Qua những gì đã bàn đến trong tập sách này, hẳn chúng ta không ai còn có
thể nghĩ rằng thực hành nhẫn nhục là một cách ứng xử thụ động hay tiêu
cực. Thật vậy, người thực hành nhẫn nhục cho dù luôn có vẻ như chấp nhận
mọi hoàn cảnh, mọi sự việc xảy đến cho mình mà không có bất cứ thái độ
phản kháng nào, nhưng sự thật là trong thái độ an nhiên chấp nhận đó lại
luôn hàm chứa tất cả sự sáng suốt của trí tuệ, sự dũng mãnh của tâm
thức, sự chân thành của lòng từ bi vô hạn và sự kiên định vững vàng
không lay chuyển trước bất cứ trở lực, thách thức nào.
Vì thế, người tu tập thành tựu pháp nhẫn nhục luôn có một số những đức
tính phụ thuộc như là một phần tất yếu phải đạt được trong công phu tu
tập, và sự thực hành nhẫn nhục xét cho cùng cũng chính là quá trình rèn
luyện và phát triển các đức tính này.
Trước hết là đức tính kiên nhẫn. Như đã nói, người thực hành nhẫn nhục
không thể mong đợi sự thành tựu chỉ trong một sớm một chiều, mà ngược
lại phải là cả một quá trình học hỏi và rèn luyện lâu dài, thường xuyên
trong cuộc sống. Vì thế, ngay khi bắt đầu thực hành nhẫn nhục thì sự
kiên nhẫn phải được xem như yếu tố cần thiết trước nhất. Hơn thế nữa,
trong quá trình thực hành nhẫn nhục, khi chúng ta có thể an nhiên chấp
nhận mọi sự khó khăn, đau khổ thì dần dần sẽ không còn yếu tố ngoại cảnh
nào có thể làm cho ta trở nên khích động, nôn nóng hay bồn chồn. Đây
chính là biểu hiện của sự hình thành và phát triển đức tính kiên nhẫn.
Đức tính thứ hai là khả năng nhẫn chịu. Thông thường, khi không có sự tu
tập thì mỗi người chúng ta cũng đều có một khả năng chịu đựng nhất định,
nhưng khả năng ấy luôn có những giới hạn cụ thể của nó. Chẳng hạn, khi
phải trải qua những cơn đau đớn, đến một mức độ nào đó thì ta sẽ không
chịu được nữa. Có người phản ứng với sự vượt quá giới hạn này bằng những
hành vi không tự chế, có người ngất xỉu đi, trong khi một số người khác
tìm đến các biện pháp can thiệp từ bên ngoài hoặc hoảng hốt tránh né...
Như đã nói, khi thực hành nhẫn nhục là chúng ta “làm quen” với những cơn
đau. Điều này luôn có tác dụng làm tăng thêm khả năng chịu đựng của
chúng ta, nghĩa ra nới rộng hơn mức độ giới hạn trước đó. Nhưng không
chỉ là với những cơn đau, mà còn là đối với tất cả những điều “khó
chịu”, cả về tinh thần cũng như vật chất. Trong cuộc sống ta thường gặp
có những người rất “nhạy cảm” với những lời chỉ trích, phê phán hoặc xúc
phạm. Giới hạn chịu đựng của những người này là rất thấp. Họ sẽ có những
phản ứng mạnh mẽ ngay khi bị người khác xúc phạm, bất kể hậu quả của sự
việc rồi sẽ như thế nào. Người thực hành nhẫn nhục thì không như thế. Họ
có khả năng chịu đựng cao hơn, và trước khi đưa ra bất cứ một phản ứng
nào cũng đều có sự cân nhắc, suy nghĩ một cách sáng suốt, chỉ nhằm mục
đích cải thiện vấn đề cho tốt hơn chứ không phải do sự quá sức chịu đựng
của bản thân mình. Khả năng nhẫn chịu nghịch cảnh của người thực hành
nhẫn nhục vì thế bao giờ cũng là một lợi thế, giúp họ có được những hành
vi ứng xử thận trọng và hữu ích.
Sự thực hành nhẫn nhục có thể giúp chúng ta nhẫn chịu được ngay cả những
sự việc tưởng như không thể nào chịu được. Một trong những sự việc như
thế phải kể đến là những nỗi oan khuất do người khác không hiểu đúng về
ta. Khi phải chịu đựng những sự oán giận hay chê trách về một sự việc mà
mình không hề thực hiện, chỉ có thực hành nhẫn nhục mới có thể giúp ta
vượt qua được với tâm trạng thản nhiên mà không có sự khổ đau, uất ức.
Trong tác phẩm “Collection of Stone and Sand” (Góp nhặt cát đá) có kể
lại một câu chuyện rất ấn tượng về một vị thiền sư Nhật Bản là Hakuin.
Ngài luôn được tất cả mọi người ca ngợi về nếp sống trong sạch và thanh
đạm.
