Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 12: Đối Trị Sự Xao Lãng - (II) »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 12: Đối Trị Sự Xao Lãng - (II)

Donate

(Lượt xem: 7.673)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 12: Đối Trị Sự Xao Lãng - (II)

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bây giờ, bạn đang ngồi thiền một cách êm đẹp. Thân hoàn toàn bất động, và tâm thì hoàn toàn tĩnh tại. Bạn nhẹ nhàng lướt nhẹ theo dòng hơi thở, vào, ra, vào, ra...tĩnh lặng, tập trung. Mọi sự đang hoàn hảo; và rồi bất ngờ một ý gì đó nảy sinh trong tâm: “Sao ta thấy thèm có một cây kem ngon bây giờ”. Đây rõ ràng là một sự xao lãng. Đó không phải việc mình đang tập thiền. Bạn nhận biết đó là xao lãng và kéo mình về lại hơi thở, trở lại dòng hơi thở nhịp nhàng, vào, ra, vào...Và nữa: “Mình đã trả hóa đơn tiền điện chưa vậy cà?”. Lại một xao lãng khác. Bạn nhận biết nó, và lại kéo mình chú tâm trở lại hơi thở. Vào, ra, vào, ra, vào... Nữa: “Bộ phim khoa học viễn tưởng mới ra sắp hết tuần công chiếu. Có lẽ mình đi coi tối thứ Ba. Àh không, không phải thứ ba, vì thứ Tư mình có nhiều việc phải làm. Vậy thứ Năm tốt hơn...”. Một sự xao lãng nữa. Bạn lại kéo mình ra khỏi xao lãng đó và quay lại chú tâm vào hơi thở. Hoàn toàn bạn làm được, trừ khi đôi khi bạn chưa kịp làm, thì lại có sự xao lãng khác hay tiếng thầm thì nào đó trong đầu: “Ôi, cái lưng đau nó đang giết tôi”. Và cứ như thế, hết xao lãng này, đến xao lãng khác, dường như bất tận...

Thật là phiền phức phải không?. Những chính điều này là tất cả đề tài chúng ta đang nói đến. (Không có những khó khăn này thì đâu cần sách thiền, đâu cần có tập thiền và đâu có thiền). Những sự xao lãng này chính là trung tâm đề tài của môn thiền học!. Chìa khóa là phải học cách xử lý chúng. Học cách nhận biết chúng mà không dính chấp vào chúng. Đó là lý do chúng ta ngồi ở đây. Sự lăng xăng của tâm là một điều khó chịu, chắc chắn là vậy. Nhưng đó chính là ‘chế độ’ hoạt động thông thường của tâm chúng ta. Đừng nghĩ đến nó như là kẻ thù. Nó chỉ là một hiện thực đơn giản. Và nếu bạn muốn thay đổi thứ gì thì trước mắt bạn phải xem xét để thấy được đường lối và cách thức vận hành của nó.

Khi bạn ngồi xuống tập trung vào hơi thở, bạn lập tức gặp phải ngay một cái tâm vô cùng bận rộn, chạy nhảy. (Lúc mới vào tập thiền, bạn sẽ kinh ngạc khi biết được tâm của mình lăng xăng đến mức nào!). Nó như ngựa trở chứng. Nó tới lui ngang dọc và nhảy chồm lên xuống. Nó đuổi bắt đuôi nó xoay vòng như con dụ. Nó nói đủ chuyện không ngừng. Nó nghĩ đủ thứ lung tung. Nó tưởng tượng và mơ tưởng. Đừng nên thất vọng vì điều đó. Nó là lẽ tự nhiên. Mỗi khi tâm lang thang ra khỏi đối tượng thiền, ta chỉ cần quan sát sự xao lãng đó một cách chánh niệm.

Trong thiền quán, khi chúng ta nói về “sự xao lãng” là chúng ta nói về bất cứ sự bận rộn nào lôi kéo sự chú tâm của chúng ta khỏi hơi thở. Điều này mang lại một vai trò mới và chính yếu cho việc thiền của bạn: Bất cứ khi nào có trạng thái tâm nào khởi sinh đủ mạnh lôi kéo sự chú tâm của bạn khỏi đối tượng thiền [như đối tượng Hơi Thở], thì bạn cứ chuyển sự chú tâm về sự xao lãng đó trong một chốc lát. Dùng sự xao lãng đó làm đối tượng thiền tạm thời. Nhớ chữ “tạm thời” Điều đó rất quan trọng. Chúng tôi không khuyên bạn đổi luôn đối tượng thiền, như kiểu đổi ngựa giữa dòng. Chúng tôi không khuyên bạn thay đổi đối tượng thiền sau mỗi ba giây. Hơi thở vẫn luôn luôn là đối tượng thiền chính để bạn tập chú tâm. Chuyển sự chú tâm qua sự xao lãng chỉ một lúc đủ để nhận biết những tính chất đặc điểm của nó. Nó là gì?. Nó mạnh như thế nào? Và nó kéo dài bao lâu?

Ngay khi bạn vừa trả lời xong những câu hỏi đó [một cách không bằng lời] là bạn đã xem xét nó xong, và bạn có thể mang sự chú tâm trở lại hơi thở. Ở đây cũng xin nhắc lại thuật ngữ thực hành “không bằng lời". Những câu hỏi đó không phải dùng để khơi gợi thêm những đối đáp hay đối thoại trong tâm trí. Những thứ hỏi đáp đó có thể kéo bạn đi sai hướng, càng hướng đến sự tư duy suy nghĩ theo thói thường. Bạn đang tập luyện để mình tránh xa khỏi sự suy nghĩ, để quay lại với sự trải nghiệm trực quan về hơi thở một cách không bằng lời và không quan niệm. (Tiến tình hơi thở tự thân nó là một hiện tượng tự nhiên, nó diễn ra mà không cần có suy nghĩ, tư duy hay quan niệm gì. Tất cả mọi thứ thức ngủ đều thở). Những cách hỏi này đã được chế ra để giúp bạn tạm thời thoát khỏi sự xao lãng và cho bạn nhìn thấy bên trong bản chất tự nhiên của nó [sự xao lãng], chứ không phải để làm bạn dính chấp vào chúng [những câu hỏi]. Chúng sẽ giúp bạn nhập tâm vào (i) nhận diện cái gì đang làm bạn xao lãng, và (ii) cùng lúc giúp bạn buông bỏ nó luôn - Tất cả trong một bước. (Hai trong một).

Khó khăn ở đây là: Khi một xao lãng, hay bất kỳ trạng thái tâm nào, khởi sinh trong tâm thì nó khởi sinh trước trong phần vô thức [tiềm thức]. Một lúc sau đó nó mới chuyển lên lên phần ý thức của tâm ta. Ngay cái giây chuyển tiếp là rất quan trọng, bởi vì đó là thời khắc đủ để sự nắm giữ [chấp thủ] xảy ra. Sự nắm giữ xảy ra gần như tức khắc, và nó xảy ra trước trong phần vô thức. Vì vậy, ngay trước khi sự nắm giữ khởi sinh lên đến mức được nhận biết bằng ý thức, chúng ta đã bắt đầu bị dính mắc vào nó. Điều đó cũng là tự nhiên khi chúng ta tiếp tục cái tiến trình đó, càng lúc càng dính mắc vào sự xao lãng khi ta tiếp tục nhìn thấy nó. Lúc này, chúng ta hoàn toàn suy nghĩ về ý nghĩ (xao lãng) đó, chứ không nhìn nó bằng sự chú tâm thuần túy. Trình tự này xảy ra rất nhanh, như một cái chớp. Đây chính là chỗ tạo khó khăn cho chúng ta. Ngay trước khi chúng ta ý thức được một sự xao lãng, thì, theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã dính mắc vào nó rồi.

