Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Những bí ẩn cuộc đời »» CHƯƠNG 9: KÍCH THƯỚC MỚI CỦA KHOA TÂM LÝ »»

Những bí ẩn cuộc đời
»» CHƯƠNG 9: KÍCH THƯỚC MỚI CỦA KHOA TÂM LÝ

Donate

(Lượt xem: 6.463)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những bí ẩn cuộc đời - CHƯƠNG 9: KÍCH THƯỚC MỚI CỦA KHOA TÂM LÝ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Người ta có thể học được rất nhiều điều qua việc đối mặt và giải quyết những vấn đề khó khăn. Sự giải quyết nhiều vấn đề lý thú thường căn cứ trên một nguyên tắc quan trọng là sự suy luận hợp lý hay suy gẫm sâu sắc. Vấn đề quan trọng nhất trong mọi vấn đề bí ẩn của cuộc đời là bí ẩn về con người: Con người thật ra là ai? Từ đâu đến và sẽ đi về đâu?

Để giải đáp vấn đề này, chúng ta có thể áp dụng một phương pháp khoa học giản dị như sau: Chúng ta đưa cho một người sáu que diêm và bảo anh ta hãy sắp thành bốn hình tam giác đều. Người ấy sẽ lần mò sắp xếp các que diêm theo đủ cách khác nhau, và trải qua một hồi lâu, anh ta cuối cùng cũng đành chịu thua và bỏ cuộc vì quả thật là không có cách nào để thực hiện yêu cầu đó được.

Bài toán bí hiểm này chỉ có thể được giải quyết nếu người ấy bỏ cái đi cái định kiến sẵn có là chỉ xếp các que diêm trên một mặt phẳng, mà thật ra là người đưa ra bài toán không hề yêu cầu. Khi chuyển sang sắp xếp các que diêm theo hình khối trong không gian, ta sẽ có đủ bốn hình tam giác đều theo đúng yêu cầu một cách dễ dàng.

Những vấn đề bí ẩn của đời người lại cũng có phần tương tự như cái mẹo vặt trong bài toán nói trên. Vì chúng ta luôn bị trói buộc vào những định kiến do chính ta đặt ra, bằng những khái niệm và quy tắc, nên ta không thể nào nhận thức thực tại một cách đúng thật như nó đang hiện hữu. Chúng ta tự mình giới hạn sự sống trong những giới hạn tồn tại của vật chất, trong khi sự tồn tại của vật chất thật ra chỉ là một phần trong cái toàn thể là sự sống. Thật ra, nếu suy xét một cách khách quan, ta sẽ thấy rằng sự tồn tại của vật chất tự nó không thể tạo thành sự sống. Giữa một người vừa tắt thở và một người còn đang sống, về cơ bản không khác nhau mấy về thành phần cấu trúc vật chất. Nhưng đó là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Vậy người sống khác với xác chết ở điểm nào? Trả lời được câu hỏi ấy là ta đã bắt đầu hé mở được cánh cửa khép chặt những bí ẩn của cuộc đời.

Người ta thường cho rằng đời người chỉ là cái kiếp sống của thể xác, nên sự sống của một người đương nhiên phải bị giới hạn kể từ khi bắt đầu sinh ra cho đến khi chết là hết. Nhưng nếu xét kỹ ta sẽ nhận ra được rằng con người không phải chỉ là cái thể xác vật chất này, mà cần có một yếu tố khác nữa mới có thể tạo thành sự sống. Yếu tố đó, một số người gọi là linh hồn, một số người khác gọi là tâm thức, nhưng dù gọi tên nó là gì thì cũng phải thừa nhận rằng nó là phần vô hình và chỉ có thể nhận biết bằng trực giác hay suy luận mà thôi.

Những người cố chấp vào kiến thức khoa học hiện đại dường như vẫn chưa chịu chấp nhận sự tồn tại của yếu tố vô hình này, mà cố gán ghép nó cho những hoạt động của bộ não, với những xung điện và hệ thần kinh điều khiển cơ thể, vì họ cho rằng hoạt động này cũng vô hình. Thật ra, những hoạt động của não bộ tuy là vô hình đối với mắt thường, nhưng vẫn hoàn toàn có thể nhận biết được bằng những công cụ khoa học, nên không hề đồng nhất với yếu tố tinh thần mà chúng ta đang đề cập. Hơn nữa, khi thử tạo ra những hoạt động tương tự như của não bộ, người ta vẫn không thể tạo thành cái gọi là sự sống.

