Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vua Là Phật, Phật Là Vua »» Chương 2. Vua Trần Thái Tông »»

Vua Là Phật, Phật Là Vua
»» Chương 2. Vua Trần Thái Tông

Donate

(Lượt xem: 4.526)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vua Là Phật, Phật Là Vua - Chương 2. Vua Trần Thái Tông

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tưởng và tướng hay tướng và tâm không hai. Cái này có trong cái kia và cái kia có trong cái này, nhưng sự tồn tại ấy chúng ta lại không biết. Đây chính là Phật sống của mỗi người vậy. Ta là Phật và Phật là ta. Đây chính là nhận xét của vua Trần Thái Tông. Nếu người tu Phật, ai ai cũng rõ biết được như thế thì sự giác ngộ giải thoát không cần chờ đợi ở kiếp nào xa hơn, mà ngay trong hiện thế chúng ta cũng có thể rõ biết được. Do vậy mà nhận thức “Vua là Phật và Phật cũng là Vua” rất tương ưng với vị thế của Trần Thái Tông.


 
Vua là một thiền sư, mà thiền sư cũng chính là vua. Khi vua cần quân dẹp giặc, thì hình ảnh ấy là vị vua cai trị muôn dân, có bổn phận với sơn hà xã tắc, nhưng khi vào thiền định thì vua không còn là vua nữa mà đã là một thiền sư. Vì thiền và Phật lúc bấy giờ chỉ là một chứ không hai. Tất cả đều nhất như.

Ai sinh ra trong đời này cũng đều có cha mẹ, ông bà và tổ tiên dòng họ. Nếu tra ngược về nguồn gốc con người từ lúc xuất hiện trên quả địa cầu này, có thể là do sự biến hóa từ những vi sinh vật và động vật mà thành. Trong Đạo Phật có pháp duyên sanh và duyên khởi có thể giải thích về cội nguồn của muôn vật một cách tường tận, qua cái nhìn của tuệ giác siêu việt, không phải bằng lối ước đoán nhị nguyên. Do vậy, sự khảo sát từng thời đại chỉ có tính cách giai đoạn của lịch sử, chỉ có tính cách ngắn hạn, chứ không thể nói tổng quát mọi thời đại được. Ngay như việc họ Lê đổi thành họ Lý, rồi họ Lý đổi thành họ Nguyễn để cho nhà Trần dễ nhận diện thì việc này cũng chỉ là cách suy nghĩ ngắn hạn của người đứng ra chủ trương thuở bấy giờ mà thôi. Hoặc sợ bị theo dõi, bắt bớ, giam cầm. Hay muốn gia nhập vào tộc họ mới cho dễ tiến thân nên nhiều người đã thay tên đổi họ. Đây là những nguyên nhân chính.

Theo Giáo sư học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, tác giả quyển Toàn Tập Trần Thái Tông, thì vua Trần Thái Tông lên ngôi tôn bà Lê thị là Quốc Thánh Hoàng Thái Hậu, mặc dầu Trần Thừa, cha của Trần Liễu và Trần Cảnh, không hề làm vua. Vả lại, khi người ta có quyền và có địa vị trong xã hội thì người đứng đầu sơn hà xã tắc thời quân chủ muốn phong chức cho ai thì phong, muốn cấp đất cho ai thì cấp, nên sau này người ta nói rằng chủ nghĩa hay chính thể ấy là phong kiến. Phong có nghĩa là phong chức tước cho ai đó và kiến có nghĩa là kiến địa, ban cho thực ấp, đất đai để cho ông quan ấy thâu thuế và lợi nhuận. Vì những đặc quyền đặc lợi như vậy, nên ngôi vua là chỗ tranh bá đồ vương, xưa nay vốn là như vậy.

Ngày nay, những xã hội dân chủ phát triển khắp nơi trên thế giới, nhất là sau cuộc Cách mạng Pháp vào ngày 14 tháng 7 năm 1789 của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, thế giới đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhân quyền được tôn trọng và mọi người đều có quyền nói lên tiếng nói trung thực của mình, lá phiếu người dân là sự quyết định người lãnh đạo đất nước, chứ không phải uy quyền hay thế lực làm chủ một đất nước dân chủ được.

Đại Việt Sử Lược, quyển 3, tờ 32 b - 33 đã chép về việc lên ngôi của vua Trần Thái Tông như sau:

“Kiến Gia năm thứ 15 Ất Dậu (1225) mùa đông tháng 12 Thượng Vương cho nữ vương nhỏ dại nên lấy làm lo, triệu Phùng Tá Chu vào mưu rằng: ‘Trẫm vì bất đức có tội với trời, nên tuyệt không có con nối dõi, truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà cỡi lên một đám dương, bọn chúng không theo, tất đi đến chỗ xấu mất. Theo chỗ ta thấy, không gì hơn là xa bắt chước Đường Nghiêu, gần thể theo Nhân Tổ, chọn người hiền mà trao ngôi. Nay ta thấy con thứ của Thái Úy là Mỗ, tuổi tuy thơ ấu, mà tướng mạo phi thường, tất có thể giúp đời yêu dân, muốn lấy làm con để làm chủ thần khí, đồng thời đem Chiêu Vương gả cho. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với Thái Úy.’

“Thái Tổ cũng chưa tin, tả phụ Nguyễn Chính lại bảo Thái Tổ: ‘Họ Nguyễn có nước, vua hiền sáu bảy vị đã tạo nên những ơn đức còn lại thấm vào người dân rất sâu, mà bỗng một hôm lại đem họ khác nối dõi thì ý là để thử xem ta thế nào. Nếu nhân vậy mà nhận, thiên hạ tất bảo Thái Úy có ý soán nghịch.’ Thái Tổ muốn làm theo thì Thượng phẩm phụng ngự Trần Thủ Độ nói: ‘Lời của Tả Phụ là sai. Giả như Thượng Vương có con trai, lại muốn nhường cho nhị lang, thì xét theo nghĩa là đã không thể vâng chiếu, nhưng nay vì vô tự, mà muốn chọn người hiền để giao, thì ấy là Thượng Vương xa bắt chước việc chân nhượng của Nghiêu Thuấn thì sao lại nghi ngờ? Huống ngôi trời không thể để trống lâu mà ý Thượng Vương nhường ngôi thì đã quyết chọn riêng họ khác để làm kẻ nối dõi, dù muốn không theo có thể được sao? Vả lại, Thượng Vương lấy nhị lang làm người nối dõi, đó là ý trời. Trời cho mà không nhận, thì lại phải nhận lấy tội với trời. Nguyện xin Thái Úy nghĩ kỹ cho.’

“Mùa đông tháng 12, sai Nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, Nội hành khiển Tả tự Lang Trung Trần Trí Hoằng đem văn vũ thần liêu trong ngoài, đưa thuyền rồng đầy đủ pháp giá đến phủ Tinh Cương đón Thái Tổ ta, lấy ngày mồng 1 tháng 12 năm đó nhận nhường ngôi tức vị ở điện Thiên An, tôn Thuận Trinh Vương Hậu làm Thái Hậu, giáng Chiêu Thánh Vương thành Vương Hậu, cải nguyên Kiến Trung.”

Đọc đoạn văn dịch từ chữ Hán trên đây ta thấy Trần Thái Tông lên ngôi là do vua Lý Huệ Tông chủ động bàn bạc với Phùng Tá Chu và bề tôi của mình. Nếu được như vậy cũng là một điều quá lý tưởng có tính cách dân chủ, nhưng lịch sử lại khác, hầu như không phải như vậy. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư quyển 4, tờ 32 b6 - 34 b1 lại viết khác như sau:

“Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2, Ất Dậu (1225) mùa đông tháng 10 (…) Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Trần Thủ Độ coi việc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu Trần Thủ Độ là Trần Bất Cập làm Cận Thị Thử Lục Cục Chi Hậu, Trần Thiêm là Chi Ứng Cục, Trần Cảnh làm Chính Thủ, bấy giờ mới 8 tuổi, chầu hầu ở ngoài. Một hôm vì phục vụ tắm rửa, nhân thế vào hầu bên trong, Chiêu Hoàng thấy mà thích. Mỗi đêm đi chơi, cho triệu đến cùng đi, thấy Cảnh ở trong chỗ tối thì tự mình đến trêu chọc, hoặc kéo tóc, hoặc đứng lên bóng. Hôm khác, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt, thì lấy tay vốc nước vảy vào mặt Cảnh mà đùa cười. Đến khi Cảnh bưng khăn cau thì bà lấy khăn cau ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, lén đem kể với Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói: “Thật có như thế thì làm vua cả họ ư? Chết cả họ ư? Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại đem khăn cau ném cho Cảnh. Cảnh vái nói: “Bệ Hạ tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười nói: “Tha cho ngươi, nay ngươi đã có trí rồi.” Cảnh lại đem báo với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì sẽ bị giết chết. Do thế bèn tự đem gia thuộc thân thích vào trong thành. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người chốt giữ, bá quan tiến triều, không được vào. Thủ Độ tuyên bố: “Bệ Hạ đã có chồng rồi.” Quần thần đều nói: “Vâng, xin chọn ngày để triều kiến.”

Tháng đó ngày 21, quần thần tiến triều vái mừng. Chiêu Hoàng xuống chiếu nói: “Đế Vương Nam Việt trị vì thiên hạ đã có từ xưa. Chỉ triều Lý ta, trời yêu cho mệnh, có cả bốn biển, các thánh nối nhau hơn hai trăm năm. Ngặt nỗi, Thượng Hoàng mắc bệnh, nối dõi không người, thế nước nghiêng nguy, bèn sai Trẫm nhận minh chiếu, miễn cưỡng lên ngôi, từ xưa tới nay, việc chưa từng có. Ngặt vì, Trẫm e nữ chúa, tài đức đều thiếu, giúp rập không người, giặc cướp nổi lên như sung, làm sao có thể cầm giữ ngôi báu quá nặng. Trẫm thức khuya dậy sớm, chỉ sợ khó khăn, thường nghĩ tìm hiền nhân quân tử, cùng giúp trị chính, đêm ngày khẩn khoản, đến thế là cùng. Kinh Thi có nói: “Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ nhớ mãi, lâu thay lâu thay.” Nay Trẫm một mình tính đi tính lại, chỉ được Trần Cảnh văn chất đủ vẻ, thực lực thể cách của hình nhân quân tử, uy nghi đàng hoàng, có tư chất thánh thần văn vũ, dù Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng chưa thể qua được. Sớm hôm nghĩ kỹ, xét có chỗ quen, có thể nhường ngôi lớn, để vui lòng trời, để xứng ý Trẫm, hầu có thể đồng tâm hiệp lực, cùng phò vận nước, hưởng phúc thái bình. Nay bố cáo thiên hạ để mọi người nghe biết.”

Ngày Mậu Dần 11 tháng 12, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên giường báu, bá quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn cỡi bỏ áo ngự, mời Trần Cảnh lên, bèn lên ngôi Hoàng Đế, cải nguyên Kiến Trung năm thứ nhất, đại xá, xưng là Thiên Hoàng.”

Đọc hai tài liệu lịch sử này, một của Đại Việt Sử Lược, một của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ta thấy một sự kiện nhường ngôi, nhưng có nhiều dữ liệu khác nhau. Nhưng dầu cho sự kiện nào đi chăng nữa thì Trần Thủ Độ vẫn nắm giữ vai trò chủ chốt trong việc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh. Sự kiện đầu có sự chủ động của vua cha Lý Huệ Tông, mà lúc này ông đã đi xuất gia ở chùa Chân Giáo rồi, lại có sự xuất hiện của Phùng Tá Chu và bầy tôi của mình nữa. Mới nghe thì cũng có lý, vì cha nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng và cha vẫn còn cố vấn cho Nữ Vương, dầu cho người cha đã đi xuất gia đi chăng nữa. Nhưng khi nhớ lại câu “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” khi Trần Thủ Độ giả dạng đi lễ chùa để thăm dò Lý Huệ Tông đang làm gì và thốt lên câu ấy thì chiếu chỉ nhường ngôi này cũng có thể Thủ Độ ép vua Huệ Tông viết như ý của mình, hoặc giả Thủ Độ viết và bắt vua phải đóng ấn dấu vào là đủ, để khỏi mang tiếng thị phi là Thủ Độ chủ trương đoạt mệnh trời để đem ngai vàng về cho dòng họ của mình.

Nếu xem qua đoạn mô tả về chiếu chỉ của Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh thì đã lộ rõ âm mưu của Thủ Độ rồi. Tất cả đây là chủ trương của Trần Thủ Độ chứ chẳng ai khác. Vì lẽ một đứa trẻ mới lên 8 thì làm sao biết được chuyện trong Kinh Thi viết về quân tử đi tìm bạn. So với một đứa bé thông minh ngày nay, nhiều lắm cũng chỉ mới biết làm toán cộng trừ nhân chia là cùng. Tám tuổi làm gì biết có việc thức khuya, dậy sớm mà dám so với Hán Cao Tổ và Đường Thái Tông bên Trung Hoa? Quả thật Thủ Độ đã quá lời và chiếu chỉ nhường ngôi này của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh cũng là một âm mưu tạo phản, truất phế ngôi vua và nhất là sang tên đổi họ một triều đại. Tất cả đều là chủ trương của Trần Thủ Độ cả.

Nếu chúng ta tra cứu thêm tài liệu từ phía Trung Quốc, thì An Nam Chí Lược, quyển 13, tờ 127 viết về Trần Thị thế gia như thế này: “Đời thứ hai là con thứ của Thái Tổ, khoan nhân thông tuệ, văn võ gồm đủ, làm rể nhà Lý rồi lấy nước.” Trong khi đó thì An Nam Chí Nguyên 1, tờ 7 càng ghi ngắn gọn hơn như sau: “Truyền 11 đời đến Sám, không có con trai, rể là Trần Cảnh bèn được nước nó.”

Dầu là sử nào đi chăng nữa thì ta cũng đều biết rằng: Nhà Lý đã chấm dứt qua việc truyền ngôi báu cả thảy 11 đời vua, từ vua Lý Thái Tổ năm 1010 cho đến đời Lý Huệ Tông, rồi Lý Chiêu Hoàng 1225.

Thái Tổ mà An Nam Chí Lược nói đây là Trần Thừa, tức cha của Trần Cảnh. Trần Liễu là anh cả và Trần Cảnh là em thứ. Người Nam Tống nhận xét Trần Cảnh là người khoan nhân thông tuệ, văn võ gồm đủ. Có thể vì thế mà Trần Thủ Độ đã chọn ngay từ lúc nhỏ, cho vào cung để làm người hầu cho Chiêu Hoàng và sau đó trở thành bạn rồi thành chồng chăng?

Nếu thật tình Lý Huệ Tông, tức Thiền Sư Huệ Quang viết chiếu nhường ngôi cho con gái mình rồi Trần Cảnh như vậy thì Huệ Tông đâu cần phải tự kết liễu đời mình? Ông phải sống cho trọn đời của mình, vì lẽ dẫu sao đi nữa thì ông bấy giờ vẫn là cha của vua, mà tân quân ấy là con rể của mình. Tất cả đều do Trần Thị Dung và Thái Sư Trần Thủ Độ toa rập để ép vua Lý Huệ Tông phải làm như vậy. Đây cũng là lỗi của vua, vì không nghe lời mẹ mình là Đàm Thái Hậu qua những lời khuyên vua trước đó.

Trần Cảnh và Chiêu Hoàng chỉ mới 8 tuổi, hầu như tất cả đều chưa biết gì. Chỉ do người bày mưu tính kế như: Cho vào hầu rồi tắm rửa, mang trầu cau mời, trốn tìm, chơi giỡn, đùa cợt, nhảy lên giường v.v… Tất cả những việc này do Thủ Độ bày ra, rồi gán ghép cho hai trẻ nhỏ có tư tình, đoạn đóng cửa cung, không cho tả hữu vào chầu, nhằm toan tính những sở trường và sở đoản của mình, nhằm đánh tráo ngôi vua nhà Lý về cho nhà Trần. Nếu Huệ Tông không là tâm Phật, xem ngai vàng nhẹ hơn cái chết, xem thế sự phù du và chưa chấp nhận thiệt thòi vì mình bịnh hoạn cũng như không có con trai để nối dõi tông đường, thì Trần Thủ Độ dầu có gan hùm đi nữa thì không dễ thâu tóm ngôi nhà Lý cho Trần Cảnh dễ dàng như vậy.

