Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 4 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 4

Donate

(Lượt xem: 3.146)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 4

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

QUYỂN 4 - (15 nước)

● Nước Trách-ca ● Nước Chí-na-bộc-để ● Nước Xà-lạn-đạt-la ● Nước Khuất-lộ-đa ● Nước Thiết-đa-đồ-lô ● Nước Ba-lý-dạ-đát-la ● Nước Mạt-thố-la ● Nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la ● Nước Tốt-lục-cần-na ● Nước Mạt-để-bổ-la ● Nước Bà-la-hấp-ma-bổ-la ● Nước Cù-tỳ-sương-na ● Nước Ác-ê-xế-đát-la ● Nước Tỳ-la-san-na ● Nước Kiếp-tỷ-tha ●


1. Nước Trách-ca

Nước Trách-ca chu vi khoảng 3.260 km, phía đông dựa vào sông Tỳ-bá-xa (Vipasa), phía tây nhìn ra sông Tín-độ (Indus). Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai thích hợp trồng lúa, nhiều lúa mạch, sản xuất các loại vàng, bạc, thâu thạch (hợp kim đồng), đồng, sắt v.v...

Khí hậu rất nóng, nhiều gió mạnh. Phong tục tàn bạo, hung ác, lời nói thô bỉ, tục tĩu. Y phục thường dùng màu trắng sạch, như may bằng lụa kiêu-xa-da, vải bông mỏng ...

Dân chúng ít người tin theo Phật pháp, đa số thờ phụng thiên thần. [Do vậy,] chỉ có 10 ngôi chùa nhưng đến mấy trăm đền thờ Phạm thiên. Trước đây có rất nhiều nhà tạo phúc để cứu giúp những người nghèo khổ thiếu thốn, như cấp phát thuốc men, hoặc bố thí thức ăn, nên khách bộ hành đường xa qua đây không phải thiếu thốn.

Từ kinh thành đi về hướng tây nam khoảng 4.5-5 km thì đến thành cổ Xa-yết-la. Tường thành tuy đã hư đổ nhưng nền móng vẫn còn vững chắc, chu vi khoảng 6.5 km. Bên trong có một thành nhỏ, chu vi khoảng 1.5-2 km, dân cư rất giàu có sung túc. Đây là cố đô của nước này.

Cách đây mấy trăm năm, có vị vua hiệu là Ma-hê-la-củ-la, đóng đô tại thành này, cai trị khắp các nước vùng Ấn Độ. Vua có tài trí, tánh tình dũng mãnh, cương trực, các nước quanh vùng thảy đều thần phục.

Những khi rảnh việc nước, vua muốn học tập Phật pháp, nên yêu cầu chư tăng suy cử ra một vị đức độ, tri thức cao trổi nhất [để truyền dạy Phật pháp cho vua]. Khi ấy chư tăng không một ai dám nhận lời. Có vị là vì theo hạnh vô vi, ít ham muốn, không cầu danh lợi. Có những vị cao minh, học rộng, nhưng có phần sợ oai nghiêm của vua.

Khi ấy, có một người hầu cũ của vua, xuất gia đã rất lâu, có tài văn chương thanh nhã, đàm luận sáng suốt đủ lẽ, chúng tăng cùng suy cử vị ấy ra đáp ứng yêu cầu của vua.

Nhà vua giận nói: “Ta sùng kính Phật pháp nên muốn xa xôi cầu tìm bậc danh tăng, nay chư tăng lại suy cử kẻ tôi tớ này để cùng đàm luận với ta. Thường nghe rằng trong hàng tăng chúng, những bậc hiền minh nhiều không kể xiết, nay biết ra thế này thì đâu có gì đáng tôn kính?” Liền ra lệnh cho khắp năm vùng của Ấn Độ, kể từ nay hủy diệt hết tất cả những gì liên quan đến Phật pháp, tăng chúng thì xua đuổi, trục xuất không để sót một người nào.

Khi ấy, vua Bà-la-a-điệt-đa của nước Ma-yết-đà (Magadha) sùng kính Phật pháp, yêu dân như con, thấy vua Đại Tộc làm việc tàn ác [hủy hoại Phật pháp], trái nghịch Chánh giáo, nên tự bảo vệ bờ cõi nước mình, bỏ việc cống nạp.

Bấy giờ, vua Đại Tộc chỉnh đốn binh mã, chuẩn bị kéo sang chinh phạt. Vua Ấu Nhật nghe được tin ấy, liền nói với triều thần rằng: “Nay giặc cướp sắp đến, ta không nhẫn tâm [đem sinh mạng muôn dân và tướng sĩ ra] đánh nhau với chúng. Mong mọi người tha lỗi cho ta, chỉ xin một khoảnh đất nhỏ để ẩn thân nơi hoang vắng, [tránh cho muôn dân khỏi nạn binh lửa].” Vua nói rồi lập tức rời khỏi cung điện, đi sâu vào chốn núi rừng hoang vắng. Người trong nước cảm ơn mến đức của vua, rủ nhau đi theo đến mấy vạn người, trốn tránh dần dần ra tận hải đảo.

Vua Đại Tộc giao binh quyền cho người em, còn tự thân mình dùng thuyền vượt biển ra đảo, cố bắt vua Ấu Nhật để trừng phạt. Vua Ấu Nhật chọn nơi hiểm yếu bố trí quân binh rồi sai quân cưỡi ngựa ra nghinh chiến, dẫn dụ vua Đại Nhật lọt vào trận địa mai phục. Khi ấy liền đánh lên một tiếng trống vàng làm hiệu lệnh, quân binh bốn phía đồng loạt bủa vây, bắt sống được vua Đại Tộc dẫn đến trước mặt vua Ấu Nhật. Vua Đại Tộc xấu hổ vì thua trận, kéo áo che kín mặt. Vua Ấu Nhật ngồi trên tòa sư tử, có quần thần vây quanh, liền sai người nói với vua Đại Tộc: “Ngươi hãy lộ mặt ra, ta có lời muốn nói.”

Vua Đại Tộc nói: “Nay cương vị vua tôi đã thay đổi, đôi bên xem nhau là thù địch, việc bang giao đã không tốt, cần gì phải thấy mặt nhau khi nói chuyện?”

Vua Ấu Nhật ba lần lặp lại yêu cầu, nhưng vua Đại Nhật vẫn không nghe theo. Khi ấy, vua Ấu Nhật liền truyền lệnh kể tội vua Đại Tộc: “Tam bảo là ruộng phước, là chỗ nương tựa của muôn loài. Nếu để thuận theo sự tàn độc như lang sói của ngươi, ắt sẽ làm sụp đổ, hủy hoại hết mọi điều tốt đẹp. Cho nên phước lành chẳng ở về phía ngươi, mới bị ta bắt được. Tội của ngươi không thể tha thứ, phải mang ra chém đầu.”

Khi ấy, mẹ của vua Ấu Nhật là người học rộng nhớ giỏi, thông hiểu thuật xem tướng, nghe biết việc sắp giết vua Đại Tộc liền vội nói với vua Ấu Nhật rằng: “Ta nghe nói vua Đại Tộc tướng mạo kỳ đặc, nhiều mưu trí, muốn xem qua một lần.” Vua Ấu Nhật liền ra lệnh dẫn vua Đại Tộc vào cung của mẫu hậu. Vương mẫu [gặp mặt liền] nói: “Than ôi, Đại Tộc! Nhà ngươi chớ nên xấu hổ như vậy! Thế gian là vô thường, vinh nhục đổi thay. Ta đây như mẹ của ngươi, ngươi cũng như con ta, nên bỏ áo che mặt ra cùng ta trò chuyện.”

Vua Đại Tộc nói: “Trước đây làm vua nước địch, nay là tù nhân bị bắt, [một tay tôi] hủy hoại vương nghiệp, diệt mất dòng dõi, trên xấu hổ với tiên linh, dưới thẹn cùng bá tánh, thực sự cảm thấy nhục nhã vô cùng. Ngửa mặt trông trời, cúi xuống nhìn đất, không sao chấp nhận được sự thất bại của mình nên phải lấy áo che mặt.”

Vương mẫu nói: “Hưng phế tùy thời cơ, mất còn đều có vận mệnh. Dùng tâm chi phối muôn vật thì được mất đều là không, còn để cho muôn vật chi phối tâm thì vinh nhục liền sinh khởi. Nên tin vào nhân quả nghiệp báo, thuận theo thời cuộc mà thay đổi, hãy lộ mặt ra cùng ta trò chuyện, may ra có thể giữ được thân mạng.”

