đó nên ông tìm đến. Nhìn vào trong hang, ông thấy một vị tăng đang ngồi
trong tư thế tĩnh tọa.
Vì là một người khá nóng tính nên ông to tiếng hỏi một cách thô lỗ: “Ông
kia! Có nhìn thấy con nghé của tôi lạc vào đây không?”
Người trong hang lặng thinh. Người nông dân nghĩ rằng ông ta vẫn chưa
nghe rõ, liền hét lớn: “Này, tôi hỏi ông đấy. Có nhìn thấy một con nghé
lạc vào đây không?” Bấy giờ, người trong hang mới từ từ ngẩng đầu lên,
đáp: “Không.”
Người nông dân bực tức, tiếp tục quát tháo: “Hừ, không thấy thì nói
không thấy, sao phải đợi hỏi nhiều lần đến thế? Ông làm gì ở đây?”
Ông tăng đáp: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục.”
Người nông dân bỗng phá lên cười rất to rồi nói: “Tu hành gì cái ngữ như
ông đấy! Gặp người không muốn chào hỏi. Thấy người cần kíp không muốn
giúp, chỉ biết ngồi yên một chỗ như thế thì tu hành cái quái gì?”
Ông tăng trẻ không chịu đựng được nữa, bực tức đứng dậy sừng sộ: “Này,
tôi ngồi yên thì đã sao nào? Có can dự gì đến việc của ông mà vào đây
quấy phá tôi?”...
Câu chuyện tạm dừng ở đây, vì không nói thì ai cũng có thể thấy là hạt
giống nhẫn nhục mà vị tăng trẻ tuổi kia gieo trồng đã không mọc nổi
thành hoa! Mặc dù vậy, bài học rút ra từ câu chuyện này có vẻ như sẽ là
hữu ích cho nhiều người trong chúng ta.
Nhẫn nhục không phải là một đức tính có thể đạt được trong môi trường
cách biệt. Khi chúng ta nhiều năm không nổi giận vì không có ai chọc
giận, điều đó hoàn toàn không phải là nhẫn nhục. Chỉ khi đối mặt với
những hoàn cảnh thách thức, khơi dậy sự sân hận mà ta có thể vượt qua
được một cách thản nhiên, đó mới gọi là nhẫn nhục. Và hơn thế nữa, cũng
cần lưu ý đến những yếu tố mà ta đã bàn đến trong phần trước. Đó là:
không có tâm sân hận, không kết thành thù oán và không khởi ý xấu ác.
Khi chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục, sự thành tựu cũng không thể nhất
thời đạt đến. Vấn đề là những khác biệt nhất định mà ta có thể tạo ra
trong sự ứng xử của mình. Chính sự chuyển hóa tích cực trong lòng ta –
cho dù có thể rất ít – là dấu hiệu của sự nảy mầm và phát triển hạt
giống nhẫn nhục. Và chỉ trong một môi trường rèn luyện thích hợp dài lâu
thì cây mới có thể trưởng thành để trổ hoa, kết hạt.
Nói về môi trường tu tập cũng như sự rèn luyện hạnh nhẫn nhục, người xưa
đã có sự đúc kết trong một câu tục ngữ rất cô đọng và chính xác: “Thứ
nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.” Bằng vào kinh nghiệm thực
tế trong dân gian, người ta đã thấy rằng sự tu tập chỉ có thể đạt được
kết quả tốt và phát triển trong những môi trường có sự va chạm, tiếp xúc
và chướng ngại. Nếu ai đó sớm lìa bỏ mọi quan hệ gia đình và xã hội để
vào chùa tu tập, người ấy sẽ không có được những cơ hội rèn luyện qua sự
va chạm, tiếp xúc, và vì thế sẽ khó có được một nội tâm vững chãi. Một
khi gặp phải sự thách thức, trở ngại, những người như thế sẽ rất dễ dàng
bị quật ngã, như trong trường hợp mẩu chuyện nhỏ mà chúng ta vừa kể
trên. Vì thế, có thể thấy là câu tục ngữ trên hoàn toàn có thể được vận
dụng trong trường hợp thực hành hạnh nhẫn nhục mà chúng ta đang bàn đến.