Sau đám cưới cung đình của Hoàng gia hay đúng hơn là của hai đứa trẻ năm 1225, Thủ Độ với tư cách là Thái Sư đứng phía sau Trần Cảnh chỉ huy mọi việc, từ quân sự đến chính trị và cung cấm v.v… Mười năm trôi qua như vậy nhưng Trần Thủ Độ quan sát cả hai người đều không có trạng thái được làm cha mẹ để có con cái nối dõi tông đường, nên lúc bấy giờ Thủ Độ bèn nghĩ ra cách khác độc đáo hơn. Ông nhìn thấy Thuận Thiên Công Chúa, tức chị ruột của Lý Chiêu Hoàng đang mang thai 3 tháng và ông ta nghĩ kế ngay là lợi dụng cơ hội ép Trần Liễu phải nhường cái bào thai này cho em ruột của mình là Trần Cảnh, bấy giờ đã là Trần Thái Tông rồi. Lúc ấy Thái Tông 18 tuổi (1235) và đã hơn 10 năm làm vua. Trần Liễu bị ép như vậy nên rất giận và ông đem quân nổi loạn ở sông Cái gần đó, nhưng Thủ Độ cho quân của triều đình dẹp yên và đòi xử trảm Trần Liễu, nhưng Trần Thái Tông vì nghĩ “Đây là anh ruột của mình” nên đã tha cho tội chết. Thủ Độ làm việc này có nghĩa là chia loan rẽ thúy. Người khác đang có hạnh phúc ấm êm thì mình đương quyền là một bậc Thái Sư lại nghĩ ra câu chuyện thế gian ít có như vậy.

Khi Thuận Thiên về gá nghĩa với Trần Cảnh, vốn là em rể của mình, chắc bà cũng chẳng vui gì, mà có lẽ Thủ Độ cũng lắm lời hăm dọa, nên bà cũng thuận theo. Dẫu sao đi nữa thì Trần Cảnh cũng là em ruột của Trần Liễu, trước sau cũng vẫn là anh em họ Trần. Chắc một điều bà phải hiểu rằng: Cái bào thai ấy không phải của Trần Cảnh, thì đứa con đầu lòng sinh ra đó, chắc gì được làm vua và được nối dõi tông đường, nhưng tại sao bà lại phải bước sang thuyền khác một lần nữa vậy? Vả chăng do uy quyền ép uổng của Trần Thủ Độ hay chiếc ngai vàng của một Hoàng hậu đương triều quan trọng hơn là tình nghĩa chị em ruột của mình? Điều này sau đó lịch sử đã chứng minh là chính Trần Thủ Độ cũng như triều đình bá quan văn võ không lập Trần Quốc Khang, con của Trần Liễu và Thuận Thiên lên làm vua kế vị Trần Thái Tông, mà phải chờ sau này Thái Tông và Thuận Thiên sinh ra Trần Hoảng, đây mới là máu mủ của hai người, để trở thành Trần Thánh Tông, nối ngôi sau này.

Vậy thì kế hoạch của Trần Thủ Độ là gì? Có thể là: Một hòn đá liệng chết hai con chim cùng một lúc. Ông làm như thế để dễ hợp thức hóa giữa mình và Trần Thị Dung trở nên người tình, rồi làm chồng vợ với nhau, thiên hạ sẽ chẳng gièm pha. Thứ đến đánh lạc cách nhìn của mọi người để con cháu nhà Lý quên đi cái hận của quá khứ là mình đã mất ngôi và con cháu nhà Trần nghĩ rằng Thủ Độ là một bậc Thái Sư biết lo cho dân, cho nước. Tất cả chúng ta đã lầm. Nếu có những điều ấy, chẳng qua là cái tự ngã của Thủ Độ quá lớn mà thôi.

Khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, tuy bà không còn là Nữ Vương nữa, nhưng cũng là Hoàng Hậu của đương triều nhà Trần đến 10 năm. Bây giờ với lý do không con, bà bị Trần Thủ Độ bắt ép phải nhường chồng của mình cho chị ruột và bà trở về cương vị là một Lý Chiêu Hoàng, tuy có chức vương đi kèm, nhưng bây giờ Chiêu Hoàng cũng chẳng khác bà Trần Thị Dung là mấy. Tuy vậy, sau này bà kết hôn lại, Lý Chiêu Hoàng vẫn sinh ra nhiều người con như thường. Vậy âm mưu của Trần Thủ Độ dầu che lấp đến cỡ nào đi chăng nữa thì lịch sử cũng đã lột trần được rồi. Đó chẳng qua vì việc riêng của mình, chứ không phải trung với vua với nước như người xưa đã thể hiện.

Bấy giờ Trần Thái Tông ngồi trên ngai vàng như trên đống lửa. Ông cảm thấy hơn 10 năm là bạn, là chồng chung sống với Lý Chiêu Hoàng và chính người ấy đã nhường ngôi báu cho mình để lên làm vua, khởi đầu cho cơ nghiệp của triều Trần, nhưng bây giờ nhìn đâu cũng chẳng thấy. Tuy Thuận Thiên không lớn hơn Chiêu Hoàng mấy tuổi, nhưng khi nhìn cái bào thai trong bụng nàng càng ngày càng lớn lại sinh âu sầu ảo não nhiều hơn. Mặc dầu Thủ Độ và Thị Dung bày đủ mưu mô, dựng đủ kế sách, nhưng nhà vua không vui, chán cảnh cung son và vợ con nên đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân, nhằm ngày 9 tháng 5 năm 1236 đã xảy đến nơi hoàng cung Thăng Long thuở ấy.

Đó là một ngày lịch sử, không phải mồng 8 tháng 2 như Thái Tử Tất Đạt Đa đã rời cung thành Ca Tỳ La Vệ bên Ấn Độ cách đó 1.700 năm về trước để thực hiện giấc mộng làm Phật của mình và khi ấy Thái Tử Tất Đạt Đa cũng đã có Công Chúa Da Du Đà La và La Hầu La nữa. Tình phụ tử phu thê Ngài quyết đoạn lìa để vào núi tu hành và giờ đây ở tại nước Đại Việt cũng có một ông vua như vậy.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 5, tờ 9b5-10b4 đã ghi lại vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6, tức năm Đinh Dậu (1237): “Nạp vợ anh Hoài Vương Liễu là Công Chúa Thuận Thiên họ Lý làm Hoàng Hậu Thuận Thiên, giáng Chiêu Thánh Lý Chiêu Hoàng làm Công Chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên đã có thai Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ cùng Công chúa Thiên Cực (tức Trần Thị Dung) mật mưu với vua mạo nhận để nhờ về sau, nên có lệnh ấy. Liễu do vậy hợp quân ở sông lớn làm loạn.”

Vua trong lòng không yên, đang đêm ra khỏi thành, đến núi Yên Tử ở với Quốc Sư Phù Vân (Sư là người bạn cũ của Trần Thái Tông). Sáng hôm sau, Thủ Độ đem quần thần đến đón vua về kinh sư. Vua nói: “Trẫm vì tuổi trẻ chưa cáng đáng nổi công việc nặng nề, mà phụ hoàng đã vội lìa bỏ. Trẫm sớm mất chỗ tin cậy, nên không dám ở ngôi vua để làm nhục xã tắc.” Thủ Độ ba lần cố mời, vẫn chưa nhận được sự đồng ý của vua, bèn bảo mọi người: “Hễ xa giá ở đâu, tức đó là triều đình.” Liền cắm nêu trong núi, nói chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là gác Đoan Minh, sai người xây dựng. Quốc Sư nghe nói tâu rằng: “Bệ hạ nên gấp hồi loan, chớ khiến chặt phá núi rừng của bần tăng.” Vua bèn trở về kinh đô. Được hai tuần. Liễu tự nghĩ thế cô, khó lòng đối lập, ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin ăn. Bấy giờ vua đang ở thuyền rồng, nhìn nhau mà khóc.

Thủ Độ nghe được, thẳng đến thuyền vua, rút kiếm thét to: “Giết thằng giặc Liễu.” Vua giấu Liễu ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ: “Phụng Càn Vương (Phụng Càn là hiệu cũ của Liễu đời nhà Lý) đến hàng đó thôi. Đồng thời lấy thân mình mà đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném kiếm xuống sông, nói: “Ta là con chó săn thôi, đâu biết anh em nhà ngươi thuận nghịch thế nào.” Vua hòa giải, rồi bảo Thủ Độ rút quân. Lấy các đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang làm ấp thang mộc của Liễu, nhân thế phong Yên Sinh Vương đất ấy. Quân lính làm loạn ở Sông Cái đều bị giết cả.”

Đọc đoạn lịch sử trên đây, ta thấy nhiều điều đáng truy cứu. Việc thứ nhất là Quốc Sư Phù Vân, ở đây nói là bạn cũ của Thái Tông. Như vậy trước khi đi xuất gia, chắc chắn vua đã tìm hiểu kinh Phật, cũng như việc bỏ ngôi vua vào núi tu, không phải là chuyện đơn thuần. Nơi cung vua đầy đủ tiện nghi, nhưng ở tại núi rừng Yên Tử chỉ có cây cỏ, chim muông. Ngoài ra chẳng có ai là bạn bè hay người hầu hạ cả. Do vậy, việc xuất gia ấy chẳng phải đơn thuần là giận Trần Thủ Độ đã ép duyên chị dâu lấy em chồng. Do vậy, vua mới quyết chí ra đi trong đêm hôm như vậy. Vua lấy cớ là cha mẹ chết sớm không nơi nương nhờ và không có ai đáng tin cậy, ngay cả Trần Thủ Độ đang ở trước mặt mình, nên chẳng dám ở ngôi vua, sợ làm nhục cho sơn hà, xã tắc. Đấy chỉ là một cái cớ để biện minh, nhưng Thủ Độ cũng chẳng phải là tay vừa khi lập luận rằng: “Bệ Hạ ở đâu thì triều đình ở đó.” Điều này không làm cho vua Trần Thái Tông lo, mà chính Quốc Sư Phù Vân phải lo lắng. Vì lâu nay nơi đây là chỗ tu hành thanh tịnh của Quốc Sư, mà bây giờ nhà vua lên đây làm náo loạn cửa thiền, thì điều ấy Quốc Sư khó chấp nhận được. Vả lại khi Quốc Sư chấp nhận ở lại núi rừng để tu niệm, có nghĩa là người đã chọn thiên nhiên làm chỗ ở. Bây giờ nếu nhà vua ở đây thì phải chặt phá núi rừng, mà nơi ấy có không biết bao nhiêu là cây cối và chim muông đang trú ngụ tại đó. Đây quả thật là lòng từ bi vô lượng của Quốc Sư, nên vua nghe theo và hồi kinh.

Trong khi đó Trần Liễu tự cảm thấy cô thế nên mới giả người đánh cá đến chỗ vua xin đầu hàng. Có như thế Thái Tông mới có thể gặp được. Lúc ấy thì tình huynh đệ đã thể hiện một cách chân tình và Thái Tông đã tha cho anh ruột của mình, trong khi đó Trần Thủ Độ sai thuộc cấp giết hết tất cả những quân lính dưới trướng của Trần Liễu để tránh sự mưu phản về sau. Như vậy Thủ Độ đâu chỉ có cho giết tập thể người nhà Lý hay truất phế ngôi vua của Chiêu Hoàng, mà ngay cả những lính nhà Trần được sự tin tưởng của Trần Liễu mộ tập vẫn bị Thủ Độ cho giết như thường. Đấy chẳng qua vì để bảo vệ cho chỗ đứng của chính mình thì đúng hơn là cho sơn hà xã tắc nhà Trần. Dầu ông tự nói trong cơn giận dữ rằng mình “chỉ là con chó săn thôi”. Chính sự trung quân, ái quốc trong sự đãi bôi đó, mà bao nhiêu vạn sinh linh đã bị chết một cách oan uổng qua việc thay ngôi đổi chủ giữa nhà Lý và nhà Trần này. Cuối cùng rồi tình huynh đệ đã chiến thắng, nên Thủ Độ buông kiếm xuống sông và Trần Liễu được tha tội chết.

Tuy nhiên, theo Thánh Đăng Ngữ Lục, tờ 8a8 - b2 lại ghi nhận, theo lời dịch của Học giả Lê Mạnh Thát, như sau:

“Năm Bính Thân, Thiên Ứng Chính Bình thứ năm, tháng tư (4/1236) nửa đêm vua vượt thành, qua sông đi về phía Đông, thẳng đến chùa Hoa Yên núi Yên Tử, tham vấn Quốc Sư Trúc Lâm Viên Chứng, do thế dốc chí học thiền. Những lúc rảnh rỗi việc công, bèn họp các bậc kỳ túc để tham vấn. Vua thường đọc kinh Kim Cang, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mới bỏ quyển kinh xuống, trong lúc trầm ngâm, bỗng nhiên đại ngộ. Bèn đem chỗ ngộ của mình làm bài “Thiền Tông Chỉ Nam Ca”.

Trong bài tựa của Khóa Hư Lục xuất bản vào năm Tự Đức 36 (1883) thì thông tin về sự kiện ngày mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân (1236) một cách chính xác và chi tiết do tác giả là vua Trần Thái Tông kể lại như sau:

“Vả Trẫm lúc tuổi nhỏ mới biết, nghe thoáng Thầy thiền dạy bảo thì ý lắng hết lo, trong sạch chút ít, bèn để tâm vào nội giáo, tham cứu đạo Thiền, hạ mình tìm thầy, thành khẩn mộ đạo. Tuy lòng hướng vào đạo đã sinh, nhưng cơ cảm xúc chưa tới. Vừa mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi trần, Trẫm nằm rơm gối đất, huyết lệ nát lòng, ngoài nỗi buồn đau, rảnh đâu việc khác.

“Thế rồi mới mấy năm sau, Thái Tổ Hoàng Đế tiếp bỏ ngôi trời. Niềm nhớ mẹ chưa nguôi, tình thương cha càng nặng. Ngổn ngang đau xót, khó nỗi khuây lòng. Nghĩ tới mẹ cha nuôi con vỗ về ôm ấp không thiếu cách gì, con dù thịt nát xương tan cũng không đủ báo đền trong muôn một. Huống chi, đấy hoàng khảo Thái Tổ (Trần Thừa) ta xây dựng cơ nghiệp rất mực gian nan, trị nước giúp đời lại càng khó nhọc. Người đem ngôi báu trao lại cho ta từ lúc ấu thơ, khiến ta đêm ngày lo sợ, không chút thảnh thơi.

“Ta tự bảo mình: Trên đã không có cha mẹ để tựa nương, dưới lại e chẳng xứng với lòng dân trông đợi, biết làm thế nào? Suy đi tìm lại, không gì hơn lui về chốn núi rừng cầu học đạo Phật, để hiểu rõ nghĩa lớn của việc lớn tử sinh, cùng đền đáp ân đức khó nhọc của cha mẹ, thế chẳng tốt hơn sao? Vậy là chí Trẫm đã quyết.

“Đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm, Trẫm cải dạng ra khỏi hoàng cung, bảo với tả hữu rằng: ‘Trẫm muốn ra ngoài chơi để lắng nghe tiếng nói của dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được mọi khó khăn của công việc.’ Bấy giờ tả hữu theo Trẫm chỉ bảy tám người. Giờ Hợi đêm ấy Trẫm cưỡi một ngựa lặng lẽ ra đi. Qua sông về hướng đông, mới mang tình thực nói với tả hữu. Họ đều ngạc nhiên, rơi nước mắt.

“Giờ Mão hôm sau, đến bến đò núi Phả Lại, sông Đại Than. Sợ có người biết, Trẫm lấy nón che mặt qua sông, tắt đường núi mà đi. Đến tối vào nghỉ ở chùa Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Lặn lội vất vả, núi hiểm, suối sâu, ngựa mỏi không tiến lên được nữa, Trẫm liền bỏ ngựa, vin vách đá mà lần bước. Giờ Mùi mới đến sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau lên thẳng đỉnh núi, vào yết kiến Quốc Sư là Đại Sa Môn phái Trúc Lâm, Quốc Sư vừa thấy Trẫm thì mừng rỡ, rồi ung dung bảo rằng: ‘Lão Tăng lâu ở núi hoang, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay Bệ Hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi rừng núi, chẳng hay Bệ Hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?’

“Trẫm nghe Sư nói, rơi hai hàng nước mắt, đáp lại rằng: ‘Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, trơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ sự nghiệp đế vương thuở trước, hưng phế bất thường, cho nên tìm đến núi này chỉ muốn cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác.’

“Sư nói: ‘Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu Bệ Hạ giác ngộ tâm đó thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài.’

“Bấy giờ thúc phụ Trần Công (Trần Thủ Độ) là em họ tiên quân (Trần Thừa), người được gởi gắm con côi. Khi tiên quân bỏ quần thần, Trẫm đã phong làm Thái Sư, tham dự quốc chính, nghe tin Trẫm bỏ đi, liền sai tả hữu khắp kiếm dấu vết. Rồi ông cùng các bậc quốc lão tìm đến núi này. Gặp Trẫm, ông đau đớn nói: ‘Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn phụng Bệ Hạ làm chúa tể dân thần. Lòng dân kính yêu, trông đợi Bệ Hạ chẳng khác nào con nhỏ quyến luyến mẹ cha. Huống nay cố lão trong triều chẳng một ai không là bề tôi thân thuộc, chúng dân sĩ thứ chẳng người nào không vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa trẻ lên bảy cũng biết Bệ Hạ là bậc cha mẹ dân. Vả, Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời trăn trối bên tai còn đó. Thế mà Bệ Hạ lại lánh gối ẩn cư nơi núi rừng, để theo đuổi cái thú riêng mình. Như thần nghĩ, Bệ Hạ tính kế tự tu đã vậy, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu chỉ để lời nói suông lại cho đời sau, sao bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Nhược bằng Bệ Hạ không nghĩ lại thì chúng thần và người trong thiên hạ xin cùng chết ngay hôm nay, lòng quyết không về nữa.’