Vua Đại Tộc cảm tạ, thưa rằng: “Tôi thật bất tài kế tục vương nghiệp lại dùng hình luật, chính sách trái đạo, khiến cho vận nước diệt vong. Nay tuy mang thân tù tội, thật vẫn còn tham tiếc mạng sống trong sớm chiều. Đội ơn tái tạo lớn lao, nay xin đối mặt để cảm tạ.” Nói rồi liền bỏ áo xuống, để lộ mặt.

Vương mẫu [xem mặt rồi] nói: “Ngươi nên tự bảo trọng, nay ta sẽ cho ngươi được sống trọn tuổi thọ.” Nói rồi liền bảo vua Ấu Nhật: “Tiên đế có dạy, nên tha thứ lỗi lầm, giữ đức hiếu sinh. Nay vua Đại Tộc tuy làm ác đã lâu nhưng phước đức chưa hết, nếu giết ông ta bây giờ thì trong vòng 12 năm cả nước sẽ phải gặp nạn đói. [Ta nhìn người này] tuy có khí sắc sẽ hưng thịnh trở lại, nhưng rốt cuộc cũng không thể làm vua nước lớn, [ta đoán] chắc rằng sẽ làm vua một nước nhỏ ở phương bắc.”

Vua Ấu Nhật vâng lời mẹ dạy, cũng có lòng thương một ông vua mất nước, nên đem đứa con gái nhỏ của mình gả cho và dùng lễ nghi đặc biệt tiếp đãi. Rồi tập hợp tất cả tàn quân của vua Đại Tộc, cho vệ sĩ bảo vệ khi chưa ra khỏi hải đảo.

Người em của vua Đại Tộc khi ấy [đã đem quân] trở về nước, tự lập làm vua. Vua Đại Tộc mất ngôi, đành trốn tránh vào rừng núi, đi dần lên phía bắc, đến nước Ca-thấp-di-la. Vua nước Ca-thấp-di-la dùng lễ nghi tiếp đãi, lại thương người mất nước nên phong cho một ấp để cai trị.

Một thời gian khá lâu sau đó, vua Đại Tộc dẫn quân trong ấp khởi loạn, giết chết vua Ca-thấp-di-la rồi tự xưng làm vua. Nương theo uy thế của chiến thắng này, vua Đại Tộc kéo quân sang phía tây đánh nước Kiện-đà-la, dùng phục binh giết được vua nước này. [Chiếm được nước Kiện-đà-la rồi, vua Đại Tộc ra lệnh] giết sạch những người trong hoàng tộc và các quan đại thần, hủy phá chùa tháp đến 1.600 chỗ. Ngoài số quân lính đã bị giết [trong chiến tranh], còn lại đến 900.000 người [dân Kiện-đà-la], vua muốn giết sạch không chừa người nào. Lúc bấy giờ, các quan cận thần đều can gián rằng: “Đại Vương oai thế mạnh mẽ, quân binh chưa giao đấu đã giết được kẻ cầm đầu quân địch. Nay người dân thường đâu có lỗi gì [mà phải bị giết], chúng tôi xin đem thân mình chịu chết thay cho họ.”

Vua Đại Tộc nói: “Các ngươi tin Phật pháp, xem trọng phước đức ngày sau, mong được thành Phật [rồi sẽ] rộng thuyết những chuyện tiền thân, ý muốn truyền lại việc ác của ta cho đời sau phải không? Các ngươi hãy lui về vị trí của mình, không được nói thêm lời nào nữa.”

Vua nói rồi hạ lệnh mang 300.000 người thuộc các giai cấp thượng đẳng đến bên bờ sông Tín-độ mà giết sạch. Lại mang 300.000 người thuộc giai cấp trung đẳng nhận chìm xuống dòng sông Tín-độ cho chết hết. Còn lại 300.000 người thuộc giai cấp hạ đẳng, liền phân chia cho binh sĩ của mình [để làm nô lệ]. Sau đó, thu lấy những đồ quý giá của nước Kiện-đà-la rồi chấn chỉnh hàng ngũ quân đội mà quay về.

Ngay trong năm ấy, vua Đại Tộc qua đời. Lúc đó, trời đất tối tăm, mặt đất chấn động, cuồng phong nổi dậy. Những bậc chứng quả đều thương xót than rằng: “[Kẻ này] giết oan người vô tội, hủy diệt Phật pháp, nay phải đọa vào địa ngục Vô gián, lưu chuyển mãi không thôi.”

Trong thành cổ Xa-yết-la có một ngôi chùa, tăng chúng hơn 100 vị, đều học theo giáo pháp Tiểu thừa. Ngày xưa, Bồ Tát Thế Thân đã soạn luận Thắng nghĩa đế ở chùa này. Bên cạnh chùa có một ngôi tháp cao hơn 66 mét, bốn vị Phật quá khứ đều có thuyết pháp ở đây. Tại đây cũng còn lưu lại di tích nơi bốn vị Phật [quá khứ] đi kinh hành.

Phía tây bắc của chùa này, cách khoảng 1.5-2 km, có một ngọn tháp cao hơn 66 mét, do vua Vô Ưu xây dựng, cũng là nơi bốn vị Phật quá khứ đều đã thuyết pháp.

Từ kinh thành mới đi về hướng đông bắc hơn 3.2 km thì gặp một ngọn tháp bằng đá, cao hơn 66 mét, cũng do vua Vô Ưu xây dựng. Thuở xưa, khi đức Như Lai sang Bắc Ấn để giáo hóa, giữa đường đã dừng lại nơi đây. Sách Ấn Độ ký chép rằng: “Trong tháp có nhiều xá-lợi [Phật], vào những ngày trai, thỉnh thoảng lại phát ra ánh sáng.”

Từ nơi đây đi về hướng đông hơn 163 km thì đến nước Chí-na-bộc-để, thuộc miền Bắc Ấn.

2. Nước Chí-na-bộc-để

Nước Chí-na-bộc-để chu vi khoảng 652 km, chu vi kinh thành khoảng 4.5-5 km. Lúa má tốt tươi nhưng cây trái thưa thớt. Người dân an cư lạc nghiệp, quốc khố đủ dùng dồi dào. Khí hậu ấm nóng, tính người đa phần nhút nhát hèn yếu. Việc học gồm đủ việc đời việc đạo, niềm tin lẫn lộn cả chánh lẫn tà. Trong nước có 10 ngôi chùa và 8 đền thờ Phạm thiên.

Ngày xưa, khi vua Ca-nị-sắc-ca trị vì thiên hạ, thanh danh chấn động các nước quanh vùng, uy thế lan rộng đến các vùng xa. Có vị phiên vương ở Hà Tây (Trung quốc) vì sợ oai nên phải đưa thái tử sang ở làm con tin. Vua Ca-nị-sắc-ca nhận con tin rồi thì đối đãi trọng hậu, [tùy theo thời tiết] ba mùa mà bố trí ba nơi ở thích hợp, luôn có đủ bốn binh chủng bảo vệ. Nước này là nơi [thái tử làm con tin] ở trong mùa đông, nên gọi tên là Chí-na-bộc-để, Hán dịch là Hán Phong (漢封), nghĩa là đất phong cho người Hán. Vì là chỗ ở [được phong cho] con tin mà thành tên nước.

Vùng này cũng giống như các nước khác ở Ấn Độ, trước đây vốn không có các loại trái cây như lê, đào, sau do [thái tử làm] con tin mang sang trồng, do đó gọi trái đào là chí-na-nhĩ (cīnani), Hán dịch là “Hán trì lai”, nghĩa là “do người Hán mang đến”, trái lê thì gọi là chí-na-la-xà-phất-đát-la (cīnarajaputra), Hán dịch là “Hán vương tử”, nghĩa là “vương tử của người Hán”. Do vậy, người dân nước này rất kính trọng Trung Hoa, đều chỉ vào [Huyền Trang] mà nói với nhau: “Đó là người đến từ quê hương của vua ta ngày trước.”

