Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm và Ta »» Chương 3: Vô ngã còn gì? »»

Tâm và Ta
»» Chương 3: Vô ngã còn gì?

Donate

(Lượt xem: 6.510)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm và Ta - Chương 3: Vô ngã còn gì?

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Giáo lý vô ngã đã được trình bày đầy đủ ở trên, nhưng khách quan mà nói, nó không phải dễ hiểu đối với đa số quần chúng. Tất cả mọi người đều quen ăn nói có chủ từ, nay bỗng nhiên giáo lý vô ngã nói là cái chủ từ đó (Ta) không có, vậy thì còn cái gì đây? Đã có bao nhiêu nghi vấn khởi lên đối với vô ngã như:

Không có Ta thì ai đi tái sinh?
Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?
Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?
Không có Ta thì ai vãng sinh về Cực Lạc?
Vô ngã vậy ai thành Phật? Ai chứng A-la-hán? Ai nhập Niết bàn?

Ngay từ thời đức Phật và sau Phật cũng đã có những nghi vấn như trên. Điển hình là phái Độc Tử bộ (Vajjiputtaka). “Lúc đức Phật còn tại thế, có ngoại đạo tên là Độc Tử (Vajjiputta) xuất gia theo Phật. Môn đồ của ông tiếp nối cho đến thế kỷ thứ 2 sau khi Phật nhập Niết bàn, họ tách khỏi Nhất thiết Hữu bộ và thành lập một bộ phái tên là Độc Tử bộ, chủ trương có Bổ đặc già la (puggala, pudgala) là một cá thể ngã, nhưng ngã này không giống như thần ngã hay linh hồn của ngoại đạo có nguyên chất, chủ tể tồn tại ngoài năm uẩn. Cái ngã Bổ đặc già la này không hẳn là năm uẩn, cũng không phải nằm ngoài năm uẩn, nhưng không phải là hoàn toàn không có, vì khi người ta tạo nghiệp nhân lành dữ nhưng chưa thọ quả báo, tất phải có cái năng lực liên hệ giữa nghiệp nhân và quả báo trong tương lai. Nếu không có năng lực đó, khi người ta chết rồi, năm uẩn tan rã, cái gì dẫn đến sự hiện hữu trong tương lai? Do đó hẳn phải có Bổ đặc già la duy trì nghiệp mới có thể có trạng thái luân hồi, nếu chết rồi là hư vô thì đâu có luân hồi, đâu có giải thoát? Vả lại Phật là đấng Nhất thiết trí, biết hết mọi pháp, nếu không có Bổ đặc già la (ngã) thì lấy cái gì để biết mà thành nhất thiết trí? Tâm, tâm sở không thể biết hết mọi pháp, vì tâm, tâm sở biến diệt không ngừng. Còn Bổ đặc già la này thường trú bất biến mới biết cả sắc lẫn tâm một cách tự tại. Bộ phái này chia tất cả pháp thành ba nhóm: nhóm hữu vi pháp, nhóm vô vi pháp, và nhóm phi cả hai. Bổ đặc già la thuộc nhóm thứ ba. Họ còn chia tất cả làm năm tạng (kho): Quá khứ pháp tạng, Hiện tại pháp tạng, Vị lai pháp tạng, Vô vi pháp tạng, và Bất khả thuyết pháp tạng. Bổ đặc già la thuộc tạng thứ năm này. Nghĩa Như Lai tạng trong Đại thừa Phật giáo về sau rất có quan hệ với thuyết Bổ đặc già la này”.

Trong hai mươi bộ phái Tiểu thừa Phật giáo Ấn Độ, ngoài Độc Tử bộ ra còn có bốn bộ phái khác cũng đồng quan điểm trên, đó là: Pháp Thượng bộ (Dhammuttarika), Hiền Trụ bộ (Bhaddayanika), Chánh Lượng Bộ (Sammitiya) và Mật Lâm Sơn bộ (Channagarika). Mặc dù Phật dạy về lý Vô ngã, nhưng năm bộ phái này vẫn còn tin vào một cái ngã đặc biệt, có thật. Vì thế các phái khác đã lên án họ là bị ngoại đạo trà trộn. Tuy nhiên khái niệm “ngã đặc biệt” của họ có thể đã khơi mào cho những khái niệm như Pháp thân, Phật tánh, Như Lai tạng, A lại da thức, Chân như, Chân tâm, Chân không, Chân ngã của Đại thừa Phật giáo sau này.

Kinh điển giáo lý của Phật vi diệu thậm thâm, bao la bát ngát, các đệ tử hậu thế chỉ nắm vững được một phần nào thôi nên mới sinh ra hàng chục bộ phái với những ý kiến khác nhau. Nhưng tựu chung mọi sự khác biệt đều nằm xung quanh vấn đề ngã và pháp, không và có, hữu và vô như: ngã pháp câu hữu, ngã không pháp hữu, ngã pháp câu không, pháp vô khứ lai, chư pháp đản danh, v.v...

Ngoài ra vào thời đức Phật còn tại thế cũng có các vị tỳ kheo mặc dù quán chiếu vô ngã nhưng vẫn còn cảm giác “tôi là”. Thí dụ như kinh Khemaka, thuộc Tương Ưng bộ kinh (Samyutta III, 126) tập 3, Thiên Uẩn. Trong kinh kể lại chuyện tôn giả tên Khemaka bị trọng bệnh đau đớn. Các tỳ kheo khác đến viếng thăm rồi hỏi tôn giả Khemaka có thể chịu đựng đau đớn được không? Tôn giả Khemaka đáp là không chịu đựng được vì bệnh không thuyên giảm.