“Trẫm thấy Thái Sư cùng các cố lão khăng khăng không chịu bỏ Trẫm, liền đem lời nói ấy ra bày tỏ với Quốc Sư. Quốc Sư cầm tay Trẫm nói: ‘Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ Hạ về thì Bệ Hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin Bệ Hạ đừng chút xao lãng mà thôi.’

“Vì thế Trẫm cùng mọi người về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rảnh việc, Trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo thiền. Đến các kinh điển của đại giáo thì không kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương, đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, vừa gấp sách lại ngâm nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền đem những điều giác ngộ được làm bài ca này, đặt tên là Thiền Tông Chỉ Nam. Năm ấy, Quốc Sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm cho ở chùa Thắng Nghiêm để trông coi việc khắc bản in kinh sách. Nhân đó, Trẫm viết ra bài ca, đưa cho Quốc Sư xem. Mới đọc qua một lần, Sư đã mấy phen tán thưởng nói: Tấm lòng của chư Phật ở cả trong bài ca này, sao không khắc in thành kinh bản để chỉ dẫn cho kẻ hậu học?”

Như vậy, theo lời tựa của Thiền Tông Chỉ Nam lại nói khác đi một ít với Đại Việt Sử Lược và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Hai quyển này do triều đình chủ trương biên soạn, nên dưới cách nhìn khác, còn Thiền Tông Chỉ Nam có thể do chính Vua Trần Thái Tông kể hay những người đệ tử viết lại có tính cách nhân rộng ra một chút về lời lẽ cũng như ý nghĩa của việc xuất gia, nên ta thấy nội dung ở phần trên của Thiền Tông Chỉ Nam viết là vì cha mẹ chết sớm, nên mới tìm Thầy học đạo Thiền. Thái Tông mất mẹ năm 16 tuổi và mất cha mấy năm sau đó. Thời gian này ông vẫn còn sống với Hoàng Hậu Lý Chiêu Hoàng. Như vậy thì do việc hiểu đạo của ông nên ông quyết đi xuất gia, vì cho rằng Thái Sư Trần Thủ Độ làm sai, chứ không phải vì ông chán ngán cảnh cung son? Theo như bài tựa này thì sự đi xuất gia của Vua rất chính đáng. Một điều đặc biệt ở đây chúng ta cũng nên quan tâm đến là Trần Thừa thân phụ của Trần Liễu và Trần Cảnh không làm vua và mẹ cũng không là Hoàng Hậu, nhưng khi Trần Cảnh lên làm vua thì phong cho thân phụ mình là Thái Tổ và mẹ là Hoàng Thái Hậu.

Việc giả dạng người thường để đi ra khỏi cung son, trong khi hai bên tả hữu không ngờ được, thì đó là việc lanh trí của nhà vua, chờ cho đến lúc qua sông rồi mới báo cho tả hữu biết. Quả là một diệu kế. Đọc phần tầm sư học đạo trên núi Yên Tử ở Việt Nam của Vua Trần Thái Tông, ta cứ ngỡ như chuyện vua Tần Bà Sa La từ Vương Xá Thành khi lên đảnh lễ Đức Thế Tôn trên núi Linh Thứu không khác là bao. Dĩ nhiên là vua Tần Bà Sa La đến thăm Đức Phật không phải muốn đi xuất gia, mà là chỉ muốn thăm viếng và đảnh lễ Đức Thế Tôn mà thôi. Nhưng vua vẫn vất vả bỏ ngựa, vin vách đá, đi bộ vào Linh Thứu để thăm Đức Phật và ở đây mô tả việc vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử để tìm Quốc Sư Phù Vân cũng không khác với câu chuyện của vua Tần-bà-sa-la cách đó 1.700 năm về trước là bao.

Hai câu đối đáp của Vua Trần Thái Tông và Quốc Sư Phù Vân nơi đây mới là điều đáng quan tâm và chúng ta có thể làm đề tài mỗi khi thiền quán. Vua nói: “Trẫm tìm đến núi này chỉ muốn cầu làm Phật chứ không cầu gì khác.” Rõ ràng mục đích của nhà Vua chỉ muốn đi tìm tâm Phật của mình. Trong khi đó Quốc Sư lại phán cho một câu còn hơn một công án của Thiền Tông, nên vua lại tỏ ngộ và quay về với chốn triều ca. Điều này chẳng phải do Trần Thủ Độ hăm dọa là quần thần sẽ chết nơi núi Yên Tử hay lấy uy quyền để phá rừng xây điện đài tại núi này, mà tất cả đều do Quốc Sư Phù Vân khi trả lời rằng: “Trong núi không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu Bệ Hạ giác ngộ tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài.”

Ngày xưa, cách đây 2.563 năm (tính đến 2019) về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên Pháp hội Linh Sơn cầm cành hoa sen đưa lên, trong đại chúng hiện diện chẳng ai hiểu gì, chỉ riêng Ngài Ca Diếp mỉm cười. Như vậy là Ngài Ca Diếp đã hiểu ý của Phật, còn những vị khác thì ngơ ngác chẳng rõ ý Phật như thế nào. Theo Thiền tông của Nhật Bản thì gọi đây là “Ishin denshin!”, có nghĩa là “dĩ tâm truyền tâm” - dùng tâm để truyền cho tâm. Như vậy trình độ và sự cảm nhận ngang nhau mới có thể nhận ra được, khi người Thầy muốn trao truyền cho đệ tử điều gì.

Khi Đức Phật còn tại thế Ngài hay dạy cho chúng đệ tử xuất gia cũng như tại gia về thiền An Ban Thủ Ý, có nghĩa là thiền quán niệm về hơi thở. Hít vào thở ra, ta biết mình đang hít vào thở ra. Nghĩa là chính mình phải tự biết, tự kiểm soát là mình đang làm gì và đang theo dõi hơi thở đến lần thứ mấy rồi, khi người ấy có tập trung chánh niệm.

Khi Phật giáo Nam Tông phát triển, có thêm Thiền Vipassana, có nghĩa là Tuệ Minh Sát hay Minh Sát Tuệ. Thiền này chia chẻ tâm thức ra các phần vi tế và tập trung vào việc quán đề mục, cho đến khi nào trí tuệ phát sanh mới được.

Đến khi Phật giáo được truyền qua Trung Hoa thì các vị thiền sư của phái Tào Động chủ trương quán thoại đầu. Thiền này có dụng ý rằng khi hành giả ngồi, việc gì xảy ra cứ để tự nhiên nó trôi qua trong tâm thức của mình. Đây gọi là thiền mặc chiếu, có nghĩa là yên lặng chiếu soi.

Trong khi đó thiền Lâm Tế lại quán về nghi tình hay suy nghĩ về một hay nhiều công án. Công án là đề tài rất hóc búa, giữa thầy và trò, giữa câu hỏi và trả lời, đôi khi chẳng ăn nhập vào đâu cả. Thế nhưng đó là một đề tài thả lỏng, để cho ai muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng cái hiểu đó không đi ra ngoài việc soi sáng nội tâm bằng trí tuệ, tỉnh giác.

Khi sang đến Việt Nam, nào là Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỷ thứ 6, rồi Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và kế đến là Trúc Lâm Yên Tử dưới triều Lý và triều Trần ở vào thế kỷ 12 và 13, là một loại Thiền đặc biệt như câu đối đáp giữa Phù Vân Quốc Sư và vua Trần Thái Tông mà ta đã thấy đoạn trích dẫn trên. Rõ ràng là nhà vua chỉ muốn làm Phật chứ không muốn gì khác. Vua đã là vua, bây giờ vua không thích làm vua, vua chỉ thích làm Phật thôi. Tuy nhiên Quốc Sư Phù Vân trả lời rằng: “Trong núi vốn không có Phật, nếu tâm Bệ Hạ yên, tâm ấy chính là tâm Phật.” Đề tài thiền quán này quá khó đối với nhà vua Trần Thái Tông rồi. Vì lẽ ở trong núi còn không yên được, thì làm sao khi ngồi trên ngai vàng mà giữ cho tâm mình an yên được? Quả là điều thiên nan, vạn nan. Nhưng vì lẽ Quốc Sư đã khuyên và Trần Thủ Độ đứng đó nghe, chỉ chờ có vậy để xa giá hồi cung, chứ thật ra Trần Thủ Độ cũng chưa rõ được dụng ý của Quốc Sư muốn nói điều gì.

Ở đây chúng ta thấy có hai vấn đề. Một là Quốc Sư muốn trao cho Vua Trần Thái Tông một công án khác. Đó là phải lo cho dân, cho nước. Dân sẽ không yên khi giặc Nam Tống ở phương Bắc tràn vào nước ta, khi nước không có vua và một vấn đề khác nữa theo như bài tựa của Thiền Tông Chỉ Nam thì nhà vua đã tụng kinh Kim Cang và đã rõ được lẽ sắc không rồi, nhất là khi tụng đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” vậy. Câu này có nghĩa là: “Nên ở chỗ không trụ để sinh ra tâm này.” Chỗ không trụ là chỗ nào? Đó chính là chỗ không chấp có và không chấp không, không chấp còn, không chấp mất, nghĩa là không bị dính mắc vào bất cứ một thứ gì, dẫu cho đang ngồi trên ngai vàng để cai trị thiên hạ đi chăng nữa, tâm kia sẽ không bị dao động.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng bên Trung Hoa, nối dòng Thiền từ Ngài Hoằng Nhẫn cũng vậy. Vị này không đắc pháp trực tiếp từ thầy của mình, mà nhận ra pháp khi nghe câu kinh Kim Cương như trên. Một vị vua khi đọc và nhận ra chân lý nơi câu này trong kinh Kim Cang và một người dốt không biết chữ, nhưng khi nghe câu này cũng ngộ được lẽ sắc không, nên đã được đại ngộ. Việc giác ngộ ấy không khác, chỉ có con đường đi đến sự giác ngộ của hai người khác nhau mà thôi.

Cũng như thế ấy, trong kinh Đại Bát Niết Bàn Hậu phần, quyển thứ hai, phẩm thứ 7 với tựa đề là “Ứng tận hoàn nguyên”, có nghĩa là việc ứng thân của Đức Phật vào thế giới Ta Bà này của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xong và nguyện ấy đã mãn, nên Ngài đã trở về chỗ uyên nguyên xưa kia. Vậy chỗ nguyên thủy ấy là gì? Đó là bản lai diện mục của Phật Tánh vậy. Phật Tánh vốn không đến, không đi, không còn, không mất, không tốt, không xấu, không tăng, không giảm. Vì vậy trong phẩm này có đoạn viết chỉ 9 chữ thôi. Thế mà đã giúp cho nhiều người được nhận ra pháp. Đó là: “Thể tánh của vô minh vốn là giải thoát.” Thật là tuyệt vời! Nếu vô minh và giải thoát không khác nhau thì phiền não và bồ đề vốn chỉ là một, cũng như sanh tử và Niết Bàn vốn không phải hai. Nếu ta chấp tướng thì một và hai khác nhau, nhưng khi chúng ta lìa tướng để quan sát thì trong hai có một và trong một có hai. Cả hai cùng tồn tại và cả hai cùng thay đổi, biến chuyển không ngừng. Đôi khi ta hiểu rằng: Vô minh thì không có thể tánh. Do vậy làm sao có thể giải thoát được. Vậy lấy gì để giải thoát? Không lẽ lấy bản tánh của vô minh để tự tạo giải thoát cho mình? Ở đây ta phải hiểu ngược lại. Nếu không có vô minh thì sự giải thoát ấy không có ý nghĩa. Cũng như thế đó, nếu không có phiền não thì làm sao có bồ đề và sanh tử đã không, thì Niết Bàn đâu cần hiện hữu? Đây là những phạm trù mà người tu Phật phải nắm bắt thật chính xác thì mới an lạc trong sanh tử được.

Sau khi Vua Trần Thái Tông chấp nhận lời yêu cầu của Thái Sư Trần Thủ Độ và nghe theo lời khuyên của Quốc Sư Phù Vân vốn là bạn cũ mà cũng là Thầy của mình trên phương diện Thiền học, nên nhà vua đã hoan hỷ trở về lại Thăng Long để trị vì thiên hạ. Khi Trần Thủ Độ nói rằng: “Như thần nghĩ, Bệ Hạ tính kế tự tu đã vậy, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao?” Câu hỏi này thật khó trả lời và nhất là Thủ Độ đòi chết tại Yên Tử, nếu Trần Thái Tông không chịu hồi cung. Lúc bấy giờ trong tâm vua chắc chắn có nhiều so đo lưỡng lự vì nhiều lý do khác nhau. Đứng về phương diện thế tục mà nói thì nhà vua đã chán ông Thái Sư này quá rồi. Do sự ép uổng mình phải lấy chị dâu làm vợ, nên trong lòng áy náy không yên, nhất là cái bào thai kia không phải con ruột của mình, nhưng cũng vì lý do cha mẹ chết sớm, không muốn giữ ngôi vị thiên chủ nên vào núi để tu thân. Cả hai lý do này đều chính đáng cả. Nhưng qua sự tỏ ngộ kinh Kim Cang rồi, nên vua Trần Thái Tông mới hồi kinh và ở một đoạn khác trong bài tựa của Thiền Tông Chỉ Nam, nhà vua có thuật lại rằng: “Trong khoảng hơn chục năm (1236-1246), mỗi khi được rảnh việc, Trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo thiền. Đến các kinh điển của Đại Giáo thì không kinh nào nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương...” Những vị đạo cao đức cả đây có thể là những cư sĩ thâm nho, thuần Phật, trong đó có cả Quốc Sư Phù Vân (hay Viên Chứng) và cũng có thể là những người cư sĩ đã tỏ ngộ đạo Thiền.

Nếu tất cả kinh điển của Đại Giáo không kinh nào là không nghiên cứu, điều ấy có nghĩa là Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Bảo Tích, Pháp Hoa, Bát Nhã v.v… Trần Thái Tông ròng rã trong hơn 10 năm ấy đã trì tụng hay đọc qua. Ở đoạn này cho chúng ta thấy nhà vua ban ngày thì lo quốc sự, triều chính và đêm về lại chong đèn đọc tụng kinh văn và nhất là kinh Kim Cang. Kinh này chỉ có 32 đoạn ngắn, so với những kinh khác dài hơn 100 hay 1.000 trang. Tuy nhiên lập luận của kinh này chỉ dành cho những bậc tối thượng thừa và cuối cùng thì Vua Trần Thái Tông đã liễu ngộ đạo mầu qua đoạn kinh văn “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như Lục Tổ Huệ Năng đã ngộ 8 chữ này trong kinh Kim Cang cách đó chừng 600 năm về trước.

Theo Thiền Uyển Tập Anh thì cho rằng Thiền Sư Hiện Quang (? - 1221) từng sống trên núi Yên Tử, rồi đến khi Vua Trần Thái Tông lên Yên Tử vào năm 1236 thì Thiền Tông Chỉ Nam tự ghi là gặp “Quốc Sư Trúc Lâm Đại Sa Môn”, trong khi đó Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 5 tờ 9b9 chép là gặp Phù Vân Quốc Sư. Còn Thánh Đăng Ngữ Lục tờ 8b4, Thiền Tông bản hạnh và Đại Nam Thiền Uyển kế đăng lược lục đều ghi là Vua Trần Thái Tông đã gặp Quốc Sư Viên Chứng. Vì Thiền Uyển Tập Anh có ghi đệ tử của Hiện Quang tên là Đạo Viên, nên rất có thể Viên Chứng chính là Đạo Viên.