Như vậy, liệu phần tinh thần của chúng ta có tồn tại trước khi sinh ra và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi ta chết đi hay chăng? Về mặt tôn giáo, hầu như người ta đã mặc nhiên thừa nhận điều này từ rất xa xưa, được nhận biết bằng vào kinh nghiệm trực tiếp của những người đã khai mở được trí tuệ giác ngộ. Nhưng vì là kinh nghiệm trực tiếp của từng cá nhân, nên người ta không có cách gì chứng minh điều đó với mọi người khác, mà chỉ có thể chỉ ra con đường để giúp người khác cũng đạt đến sự nhận biết tương tự như mình. Điều này cũng giống như một người ăn quả ớt và biết được vị cay của nó, nhưng không thể truyền đạt cái kinh nghiệm đó cho những ai chưa từng ăn quả ớt. Cách duy nhất để có được kinh nghiệm này là phải tự mình ăn quả ớt mà thôi. Và khi mỗi chúng ta chưa có điều kiện để tự mình ăn ớt, thì điều tất nhiên là ta không khỏi phân vân trước sự chọn lựa tin hay không tin vào sự mô tả của những người đã từng ăn nó.

Chính vì vậy mà về mặt khoa học người ta vẫn không khỏi hoài nghi về sự tồn tại của cái gọi là linh hồn hay tâm thức. Nếu có thể tìm ra một cách nào đó để chứng minh sự tồn tại này một cách khoa học, thì có lẽ điều đó sẽ làm đảo lộn tất cả mọi quan niệm của khoa học hiện nay.

Tuy nhiên, khoa học vẫn phải thừa nhận một yếu tố phi vật chất luôn hiện hữu trong tất cả mọi con người, dù rằng họ không biết được là nó có tiếp tục sẽ tồn tại sau khi chết hay không. Yếu tố đó là phần tâm lý khác biệt của mỗi con người, và được nghiên cứu rất kỹ trong khoa tâm lý học hiện nay.

Trong thời gian gần đây, các nhà tâm lý học đã có nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu về cá tính con người, và nhờ những kết quả nghiên cứu công phu đó, người ta đã có nhiều sự vận dụng thực tế vào các vấn đề lao động, hướng nghiệp, công tác xã hội v.v... Tuy thế những cuộc nghiên cứu đó cũng chỉ cho biết một cách rất nông cạn về con người. Chung quy cũng giống như việc loay hoay sắp xếp sáu que diêm trên một mặt phẳng để cố tạo ra bốn hình tam giác.

Nếu người ta chịu buông bỏ những định kiến về giới hạn của đời người, chấp nhận rằng thuyết luân hồi là có thật, rằng con người không phải sau khi chết đi là chấm dứt tất cả, thì điều đó sẽ mở ra một khả năng mới để thăm dò và nhận hiểu về những vấn đề bí ẩn của cuộc đời. Nhờ đó, người ta có thể nhận thấy rằng những tánh tình, cử chỉ, thái độ, đức tánh, hoặc những sự kiện xảy đến cho một con người không chỉ đơn giản là do những điều kiện trong hiện tại quy định. Điều này sẽ giải thích những khác biệt lớn lao của những con người khác nhau ngay từ khi sinh ra, cho dù họ có thể ra đời trong cùng một gia đình, lớn lên trong cùng một hoàn cảnh tương tự như nhau. Điều gì khiến cho một người sinh ra đã sẵn có lòng nhân hậu, và một người khác luôn nóng nảy, cộc cằn? Điều gì khiến cho một người lớn lên dễ dàng trở thành một thiên tài toán học, trong khi một người khác dù nỗ lực cố gắng bao nhiêu năm mà vẫn không vượt qua được ngưỡng cửa Trung học?

Những người cố chấp vào kiến thức khoa học có thể sẽ phản đối và đặt câu hỏi: “Chúng ta đều là những người đang sống, làm sao có thể khẳng định rằng sự sống vẫn tiếp tục sau khi chết?” Tuy nhiên, với cùng một thái độ khách quan, nghiêm túc và cũng không kém phần khoa học, ta vẫn có thể đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Chúng ta đều là những người đang sống, làm sao có thể khẳng định rằng sự sống sẽ không tiếp tục sau khi chết?”