Gần nơi ngài sống có một cô gái còn trẻ đẹp, con nhà giàu có. Mặc dù mọi
người chưa từng thấy nàng có quan hệ tình cảm với bất cứ ai, nhưng thật
bất ngờ, bỗng nhiên cha mẹ nàng khám phá ra là nàng đã có thai. Điều này
khiến cho họ vô cùng tức giận. Họ nhất định phải tìm biết cho bằng được
cô nàng đã mang thai với ai. Tuy nhiên, cô gái cứ khăng khăng không chịu
nói ra điều đó.
Rồi sau bao nhiêu lần gặn hỏi cũng như áp dụng các biện pháp đe dọa căng
thẳng, cuối cùng cô gái mới thú nhận với cha mẹ rằng người đã có quan hệ
với cô chính là thiền sư Hakuin, người đang tĩnh tu một mình trong một
am nhỏ gần đó.
Cha mẹ cô gái vô cùng tức giận. Họ tìm ngay đến chỗ của vị thiền sư và
nhục mạ ông đủ điều về hành vi đê tiện mà họ tin là ông đã làm. Vị thiền
sư chăm chú lắng nghe, rồi đến khi hiểu rõ được đầu đuôi câu chuyện,
ngài tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi lại: “Thật thế sao?”
Rồi sau khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ cô gái liền sai người mang đến
cho Hakuin. Người quản gia của họ mang đứa trẻ đến trước cửa am, đặt
xuống và nói: “Này ông, đây là con của ông.” Thiền sư Hakuin bước ra
cửa, nhìn thấy và hỏi lại: “Thật thế sao?”
Từ đó, người quanh vùng không còn ai xem ngài là một vị tăng chân chính
nữa. Họ không cúng dường thực phẩm, thuốc men cho ngài như trước đây. Vì
thế, ngài thường phải đi khất thực rất xa để có thể sinh sống qua ngày.
Mặc dù vậy, ngài chăm sóc đứa bé thật chu đáo. Ngài đi đến tận các làng
mạc xa xôi, nơi chẳng ai biết ngài để có thể xin sữa, cháo và những thứ
cần thiết cho việc nuôi dưỡng đứa bé.
Cho đến một năm sau thì cô gái trẻ kia không còn chịu đựng được nỗi ray
rứt vì sự dối trá của mình, nên thú thật với cha mẹ rằng thiền sư Hakuin
không hề dính dáng gì đến chuyện này.Người cha của đứa bé chính là một
thanh niên đang giúp việc cho gia đình cô, phụ trách công việc buôn bán
ở cửa hàng. Cha mẹ cô gái vội vàng tìm đến chỗ thiền sư Hakuin để kể lại
tất cả mọi việc và cầu xin ngài tha thứ. Vị thiền sư vẫn chăm chú lắng
nghe như lần trước, và cuối cùng cũng hỏi lại một câu tương tự: “Thật
thế sao?”
Rồi sau khi hết lời bày tỏ sự ăn năn hối lỗi, hai người thưa với thiền
sư Hakuin: “Vì đứa trẻ này không phải con của ngài, xin ngài cho phép
chúng tôi nhận cháu về nuôi dưỡng.” Thiền sư Hakuin ngạc nhiên hỏi lại:
“Thật thế sao?” Rồi vui vẻ trao đứa trẻ cho hai người.
Câu chuyện trên cho thấy một sự chịu đựng oan khuất gần như không giới
hạn. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là vị thiền sư hầu như không tỏ
vẻ gì cho thấy việc ngài đang phải chịu đựng. Hạnh nhẫn nhục của ngài đã
thành tựu đến mức có thể chấp nhận mọi nghịch cảnh với một tâm thức an
nhiên không lay động.
Đức tính thứ ba là sự khoan dung, tha thứ. Trong thực tế, việc chấp nhận
những tổn hại do người khác gây ra cho bản thân mình đã là một điều khó,
nhưng có thể tha thứ cho người gây hại lại còn khó khăn hơn nữa. Người
thực hành nhẫn nhục không khởi tâm sân hận nên có thể sáng suốt phân
tích sự việc, cứu xét nguyên nhân một cách rõ ràng, cặn kẽ. Nhờ vậy, họ
không quy trách nhiệm một cách nông cạn cho người có hành vi gây hại, mà
còn có thể thấy được cả những nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Dưới ánh
sáng soi rọi của nguyên lý duyên sinh thì ngay cả bản thân người gây hại
cho ta cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương xót mà thôi. Nhờ có sự nhận
biết như thế nên người thực hành nhẫn nhục có thể mở rộng lòng tha thứ
cho mọi lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho mình. Và chính nhờ việc mở
lòng khoan dung tha thứ mà có thể cảm hóa được những kẻ lầm đường lạc
lối, bởi vì tất cả mọi sự thuyết giáo xét cho cùng đều không có giá trị
cảm hóa thiết thực bằng một hành động tha thứ cao cả có thể khiến người
khác cảm phục.
