Trước đây, chúng ta đã thấy trường hợp của người nhạc sĩ mù do kiếp
trước khi sống trong một bộ lạc ở Ba Tư đã lấy dùi sắt nhọn nung đỏ chọc
vào mắt những tù binh để hành tội.
Trong trường hợp này, người ta sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao người này phải
chịu trách nhiệm về một việc làm tuân theo những tục lệ địa phương thời
đó? Xét cho cùng, ông ta không thể làm khác hơn những gì xã hội đương
thời đòi hỏi, vậy tại sao ông phải chịu quả báo trong khi ông chỉ thừa
hành một công việc mà xã hội bắt buộc ông phải làm?
Chẳng hạn như vào thời nước Pháp còn dùng những quân đao phủ để thi hành
các bản án tử hình. Người đao phủ ấy chỉ là một nhân viên thừa hành và
không thể làm gì khác hơn được. Có thể nào người ấy phải chịu quả báo
khi thực hiện một công việc do luật pháp đã phán định hay chăng? Nhưng
nếu là không, thì tại sao người của bộ lạc nước Ba Tư thời cổ khi lấy
dùi sắt nung đỏ chọc vào mắt tù binh lại phải chịu quả báo?
Trước đây chúng ta đã thấy rằng không chỉ riêng hành động gây nên nghiệp
quả, mà chính những tư tưởng làm động lực thúc đẩy trong lòng người, làm
cơ sở biểu lộ ra hành động ấy mới là yếu tố quan trọng hơn trong việc
tạo nên nghiệp quả.
Ngoài ra, còn có vấn đề trách nhiệm chung, hay cộng nghiệp. Nếu mọi
người trong một xã hội cùng tán thành và thực hiện những tập quán xấu
xa, độc ác, gây đau khổ cho nhiều người, thì tất cả những người thuộc về
cộng đồng xã hội đó đều phải chia sẻ trách nhiệm và nhận lãnh quả báo
xấu.
Theo ý nghĩa của nền luân lý thông thường, nếu những hành vi tàn bạo như
sát phạt, giết chóc, gây thương tích cho kẻ khác là những điều xấu ác,
thì tất cả những thành viên của xã hội tàn bạo đó đều có thể xem là phạm
tội, nếu không trực tiếp thì cũng là gián tiếp.
Tội ác đó sẽ càng tăng thêm nếu một người biết rằng những tập tục đó là
độc ác mà vẫn tán thành và không làm gì để trừ bỏ đi. Và nếu họ trực
tiếp nhúng tay vào những hành động hung dữ ấy thì tội ác sẽ càng tăng
hơn thêm.
Lấy dùi sắt nhọn chọc thủng mắt người khác chỉ vì họ là tù binh của một
bộ lạc cừu địch, dĩ nhiên là một hành động hung ác bạo tàn. Nếu người
hành hình đó tự trong lòng mình có sự chống đối, không tán thành việc
làm hung bạo này, và chỉ thực hiện công việc vì bị bắt buộc thì có lẽ
nghiệp ác tạo ra sẽ được giảm nhẹ. Nhưng nếu trong khi thực hiện công
việc ấy mà tự trong lòng ông tán thành việc làm hung ác này, nghĩa là
ông cũng nuôi trong lòng một sự hung ác tương đương với tập tục xấu ác
đó, thì chắc chắn là quả báo sẽ phải nặng nề hơn.
Nếu người nhạc sĩ nói trên trước đây chỉ thực hiện công việc với một
tinh thần trong sạch, hoàn toàn không vì thỏa mãn dục vọng riêng tư,
không có lòng hung dữ bạo tàn và đàn áp kẻ khác, thì ác nghiệp tạo ra sẽ
được giảm nhẹ.
Cũng theo lập luận đó nên khi thấy rằng người ấy đã chịu quả báo mù lòa
trong kiếp này thì ta có thể kết luận ngay rằng ông ta trước đây đã nuôi
lòng hung ác trong khi thực hiện công việc hành tội người khác.