Trong cả hai trường hợp, có thể nói là khả năng quyết đoán đều như nhau, và chỉ có thể kết luận rằng những điều đó chỉ là giả thuyết. Nhưng trong trường hợp của giả thuyết thứ hai, nghĩa là sự sống vẫn còn tiếp tục sau khi chết, chúng ta sẽ nhận được những biện giải hợp lý hơn cho nhiều hiện tượng bí ẩn vẫn luôn diễn ra trước mắt ta trong cuộc đời.

Sự buông bỏ những định kiến giới hạn sẽ giúp chúng ta nhận thức về cuộc đời một cách thông thoáng hơn, tương tự như người sắp xếp những que diêm kia chịu chấp nhận sử dụng đến kích thước không gian thay vì chỉ giới hạn trên một mặt phẳng. Chưa có một kết luận khoa học nào có thể khẳng định chắc chắn rằng sự sống không tiếp tục sau khi chết, cũng như chưa có một kết luận khoa học nào khẳng định rằng không có sự sống ở các hành tinh khác trong vũ trụ. Khoa học vẫn còn đang trên bước đường tìm kiếm, và chúng ta không thể vì những điều chưa biết mà tự giới hạn mình.

Chúng ta có thể thử dùng một hình ảnh so sánh khác. Như một khối băng khổng lồ trôi trên mặt biển, bao giờ cũng chìm dưới nước đến chín phần và chỉ nổi ở phía trên có một phần thôi. Chúng ta không thể vì việc chỉ nhìn thấy được một phần bên trên mà phủ nhận sự tồn tại của chín phần không nhìn thấy bên dưới nước. Tuy không nhìn thấy, nhưng ta có thể nhận biết sự tồn tại của nó thông qua việc nhìn thấy phần nổi bên trên. Tương tự, tuy chúng ta không nhìn thấy được những tiền kiếp hay sự tiếp nối của đời sống sau khi thể xác chết đi, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa những kiếp sống đã qua và những gì xảy ra trong hiện tại. Nếu không có những mối liên hệ này, ta sẽ không sao giải thích được những sự kiện kỳ lạ vẫn đang xảy ra ngay trong thế kỷ này. Chẳng hạn như sự tái sinh của các vị Lạt-ma Tây Tạng, hay những người có khả năng nhớ lại đời sống trước đây và nhận biết, gọi tên những người mà trong kiếp sống trước họ đã từng quen biết...

Vì thế, sự chấp nhận thuyết luân hồi sẽ hé mở cho ta thấy được chín phần khối băng chìm sâu dưới nước, còn khoa tâm lý học hiện nay dù đã nghiên cứu một cách vất vả mệt nhọc nhưng chỉ giới hạn trong một phần nhỏ bé nổi lên phía trên, mà họ có thể nhìn thấy!

Những tập hồ sơ của ông Cayce còn đưa ra nhiều trường hợp về mối liên hệ vượt thời gian như vừa nói trên, qua đó giải thích về cá tính hiện nay của một người.

Trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce nói về một người lính Gaulois bị tướng La Mã Annibal bắt làm tù binh và sai làm nô lệ chèo thuyền ở giữa biển. Người tù binh này bị các tên lính da đen ngược đãi và sau cùng anh ta bị một tên da đen đánh chết. Việc này xảy ra đã từ ba kiếp về trước, nhưng lòng thù hận về hành động tàn ác này đã ăn sâu vào tiềm thức của anh ta trải qua hai mươi hai thế kỷ. Trong kiếp này, anh ta làm một nông dân chuyên việc trồng tỉa ở tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Suốt đời anh ta luôn có một thái độ thù ghét sâu đậm đối với những người da đen, nhưng khi được hỏi thì chính anh ta cũng không sao giải thích được thái độ đó.

Đó là một thí dụ cho thấy người ta chịu ảnh hưởng của những kiếp sống trước đây trong việc thể hiện cá tính của mình. Người ta có thể tìm thấy rất nhiều trường hợp tương tự như thế trong các tập hồ sơ của ông Cayce.

Một nhà báo kia biểu lộ trong nhiều năm một tinh thần chống Do Thái mãnh liệt. Một cuộc soi kiếp cho biết rằng thái độ ấy bắt nguồn từ một kiếp trước ở xứ Palestine, khi anh ta thuộc về giáo phái Samaritain, thường có những cuộc xung đột dữ dội với người Do Thái ở nước láng giềng.