Nếu quả thật Viên Chứng và Đạo Viên đều là tên của Phù Vân Quốc Sư thì ta có thể chắc chắn rằng Viên Chứng đã sống cho tới những năm 1278. Bởi vì, theo Thánh Đăng Ngữ Lục tờ 495, khi Vua Trần Thái Tông sắp mất, Vua Thánh Tông đã “sai hai Quốc Sư Phù Vân và Đại Đăng giảng pháp xuất thế gian” cho Vua Thái Tông, nhưng đã bị Vua khước từ. Đọc đoạn đã trích dẫn này ta có thêm nhiều chi tiết cần làm sáng tỏ hơn về danh hiệu Quốc Sư và Đại Sa Môn. Quốc Sư là bậc Thầy mô phạm của vua và cho cả nước. Ví dụ như dưới thời Vua Lê Đại Hành năm 981, Vua đã phong cho Khuông Việt Quốc Sư lo phò Vua và giúp nước. Do vậy những lời khuyên của vị Quốc Sư này rất quan trọng đối với Vua. Nếu nhà Vua chỉ toàn nghe những lời tâu của nịnh thần thì đã có những trung thần như các vị Quốc Sư can gián. Nếu không có những vị này thì dân sẽ chịu khổ, nếu vua là một bậc hôn quân. Quân sư có thể là cư sĩ, nhưng không là tu sĩ. Còn Quốc Sư dĩ nhiên phải là Tăng Sĩ, mà không thể là cư sĩ. Đến đầu triều nhà Lý và cuối thời tiền Lê chúng ta lại có Quốc Sư Vạn Hạnh và Thiền Sư Lý Khánh Vân, vốn là những bậc mô phạm về đạo đức cũng như chính trị, giáo dục v.v… nên Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ mới nhận những vị này làm Thầy của mình và phong cho những vị này là Quốc Sư. Điều này cũng dễ hiểu, vì Nho học chưa thịnh hành, nên chưa chọn được người tài ra hỗ trợ cho vua, trong khi đó những nhà Sư ở trong chùa từ lúc nhỏ, tinh thông Hán học qua việc đọc tụng kinh điển bằng chữ Hán, nên đối với các Ngài việc viết, nói, đọc, nghe chắc chắn không có gì khó khăn mấy, nên các vua Lê, Lý, Trần mới cần đến sự cố vấn của quý Ngài.

Danh từ Đại Sa Môn ở đây muốn ám chỉ bậc Sa Môn, người ly dục vĩ đại, ấy chính là Phù Vân Quốc Sư. Nghe chỉ riêng Pháp hiệu này của Sư, ta đã thấy rằng: Ngài là bậc Thầy như “mây nổi”. Mây thì vô định, hôm nay chỗ này, ngày mai chỗ nọ, nên gọi là “phù”. Mây bay về đâu? Ai biết được. Cho nên chức vụ Quốc Sư, dưới cái nhìn của một Thiền Sư cũng chỉ là một áng mây vô định, không thật tướng mà thôi. Vì lẽ Sa Môn là bậc ly dục của thế gian thì cần chỗ đứng trong thiên hạ để làm gì?

Ngoài ra một người xuất gia đa phần đều mang thêm 2 tên khác ngoài Pháp Danh. Đó là Pháp Tự và Pháp Hiệu. Do vậy Phù Vân hay Đại Viên hoặc Viên Chứng có thể chỉ là một vị chứ không phải là hai hay ba vị.

Thông thường, một đời vua chỉ cần một vị Quốc Sư và sau khi vua cha băng hà thì Thái Tử đăng quang sẽ tìm một vị Quốc Sư khác để làm cố vấn cho mình, chứ trong cùng một thời đại ít có hai vị Quốc Sư cùng hỗ trợ vua lo cố vấn cho triều đình. Như vậy chức vụ Quốc Sư không phải chỉ có rành rẽ về Phật Pháp mà các lãnh vực khác như chính trị, tôn giáo, chiêm tinh, văn hóa… cũng đều phải làu thông. Có như vậy mới có thể làm cố vấn cho nhà vua được.

Nhưng tại sao khi vua Trần Thái Tông sắp băng hà và Thánh Tông mời hai Quốc Sư Phù Vân và Đại Đăng giảng pháp xuất thế gian thì bị vua khước từ? Có lẽ vua Trần Thái Tông đã liễu ngộ về tánh không của Thiền gia rồi, nên không cần nghe thêm việc giảng đạo về pháp xuất thế gian của hai Quốc Sư nữa. Nếu có nói gì thêm, cũng không ngoài hai chữ Sắc Không, nên Trần Thái Tông đã cản lại, không muốn nghe gì thêm, cốt để cho tâm của mình rảnh rang và muốn chiêm nghiệm lại những gì của vô thường, khổ, không và vô ngã để rõ biết mặt thật của sanh tử là gì rồi.

Vua Trần Thái Tông về lại với triều đình vào năm 1236 và mặc dầu trong hơn 10 năm này (1236-1246) nhà vua ban ngày thì lo quốc sự, triều chính, khi đêm về lại lo đọc kinh sách Đại Thừa. Những bộ kinh lớn, không kinh nào mà chẳng đọc. Ngoài ra năm Đinh Mùi (1247) lần đầu tiên một khoa thi Tiến Sĩ có hạng bậc được mở ra, mà thông thường gọi là Tam Khôi, tức là ba người đỗ đầu nhất, nhì, ba của khoa thi Tiến Sĩ. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 5, tờ 15a9-b3 đã chép lại như sau: “Mùa Xuân tháng 2, mở thi lớn, lấy học trò, cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng Nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám Hoa Lang và 48 người đỗ Thái Học Sinh xuất thân khác nhau. Trước đó, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ lấy Giáp, Ất làm tên, chưa có lối tuyển Tam Khôi, đến nay mới đặt ra.

Như vậy, đến năm 1247 học vị tiến sĩ mới bắt đầu xuất hiện ở nước ta, mà ngày nay các nước như: Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản gọi là bác sĩ, nghĩa là người học rộng, biết nhiều. Trong khi đó, Âu Mỹ ngày nay gọi là: bác sĩ triết học, bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ nhãn khoa v.v… Chữ tiến sĩ có thể hiểu là những người được tiến thân qua thi cử và đứng đầu trong các kỳ thi khó nhất của triều đình và thông thường những trạng nguyên luôn được nhà Vua chọn làm phò mã. Có như vậy công chúa mới có chỗ nương thân, gá nghĩa phu thê chồng vợ và làm lợi ích cho triều đình nữa.

Phật và Lão là đạo xuất thế gian. Tuy sống trong thế gian, nhưng hướng về sự giải thoát sau khi chết là chính. Còn Nho giáo là đạo nhập thế, vì đời và vì quốc gia, sơn hà xã tắc mà hiện hữu. Vậy cho nên thời kỳ này của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông gọi là thời kỳ Tam Giáo Đồng Quy. Tại sao là Tam giáo đồng quy? Vì lẽ những Nho sĩ khi đi thi cũng phải biết về Phật giáo và Lão Giáo. Tiêu biểu cho việc này là bài thi tiến sĩ năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502) của Trạng Nguyên Lê Ích Mộc (1460 -? ). Bài thi này có cả thảy 47 câu hỏi, trong đó có đến 6 câu hỏi liên hệ về Phật giáo. Đó là những câu hỏi thứ 17, 20, 24, 28, 39 và 47 (Theo Lê Mạnh Thát). Như vậy khoa thi Tam Giáo bắt đầu từ năm 1247 đến đầu thế kỷ 16 (1502) triều đình Đại Việt vẫn lấy khoa thi Tam Giáo này làm chuẩn mực để chọn người tài ra giúp nước. Có lẽ trong lịch sử Việt Nam từ khi khai thiên lập địa cho đến bây giờ, trên dưới 2.000 năm như vậy, chưa có thời nào mà được tự chủ như Lý, Trần và cũng chưa có thời nào mà nền văn hóa giáo dục của Đại Việt có được kỷ cương cũng như rộng lượng như vậy. Bởi vì thuở bấy giờ trên từ vua quan, dưới cho đến thứ dân đa phần có tín ngưỡng Phật giáo, nhưng không vì thế mà Phật giáo dựa vào đó để chiếm độc tôn cho tôn giáo của mình, mà vua cũng như quan đồng một lòng lo cho dân, cho sơn hà xã tắc, nên mới vì họ mà lập ra những khoa thi cả ba tôn giáo như thế để chọn người tài. Đây là những chủ trương sáng suốt của vua Trần Thái Tông cũng như những vị vua sau này của Đại Việt vậy.

Bên cạnh vấn đề phát triển văn hóa giáo dục, vua Trần Thái Tông còn lo cho đời sống kinh tế của toàn dân nữa. Kinh tế cơ bản của Đại Việt thời đó là nông nghiệp. Cho nên công tác thủy lợi và phòng chống lũ lụt là một công tác quan trọng của nền kinh tế ấy. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 5, tờ 15b7-16a1 đã chép vào năm Mậu Thân (1248) như sau: “Tháng 3 ra lệnh các lộ đắp đê phòng chống nước lụt, gọi là đê Đĩnh Nhĩ, từ đầu nguồn cho đến bờ biển để chống lại nước lụt tràn ngập. Đặt chức Hà đê chánh phó để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp vào, mất bao nhiêu ruộng đất của dân thì theo giá trả lại bằng tiền. Đắp đê Đĩnh Nhĩ bắt đầu từ đó.”

Đọc qua đoạn văn này, ta thấy vua quan thời Trần Thái Tông rất nhân đức, biết lo cho dân cho nước. Dân có thương người lãnh đạo, thì kẻ đứng mũi chịu sào đất nước ấy mới nhờ cậy được. Nhất là việc tiến chiếm Đại Việt của quân Nam Tống vào năm 1257 đã chứng minh được điều này. Lúa nếu bị ngập thì úng hết cả cây và bông, thì dân chỉ có đói, mất mùa, cơ hàn lại xảy ra, nhà nước căn cứ vào đâu để đánh thuế. Do vậy, vua Trần Thái Tông mới bắt đầu cho xây đê Đĩnh Nhĩ, có như vậy mới đảm bảo chống được việc lụt lội bất thường, cũng như thay vì lấy đất của dân để xây dựng đê điều, thì vua Trần Thái Tông cho người đo đạc chỗ đất đắp vào nhiều ít từ ruộng của dân, rồi quy ra tiền để trả lại sòng phẳng cho dân, thì quả thật đây là một ông vua quang minh chính trực và là một trong nhiều vị vua có tâm Phật của cả triều Lý lẫn triều Trần.

Ngày 12 tháng 12 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7, tức ngày 17 tháng giêng năm 1258, cuộc đọ sức giữa đế quốc Nguyên Mông và quân dân Đại Việt chính thức bắt đầu. Vua Trần Thái Tông làm vua từ năm 1225 và nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông vào năm 1254. Như vậy nhà vua ngồi trên ngai vàng 29 năm và bây giờ là lúc lui về cung Thiên Trường để trở thành Thái Thượng Hoàng. Tuy làm Thái Thượng Hoàng, nhưng vua vẫn bên cạnh vua con. Do vậy cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258 dưới thời vua Trần Thánh Tông không thể thiếu sự cố vấn và điều hành trực tiếp của vua cha được.

An Sinh Vương Trần Liễu kết hôn với Thuận Thiên sinh ra Vũ Thành Vương Trần Doãn và Trần Quốc Khang. Khi Thuận Thiên về làm vợ của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông thì sinh ra Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Ích Vương Trần Ích Tắc và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.

Về phía Trần Liễu, anh ruột của Trần Thái Tông, sau đó lấy bà Lê Thị Diệu, tức Thuận Từ Hoàng Thái Hậu, bà này tiếp tục sinh cho Trần Liễu những người quan trọng cho lịch sử Việt Nam như: Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Cảm Hoàng Hậu. Đây là Hoàng Hậu, vợ của Trần Thánh Tông để sau này sinh ra Nhân Tông Trần Khản. Như vậy họ là anh em cận huyết với nhau, không bên nội thì cũng bên ngoại, không con nhà chú cũng là con nhà bác. Người cùng họ lấy nhau như vậy cho đến hết đời nhà Trần.

Nguyên Mông lấy cớ đi đánh Chiêm Thành, nằm về phía nam Đại Việt, nên mượn đường của nước ta để đi chinh phạt, nhưng trên thực tế thì Hốt Tất Liệt và thuộc hạ quyết chinh phạt Giao Chỉ, mặc dầu thuở ấy dân ta đã độc lập tự chủ từ lâu rồi, ít nhất cũng sau thời Ngô Quyền thắng quân Nam Hán vào năm 938. Như vậy đến năm 1258, ít ra chúng ta cũng có đến 320 năm thanh bình an lạc đối với phương Bắc. Nhưng người phương Bắc không để yên cho ta sống thanh bình, mà họ đã gây ra chiến tranh, khiến cho thế giới phải kinh hoàng, nhất là việc Thành Cát Tư Hãn cho đoàn quân xâm chiếm cả Triều Tiên và Nhật Bản. Về phía tây thì họ lấn chiếm gần đến Âu Châu và Đông Nam Á họ tiến gần đến Úc Châu. Vó ngựa chinh phạt của quân Nguyên Mông đã nhiều lần chiếm lấy Thăng Long vào năm 1250 rồi 1285 cũng như 1288. Đây là sự khôn ngoan của vua chúa Đại Việt. Ban đầu giả thua, để cho địch quân tha hồ vào thành quậy phá. Tưởng rằng hay, nhưng đã bị mắc mưu kế của vua quan Đại Việt là khi quân Nguyên Mông tiến vào thành Thăng Long rồi thì Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông đã được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung cho di dời đến nơi khác rồi. Cuối cùng thì những thuyền bè chở lương thực tiếp tế cho quân Nguyên Mông muốn đến Thăng Long lại bị các cánh quân của Quang Khải, Nhật Duật chặn lại và ở mạn Bắc Hưng Đạo Vương hợp quân với Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng kéo về Thăng Long bao vây thành, khiến cho địch quân tổn thất nặng nề. Phần vì khí hậu nước Nam nóng lạnh thất thường, phần vì lính Nguyên Mông bữa no bữa đói, không còn tinh thần chiến đấu, nên khi ra trận chỉ mang lại sự thất bại nặng nề. Các tướng Nguyên Mông như Hốt Tất Liệt, Phàn Tiếp và sau này là Ô Mã Nhi phải tìm cách thoát thân về Tàu để bảo toàn tánh mạng.

Thế là trong cuộc đọ sức lần đầu với quân Nguyên Mông vào năm 1259, Đại Việt chúng ta toàn thắng. Một điều đặc biệt là những trận đánh lịch sử này đều có sự hiện diện của Tuệ Trung Thượng Sĩ, vốn là một cư sĩ thiền sư, anh ruột của Trần Hưng Đạo và là bác ruột của vua Trần Nhân Tông, nhưng ít thấy lịch sử nước nhà nhắc đến, ngay cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay Đại Việt Sử Lược. Không biết vì lý do gì? Có thể Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên là những nhà Nho, nên không muốn nhắc đến sự hiện diện của những nhà Phật học chăng? Như thế thì quá hẹp hòi. Vì lẽ khi Phật giáo thịnh hành dưới thời Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông và ngay cả Anh Tông về sau này nữa, thì những ông vua này vẫn cho mở khoa thi tam trường gồm cả Phật, Nho, Lão và lập đền thờ Khổng Tử cũng như 72 vị hiền thần. Đâu phải vua chỉ thờ Phật và chỉ riêng đề cao tôn giáo của mình? Thế mà khi Nho thịnh thì những nhà Nho này họ chẳng mấy khi quan hoài đến Phật giáo, lại còn ém nhẹm vai trò chủ đạo của họ trong việc chiến thắng quân Nguyên Mông nữa. Từ lý do này nên trong quyển “Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa” có hai Chương được viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thật rõ ràng từ trang 147 đến trang 201 (Tác giả Thích Như Điển) quý độc giả có thể tham cứu 2 Chương này trong quyển sách trên để rõ biết vai trò của 2 vị tướng tài này dưới thời Thái Tông và Thánh Tông cũng như Nhân Tông đã dùng sức mạnh của chính mình qua việc tu thiền định và sức mạnh của nhân dân qua việc ban lòng từ của vua chúa, thương dân như chính con ruột của mình, cho nên sau này những Hội Nghị ở Bình Than và Điện Diên Hồng vào những năm 1285 và 1287 thành công đột phá là nhờ vào tinh thần của Phật giáo không ít. Cho nên, tác phẩm này lấy tên: “Vua là Phật, Phật là Vua” cũng không ngoài những ý nghĩa vừa nêu trên.

Việc khen chê Trần Thủ Độ lâu nay sử sách đã viết nhiều và tùy theo quan điểm của từng người cũng như từng thời đại. Tuy nhiên cũng phải khen câu nói của Trần Thủ Độ khi quyết đánh bại quân Nguyên Mông lần đầu vào năm 1258 là: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ khỏi nhọc lo nỗi khác.” Nhờ vậy mà Thái Tông mới an lòng tiếp tục chiến đấu với các tướng tài khác cũng như ẩn mình cùng Thái Tử khi không cần phải xuất hiện để nghinh địch. Vì lẽ nhiều trận đánh lớn đã có Trần Thủ Độ, Hưng Đạo Đại Vương, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật ứng phó rồi.

Ngoài ra, trong những trận thủy chiến còn có hai tướng tài ít ai quan tâm đến nhiều. Đó là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai ông có tài lặn rất lâu và rất giỏi, nhằm tìm cách đục thủng thuyền của giặc Nguyên Mông, khiến cho nước tràn vào và những chiến thuyền chở lương thực bị chìm hết. Điều ấy các tướng cũng như quân Nguyên Mông không bao giờ ngờ đến được.