Ba câu hỏi trên của chúng ta—Nó là gì?. Nó mạnh như thế nào?. Và nó kéo dài bao lâu?—là một giải pháp khôn khéo để trị liệu chứng bệnh xao lãng này. Để trả lời những câu hỏi này, bạn phải xác định được tính chất của sự xao lãng. Để làm được việc đó, chúng ta phải tách ly mình khỏi nó, đứng lùi lại một bước, không đụng vào nó và quan sát nó một cách khách quan. Chúng ta phải ngừng suy nghĩ cái ý nghĩ đó, hay phải ngừng cảm nhận cái cảm giác đó để mà nhìn nó như là một đối tượng để chúng ta dò xét. Chính cái tiến trình này là một bài tập thực hành chánh niệm, là sự tỉnh giác một cách vô tư, không can thiệp, không dính líu vào đối tượng. Điểm tựa của sự xao lãng bị phá vỡ, và sự chánh niệm sẽ mặt và kiểm soát trở lại. Ngay lúc này, chánh niệm chuyển hướng nhẹ nhàng trở lại tiêu điểm chính là hơi thở.

Khi lần đầu thực tập kỹ thuật này, có lẽ bạn phải thực hiện bằng lời. Bạn phải hỏi các câu hỏi bằng lời và trả lời các câu hỏi bằng lời. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó bạn sẽ quen và không cần phải dùng bằng lời để hỏi và trả lời. Khi đã tạo được thói quen của tâm, bạn chỉ đơn giản nhận biết sự xao lãng, đơn giản nhận biết tính chất của sự xao lãng, và đơn giản quay trở lại với hơi thở. Toàn bộ các bước này là một tiến trình không quan niệm, và nó diễn ra rất rất nhanh. (“Không quan niệm” ở đây có nghĩa là ta xem xét đối tượng mà không hề đưa vào bất kỳ một quan niệm, khái niệm hay kiến chấp chủ quan nào của mình. Không dán nhãn hay đặt tên tiến trình đó là gì cả. Chỉ lặng lẽ quan sát nó một cách khách quan). Sự xao lãng có thể là bất cứ thứ gì: một âm thanh, một cảm nhận, một xúc cảm, một ý tưởng tượng, hay bất cứ thứ gì làm bạn xao lãng khỏi sự tập trung. Dù nó là gì, đừng cố đè nén nó. Đừng cố ép đẩy nó ra khỏi tâm trí. Không cần phải làm như vậy. Chỉ cần quan sát nó một cách chánh niệm bằng sự chú tâm hoàn toàn. Xem xét sự xao lãng một cách không-lời, và tự thân nó sẽ biến mất. Lúc đó bạn có ngay sự chú tâm quay trở lại hơi thở một cách dễ dàng. Và không nên tự trách hay bực bội với mình khi bị xao lãng. Những xao lãng luôn xảy ra là lẽ tự nhiên. Chúng cứ đến và đi.

Dù cho chúng ta đã có được những lời khuyên dạy từ những bậc thầy tổ, chúng ta vẫn không khỏi thường tự trách mình khi bị xao lãng. Điều đó cũng là lẽ tự nhiên. Chỉ cần quan sát việc ‘tự trách’ là một sự xao lãng khác, quan sát một cách khách quan và chánh niệm cho đến khi sự ‘tự trách’ đóbiến mất, và rồi chúng ta sẽ quay trở lại hơi thở.

Quan sát trình tự các sự kiện: Thở. Thở. Ý nghĩ xao lãng khởi sinh. Sự bực dọc (tự trách) phát sinh vì bị ý nghĩ xao lãng đó. Ta tự trách mình vì bị xao lãng. Và ta nhận biết (và quan sát) sự tự trách đó. Rồi ta quay trở lại hơi thở. Thở. Thở. Đó đích thực là một vòng hơi thở trôi chảy nhịp nhàng, tự nhiên, nếu bạn thực hiện một cách đúng đắn. Dĩ nhiên, chìa khóa ở đây là sự kiên trì. Nếu bạn học được cách quan sát những xao lãng này một cách khách quan, không can thiệp, không xía gì đến chúng, thì tất cả đều rất dễ dàng. Bạn chỉ cần lướt qua những xao lãng đó, và sự chú tâm của bạn sẽ quay trở lại hơi thở một cách rất dễ dàng.

Dĩ nhiên, một sự xao lãng nào đó có thể khởi sinh trở lại sau ngay sau chốc lát. Nếu vậy, cứ quan sát nó một cách chánh niệm. Nếu bạn đang gặp phải loại ý nghĩ đã hình thành từ lâu, thì sự xao lãng đó sẽ tái hiện hoài, và bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm nó mất đi luôn. Đôi khi phải mất nhiều năm. (Ví dụ như những ý nghĩ cố hữu về tham lam, tranh đấu, tính dục hay mặc cảm tội lỗi...thường xuất hiện, làm xao lãng tâm bạn rất nhiều lần trong một thời gian rất rất lâu trước khi bạn có thể dọn sạch được chúng ra khỏi tâm trí. Những thiền sư bậc chân tu đã làm được việc lớn này). Đừng thất vọng. Đừng chiến đấu với những ý nghĩ làm xao lãng đó. Đừng căng thẳng hay cố ép. Điều đó chỉ làm uổng phí công sức và thời gian mà thôi. Mỗi năng lượng bạn dùng để kháng cự lại ý nghĩ gây xao lãng sẽ bơm vào tổ hợp ý nghĩ đó và làm cho sự xao lãng đó càng mạnh bạo hơn mà thôi. Vì vậy đừng bao giờ cố áp đảo tống khứ những ý nghĩ xao lãng đó ra khỏi tâm trí bạn. Không bao giờ ta làm được, đó là một cuộc chiến không bao giờ ta thắng được!. Chỉ cần quan sát sự xao lãng một cách chánh niệm, và cuối cùng nó sẽ tự biến mất. Điều này nghe có vẻ lạ thường, nhưng đúng thực là khi ta càng chú tâm một cách hoàn toàn [thuần chú tâm] thì những sự xao lãng càng yếu đi. Quan sát chúng đủ lâu, và đủ liên tục, bằng sự chú tâm thuần khiết, thì chúng sẽ phai nhạt và biến mất mãi mãi. Còn nếu ta chiến đấu hay kháng cự với chúng, chúng sẽ càng mạnh hơn. Đứng ngoài quan sát chúng một cách độc lập, chúng sẽ phai biến dần dần.

Chánh niệm có một chức năng giải giới và loại bỏ những xao lãng, giống như cách một chuyên gia về đạn dược tháo gỡ ngòi nổ một trái bom. Những xao lãng yếu thì được tháo gỡ bằng một cái nhìn. Chiếu ánh sáng tỉnh giác vào chúng thì chúng bốc hơi biến mất, không bao giờ trở lại. Còn những ý nghĩ thuộc thói tâm [tập khí] cố hữu lâu ngày thì đòi hỏi chúng ta cần phải có sự chánh niệm thường trực và lập đi lập lại cho đến khi nào nhổ sạch được gốc rễ của chúng mà thôi. Thực ra những xao lãng chỉ là những con cọp giấy. Bản thân chúng chẳng có năng lực gì. Chúng cần được ‘cho ăn’ thường xuyên, hoặc nếu không chúng sẽ chết. Vậy chúng ta đừng cho chúng ăn. Nếu chúng ta từ chối không cho chúng ăn bằng những tham, sân, và sợ hãi của chúng ta, thì chúng sẽ tàn hoại nhanh.