Đức tính thứ tư là sự bình tĩnh, sáng suốt. Chúng ta chỉ có thể giữ
được sự bình tĩnh trước một biến cố khi tin chắc được rằng ta có
khả năng vượt qua được biến cố ấy. Chính sự thực hành nhẫn nhục giúp ta
có được sự tin chắc đó. Chúng ta biết rằng, cho dù tình huống có diễn ra
xấu đến mức nào, nhưng với một tinh thần sẵn sàng chấp nhận ngay từ đầu
thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể bị quật ngã. Mọi khổ đau hay tổn
hại xảy đến cho ta xét cho cùng cũng chỉ là sự hội tụ của các nhân
duyên, điều kiện. Vì thế, nếu ta không thản nhiên chấp nhận chúng thì ta
cũng không còn có sự lựa chọn nào khác hơn. Khi có thể đối mặt với mọi
vấn đề trong tinh thần này, chúng ta sẽ không còn chịu ảnh hưởng của sự
lo lắng, sợ sệt hay bất an. Nhờ đó mà có thể luôn giữ được sự bình tĩnh,
sáng suốt trong mọi trường hợp.
Đức tính thứ năm là sự kiên định, vững chãi, không dễ bị lay động bởi
ngoại cảnh hay những xáo trộn trong nội tâm. Suy cho cùng thì đây cũng
là kết quả tất yếu của việc thực hành nhẫn nhục, vì những yếu tố thường
gây ra sự xáo trộn trong tâm ta đều đã bị khắc chế, vô hiệu hóa; còn
những ảnh hưởng từ ngoại cảnh thì càng không thể tác động đến ta khi ta
đã có sự thực hành nhẫn nhục.
Khi những tâm niệm tham lam, sân hận đều được chuyển hóa, không còn là
những yếu tố thường xuyên thôi thúc trong lòng ta, thì điều chắc chắn là
ta sẽ đạt được một nội tâm an định, vững chãi hơn đối với những biến
động trong đời sống. Mặt khác, do có thể an nhiên chấp nhận mọi sự việc
theo cách như chúng đang xảy ra, nên dù cho sự việc bên ngoài có trở nên
tồi tệ đến đâu cũng không thể làm cho ta xao động, bối rối. Sự kiên
định, vững chãi này vừa là kết quả của sự thực hành nhẫn nhục, vừa là
yếu tố thuận lợi giúp cho sự tu tập phát triển hạnh nhẫn nhục đến những
mức độ sâu xa hơn nữa.
Ngoài những đức tính vừa kể trên, còn có rất nhiều điểm tốt đẹp, hoàn
thiện khác nữa mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nơi một người tu tập
thành tựu hạnh nhẫn nhục. Đó là vì như đã nói, hạnh nhẫn nhục chính là
nền tảng giúp ta đạt đến vô số những điều lành khác nữa.
Điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây là, người thực hành nhẫn nhục hoàn
toàn không có nghĩa là chỉ biết chấp nhận sự việc. Nhẫn nhục là giải
pháp hoàn hảo nhất giúp ta đối phó với sự việc đã thực sự xảy ra, khi
không còn cách nào để ngăn chặn hoặc thay đổi. Nhưng trước khi một sự
việc xảy ra, chúng ta vẫn có thể nỗ lực tích cực để ngăn ngừa, làm thay
đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Những nỗ lực tích cực này thuộc về các pháp
tu khác mà chúng ta chưa có điều kiện trình bày ở đây, chẳng hạn như
việc thực hành bố thí, trì giới, thiền định, tinh tấn và trí tuệ.
Cùng với pháp nhẫn nhục, các pháp vừa nói được nêu ra trong sáu pháp
ba-la-mật mà đức Phật đã chỉ dạy. Trong khi việc thực hành nhẫn nhục
giúp ta hóa giải mọi sự việc đã xảy ra, thì các pháp tu còn lại đều là
những biện pháp vô cùng tích cực để ngăn ngừa và chuyển hóa mọi sự việc
trong đời sống theo hướng tốt đẹp hơn ngay từ khi chúng còn chưa thực sự
định hình. Hy vọng trong một dịp khác chúng ta sẽ có thể cùng nhau tìm
hiểu những pháp tu này.
[1] Nguyên văn chữ Hán: Nhẫn
nhục hàm bất phẫn nộ, bất kết oán, tâm bất hoài ác ý...
[2] Nguyên văn chữ Hán: Nhân chi sơ, tính bản
thiện.
[3] Nguyên văn chữ Hán: Tử
Cống vấn viết: “Hữu nhất ngôn nhi khả chung thân hành chi giả hồ.” Tử
viết: “Kỳ thứ hồ!...”
[4] Đây là quyển Consciousness
at the Crossroads của Zara Houshmand, Robert B. Livingston và B. Alan
Wallace, ấn bản của Snow Lion Publications, Ithaca, Newyork – 1999.