Thật vậy, gia đình là môi trường tiếp xúc đầu tiên và quan trọng nhất
của tất cả chúng ta. Vì thế, đây cũng là điểm khởi đầu tốt nhất để tu
tập hạnh nhẫn nhục. Khi thực hành nhẫn nhục với những người thân trong
gia đình, chúng ta có được sự hỗ trợ của yếu tố tình thân nên chắc chắn
sẽ dễ dàng hơn so với khi đối diện người ngoài. Vì thế, cây non nhẫn
nhục mà chúng ta gieo trồng sẽ có được một môi trường thích hợp nhất để
dần dần phát triển.
Mặc dù gia đình là tổ ấm của chúng ta, là nơi chỉ quy tụ toàn những
người ta thương yêu và gắn bó, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là
sẽ không có những va chạm, xung đột hay mâu thuẫn. Sự thật, chính trong
môi trường gia đình mới là nơi xảy ra nhiều sự va chạm, mâu thuẫn nhất,
đơn giản chỉ là vì phần lớn những sự trao đổi, tiếp xúc của chúng ta đều
diễn ra trong gia đình.
Mỗi ngày bạn có hai buổi làm việc, nhưng trong hai buổi đó thì công việc
đã chiếm hầu hết thời gian của bạn. Ngược lại, mỗi giây phút bạn trở về
với gia đình đều là những giây phút để trao đổi, tiếp xúc với người
chung quanh. Bạn có thể trò chuyện khi dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đĩa, dọn
bàn ăn hoặc ngay cả trong khi ăn... Và mọi hành vi ứng xử, mọi công việc
bạn thực hiện trong gia đình đều có những ảnh hưởng nhất định đến mọi
người chung quanh. Chính vì thế mà trong những sự giao tiếp, tiếp xúc
quá thường xuyên này sẽ dễ dàng nảy sinh những vấn đề bất đồng, những
mâu thuẫn, những sự trái ý...
Điều tất nhiên là những vấn đề mới nảy sinh trong gia đình thường rất
nhỏ nhặt, thậm chí chỉ là vụn vặt. Nhưng nếu chúng ta không giải tỏa
được ngay từ những vấn đề nhỏ nhặt, vụn vặt đó, thì chúng sẽ tích tụ và
phát triển dần để trở thành một ngọn lửa hung dữ, có thể thiêu cháy mọi
tình cảm của chúng ta. Những xung đột giữa vợ chồng chẳng hạn, thường
chỉ bắt đầu từ những điều trái ý nho nhỏ, dần dần mới trở thành những
định kiến không tốt nơi mỗi người. Rồi từ những định kiến đó, mọi vấn đề
tiếp theo sẽ được phóng đại lên, cường điệu hóa đến mức gần như vô lý.
Và vì nhận thức của mỗi người đều trở nên gần như vô lý, nên khả năng
hòa giải, cảm thông nhau ngày càng trở thành khó khăn hơn.
Những hố sâu cách biệt trong tình cảm giữa cha con, mẹ con hay anh chị
em cũng bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Chỉ vì những điều rất nhỏ đó
không được hóa giải, không được triệt tiêu, nên nó mới có cơ hội để lớn
dần theo với thời gian và cuối cùng tạo nên những tai họa không ai lường
trước được.
Việc bắt đầu thực hành nhẫn nhục trong gia đình là một sự chọn lựa môi
trường thích hợp, cho dù tính chất của hạnh nhẫn nhục thì không có gì
khác biệt khi ta vận dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi một người thân
trong gia đình làm điều gì đó gây tổn hại cho bạn, tôi tin chắc là bạn
sẽ dễ dàng tha thứ hơn so với một người xa lạ. Đây chính là điểm tốt
nhất cho một sự khởi đầu. Vấn đề là bạn biết chấp nhận, chịu đựng trong
tinh thần nhẫn nhục, nghĩa là không sinh khởi bất cứ sự giận hờn hay bực
tức nào. Khi bạn có thể thực hiện điều này một lần, hai lần, cho đến
nhiều lần..., từ sự chấp nhận và tha thứ một lời nói xúc phạm, một hành
vi gây tổn hại, cho đến cả một sự khiêu khích hung hãn... thì rõ ràng
hạt giống của cây hoa nhẫn nhục đã bắt đầu bén rễ đâm chồi trên đất tâm
của bạn.