Chánh niệm là phần quan trọng nhất của thiền. Đó là cái chính yếu mà chúng ta cần phải tu tập và tu dưỡng. (Đó là công việc chính của chúng ta). Vì vậy, thực sự không có gì cần thiết phải kháng cự với những xao lãng. Điều quan trọng nhất là chánh niệm về cái đang xảy ra, chứ không phải kiểm soát hay can thiệp vào cái đang xảy ra. Nên nhớ lại, sự tập trung [chánh định] chỉ là một công cụ. Nó là cái thứ cấp, sự chú tâm thuần khiết hoàn toàn [thuần chú tâm] mới là cái chính yếu. Từ cách nhìn của chánh niệm, không có cái gì là sự xao lãng cả. Bất cứ thứ gì khởi sinh lên trong tâm thì nó đơn giản được xem là một cơ hội mới để tu tập sự chánh niệm. Chỉ cần nhớ, hơi thở là một tiêu điểm do ta tùy chọn để làm đối tượng chú tâm chính. Những sự xao lãng được dùng như những đối tượng chú tâm thứ hai. Chúng cũng đích thực là một phần của thực tại, cũng giống như hơi thở vậy. Thật ra, đối tượng chánh niệm của chúng ta là gì thì điều đó không quan trọng. Bạn có thể chánh niệm về hơi thở, hoặc bạn có thể chánh niệm về sự xao lãng. Ta có thể chánh niệm về cái tâm đang tĩnh tại và cái sự chánh định đang mạnh mẽ; hoặc ta có thể chánh niệm về cái sự chánh định đang yếu kém và cái tâm của bạn đang rối tít như con rối. Tất cả là chánh niệm. Cái chính là chánh niệm. Cứ tiếp tục duy trì sự chánh niệm, và sự chánh định sẽ ổn định theo.

Mục đích của thiền không phải chỉ là tập trung tâm vào hơi thở một cách không gián đoạn và mãi mãi. Tự bản thân mục tiêu đó là một việc vô ích. Mục đích của thiền không phải để đạt được sự tĩnh lặng và tĩnh tại của những tầng thiền định cao siêu. Mặc dù những tầng thiền định \jhana\ là một trạng thái huyền vi đầy hỷ lạc của tâm, nhưng bản thân nó không dẫn ta đến sự giải thoát hoàn toàn. (Sự giải thoát là mục tiêu của con đường đạo Phật, và vì vậy cũng là mục đích của thiền). Mục đích của thiền là đạt được sự chánh niệm thường trực và không gián đoạn. Chánh niệm, và chỉ có sự chánh niệm, mới tạo ra sự giác ngộ và giải thoát.

Những sự xao lãng xuất hiện bằng nhiều dạng, lớn nhỏ, mùi vị khác nhau. Triết học Phật giáo đã phân chúng thành nhiều dạng. Một trong những dạng đó là dạng những “chướng ngại" [HV: triền cái]. Chúng được gọi là những chướng ngại bởi vì chúng làm cản trở việc phát triển hai thành phần cốt lõi của thiền, đó là chánh niệm và chánh định. Nên cẩn thận hơn với thuật ngữ này. Chữ “chướng ngại" mang một ý nghĩa tiêu cực, và đúng vậy, đó là những trạng thái tâm “xấu" mà chúng ta muốn xóa sổ tận gốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải trấn áp, tránh bỏ, hay cay cú kết tội chúng.

Hãy lấy tham lam làm ví dụ. Chúng ta tu tập và không muốn kéo dài bất kỳ trạng thái tham lam khởi sinh nào, bởi vì còn tham lam thì chúng ta càng thêm bị trói buộc, bị phiền não và khổ. Điều đó không có nghĩa chúng ta phải cố tống khứ ý nghĩ tham đó ra khỏi tâm trí của ta mỗi khi nó xuất hiện. Chúng ta chỉ đơn giản là khước từ và không ủng hộ sự có mặt của nó mà thôi. Ta cứ để nó đến, và cứ để nó đi.

Ta quan sát nó bằng sự chú tâm thuần túy và không đánh giá hay định kiến gì về nó đang khởi sinh. Toàn bộ hoạt động của tính tham từ đầu đến cuối chỉ cần được quan sát theo cách này. Chúng ta không giúp nó, cũng không cản trở nó, cũng không can thiệp vào nó một chút nào hết. Nó cứ có mặt bao lâu tùy nó. Và chúng ta biết về nó càng nhiều càng tốt khi nó còn ở đó. Ta cứ quan sát tham diễn ra như thế nào. Ta quan sát nó phiền não ta như thế nào, và nó làm khổ não người khác như thế nào. Ta nhận biết cách nó làm cho chúng ta cứ mãi mãi thấy thiếu thốn, thèm khát, mãi mãi bất toại nguyện. Mãi mãi tham khát mà không được toại nguyện. Từ kinh nghiệm đầu tay này, chúng ta xác minh rằng tham muốn là con đường bất thiện cho cuộc sống của chúng ta. Điều này không phải là lý thuyết, mà là sự chứng ngộ thật sự.

Tất cả những chướng ngại [Tham dục, sân hận, buồn ngủ, bất an, nghi ngờ] đều được xử lý theo một cách như nhau. Bây giờ chúng ta hãy xem xét qua từng cái một.

• Tham Dục:

Giả sử rằng bạn đã từng bị xao lãng bởi vài kinh nghiệm rất dễ thương trong khi ngồi thiền. Có thể là một tưởng tượng thú vị, hay một ý nghĩ về sự tự hào. Có thể đó là một cảm giác về lòng tự trọng. Có thể đó là ý nghĩ về yêu thương, hay thậm chí là một cảm nhận hỷ lạc về thân xác do quá trình thiền mang lại. Cho dù nó là gì đi nữa, cái theo sau đó là trạng thái của lòng tham muốn - tham muốn có được những cái mình đã nghĩ tưởng, hay tham muốn kéo dài những kinh nghiệm dễ chịu mà mình đang có. Cho dù bản chất của nó là gì đi nữa, bạn nên xử lý nó theo cách thức sau đây:

Nhận biết ý nghĩ hay cảm giác đó ngay khi nó khởi sinh. Nhận biết được trạng thái tham muốn theo nó như là một đối tượng riêng biệt. Nhận biết được chính xác tầm mức của sự tham muốn đó. Rồi sau đó nhận biết nó kéo dài bao lâu và khi nào nó biến mất. Sau khi bạn làm xong các bước như vậy, bạn quay lại chú tâm vào hơi thở.

• Sân Giận hay Ác Ý:

Giả sự bạn đã từng bị xao lãng bởi vài kinh nghiệm tiêu cực. Đó có thể là cái gì đó mà bạn sợ hay lo ngại ít nhiều. Có thể đó là tội lỗi, nỗi sầu muộn hay đau khổ. Cho dù bản chất của ý nghĩ hay cảm giác đó là gì, bạn luôn cảm thấy muốn chối từ nó hay trấn áp nó - như kiểu tránh né nó, kháng cự với nó, không nhận nó. Cách xử lý ở đây thì về cơ bản cũng tương tự như trên. Hãy đánh giá tầm mức của sự chối từ hay kháng cự đó. Nhìn xem nó kéo dài bao lâu và đến khi nào nó phai biến mất. Sau đó thì hướng sự chú tâm về lại hơi thở.