Về hướng đông nam của kinh thành, cách hơn 163 km, có chùa Đáp-mạt-tô-phạt-na, Hán dịch là Đồ Lâm, tăng sĩ hơn 300 vị, đều học theo phái Thuyết nhất thiết hữu, oai nghi nghiêm kính, đức hạnh thanh cao, đặc biệt nghiên cứu sâu rộng về giáo pháp Tiểu thừa. Trong Hiền kiếp có 1.000 vị Phật đều sẽ tập họp hàng trời, người tại nơi đây để giảng về diệu pháp sâu mầu. Sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn khoảng từ 200 năm đến 300 năm, có luận sư Ca-đa-diễn-na soạn bộ luận Phát trí tại nơi này.

Trong khuôn viên chùa Đồ Lâm có một ngọn tháp cao hơn 66 mét, do vua Vô Ưu xây dựng. Bên cạnh đó có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ từng thiền tọa cũng như đi kinh hành. Có rất nhiều các tháp nhỏ hay thạch thất lớn nằm san sát đối diện nhau, số lượng không biết đến bao nhiêu, thảy đều là nơi lưu giữ và phụng thờ xá-lợi răng, xương của các bậc chứng thánh quả từ thời kiếp sơ đến nay, đã tịch diệt tại nơi này, không thể nào kể ra hết được.

Trong vùng núi non vây quanh chùa này, chu vi khoảng 6.5 km, tháp thờ xá-lợi Phật nhiều đến số trăm ngàn, nằm liên tục san sát bên nhau.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 45-50 km thì đến nước Xà-lạn-đạt-la, thuộc miền Bắc Ấn.

3. Nước Xà-lạn-đạt-la

Nước Xà-lạn-đạt-la, độ dài đông tây hơn 325 km, chiều nam bắc 260 km. Chu vi kinh thành khoảng 4-4.5 km. Đất đai thích hợp trồng lúa, có loại lúa mùa, lúa nước. Cây trái um tùm, hoa quả tươi tốt. Khí hậu ấm nóng, phong tục cứng cỏi. Dung mạo người dân thô xấu, cuộc sống giàu có sung túc.

Trong nước có hơn 50 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 2.000 vị, học chuyên theo cả Đại thừa và Tiểu thừa. Có 3 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo hơn 500 người, tất cả đều thuộc phái ngoại đạo Đồ hôi (tu tập bằng cách bôi tro lên khắp người).

Vị vua trước đây của nước này sùng kính ngoại đạo, về sau được gặp một vị A-la-hán, nghe pháp Phật liền nhận hiểu, khởi sanh lòng tin. Cho nên, vua Trung Ấn Độ thấy được sự thuần tín [của vua Xà-lạn-đạt-la], liền đem hết thảy những sự việc liên quan đến Tam bảo trong năm vùng Ấn Độ giao hết cho ngài trông coi. Ngài xóa đi sự phân biệt ngăn cách [giữa các tôn giáo], dẹp bỏ tình cảm yêu ghét [của bản thân mình để công tâm] đôn đốc, giám sát [mọi hoạt động] của chúng tăng, thấu hiểu cặn kẽ mọi việc thiện ác, tốt xấu. Cho nên, đối với những bậc đạo cao đức trọng, danh tiếng vang xa thì ngài hết lòng chí thành kính ngưỡng, còn với những người hủy phạm giới luật, đức hạnh khiếm khuyết thì ngài nghiêm khắc trách phạt nặng nề. Hết thảy những nơi có thánh tích ngài đều cho xây dựng công trình để ghi dấu, hoặc dựng tháp, hoặc xây chùa, khắp nước Ấn Độ đều lưu tâm đến.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc, lên núi cao, vượt khe sâu, trải muôn vàn nguy hiểm trên đường, khoảng 230 km thì đến nước Khuất-lộ-đa, thuộc miền Bắc Ấn.

4. Nước Khuất-lộ-đa

Nước Khuất-lộ-đa chu vi gần 980 km, núi non bao bọc bốn phía. Chu vi kinh thành khoảng 4.5-5 km. Đất đai màu mỡ, lúa thóc gieo trồng theo thời vụ. Hoa trái tốt tươi, cây cỏ xanh tốt. Vì ở gần Tuyết sơn nên có nhiều loại dược thảo quý. Nơi đây sản xuất các khoáng sản như vàng, bạc, đồng đỏ, hỏa châu, đồng thau...

Khí hậu rét lạnh, có ít sương tuyết. Người dân hình dung tướng mạo thô xấu, [phần lớn] mắc bệnh bướu cổ, phù thủng, nhưng tánh tình cứng rắn, mạnh mẽ, ưa chuộng sự dũng mãnh. Trong nước có hơn 20 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 1.000 vị, đa số tu học theo Đại thừa, một số ít cũng tu học theo các bộ phái khác. Có 15 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái chung sống lẫn lộn. Dựa theo vách núi có rất nhiều gian thạch thất, nằm kế tiếp nhau, là nơi trú ngụ của các vị A-la-hán, hoặc nơi dừng nghỉ của các vị tiên nhân.

Trong nước có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi ghi lại dấu tích ngày xưa đức Như Lai từng đến nước này thuyết pháp độ sanh.

Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 550-600 km, đường xa nguy hiểm, vượt núi qua khe, đến nước Lạc-hộ-la (Lahul). Lại đi tiếp về hướng bắc hơn 652 km đường gian nan hiểm trở, gió buốt tuyết bay, thì đến nước Mạt-la-sa (Marsa), cũng gọi là nước Tam-ba-ha (Sanbohe).

Từ nước Khuất-lộ-đa đi về hướng nam khoảng 230 km, vượt một ngọn núi cao, qua một con sông lớn, thì đến nước Thiết-đa-đồ-lô, thuộc miền Bắc Ấn.

5. Nước Thiết-đa-đồ-lô

Nước Thiết-đa-đồ-lô chu vi hơn 652 km, phía tây nhìn ra sông lớn. Chu vi kinh thành khoảng 5.5-6 km. Lúa thóc dồi dào phong phú, hoa trái tươi tốt sum suê. Khoáng sản có nhiều vàng, bạc, làm ra các loại châu ngọc quý giá. Y phục thanh khiết, đẹp đẽ, thường dùng lụa đẹp. Khí hậu nóng bức, phong tục thuần hòa, tính người thuần thiện, nhu thuận, người trên kẻ dưới có ngôi thứ phân biệt. Dân chúng dốc lòng tin sâu Phật pháp, tâm chí thành, chân thật cung kính.

Có 10 ngôi chùa ở cả bên trong và ngoài kinh thành, sân vườn hoang phế, tăng sĩ thưa thớt. Phía đông nam kinh thành, cách chừng 1-1.5 km có một ngọn tháp cao hơn 66 mét, do vua Vô Ưu xây dựng, bên cạnh đó vẫn còn di tích nơi bốn vị Phật quá khứ thiền tọa và kinh hành.

Từ nơi đây đi về hướng tây nam hơn 260 km thì đến nước Ba-lý-dạ-đát-la, thuộc miền Trung Ấn.

6. Nước Ba-lý-dạ-đát-la

Nước Ba-lý-dạ-đát-la chu vi hơn 970 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.5-5 km. Đất đai thích hợp lúa má, nhiều lúa mạch. Có giống lúa lạ, chỉ 60 ngày là thu hoạch. Ở đây nuôi nhiều bò, dê, có ít hoa quả. Khí hậu nóng bức, phong tục cứng rắn, mạnh mẽ. Người dân không chuộng việc học hỏi rèn luyện các tài nghệ, kỹ thuật; tin tưởng cung kính ngoại đạo. Đức vua thuộc dòng phệ-xá, tánh tình mạnh mẽ, cương trực, việc binh nhiều mưu lược.

Trong nước có 8 ngôi chùa, đổ nát hư hoại nặng nề. Tăng sĩ rất ít, đều tu học theo Tiểu thừa. Có hơn 10 ngôi đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo có hơn ngàn người.

Từ nơi đây đi về hướng đông hơn 163 km thì đến nước Mạt-thố-la, thuộc miền Trung Ấn.

7. Nước Mạt-thố-la

Nước Mạt-thố-la chu vi hơn 1.630 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai màu mỡ, chuyên trồng lúa thóc. Có nhiều nhà trồng cây am-một-la rậm rạp như rừng. Có hai loại am-một-la, một loại trái nhỏ, khi trái sống màu xanh, khi chín chuyển thành màu vàng, một loại trái lớn, trước sau vẫn luôn giữ màu xanh. Nơi đây sản xuất vàng và loại vải mịn dệt từ bông vải. Khí hậu nóng bức, phong tục lành mạnh, hiền thiện, nhu thuận. Dân chúng siêng tu tích phước, sùng kính bậc đức hạnh và ham chuộng việc học.