Việc thực hành nhẫn nhục trong gia đình không chỉ mang lại sự chuyển hóa
riêng cho bản thân chúng ta. Sự thật là, mọi người quanh ta chắc chắn sẽ
cảm nhận được những thay đổi tốt đẹp hơn, cao thượng hơn trong cung cách
ứng xử cũng như lời nói và việc làm của ta. Vì thế, họ không thể không
có những phản ứng tích cực hơn. Một người chị dù hung hăng đến đâu cũng
không thể tiếp tục chì chiết đứa em mình khi nó luôn đáp trả bằng sự
nhẫn nhục, hòa kính. Một người cha dù khó tính đến đâu cũng không thể
tiếp tục quát tháo con cái khi nó luôn đáp lại bằng sự nhẫn nhục, hiếu
thuận... Tương tự như vậy, mọi sự căng thẳng trong gia đình chắc chắn sẽ
giảm dần đi, trong khi tình thương được nuôi dưỡng và không khí ngày
càng trở nên thuận hòa, đầm ấm hơn.
Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất, khi mọi người quanh ta đều bị
đắm chìm trong si mê và sân hận, thì sự thực hành nhẫn nhục chắc chắn
cũng sẽ giúp ta sống tốt hơn, an ổn hơn trong một môi trường như thế.
Mặt khác, chính trong những môi trường khắc nghiệt như thế sẽ càng giúp
cho tâm nhẫn nhục được trau giồi, rèn luyện, và nếu có thể vượt qua được
thì cây hoa nhẫn nhục của ta sẽ càng sớm được trưởng thành, phát triển
một cách nhanh chóng hơn.
Khi ta đã có thể thực hành tốt hạnh nhẫn nhục với cha mẹ, anh chị em và
tất cả những người thân khác trong gia đình, đó là lúc ta có thể bắt đầu
thực hành việc “tu chợ”, nghĩa là vận dụng tinh thần nhẫn nhục vào những
mối quan hệ tiếp xúc ngoài xã hội. Đó là những mối quan hệ trong công
việc, trong giao tiếp bạn bè, trong lúc đi đường hoặc trong khi mua
sắm... Nói chung là tất cả những mối quan hệ, tiếp xúc nằm ngoài môi
trường gia đình.
Môi trường xã hội tất nhiên là sẽ phức tạp hơn nhiều so với trong gia
đình, vì chúng ta thường không hiểu được gì nhiều về những người mà ta
tiếp xúc. Mặt khác, những nội dung và hoàn cảnh tiếp xúc cũng đa dạng và
phức tạp hơn. Chúng ta thường ít khi có được kinh nghiệm về những trường
hợp tương tự như sự việc đang xảy ra, và vì thế để thực hành nhẫn nhục
đòi hỏi phải có một nội tâm vững chãi và sự hiểu biết sâu sắc. Những
điều này ta cần phải đạt được từ sự rèn luyện trong môi trường gia đình,
và tiếp tục phát triển hơn nữa khi vận dụng vào môi trường xã hội.
Tuy có sự phân biệt về môi trường tiếp xúc như trên, nhưng thật ra thì
dù ở nơi đâu cũng vẫn là sự tiếp xúc với những con người. Và con người
thì bao giờ cũng có những điểm chung mà ta có thể học hỏi được qua từng
trường hợp giao tiếp. Vì thế, khi bạn thực hành nhẫn nhục qua một thời
gian dài, bạn sẽ có thể tích lũy được những vốn liếng kinh nghiệm quý
giá, giúp bạn ứng xử tốt hơn trong từng trường hợp cụ thể.
Khi đã thành công và vượt qua được hai giai đoạn “tu nhà” và “tu chợ”,
vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta bắt đầu việc “tu chùa”. Đây
cũng có thể xem là giai đoạn cuối cùng dành cho sự hoàn thiện và nâng
cao khả năng thực hành nhẫn nhục của mỗi người chúng ta.