Các tỳ kheo hỏi: “Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?”

Tôn giả Khemaka đáp: “Tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả.”

Các tỳ kheo hỏi: “Nếu tôn giả Khemaka không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả, thời tôn giả Khemaka là vị A-la- hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận”.

Tôn giả Khemaka đáp: “Trong năm thủ uẩn này, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc A-la-hán, đã đoạn tận lậu hoặc. Dầu cho tôi có chứng được “tôi là” nhưng tôi cũng không quán “cái này là tôi”.

Các tỳ kheo hỏi: “Tôi là, là cái gì? Tôi là sắc hay khác sắc? Tôi là thức hay khác thức? “

Tôn giả Khemaka đáp: “Tôi không nói: Tôi là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức. Dầu rằng tôi có chứng được tư tưởng “Tôi là” nhưng tôi không có quán “cái này là tôi”... “Này chư Hiền, dầu cho vị Thánh đệ tử đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, nhưng với vị ấy cái dư tàn ngã mạn “tôi là”, dư tàn ngã dục “tôi là”, dư tàn ngã tùy miên “tôi là” chưa được đoạn trừ... Vị ấy sau một thời gian, sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, ngã mạn “tôi là”, ngã dục “tôi là”, ngã tùy miên “tôi là”chưa được đoạn tận nay đi đến đoạn trừ”.

Sau cùng qua cuộc đàm luận, tôn giả Khemaka và khoảng sáu mươi tỳ kheo được tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Mặc dù không quán năm uẩn là tôi, không quán sắc là tôi, thọ là tôi, v.v... nhưng tôn giả Khemaka vẫn còn cảm giác “tôi là”, cùng với những dư tàn ngã mạn, ngã dục, ngã tùy miên “tôi là”. Trường hợp của tôn giả Khemaka không khác gì trường hợp của đa số chúng ta. Chúng ta được học giáo lý đầy đủ, nào là ngũ uẩn vô ngã, ngũ uẩn giai không, nhưng có ai chứng quả đâu? Vẫn còn chấp ngã và phiền não đầy dãy. Như vậy là sao? Phải quán như thế nào đây?

Khi vừa nghe tôn giả Khemaka nói “tôi là” thì các thầy tỳ kheo liền hỏi ngay “tôi là, là cái gì?” “Tôi là” có hay không? Nếu có thì “tôi là” là cái gì? Có phải là năm uẩn không? Nếu không phải năm uẩn thì là cái gì? Trong kinh là không bao giờ nói “Tôi là” có hay không, mà chỉ nói cái này, cái kia không phải là tôi. Hiểu được “năm uẩn không phải là tôi” chưa đủ để chứng đạo, cần phải tinh cần quán chiếu, với thời gian, cái cảm giác dư tàn “tôi là” mới dần dần tan biến. Nhưng đối với những người không hành thiền, không quán chiếu thì quả thật khó hiểu.

Một thí dụ khác tương tự vấn đề trên, đó là kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, kinh số 143 thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Một hôm trưởng giả Cấp Cô Độc bị bệnh nặng sắp lìa đời, ngài Xá Lợi Phất và A-Nan hay tin bèn đến thăm. Đến nơi ngài Xá Lợi Phất dạy cho trưởng giả phép quán Vô ngã. Tôi xin trích dẫn vài đoạn kinh Giáo Hóa Người Bệnh, kinh này tương đương với kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, nhưng do Thiền Sư Nhất Hạnh dịch tương đối dễ hiểu hơn.

“Bây giờ cư sĩ hãy quán niệm như sau về sáu giác quan:

Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này.
Cái tai này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái tai này.
Cái mũi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái mũi này.
Cái lưỡi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.
Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thân thể này.
Ý căn này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào ý căn này....

... Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu thức:

Cái thấy này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái thấy này.
Cái nghe này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nghe này.
Cái ngửi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ngửi này.
Cái nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nếm này.
Cái xúc này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái xúc này.
Cái ý thức này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ý thức này....

... Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về năm uẩn:

Hình sắc không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hình sắc.
Cảm thọ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi cảm thọ.
Tri giác không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tri giác.
Tâm hành không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tâm hành.
Nhận thức không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi nhận thức....

... Này cư sĩ! Các pháp đều do nhân duyên sinh khởi và do nhân duyên hoại diệt; thật ra tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi ....

Trong năm uẩn này không có gì có thể được gọi là ta, là người, là thọ mạng. Không thấy được sự thực đó tức là vô minh ....”

Từ đầu đến cuối phép quán, không có cái gì là tôi hết, và tôi không bị kẹt hay giới hạn bởi cái gì hết. Vậy thì tôi là cái gì? Trong kinh không thấy nói tới. Nhưng sau khi được ngài Xá Lợi Phất hướng dẫn quán niệm như trên thì ông Cấp Cô Độc mệnh chung và sinh lên cõi trời Tam thập tam thiên (Đao lợi).

Cũng tương tự như trên, trong kinh Không phải của các ông, thuộc Tương Ưng bộ kinh, đức Phật dạy các Tỳ kheo phải từ bỏ năm uẩn như sau:

“Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.

Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các ông?

Sắc, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.

Thọ, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.

Tưởng, này các Tỷ-kheo...

Các hành, này các Tỷ-kheo...

Thức, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.

Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang lại cỏ, củi, cành cây, lá của Jetavana này, và đốt chúng hay tùy theo duyên sử dụng chúng. Các ông có nghĩ rằng: “Người ấy mang chúng tôi, hay đốt, hay tùy theo duyên sử dụng chúng tôi”?

- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao như vậy? Vì cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, cái ấy không phải thuộc tự ngã của chúng con.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, sắc không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông. Thọ không phải của các ông... Tưởng không phải của các ông. Các hành không phải của các ông... Thức không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.”

Con người là năm uẩn, nay nếu từ bỏ năm uẩn thì còn lại cái gì đây? Và hơn nữa cái gì biết từ bỏ năm uẩn? Phải có một cái không phải là năm uẩn thì mới từ bỏ năm uẩn được chứ?

Trong Bát nhã tâm kinh nói Bồ tát Quán Tự Tại chiếu kiến ngũ uẩn giai không liền thoát khỏi mọi khổ ách. Như vậy tức là vị Bồ tát này thấy được ngũ uẩn vô ngã. Nhưng Bồ tát dùng cái gì để chiếu kiến? Tự thân Bồ tát không ngoài ngũ uẩn, do đó ta có thể nói “ngũ uẩn Quán Tự Tại chiếu kiến thấy ngũ uẩn giai không” cũng không sai.Vậy thì trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cái nào thấy ngũ uẩn giai không? Sắc thấy ngũ uẩn giai không? Hay thọ, hay tưởng thấy ngũ uẩn giai không? Hay hành, hay thức thấy ngũ uẩn giai không? Phải có một cái gì trong “ngũ uẩn Quán Tự Tại” thấy được ngũ uẩn giai không chứ?

Giáo lý Vô ngã nói không có cái Ta, vậy thì ai chứng quả A-la-hán? Ngài Xá Lợi Phất có chứng A-la-hán không? Nếu có thì ai chứng? Bởi vì Xá Lợi Phất chỉ là một cái tên (danh) đặt cho một ngũ uẩn. Do đó khi ngũ uẩn tên là Xá Lợi Phất chứng quả A-la-hán thì uẩn nào chứng A la Hán? Hay là cả năm uẩn đều chứng A la Hán?

Qua hai trường hợp trên của Bồ tát Quán Tự Tại và ngài Xá Lợi Phất, ta có thể chắc chắn rằng sắc uẩn không thể quán chiếu và chứng quả. Còn lại bốn uẩn kia (thọ, tưởng, hành, thức) mà danh từ khác gọi là danh (nama) hoặc tâm (citta) may ra có phần trong việc quán chiếu và chứng quả.

Các kinh sách thường lập đi lập lại ngũ uẩn không phải là Ta, sắc không phải là Ta, thọ không phải là Ta, v.v... và nói cái Ta chỉ là một danh từ tạm lập, một giả danh được đặt trên năm uẩn. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng đi xa hơn một chút, người ta có thể hỏi Ai bịa đặt ra danh từ Ta để gọi năm uẩn? Hoặc cái gì gọi năm uẩn là Ta? Nếu trả lời là tất cả mọi người đồng ý gọi năm uẩn là Ta vậy thì mọi người là gì? Mọi người đều là năm uẩn, vậy thì uẩn nào bịa đặt ra cái “danh từ” Ta? Hơn nữa danh từ Ta (ngã) không hẳn chỉ là một “giả danh” như cái bàn, cái xe. Khi thấy một miếng ván và bốn cái chân gỗ, mọi người Việt Nam đều đồng ý gọi đó là cái bàn thì danh từ “cái bàn” xuất hiện. Nay nếu tất cả người Việt Nam đồng ý gọi cái bàn là cái ghế thì danh từ “cái ghế” được xuất hiện. Do đó danh từ cái bàn hay cái ghế không có thật, chỉ là giả danh, do người ta đồng ý đặt ra. Cái xe cũng vậy, khi có khung xe, bánh xe, lốp xe, cảng xe, cửa xe, mui xe, thùng xe, trục xe, v.v... được ráp lại chung với nhau thì người ta gọi đó là cái xe, và danh từ “cái xe” được sinh ra. Nay nếu tất cả mọi người đồng ý gọi “cái xe” là “cái bàn” cũng được, đó chỉ là vấn đề quy ước (convention). Nhưng cái Ta (ngã) không phải chỉ là một danh từ quy ước và giả lập trên năm uẩn, mà nó là một cảm giác thâm sâu trong lòng mọi người. Khi hai đứa bé cỡ một, hai tuổi chơi chung với nhau, nếu đứa này giựt đồ chơi của đứa kia thì tức khắc đứa kia sẽ la khóc, cào cấu đứa này. Hai đứa bé này chưa biết nói, chưa biết bịa đặt ra “danh từ” Ta, nhưng chúng đã có một cái ngã (Ta) trong người rồi, một cái ngã thâm căn cố đế, tích trữ và duy trì từ nhiều kiếp. Cái ngã này trong Duy thức học gọi là “câu sinh ngã chấp”, tức là một cái ngã được sinh ra cùng lúc với con người.

Trả lời nghi vấn

Giờ đây chúng ta thử trả lời những câu thắc mắc ở trên, để xem sau vô ngã còn gì không?

1. Vô ngã tức không có Ta vậy thì ai đi tái sinh?

- Các bộ luận trả lời rằng không có một cái Ta (ngã) nào đi tái sinh hay đầu thai hết. Khi năm uẩn này tan rã thì có một dòng nghiệp lực đi tái sinh.

2. Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?