Trong chương 11, chúng ta đã thấy rằng một nhận thức không toàn diện về
luật nhân quả có thể làm cho người ta phải băn khoăn lưỡng lự trước một
vài vấn đề xã hội và không biết phải hành động như thế nào cho hợp lẽ.
Chẳng hạn, chúng ta đã thấy rằng trong nhiều trường hợp, sự lạm dụng
quyền năng trong những kiếp quá khứ đã đưa đến cảnh nghèo khổ khốn khó
trong kiếp hiện tại. Và nếu những sự khốn khổ của con người đều do những
việc làm xấu ác của họ gây nên trong quá khứ thì ta phải đối xử thế nào
với những kẻ hoạn nạn khốn cùng? Ta phải có thái độ như thế nào đối với
hoàn cảnh khó khăn đau khổ của kẻ khác? Ta có nên ngoảnh mặt làm ngơ và
nói như thế này chăng:
– Này ông bạn, ông bạn đau khổ vì quả báo do ông bạn tự gây ra chứ không
phải oan uổng gì đâu. Tôi không thể giúp gì cho ông bạn, vì tôi không
muốn can thiệp vào luật nhân quả.
Và ta có nên nghĩ rằng thiện cảm dành cho những “tội nhân” ấy là một
thái độ sai lầm, và lòng nhân từ đối với họ là một điều đặt không đúng
chỗ trước những tác động hoàn toàn khách quan của luật nhân quả hay
chăng?
Như đã nói, sự thật thì những thắc mắc như trên đều là xuất phát từ một
nhận thức không toàn diện về luật nhân quả. Nhưng có lẽ ta cũng không
nên giải đáp những câu hỏi này một cách hấp tấp vội vàng, và với một sự
chủ quan bồng bột.
Chúng ta biết rằng một kẻ sát nhân nguy hiểm sẽ không thể không chịu
hình phạt xứng đáng. Nếu vì lòng nhân hậu mà người ta để cho kẻ ấy được
tự do sau một thời gian giam cầm ngắn ngủi, thì rất có thể một tội ác
tiếp theo đó sẽ xảy ra. Chúng ta cũng biết rằng, một người học trò kém
cỏi không thể cố gắng học hết chương trình nếu vị thầy dạy quá dễ dãi và
không xử phạt nghiêm khắc những lần trốn học. Chúng ta cũng biết rằng
một đứa trẻ không thể biết vâng lời nếu người mẹ luôn bênh vực không để
nó phải chịu sự giáo huấn nghiêm khắc của người cha.
Tuy thế, sự thờ ơ trước những khổ đau của những người khác không bao giờ
có thể xem là một việc nên làm. Do tính chất phức hợp của luật nhân quả
nên bản thân việc này cũng là một nhân xấu sẽ mang lại quả xấu cho ta
trong tương lai. Trong thực tế, vào bất kỳ thời điểm nào ta cũng thấy có
những người luôn cố gắng hoạt động trong các công trình cứu tế từ thiện
để làm dịu bớt sự đau khổ của nhân loại. Những người này thường không có
sự suy tính hơn thiệt, mà họ hành động vì sự thúc đẩy của lòng nhân ái.
Chúng ta không thể phán xét rằng những người này đang chống lại luật
nhân quả khi họ nỗ lực giúp đỡ những người chịu quả báo xấu. Một phán
xét như vậy là phiến diện và sai lầm, xuất phát từ sự không hiểu biết
đầy đủ về luật nhân quả.