Chúng ta nên hiểu việc “tu chùa” ở đây không có nghĩa là phải vào chùa ở
để tu, mà là sự tu tập với những tiêu chuẩn và định hướng mang tính
chuyên sâu và thuần khiết hơn. Sở dĩ ta nên hiểu như thế, vì chùa là nơi
chỉ dành riêng cho việc tu tập, nên tu tập trong môi trường ở chùa có
nghĩa là dành trọn mọi nỗ lực tinh thần cho việc tu tập mà không còn bị
chi phối vào bất cứ mục đích nào khác. Khi ta có thể tu tập được như
vậy, thì dù không bước chân vào ở hẳn trong chùa cũng có thể gọi là “tu
chùa”.
Nếu như trong những giai đoạn trước, chỉ cần ta giữ được sự bình thản để
vượt qua những trường hợp thử thách là có thể xem như thành công, thì
trong giai đoạn này chúng ta còn cần phải soi rọi sâu vào tự tâm mình để
thấy được hết thảy mọi tâm niệm, cho đến những tâm niệm nhỏ nhiệm, vi tế
nhất. Mỗi một sự nhẫn nhục của ta phải bao hàm trọn vẹn, đầy đủ các tính
chất không sân hận, không kết oán và không có ác ý. Và nhờ có ba yếu tố
này mà cả bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả sẽ được sinh khởi và nuôi
dưỡng.
Nhờ không khởi tâm sân hận nên khi nhìn rõ sự việc một cách khách quan
và sáng suốt, ta sẽ khởi tâm thương xót những kẻ đã gây tổn hại cho ta,
vì điều đó biểu lộ sự si mê và sân hận của họ. Từ đó mà tâm từ và tâm bi
được sinh khởi: chúng ta mong muốn giúp họ vượt thoát khổ đau cũng như
mong muốn mang đến niềm vui cho họ. Nhờ không kết thành oán thù và không
sinh khởi ác ý nên tâm hỷ và tâm xả được sinh khởi: chúng ta có thể
buông xả sự việc để thật lòng cảm thông và tha thứ cho hành vi sai trái
của đối phương, thản nhiên và vui vẻ chấp nhận những tổn hại mà họ đã
gây ra cho ta.
Những yêu cầu và chuẩn mực như thế rõ ràng không phải là chuyện dễ dàng
chút nào đối với những người đang mưu sinh trong vòng thế tục. Vì thế mà
tôi nghĩ rằng ta nên hiểu chúng thuộc về môi trường “tu chùa”. Tuy
nhiên, với những ai đã kiên trì tu tập hạnh nhẫn nhục trong một thời
gian dài thì việc đạt đến những chuẩn mực như thế cũng không phải là
điều không thể được.
Mặt khác, cũng trong quá trình tu tập, khi quay về soi rọi tự tâm chúng
ta sẽ nhận ra một sự thật là: những tâm sân hận, những sự bực dọc hay
khó chịu của chúng ta không chỉ sinh khởi do những nguyên nhân đến từ
người khác. Chúng còn được khởi lên – và thậm chí với một mức độ thường
xuyên hơn – bởi những cảm xúc trong tâm ta và những cảm xúc được sinh ra
từ các yếu tố môi trường bất lợi. Chẳng hạn, khi ta có một cơn đau nhức
ở đâu đó trong thân thể, điều đó có thể là nguyên nhân khiến ta sinh ra
những ý niệm bực tức, khó chịu. Hoặc khi thời tiết quá nóng bức đến mức
tưởng chừng như ta không thể chịu đựng thêm được nữa, điều đó cũng có
thể là nguyên nhân làm ta khó chịu, bực tức. Khi ta mong muốn một sự
việc nào đó xảy ra, nhưng phải chờ đợi rất lâu mà sự việc ấy vẫn chưa
xảy ra, ta cũng có thể cảm thấy bực mình. Hoặc khi ta hết sức khó chịu
vì tiếng nhạc ồn ào của nhà bên cạnh, nhưng chờ đợi mãi mà nó vẫn không
chấm dứt, ta có thể sinh ra khó chịu, bực tức...