- Đa số Phật tử dù muốn dù không đều chấp vào một cái ngã (Ta). Thông thường ai nấy đều nghĩ rằng “tôi tu kiếp này thì kiếp sau tôi sẽ hưởng phước sung sướng”. Nghĩ như vậy trên phương diện tục đế (bình dân) kể ra cũng đúng chứ không sai. Vì nếu tôi tu kiếp này mà kiếp sau người khác hưởng phước thì tôi tu làm chi?

Nhưng theo giáo lý Vô ngã thì cái tôi kiếp này không phải là cái tôi kiếp sau nữa. Vì ngũ uẩn kiếp này sau khi chết nó tan rã, và ngũ uẩn kiếp sau là một ngũ uẩn khác. Do đó không thể nói tôi kiếp này chính là tôi kiếp sau, vì hình sắc của thân kiếp sau sẽ hoàn toàn khác, bốn uẩn kia (thọ, tưởng, hành, thức) cũng vậy. Nhưng giữa hai cái ngũ uẩn này được nối tiếp với nhau bởi một dòng nghiệp lực. Trong kiếp sống này, nếu tạo tác bất cứ cái gì qua thân, khẩu, ý thì nó đúc kết thành nghiệp (karma) tức là một loại năng lực vô hình. Và chính cái năng lực (nghiệp lực) vô hình này sẽ tiếp tục trôi chảy và xuất hiện nơi ngũ uẩn kế tiếp. Vì thế những gì ngũ uẩn kiếp này làm thì ngũ uẩn kiếp sau (tuy khác) sẽ phải chịu ảnh hưởng.

Luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), chương XIX, Đoạn nghi thanh tịnh, câu 20, có nói:

Không có người làm nghiệp
cũng không người gặt quả báo
Chỉ có hiện tượng trôi chảy
thấy khác thế là không đúng ....

Theo ngài Phật Âm thì không có người nào tạo nghiệp mà chỉ có một sự tạo nghiệp, không có ai chịu quả khổ mà chỉ có một sự đau khổ. Cũng như không có trời mưa mà chỉ có một sự mưa. Tất cả chỉ là một dòng biến chuyển vô chủ của tâm-sinh-vật lý, trong đó không có người nào là chủ nhân tác động cả.

Nhưng nói theo cách khác, chính tâm sở tác ý (cetana) hay ý muốn làm, tức ý nghĩ nằm bên trong hành động, tự nó là “người tạo nghiệp”, nó khởi lên tác động khiến thân, khẩu, ý tạo nghiệp. Và tâm sở thọ (vedana), tức cảm thọ, là “người chịu quả”, vì phải cảm thọ đau buồn hay vui sướng.

3. Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?

- Không có ai tu mà chỉ có một hợp thể năm uẩn (hay danh sắc) tu. Không có ai giải thoát mà chỉ có một sự giải thoát, tức là dòng nghiệp lực chấm dứt khi năm uẩn này tan rã. Nó không tiếp tục trôi chảy sang đời sống khác.

4. Không có Ta thì ai vãng sinh về Cực Lạc?

- Ngũ uẩn nào niệm Phật thiết tha cầu sinh về Cực Lạc thì sau khi chết, ngũ uẩn này tan rã, dòng nghiệp thức sẽ tái sinh về cảnh giới Cực Lạc.

5. Vô ngã vậy ai chứng A-la-hán? Ai thành Phật? Ai nhập Niết bàn?

Khi một hành giả (một dòng tâm-sinh-vật lý) tu tập diệt trừ được cái Ta hay bản ngã thì chứng quả A-la-hán. Phật và A-la-hán đều chứng được vô ngã, nhưng khác nhau ở chỗ trong vô lượng kiếp trước Phật đã hành bồ tát đạo, tích tụ vô lượng công đức và trí tuệ.

Không có ai nhập Niết bàn bởi vì Niết bàn không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái tâm linh. Khi chứng quả A-la-hán tức là đạt được Niết bàn, còn gọi là Hữu-dư-y Niết bàn, tức Niết bàn còn dư báo là thân và tâm. Khi vị A - la-hán viên tịch thì gọi là Vô-dư-y Niết bàn, tức là không còn lưu lại năm uẩn.

Trên đây là trả lời các câu hỏi qua giáo lý Vô ngã của truyền thống Nam tông, Nguyên thủy (Theravada). Không biết bạn đọc có hiểu và chấp nhận được không? Nếu được thì quá tốt, còn không thì tôi sẽ tiếp tục bàn luận và giải đáp.

Vấn đề ngôn ngữ

Trong chương Vô ngã ở trước, phần “Hai loại ta”, tôi có nói về sự giới hạn của ngôn ngữ gây ra lủng củng và mâu thuẫn chẳng hạn như trong những thí dụ sau:

“Ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi bởi vì chấp ngũ uẩn là ngã”.
“Ta chấp ngũ uẩn là ngã nên trôi lăn trong sinh tử luân hồi”.
“Vì vô minh, ta chấp danh sắc là ngã, cho giả là thật, ... vì thế ta tái sinh luân hồi, lang thang từ kiếp này sang kiếp khác”.
“Bị màn vô minh che lấp, ta chấp ngũ uẩn là Ta, ... và đó là nguyên nhân đưa đến sanh tử, tử sanh”.