Ngày kinh thành Thăng Long ca khúc khải hoàn là 24 tháng chạp năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7, tức ngày 29 tháng giêng năm 1258, vua Trần Thái Tông đã về đến kinh đô Thăng Long và ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Ngọ Nguyên Phong thứ 8 (1258) theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 5 tờ 23b 5 - 8 viết, nhân dịp Tết Nguyên đán, vua Trần Thái Tông tổ chức ăn mừng năm mới, đồng thời định công khen thưởng cho các tướng lĩnh có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vừa qua. Khi thưởng cho quan quân, dĩ nhiên cũng có phạt những người có tội, trong đó có Hoàng Cự Đà, nhưng sau vua Thái Tông đã mở lượng hải hà khoan dung và buộc Cự Đà hãy lập công chuộc tội. Đây là hành động của một nhà lãnh đạo đại tài, để làm gương cho con cháu muôn đời về sau.

Mặc dầu quân ta thắng trận, nhưng vua quan nhà Trần biết rằng, thế nào quân Nguyên Mông cũng sẽ tìm cách sang nước ta phục thù lần nữa, nên cho sứ qua triều đình nhà Tống để quan hệ. Đó là điều thiết yếu. Một mặt để xem động tĩnh bên Nam Tống - Nguyên Mông có chuẩn bị gì cho cuộc chiến tranh lấn chiếm nước ta trong thời gian tới không. Mặt khác, dẫu sao đi nữa Đại Việt ta vẫn là một nước nhỏ nằm sát một nước lớn cận kề và có thắng đi nữa thì cũng nên cầu hòa mới an vui cho trăm họ. Đây là diệu kế mà nhiều đời sau các vua chúa Việt Nam đều làm như vậy. Dĩ nhiên là người Tống chẳng tin gì việc này, nhưng việc cầu sắc phong cho Vua An Nam là điều cốt để cho nhà Tống an lòng.

Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258) Trần Thái Tông truyền ngôi cho con là Trần Hoảng, lui về Bắc Cung. Thái Tử lên ngôi Hoàng Đế, cải nguyên Thiệu Long thứ nhất, đại xá, xưng là Nhân Hoàng, tôn Thượng Hoàng là Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế. Như vậy một đời làm vua trong 29 gần 30 năm của vua Trần Thái Tông quá tuyệt vời. Bởi vì lúc bỏ ngôi đi xuất gia ở chùa Yên Tử hay khi trở lại triều đình, ngồi trên ngai vàng để chăn dân trị nước, nhưng nhà vua vẫn không quên thiền quán cũng như kinh kệ. Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông ca khúc khải hoàn, ấy cũng là lúc nên nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng. Cái được và cái mất xưa nay vốn thường tình trong cuộc đời này. Do vậy khi đã hiểu hai chữ sắc không rồi thì vua Thái Tông cũng chẳng muốn bám víu làm gì, mà sau khi thưởng công phạt tội cho quan quân, nhà vua muốn lui về nơi chốn yên tĩnh để tiếp nối giấc mộng khi xưa, sống như một thiền sư, mặc dầu bên mình có đủ cả tam cung lục viện.

Cũng chính trong thời gian trực tiếp nắm quyền lãnh đạo ấy, vua Trần Thái Tông đã viết chú giải cho một bản kinh cơ bản, làm nòng cốt cho hệ ý thức của Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc, đó là Kim Cương tam muội kinh, mà ta sẽ bàn kỹ dưới đây. Bản chú giải này nay đã mất. Nhưng may mắn là bài tựa của bản chú giải này, giống như trường hợp của bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, vẫn còn được bảo lưu trong Khóa Hư Lục. Chính trong lời tựa này, vua Trần Thái Tông đã nói:

“Trẫm kém đức, chủ trì ngôi báu, dây mục chăn dân. Từng lo vất vả, chẳng ngại sớm hôm. Tuy một ngày trăm việc, cũng trộm lúc rảnh rang. Chăm việc tiếc giờ, học càng tăng tiến. Một chữ “đinh” lo chưa biết đến, đêm canh hai còn gắng tìm xem. Đã duyệt phần điển Khổng Khâu, lại xét kinh đạo Thích. Kinh này vừa gặp, trăm cảm đã sinh, sâu kín mối manh, suy đi nghĩ lại. Nhấm nháp mùi nghĩa lý, thu thập vẻ văn hoa. Làm rõ ràng lời nói thánh nhân, để giúp ích ít nhiều hậu học. Lạm đem chút kiến thức “vằn báo” hẹp hòi, hầu mở mang tâm trí “vượn đàn” giận ngốc. Do đó rộng tỏ cõi lòng, tự thân chú giải. Dò nghĩa thẳm ở Long cung, tìm lời hay Thứu lĩnh. Khơi giọt nước ở tận nguồn chánh giác, đắp bụi xa nơi cửa ngõ chân như. Phát huy ý chỉ, rộng mở chân tông. Khiến cho vừa thoáng xem văn, đã hiểu rõ ràng nghĩa lý. Phá giậu phên bền vững của bọn tà, làm mẫu mực lễ nghi cho môn đệ.

Vọng kiến mênh mang, dầu biết ngôi cao hướng bắc, đường mê quấn quýt, tạm hay lối thẳng về nam. Xin làm chỗ dựa cho người sau, để thấy lòng ta không tiếc. Cho nên ta làm bài tựa này.”

Đây là lời tựa của Kim Cang chú giải kinh, thuộc Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc, sau khi vua Trần Thái Tông đọc sách xong mới viết. Quả thật lời văn bóng bẩy, sáng sủa vô cùng, mà dịch giả Lê Mạnh Thát dịch sang Việt ngữ càng lộng lẫy hơn nữa, chứng tỏ rằng vua là bậc minh quân hiền đức, còn Giáo sư Lê Mạnh Thát là bậc học giả nổi tiếng xưa nay ở thế kỷ 20, 21 này, mới tạo nên được một áng văn tuyệt mỹ như vậy. Chỉ có vài từ khó hiểu sẽ giải thích sau.

Riêng việc vua lúc nhàn rỗi lại xem kinh, vì kinh hay quá nên xem đến tận canh hai, tức là từ 1 đến 2 giờ sáng vua mới an giấc. Không những đọc Phật thư mà còn duyệt qua những phần lý giải của Khổng giáo nữa. Quả là một vị vua có nhiều khả năng về nội và ngoại điển như vậy. Hai chữ “vằn báo” đối lại với hai chữ “vượn đàn” là ý nói chỗ hẹp hòi, nông cạn so với số nhiều, có trí tuệ. Nghĩa của kinh này sâu thẳm như dưới Long cung và lời lẽ thì hay như Đức Phật đã giảng nơi núi Linh Thứu. Khi đọc và viết lời tựa cho tác phẩm này vua Trần Thái Tông vẫn hướng về phương Bắc, tức là vua chúa của Trung Hoa và sau đó lại đi thẳng về quê hương Đại Việt mình qua tư tưởng đã liễu đạt nghĩa lý của kinh văn, nên mới viết lời tựa này để người đời sau lấy đó làm chỗ tìm học. Nhưng rất tiếc là cả tác phẩm này không còn nữa, chỉ còn lời tựa này do vua Trần Thái Tông viết khi đang làm vua trong thời gian từ năm 1236 - 1258.

“Ngay cả một tác phẩm còn bảo lưu nguyên vẹn là Lục Thời Sám Hối khoa nghi, vua Trần Thái Tông cũng viết trong thời gian nắm quyền của mình như lời tựa đã ghi: “Trẫm nhờ trời yêu mến, hưởng ngôi chí tôn. Việc dân vất vả, việc nước bộn bề. Ngoài thì phồn hoa cám dỗ, trong thì thị dục xé vò. Miệng chán mùi ngon, mình đầy vàng ngọc. Mắt, tai, tôi tớ sắc thanh, ăn ở yên lành đài tạ. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, kẻ học bướng mù, gốc lành yếu mỏng. Ngày thì bụi căn va chạm, lưới nghiệp kéo lôi; tối thì màn ngủ lấp che, dây lười trói buộc. Ngày đêm theo duyên, đâu chẳng là lỗi gây họa chuốc hiểm. Trẫm lấy điều đó ghi nhớ trong lòng, thương cảm ngổn ngang, quên ăn mất ngủ. Nhân lúc việc triều rảnh rỗi, xem hết kinh luận và các nghi văn, biên soạn phép “lợi mình lợi người” để chỉ bảo chúng sanh. Sau đó lại nghĩ rằng: Phàm những nghiệp chướng tích tụ, đều do sáu căn tạo thành. Do thế, Thích Ca Văn Phật khi chưa thành đạo, trước vào Tuyết Sơn khổ hạnh sáu năm, cũng là vì sáu căn đó. Vậy Trẫm phỏng theo ý ấy, chia sáu căn thành 6 thời, mỗi thời sám hối một căn. Trẫm tự tay viết ra lời lễ sám, gọi là Lục thời sám hối khoa nghi.”

Tuy là ở trong cung son có thê thiếp người hầu, nhưng vua Trần Thái Tông cảm nhận được rằng do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cội nguồn gây ra những chướng duyên trong cuộc sống, dẫn đến lưới nghiệp bủa vây. Do vậy vua mới chong đèn đến khuya để đọc kinh văn, tìm chân lý. Nhà vua suy nghĩ rằng 6 năm tu khổ hạnh ấy tượng trưng cho sáu căn. Đây là cách suy nghĩ cũ, nhưng cũng rất mới, vì xưa nay ít có kinh sách nào nói như vậy, như vua Trần Thái Tông đã viết trong Lục thời sám hối khoa nghi này. Điều Đức Thích Ca tu khổ hạnh trong núi Hy Mã Lạp Sơn là thật. Cả Nam Truyền và Bắc Truyền Phật giáo đều công nhận như vậy. Chỉ có khác nhau ở điểm là năm tháng xuất gia mà thôi.

Bên kinh điển Nam Truyền thì cho rằng: Thái Tử Tất Đạt Đa đi xuất gia năm 29 tuổi. Tu 6 năm khổ hạnh trong Hy Mã Lạp Sơn và 35 tuổi chứng đạo quả thành Phật cộng với 45 năm thuyết pháp độ sanh thành 86 tuổi nhập Đại Bát Niết Bàn. Bên Bắc Truyền thì chỉ giống nhau ở tuổi thọ và 6 năm khổ hạnh, nhưng tuổi xuất gia và giảng kinh lại khác. Đó là 19 tuổi xuất gia, 6 năm khổ hạnh. Ba mươi tuổi thành đạo (còn 5 năm nữa chưa biết làm gì và ở đâu). Thuyết pháp độ sanh trong 49 năm để 80 tuổi thì nhập Đại Bát Niết Bàn. Nhưng ở đây vua Trần Thái Tông chỉ đề cập đến 6 năm khổ hạnh, tượng trưng cho 6 căn của mỗi người. Đó là điều đáng quan tâm mỗi khi chúng ta thiền quán.

Theo tác giả Lê Mạnh Thát thì việc truyền ngôi cho con mình là Trần Hoảng sau khi đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258 là do nhà vua đã đọc qua “Lục Độ Tập Kinh” rồi và kinh này là một trong những bản kinh xưa cũ nhất của Phật giáo Việt Nam chúng ta. Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì kinh này có từ thời Khương Tăng Hội, tức là vị Sơ Tổ của Phật giáo Việt Nam chúng ta kể từ thế kỷ thứ 1, thứ 2 và kinh được viết bằng tiếng Việt, nhưng đã thất truyền. Đây có thể là một sự thật, mà cũng có thể là một giả thuyết. Vì giai đoạn gần 1.000 năm Bắc thuộc từ sau thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu cho đến khi Ngô Quyền chống lại quân Nam Hán và giành lại tự chủ cho nước nhà năm 938 thì dân tộc ta bị Hán hóa và chữ Hán vẫn phải được học cũng như viết và giao dịch hằng ngày, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng: Dân ta không khuất phục người Hán, nên nói tiếng Việt khi gặp nhau chào hỏi, còn sách sử bắt buộc phải viết bằng chữ Hán, thì đó là điều có thể lý giải được. Theo ông, bài thơ Vật Bất Năng Dung của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung còn lưu lại trong Thượng Sĩ Ngữ Lục tờ 267 b3-7, mà hai câu mở đầu là một tóm tắt nội dung kinh Chi Lõa Quốc của Lục Độ Tập Kinh quyển 5, nằm trong Đại Tạng Kinh (Đại Chánh Tạng), Tập 3, kinh số 152, từ trang 29, tờ c, dòng thứ 11 đến trang 30, tờ a, dòng 9:

“Vui xứ mình trần, cởi áo đi
Phải đâu quên lễ, tục tùy nghi”

(Lõa quốc hân nhiên tiện thoát y,
Lễ phi vong giả tục tùy nghi.)

Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát cũng quyết đoán rằng bản thân vua Trần Thái Tông đã đọc qua Lục Độ Tập Kinh rồi, vì trong bài Phổ khuyến phát Bồ-đề tâm của khóa Hư Lục, quyển thượng, 9b 1-2, khi bàn đến việc xả thân cầu đạo, vua Trần Thái Tông đã nhắc đến tích xả thân cứu cọp. Tích này nằm trong Lục Độ Tập Kinh, quyển 1, Đại Tạng Kinh (Đại Chánh Tạng), Tập 3, kinh 152, trang 2, tờ b, dòng 8 -26, kể chuyện tiền thân của Đức Phật khi còn làm vị Bồ Tát thấy một con cọp mẹ vì đói quá muốn ăn thịt con của mình, nên đã đưa đầu cho nó ăn. Đây là hành động của Bồ Tát khi phát tâm bồ-đề để cứu khổ chúng sanh và cũng theo Giáo sư Lê Mạnh Thát việc nhường ngôi cho con của vua Trần Thái Tông không thấy trong các điển tịch của Trung Quốc, nhưng Kinh Vua Ma Điều (摩調王經) của Lục Độ Tập Kinh, quyển 8, thuộc Đại Tạng Kinh, kinh số 152. Tại trang 48, tờ c, dòng 18 đến dòng 23, ghi lại mô hình này qua lời vua Ma Điều (摩調) dạy con như sau:

『吾頭生白,白者無常之證信矣,不宜散念於無益之世。今立爾為帝,典四天下,臣民繫命于爾,爾其愍之。法若吾行,可免惡道;髮白棄國,必作沙門。立子之教,四等五戒十善為先。』明教適畢,即捐國土,於此廬地樹下,除鬚髮著法服作沙門。

“Ngô đầu sinh bạch, bạch giả vô thường chi chứng tín hỹ. Bất nghi tán niệm ư vô ích chi thế. Kim lập nhĩ vi đế, điển tứ thiên hạ, thần dân hệ mệnh vu nhĩ, nhĩ kì mẫn chi. Pháp nhược ngô hành, khả miễn ác đạo. Phát bạch khí quốc, tất tác sa môn. Lập tử chi giáo, tứ đẳng ngũ giới thập thiện vi tiên.” Minh giáo đích tất, tức quyên quốc độ ư thử lư địa thụ hạ, trừ tu phát, trước pháp phục, tác sa môn.

“Đầu ta sinh tóc bạc, mà tóc bạc là dấu hiệu rõ rệt của vô thường. Không nên tán tâm tạp niệm một đời này vô ích. Nay [ta] lập con làm vua, cai trị bốn thiên hạ, đời sống muôn dân phụ thuộc nơi con, con phải biết thương xót họ. [Con] làm theo như ta thì có thể tránh khỏi [rơi vào] đường ác. [Đó là,] khi có tóc bạc hãy từ bỏ ngôi vua, quyết làm sa-môn. Việc dạy con phải [chú trọng] trước hết vào bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) cùng năm giới và mười điều lành.” Dạy rõ những điều ấy xong, vua lìa bỏ cõi nước, đến chỗ lều tranh dưới gốc cây này, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, làm người xuất gia.”

Việc truyền ngôi của vua Ma Điều tương đương với văn bản của kinh Pali như các kinh Makkhàdeva - Jàtaka (137), Sàdhànajàtaka (444) và Nimijàtaka (541) và những kinh này được khắc trên tháp Bharhut. Có điều đáng ghi nhận nơi đây theo vua Ma Điều khi thấy mình tóc bạc, có nghĩa là đã già. Chứng tỏ rằng vô thường đã đến, nên phải nhường ngôi lại cho con để đi xuất gia làm sa-môn và quyết không can dự vào triều chính nữa. Nhưng vua chúa nhà Trần thì khác, nghĩa là sau khi thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất 1258 vua Thái Tông đã nhường ngôi cho Thánh Tông. Sau khi thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1288, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Anh Tông để đi xuất gia và hình ảnh của những vị Thái Thượng Hoàng này vẫn luôn cận kề bên cạnh vua con khi đánh giặc chống ngoại xâm, cũng như khi an bình thịnh trị và việc cố vấn này có giá trị mãi cho đến khi vua cha băng hà mới thôi.

