Qua sự mô tả về hạnh nhẫn nhục và những công năng của nó, chúng ta cũng
đã thấy được hầu hết những lợi ích của việc thực hành nhẫn nhục. Tuy
nhiên, việc kể ra những lợi ích của việc thực hành nhẫn nhục ở đây một
cách có hệ thống cũng không phải là không cần thiết. Có thể xem như đây
là một sự tổng kết, tóm lược những gì chúng ta đã bàn đến, và vì thế nó
sẽ giúp ta dễ dàng hơn trong việc nhìn lại toàn bộ vấn đề.
Lợi ích thứ nhất của nhẫn nhục là giúp ta tránh được mọi ảnh hưởng xấu
của sân hận. Sân hận có thể khiến ta ứng xử một cách dại dột và gây ra
mọi điều tội lỗi. Sân hận cũng làm mất đi mọi ý niệm tốt đẹp của ta.
Trong cơn giận, khó có ai còn có thể nghĩ đến sự cảm thông, tha thứ hay
thương yêu người khác. Khi ấy ta chỉ còn nghĩ đến một điều duy nhất là
làm sao để bộc lộ cơn giận của mình, biến nó thành hành động cụ thể gây
hại cho kẻ mà ta đang tức giận. Khi chưa làm được điều đó, ta như bị
thiêu đốt trong một ngọn lửa nóng. Vì thế mà có cách gọi rất hình tượng
là “lửa giận”.
Sự thực hành nhẫn nhục giúp ta dập tắt cơn giận ngay từ khi nó vừa chớm
sinh khởi, nhờ đó có thể vô hiệu hóa mọi tác hại của nó.
Lợi ích thứ hai của nhẫn nhục là tạo ra một môi trường sống an lành
quanh ta. Vì thực hành nhẫn nhục giúp ta hạn chế mọi sự đối kháng, mâu
thuẫn và xung đột, đồng thời hóa giải được những oán hận, hiềm khích,
nên điều tất nhiên là mọi sự giao tiếp giữa ta với người chung quanh đều
sẽ trở nên hòa hoãn, ít căng thẳng hơn. Mặt khác, khi có bất cứ mâu
thuẫn nào phát sinh cũng đều sẽ được giải quyết theo hướng ôn hòa, hạn
chế tối đa mọi sự xung đột giữa đôi bên.
Cũng giống như khoảng sân được thường xuyên quét dọn sẽ không có nhiều
rác bẩn, môi trường sống quanh ta khi thường xuyên được soi rọi dưới ánh
sáng của hạnh nhẫn nhục sẽ không còn nhiều những mâu thuẫn, hiềm khích
hay oán hận. Nhờ đó mà chắc chắn sẽ trở nên an lành hơn, hòa hợp hơn.
Lợi ích thứ ba của nhẫn nhục là giúp ta rèn luyện một khả năng chịu đựng
ngày càng tốt hơn, bền bỉ hơn. Như đã nói đến trong một phần trước, thế
giới này của chúng ta được gọi là thế giới của sự nhẫn chịu, vì sự thật
là chúng ta luôn phải tiếp nối chịu đựng những nỗi khổ đau, những sự bất
toàn, như là những thành phần tất yếu của đời sống. Trong một thế giới
như thế, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là phải tự rèn luyện cho
mình một khả năng chịu đựng, thích nghi với mọi sự khổ đau, thay vì là
bực tức hay than phiền về chúng. Và việc thực hành nhẫn nhục có thể giúp
ta làm được điều đó.
Tôi có mấy người em sống ở Đà Lạt. Thỉnh thoảng, khi các em có dịp ghé
thăm tôi, tôi luôn nhận ra sự khó chịu, bực dọc của chúng vì thời tiết
nóng bức. Tôi nghĩ, nếu sự khó chịu ấy mà kéo dài thì quả thật là... khó
chịu! May thay, chúng thường chỉ ghé chơi khoảng một hai hôm mà thôi.
Thế nhưng, đối với chúng tôi, những người phải thường xuyên sống ở “xứ
nóng” thì điều tốt hơn là phải biết làm quen, phải biết chịu đựng sự
nóng bức thay vì là bực tức, khó chịu. Sự thật, hầu hết cư dân xứ nóng
đều đã làm như vậy. Họ trở nên quen thuộc và chấp nhận sự nóng bức chứ
không ai cảm thấy khó chịu và bực tức với sự thật này.
Chúng ta cũng cần phải làm như vậy đối với những khổ đau trong cuộc
sống. Có quá nhiều những nỗi khổ niềm đau luôn nối tiếp nhau xảy đến cho
ta. Vì không có cách nào để tránh né những điều ấy, nên cách tốt nhất là
ta cần phải rèn luyện cho mình một khả năng chịu đựng.
Việc thực hành nhẫn nhục chính là một bài tập rèn luyện dài ngày cho tất
cả chúng ta. Khi bắt đầu thực hành, bạn có thể luyện tập khả năng chịu
đựng những sự đau đớn hay khó chịu nhỏ nhặt hằng ngày với tâm bình thản,
nhưng dần dần khả năng ấy sẽ phát triển đến mức bạn có thể trải qua
những cơn đau đáng kể mà vẫn giữ được tâm bình thản. Càng thực hành lâu
ngày, khả năng ấy càng phát triển, và bạn sẽ có được một tâm thức luôn
an ổn, vững chãi trong mọi hoàn cảnh bất lợi. Đây chính là tiền đề quan
trọng để chúng ta có được sự an vui, thanh thản trong đời sống.
Lợi ích thứ tư của nhẫn nhục là giúp ta hoàn thiện đời sống tinh thần về
mọi mặt. Thực hành nhẫn nhục là nền tảng quan trọng tạo điều kiện thuận
lợi để nuôi dưỡng đức khiêm hạ, tâm từ bi, cũng như phát triển trí tuệ,
định lực và vô số những pháp lành khác nữa. Khi ta tu tập hạnh nhẫn nhục
thì mọi điều lành đều dễ dàng sinh khởi, mọi điều ác đều dễ dàng bị ngăn
chặn, do đó mà tâm ta chắc chắn sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, tiến gần
hơn đến sự an vui và giải thoát.
Tuy nhiên, việc kể ra những lợi ích của nhẫn nhục như trên chỉ là một
việc làm gượng ép, nhằm tạm giới thiệu với những ai chưa thực sự tiếp
xúc, thực hành phương pháp ứng xử nhiệm mầu này. Với những ai đã có sự
thực hành nhẫn nhục, chắc chắn sẽ thấy những mô tả trên đây là rất giới
hạn vì không thể nói lên hết những lợi ích lớn lao của sự thực hành nhẫn
nhục.
Cũng tương tự như khi bạn chưa từng nếm qua hương vị quả thanh trà, cho
dù tôi có cố gắng mô tả với bạn bằng cách nào đi nữa thì bạn cũng không
thể cảm nhận được hết vị ngon của nó. Tuy nhiên, sự giới thiệu như thế
vẫn là hết sức cần thiết đối với những ai chưa từng biết đến loại trái
cây này, vì nhờ đó mà họ sẽ có cơ hội biết đến để thử qua rồi mới có thể
tự mình cảm nhận.
Tôi cũng rất mong là qua những gì trình bày ở đây bạn đọc sẽ thấy có
chút hứng thú để tự mình thử qua việc trồng hoa nhẫn nhục. Và một khi
việc làm ấy đạt được kết quả, tôi tin rằng bạn cũng sẽ thấy những gì
được mô tả ở đây chỉ là rất sơ sài, đại lược.