Một người đàn bà ba mươi tám tuổi, độc thân, đã có nhiều mối tình duyên trong đời, nhưng không chịu kết hôn với một người nào vì luôn có một thái độ nghi kỵ đối với đàn ông. Sự dè dặt và nghi kỵ này xuất phát từ một kiếp trước khi bà ta đã từng đau khổ vì bị người chồng bỏ rơi một cách tàn nhẫn.

Một người phụ nữ nọ có một tinh thần tôn giáo rất rộng rãi khoan dung. Khi soi kiếp, ông Cayce cho biết rằng cô có đức tính này là nhờ trong một kiếp trước cô đã từng sống chung với những người thuộc các tôn giáo khác. Trong khi tiếp xúc, cô đã nhận thức được rằng những người “ngoại đạo” cũng biểu lộ nhiều đức tính tốt như can đảm, nhân từ, khoan dung độ lượng... Điều này đem đến cho cô một ấn tượng mạnh mẽ sâu xa đến nỗi nó đã làm cho cô có một ý thức rõ rệt và bền bỉ về đức tính khoan dung đối với người thuộc những tôn giáo khác hơn mình.

Trái lại, một người làm nghề quảng cáo có óc hoài nghi và không có tín ngưỡng tôn giáo, được biết là kiếp trước đã từng tiếp xúc với nhiều giáo sĩ và nhận thấy có sự khác biệt mâu thuẫn giữa những điều họ thuyết giảng và với hành động của họ. Điều này đã làm anh ta hết sức thất vọng, đến nỗi trong kiếp này anh ta vẫn còn giữ một sự nghi ngờ rất lớn đối với những sự biểu lộ tôn giáo về hình thức bên ngoài.

Những thí dụ kể trên bao gồm ba thái độ khác nhau: thái độ về vấn đề chủng tộc, đối với người khác phái và đối với vấn đề tôn giáo, mà nguyên nhân đều xuất phát từ một kiếp trước.

Các nhà tâm lý học hiện đại đều thừa nhận rằng những thái độ tinh thần của con người vốn được hình thành từ trong tiềm thức rồi mới biểu lộ ra ngoài. Nhưng họ hiểu về tiềm thức chỉ trong giới hạn của kiếp sống này, nghĩa là những ký ức mờ nhạt về thời thơ ấu chẳng hạn. Thuyết luân hồi chỉ nới rộng giới hạn của tiềm thức bao gồm cả những kinh nghiệm đã trải qua từ những kiếp trước, và như thế về nguyên tắc cũng không phải là mâu thuẫn với khoa tâm lý học.

Ngay cả những sở thích khác nhau của mc người cũng có thể có nguyên nhân bắt nguồn từ một trong những tiền kiếp xa xôi. Thí dụ, trong một gia đình có hai người con, nhưng một người yêu thích âm nhạc, một người lại yêu thích những vấn đề liên quan đến máy móc, cơ khí. Sự giải thích thông thường của khoa tâm lý học trong những trường hợp này thường gặp bế tắc vì họ chỉ dừng lại ở những khác biệt trong môi trường sống và những kinh nghiệm trong kiếp sống hiện tại, và điều đó thường không thể dẫn đến những khác biệt quá lớn lao hoặc thậm chí là trái ngược.

Những tập hồ sơ của ông Cayce chứa đựng những thí dụ dưới đây về những khuynh hướng đặc biệt của một số người được truy nguyên ra từ nhiều kiếp trước.

Một vị nha sĩ sinh trưởng ở thành phố New York, mặc dầu rất hài lòng về công việc và đời sống ở thành thị, nhưng thỉnh thoảng lại thấy muốn sống ở đồng ruộng hoặc trên bờ sông với một khẩu súng đi săn và một cần câu; và cắm trại một mình với một chiếc lều dựng lên giữa bãi sa mạc. Sự thích thú sống gần với thiên nhiên này vốn không phù hợp với tâm tính của một người quen sống ở thị thành, nhất là khi gia đình ông ta đã từng sống ở thành thị trải qua nhiều thế kỷ. Điều này chỉ có thể giải thích được bằng thuyết luân hồi. Cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng trong một tiền kiếp, người này là một người Đan Mạch di cư sang Bắc Mỹ trong thời kỳ khai thác thuộc địa. Ông ta sống ở New Jersey, trong một vùng có nhiều đầm lầy, hồ ao, sông rạch; từng sống với nghề săn bắn, bẫy thú rừng, và buôn bán các loại da thú. Cuộc đời hoạt động giữa chốn rừng rậm, đầm lạch, sông ngòi, đã đem đến cho anh ta một sự thích thú đặc biệt vẫn còn tồn tại đến ngày nay, tuy rằng điều ấy còn phải lệ thuộc vào đời sống hành nghề nha sĩ trong kiếp này.