• Buồn Ngủ và Đờ Đẫn [Hôn Trầm]:

Hôn trầm có nhiều cấp độ và cường độ khác nhau, từ trạng thái buồn ngủ nhẹ cho đến trạng thái hoàn toàn hôn mê. Chúng ta đang nói về trạng thái của tâm chứ không phải của cơ thể. Sự buồn ngủ hay mệt mỏi về thể xác là cái hoàn toàn khác và, theo cách phân loại của ngành Phật học, nó được phân vào nhóm cảm giác cơ thể. Còn sự buồn ngủ [đờ đẫn] của tâm là rất giống cách của sự ác cảm nói trên, nó cũng là một cách tiểu xảo của tâm khi muốn tránh né những thứ không ưa thích. Đờ đẫn [hôn trầm] là một kiểu tắt nguồn những bộ phận của tâm, sự làm lu mờ sự tỉnh giác và làm u mê những sự nhạy cảm của tâm. Đó là sự ngu mờ như khi đang ngủ vậy.

Tình trạng này là vấn đề có thể khó xử lý, bởi vì sự có mặt của nó là ngược hẳn với chánh niệm. Buồn ngủ và đờ đẫn [hôn trầm] là ngược lại với chánh niệm tỉnh thức. Tuy nhiên, chính sự chánh niệm cũng là cách trị liệu cho chướng ngại này, và cách xử lý vấn đề cũng tương tự như vậy. Nhận biết trạng thái buồn ngủ ngay khi nó khởi sinh, và nhận biết tầm mức của nó. Nhận biết khi nó khởi sinh, nó kéo dài bao lâu, và khi nào nó biến mất. Cần lưu ý đặc biệt khi xử lý chướng ngại buồn ngủ này, đó là phải nhận biết nó thật sớm. Và tùy theo mức độ nặng nhẹ của nó, bạn phải áp dụng ngay liều lượng nhiều ít sự tỉnh giác thuần khiết. Tỉnh giác chuyên chú vào nó ngay. Nếu bạn để nó phát sinh, nó sẽ tăng trưởng đến mức vượt qua sức chánh niệm của bạn. Và khi sự buồn ngủ thắng bạn, thì kết quả là tâm bạn trở thành cái tâm chìm đắm hay hôn trầm.

• Sự Bất An hay Kích Động:

Những trạng thái bất an và lo lắng là sự biểu hiện của sự kích động về tinh thần. Tâm bạn cứ bồn chồn phóng dật, không chịu trụ yên vào chỗ nào. Bạn có thể cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn về những vấn đề giống hệt nhau. Một cảm giác không yên ổn đang là một phần ngự trị trong tâm. Tâm không chịu an trụ vào đâu cả. Nó nhảy cốc liên tục. Cách trị liệu chướng ngại này cũng theo trình tự tương tự như trên. Sự bất an truyền một số tín hiệu đến tâm thức. Ta có thể gọi đó là một mùi vị hay một kết cấu nào đó. Dù bạn có gọi nó là gì, thì cái cảm giác bất an và không-yên-trụ đó vẫn có mặt ở đó như là một tính chất không thể định nghĩa được. (Nó là một cái gì đó ta không xác định rõ được). Hãy cố tìm ra nó. Khi bạn đã xác định được nó, bạn cần nhận biết tầm mức nó hiện diện là bao nhiêu. Nhận biết khi nó khởi sinh. Quan sát nó kéo dài bao lâu, và nhìn xem đến khi nó phai biến. Sau khi làm các bước đó, kéo sự chú tâm trở lại hơi thở.

• Nghi Ngờ:

Sự nghi ngờ thì mang cảm giác riêng biệt trong phần ý thức của tâm. Kinh điển Pali diễn tả cảm giác này một cách rất hay. Ví như cảm giác một người đi lạc vào sa mạc và gặp một ngã tư đường không có bảng chỉ dẫn. Nên đi đường nào?. Chẳng có manh mối hay dấu hiệu nào chỉ dẫn. Người ấy chỉ đứng đó do dự vì hướng nào cũng không chắc.

Một trong những trạng thái nghi ngờ xảy ra trong khi thiền đó là sự đối thoại trong tâm mình, theo kiểu như là: ""Mình cứ ngồi đây như vầy để làm gì? Ngồi như vầy có được gì không? Àh! Chắc chắn là được. Việc này tốt đẹp cho mình. Kinh sách nói vậy mà. Không, làm vậy là điên rồ. Chỉ lãng phí thời gian vô ích. Không, mình không từ bỏ đâu. Mình đã nói là làm mà, và tôi vẫn đang thiền. Hay mình quá cứng đầu? Tôi chẳng biết nữa. Tôi chẳng biết ra sao". Đừng để mình bị dính vào cái bẫy này. Nó chỉ là một trong những chướng ngại mà thôi. Nó chỉ là một màn khói hỏa mù cố ngăn che không cho bạn làm một việc quan trọng nhất trong đời người, đó là: việc tỉnh giác thực sự để nhìn thấy đúng những gì đang thực sự diễn ra. Để xử lý tâm trạng nghi ngờ, đơn giản là chú tâm vào nó như là một đối tượng để dò xét. Đừng bị dính bẫy vào nó. Lùi lại và nhìn nó. Xem nó mạnh đến mức độ nào. Nhìn xem nó xuất hiện và kéo dài trong bao lâu. Rồi nhìn xem đến khi nó biến mất. Và ta chú tâm trở lại hơi thở là đối tượng chú tâm chính của mình.

— Trên đây là công thức chung để bạn xử lý mỗi sự xao lãng khi nó khởi sinh trong khi đang ngồi thiền. Khi nói về sự xao lãng, chúng ta nói về bất kỳ trạng thái tâm nào khởi sinh làm cản trở tiến trình chú tâm chánh niệm khi chúng ta ngồi thiền. Một số dạng xao lãng là rất tinh vi. Cũng có ích khi chúng ta đưa ra một số ví dụ. Những trạng thái tâm tiêu cực và gây xao lãng mà chúng ta dễ dàng chỉ ra là: sự không an toàn, bất an, sợ hãi, giận dữ, trầm uất, kích động, và bực tức.

Dục vọng và tham muốn thì khó chỉ ra hơn, bởi vì chúng nằm sâu hay núp bóng trong những bản chất được người đời cho là đức hạnh hay thánh thiện. Bạn có thể nếm trải niềm tham muốn được hoàn thiện bản thân. Bạn có thể cảm giác niềm dục vọng muốn có được thêm nhiều đức hạnh. (Đôi khi, dục vọng muốn hiểu biết được nhiều giáo pháp hơn bạn tu và người khác thì cũng là một thứ dục vọng tham muốn [pháp dục]). Bạn thậm chí càng tham muốn kéo dài những trạng thái hỷ lạc [tầng thiền định jhanâ] do việc thiền định tạo ra. Rất khó mà buông bỏ niềm hỷ lạc hiếm hoi và đáng quý đó. Nhưng dù có là cao quý hay hiếm có thì cuối cùng nó cũng chỉ là tăng thêm tham muốn dục vọng mà thôi. Nó là dục vọng được thỏa mãn và chỉ là một cách khôn khéo để né tránh cái thực tại ngay trong giây phút hiện tại mà thôi.
(Nhiều người và nhiều phái thiền thực hành thiền để mong cầu đạt được những niềm an tĩnh và hỷ lạc [tầng thiền định] để tránh khỏi cái thực tại hiện thực của cuộc sống. Nhưng đó chỉ là một dục vọng mưu cầu được thoát ly và hưởng lạc, chứ sự thực hành đó không thực sự dẫn đến giác ngộ hay sự giải thoát khỏi khổ đau (dukkha) vốn bắt nguồn dục vọng. Theo con đường đạo Phật đúng đắn thì thiền định cần phải được tu tập để đạt đến những mức độ chánh định cần thiết, và chánh định là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự thực hành chánh niệm để nhìn thấy bản chất đích thực của sự sống, và làm phát sinh trí tuệ để giác ngộ và giải thoát.)