Theo truyền thống của Ấn Độ giáo hay Bà La Môn giáo mà Đạo Phật không phải là không bị ảnh hưởng ít nhiều. Đó là việc xuất gia làm Sa Môn khi việc đời đã đi vào chỗ ổn định. Do vậy mà có Sa Môn Thích Tử, Sa Môn Bà La Môn, Sa Môn ngoại đạo v.v… Như thế ta có thể nói rằng: Vua Trần Thái Tông vừa ảnh hưởng tư tưởng trong Lục Độ Tập Kinh theo Nam Truyền Phật giáo, mà cách xử sự nhường ngôi, nhưng tại vị ngồi phía sau vua con với tư cách là Thái Thượng Hoàng cố vấn như vậy, chỉ Việt Nam mới có, chứ Trung Quốc thì không. Trung Quốc đa phần từ thời nhà Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh hay trước đó, con lên làm vua thì vua cha đã băng hà, hoặc giả khi một triều đại thay đổi, bắt buộc phải thay họ đổi tên, chứ những nước quân chủ phía Bắc đều không giống như Đại Việt của chúng ta ngày xưa. Ngay khi Đại Hàn hay Nhật Bản lúc còn vua cha thì Thái Tử không chấp chính lên ngôi. Trừ phi vua đó theo cách tân như vua Heisei (Bình Thành) của Nhật Bản mới đây vào năm 2018 đã nhường ngôi vua khi vua cha trên 80 tuổi và vua con là Reisei (Lệnh Hòa) lên làm vua trong hiện tại. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử vua chúa Nhật Bản hơn 128 đời mới có đời này như vậy. Vả chăng lịch sử đã đổi thay, nên con người, quốc gia và xã hội bắt buộc cũng phải thay đổi theo vậy. Đây quả là những chuyển biến tốt của xã hội.

Đọc trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán xuất hiện vào thời vua Đại Chánh (Taisho) ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ thứ 20 thỉnh thoảng ta vẫn thấy những bản kinh do các vị Sư người nước Phù Nam dịch từ tiếng Phạn sang chữ Hán, nhưng ngày nay hỏi nước Phù Nam nằm ở đâu thì ít có ai biết được. Mới đây có những Giáo sư học giả người Hoa Kỳ cùng với những Sinh viên đã tốt nghiệp Tiến Sĩ, trong đó có cả những vị Tăng Sĩ của Phật giáo Việt Nam về tận Việt Nam để truy nguyên ra nguồn gốc của quốc gia này. Đại khái một thời quốc gia này đã có lãnh thổ từ một phần phía Bắc Miến Điện rồi Thái Lan và miền Nam Cam Bốt, kéo dài mãi cho đến miền Nam Việt Nam từ Nha Trang đến Sài Gòn Gia Định ngày nay. Vậy lịch sử đã biến thiên không ngừng và đã từng có những dân tộc như thế, nhưng vì qua bao cơn binh biến, nên thế nước lòng dân đã hợp thức hóa nhiều dân tộc nhỏ bé hơn dân tộc này và đôi khi lớn hơn cả những dân tộc kia, mà bây giờ chỉ còn tiếng gọi như Chiêm Thành hay Phù Nam cũng là điều mà lịch sử đã chứng minh khá rõ ràng.

Đọc lịch sử hình thành chùa Todai (Đông Đại) ở Nara (Nại Lương) tại Nhật Bản, ta thấy trải qua hơn 1.300 năm lịch sử, ngôi chùa này vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay, tuy qua bao nhiêu cơn động đất và thiên tai, ngôi chùa không còn lối kiến trúc nguyên vẹn như xưa nữa, nhưng tượng đồng được khánh thành vào năm 752 dưới thời Thánh Vũ Thiên Hoàng vẫn còn nguyên vẹn. Đây là tượng của Đức Phật Tỳ Lô Xá Na. Đến đây để nhớ lại một sự kiện lịch sử huy hoàng của quốc gia Phù Nam là dường nào. Thuở ấy Thánh Vũ Thiên Hoàng cho người sang nước Phù Nam để thỉnh Ngài Bồ Đề Tiên Na người Thiên Trúc và Ngài Phật Triết xuất thân từ nước Phù Nam sang Nhật Bản để làm lễ khai nhãn cúng dường tượng Phật bằng đồng này. Sự kiện lịch sử này cho phép ta có những nhận xét khách quan như sau:

Thứ nhất là vào thế kỷ 8, Phật giáo Nhật Bản mới được trực tiếp truyền vào từ Triều Tiên trước đó chừng 300 năm, nên chưa có những bậc danh tăng đáng kính nào hiện hữu, nên nhà vua mới cho người đi thuyền đến tận nước Phù Nam để thỉnh cầu hai vị Đại Sư này. Thật là một đại kỳ công.

Thứ hai là chắc rằng hai vị này phải đặc biệt giỏi về ngoại ngữ hay âm nhạc, nên mới được Thiên Hoàng Thánh Vũ mời. Rõ ràng là trong lịch sử truyền thừa nền âm nhạc hay nói đúng hơn là lễ nhạc Phật giáo thời ấy, mà nay Hoàng cung Nhật Bản vẫn còn duy trì. Đó là những điệu tán tụng và các điệu múa Obon mà ngày nay Nhật Bản vẫn còn gìn giữ lại. Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng: Vật chất có thể mất đi, nhưng tinh thần bao giờ cũng vẫn tồn tại, dẫu cho người Phù Nam qua Ngài Phật Triết hay Ngài Bồ Đề Tiên Na qua thân xác của người Ấn Độ. Bây giờ thể xác của các Ngài không còn nữa, nhưng những gì các Ngài truyền lại cho dân tộc Nhật Bản, qua hơn 1.300 năm vẫn còn đó.

Thứ ba là chiêm nghiệm được sự vô thường một cách rõ rệt nhất. Bằng chứng là một quốc gia Phù Nam phồn thịnh như vậy, mà nay còn đâu nữa và những người Phù Nam thuở ấy, bây giờ là hiện thân của ai? Có ai muốn dân tộc mình bị mất nước đâu? Nhưng nước vẫn bị mất. Đâu có ai ngờ chỉ trong nháy mắt biển cả đã nổi cao và núi đồi lại chìm xuống thành biển cả. Tất cả chỉ là những sự biến hóa, bị chi phối bởi luật vô thường trong thế gian này mà thôi.

Từ những chứng cứ lịch sử nêu trên, chúng ta thấy rằng việc gì cũng có thể xảy ra cho nhân loại cả. Nếu có khác đi, chỉ là những sự biến thiên theo thời gian, phong tục và tập quán của mỗi nước, còn cốt lõi của sự thay đổi vẫn là những việc mà trong kinh Phật Bản Hạnh Tập như trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh thường hay nhắc đến. Cũng thế đó, ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, nơi nào Ngài đến, chỗ nào Ngài ở đều mang một tính cách lịch sử nhất định của nó. Bây giờ sau 2.563 năm nếu có ai trở lại Ấn Độ để đảnh lễ những Thánh tích, chúng ta chỉ thấy toàn là những đống tro tàn đã đổ nát, ngoại trừ một vài nơi được trùng tu lại như Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo hay vườn Lộc Uyển và Kuhinagara v.v… còn nhiều nơi khác đã trở thành phế tích. Sau Phật nhập diệt khoảng 300 năm, khi vua A Dục trị vì tại Ấn Độ thì Phật giáo là Quốc giáo. Vua cho xây dựng 8.400 ngọn tháp để thờ Xá Lợi Phật chung quanh khắp nước Ấn Độ, nhưng nay đâu còn bao nhiêu tháp tồn tại? Do vậy, qua kinh văn, giáo dục, văn hóa, lịch sử v.v… chúng ta cố gắng bảo tồn và phát huy để từ từ sẽ tìm ra được tất cả những sự thật của lịch sử đã một thời như vậy.

Ở đây tác giả Nguyễn Lang tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay Học giả Giáo sư Lê Mạnh Thát đã xiển dương lại và chứng minh lịch sử này qua kinh văn còn lại hay lịch sử đương đại qua việc khảo cổ tìm tòi của những nhà khảo cổ học. Ấy là những điều đáng trân quý biết bao, trong đó có việc chứng minh là Đạo Phật trước khi đến Trung Hoa đã có mặt tại Việt Nam chúng ta (thời đó gọi là Giao Châu) và Lục Độ Tập Kinh chính là bản kinh lâu đời nhất có xuất xứ từ Giao Châu. Học giả Lê Mạnh Thát còn chứng minh rằng trong thời kỳ Ngài Khương Tăng Hội đang ở Giao Châu thì Ngô Tôn Quyền thỉnh Ngài sang đất Ngô để giảng pháp và Ngô Tôn Quyền đã quy y với Ngài Khương Tăng Hội. Đây là một vinh dự của Phật giáo và dân tộc Việt Nam chúng ta, qua Lục Độ Tập Kinh mà sử gia Học giả Giáo sư Lê Mạnh Thát đã chứng minh như vậy. Ngay cả việc các vua nhà Trần nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng cũng đã ảnh hưởng bởi câu chuyện của vua Ma Điều truyền ngôi cho con trong Lục Độ Tập Kinh cũng là một điều hợp lý có thể tin được.

Vua Trần Thái Tông cho xây chùa Phổ Minh vào tháng 2 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 5 (1262) ở phía tây cung Trùng Quang, rõ ràng là để phục vụ cho những sinh hoạt Phật giáo của vua Trần Thái Tông. Khi cầm quyển kinh trong tay, Trần Thái Tông vẫn dành thời gian rảnh rỗi để viết Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, mà theo nhà vua là để sám hối 6 căn của mỗi người và do vậy mỗi ngày chia làm 6 thời để tụng sám. Chắc hẳn chùa Phổ Minh được làm ra để vua Trần Thái Tông thực hành nghi thức sám hối này, ngay cả khi tại vị cũng như sau khi thoái vị lên làm Thái Thượng Hoàng. Tương truyền rằng mỗi ngày như vậy tại chùa Phổ Minh có nhiều bậc cao tăng đại đức đến để bàn luận việc đạo và hằng ngày tại chùa này cúng dường trai tăng cho cả 500 vị cũng như độ được 30 đệ tử xuất gia.

Năm Đinh Sửu Bảo Phù thứ 5 (1277) theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 5 tờ 35a 5 - 36b 9 chép rằng: “Mùa hạ tháng 4 ngày mồng một, Thượng Hoàng (Trần Thái Tông) băng ở cung Vạn Thọ. Trước đó, Thượng Hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò lên áo ngự. Thượng Hoàng kinh ngạc, lấy tay phủi đi, con rết rớt xuống đất, kêu lên một tiếng keng, hóa ra là một chiết đinh sắt. Bói toán là điềm về năm Đinh. Vua từng có lần đùa bảo Minh tự Nguyễn Mặc Lão, dùng phép nội quan, nghiệm xem điềm lành hay dữ. Hôm sau, Mặc Lão tâu: “Thấy một cái hòm vuông, bốn mặt đều có chữ nguyệt. Trên hòm có một cái kim, một chiếc lược”. Thượng Hoàng lại đoán rằng: “Hòm tức là cái quan tài, bốn bên có chữ nguyệt, đó là tháng 4, kim có thể xâu vật gì, tức là vô quan tài. Chữ sơ (梳) là cái lược, đồng âm với chữ sơ (踈) là xa, tức là sẽ xa các người.” Lại lúc ấy đang làm trò múa rối, thường có câu: ‘chóng đến ngày mồng một thay phiên’, Thượng Hoàng lại đoán rằng đó là ngày mồng một ta sẽ mất. Năm trước, Thượng Hoàng bỗng một hôm bảo với tả hữu rằng: ‘Đến tháng 4 sang năm ta tất chết’. Đến đây quả nhiên như thế (…).

“Mùa Đông tháng 10 ngày mồng 4, chôn ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tông, thục hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiển Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng Đế (…). Ngày Thượng Hoàng băng, Công Chúa Thiều Dương, thứ nữ của Thượng Hoàng (tên Thúy), mới ở cử, chợt nghe tiếng chuông đổ liên hồi, hỏi: Há chẳng phải việc dữ đến rồi sao? Tả hữu nói dối, Bà không nghe, bèn khóc thương, gào mãi rồi nhắm mắt mà mất. Trước đó Thượng Hoàng không khỏe, Công chúa lúc ấy đã gả cho Thượng Vị Văn Hưng Hầu (khuyết tên) nhiều lần sai người đến thăm hỏi, tả hữu đều trả lời Thượng Hoàng đã bình phục, vô sự. Đến khi nghe tiếng chuông, bèn thương khóc, gào mãi mà mất. Người trong nước ai cũng thương.”

Như vậy Thượng Hoàng Trần Thái Tông biết trước ngày tháng của mình ra đi hơn một năm, qua việc đoán mộng và ngay cả sự cảm nhận của mình. Ngày xưa trong cung, ngoài thành hầu như bất cứ chuyện gì xảy ra đều nhờ đến những Thầy tướng số để giải mã cho những điều nghi. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng hết cả, nhưng đối với đời thường thì đây là việc làm có cả tốt lẫn xấu. Tốt là làm cho người ta tránh ác làm thiện, tu nhân tích đức và xấu có nghĩa là dễ trở thành mê tín dị đoan. Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng vậy. Ngài có một vị Thần bổn mạng và ở triều đình, hay có bất cứ một vấn đề khó xử nào của quốc gia đại sự. Tất cả cũng đều phải đem đến trước vị thần bổn mạng của Ngài để hỏi việc tốt xấu. Nếu vị này nói tốt, cứ như thế mà theo. Nếu vị này nói xấu thì rất nhiều người hoang mang, nhất là cái chết của một bậc quân vương có công rất nhiều trong việc hình thành phổ hệ nhà Trần này.

Theo Thánh Đăng Ngữ Lục, tờ 10b 5 - 11b 4 chép rằng: “Đến khi Thượng Hoàng không khỏe, Thánh Tông hầu bệnh, nhân thế hỏi: ‘Chân không và ngoan không, giống hay là khác?’ Vua trả lời: ‘Hư không thì một thôi. Chỉ vì tâm có mê ngộ, nên có sự khác nhau giữa chân và ngoan, ví như buồng nhà, mở thì sáng, đóng thì tối, sáng tối không giống nhau, nhưng buồng nhà là một.’ Hôm sau Quốc sư Đại Đăng vào thăm hỏi: ‘Bệ Hạ ốm à?’ Vua đáp: ‘Bốn đại thì ốm, chứ cái đó xưa nay sanh tử vẫn không liên quan, thì lặng nhìn trong bệnh được ư?’ Trải qua mấy ngày, vua im lặng không nói, đuổi tả hữu ra, đem việc nước di chúc lại cho Thánh Tông xong. Thánh Tông muốn sai hai Quốc sư Phù Vân và Đại Đăng đến giảng pháp xuất thế gian, vua nghiêm giọng nói: ‘Đến đây rồi, bớt một mảy tơ, như trên thịt khoét vết thương, thêm một mảy tơ, như trong mắt dính bụi. Ba đời các Đức Phật bốn mắt nhìn nhau, các Tổ Sư hư thân có phận, dù Phù Vân bàn huyền, Đại Đăng nói diệu, đều là lời thừa, có ích gì với cái ấy.’ Nói xong, vua lặng lẽ thị tịch, tức năm Thiệu Bảo thứ nhất, Kỷ Mão, thánh thọ 60, có Văn tập một quyển, Chỉ Nam Ca một quyển, Thiền Tông khóa hư 10 quyển.”

Qua lời đối đáp cũng như giải thích xen lẫn sự dạy bảo của Thượng Hoàng Trần Thái Tông cho Trần Thánh Tông cho ta thấy Thượng Hoàng đã liễu ngộ giữa đời thường, ngay khi còn làm vua hay lúc đã trở về ngôi vị Thái Thượng Hoàng. Thái Tông ví dụ buồng nhà này cho ta thấy Phật tâm và Phật tánh không hai. Nó giống như sáng và tối. Mở cửa ra thì sáng, đóng cửa lại thì tối. Sáng tối có thật, nhưng buồng nhà kia thì không sáng mà cũng chẳng tối. Điều này cho chúng ta liên tưởng đến một ví dụ khác của nhà Thiền như sau: Nếu ai đó đứng bên ngoài cánh cửa, khi muốn vào trong thì gọi là đi vô hay đi vào. Lúc đi ra, ra khỏi cánh cửa kia thì gọi là đi ra, nhưng trên thực tế, cánh cửa kia không ra, không vô gì cả. Sở dĩ chúng ta có cảm nhận được sự ra vô là do con người lấy mình làm đối tượng, nghĩa là nhân ngã vẫn chưa xả, vẫn còn nằm trong sự đối đãi. Cho đến khi nào sự ra vô ấy không còn bị chi phối bởi bản ngã của ta, thì lúc ấy Phật tánh sẽ hiển lộ. Nó cũng giống như âm thanh tiếng vỗ của hai bàn tay. Trước và sau đó không có, nhưng do sự cọ sát mà âm thanh hình thành, nhưng sau đó âm thanh đi đâu thì nào ai biết? Chỉ do duyên hợp thì thành, duyên mất thì tan, nhưng chơn như diệu tánh, Niết Bàn vô trụ luôn vẫn tồn tại, chỉ tại ta còn buông lung trong cõi sinh tử luân hồi mà thôi.