Có nhiều người cảm thấy yêu mến nồng nàn một xứ sở hay một địa phương xa lạ. Những cuộc soi kiếp truy nguyên ra sự hấp dẫn này ở một kiếp trước của đương sự, trong kiếp đó họ đã từng trải qua một thời kỳ sung sướng và hạnh phúc ở xứ sở ấy. Thí dụ như một người phụ nữ kinh doanh buôn bán lớn ở vùng bờ biển phía đông Hoa Kỳ nhưng luôn có ý muốn di cư xuống ở miền Tây Nam. Sau cùng bà ta di cư thật và hiện nay làm chủ một khách sạn lớn ở tại New Mexico. Cuộc soi kiếp cho biết bà đã từng sống trong hai tiền kiếp ở vùng này, và lòng trìu mến của bà đối với xứ ấy vẫn còn tồn tại.

Có bốn người kia, một người cảm thấy yêu mến những vùng hải đảo miền Nam Thái Bình Dương, một người muốn sống ở tiểu bang New Orleans, một người yêu mến xứ Ấn Độ và một người lại thích ở xứ Trung Hoa. Những cuộc soi kiếp cho biết rằng trong kiếp trước, họ đã từng sống ở các xứ ấy, và đó là lý do của sự hấp dẫn nói trên.

Sự thích thú một bộ môn nghệ thuật hay một nghề nghiệp nào cũng có thể là do ở những kinh nghiệm trong các tiền kiếp. Một thiếu phụ kia yêu thích đến say mê môn khiêu vũ và kịch nghệ Hy Lạp, được biết rằng đó là do kinh nghiệm trong một kiếp trước của bà ở Hy Lạp, trong thời kỳ những môn nghệ thuật này phát triển đến cực điểm. Sự thích thú của một thanh niên nọ về hiện tượng thần giao cách cảm được truy nguyên ra từ một kiếp trước ở châu Atlantide, trong kiếp đó anh ta đã dạy môn tâm lý học và chuyển di tư tưởng. Cũng do một kinh nghiệm cũ về nghề hoa tiêu và giám đốc ngành vận chuyển ở châu Atlantide mà một thiếu nữ nọ cảm thấy rất thích thú nghề phi công và bộ môn kỹ thuật hàng không trong kiếp này.

Một người đàn bà nọ ham thích làm việc công tác xã hội phụng sự các trẻ em tật nguyền khốn khổ, được cho biết rằng kiếp trước y đã từng sống ở xứ Palestine, chịu ảnh hưởng giáo lý của đức chúa Jesus và bắt đầu hiến dâng cuộc đời để săn sóc cứu chữa những kẻ tàn tật, bệnh hoạn.

Một vị kỹ sư nọ đảm nhiệm một cơ quan nghiên cứu, và đã từng làm việc nhiều năm trong phong trào phát triển ngành kỹ thuật, kiếp trước vốn là một người Atlante chuyên về ngành quản trị khoa học.

Sự tái diễn những kinh nghiệm và khả năng đặc biệt từ những tiền kiếp dường như càng biểu lộ rõ rệt trong cuộc đời của những nhân vật tên tuổi. Chúng tôi không căn cứ điều này trên những cuộc soi kiếp của ông Cayce, mà căn cứ trên tiểu sử của những nhân vật ấy. Thí dụ như trường hợp của ông Heinrich Schliemann,[8] nhà khảo cổ Đức đã khám phá di tích cổ của thành Troie bị chôn sâu trong lòng đất, và nhờ đó đã xác nhận tính cách lịch sử của thiên anh hùng ca “Iliade” của Homère.