Trở lại với những thí dụ minh họa mà ta vừa nêu ra ở trên. Vị quan tòa
phán xử nghiêm khắc một tội nhân không phải do lòng ác độc, mà vì luật
pháp của một xã hội đã được soạn thảo theo cách cố gắng bảo vệ tất cả
mọi người trong xã hội đó một cách công bằng. Vì thế, vị quan tòa có bổn
phận phải tuân theo luật pháp. Và khi ông làm đúng như vậy thì điều đó
không thể xem là thiếu lòng nhân ái. Trong thực tế, tất cả những vị quan
tòa cương trực, nghiêm khắc thật ra đều là những người tốt, biết gạt bỏ
mọi sự tư lợi để luôn hành động theo lẽ phải, vì lợi ích của tất cả mọi
người.
Tương tự như thế, một thầy giáo nghiêm khắc không phải là người thiếu
tình thương đối với học trò, mà thật ra chính vì yêu thương và mong muốn
cho người học trò của mình thành đạt nên ông mới hết lòng quan tâm đến
việc học của anh ta cũng như thực hiện mọi biện pháp kỷ luật cần thiết
để răn dạy. Một người học trò khi thực sự thành đạt chỉ có thể hết lòng
biết ơn về sự dạy dỗ nghiêm khắc của thầy chứ không thể xem đó là những
biểu hiện của sự thiếu tình yêu thương.
Cũng vậy, một người cha có thể tỏ ra nghiêm khắc với con cái khi cần
thiết, bởi trong lòng ông luôn muốn dành cho con mình một sự giáo dục
tốt nhất, chứ không phải vì ông không thương con bằng người mẹ.
So sánh với cả ba trường hợp kể trên thì sự thương yêu giúp đỡ những
người khốn khổ trong xã hội hoàn toàn không giống với việc cản trở quan
tòa thi hành pháp luật hay ngăn cản người thầy, người cha trong việc dạy
dỗ... Bởi vì sự giúp đỡ và an ủi một người khi họ đang rơi vào hoàn cảnh
khốn khổ là xuất phát từ tấm lòng chân thật và hướng thiện của ta, còn
quả báo mà người ấy đang nhận lãnh là xuất phát từ những tư tưởng và
hành vi không tốt của họ trong quá khứ. Hai điều này có thể tương tác
với nhau nhưng không hề cản trở, mâu thuẫn nhau. Ta có thể giúp giảm nhẹ
nỗi đau khổ của một người nhưng không thể ngăn cản quả báo xấu đến với
họ, cho dù ta có muốn làm như thế. Nhưng sự giúp đỡ an ủi của ta có thể
cảm hóa phần nào những tính xấu có thể đang còn tồn tại nơi người ấy, và
điều đó sẽ có tác dụng rất tích cực trong việc giúp giảm nhẹ quả báo mà
họ đang hứng chịu.
Mặt khác, khi ta biết thương yêu giúp đỡ người khác là ta đang xây dựng
tương lai tốt đẹp cho chính mình. Và nếu tất cả mọi người đều biết
thương yêu giúp đỡ lẫn nhau thì một cộng đồng xã hội như vậy chắc chắn
sẽ là một môi trường tốt đẹp và lý tưởng cho tất cả mọi người. Vì thế,
ta không thể vì những lỗi lầm trong quá khứ của một người mà quay lưng
với người ấy, khiến cho bản thân mình lại trở thành một kẻ lãnh đạm, thờ
ơ, khô khan tình cảm. Ngay cả sự khoan hồng đối với tội nhân cũng luôn
được thực hiện ở nhiều xã hội khác nhau, và không ai cho đó là một sai
lầm. Vì chính sự khoan dung và tha thứ có tác dụng chuyển hóa còn mạnh
mẽ hơn cả những hình phạt nghiêm khắc nhất. Trong một số trường hợp, sự
trừng phạt có thể tạo ra tâm trạng oán hận và có tác dụng ngược lại,
trong khi sự khoan hồng bao giờ cũng mang đến sự biết ơn và cảm hóa.