Những cách nói trên đều bao gồm một câu chính: ta chấp ngũ uẩn là ta. Trong câu này có bốn phần:

Ta
Chấp
Ngũ uẩn.
Là ta

Khi nghe như vậy, có người thắc mắc: “Giáo lý vô ngã nói không có ta, vậy thì ai chấp? Cái ta ở phần 1 là cái ta nào, ở đâu ra mà chấp cái này cái kia? Cái ta phần 1 có khác cái ta phần 4 không? Nếu ta không chấp ngũ uẩn là ta thì chấp cái gì là ta? Nếu ta không phải là ngũ uẩn thì ta là cái gì?” Mới vô đầu câu đã có cái ta đứng lù lù ngay đó rồi thì nói gì đến vô ngã? Nếu bỏ cái ta phần 1 đi thì câu nói này thiếu chủ từ, không ai hiểu được.

Khi nói “ta chấp ngũ uẩn là ta” tức là vô tình xác nhận sự có mặt của cái ta dù có chấp hay không chấp ngũ uẩn, dù các phần 2, 3, 4 có hay không. Bởi vì ta là chủ từ của câu nói, do ta đã có nên ta mới chấp cái này cái kia được. Khi cái ta đã có (hiện hữu) thì nó có thể chấp bất cứ cái gì khác ngoài năm uẩn là ta cũng được. Nó có thể chấp hoa là ta, núi là ta, nước là ta, không gian là ta. Thí dụ như khi ta héo buồn thì ta nghĩ “ta là hoa tươi mát”. Khi ta bị xao xuyến bồn chồn thì ta nghĩ “ta là núi vững vàng”. Khi ta bị lay động lăng xăng thì ta nghĩ “ta là nước tĩnh lặng”. Khi ta cảm thấy yếu đuối nhỏ bé thì ta nghĩ “ta là không gian thênh thang”. Khi ta (ngã) đã có mặt rồi thì muốn chấp hay tự cho ta là gì cũng được, không nhất thiết phải là ngũ uẩn.

Qua phần “Hai loại ta” ở trước, bạn đọc có thể nói cái ta ở phần 1 chỉ là cái ta tương đối, một danh từ quy ước, giả lập thuộc tục đế (samvrti-satya) để chỉ định con người. Nếu vậy tại sao không đổi lại là: “con người chấp ngũ uẩn là ta”, nghe dễ hiểu hơn không. Nhưng con người là gì? Con người gồm có hai phần là thân và tâm (vật chất và tinh thần). Vậy có thể đổi câu trên thành: “thân và tâm chấp ngũ uẩn là ta được không?” Kể ra cũng được, nhưng thân thể là vật chất làm sao biết chấp cái gì? Do đó có thể loại trừ “thân” ra khỏi câu trên. Cuối cùng câu “ta chấp ngũ uẩn là ta” sẽ trở thành “tâm chấp ngũ uẩn là ta”.

Câu này cũng có bốn phần:

Tâm
Chấp
Ngũ uẩn
Là ta

Phần 1, chủ từ là tâm chứ không phải là ta, ở đây không có cái ngã nào xen vào hết. Còn cái ta ở phần 4 là một cái danh được gán vào cho ngũ uẩn, nó không có từ đầu mà chỉ là một sản phẩm sau này.

Tóm lại khi nói về vô ngã mà dùng chủ từ “ta” trong các câu như trên là điều mâu thuẫn, bởi vì tiền đề là vô ngã (không có ta) mà nói câu nào cũng thấy có ta ở trong. Khi nói đến chấp thì phải xác định ít nhất ba phần là chủ từ, động từ, và túc từ: (ai, cái gì) - chấp - (cái gì). Nếu dùng chủ từ chúng sinh thì có thể được, bởi vì chúng sinh quá tổng quát bao gồm sáu loài (thiên, nhân, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) không liên quan trực tiếp đến cái ngã (ta). Nếu dùng chủ từ chúng ta cũng tạm được, nhưng bắt đầu có cái ta lấp ló đâu đó. Nếu dùng chủ từ ta thì rơi vào sự chấp ngã ngay từ đầu. Do đó cách nói dễ hiểu và đúng nhất là: tâm - chấp - ngũ uẩn - là ta.

“Vô ngã còn gì?” Câu trả lời chính xác là: Vô ngã còn lại thân và tâm. Nhưng thân là phần vật chất không biết tư duy nên không có gì đáng nói. Tâm mới là cái đáng nói và cần nói khi luận về vô ngã. Bởi vì nếu thiếu tâm thì vô ngã sẽ trở thành hư vô luận, làm cho người đời hoang mang, tưởng rằng không còn gì nữa hết. Hơn nữa trong tất cả kinh điển Phật giáo, dù Nam tông hay Bắc tông, đức Phật đều luôn luôn đề cập, nhấn mạnh về việc tu tập và thanh lọc cái tâm. Tu vô ngã chính là tu tâm, và tu tâm cũng chính là tu vô ngã.

Vô ngã còn tâm

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo,
Nếu với tâm ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo. (Kệ 1)

Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, tâm tạo,
Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình. (Kệ 2)

Ở đây đức Phật nói rõ tâm là chủ chứ không phải cái Ta. Hạnh phúc hay khổ đau đều bắt nguồn từ tâm. Tâm ô nhiễm, suy nghĩ việc bất chánh, ích kỷ thì sinh ra nói năng, hành động xấu ác, tạo nghiệp ác, và phải chịu quả khổ. Tâm thanh tịnh (trong sạch) thì nói năng, hành động tốt, tạo nghiệp lành, nên an lạc hạnh phúc liền theo sau. Do đó tu theo đạo Phật là tập sửa cái tâm cho thanh tịnh.

Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Chính lời chư Phật dạy. (Kệ 183)

Các đạo giáo thường dạy người ta ăn hiền ở lành, không làm điều ác. Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ. Không làm điều ác mới chỉ là người hiền và lương thiện. Chuyên làm các hạnh lành thì trở thành thánh nhân. Ngoài hai điều trên đức Phật dạy cần phải làm cho tâm ý trở nên thanh tịnh mới giải thoát khỏi sinh tử. Tâm hoàn toàn thanh tịnh là Phật, là A-la-hán.

Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), đức Phật giảng nói về Như lai tạng (Tathagatagarbha) và cảnh cáo là không nên xem Như lai tạng là tự ngã. Có đoạn bồ tát Đại Huệ hỏi Phật:

“Bạch Thế Tôn, trong nhiều đoạn kinh Như lai tạng được Thế Tôn mô tả như là có bản chất ngời sáng, bản lai thanh tịnh, thường hằng thanh tịnh, đủ 32 tướng tốt, thường tồn tại trong thân chúng sinh. Như hạt minh châu vô giá bị bọc trong tấm vải bẩn; (Như lai tạng) tuy bị quấn chặt bởi chiếc áo uẩn, xứ, giới, bị cáu bẩn bởi chất bẩn tham dục, thù hận, ngu si, hư vọng, phân biệt các thứ, vẫn được Thế Tôn mô tả là thường hằng, trường cửu, tịch tĩnh, bất biến. Phải chăng thuyết Như lai tạng của Thế Tôn không đồng với thuyết tự ngã của ngoại đạo?

Phật đáp: “... Các đức Như lai sau khi giảng thuyết Như lai tạng bằng các nghĩa cú tính không, thật tế, niết bàn, bất sinh, vô tướng, vô nguyện; với mục đích khiến cho những kẻ phàm phu dẹp bỏ nỗi kinh hoàng về vô ngã”.

Giáo lý vô ngã thường khiến cho hàng phàm phu sợ hãi, hoang mang, “không có ta thì còn gì? Không còn gì nữa chăng?”. Dó đó đức Phật giảng về Như lai tạng để chúng sinh khống chế nỗi sợ hãi ấy.

Không có ta nhưng có tâm, có Như lai tạng là một tâm thể thường hằng, thanh tịnh, bất biến. Nhưng Như lai tạng không thể là đối tượng nhận thức thông thường của thế gian cho nên kinh Lăng Già đề nghị thay Như lai tạng bằng A-lại-da thức để có thể giải thích dễ dàng bản chất và hoạt động của tâm thức bình thường. Điều này sẽ được bàn đến sau ở chương “Tâm”.

Trả lời nghi vấn

Biết được vô ngã còn tâm thì chúng ta trở lại những câu hỏi ở trên để giải đáp một cách khác:

1. Không có Ta thì ai đi tái sinh?

- Tâm đi tái sinh.

2. Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?

- Tâm tác ý tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý. Khi ngũ uẩn tan rã, tâm vô minh khát ái, thèm sống nên bị nghiệp lực dẫn dắt đi tìm một ngũ uẩn khác để tiếp tục hiện hữu.

3. Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?

- Khi tâm biết đạo, hiểu đạo, tu tập loại trừ tà kiến chấp ngã, ái dục thì tâm giải thoát. “Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc”.

4. Không có Ta thì ai vãng sinh Cực Lạc?

- Do tâm chuyên cần niệm Phật, nhớ tưởng Phật, đến khi ngũ uẩn tan rã, tâm vãng sinh về Cực Lạc. Nói theo Duy Thức Học thì những chủng tử trong A-lại-da thức biến hiện ra một thân chánh báo và một cảnh y báo tương ưng với cảnh Cực Lạc.

5. Vô ngã vậy ai chứng A-la-hán? Ai thành Phật? Ai nhập Niết bàn?

- Khi tâm không còn chấp ngã, bao nhiêu ô nhiễm, ái dục được diệt trừ thì tâm đó chứng quả A-la-hán. Tâm vô ngã và thành tựu vô lượng công đức thì tâm đó là Phật. Tâm vô ngã là Niết bàn chứ không có Ai nhập Niết bàn.

Các vị A-la-hán khi chứng quả, thân vẫn là thân cũ, nhưng tâm hoàn toàn mới hẳn, trong sạch, không còn chấp ngã, không còn bóng dáng của cái Ta.

Tâm là nền tảng của sinh tử và Niết bàn. Khi tâm mê mờ, vô minh thì gọi là chúng sinh. Khi tâm giác ngộ, giải thoát thì gọi là Phật, Bồ tát, A-la-hán. “Tâm, Phật, chúng sinh, tam vô sai biệt”, tâm, Phật, chúng sinh cả ba đều không khác. Bởi vì thể tánh của Phật là tâm, thể tánh của chúng sinh cũng là tâm. Nhưng vẫn có sự khác biệt trên phương diện tướng và dụng. Tâm Phật là tâm vô ngã thanh tịnh dung thông pháp giới, nên hiện ra báo thân, và ứng thân trang nghiêm thần thông tự tại. Còn tâm chúng sinh là tâm chấp ngã ô nhiễm nên hiện thân trong năm uẩn, phải chịu sinh, già, bệnh, chết.