Ở đây như chúng ta đã thấy, khi Thái Tông sắp băng hà, Thánh Tông định cho mời hai Quốc sư Phù Vân và Đại Đăng đến nói pháp xuất thế gian, nhưng Thái Tông đã khoát tay bảo đừng, lại còn dạy tiếp cho Thánh Tông và chúng ta những lời cực vi diệu như trong Thánh Đăng Ngữ Lục có chép. Đó là: “Đến đây rồi, bớt một mảy tơ, như trên thịt khoét vết thương; thêm một mảy tơ, như trong mắt dính bụi…” Như vậy, sự đạt ngộ của Thái Tông rõ ràng đã đến chỗ “không thêm không bớt” như trong Tâm kinh Bát-nhã đã nói, không còn có thể thêm vào, cũng không thể bớt đi, dù chỉ một mảy tơ. Nếu có một chút thêm bớt thì chẳng khác nào khoét thịt trên da, dính bụi vào mắt, đều chỉ là làm chuyện tổn hại, không ích gì cho chân như pháp tánh. Bởi vậy nên khẳng định, dù cho các vị Quốc sư “Phù Vân bàn huyền, Đại Đăng nói diệu, đều là lời thừa”. Đã là thừa thì chẳng những không có ích mà còn gây tổn hại, cho nên Thái Tông không muốn nghe nữa. Bản tánh chơn như diệu hữu ba đời chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai là: Không đến, không đi, không còn, không mất, không tăng, không giảm… Phật và Tổ bốn mắt nhìn nhau đã quá rõ ràng về sanh tử rồi. Vì Phật tánh vốn sẵn có đó. Cho nên dầu Phù Vân có nói chuyện sâu xa huyền diệu của lẽ sắc không và Đại Đăng sẽ cho ta biết về những diệu dụng của Phật Pháp… tất cả những thứ ấy đối với Thượng Hoàng là thừa. Tại sao vậy? Vì thể tánh chân như tự tại, Niết Bàn diệu tâm đã hiện rõ nơi tâm thức của Thượng Hoàng rồi. Câu nói: Có ích gì với cái ấy. Cái ấy đây chính là tâm Phật và với tâm này, mọi người nếu cố công luyện tập như Thượng Hoàng thì sẽ tỏ ngộ được chân tâm, chứ không cần hai vị Quốc Sư ấy khai ngộ nữa.

Thánh Đăng Ngữ Lục là do người đời sau viết, chứ không phải chính Thượng Hoàng Trần Thái Tông hay vua Trần Thánh Tông viết. Cho nên cái khẩu khí không cần hai Quốc Sư Phù Vân và Đại Đăng đến để khai thị cho Thượng Hoàng trước khi băng hà, cho ta thấy được sự nhận chân ra lẽ hư thực của cuộc đời qua bản tánh chân như diệu hữu. Vẫn ở trong đời, nhưng không bị đời làm vẩn đục và theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì đây chính là thái độ của người viết muốn đánh giá việc làm vua của Thượng Hoàng khi còn sống cũng như chết, đều như vậy cả. Người ấy không ai khác hơn là Thiền Sư Kim Sơn (1300-1375) đã ghi lại lời nói khước từ của Thái Tông với Thánh Tông vậy.

Như vậy ông vua này cũng là Phật Vua và Phật Vua kia cũng là Vua Phật. Bởi vì khi làm vua, tâm vua là tâm Phật. Khi đã giác ngộ thành Phật rồi thì tâm ấy đã từ vua mà sanh ra. Cho nên Vua là Phật hay Phật là Vua cũng giống như việc “cư trần bất nhiễm trần” hay tư tưởng “cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông về sau này.

Vua Trần Thái Tông là bậc văn võ song toàn. Đánh giặc thắng trận, nhờ võ công oanh liệt và sau khi giặc yên vừa trị nước chăn dân vừa tu học, vừa làm thơ, viết văn v.v… Như vậy, Thái Tông là một nhà vua đại tài trên diễn đàn văn học Việt Nam. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (quyển 5, trang 17, tờ a, dòng 4) thì: “Vua đích thân viết bài minh ban cho các Hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hòa, tốn, ôn, lương, cung, kiệm.” và bài bia thứ hai đề ở bia sanh từ của Trần Thủ Độ mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 5 tờ 29a 9 - b1 đã ghi lại, nhân khi Trần Thủ Độ mất vào năm Giáp Tý Thiệu Long thứ 7 (1264): “Vua Thái Tông từng viết văn bia đề ở sinh từ để tỏ sự quý mến khác thường [đối với ông].” Tại sao lại khác thường? Vì lẽ ít ai làm được việc như ông. Vì Trần Thủ Độ đối với Thái Tông vừa là người ân, mà cũng vừa là người oán. Ân vì Thủ Độ đã trao ngôi báu từ Lý Chiêu Hoàng qua tay Trần Cảnh. Thế là nhà Trần được ngôi Thiên Chủ, nhưng chắc rằng, nếu Thái Tông không học hạnh Phật, thì nỗi oán hờn Thủ Độ khi bắt mình phải lấy chị dâu làm vợ, không cho ông đi xuất gia, mà bắt ép ông phải về lại triều đình để làm vua. Nếu là một người bình thường không tu học gì thì chắc gì nhân danh Thái Thượng Hoàng để đề lên văn bia nơi nhà Thủ Độ để tán dương công hạnh phò vua dẹp giặc của ông này, mà lý ra phải cách ly ông khỏi chốn triều ca mới đúng. Nhưng ở đây thì ngược lại, Thái Tông đã trọng dụng Thủ Độ cho đến lúc ông này qua đời vào năm 1264.

Ngoài tác phẩm Khóa Hư Lục ra, Thái Tông còn soạn văn bản Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, Bình Đẳng Lễ Sám Văn… Còn có Tứ Sơn Dụ, Phổ Thuyết Sắc Thân, Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm và những tác phẩm khác hiện còn trong Khóa Hư Lục là:

1. Thiền Tông Chỉ Nam Ca
2. Kim Cương Tam Muội Kinh Chú Giải
3. Bình Đẳng Lễ Sám Văn
4. Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi

Chỉ có Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi là còn bản lưu trọn vẹn, còn ba phần trên, theo Giáo sư Học giả Lê Mạnh Thát thì ngày nay chỉ còn lời tựa mà thôi.

Ngô Thì Sỹ ở Việt Sử tiêu án 3 tờ 14a-6 thì cho rằng: “Thái Tông những năm đầu tà hạnh, đều do Thủ Độ dẫn dắt. Những năm cuối lưu ý học vấn, tấn tới rất sâu, lại thêm nghiên cứu nội điển, viết ra Khóa Hư Lục, mến chuộng cảnh núi rừng, coi sanh tử như nhau. Tuy ý gần trống vắng, nhưng chí nhằm ở chỗ rộng xa. Cho nên bỏ ngôi báu như cởi chiếc dép rách.”

Rõ ràng là như vậy. Nếu Thái Tông ham quyền quý và ngôi cao lộc cả do Trần Thủ Độ sắp đặt thì làm sao có đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân (9.5.1236). Đêm ấy Thái Tông từ giã cung vua vào núi Yên Tử gặp Quốc Sư Phù Vân và rõ ràng là ngai vàng lúc ấy Thái Tông đã xem như chiếc dép rách. Chiếc dép rách ấy chính là chỗ ông muốn từ bỏ và không một chút ngại ngùng quyến luyến. Thế mới là một đấng quân vương trước uy vũ không chịu khuất phục. Nhưng lúc ấy nếu không nhờ Quốc Sư Phù Vân khai thị cho một công án tuyệt vời thì làm sao trong những năm còn lại làm vua, khi ngồi trên ngai vàng vẫn an nhiên tự tại và ngay cả ở những ngày cuốì đời vào năm 1277 cũng không bị sanh tử chi phối? Đó chính là: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở tại ta. Nếu tâm Bệ Hạ yên, ấy chính là tâm Phật.” Lời dạy ấy vẫn theo đuổi nhà vua suốt mấy mươi năm ngồi trên ngai vàng, nên Ngô Thì Sỹ sau này mới nhận xét như vậy.

Trong Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, Trần Thái Tông đã viết như sau:

“Tham đủ mọi vị, thích xét tinh thô, nếm hết các thức, biết ngay béo gầy. Sát hại muôn vật, nuôi vỗ thân mình, quay rán cá chim, nướng xào cầm thú. Thanh tao nhờn miệng, hành tỏi đầy lòng. Ăn rồi đòi nữa, chưa từng no luôn. Hoặc tối đàn chay, cầu thần lễ Phật, cố chịu đói bụng, đợi lúc việc rồi. Buổi sớm ăn chay, cơm ít nước nhiều, khác chi người ốm, cháo thuốc gắng xong. Mở màng đầy mắt, cười nói ran ran, rượu chuốc cơm mời, nóng thay nguội đổi. Bày tiệc đãi khách, cưới xin cho con, giết hại chúng sanh, vì ba tấc lưỡi.”

Giới này sám hối về sự sát sanh thuộc về thân và sự ăn uống thuộc về sự tham muốn không dừng, dẫu cho ăn chay hay ăn mặn. Ăn thịt chúng sanh muốn cho ngon miệng, nên người đời đã tìm cách xào, nấu, chiên, hầm, cốt sao cho khoái khẩu và chưa bao giờ cảm nhận được cái khổ của chúng sanh khi chết là gì, nên ngày đêm phải nên sám hối. Ngay cả người ăn chay đi chăng nữa mà vẫn còn tâm tham lam hoặc giả chay mặn chẳng chừa, thì ác tâm giết hại chúng sanh và tâm tham đắm kia phải cần sám hối. Sự ngon miệng của thân xác chúng sanh khi ăn vào hay rượu chè, chay lạt đi chăng nữa, chẳng qua khi qua khỏi 3 tấc lưỡi rồi thì cái cảm thọ ngon, dở kia không còn hiện hữu nữa. Thế mà ta đã trực tiếp hay gián tiếp sát hại những sinh linh này thì tội lỗi biết là dường bao! Nên vua viết tiếp về giới này:

“Luôn làm bạo ngược, không nghĩ nhân từ. Giết hại bốn loài, biết đâu một thể. Lỡ tay hay cố sát, mình làm hoặc sai người. Hoặc tìm thầy bùa, đem về yểm đảo, hoặc làm thuốc độc, để hại sinh linh. Chỉ cốt hại nhân, không hề thương vật. Hoặc thiêu núi rừng, hoặc tát khe suối. Buông chài bỏ lưới, đuổi chó thả chim.”

Đọc qua đoạn này ta thấy tâm vua như tâm của người xuất gia, tuy thân vẫn còn là bậc đế vương đang nắm giữ vương quyền. Nếu vua mà có tâm nhân từ đối với tất cả 4 loài chúng sanh, từ thai sanh, thấp sanh, noãn sanh cho đến hóa sanh, đều có tình thương không giới hạn, thì làm sao nước nhà không thịnh trị? Chỉ có những người sát sanh hại vật mới cần phải sám hối để chừa bỏ lỗi xưa, nhất là giới sát. Đoạn này cũng có nói về việc đốt thiêu núi rừng để thú vật chạy ra cho mình bắt, như thế phạm một lúc cả hai tội. Đó là tội phá hoại thiên nhiên và tội giết hại chúng sanh. Cho đến việc tát khe suối, sông để tìm cách đánh bắt những loài chúng sanh đang tìm cách trốn chạy ở dưới nước sâu kia hay bủa lưới, buông chài để bẫy chim, bắt cá… tất cả đều thuộc về tội sát sanh cả.

Viết đến đây người viết nhớ lại việc học luật Sa Di cách đây 55 năm về giới thứ nhất bằng Hán văn như thế này:

一曰不殺生。上至諸佛。聖人。師僧。父母。下至蜎飛蝡動 。微細昆蟲。但有命者。或自殺。或教他殺。或見殺隨喜。

Nhất viết bất sát sanh. Thượng chí chư Phật, thánh nhân, sư tăng, phụ mẫu, hạ chí quyên phi xuẩn động vi tế côn trùng. Đãn hữu mạng giả, hoặc tự sát, hoặc giáo tha sát, hoặc kiến sát tùy hỷ…

Nghĩa là: Giới thứ nhất không sát sanh. Trên từ chư Phật, thánh nhân, chư tăng, cha mẹ, dưới cho đến loài bò bay, máy cựa, côn trùng nhỏ nhặt. Phàm là những loài có mạng sống, hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc thấy người khác giết mà mình sinh tâm vui mừng… [đều thuộc về giới sát cả.]

Mười giới của một chú tiểu sa di lúc mới vào chùa cho đến khi thọ giới tỳ-kheo hay khi thành Đại Đức, Thượng Tọa hay ngay cả Hòa Thượng đi chăng nữa thì bất cứ là ai phạm vào những điều giới này, đều phải được ngăn cấm cả.

Tiếp đó vua Trần Thái Tông nói về giới uống rượu như sau:

“Kẻ thân suy thì đức hạnh thường suy. Người uống rượu thì nói năng lắm lỗi. Khí xông nát ruột, vị ngấm hư lòng. Rối loạn tinh thần, hôn mê tâm tính. Song thân không ngó, năm ác chuyên làm. Hoặc điếm chợ huyên thuyên, hoặc ngỏ đường lảo đảo. Chửi trời mắng đất, chê Phật gièm Tăng. Miệng lảm nhảm mà hát ca, thân lõa lồ mà nhảy múa. Chẳng siêng tiếp Phật cúng dường, những để khăn thâm lệch lạc. Hại thân mệnh cũng từ đó mà sinh, mất nước nhà cũng từ đây mà có.”

Điều này cũng không khác giới thứ 5 trong Luật Sa-di:

五 曰不飲酒 。飲酒者。謂飲一 切能醉人之 酒。西域酒有多種。甘蔗蒲萄。及與百花。皆可造酒。此方止有米造。俱 不可飲。除有重病。非酒莫療者。白眾方服。無故一 滴不可沾唇。乃至不得齅酒。不得止酒舍。不得以 酒飲人。儀 狄造酒。禹因痛絕。紂作酒池。國以 滅亡。僧 而飲酒。可恥尤甚。昔有優 婆塞。因破酒戒。遂併餘戒俱破。三十六 失。一飲備焉。過非小矣。貪飲之人。死墮沸屎地獄。生生愚癡。失智慧種。迷魂狂藥。烈於砒酖。故經云。寧飲烊銅。慎無犯酒。噫。可不戒歟。

Ngũ viết: Bất ẩm tửu. Ẩm tửu giả vị ẩm nhứt thiết năng túy nhơn chi tửu. Tây Vức tửu hữu đa chủng cam giá, bồ đào cập dữ bách hoa giai khả tạo tửu. Thử phương chỉ hữu mễ tạo, câu bất khả ẩm. Trừ hữu trọng bịnh, phi tửu mạt liệu giả. Bạch chúng phương phục, vô cố nhất trích bất khả triêm thần. Nãi chí bất đắc khứu tửu, bất đắc chỉ tửu xá, bất đắc dĩ tửu ẩm nhơn. Nghi Địch tạo tửu, Võ Nhơn thống tuyệt. Trụ tác tửu trì, quốc dĩ diệt vong. Tăng nhi ẩm tửu, khả sỉ vưu thậm. Tích hữu Ưu Bà Tắc, nhân phá tửu giới, toại tịnh dư giới câu phá. Tam thập lục thất, nhất ẩm bị yên, quá phi tiểu hỉ. Tham ẩm chi nhơn, tử đọa phí thỉ địa ngục, sanh sanh ngu si, thất trí huệ chủng, mê hồn cuồng dược, liệt ư tì đam. Cố kinh vân: Ninh ẩm dương đồng, thận vô phạm tửu. Y! Khả bất giới dư!

Nghĩa là: Giới thứ năm: Không uống rượu. Uống rượu là nói việc uống tất cả những loại rượu, bia, những chất gây say. Rượu Ấn Độ có nhiều loại như: mía, nho và các loài hoa đều có thể làm thành rượu. Ở Trung Quốc này chỉ có rượu làm từ gạo, tất cả đều không được uống. Trừ phi có bệnh nặng, không dùng rượu thì không trị được. [Khi ấy] phải bạch trước chúng Tăng biết rồi mới được uống. Nếu không có duyên do thì dù một giọt rượu cũng không được nhấm môi. Thậm chí không được ngửi mùi rượu, [khi đi đường] không được dừng bước nơi quán rượu, không được cho người khác uống rượu. Nghi Địch làm ra rượu mà vua Vũ [nhà Hạ] do đó phải dứt mất. Vua Trụ [nhà Ân] xây ao rượu, do vậy phải mất nước. Làm vị tăng mà uống rượu thật đáng nhục, đáng xấu hổ hết sức. Thuở xưa có người cư sĩ do phạm giới uống rượu mà hết thảy các giới khác cũng đều phạm vào. 36 loại mất mát, chỉ do một việc uống rượu là gây ra đủ cả, lỗi lầm như vậy thật không phải nhỏ. Kẻ tham uống rượu, sau khi chết bị đọa vào địa ngục phí thỉ (chứa đầy phẩn uế). Đời đời ngu si, mất đi hạt giống trí tuệ. [Nó là] thứ thuốc làm cho tinh thần người ta mê muội điên cuồng, chìm đắm trong sự đam mê tham muốn. Cho nên, trong kinh dạy rằng: Phải thận trọng giữ gìn, thà uống nước đồng sôi, không phạm giới uống rượu. Ôi! Có thể nào không răn giữ được sao?