Cuộc đời của ông Edgar Cayce có thể xem là một tấm gương vị tha và tích
cực giúp đỡ người khác. Những người đến với ông trong cơn khốn khổ đều
được ông giúp đỡ, chỉ bảo tận tình để giúp họ giảm nhẹ mọi nỗi đau khổ,
cho dù hơn ai hết ông luôn nhìn thấu mọi tội lỗi, sai lầm của họ trong
quá khứ. Trong suốt bốn mươi năm, ông đã hoạt động với một tấm lòng
nhiệt thành và nhân ái để cứu giúp những người đau khổ từ thể xác đến
tinh thần.
Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều xác nhận rõ ràng là con người luôn
chịu sự chi phối của luật nhân quả mà phương Đông đã biết rõ từ lâu đời.
Đồng thời những cuộc soi kiếp đó cũng xác nhận rằng lòng thương yêu và
lý tưởng phụng sự bao giờ cũng là nền tảng dẫn đến mọi điều tốt đẹp.
Vì thế, bất kể rằng tội lỗi của một người khác là như thế nào trong
những kiếp quá khứ, ta vẫn nên cố gắng giúp đỡ họ, và đừng bao giờ lầm
tưởng rằng làm như thế là có thể can thiệp vào tác động của luật nhân
quả.
Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng sự thờ ơ lãnh đạm truớc sự đau khổ của
kẻ khác cũng là một điều xấu ác sẽ đưa đến quả báo xấu về sau này.
Một khía cạnh khác của vấn đề tế nhị này là con người luôn có quyền tự
do ý chí trong mọi hành động và không phải tất cả mọi việc trong cuộc
đời đều đã được định sẵn từng chi tiết một cách bất di bất dịch. Mỗi một
sự cố gắng của chúng ta để giúp đỡ một người đang khổ đau hoạn nạn không
chỉ là một kinh nghiệm bản thân cần thiết cho ta để tự hoàn thiện tâm
hồn mình, mà còn là một nhân tố tích cực có thể làm thay đổi cả thái độ
tinh thần và cuộc đời của đương sự.
Xét cho cùng, ta nên hiểu rằng nghiệp quả đều là do tư tưởng và hành vi
tạo nên. Những hành vi sai trái, những cung cách xử thế sai lầm, đều có
nguyên nhân từ sự lầm lạc trong tư tưởng. Vì thế, người ta chỉ có thể
thay đổi thái độ đối với cuộc đời theo hướng tốt đẹp hơn bằng cách hoàn
thiện phần tư tưởng.
Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đã tuyên bố xác định rằng tư tưởng
chính là sức mạnh sáng tạo, và nếu không có sự thay đổi tư tưởng theo
hướng tốt đẹp hơn thì người ta không thể sửa đổi lại những nghiệp quả
xấu ác đã gây ra từ trước.
Luật nhân quả quyết định một cách chắc chắn rằng mỗi con người tự tạo
nên cái thân phận sang hèn, may rủi, tốt xấu, vui buồn của chính mình.
Luật nhân quả không áp đặt bất cứ điều gì lên sự tự do ý chí của con
người, nhưng đảm bảo một cách chính xác rằng mỗi một hành vi hay tư
tưởng của chúng ta trong hiện tại đều sẽ mang đến những kết quả tương
xứng trong tương lai. Và điều này thúc đẩy mọi người phải hết sức nỗ lực
để tự tu dưỡng bản thân, hướng đến một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn
nữa.
Chính vì hiểu rõ luật nhân quả nên người Phật tử luôn giữ thái độ hồn
nhiên, thanh thoát trước mọi nghịch cảnh, mọi nỗi thăng trầm của cuộc
đời. Điều mà họ quan tâm nhất không phải là hoàn cảnh trong hiện tại tốt
hay xấu, mà chính là việc mình đã làm được những gì để tích lũy cho
tương lai. Và quan điểm sống đó bao giờ cũng giúp họ tích cực vươn lên
trong cuộc sống, cho dù có gặp phải nhiều khổ đau và bất hạnh.