Tinh vi và khó nhận dạng nhất là những trạng thái tâm thực sự là tích cực cứ len lén khởi sinh khi chúng ta đang thiền. (Tâm tích cực là tốt, nhưng nó vẫn là sự xao lãng đối với thiền). Ví dụ, đó là những trạng thái như: hạnh phúc, bình an, vui lòng, mãn nguyện, cảm thông, nhân từ, bi mẫn, lòng trắc ẩn dành cho những chúng sinh khác. Những trạng thái tâm này thật là đẹp đẽ và cao thượng, ngọt ngào và nhân ái đến nỗi bạn khó mà muốn tách xa khỏi chúng. Nếu ta cố tách khỏi những tâm trạng đó, ta cảm giác như mình quá xấu xa, phụ phản với với đồng loại của mình vậy. Không cần thiết phải cảm giác như vậy. Ở đây chúng tôi không cố gắng dạy các bạn phải từ chối những trạng thái tâm tốt đẹp đó và trở thành những người máy vô tri, vô cảm. Chúng tôi chỉ khuyên dạy bạn nên nhìn xem chúng như chúng là. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm. Chúng đến và đi. Chúng khởi sinh rồi biến diệt. Khi chúng ta càng thiền lâu ngày, thì chúng càng xuất hiện thường xuyên hơn. Vấn đề là không nên để dính mắc vào chúng. Chỉ cần quan sát từng trạng thái khi nó khởi sinh. Xem nó là gì, mức độ mạnh nhẹ của nó như thế nào và nó kéo dài bao lâu. Sau đó nhìn xem đến khi nó sẽ tự biến mất. Tất cả nó chỉ là một màn diễn thoáng qua trong thế giới tâm của ta, nó giống như một ô ảnh trong một cuộn phim ảnh lướt qua khi chiếu phim.

Cũng như khi tiến trình hơi thở diễn ra, những trạng thái tâm cũng diễn ra theo trình tự đến đi như vậy. Mỗi hơi thở đều có lúc bắt đầu (sinh), lúc giữa (chuyển động, tăng trưởng) và lúc kết thúc (diệt). Mỗi trạng thái tâm cũng có đủ các giai đoạn sinh, trưởng và hoại diệt. Bạn phải cố gắng nhìn thấy rõ từng giai đoạn này, mặc dù việc này không phải dễ làm (vì mỗi chặng xảy ra quá nhanh). Như chúng ta đã biết trước đây, mỗi ý nghĩ hay cảm nhận đều phát sinh trước bên dưới vùng vô thức của tâm, và chỉ sau này nó mới “trồi” lên vùng ý thức của tâm. Thông thường, chúng ta chỉ ý thức (biết) được những thứ đó sau khi chúng đã khởi sinh lên vùng ý thức của tâm và đã có mặt ở đó ít lâu. Thật vậy, chúng ta chỉ ý thức hay nhận biết được những sự xao lãng khi chúng đã gần như mất gốc, không còn tác động đến ta nữa và đang trên đường biến đi. Ngay cái thời khắc đó, ta mới chợt nhận ra rằng ta chỉ đã đang ở đâu đâu, đang mơ tưởng, đang tưởng tượng, hay đang làm gì đó. Vì sao?. Vì rõ ràng lúc ta nhận biết sự xao lãng thì đã quá trễ. (Ta không "canh" được sự xao lãng ngay khi nó bắt đầu phát sinh từ dưới tầng vô thức). Hiện tượng này giống như ta chỉ còn cố bắt con sư tử đang phóng đi bằng cách chụp theo cái đuôi của nó. Và đó là một cách làm không khôn khéo và không khả thi. Giống như khi đối diện với con thú dữ, chúng ta phải tiếp cận ngay với những trạng thái tâm khi chúng vừa manh nha phát sinh. Một cách kiên nhẫn, chúng ta sẽ học cách nhận ra chúng ngay chúng từ khi chúng manh nha phát sinh lên từ dưới những lớp sâu kín hơn của tâm thức.

Bởi vì những trạng thái tâm khởi sinh trước tiên trong phần vô thức, cho nên nếu muốn nắm bắt sự khởi sinh của một trạng thái tâm thì ta phải mở rộng sự chú tâm xuống tận vùng vô thức. Điều đó là khó làm, bởi vì ta thường chẳng nhìn thấy cái gì đang diễn ra ở dưới đó. Chí ít thì chúng ta không thể nào nhìn thấy được nó rõ ràng trong vùng vô thức giống như kiểu chúng ta có thể nhận biết rõ ràng được một ý nghĩ trên vùng ý thức. Không thể nhìn thấy nó rõ ràng, nhưng bạn có thể học tập cách cảm nhận sự chuyển động của nó một cách mờ mờ, chung chung, nhờ vào sự cảm nhận thông qua tiếp xúc. (Giống như cách một người mò tay xuống vũng nước bùn, dùng cảm nhận tiếp súc để cảm nhận ra con cá đang chuyển động, chứ không chờ đến khi nó trồi lên bờ, mới nhận diện được nó là con cá gì). Điều này cần phải có sự luyện tập, và năng lực chánh định thâm sâu. Sự định sâu sẽ làm chậm lại sự khởi sinh của những trạng thái tâm và cho bạn thêm thời gian để cảm nhận mỗi trạng thái khởi sinh lên từ vùng vô thức sớm/trước hơn lúc bạn có thể nhận thấy chúng trên phần ý thức. Sự định tâm sâu giúp bạn mở rộng sự tỉnh giác thấy biết xuống tận vùng tối của vô thức, nơi mà các ý nghĩ và cảm giác [những sự xao lãng] bắt đầu phát sinh. (Đây là vai trò quan trọng của thiền định và khả năng chánh định).

Khi chánh định càng sâu, bạn càng có khả năng nhìn thấy những ý nghĩ và cảm nhận khởi sinh một cách chậm chạp, giống như những bong bóng riêng biệt, mỗi cái riêng biệt và tách rời nhau. Chúng như những bong bóng nổi lên một cách chậm chạp từ dưới vô thức. Chúng sẽ ở lại một lúc ít lâu trong vùng ý thức, và sau đó thì trôi đi mất. Giống như bong bóng nước mưa vậy, nổi lên và trôi chậm trên mặt nước một chốc, rồi vỡ tan, biến mất. Giống như vậy.