Có hơn 20 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 2.000 vị, nỗ lực tu tập theo cả Tiểu thừa và Đại thừa. Có 5 ngôi đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo cùng sống chung lẫn lộn. Có ba ngọn tháp, đều do vua Vô Ưu xây dựng. Có rất nhiều di tích của bốn vị Phật quá khứ, cũng như tháp thờ xá-lợi di thể các vị thánh đệ tử của Phật như ngài Xá-lợi tử, Một-đặc-già-la tử, Bố-lạt-nã-mai-đát-lệ Diễn-ni-phất-đát-la, Ổ-ba-hy, A-nan-đà, La-hỗ-la... cùng với tháp thờ xá-lợi các vị Bồ Tát như Mạn-thù-thất-lợi v.v...

Mỗi năm, trong ba tháng trường trai cũng như sáu ngày trai trong tháng, chư tăng khắp nơi tranh nhau mang về đây những phẩm vật tốt đẹp, đủ các món ngon vật lạ, kỳ trân dị bảo để dâng lên cúng dường. Mỗi người đều tùy theo tông phái của mình mà thiết trí tôn tượng [để cúng dường]. Chẳng hạn như những người tu học A-tỳ-đạt-ma (Luận tạng) thì cúng dường ngài Xá-lợi tử, người tu tập thiền định thì cúng dường ngài Một-đặc-già-la tử, người trì tụng kinh điển thì cúng dường ngài Mãn Từ tử, người tu tập Tỳ-nại-da (Luật tạng) thì cúng dường ngài Ổ-ba-hy, các vị bật-sô-ni (tỳ-kheo-ni) cúng dường ngài A-nan, những ai chưa thọ giới Cụ túc thì cúng dường ngài La-hỗ-la, những ai tu học Đại thừa thì cúng dường các vị Bồ Tát.

Vào ngày này, mọi người tranh nhau cúng dường các tháp thờ, tràng phan la liệt, bảo cái khắp nơi, hương khói bốc cao cuồn cuộn như mây, hoa tươi rải khắp như mưa trời đổ xuống, tưởng chừng như che khuất cả nhật nguyệt, chấn động cả núi cao khe sâu. Dịp này, quốc vương, đại thần đều lấy việc tu thiện làm nhiệm vụ chính.

Từ kinh thành đi về hướng đông khoảng 1.5-2 km đến một ngôi chùa đục vách núi làm phòng, nương theo hang làm cửa. Tôn giả Ổ-ba-cúc-đa đã xây dựng chùa này, bên trong có tháp thờ móng tay đức Như Lai.

Nơi sườn núi phía bắc ngôi chùa này, có một gian thạch thất cao hơn 6 mét, chiều dài hơn 10 mét. Trong thạch thất này chứa đầy những tấm thẻ đếm dài khoảng 13 cm.

[Thuở xưa,] khi tôn giả Cận Hộ thuyết pháp giảng đạo, nếu có một đôi vợ chồng cùng chứng quả A-la-hán thì đặt vào đây một tấm thẻ [để đếm], còn nếu có những người tuy cũng chứng quả nhưng không cùng một gia đình, tộc họ khác nhau thì không tính.

Về phía đông nam của gian thạch thất này, cách khoảng 7.5-8 km, có một hồ lớn đã cạn hết nước, bên cạnh có một ngọn tháp.

Đây là nơi ghi dấu thuở xưa, khi đức Như Lai đi qua vùng này, có một con khỉ mang mật ong đến cúng dường. Phật dạy đem mật ong đó hòa với nước rồi chia đều cho đại chúng. Con khỉ vui mừng nhảy nhót, ngay khi ấy bị ngã xuống hầm mà chết. Nhờ phước [cúng dường] đó liền được tái sanh làm người.

Không xa về phía bắc của hồ này, trong khu rừng lớn còn lưu lại dấu tích của bốn vị Phật quá khứ từng đi kinh hành. Bên cạnh đó là những nơi tu tập thiền định của 1.250 vị Đại A-la-hán như Xá-lợi tử, Một-đặc-già-la tử v.v..., hết thảy đều có xây tháp để ghi lại dấu tích.

Đức Như Lai khi còn tại thế từng đến nước này rất nhiều lần, mỗi nơi Phật thuyết pháp đều có trồng cây để ghi dấu.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 163 km thì đến nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la, thuộc miền Trung Ấn.

8. Nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la

Nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la chu vi khoảng 2.260 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai màu mỡ, lúa má tốt tươi. Khí hậu ấm nóng, phong tục bạc bẽo, cạn cợt, đời sống người dân sung túc giàu có, đua nhau xa xỉ, giỏi các trò ảo thuật, ưa chuộng những kẻ có năng lực khác thường. Đa số người dân theo nghề buôn bán trục lợi, hiếm người chuyên làm nông nghiệp. Các loại hàng hóa đặc thù, quý hiếm từ khắp nơi đa phần đều tập trung về nước này.

Có ba ngôi chùa, tăng sĩ hơn 700 vị, hết thảy đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Có hơn 100 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo rất đông. Trong phạm vi 65 km bao quanh bốn phía kinh thành, người dân nước này đều cho là vùng đất phước lành.

Xem trong các ghi chép xưa thấy nói rằng, ngày xưa năm vùng Ấn Độ có hai vị vua phân chia cai trị. Hai vua thường xâm lấn biên giới của nhau, chiến tranh mãi không ngừng. Hai vua bàn nhau quyết cùng đánh một trận để phân định thắng thua, sau đó mới có thể mang lại sự an ổn cho người dân. Nhưng người dân oán hận [vì nỗi khổ chiến tranh, nên] không tuân lệnh vua. Vua [Tát-tha-nê-thấp-phạt-la] cho rằng đối với dân chúng khó mà bàn bạc, thuyết phục được, chỉ có thể mượn đến thần linh mới tác động được đến họ và đủ quyền lực có thể khiến họ [ra trận] lập công.

Lúc bấy giờ có một vị Phạm chí nổi tiếng tài cao học rộng, vua liền bí mật sai người mang lụa trắng quý đến biếu tặng, rồi triệu vào hậu cung [gặp riêng nhà vua], nhờ vị ấy soạn ra một quyển sách thiêng, rồi sai người mang cất giấu trong hang động trên núi cao. Qua một thời gian, cây cối mọc lên rậm rạp che lấp mất cửa hang. Khi ấy, nhà vua lâm triều nói với quần thần rằng: “Ta là người kém đức, thật xấu hổ ngồi trên ngôi cao, may được Thiên đế rủ lòng thương tưởng, trong giấc mộng ban cho ta sách thiêng, nay đang ở tại vùng núi ấy, giấu [trong hang động] trên đỉnh núi ấy...”

Nói rồi ra lệnh cho người đi tìm [theo chỉ dẫn trong giấc mộng của vua]. Quả nhiên tìm được quyển sách thiêng [đã giấu] trong hang động trên ngọn núi ấy. Quần thần đều chúc mừng, dân chúng cùng vui vẻ. Vua liền cho truyền rộng việc ấy ra khắp xa gần, khiến mọi người đều biết.

Trong sách thiêng ấy đại ý viết rằng: “Biển sanh tử không bờ bến, [chúng sinh] trôi nổi trong đó không cùng, muôn loài chìm đắm, không thể tự cứu. Nay ta có phương thức này để giúp mọi người lìa xa các nổi khổ. Chốn vương thành này, trong phạm vi 65 km bao quanh, là vùng đất phúc lợi của các đời tiên đế từ xưa. Thời gian năm tháng trôi qua quá lâu nên bia ký ghi lại đều đã bị vùi lấp mất. Sinh linh không biết điều này nên phải chìm đắm trong biển khổ. Đắm chìm mà không được cứu vớt thì còn biết nói sao? Hết thảy các ngươi, khi chiến đấu với quân địch mà chết sẽ được sanh làm người, [trong chiến trận] giết chết nhiều người cũng không có tội, mà còn nhận được nhiều phước báo, nhiều sự vui thú từ trời. Con cháu hiếu thuận đưa ông bà cha mẹ đi qua vùng đất này sẽ được phước báo vô cùng. Bỏ công rất ít mà được phước rất nhiều, sao [các người] có thể để mất đi [cơ hội] lợi lạc này? Một khi đã mất thân người này, ắt sẽ đi vào mù mịt trong ba đường khổ, cho nên hết thảy sinh linh đều phải chuyên tâm lo cho nghiệp [đời sau] của mình.”