Tâm và kinh

Các kinh Nguyên thủy nhấn mạnh về việc thanh lọc tâm ý qua ba giai đoạn tu học giới, định, huệ. Tu thiền hay hành thiền chính là điều phục và thanh lọc tâm ý. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) một kinh thông dụng nhất trong Phật giáo Nam tông, mới vào đầu, phẩm thứ nhất Song Yếu (Yamakavagga) đã nói ngay về tâm, tâm là chủ các pháp. Kế đến phẩm thứ ba là phẩm Tâm (Cittavagga) cũng dạy về tâm, cách an trú và điều phục tâm. Tiếp theo là Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya) một kinh được xem là quan trọng nhất trong hệ Nikaya, trong đó đức Phật chỉ dạy rất nhiều về cách thức tu hành để thanh tịnh tâm. Thí dụ như trong kinh Ước Nguyện (kinh thứ 6), Phật dạy ước nguyện của hàng tỳ kheo là phải viên mãn giới luật, nội tâm tịch tĩnh, tu tập thiền định, thành tựu quán hạnh, thích trụ tại nơi không tịch. Trong kinh Ví dụ tấm vải (kinh thứ 7), Phật ví dụ tâm như một tấm vải. Một tấm vải sạch khi được nhuộm sẽ có màu đẹp. Một tấm vải cấu uế khi nhuộm sẽ không đẹp, màu không sạch sẽ. Cấu uế của tâm gồm có: tham dục, sân, phẫn, hận, hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, cuống, quá mạn, kiêu, phóng dật. Hàng tỳ kheo phải diệt trừ cấu uế của tâm. Trong kinh An trú tầm (kinh thứ 20), đức Phật dạy năm phương pháp diệt trừ các tư tưởng khởi lên trong tâm liên hệ đến tham dục, sân hận, và si mê. Trong kinh Trạm Xe (kinh thứ 24), nói về bảy giai đoạn thanh tịnh tâm ý; bảy giai đoạn này được ngài Buddhagosa phát triển sau này thành bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), một bộ luận rất uy tín của Phật giáo Nguyên Thủy. Trong Tiểu kinh xóm ngựa (kinh thứ 40), Phật giải thích con đường chân chánh của sa môn không tùy thuộc vào việc mang y hay thực hành khổ hạnh mà tùy thuộc vào việc đoạn trừ các ô nhiễm nội tâm. Trong kinh Nhất dạ hiền giả (kinh thứ 131), Phật dạy cách an trú trong hiện tại, không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về quá khứ, không mơ tưởng đến tương lai, đó gọi là người biết sống một mình. Ở đây tôi chỉ đơn cử sơ vài kinh, nếu muốn biết kỹ hơn thì độc giả nên tìm đọc năm bộ kinh Nikaya: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ, và Tiểu Bộ.

Sau đây chúng ta xét qua vài kinh thông dụng trong Phật giáo Đại thừa như: Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm. Những kinh này đều nói về tâm.

Trong kinh Kim Cang, duyên khởi của kinh là ngài Tu Bồ Đề (Subhuti) hỏi Phật hai câu quan trọng: “Bạch Thế tôn! Nếu có người phát tâm bồ đề cầu quả Phật thì làm sao hàng phục vọng tâm? Và làm sao an trụ chân tâm?” Người phát tâm bồ đề cầu quả Phật tức là bồ tát. Bồ tát muốn thành Phật thì phải độ vô lượng chúng sinh. Khi độ chúng sinh thì phải thực hành lục độ tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Để trả lời câu hỏi của Tu Bồ Đề, đức Phật dạy: “Hàng Bồ tát độ vô lượng vô biên chúng sinh vào Niết bàn, nhưng không thấy có một chúng sinh nào được độ” và “Bồ tát tu pháp bố thí, không nên trụ chấp các tướng như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” nghĩa là Bồ tát không chấp ngã (khi độ sanh) không chấp pháp (khi bố thí); đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm” mà cũng là “an trụ chân tâm”. Vọng tâm và chân tâm sẽ được bàn đến ở chương sau. Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh là kinh Kim Cang dạy hành giả phải tu tâm. Và tu tâm chính là tu tập vô ngã (không chấp ngã), không thấy Ta đây là người độ sinh, và chúng sinh kia là người được độ. Ngoài ra kinh Kim Cang còn nói đến sự không chấp pháp, tức là tâm không trụ trước, dính mắc vào tất cả sắc tướng, lục trần. Cũng là pháp tu vô ngã, nhưng cách tu của kinh Kim Cang hơi khác với cách tu của Nam tông như kinh Vô Ngã Tướng. Tu vô ngã của Nam tông là hướng về năm uẩn, quán chiếu ngay nơi bản thân của hành giả. Trong khi tu vô ngã của kinh Kim Cang là hướng ngoại, hướng về chúng sinh mà hành các hạnh bồ tát.

Kinh Lăng Nghiêm là một kinh đặc biệt đức Phật chỉ dạy về tâm (hay chân tâm). Chúng sinh do không ngộ được chân tâm nên muôn kiếp làm chúng sinh, trầm luân trong biển khổ sinh tử. Chư Phật đã thoát ly sinh tử, thần thông tự tại, trí tuệ vô ngại, đều do các ngài đã ngộ được chân tâm. Duyên khởi kinh này là ngài A-Nan, lúc đó mới chứng quả Tu-đà-hoàn, nên còn phiền não lậu hoặc, khi đi khất thực bị một thiếu nữ ngoại đạo tên là Ma-đăng-già (Matanga) đem lòng yêu mến, dùng thần chú của Sa-tỳ -ca- la tiên bắt vào phòng, dùng lời dịu ngọt, vuốt ve dụ dỗ. Ngài A-Nan tuy bị nạn, nhưng tinh thần còn tỉnh táo, hết lòng niệm Phật cầu cứu. Đức Phật ở xa biết, bèn nói thần chú Thủ Lăng Nghiêm, sai Bồ tát Văn Thù đem thần chú đi cứu A-Nan. A-Nan thoát nạn, cầu Phật chỉ dạy phương pháp nào mà mười phương chư Phật đã tu hành và chứng quả. Đức Phật dạy phải ngộ được chân tâm. “Nếu ngộ được chân tâm thì thành Phật. Ngộ được chân tâm như người thức giấc mộng; không ngộ được chân tâm như người còn ngủ chiêm bao. Đây là phương pháp duy nhất mà mười phương chư Phật tu hành đã được thành đạo chứng quả.”

