Như đã nói, trong một số trường hợp thì sự nhẫn chịu của chúng ta cũng
mang lại những kết quả lợi ích lớn lao, tốt đẹp, nhưng chưa thực sự được
gọi là nhẫn nhục. Chúng ta cần lưu ý đến sự khác biệt cơ bản giữa những
trường hợp khác nhau này. Cho dù nhìn bề ngoài thì chúng có vẻ như không
có gì khác biệt với nhau, nhưng khi phân tích tác động của chúng trong
nội tâm thì ta sẽ thấy được sự khác biệt rất lớn.
Chẳng hạn, khi bạn ham thích một chiếc xe gắn máy đời mới và dự tính sẽ
dùng trọn số tiền dành dụm của mình để mua. Nhưng khi suy nghĩ kỹ, bạn
nhớ đến rất nhiều nhu cầu thiết yếu khác của gia đình vẫn còn chưa được
đáp ứng. Sau khi so sánh, cân nhắc, bạn thấy rằng những nhu cầu thiết
yếu khác nên được giải quyết trước. Vì thế, bạn quyết định kiềm chế sự
ham muốn của mình để dành tiền vào việc mua sắm những thứ thiết yếu hơn
cho gia đình.
Sự kiềm chế lòng ham muốn của bạn là một quyết định tốt và tất nhiên có
lợi hơn cho gia đình. Nhờ có sự kiềm chế đó mà bạn đã có thể ứng xử một
cách đúng đắn hơn, giúp cho cả gia đình có một cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, lòng ham muốn của bạn vẫn còn đó. Mỗi ngày khi bạn đi ngang
qua cửa hàng bán xe gắn máy, sự ham muốn ấy vẫn chực chờ nổi dậy, thôi
thúc trong lòng bạn. Dù đã quyết định không mua xe, nhưng bạn vẫn không
tránh khỏi tâm trạng thèm muốn, khao khát khi sự ham muốn của mình không
được thỏa mãn.
Chúng ta hãy quay trở lại vấn đề này và thử đặt ra một giả thuyết khác.
Khi suy nghĩ về những nhu cầu thiết yếu trong gia đình và so sánh với ý
muốn mua xe, bạn bắt đầu phân tích kỹ về sự ham muốn đó. Bạn xét lại và
thấy chiếc xe hiện đang sử dụng vẫn còn rất tốt, và ý muốn mua xe chỉ là
một sự đua đòi. Khi ấy, bạn thấy rằng đó là một sự ham muốn không chính
đáng. Bạn nhớ lại đã từng có những ham muốn đối với nhiều thứ khác,
nhưng ngay cả sau khi thỏa mãn lòng ham muốn ấy rồi thì bạn vẫn dễ dàng
sinh khởi một sự ham muốn khác, với mức độ còn hơn cả trước đó. Sau
những suy nghĩ và phân tích như thế, bạn không còn thấy ham muốn mua xe
nữa, và quyết định dành tiền cho những nhu cầu thiết yếu khác của gia
đình.
Trong cả hai trường hợp trên, sự việc vẫn diễn ra giống hệt như nhau. Sự
khác biệt chỉ có thể tìm thấy trong nội tâm của bạn mà thôi. Trong
trường hợp thứ nhất, sau khi quyết định hành động bạn vẫn phải chịu đựng
một tâm trạng khao khát, thèm muốn, bởi vì lòng ham muốn của bạn thật ra
vẫn còn đó. Sự kiềm chế lòng ham muốn này sẽ tạo ra một tâm lý ức chế,
có phần căng thẳng, không thoải mái. Một khi lý trí bạn vẫn còn đủ sáng
suốt và sức mạnh kiềm chế thì lòng ham muốn này vẫn còn bị đè nén, nhưng
nếu có thêm những thôi thúc theo hướng ngược lại từ ngoại cảnh hoặc
trong một lúc bốc đồng thiếu suy xét nào đó, sự ham muốn này vẫn có thể
sẽ phát triển và bộc lộ, nghĩa là khi ấy bạn sẽ hành động theo sự ham
muốn sẵn có trong lòng mình.
Trong trường hợp thứ hai thì ngược lại. Do sự phân tích và suy xét đến
tận cùng nguyên nhân của sự việc mà bạn nhận ra rằng lòng ham muốn của
mình là hoàn toàn không hợp lý. Bạn cũng nhận ra rằng ngay cả khi thỏa
mãn sự ham muốn trong hiện tại thì điều đó cũng không mang đến niềm vui
hay hạnh phúc thật sự lâu bền cho bạn. Vì nhận biết được tính chất giả
tạo và nhất thời của tâm niệm ham muốn nên bạn chuyển hóa được nó, khiến
cho nó không còn tồn tại trong lòng bạn như một sự thôi thúc nữa. Như
vậy, sau khi quyết định hành động, trong lòng bạn sẽ có được sự thanh
thản, an nhiên vì không còn có bất cứ sự vướng mắc nào.
Khi so sánh hai trường hợp, bạn có thể thấy rằng kết quả tốt đẹp trong
trường hợp thứ nhất chỉ là tạm thời và giới hạn, trong khi đó kết quả
đạt được trong trường hợp thứ hai là một kết quả tốt đẹp lâu dài, có thể
trở thành một kinh nghiệm chuyển hóa giúp bạn tiếp tục ứng xử tốt hơn
trong những trường hợp tương tự về sau.
Cũng tương tự như trên, khi bạn kiềm chế một cơn giận và quyết định
không làm tổn hại đến người mà bạn tức giận, điều đó chỉ mang lại kết
quả nhất thời và rất hạn chế, đồng thời cũng đẩy bạn vào một tâm trạng
bị đè nén, ức chế. Ngược lại, nếu bạn có thể đối diện với cơn nóng giận
của mình, phân tích và suy xét để thấy được tính chất vô lý của nó, bạn
sẽ chuyển hóa được cơn giận ấy, khiến cho năng lượng của nó bị triệt
tiêu hoàn toàn. Nhờ đó, bạn có thể vượt qua cơn giận với một tâm trạng
bình thản, an ổn, đồng thời cũng rèn luyện thêm khả năng chuyển hóa của
bạn đối với những cơn giận về sau.
Khi bạn phải chịu đựng những nỗi đau thể xác hoặc tinh thần cũng vậy.
Nếu bạn cố sức kiềm chế, đè nén cơn đau và làm ra vẻ thản nhiên không
lay động, điều đó sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều. Ngược lại, khi bạn
thật sự đối diện với cơn đau, quán xét bản chất thật sự của nó và không
sinh khởi bất cứ tâm niệm bực tức, khó chịu nào, bạn sẽ có thể cảm nhận
được cơn đau dần qua đi trong một tâm trạng thật sự bình thản. Như thế
bạn mới thực sự chuyển hóa được cơn đau và vô hiệu hóa mọi tác hại của
nó đối với tinh thần của bạn.
Trong tất cả các trường hợp trên, chính việc thực hành nhẫn nhục là
phương thức duy nhất có thể giúp bạn đạt được sự chuyển hóa mọi tâm
trạng tiêu cực thay vì kiềm chế chúng. Sự chuyển hóa không chỉ mang lại
lợi ích tức thời qua việc hóa giải vấn đề, mà còn là một sự thành tựu
trong tu tập, tạo nền tảng cho những bước phát triển tinh thần tiếp theo
sau đó.