Tin theo như vậy nên mọi người dân đều [sẵn sàng] tham gia chiến trận, xem cái chết chỉ như sự quay về. Nhà vua liền ban lệnh chiêu mộ dũng sĩ, rồi hai nước giao chiến, người chết phơi thây như cỏ rậm. Cho đến ngày nay xương cốt vẫn còn rải rác khắp nơi. Chuyện ấy xảy ra từ thời cổ xưa nên xương người cực kỳ to lớn. Người trong nước truyền tụng bảo nhau rằng đó là vùng đất phước lành.

Về phía tây bắc kinh thành, cách khoảng 1-1.5 km có một ngọn tháp cao hơn 66 mét do vua Vô Ưu xây dựng, gạch nung xây tháp đều có màu đỏ pha vàng, rất sáng đẹp. Trong tháp có khoảng một đấu xá-lợi của Như Lai, thỉnh thoảng chiếu hào quang, có rất nhiều thần tích linh dị.

Về phía nam kinh thành, đi khoảng 32 km thì đến chùa Câu-hôn-đồ (Govinda). Khu chùa này xây thành nhiều tầng, mái lợp tiếp nối nhau, mái sau cao hơn mái trước, sừng sững vươn lên giữa trời. Tăng chúng ở đây tu hành thanh tịnh, nghiêm túc, oai nghi chững chạc, nhu hòa.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc khoảng 130 km thì đến nước Tốt-lục-cần-na, thuộc miền Trung Ấn.

9. Nước Tốt-lục-cần-na

Nước Tốt-lục-cần-na chu vi gần 2.000 km, [biên giới] phía đông giáp với sông Căng-già, phía bắc dựa lưng vào núi lớn, có sông Diêm-mâu-na (Yamuna) chảy ngang qua ở giữa. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km, phía đông nhìn ra sông Diêm-mâu-na. Thành tuy rất hoang vu nhưng nền móng vẫn còn vững chắc. Đất đai, phong thổ, sản vật, khí hậu... đều giống như nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la. Người dân tánh tình thuần hậu chất phác, kính ngưỡng và tin theo ngoại đạo, xem trọng việc học tập các tài nghề, tôn sùng phước đức, trí tuệ.

Trong nước có 5 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 1.000 vị, đa số tu học theo Tiểu thừa, ít người học theo các bộ phái khác, thường bàn luận kỹ về những lời lẽ vi diệu trong kinh văn, luận giải rõ ràng những ý nghĩa huyền diệu sâu sắc, tìm cầu những bậc tài trí ở phương xa để học thêm luận thuyết và xét giải những mối nghi. Có hơn 100 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo rất đông.

Về hướng đông nam kinh thành, trên bờ tây của sông Diêm-mâu-na, có một ngôi chùa lớn. Bên ngoài cửa phía đông của chùa có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai từng thuyết pháp độ người. Bên cạnh đó lại có một ngọn tháp nữa, bên trong thờ tóc và móng tay của Như Lai. Chung quanh đó lại có hơn mười ngọn tháp khác có thờ tóc và móng tay của các vị A-la-hán như Xá-lợi tử, Một-đặc-già-la v.v...

Sau khi đức Như Lai diệt độ rồi, người dân nước này bị ngoại đạo lừa dối nên tin theo tà pháp, quên bỏ chánh kiến. Hiện tại có 5 ngôi chùa, đó là những nơi các bậc luận sư [Phật giáo] từ nước khác đến tranh luận và chiến thắng ngoại đạo cùng các Bà-la-môn, nhân đó mà xây dựng lên.

Sang bờ phía đông của sông Diêm-mâu-na rồi đi hơn 260 km nữa thì đến nơi phát nguyên của sông Căng-già, bề ngang rộng khoảng 1-1.5 km, chảy về hướng đông nam, đến nơi đổ vào biển thì rộng hơn 3.2 km. Nước sông xanh biếc, sóng cuộn dập dồn, tuy có nhiều loài linh thiêng quái dị nhưng đa phần không gây hại. Nước sông có vị ngon ngọt. Nơi đây đất cát rất đẹp, nước cuốn theo nhiều cát mịn.

Những ghi chép về tục lệ ở đây gọi nước sông này là “nước sinh phước”, dù nhiều tội lỗi, tắm [nước sông này] thì sẽ hết tội; [những ai dám] xem nhẹ mạng sống, tự trầm mình xuống sông mà chết thì sẽ được sanh về cõi trời hưởng phúc; người chết ném xác xuống sông này thì không bị đọa vào đường ác; sóng xô nước chảy đều sẽ giúp vong hồn được cứu độ.

Thời ấy có Bồ Tát Đề-bà (Deva) ở nước Chấp Sư Tử, là bậc hiểu sâu về thật tướng các pháp, chứng đắc pháp tánh, xót thương những kẻ ngu muội [mê tín] nên đã từng đến đây dạy dỗ. Khi ấy, kẻ nam người nữ, già trẻ lớn bé đều đang tập họp rất đông nơi ven sông, cùng ngâm mình xuống sông vỗ sóng vọc nước. Bồ Tát Đề-bà cũng xuống sông trà trộn với họ, nhưng cúi đầu tạt nước ngược dòng, tướng trạng cách thức khác hẳn mọi người. Có người ngoại đạo thấy vậy hỏi: “Ông này sao làm gì kỳ lạ vậy?”

Bồ Tát đáp: “Cha mẹ tôi và người thân đang ở nước Chấp Sư Tử, tôi sợ họ khổ vì đói khát nên làm như vậy mong cứu giúp được họ.”

Những người ngoại đạo nói: “Ông sai lầm quá rồi, thật không hề suy nghĩ kỹ nên mới làm như vậy. Đất nước của ông ở xa tít mù, núi sông ngăn cách muôn trùng, ông tạt nước ở đây để cứu đói nơi ấy, [thật vô lý] chẳng khác gì chân bước lui mà muốn được tiến tới, thật chưa từng nghe nói.

Bồ Tát Đề-bà đáp: “Những người tội lỗi chất chồng nơi cõi âm mà còn có thể mong được nước sông này cứu giúp, huống chi [người nhà tôi] chỉ là cách núi ngăn sông, sao lại không thể cứu giúp?”

Những người ngoại đạo hiểu ra lý lẽ, thấy rõ là khó bác bỏ được [lập luận của ngài], liền từ bỏ tà kiến, thọ học Chánh pháp, hối cải tự sửa mình, nguyện vâng theo lời dạy [của Bồ Tát Đề-bà].

Qua bờ phía đông của sông Căng-già là đến nước Mạt-để-bổ-la, thuộc miền Trung Ấn.

10. Nước Mạt-để-bổ-la

Nước Mạt-để-bổ-la chu vi khoảng 2.000 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai thích hợp trồng lúa, lúa mạch, có nhiều hoa quả. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục tốt đẹp, chân chất. Người dân ưa chuộng, xem trọng việc học các tài nghề, rất giỏi chú thuật. Có người tin theo Phật pháp, có người tin theo tà đạo, số lượng tín đồ ngang bằng như nhau.

Nhà vua thuộc giai cấp thú-đạt-la, không tin Phật pháp, tôn kính thờ phụng thiên thần. Có mười ngôi chùa, tăng sĩ hơn 800 vị, đa phần tu học theo phái Thuyết nhất thiết hữu của Tiểu thừa. Có hơn 50 đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống lẫn lộn.

Từ kinh thành đi về hướng nam khoảng 1-1.5 km thì đến một ngôi chùa nhỏ, có hơn 50 tăng sĩ. Ngày xưa, Luận sư Cù-noa-bát-lạt-bà soạn các bộ luận Biện chân tại đây, có đến hơn trăm bộ.

Luận sư từ tuổi thiếu thời đã bộc lộ tài năng vượt trội, khi trưởng thành cực kỳ thông minh sáng suốt, kiến thức uyên bác, học rộng biết nhiều, vốn đã học theo Đại thừa nhưng chưa thấu đạt đến tận cùng những ý nghĩa huyền diệu sâu xa. [Do vậy,] khi đọc luận Tỳ-bà-sa liền thối tâm quay sang học theo Tiểu thừa, viết ra mấy chục bộ luận công kích giềng mối Đại thừa, trở thành người bám chấp quan điểm Tiểu thừa, lại còn viết ra mấy chục bộ sách thế tục, bài xích những bộ luận mẫu mực của các bậc tiền bối. [Tuy nhiên,] khi nghiền ngẫm kinh Phật thì đọc qua cả chục lần vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu, nghiên cứu tinh túy giáo pháp đã lâu mà chưa dứt hết được lòng nghi.