Kinh Pháp Hoa là kinh thường được nhiều người trì tụng. Đại ý kinh này là chư Phật ra đời chỉ vì một việc trọng đại duy nhất, đó là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật. Trước kia tuy Phật có giảng về ba thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) nhưng đó chỉ là phương tiện khai tam hiển nhất, tạm nói ba thừa để quy về một thừa, đó là Phật thừa. Khai là mở bày, thị là chỉ dạy, ngộ là nhận hiểu, nhập là đi vào. Tri kiến Phật là cái biết, cái thấy của Phật. Tri kiến Phật tức là Phật tánh. Muốn thành Phật thì phải nhận ra Phật tánh trong tâm, tin mình có Phật tánh, và phát bồ đề tâm. Trong phẩm Ngũ bách danh đệ tử thọ ký, Phật tánh được ví dụ như viên ngọc quý được gài vào chéo áo của người bạn sau bữa tiệc rượu. Người này sau khi tỉnh rượu không biết là mình có viên ngọc quý nên phải sống đời cơ hàn, nghèo túng. Cũng thế, chúng sinh trôi lăn nhiều kiếp trong sinh tử luân hồi, quên mất là mình có Phật tánh. Phật tánh chính là chân tâm, cái tâm thanh tịnh từ ngàn xưa (bổn lai thanh tịnh).

Kinh Niết Bàn là kinh cuối cùng được Phật thuyết trước khi nhập Niết bàn. Kinh này được xem là bổ túc cho kinh Pháp Hoa. Trong kinh này đức Phật tuyên bố “tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” và giảng nhiều về Phật tánh. Cũng trong kinh này, Phật nói về bốn đức tính của Niết bàn hay Pháp thân là: thường, lạc, ngã, tịnh. Chữ ngã ở đây không phải là cái Ta theo nghĩa thế gian mà đó là pháp thân tự tại, giải thoát. Pháp thân thọ mạng vô cùng vô tận nên gọi là thường. Niết bàn là trạng thái an vui, không có khổ sinh tử nên gọi là lạc. Niết bàn là pháp thân thanh tịnh, không phải là thân tạp thực ô uế, nên gọi là tịnh.

Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh vĩ đại nhất của Đại thừa. Kinh này được nói ngay sau khi đức Phật thành đạo dưới cây Bồ đề. Ngài tĩnh tọa suốt 21 ngày nhập đại định Hải ấn tam muội (sagaramudrasamadhi) để tuyên thuyết Hoa Nghiêm. Thính chúng của pháp hội Hoa Nghiêm không phải là người thường hay hàng nhị thừa mà là các đại Bồ tát, thiên chủ, thiên thần, chủ dạ thần. Thế giới của Hoa Nghiêm hay Hoa tạng thế giới, là thế giới lung linh, kỳ bí, huyền diệu của chân tâm. “Trong thế giới này không có sự khổ đau, không có người lam lũ. Đức Phật nơi rừng Thệ Đà đã hòa nhập vào vũ trụ, mọi thứ đều bừng sáng rực rỡ, lấp lánh, giao thoa lẫn nhau. Đất bằng kim cương, có lưu ly, có pha lê, có châu ngọc, v.v... được gắn lên những hàng cây, rào dậu. Trên không trung có những vầng mây báu, mây điện ngọc trời, mây lưới ngọc, mây hình tượng trời... Ở thế giới này không có bóng tối, chỉ toàn là ánh sáng rực rỡ... phản chiếu.... Các vị Bồ tát trong chúng hội đã thành tựu trí tuệ tối thắng, thành tựu quyết tín vào Như Lai, họ đi vào vô lượng vô biên thế giới, trong tất cả thế giới họ hiện thân vô cùng tự tại, họ thác sinh và biến hóa vô lượng hình tướng, ngay trong một niệm họ diện kiến hết thảy chư Phật trong ba đời, v.v...”. Thế giới của Hoa Nghiêm vô cùng linh động bất khả tư nghì, vượt ngoài tư duy hạn hẹp của một tâm thức chấp ngã, suốt ngày lẩn quẩn chung quanh cái Ta và cái của Ta, lăng xăng lặn hụp trong ái dục và phiền não. Triết lý của Hoa Nghiêm là “tam giới duy tâm”, “nhất thiết duy tâm tạo”, ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới đều phát xuất từ tâm. Trong kinh nói:

Tâm như nhà họa sư
Hay vẽ những thế gian
Ngũ uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.

Kinh Hoa Nghiêm mầu nhiệm và huyền bí, nói về pháp giới trùng trùng duyên khởi, nhưng tóm lại cũng không nói gì khác ngoài (chân) tâm, thế giới của tâm (Phật), và diệu dụng của tâm.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gõ cửa thiền


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Công đức phóng sinh


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.72.181 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...