Và còn có vô số trường hợp như thế, những nguyên nhân tương tự như thế
trong cuộc sống, lúc nào cũng có thể làm cho ta sinh khởi những ý niệm
bực tức, khó chịu. Khi thực hành nhẫn nhục, ta quan sát tất cả những tâm
niệm khó chịu này ngay từ khi chúng vừa khởi lên và sử dụng sự sáng
suốt, tỉnh thức của mình để phân tích chúng. Khi ấy, ta luôn thấy ra
được những nguyên nhân đích thực của vấn đề, và vì thế cũng sẽ thấy rằng
sự khó chịu, bực mình của ta là hoàn toàn vô lý cũng như không mang lại
chút lợi ích nào. Chúng thường được sinh ra do thói quen, tập quán từ
lâu đời lâu kiếp, lâu đến nỗi đã ăn sâu vào trong tâm thức chúng ta đến
mức ta rất khó lòng nhận biết. Dù vậy, một khi đã nhận biết và từ bỏ
được những thói quen này, tâm thức ta sẽ được giải thoát khỏi vô số
những gánh nặng, sẽ được thoát khỏi vô số sự trói buộc, và sẽ cảm nhận
được vô số những niềm vui thanh thản, an nhiên và tự tại.
Nói tóm lại, nếu ta biết thực hành và nuôi dưỡng hạnh nhẫn nhục qua từng
môi trường thích hợp, khả năng thành công sẽ lớn hơn nhiều. Một khi cây
non nhẫn nhục được gieo trồng trong môi trường gia đình đã đủ lớn mạnh,
nó sẽ không dễ dàng bị thui chột, héo úa trước nắng gió trong môi trường
xã hội phức tạp hơn.
Và cũng chính sự phát triển tuần tự, hợp lý này sẽ mang lại cho chúng ta
những kết quả lợi ích lớn lao trong đời sống. Và những lợi ích thực tiễn
này lại chính là chất liệu để nuôi dưỡng cây hoa của chúng ta ngày càng
phát triển hơn nữa. Chẳng hạn, do thực hành nhẫn nhục mà chúng ta trừ bỏ
được tâm sân hận, nuôi dưỡng được tâm từ bi, và nhờ sự phát triển của
tâm từ bi mà ta có thể thực hành nhẫn nhục ở mức độ sâu xa, vững chãi
hơn. Đó là những mối tương quan rất chặt chẽ và thiết thực. Và điều này
cũng giải thích sự thất bại của những người thực hành nhẫn nhục trong
môi trường cách biệt, thiếu sự va chạm và rèn luyện thích hợp.
Trong một môi trường tốt đẹp, chẳng hạn như trong tu viện, khi mọi người
đều sống hòa hợp và tôn kính lẫn nhau, thì sự thực hành nhẫn nhục hầu
như rất khó đạt kết quả tiến triển. Trong môi trường đó, bạn có thể sống
hiền hòa trong nhiều năm dài chẳng bao giờ nổi giận với ai – vì thật ra
là chẳng có ai chọc giận bạn. Nhưng nếu một hoàn cảnh nhất định nào đó
đẩy đưa bạn vào môi trường sống thực tế của đời thường, với vô số những
sự va chạm, mâu thuẫn hầu như xảy ra mỗi ngày, thì sự yếu ớt của bạn sẽ
dễ dàng bộc lộ, và rất ít có khả năng bạn sẽ vượt qua được thử thách.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chê bỏ những môi trường tốt đẹp
hoặc mong muốn tìm đến những môi trường phức tạp, nhiều va chạm. Nhưng
điều quan trọng ở đây là phải nhận biết được những tác động tích cực của
môi trường đối với sự tu tập, rèn luyện của chúng ta. Khi hiểu được điều
này, chúng ta càng cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những sự
trở ngại, những khó khăn hoặc thậm chí là đối nghịch giữa cuộc đời. Đó
chính là những chất liệu tốt nhất để nuôi dưỡng loài hoa nhẫn nhục mà ta
đã gieo trồng trên đất tâm.