Việc áp dụng sự tỉnh giác vào những trạng thái tâm đó là một sự giải phẫu chính xác. Đây chính là những cảm giác và cảm thụ đích thực. Chúng ta thường dễ bị đi quá xa hơn cảm giác. Tức là hay thêm đệm nhiều hơn, nhiều hơn cái cảm giác đích thực như-nó-là. Tương tự, chúng ta cũng dễ bị cảm nhận không đủ hết cái cảm giác đích thực, chỉ cảm nhận được một phần ít hơn của nó. (Lúc thì quá hơn, lúc ít hơn thì không chính xác). Cách lý tưởng là ta phải cố trải nghiệm mỗi trạng thái tâm đó một cách đầy đủ, tròn vẹn, đúng thực như-nó-là, không thêm vào hay bỏ sót phần nào của nó.

Chúng ta lấy ví dụ cảm giác đau nhức ở chân. Cái thật sự diễn ra ở đó chỉ thuần túy là một cảm giác đang chạy qua. Nó thay đổi liên tục, không bao giờ là giống nhau trong hai khoảng khắc liên tục. (Theo kiểu dòng chảy. Nước tại một chỗ không bao giờ là giống nhau trong hai khoảng khắc liên tục. Sự sống, hiện tượng và bất kỳ cảm giác cũng diễn ra như kiểu như vậy: đến đi, chảy qua). Cái đau đó di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, và mức độ luôn tăng giảm lên xuống. Sự đau không phải là một cái gì hay một sự vật. Nó là một sự kiện. Vì vậy, không nên dán những khái niệm vào nó hay thứ gì không liên quan đến nó. Chỉ cần có sự tỉnh giác thuần túy và không bị cản trở, thì ta có thể trải nghiệm nó một cách đơn giản như là một dòng năng lượng trôi chảy qua mà thôi; sự cảm giác vốn chỉ là như vậy, không hơn. Không suy nghĩ, không kháng cự. Nó chỉ là một năng lượng.

Vào lúc bắt đầu tập thiền, chúng ta cần suy xét lại những giả định mang tính quan niệm hay khái niệm hóa. (Thường thì chúng ta luôn khái niệm hóa mọi sự theo kiến thức và thói quen của chúng ta, rồi mới mô tả hay suy xét về nó). Hầu hết chúng ta đã học từ sách vở và cuộc sống để có khả năng xử lý các hiện tượng tâm trí - những khái niệm - theo lý lẽ lô-gíc. (Tất cả mọi sự, từ môn học, kỹ năng đến ngôn ngữ, nhận định...trong đời sống đều dùng hàng triệu, hàng tỷ những khái niệm. Và những người học hành nhiều, có trình độ học vấn cao thì chỉ là những người giỏi nhận định mọi sự vật thông qua biển khái niệm đó. Tất cả mọi diễn đạt và lý lẽ đều bao gồm toàn những ‘khái niệm’ mà con người đặt ra). Ngay cả sự nghiệp của chúng ta, những thành đạt hàng ngày của chúng ta, những quan hệ hạnh phúc của chúng ta...thì cũng là kết quả của những sự xử lý các ‘khái niệm’ hợp theo với ý muốn của ta.
(Điều này nghe có vẻ khó hiểu. Nhưng nên nhớ tất cả những gì chúng ta nghĩ, nói, suy luận, diễn tả...trong đời sống hàng ngày chỉ là dựa vào những ‘khái niệm’ mà con người và văn minh ở mỗi xứ sở khác nhau đặt ra và giáo dục lẫn nhau. Bản thân những quan niệm (hay ngôn từ) của mỗi xứ, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền...cũng đã khác nhau. Chẳng có ‘khái niệm’ và ‘quan niệm’ nào có thể là chân lý hay sự thật tuyệt đối hết. Chúng ta đều đã và đang nhìn và xử lý thông tin mọi sự vật hiện tượng bằng đôi mắt trần tục và những ‘khái niệm quy ước’ do kiến thức văn minh con người đặt ra. Chúng ta gọi hạnh phúc và đâu khổ cũng bằng những khái niệm và ngôn từ và quy ước và ý tưởng của chúng ta về hai ‘vấn đề’ đó mà thôi!).
Nhưng khi thiền chúng ta tìm cách trải nghiệm cái tâm trước-khái-niệm, tức là cái tâm thức chưa bị chi phối bởi những khái niệm và quan niệm...của chúng ta.

Quay trở lại ví dụ cái đau ở chân. Tâm của chúng ta khái niệm hóa cái sự diễn ra ở chân đó là một sự đau đớn. Bạn thấy rằng mình luôn nghĩ ngay đến nó là một ‘đau đớn’. Đó là một khái niệm. Nó là một cái nhãn tên mà chúng ta dán lên cái cảm nhận đó. Bạn thấy mình tự dựng lên một tâm ảnh, một bức ảnh về sự đau đớn, nhìn xem nó như một dạng hình tướng hẳn hoi. Thêm nữa, bạn có thể nhìn ra một biểu đồ cái chân với chỗ đau được tô màu rõ rệt. Rất sáng tạo và thú vị, nhưng điều đó không phải cái ta thật sự muốn có. Đó chỉ là những khái niệm dán nhãn lên thực tại của sự sống. Chắc hẳn bạn cũng sẽ thấy mình nghĩ: “Tôi đang bị đau chân”. Ngay chữ 'Tôi' cũng là một khái niệm. Đó chỉ là gắn thêm một ‘khái niệm’ nữa vào cái cảm nhận thuần túy ban đầu ở chân mà thôi. (Nếu xét theo cách nhìn vô ngã của Phật giáo, thì ‘tôi’ cũng chỉ là một khái niệm giả danh và tưởng tượng).

Khi ta đưa khái niệm 'Tôi' vào tiến trình này, bạn đã tạo thêm một khoảng cách mang tính khái niệm giữa hiện thực và sự tỉnh giác của ta vào hiện thực đó. Những ý nghĩ như 'Tôi', 'của tôi' hay 'thứ của tôi' là không có chỗ đứng trong sự tỉnh giác trực tiếp. Chúng là những phụ kiện không liên quan, và chỉ là những kẻ ngấm ngầm giả danh ở đó. Khi bạn đưa cái 'Tôi' vào bức tranh, bạn ghép mình với cái đau đó. Điều đó chỉ càng thêm nhấn mạnh vào cái đau đó. Nếu bạn lấy cái 'Tôi' đó ra ngoài, thì cái đau không còn đau đớn nữa. Đơn giản nó chỉ là một dòng năng lượng thuần túy đang dâng lên. Thậm chí đó là một hiện tượng ngoạn mục nữa!. Nếu bạn thấy cái 'Tôi' tự nó ngấm ngầm vào sự trải nghiệm của bạn về cái đau hoặc vào những cảm nhận khác... thì bạn chỉ cần quan sát nó một cách chánh niệm. Chỉ cần chú tâm hoàn toàn vào hiện tượng ghép cái 'Tôi' của mình vào cái đau, như vậy.