Bấy giờ, có vị A-la-hán Đề-bà-tê-na thường lên xuống cung trời Đổ-sử-đa, Đức Quang muốn được gặp Bồ Tát Từ Thị (Di-lặc) để giải quyết chỗ nghi ngờ và thưa hỏi thêm. A-la-hán Thiên Quân liền dùng sức thần thông [đưa Đức Quang] lên đó. Gặp được đức Di-lặc rồi nhưng chỉ vái chào, không lễ lạy. A-la-hán Thiên Quân hỏi: “Bồ Tát Di-lặc tiếp nối quả vị Phật, sao ông lại cao ngạo, dám không kính lễ? Ông đã muốn thọ học sao không hạ mình?” Đức Quang đáp: “Lời tôn giả dạy rất đúng, nhưng tôi là đệ tử xuất gia [của Phật], đã thọ giới Cụ túc của hàng tỳ-kheo, còn Bồ Tát Di-lặc hưởng phước lạc cõi trời, không phải hàng xuất gia, tuy muốn lễ lạy nhưng chỉ sợ như vậy không thích hợp.” Bồ Tát Di-lặc biết rõ tâm ngã mạn của Đức Quang, chẳng phải người tiếp nhận được Chánh pháp. [Quả nhiên,] lên xuống [cung trời Đổ-sử-đa] ba lần như thế vẫn không giải quyết được chỗ nghi.

Về sau [Đức Quang] lại thưa thỉnh ngài Thiên Quân lần nữa, [muốn gặp lại Bồ Tát Di-lặc] để lễ lạy. Ngài Thiên Quân không ưa tính cao ngạo [của Đức Quang] nên khinh miệt không thèm trả lời. Đức Quang không được thỏa mãn, liền khởi tâm sân hận, đi vào rừng sâu tu tập thiền định phát triển thần thông, nhưng tâm ngã mạn chưa trừ nên không chứng được đạo quả.

Từ chùa Đức Quang đi về hướng bắc khoảng 1-1.5 km có một ngôi chùa lớn, có hơn 200 tăng sĩ, thảy đều tu tập theo Tiểu thừa. Đây là nơi Luận sư Chúng Hiền viên tịch.

Luận sư là người Ca-thấp-di-la, thông minh trí tuệ, học rộng hiểu sâu, nổi tiếng khắp nơi từ thuở nhỏ, đặc biệt nghiên cứu rất sâu bộ luận Tỳ-bà-sa của phái Thuyết nhất thiết hữu. Khi ấy có Bồ Tát Thế Thân một lòng theo đạo nhiệm mầu, muốn biện giải những luận thuyết sai trái, phá trừ những kiến chấp của các luận sư [chủ trương theo] theo luận Tỳ-bà-sa, nên soạn bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, văn chương nghĩa lý hay lạ khéo léo, lập luận chặt chẽ thâm sâu. Ngài Chúng Hiền xem qua bộ luận này rồi liền lưu tâm nghiên cứu trọn vẹn cùng cực, trải qua 12 năm, soạn ra bộ luận Câu-xá-bạc, gồm 25 ngàn bài tụng, có 800 ngàn chữ, lời sâu ý xa, xét cùng chỗ ẩn khuất, giảng rõ chỗ tinh vi. Sau đó nói với các đệ tử rằng: “Với tài năng siêu phàm của ta, dùng luận thuyết chân xác của ta, sẽ phản bác được Thế Thân, bẻ gãy luận thuyết sắc bén tinh nhuệ của ông ấy, không để cho lão một mình nổi danh khắp chốn.”

Nói rồi cùng với 3, 4 người học trò tài giỏi nhất, mang bộ luận ấy đi tìm ngài Thế Thân. Lúc bấy giờ, ngài Thế Thân đang ở trong thành Xa-yết-la (Sakula) thuộc nước Trách-ca (Takka), nghe tin truyền từ xa rằng Chúng Hiền đang tìm đến. Ngài Thế Thân lập tức chuẩn bị hành trang [ra đi]. Học trò không hiểu, đến cản ngăn thưa rằng: “Đại sư tài đức cao vời, vượt hơn các bậc hiền triết đời trước, hiện nay danh tiếng vang lừng, học nhân xa gần đều kính ngưỡng, vì sao mới nghe tên Chúng Hiền đã hoảng sợ như vậy? Ví như ông ấy thật muốn làm nhục, chúng con cũng quyết sẽ liều mình đối mặt.”

Ngài Thế Thân nói: “ Ta muốn đi xa, chẳng phải tránh mặt ông ấy. Nay ta nhìn cả nước này, không thấy ai đủ khả năng để phân định [cuộc tranh biện này]. Luận sư Chúng Hiền là hàng hậu học, biện luận quỷ quyệt nhưng rất lưu loát, còn ta đã già suy rồi, không thể tranh luận được lâu. Nếu muốn chỉ một lời phá tan ngay những kiến chấp sai lầm thì phải dẫn dụ ông ta đến miền Trung Ấn để gặp được những bậc tuổi trẻ tài cao, xét rõ chánh tà, phân rõ thắng bại.”

Nói rồi Bồ Tát lập tức cùng người mang hành lý lên đường đi xa. Hôm sau, luận sư Chúng Hiền vừa đến chùa này, bỗng nhiên tự thấy thần khí suy kiệt, liền viết thư tạ lỗi với ngài Thế Thân rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, vì các đệ tử bám chấp vào bộ phái, truyền lại chỗ học của riêng mình, mỗi người lại giỏi riêng một khía cạnh, [nhưng chỉ] thuận theo người cùng tông phái, chống phá các tông phái khác. Con là người ngu muội, đem chút tri kiến lờ mờ tùy tiện học theo người trước, khi đọc qua bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá của ngài, [thấy trong đó] biện bác những nghĩa lý quan trọng của các vị luận sư Tỳ-bà-sa. Con chẳng tự lượng sức mình, trải qua nhiều năm nghiên cứu thâm sâu để soạn ra bộ luận [Câu-xá-bạc] này, [những tưởng có thể] phù trợ cho học thuyết chánh tông. [Ngờ đâu] mưu tính chuyện lớn lao mà trí tuệ nhỏ nhen cạn cợt, nay cái chết đã gần kề. [Ngài là] Bồ Tát tuyên dương thông suốt văn nghĩa diệu huyền, nêu cao chân lý cùng tột, [nếu như ngài] không phá hủy kiến chấp của con, để cho bộ luận [Câu-xá-bạc] này còn được truyền lại, đó là điều may mắn cho con, dù chết cũng không còn gì phải hối tiếc.”

Viết thư rồi, liền chọn trong số đệ tử một người nói năng lưu loát mà dặn rằng: “Ta là hàng hậu học mà dám khinh thường xúc phạm bậc tiền hiền thông đạt, mạng số đã vậy còn biết làm sao? Ắt là phải bỏ mạng nơi đây. Nay ngươi hãy mang thư này cùng với bộ luận của ta, đến tạ tội cùng Bồ Tát, thay ta sám hối.” Vừa nói xong thì qua đời.

Người đệ tử mang thư [và luận] tìm đến chỗ ngài Thế Thân, thưa rằng: “Thầy con là Luận sư Chúng Hiền nay đã qua đời, có để lại thư này tự trách mình và cung kính tạ lỗi cùng ngài. Hy vọng ngài sẽ không hủy hoại thanh danh ông ấy, dù biết đó là điều chẳng dám mong đợi.”

Bồ Tát Thế Thân xem thư, đọc luận, trầm ngâm một hồi lâu rồi nói với các đệ tử rằng: “Luận sư Chúng Hiền là hàng hậu học thông minh mẫn tiệp, lý lẽ tuy chưa đầy đủ nhưng văn từ quả thật hơn người. Nay ta muốn bài bác luận này của Chúng Hiền chỉ như trở bàn tay, nhưng nghĩ đến lời thỉnh cầu lúc sắp chết, lại trân trọng những lời chân thành nhận lỗi, tự biết chỗ sai, nên thôi hãy tạm nương theo nghĩa lớn mà thỏa mãn ý nguyện của ông ấy. Hơn nữa, bộ luận này cũng làm sáng rõ hơn tông chỉ của ta.” Liền đổi tên luận thành luận Thuận chánh lý.