Ông là con của một vị mục sư nghèo, giảng đạo tại một làng ở miền bắc nước Đức nhưng trong lúc thiếu thời ông đã say mê Iliade; ông nhất định học tiếng Hy Lạp và truy tầm nơi diễn tả sự tích của thiên anh hùng ca bất hủ này. Trong ba mươi lăm năm, ông Schliemann cố gắng dành dụm một số tiền để giúp ông thực hiện công trình khảo cổ này. Ông trở nên một nhà sinh ngữ học ưu tú, nhưng ông lại thích nhất môn sinh ngữ Hy Lạp và tất cả những gì thuộc về xứ sở ngàn năm văn vật này. Về sau, ông dùng những cách hành văn Hy Lạp trong khi nói chuyện và nhà chép tiểu sử của ông thuật lại rằng trong dịp làm lễ rửa tội cho con trai ông, ông đặt quyển anh hùng ca của Homère trên đầu con ông và ngâm vang lên những câu thơ bất hủ trong đó trước khi giao nó cho vị linh mục làm phép rửa tội! Điều này chỉ là một trong những cử chỉ biểu lộ rõ nét một lòng hâm mộ và say mê nồng nhiệt nền văn hóa cổ xưa của xứ Hy Lạp. Một sự say mê nồng nhiệt như thế chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta thấy rằng đó là do ký ức của ông muốn nhắc nhở và sống lại thời kỳ hạnh phúc đã qua trong dĩ vãng.

Một thí dụ khác cũng rất lý thú là trường hợp của nhà văn Lafcadio Hearn.[9] Ông sinh ra trên một hòn đảo Hy Lạp, cha ông là người Ái Nhĩ Lan, mẹ ông là người Hy Lạp. Ông đi phiêu lưu giang hồ từ Hy Lạp sang Anh quốc, Mỹ quốc, đảo Guadeloupe, Martinique, và sau cùng ông đã tìm thấy “quê hương tinh thần” của ông ở xứ Phù Tang (Nhật Bản). Tại đây ông cưới vợ Nhật, đổi tên Nhật, và dạy học ở một trường Nhật. Sự hiểu biết sâu xa về tâm hồn của người Nhật, tài năng lạ lùng của ông trong sự diễn đạt cái tinh hoa của nước Nhật cho thế giới Âu Tây và diễn đạt tư tưởng Âu Tây cho người Nhật, chỉ có thể không làm cho ta ngạc nhiên nếu thừa nhận rằng đó là do những kinh nghiệm cũ của ông trong một tiền kiếp ở Nhật Bản. Bằng không, đó sẽ là một điều vô cùng khó hiểu!

Trường hợp của ông T. E. Lawrence[10] là một thí dụ khác nữa. Ông ta đặc biệt tỏ ra khôn khéo trong việc tiếp xúc với người Ả Rập và đã sống chung với họ như một người Ả Rập. Ông không hề cảm thấy thoải mái dễ chịu ở tại quê hương xứ sở hay trong gia đình ông ở Anh quốc. Ông chán nản mọi sự học ở nhà trường, trừ ra một vài buổi học lịch sử liên quan đến Ả Rập và việc nghiên cứu các tòa lâu đài cùng thành lũy thời Trung Cổ.

Sự thành công đặc biệt của ông trong vai trò chỉ huy quân đội Ả Rập có thể hiểu được như là kết quả của một kiếp trước vào thời Trung Cổ, khi ông là người Ả Rập và là một chiến thuật gia, nhưng không đạt được mục đích trước khi từ trần.

Những khuynh hướng đặc biệt như trên không phải chỉ có ở những nhân vật tên tuổi của lịch sử mà thôi; mỗi người đều có thể nhận thấy ít nhiều khuynh hướng đó ở chính những bạn bè thân quyến của mình. Những nét riêng hay đặc điểm về cá tính, cũng như những sở thích và thái độ đặc biệt của một người là những yếu tố quan trọng trong việc phân tích tâm lý, và những tập hồ sơ Cayce đã nêu ra những trường hợp vô cùng lý thú về sự truy tìm nguyên nhân ở những kiếp trước.

Bà vợ của một nhà triệu phú ở miền Tây Hoa Kỳ có một cá tính rất độc tài và chuyên chế. Cuộc soi kiếp cho biết nguyên nhân là vì kiếp trước bà đã từng làm giáo sư ở tiểu bang Ohio, và trong những kiếp trước nữa đã từng nắm giữ những chức vụ cao ở Palestine và ở Ấn Độ.

Một thanh niên từ thuở nhỏ đã tỏ ra rất thích những cuộc tranh luận đôi co, và có khả năng biện luận một cách rất hùng hồn và xác đáng. Nguyên nhân là trong một kiếp trước anh ta đã từng làm một luật gia và một kiếp trước nữa đã làm quan tòa ở xứ Ba Tư.

Một người đàn bà có khuynh hướng trầm lặng và thần bí. Trong kiếp trước, bà ấy đã từng đứng đầu một tu viện kín vào hồi đầu thế kỷ 19.