Nhưng ý tưởng chung ở đây là rất đơn giản. Chúng ta muốn thực sự thấy từng cảm giác, dù đó là đau đớn, sung sướng, hay chán chường. Chúng ta muốn trải nghiệm cảm giác đó một cách trọn vẹn theo đúng với hình tướng tự nhiên và nguyên chất của nó, chưa bị làm sai giả và chưa bị pha tạp. Chỉ có một cách để làm được điều đó. Sự “canh giờ” của ta cần phải chính xác - phải đúng lúc!. Sự chú tâm vào mỗi cảm giác phải vào đúng ngay lúc nó bắt đầu khởi sinh. Nếu ta ‘bắt’ nó trễ một chút, thì ta sẽ trượt mất khúc đầu của nó. Ta không trải nghiệm được nó một cách trọn vẹn. Nếu ta ‘bắt’ ngang vào một cảm giác đã trôi qua chỉ còn lại ký ức, thì bản thân cảm giác đó cũng đã là quá khứ. Và nếu ta cứ neo vào cái ký ức đó, thì ta lại bị lỡ mất sự khởi sinh của cảm giác tiếp theo. Đó là một thao tác vô cùng tinh tế. Chúng ta phải lướt đi trên hành trình của những khoảng khắc hiện tại [“tại đây ngay trong hiện tại”], đón nhận và buông thả mọi cảm giác vào đúng giây khắc hiện tại của nó, không chậm hơn, không sớm hơn một chút nào. Đó là một sự tiếp xúc rất nhẹ. (Chỉ bằng một âm tiết trong chữ ‘tính-tinh’). Mối liên hệ của ta với cảm giác không nên thuộc về quá khứ hay tương lai, trước hay sau, trong bất kỳ mảy may nào. Nó phải là ngay-khắc-hiện-tại.

Con người luôn tìm cách khái niệm hóa mọi hiện tượng, và phát triển một kho tàng máy chủ [như máy vi tính] chứa đựng những cách thức khôn ngoan để mà thực hiện liên tục cái việc khái niệm hóa đó. Mỗi cảm giác hay cảm nhận đơn giản cũng kích hoạt ra một ý nghĩ khái niệm. Nếu bạn không sửa, thì tâm luôn luôn ‘nghĩ’ theo khái niệm như vậy. Lấy ví dụ về sự nghe. Bạn đang ngồi thiền và nghe ai đó ở phòng bên cạnh làm rớt một cái dĩa. Âm thanh vang đến tai. Ngay lập tức bạn ‘thấy’ ra ngay bức hình về cái phòng bên kia. Bạn cũng có thể ‘hình dung’ luôn cái người đang đứng làm rớt cái dĩa. Nếu đây là chỗ quen thuộc, ví dụ nhà mình, thì chắc bạn sẽ có (hình dung) được một khúc phim ba-chiều quay lại ai đang làm rớt dĩa, và cái dĩa nào bị rơi. Ngay lập tức, toàn bộ quá trình này tự nó thể hiện lên trên phần ý thức của tâm một cách nhanh chóng. Nó vừa mới nhảy ra khỏi phần vô thức, còn sáng tỏ và rõ ràng và mạnh mẽ, đẩy lùi những thứ khác ra khỏi tâm thức. Còn cái cảm nhận nguyên thủy lúc đầu về âm thanh thì sao, đó là cảm giác thuần túy mà?. Cảm nhận đó bị lạc mất, bị cuốn đi và quên lãng ở đâu đó. Chúng ta bị lạc mất thực tại. Chúng ta đã đi lạc vào một thế giới tưởng tượng.

Còn đây là một ví dụ khác: Khi bạn ngồi thiền và một âm thanh vang đến tai bạn. Đó chỉ là một tiếng âm thanh nào đó không phân biệt được, như một tiếng lào xào nào đó; hay có thể là bất kỳ tiếng gì. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Ta thường tự hỏi: "Cái gì vậy? Ai làm vậy? Tiếng đó đến từ đâu? Từ bao xa? Có nguy hiểm không?". Và bạn cứ tiếp tục tự hỏi nhiều lần, nhưng không có câu trả lời nào ngoài sự phỏng đoán tưởng tượng của bạn.

Quá trình nhận biết hay tư duy bằng khái niệm [khái niệm hóa] là rất lọc lõi, tinh vi, ngấm ngầm. Nó len lỏi vào trong kinh nghiệm của ta, và nó dễ dàng làm chủ. Khi đã biết vậy, thì bạn nên đổi cách nhìn và cách tư duy. Chẳng hạn khi bạn nghe một âm thanh nào đó khi ngồi thiền, bạn chỉ cần thuần chú tâm vào cái sự nghe đó mà thôi. Chỉ chú tâm vào sự nghe đó; và chỉ chú tâm vào nó mà thôi. Điều xảy ra (như âm thanh, trong ví dụ này) thì luôn luôn rất đơn giản. Đơn giản đến nỗi chúng ta thường hay bỏ qua và bỏ sót nó hoàn toàn. Sóng âm thanh truyền đến tai bạn theo một quy trình nào đó. Những sóng đó được chuyển dịch thành những xung điện trong bộ não; và những xung điện này truyền quy trình âm thanh lên phần ý thức. Chỉ có vậy. Không hình ảnh. Không phim ảnh trong tâm. Không khái niệm. Không có tự vấn hay đối thoại trong đầu. Đó chỉ là tiếng ồn. Thực tại thì đơn sơ, đơn giản một cách dễ thương, không màu mè, son phấn. Khi nào nghe thấy một âm thanh, hãy cứ chánh niệm vào sự nghe đó. Mọi thứ khác chỉ là ‘tiếng nói’ thêm vào, chỉ là những phụ kiện không liên quan. Bỏ lơ chúng đi.

Cách làm [thủ thuật] này cũng nên được áp dụng đối với từng cảm nhận, từng xúc cảm, từng trải nghiệm mà bạn có thể gặp phải (ví dụ như những sự xao lãng). Hãy nhìn kỹ vào trải nghiệm của mình. Đào sâu qua những lớp tập khí cũ kỹ lâu ngày của tâm ta, để nhìn thấy được đích thực cái gì nằm ở đó. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy cái “thực” đó đơn giản, và kỳ diệu như thế nào. Cái thực bao giờ cũng đơn giản. (Còn khái niệm hay nhận định của con người chỉ là hình ảnh chủ quan về cái thực tại khách quan đúng-như-nó-là).

Cũng có lúc nhiều cảm giác (gây xao lãng) cùng khởi sinh một lúc. Đôi khi trong một ngày không đẹp trời, bạn có thể cùng lúc có ý nghĩ sợ sệt, một cái co thắt bao tử, và một sự đau thắt lưng và một sự ngứa ở dái tai bên trái. Tất cả đều phát sinh cùng một lúc. Trong trường hợp này thiền sinh nên xử lý thế nào?. Bạn đừng có ngồi yên đó và bó tay. Đừng có quay tới quay lui trong ý nghĩ và không biết chọn cái nào để xử lý trước. Chắc chắn sẽ có một trong những cảm giác nào đó là mạnh mẽ nhất. Bạn chỉ cần mở tâm chú ý thì hiện tượng nào nổi bật nhất và mạnh mẽ nhất trong số đó sẽ kích thích mạnh hơn và đòi hỏi sự chú tâm chú ý của bạn ngay. (Đó là lẽ tự nhiên). Rồi bạn hãy chú tâm về cảm giác đó trước, cho đến khi nó tự biến mất. Sau đó thì quay lại chú tâm vào hơi thở. Nếu những cảm giác khác còn xen vào thì cứ để nó xen vào. Và tiếp tục chú tâm chánh niệm nó đến khi nó tự biến mất. Rồi sau đó lại quay lại chú tâm vào hơi thở.