Các đệ tử can ngăn rằng: “Lúc Chúng Hiền chưa qua đời thì Đại sư lánh mặt đi phương xa, nay nhận được luận của ông ấy, thầy lại giúp sửa đổi tên luận. Hàng đệ tử chúng con còn mặt mũi nào nhận lấy nỗi nhục nhã này?”

Bồ Tát Thế Thân muốn giải trừ mối nghi của chúng đệ tử, liền nói kệ rằng:

Như vua sư tử,
Tránh xa lợn rừng.
Hai bên hơn, thua,
Người trí phải biết.

Sau khi Chúng Hiền mất, [đệ tử] hỏa thiêu rồi thu lấy tro cốt, xây tháp thờ trong rừng cây am-một-la, về phía tây bắc, cách chùa khoảng 350 mét, đến nay vẫn còn.

Bên ven rừng cây am-một-la lại có một ngọn tháp, là nơi có di cốt của Luận sư Tỳ-mạt-la-mật-đa-la.

Luận sư là người nước Ca-thấp-di-la, xuất gia theo phái Thuyết nhất thiết hữu, hiểu rộng kinh điển, nghiên cứu cả các luận thuyết tông phái khác, đi khắp năm vùng Ấn Độ để học Tam Tạng giáo điển. Sau khi thành tựu việc học, danh tiếng vang xa, ngài định trở về quê hương. Trên đường về gặp ngọn tháp thờ ngài Chúng Hiền, liền vỗ vào tháp mà than rằng: “Chỉ có ngài là bậc luận sư cao thượng thanh khiết, nêu cao đại nghĩa, đã sắp phá trừ được các bộ phái khác để dựng lên sự nghiệp của tông phái mình, vậy mà sao đã sớm ra đi? Con là Vô Cấu Hữu, học thức kém cỏi, lại không được sinh cùng thời, nhưng luôn ngưỡng mộ đại nghĩa, tưởng nhớ đức độ cao vời của ngài. Thế Thân tuy đã mất nhưng học thuyết của ông ta vẫn còn lưu truyền. Nay con sẽ đem hết những hiểu biết của mình soạn các luận thuyết, làm cho hết thảy học giả trong toàn cõi châu Thiệm-bộ này không còn nhắc đến danh xưng Đại thừa cũng như hủy diệt tên tuổi của Thế Thân. Đây là sự nghiệp muôn đời, con sẽ dùng hết tâm lực của mình.”

Vừa nói xong lời ấy thì tâm phát cuồng loạn, trong miệng thè ra cùng lúc năm cái lưỡi, máu nóng phun vọt ra. Vô Cấu Hữu biết là mạng sống sắp dứt, liền viết ra lời sám hối rằng: “Đại thừa là luận thuyết rốt ráo cùng tột trong Phật pháp, [theo đó] danh xưng vật thể đều dứt tuyệt, lý lẽ đạt đến chỗ thâm u huyền diệu. Ta vì ngu muội mà khinh chê, bài xích các bậc tiên hiền, nghiệp báo rõ ràng, thân này đáng bị diệt mất. Dám thưa cùng chư vị học giả, xin hãy nhìn vào tấm gương này mà thận trọng với chí hướng của mình, không được hoài nghi [Chánh pháp].”

Lúc ấy, mặt đất chấn động, Vô Cấu Hữu liền qua đời. Ngay chỗ qua đời đó, đất sụp thành hố. Các bạn đồng hành liền thiêu xác rồi dựng tháp thờ. Bấy giờ có vị A-la-hán nhìn thấy than rằng: “Đáng tiếc thay! Khổ não thay! Nay luận sư này vì bám vào kiến chấp của riêng mình mà hủy báng Đại thừa, phải đọa vào địa ngục Vô gián.”

Về phía tây bắc của nước này, trên bờ phía đông của sông Căng-già có thành Ma-dụ-la (Mayura), chu vi khoảng 6.5 km, dân cư đông đúc phồn thịnh, kinh rạch nước chảy trong xanh, giao nhau chằng chịt. Nơi đây sản xuất hợp kim đồng, thủy tinh, các đồ dùng quý...

Cách thành không xa có một đền thờ Phạm thiên rất linh hiển, nhìn ra sông Căng-già. Trong khuôn viên đền có một hồ nước, dùng đá xây quanh bờ, lấy nước từ sông Căng-già vào. Người ở khắp năm vùng Ấn Độ đều gọi đó là cửa sông Căng-già, là nơi sanh phước lành, diệt tội lỗi. Thường có đến mấy trăm ngàn người từ phương xa đến đây để tắm rửa. Có những vị vua muốn làm việc thiện, xây dựng nhà làm phúc ở đây, đầy đủ thức ăn ngon, chứa trữ thuốc men, dùng bố thí cho những người neo đơn, chu cấp người cô độc.

Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 98 km thì đến nước Bà-la-hấp-ma-bổ-la, thuộc miền Bắc Ấn.

11. Nước Bà-la-hấp-ma-bổ-la

Nước Bà-la-hấp-ma-bổ-la chu vi khoảng 1.300 km, núi non bao bọc bốn bề. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Dân cư đông đúc phồn thịnh, cuộc sống giàu có sung túc. Đất đai màu mỡ, lúa má gieo trồng theo mùa vụ. Nơi đây sản xuất thâu thạch (hợp kim đồng), thủy tinh. Khí hậu hơi lạnh, phong tục cứng rắn, mạnh mẽ. Ít người theo học các tài nghề, đa số theo việc buôn bán kiếm lợi. Tánh tình người dân hung bạo, nóng nảy, niềm tin lẫn lộn, có kẻ tin theo tà đạo, có người tin theo chánh đạo. Có 5 ngôi chùa, tăng sĩ rất ít. Có hơn 10 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái chung sống lẫn lộn.

Về phía bắc nước này, nằm trong phạm vi dãy núi Hy-mã-lạp có nước Tô-phạt-lạt-nõa-cù-đát-la , nơi đây sản xuất loại vàng rất tốt nên có tên nước [là Kim Thị], chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, cũng gọi là nước Đông Nữ, vì phụ nữ cai trị đất nước từ đời này sang đời khác. Người chồng [của nữ vương] cũng là vua, nhưng hoàn toàn không biết đến chính sự, chỉ lo những việc quân binh chinh phạt, ruộng vườn đất đai mà thôi. Đất đai thích hợp trồng loại lúa mạch mùa đông, chăn nuôi nhiều dê, ngựa. Khí hậu rét lạnh, tính người nóng nảy, hấp tấp. Biên giới phía đông giáp với nước Thổ Phiền (Tubo), phía bắc giáp nước Vu-điền (Khotan), phía tây giáp nước Tam-ba-ha (Sanbohe).

Từ nước Mạt-để-bổ-la đi về hướng đông nam khoảng 130 km thì gặp nước Cù-tỳ-sương-na, thuộc miền Trung Ấn.

12. Nước Cù-tỳ-sương-na

Nước Cù-tỳ-sương-na chu vi khoảng 652 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.5-5 km, địa thế có núi cao hiểm trở, kiên cố. Dân cư đông đúc phồn thịnh, [những vùng] hoa quả, cây trái, ao hồ nằm rải rác xen lẫn nhau. Khí hậu, đất đai, sản vật đều giống như nước Mạt-để-bổ-la. Phong tục nơi đây thuần hậu chất phác, người dân siêng năng học hỏi, ưa làm việc phước thiện, đa phần tin theo ngoại đạo, cầu được an vui trong hiện tại.

Có hai ngôi chùa, tăng sĩ hơn 100 vị, hết thảy đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Có hơn 30 đền thờ Phạm thiên, các phái ngoại đạo chung sống lẫn lộn.

Kế cận kinh thành có một ngôi chùa cổ, bên trong khuôn viên chùa có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao hơn 66 mét. Tháp này ghi dấu nơi đức Như Lai khi còn tại thế từng thuyết giảng pháp yếu trong một tháng. Bên cạnh đó còn có di tích những nơi bốn vị Phật quá khứ tọa thiền và kinh hành. Kế bên lại có 2 ngọn tháp, đều cao khoảng 3.5 mét, thờ tóc và móng tay đức Như Lai.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam khoảng 130 km thì đến nước Ác-ê-xế-đát-la, thuộc miền Trung Ấn.