Một thanh niên con nhà giàu có nhưng lại có tật chè chén say sưa quá độ đến nỗi gây sự thất vọng và đau khổ cho gia đình. Thói say sưa này được truy nguyên ra do sự chơi bời phóng túng trong kiếp trước, vào thời kỳ thiên hạ đổ xô nhau đi tìm vàng ở California.

Người ta còn thấy hằng trăm trường hợp khác tương tự trong những cuộc soi kiếp của ông Cayce. Khoa tâm lý học hiện đại cho rằng sự khác biệt về cá tính giữa hai con người được quyết định trước hết do sự di truyền và sau đó do ảnh hưởng của môi trường chung quanh. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của thuyết nhân quả thì chính sự di truyền và ảnh hưởng của môi trường cũng chính là những kết quả báo ứng của những nguyên nhân đã gây ra từ những kiếp trước.

Đức Phật có dạy: “Tư tưởng làm chủ mọi hành vi. Những gì chúng ta làm đều là kết quả của những điều ta đã suy nghĩ.” (Kinh Pháp cú, kệ số 1)

Có nhiều người tuy chấp nhận luật nhân quả nhưng lại hiểu sai về luật này như một công cụ chỉ dùng để trừng phạt và gây đau khổ. Ta nên nhớ rằng danh từ karma chỉ có nghĩa là hành động, hay nghiệp, và đó là một danh từ không hàm ý tốt hay xấu. Nghiệp quả không phải bao giờ cũng chỉ cho những quả báo xấu, khiến người ta phải đau đớn, khổ sở khi chịu đựng. Bởi vì mỗi một hành động có thể là tốt hay xấu, ích kỷ hay vị tha... Và nếu cách hành động cư xử của một người là tốt thì điều tất nhiên là người ấy sẽ nhận được những quả báo tốt lành, được hưởng một cuộc sống có nhiều niềm vui và sức khỏe chẳng hạn. Không có gì ngăn trở tất cả chúng ta đều làm những việc tốt đẹp, hiền thiện để nhận được những nghiệp quả tốt lành; và nếu mọi người đều có thể làm được như thế thì có lẽ cuộc sống trần gian đã ngay lập tức có thể biến thành một cõi thiên đàng, không cần ta phải chờ đợi hay tìm kiếm ở đâu xa.

Chính ở điểm này mà ta có thể nhận ra khá nhiều điều thú vị. Một người do sự tham lam hoặc sân hận đã phạm vào tội lỗi xấu ác, điều tất yếu là anh ta phải nhận lấy những nghiệp quả xấu và trở thành người ngu dốt, thấp hèn hoặc mang nhiều tính xấu... Nhưng chính vì sinh ra làm một người thấp kém hèn hạ hoặc có nhiều tính xấu mà anh ta lại dễ dàng tiếp tục thực hiện thêm nhiều việc xấu ác, để rồi những kiếp sống tương lai chờ đón anh ta lại càng u ám, xấu xa hơn nữa. Ngược lại, nếu một người biết quên mình vì người khác hoặc làm được những việc tốt đẹp, hiền thiện, cứu giúp nhiều người, anh ta sẽ nhận được những quả báo tốt đẹp, sẽ sinh ra làm một người thông minh, giàu có, luôn được sống trong những môi trường thuận lợi, tốt đẹp... và do đó anh ta lại có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện những điều tốt lành, hiền thiện, và tiếp tục tạo dựng được những kiếp sống tương lai ngày càng tươi sáng hơn.

Có gì là bất công trong khuynh hướng tự nhiên này chăng? Có vẻ như người tốt sẽ ngày càng thêm tốt hơn mà không phải nỗ lực nhiều, vì mọi thứ đều thuận lợi chung quanh anh ta; ngược lại, kẻ xấu ngày càng thêm xấu vì hoàn cảnh chung quanh luôn xô đẩy, lôi cuốn anh ta ngày càng chìm sâu vào tội lỗi, cho dù có một đôi lúc hồi tâm chuyển ý thì dường như cũng khó lòng cưỡng lại được sự sa đọa.

Sự thật thì điều này không có gì là sai trái hay bất công cả. Mỗi người đều có một quyền tự do tuyệt đối trong sự quyết định những hành vi của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải có quyết tâm khởi sự làm điều thiện, và việc đó không bao giờ là quá muộn. Sự khởi đầu luôn là bước khó khăn nhất, nhưng chính nó sẽ tạo ra nền tảng cho mọi bước tiến về sau của chúng ta.