Nhưng thủ thuật này không nên bị lạm dụng quá xa ngoài sự cần thiết. Trong môn thiền, chúng ta không cần phải đi tìm đối tượng thiền để mà tập chánh niệm. Ta đã có sẵn đối tượng chính yếu để chú tâm chánh niệm: đó là hơi thở. Phải luôn giữ sự chánh niệm của mình vào hơi thở; chỉ đến khi nào có thứ gì phát sinh lôi kéo và làm xao lãng sự chú tâm của mình, thì ngay lúc đó ta mới chuyển sự chú tâm sang sự xao lãng đó (như một đối tượng chú tâm tạm thời). Khi bạn cảm nhận thứ gì khởi sinh, đừng kháng cự hay chống đối lại nó. Hãy để sự chú tâm của mình lướt nhẹ sang sự xao lãng đó, và chú tâm chánh niệm vào nó cho đến khi nó tự biến mất. Sau đó ta quay lại chú tâm vào hơi thở. Đừng có tìm kiếm những cảm giác thân hay tâm nào khác. Chỉ lập tức quay trở lại hơi thở. Cái gì (sự xao lãng nào) đến thì tự nó sẽ đến, không cần tìm kiếm nó. (Khi nó xuất hiện, chúng ta lại áp dụng kỹ thuật tương tự).

Cũng có nhiều lúc tâm bạn sẽ bị trôi giạt rất xa, không phải chỉ là bị xao lãng thông thường. Thậm chí sau một hồi lâu ngồi thiền, bạn bỗng giựt mình, và nhận ra mình đã đang trôi xa và lạc hướng tự lúc nào. Lúc này bạn cũng đừng thất vọng. Chỉ cần nhận biết là mình đã bị trôi giạt mất hướng trong một khoảng thời gian bao lâu. (Dùng kỹ thuật phỏng đoán thời gian như đã nói trước đây ở Chương 11). Nhận biết khoảng thời gian bị xao lãng đó, và sau đó quay lại chú tâm vào hơi thở. Không cần phải dùng một phản ứng tiêu cực nào cả. Như đã nói, mỗi lần nhận biết được ta đang bị xao lãng hay lạc hướng thì đó là một hành động tỉnh giác tích cực và chủ động. Và tự bản thân cái hành động [nhận biết và tỉnh giác] đó cũng chính là sự thực tập sự chánh niệm thuần túy.

Chánh niệm phát triển nhờ vào việc thực tập chánh niệm. Nó cũng giống như tập cơ bắp vậy, bạn phải tập nhiều thì cơ bắp mới phát triển chắc chắn. Mỗi lần bạn tập, bạn giúp cơ bắp nở nang thêm một chút. Bạn trở nên khỏe khoắn hơn một chút. Sự thật là nếu bạn mỗi ngày cảm thấy mình tỉnh giác hơn, thì có nghĩa là năng lực chánh niệm của bạn đã được tiến bộ hơn. Có nghĩa là bạn đã thành công, bạn đã “chứng đắc” hơn ít nhiều. Vậy thì bạn sẽ tiếp tục thực tập sự chú tâm chánh niệm vào hơi thở mà không có gì phải hối tiếc. Tuy nhiên, có lúc sự hối tiếc có xảy ra, nhưng nó chỉ là một phản xạ có điều kiện, và nó có thể xuất hiện - như là một thói tâm hay tập khí khác. Nếu mà bạn cảm thấy chán nản, thất vọng, hay tự trách oán mình, bạn chỉ cần cố ngồi quan sát mỗi cảm giác đó bằng một sự chú tâm thuần khiết hoàn toàn. Hãy chú tâm vào nó và nhìn xem nó phai biến. Xong rồi, quay lại chú tâm vào hơi thở.

Những nguyên tắc mà chúng ta vừa thảo luận đều có thể và nên được áp dụng cho tất cả những trạng thái tâm xao lãng khác. Bạn có thể cảm thấy đây là kiểu quy tắc cứng nhắc hay bắt buộc. Thật vậy, đây là một công việc khó khăn nhất mà bạn từng đảm nhận. Rồi bạn sẽ thấy mình sẵn sàng áp dụng quy tắc này vào một số trải nghiệm của mình. Nhưng cũng có những lúc bạn cũng cảm thấy không thích sử dụng quy tắc này vào những trường hợp khác. (Điều đó cũng là lẽ tự nhiên thường xảy ra. Vì sao vậy?)

Thiền giông giống như một thứ a-xít tâm linh vậy. Nó từ từ ăn mòn những gì bạn đã đưa vào tâm. Nhân loại là những sinh vật rất kỳ cục. Chúng ta thường thích nếm thử một số chất độc hại và chúng ta tiếp tục ăn uống nó một cách lì lợm ngay cả khi chúng ta thừa biết chúng đang giết chết mình. (Ví dụ như thuốc lá, rượu bia, ma túy, những ái tình bất chính...). Những ý tưởng [tâm hành] mà chúng ta dính mắc đều là độc hại. Bạn lại thấy mình quyết tâm đào bứng tận gốc rễ một số ý tưởng độc hại đó, nhưng cùng lúc bạn cũng hết sức nưng chiều và khăng khăng bảo hộ những ý tưởng độc hại khác. (Bạn tu tập bứng rễ một số tâm hành xấu, nhưng cùng lúc bạn cũng chấp thủ và bảo vệ những tâm hành xấu khác). Đó là tình cảnh của loài người chúng ta.

Thiền Minh Sát không phải là một trò chơi. Sự tỉnh thức minh sát không phải chỉ là một môn giải trí. Nó là con đường để trồi lên và thoát khỏi vũng lầy mà chúng ta đang bị mắc kẹt—cái vũng lầy tham-sân truyền kiếp. Chúng ta có thể áp dụng sự chú tâm tỉnh giác để đối trị những mặt xấu xa ô nhiễm của sự sống chúng ta. Điều đó cũng tương đối dễ làm. Mỗi khi bạn thấy được sự sợ hãi và phiền não bốc hơi tan biến trước sức nóng và ánh sáng soi rọi của sự tỉnh giác, thì bạn sẽ muốn tiếp tục thực hiện tiến trình đó, và tiếp tục tu dưỡng sự chánh niệm. Đó là những trạng thái tâm xấu và bất thiện; và chúng ta muốn loại bỏ chúng bởi vì chúng làm bận tâm ta, gây phiền não cho ta. Và chúng ta cũng áp dụng chính phương pháp này đối với những ý nghĩ [tâm hành] mà chúng ta đã luôn nưng chiều và bảo hộ, ví dụ như: lòng yêu thiên nhiên, tình yêu xứ sở, tình phụ tử mẫu tử, hay tình yêu thương chân thật...Nhưng chúng ta sẽ thấy rất rất khó làm hơn đối với những loại tâm hành mang ý nghĩa “tích cực” này. Rất rất khó mà bứng nhổ chúng. Nhưng chúng ta cần phải làm . Những ràng buộc “tích cực” này cũng kéo giữ chặt bạn dưới vũng lầy không thua gì những dính mắc “tiêu cực” và xấu xa kia. Bạn có thể ngoi lên để hít thở không khí nếu bạn thực hành phương thức Thiền Minh Sát một cách nhiệt thành và chuyên chú. Thiền Minh Sát chính là con đường dẫn đến sự giải thoát, Niết-bàn. Và theo như lời truyền thụ của những bậc tiền bối đã dày công tu tập trên con đường dẫn đến mục tiêu cao đẹp đó, thì việc thực hành Thiền Minh Sát sẽ mang lại những kết quả to lớn không ngờ, hoàn toàn xứng đáng với công lao thực hành của chúng ta.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Nguồn chân lẽ thật


Hai Gốc Cây


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.180.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...