13. Nước Ác-ê-xế-đát-la

Nước Ác-ê-xế-đát-la chu vi khoảng 980 km. Chu vi kinh thành khoảng 5.5-6 km, dựa vào địa thế hiểm trở, kiên cố. Đất đai thích hợp trồng lúa, lúa mạch, có nhiều rừng và suối. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục thuần hậu chất phác, người dân quen thuộc với đời sống tín ngưỡng, dốc lòng học hỏi, nhiều tài năng, hiểu biết rộng.

Có hơn 10 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 1.000 vị, tu tập theo giáo pháp phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Có 9 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo hơn 300 người, thờ Tự Tại Thiên, đều là phái ngoại đạo Đồ hôi.

Phía ngoài thành có một hồ rồng, cạnh hồ có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã vì Long Vương mà thuyết pháp 7 ngày. Cạnh đó có bốn ngọn tháp nhỏ, là di tích nơi bốn vị Phật quá khứ từng tọa thiền và kinh hành.

Từ nơi đây đi về hướng đông khoảng 85-90 km, qua sông Căng-già, về hướng nam là nước Tỳ-la-san-na, thuộc miền Trung Ấn.

14. Nước Tỳ-la-san-na

Nước Tỳ-la-san-na chu vi khoảng 652 km. Chu vi kinh thành khoảng 3.2 km. Khí hậu, phong thổ, sản vật đều giống như nước Ác-ê-xế-đát-la. Phong tục mạnh mẽ, hung bạo, người dân biết học hỏi các tài nghề, sùng mộ tin theo ngoại đạo, ít người tin kính Phật pháp. Có hai ngôi chùa, tăng sĩ 300 vị, tất cả đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa. Có 5 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái chung sống hỗn tạp.

Bên trong kinh thành có một ngôi chùa cổ, trong khuôn viên có một nền tháp do vua Vô Ưu xây dựng, tuy đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao hơn 33 mét. Đây là nơi đức Như Lai ngày trước từng thuyết kinh về uẩn, giới, xứ trong 7 ngày. Bên cạnh đó vẫn còn di tích nơi bốn vị Phật quá khứ tọa thiền và kinh hành.

Từ đây đi về hướng đông nam khoảng 65 km thì đến nước Kiếp-tỷ-tha, thuộc miền Trung Ấn.

15. Nước Kiếp-tỷ-tha

Nước Kiếp-tỷ-tha chu vi khoảng 652 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Khí hậu, phong thổ, sản vật đều giống như nước Tỳ-la-san-na. Phong tục thuần hòa, người dân đa số học các tài nghề.

Có 4 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 1.000 vị, đều tu học theo giáo pháp của phái Chính lượng, thuộc Tiểu thừa. Có 10 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái chung sống lẫn lộn, tất cả đều tôn kính thờ phụng Đại Tự Tại Thiên.

Về phía tây kinh thành, cách khoảng 6.5 km, có một ngôi chùa lớn, được xây dựng hết sức cao lớn rộng rãi, đẹp đẽ lạ thường, điêu khắc công phu, vô cùng tinh xảo, các hình tượng Phật đều cực kỳ trang nghiêm. Tăng sĩ nơi đây có mấy trăm vị, đều tu tập theo phái Chính lượng. Có mấy mươi ngàn tịnh nhân giúp việc công quả trong chùa, có nhà cửa cho họ cư trú gần đó.

Bên trong khuôn viên chùa có 3 cái thang báu, xếp theo chiều nam bắc, [nấc thang cao nhất ở hướng tây] thấp dần xuống về hướng đông. Đây là nơi thuở xưa đức Như Lai giáng hạ khi từ cõi trời Ba mươi ba quay về nhân gian.

Đức Như Lai khi ấy đã từ Thắng lâm [hóa hiện] lên Thiên cung, ngự nơi Thiện pháp đường, vì mẹ thuyết pháp. Sau ba tháng, khi Phật sắp trở lại trần gian, Thiên Đế Thích liền dùng thần lực tạo ra 3 cái thang báu, thang ở giữa toàn bằng vàng ròng, thang bên trái bằng thủy tinh và thang bên phải bằng bạc. Đức Như Lai từ Thiện pháp đường, có chư thiên tháp tùng, bước trên thang giữa mà xuống. Đại Phạm Vương tay cầm cây phất trần màu trắng, bước trên thang bằng bạc theo hầu bên phải. Thiên Đế Thích cầm bảo cái đi trên thang thủy tinh theo hầu bên trái. Thiên chúng bay trên hư không rải hoa báu cúng dường và tán thán công đức Phật.

Cách đây mấy trăm năm, các thang báu này vẫn còn, nhưng đến bây giờ đã bị vùi lấp mất. Vua các nước không còn được nhìn thấy thang báu, lấy làm đau buồn, liền cho dùng gạch đá xây lên ngay chỗ nền móng cũ, rồi trang sức bằng trân bảo quý báu, mô phỏng theo 3 thang báu ngày xưa, cao hơn 23 mét. Phía trên lại xây dựng một tinh xá, bên trong có tượng Phật bằng đá, trên thang bên phải và thang bên trái lại có các tượng Phạm Vương, Đế Thích, mô phỏng theo tư thế các ngài đang bước xuống như ngày xưa.

Bên cạnh đó có một trụ đá do vua Vô Ưu dựng lên, cao hơn 23 mét, màu sắc tươi sáng, dáng vẻ chắc chắn, phía trên có tượng sư tử ngồi xổm, đầu hướng về phía thang báu. Chung quanh trụ đá có điêu khắc nhiều hình tượng kỳ lạ, tùy theo tội phước của người nhìn vào mà thấy trên thân trụ hiện lên những hình trạng khác nhau.

Bên cạnh các thang báu, cách đó không xa, có một ngọn tháp, là nơi ghi lại dấu tích của bốn vị Phật quá khứ đã từng tọa thiền và kinh hành. Bên cạnh tháp này là nơi đức Như Lai đã từng tắm rửa.

Bên cạnh tinh xá là nơi đức Như Lai từng nhập định. Cạnh đó lại có một tảng đá rất lớn, phần nền dài khoảng 82 mét, cao chừng 2.3 mét, là nơi đức Như Lai kinh hành, những chỗ dấu chân Phật in xuống đá đều có đường vân hình hoa sen.

Hai bên nền đá này đều có những tháp nhỏ, do Đế Thích và Phạm Vương tạo thành. Phía trước các tháp nhỏ này là nơi Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc vì muốn là người đầu tiên gặp Phật [khi ngài từ Thiên cung trở về], nên biến hóa thành hình dạng Chuyển luân vương.

Khi đức Như Lai từ Thiên cung về đến châu Thiệm-bộ, Tôn giả Tô-bộ-để đang thiền tọa ở trong thạch thất, tự nghĩ rằng: “Nay đức Phật từ Thiên cung trở về, các hàng trời, người cùng đi theo, như ta đây nên làm thế nào cho thích hợp?” [Rồi ngài tự nghĩ:] “Ta thường nghe Phật thuyết dạy rằng, rõ biết các pháp đều không, thể nhập được tánh các pháp, đó chính là dùng tuệ nhãn thấy được Pháp thân [Phật].”

Bấy giờ Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc vì muốn gặp Phật trước tiên nên biến hóa thành Chuyển luân vương, có đủ bảy báu đi theo, bốn loại binh chủng cùng hộ vệ, đến chỗ đức Thế Tôn thì hiện thân trở lại thành tỳ-kheo ni.

Đức Như Lai liền nói: “Con không phải là người gặp ta trước tiên [khi trở về đây], mà chính là Thiện Hiện, nhờ quán các pháp đều không nên thấy được Pháp thân ta trước.”

Thánh tích trong khuôn viên chùa này thường có nhiều điều linh ứng nhiệm mầu không dứt. Về phía đông nam của tháp lớn có một con rồng sống trong hồ, thường bảo vệ thánh tích. Đã có sự âm thầm bảo vệ nên không thể xem thường xâm phạm. Chỉ qua thời gian năm tháng quá lâu phải tự hư hoại, con người không thể hủy phá được.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam khoảng hơn 60 km thì đến nước Yết-nhã-cúc-xà, thuộc miền Trung Ấn.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 15 nước trong Quyển 4 - Tây Vực Ký



    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc khắp quanh ta


Sen búp dâng đời


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.41.252 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...