Chúng ta hãy thử so sánh với những hoàn cảnh đời sống trong xã hội và sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với vấn đề vừa nêu trên. Một người giàu có dường như rất dễ dàng có được mức thu nhập trong một ngày bằng với một tháng lương của những người lao công nghèo khó, mà không phải nỗ lực quá nhiều. Vì thế, họ ngày càng trở nên giàu có hơn nữa. Ngược lại, những người nghèo khó dường như lúc nào cũng chịu nỗi lo đói thiếu, công việc cực nhọc nhưng lại dễ dàng bị mất việc bất cứ lúc nào, cũng như thu nhập hầu như không bao giờ đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt tối thiểu. Sự dư thừa để tích lũy đối với họ chỉ là điều không tưởng.

Nhưng có phải khuynh hướng này là bất công hay chăng? Không phủ nhận một điều là những người giàu có tốt bụng luôn cố gắng để san sẻ những gì mình có với người nghèo, nhưng không có nghĩa là họ có thể đưa cuộc sống của người nghèo lên ngang bằng với họ. Và nếu sự làm giàu của họ là chính đáng thì không ai có thể chê trách họ bởi sự giàu có đó.

Còn đối với người nghèo thì sao? Tất nhiên là sự nghèo khó của họ luôn phải có nguyên nhân. Nếu chỉ giới hạn ở những nguyên nhân thấy được trong hiện tại thì đó có thể là do thất học, không có nghề nghiệp hoặc các tật xấu như nghiện ngập, cờ bạc... Tất nhiên là còn có những nguyên nhân khách quan khác, nhưng chúng ta hãy khoan xét đến. Nếu là do thất học, thì một gia đình nghèo khó cần phải vươn lên đổi đời bằng cách chu toàn cho con cái học hành đến nơi đến chốn, cho dù điều đó có thể là cực kỳ khó khăn đối với họ, nhưng đó lại là phương cách duy nhất để họ vươn lên. Tương tự, nếu là do những thói hư tật xấu thì chỉ có chính họ mới tự cứu lấy mình được bằng cách lìa bỏ chúng...

Cũng vậy, một người đã nhận chịu những quả báo xấu thì ít có điều kiện để làm việc tốt, vì hoàn cảnh, môi trường của họ đã bị xấu đi. Tuy nhiên, dù khó khăn cũng không có nghĩa là không thể làm được. Nếu họ ý thức được rằng những việc thiện đầu tiên bao giờ cũng là khó khăn nhất, họ sẽ có đủ quyết tâm để khởi sự.

Một khi đã khởi sự làm thiện, chúng ta sẽ nhận được những quả báo tốt lành. Và một khi đã có được những quả báo tốt lành, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp tục làm thiện. Xoay chuyển được từ khuynh hướng xấu ác sang khuynh hướng làm thiện là một điều cực kỳ khó khăn, nhưng một khi đã quyết tâm thực hiện đươc thì chúng ta sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Như một người nghèo kia, rất khó khăn mới có thể nuôi người con học qua đại học; nhưng khi người con ấy đã học xong đại học, có việc làm tốt, thu nhập cao, thì anh ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tiếp tục cho con mình ăn học thành tài, thậm chí có thể sẽ đạt được những học vị cao hơn nữa.

Vì thế, luật nhân quả bao giờ cũng có một tác động khách quan và công bằng tuyệt đối, như ta soi bóng vào trong gương, hoặc nghe tiếng dội lại từ vách tường. Hình ảnh của ta thế nào thì bóng ta trong gương thế ấy; âm thanh phát ra thế nào thì tiếng vang thế ấy; không thể có sự sai lệch. Một việc làm xấu mang lại một quả báo xấu; ngược lại, một việc làm tốt mang đến một quả báo tốt. Điều đó là một luật tự nhiên, không do ai phán đoán hay quyết định. Khi hiểu được như thế, ta sẽ có thể vận dụng luật nhân quả để tạo ra một đời sống tốt đẹp bằng cách nỗ lực khởi sự làm điều thiện. Và sẽ không bao giờ là quá muộn đối với mỗi chúng ta để đưa ra quyết định đúng đắn đó.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan về Nghiệp


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Nắng mới bên thềm xuân


Hát lên lời thương yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.93.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...