Ngài Quy Sơn Linh Hựu (771-853) ra đời bên Trung Quốc trước vua Trần Thái Tông (1218-1277) gần năm trăm năm, khi viết bài văn Cảnh sách cũng đã dựa theo các giới cấm căn bản của chư chế định, các Tổ đã hành trì và truyền đạt lại mãi cho đến ngàn sau, nội dung cũng chỉ thế mà thôi. Nghĩa là chư Tổ, chư Tăng không chế ra các giới. Chỉ có Đức Phật mới chế ra giới luật mà thôi. Chư Tổ chỉ chế ra những ước lệ, nghi quỹ, quy tắc mà thôi.

Ngay như việc không tham lam trộm cắp, trong Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi vua Trần Thái Tông cũng đã viết như sau:

“Của người lấy làm của mình, tự coi là lợi, nhân tình nhẫn tâm không đoái, chỉ biết ích ta. Hay đâu phú quý do trời, mặc ý tham lam vơ vét. Đào nhà hỏi chó, khoét vách đục tường. Theo gót tướng quân sơn dương, quen làm lương thượng quân tử. Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình.”

Giới trộm cắp này cũng không khác với giới thứ hai trong Luật Sa-di. Đến giới thứ ba thuộc về giới không được tà hạnh. Vua Trần Thái Tông đã viết như sau:

“Tóc mượt lưng ong hay khiến mịt mờ tâm tính, mặt hoa da phấn dễ xui rời rã tinh thần, mắt đưa lấp lánh như dao, ai không đứt ruột, lưỡi uốn ngọt ngào tựa sáo, hết thảy nghiêng tai. Người đắm đuối, nghĩa tình xa bỏ, kẻ đam mê, đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm, dưới thì cửa nhà tán loạn. Không kể kẻ phàm người học, đều sang áo pháp điểm trang. Cương kỷ quốc gia đổ vỡ chốn Tô đài, tấm thân trai giới hầu tàn trong dâm thất. Chỉ dồn mắt bề ngoài nhìn ngắm, không quay đầu hướng nội nhận xem. Cởi bỏ là lượt quấn thân, thì hở làn da bọc thịt. Độc giác gần nữ am mà hoàn tục. Chân quân xa thán phụ mà thăng thiên. Người không phạm, được ngũ thần thông. Kẻ phạm nó mất toàn giới hạnh.”

Đoạn trên đây có thể nhập vào giới dâm dục và giới vọng ngữ. Nói chung là sáu căn bị sáu trần làm lay động. Nếu sáu thức làm chủ được thì tất cả đều hướng thượng. Nếu sáu thức cứ mãi chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì chỉ có thể đi xuống mà thôi. Do vậy người tu Phật cần hướng vào nội tâm nhiều hơn là ngoại cảnh và biết mình quan trọng hơn là biết người.

Trong quyển Thiền Tông Chỉ Nam Ca, vua Trần Thái Tông cũng đã mở đầu như sau: “Trẫm thầm nhủ: Phật không Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính có trí ngu, cũng nhờ vào hiểu mà ngộ. Vì vậy, phương tiện dạy dỗ đam mê, đường tắt tỏ bày sanh tử, ấy là đại giáo của Đức Phật ta. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trọng trách của bậc tiên thánh. Cho nên, Lục Tổ có nói: ‘Thánh nhơn đời trước với đại sư không khác.’ Thì biết đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì nay lẽ nào Trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của chính mình ư!”

Đọc lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam Ca, chúng ta thấy được tấm lòng của vua đối với nước và với Đạo. Vua tin Phật là bậc toàn năng, toàn trí, toàn giác và vua đã đem giáo lý ấy áp dụng cho vua quan cũng như thứ dân, cốt làm cho yên bờ cõi. Đâu đâu cũng thái bình an lạc dưới cái nhìn của từ bi và trí tuệ, cho nên ta khẳng định rằng Phật giáo dưới các triều Lý, Trần là quốc giáo cũng không sai. Vì lẽ vua đã đem Phật học và cả Nho giáo vào dạy dân các giới hạnh cũng như nhân nghĩa. Vừa nhập thế, vừa xuất thế. Cốt làm sao rõ được đức tin để trở về lại với chính mình, mới là điều quan trọng hơn hết. Dạy người mê, chỉ rõ lối sanh tử là giáo lý của Đạo Phật. Lấy mực thước làm nền tảng cho hậu thế. Đó là khuôn mẫu cho tương lai. Rõ ràng đây là cái khuôn làm người của Nho gia. Nếu Nho và Phật, ngay cả Lão Trang nữa cũng hỗ tương cho nhau thì con người sẽ được an vui, hạnh phúc biết bao. Bởi vì Phật không phân chia Nam Bắc bao giờ. Tại sao vậy? Vì Phật tánh thì Bắc hay Nam ai cũng giống nhau. Tánh ấy là tánh chơn như hằng hữu. Chỉ bị lu mờ bởi thời gian sanh tử lưu chuyển, ta quên đi đường về. Bây giờ nhớ lại, ta trở về ngôi nhà xưa tâm linh, ấy là bến giác.

Quốc Sư Phù Vân cũng dạy cho vua Trần Thái Tông rằng: “Tâm lặng mà biết. Đó là chân Phật.” Phật chính là tự tánh chân như, ai ai cũng bình đẳng như nhau, chỉ vì mê nên chưa ngộ, mà khi đã ngộ rồi thì sẽ hiểu rõ chân như. Mê và ngộ chỉ là một lằn ranh nhỏ. Ở bên này lằn ranh là mê và vượt qua khỏi lằn ranh bên kia là ngộ. Trong Niệm Phật Luận, vua Trần Thái Tông còn nói rõ hơn nữa: “Tâm tức là Phật, không cần tu thêm; niệm tức là bụi trần, không vướng một mảy may. Trần và niệm vốn tịnh, nên nói là như như bất động. Đó là Phật thân. Phật thân tức thân ta ấy vậy, không có hai tướng. Tướng và tướng không hai, lặng lẽ tồn tại thường hằng. Tồn tại mà không biết. Đó gọi là Phật sống.”

Đọc qua đoạn văn Niệm Phật Luận của vua Trần Thái Tông, ta thấy không khác với việc quán Bổn Tôn của Phật giáo Tây Tạng là mấy. Chính mỗi người trong chúng ta khi phát tâm bồ-đề rồi phải vững tiến trên đường đạo và tự thiết lập cho mình một Đức Phật trong tương lai, mà Đức Phật đó đôi khi lại là chính mình. Ví dụ như khi ta niệm Di Đà thì ta xem mình là hiện thân của Đức Phật A Di Đà. Khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì quán thân mình cũng giống như thân của Bồ Tát. Phật giáo Việt Nam đời Trần đã thể hiện được điều đó. Còn bây giờ cả 7, 8 thế kỷ sau vẫn còn giậm chân tại chỗ, sợ hãi bởi chính mình. Tuy niệm Phật và ngồi Thiền, nhưng là cái niệm của chúng sanh, chứ không phải cái niệm của Phật Thánh. Thiền tuy ngồi đó, nhưng vọng động vẫn còn nhiều, làm sao thấy được tâm Phật?

Tưởng và tướng hay tướng và tâm không hai. Cái này có trong cái kia và cái kia có trong cái này, nhưng sự tồn tại ấy chúng ta lại không biết. Đây chính là Phật sống của mỗi người vậy. Ta là Phật và Phật là ta. Đây chính là nhận xét của vua Trần Thái Tông. Nếu người tu Phật, ai ai cũng rõ biết được như thế thì sự giác ngộ giải thoát không cần chờ đợi ở kiếp nào xa hơn, mà ngay trong hiện thế chúng ta cũng có thể rõ biết được. Do vậy mà nhận thức “Vua là Phật và Phật cũng là Vua” rất tương ưng với vị thế của Trần Thái Tông.

Vua là một thiền sư, mà thiền sư cũng chính là vua. Khi vua cầm quân dẹp giặc, thì hình ảnh ấy là vị vua cai trị muôn dân, có bổn phận với sơn hà xã tắc, nhưng khi vào thiền định thì vua không còn là vua nữa mà đã là một thiền sư. Vì thiền và Phật lúc bấy giờ chỉ là một chứ không hai. Tất cả đều nhất như.

Ngoài ra, vua Trần Thái Tông cũng là một hành giả của pháp môn niệm Phật nữa. Trong Niệm Phật Luận vua đã viết rằng:

“Tâm khởi điều thiện tức là niệm thiện. Niệm thiện khởi thì thiện nghiệp báo lại. Tâm khởi điều ác tức là niệm ác. Niệm ác nảy sinh thì ác nghiệp ứng theo. Như gương hiện ảnh, như bóng theo hình.”

Niệm có nghĩa là nhớ nghĩ. Vậy nhớ nghĩ đến ai? Nhớ nghĩ đến Phật, đến Pháp, đến Tăng, đến giới, đến thí, đến thiên, đến an-ban, đến hưu tức, đến sanh diệt và đến sự biến đổi vô thường của tứ đại. Đây là 10 niệm trong kinh Nam Truyền và từ đó, câu Phật hiệu khi được truyền sang các nước phía Bắc Á Châu thì nó phóng khoáng hơn một chút, ngoài vòng trói buộc của tư duy chỉ có về thập niệm ấy, mà còn có thể niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà hay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai v.v… Nếu niệm lành khởi lên thì quả lành sẽ đến và niệm ác khởi lên thì quả ác sẽ chiêu cảm. Đây là một định luật không thể trái được. Thiện và ác cũng giống như gương hiện ra ảnh và như bóng theo hình. Cứ hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong vậy.

Nhà vua nói tiếp:

“Nay kẻ học muốn khởi niệm chính để dập tắt ba nghiệp cũng là nhờ công niệm Phật vậy. Niệm Phật dập tắt được ba nghiệp là cớ sao? Vì rằng trong lúc niệm Phật, thân thẳng, ngồi ngay, không làm việc tà. Như vậy là tắt được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân, không nói điều bậy, thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm tinh tiến, không nảy niệm tà, thế là tắt được nghiệp ý.”

Tham, sân, si là ba độc. Ta chỉ có thể dùng đến, giới, định, huệ để trừ khử. Nếu dùng được tam vô lậu học này trừ khử được ba độc thì tam-muội giải thoát sẽ hiện hữu ở thân, miệng và ý. Nếu nói xa hơn nữa như Mật Tông là “tam mật nhất như”. Đó là thân mật, khẩu mật và ý mật đồng một thể. Thể ấy là thể tánh chân như, thể tánh của sự giác ngộ và sự bình đẳng với muôn vật.

Trần Thái Tông vừa làm vua, vừa ngồi Thiền, vừa niệm Phật, nên tánh Phật nơi ông đã hiển lộ khá rõ ràng qua lời văn sau đây của vua:

“Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, không cần tu thêm. Niệm tức là bụi trần, không vướng một mảy may. Trần và niệm vốn tịnh, nên nói là như như bất động. Đó là Phật thân. Phật thân tức thân ta ấy vậy, không có hai tướng. Tướng và tướng không hai, lặng lẽ tồn tại thường hằng. Tồn tại mà không biết đó gọi là Phật sống.”

Điều này cũng tương ưng với sự quán sát của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo. Ngài nghĩ rằng: Những chúng sanh thượng căn thượng trí tự tu sẽ đắc thành Phật quả, thì những người này không cần sự hiện diện của Ngài. Những chúng sanh hạ căn hạ trí, không tin nhân quả và tội báo thì với Ngài, cũng không đủ duyên để độ họ, nên họ cũng không cần đến ngài. Chỉ có hạng chúng sanh ở khoảng giữa, vừa có niệm ác, vừa có niệm thiện, sẽ nhận được lợi ích từ sự giáo hóa của ngài, cho nên Ngài quyết ở lại thế gian này qua lời thưa thỉnh của chư thiên chính là vì những chúng sanh này. Đối với hạng chúng sinh này, từ niệm thiện mà tu tập thì sẽ đi vào đường lành nhưng cũng từ niệm thiện ấy, nếu không tu tập sẽ rất dễ chuyển thành niệm ác. Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi niệm ban đầu thì ác và thiện không có ranh giới. Người trí thấy tâm mình là tâm Phật, hạnh mình là hạnh Phật, an lạc vắng lặng hoàn toàn. Họ không bị một mảy may bụi trần làm vướng bận. Nên chân như hay như như bất động là đây. Ấy chính là Phật hay Bồ Tát. Sự tồn tại của thân và tâm ấy không hai, vì bản tánh đã là nhất như, là tánh Phật. Do vậy không cần đi tìm bên ngoài hay ở đâu xa cả, mà ở ngay nơi chính mình.

Còn bậc trung trí thì thế nào? Vua nói tiếp:

“Bậc trung trí ắt nhờ vào niệm Phật. Chú ý tinh cần, niệm niệm không quên thì tâm mình thuần thiện. Niệm thiện đã hiện thì niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu thì chỉ còn niệm thiện. Dùng niệm mà ý thức về niệm thì niệm niệm đều diệt. Khi niệm đã diệt, ắt về chánh đạo. Lúc mệnh hết qua đời sẽ được niềm vui cõi Niết Bàn. Thường, lạc, ngã, tịnh là Đạo của Phật.”

Phần niệm Phật của những người trung trí này cần phải dùng sự tự nhiên, lấy niệm thiện lấn át niệm ác thì mới mong trí tuệ hiện hữu. Nếu chẳng may niệm ác vẫn sanh thì việc niệm Phật kia vẫn bị chi phối bởi nhân quả như thường, nghĩa là phải trở lại trong vòng sanh tử. Tuy nhiên, người đã có tâm niệm Phật như vậy thì cái ác cũng sẽ bị đẩy lùi khi người niệm Phật quyết chí không thối lui.

Tuy vậy, Vua Trần Thái Tông cũng chỉ ra cho những người hạ trí một phương pháp niệm Phật như sau:

“Kẻ hạ trí miệng siêng niệm lời Phật, lòng muốn thấy hình tướng Phật, thân nguyện sanh ở nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu, không thoái chí thay đổi. Như vậy đến khi mệnh hết qua đời sẽ theo niệm thiện mà được sanh ở nước Phật, sau đó lãnh hội được chánh pháp của chư Phật nêu ra mà chứng được bồ-đề cũng vào quả Phật.”

Như vậy trong 3 cách niệm này, cách niệm thứ 3 tương đối dễ nhất, vì không nương vào tự lực, mà hoàn toàn tin tưởng vào chư Phật ở cõi Tây phương hay Đông phương rồi khởi niệm, nương theo tha lực của quý Ngài để khi mạng chung được sanh về thế giới ấy, tiếp tục tu học, sẽ chứng được quả Vô thượng Bồ-đề. Vua Trần Thái Tông cũng đã viết về 3 cách niệm Phật ấy như sau:

“Ba hạng trí ấy nông sâu không giống nhưng cái nhận được là một. Nhưng bậc thượng trí nói thì dễ, làm thì khó. Đời nay kẻ muốn theo mà học, vì không có thang bậc nâng đỡ, nên chỉ nhìn bờ rồi thoái lui, càng khó đặt chân tới được.

“Bậc trung trí, nếu có thể chăm chỉ tu hành như đã nói ở trên thì lập tức thành Phật. Nhược bằng các lậu chưa hết mà đã chết thì tùy theo nhân quả mà sinh trở lại trên đời để nhận nghiệp thiện báo ứng. Khi thiện báo đã hết, nếu không có người cảnh tỉnh, lại sẽ rơi vào cõi ác. Nhưng người như thế thì cũng khó đắc đạo vậy.

“Kẻ hạ trí lấy niệm làm bậc, lấy sự tinh tiến làm thang, chú ý đến thiện duyên, nguyện sanh vào nước Phật. Nếu chuyên cần, không nhác, tâm tánh thuần thục thì sau khi chết đi sẽ tùy theo ý nguyện mà được sanh vào nước Phật. Đã sinh ở nước Phật thì thân mình có mất đi đâu.

“Kẻ học ngày nay đã lấy thân người, ắt ba nghiệp đều có. Thế mà không dùng niệm Phật để cầu sinh vào nước Phật, chẳng cũng khó sao! Như muốn niệm Phật, hãy lấy cách của kẻ hạ trí làm đầu. Sao vậy? Bởi vì có sự chú ý mà thôi. Ví như làm một tòa lâu đài ba tầng mà không làm tầng dưới trước, thì đó là điều chưa từng có vậy.”

Xem ra những việc niệm Phật này không dễ mà cũng chẳng khó, không khó mà cũng chẳng dễ. Dễ hay khó là tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh đang nằm vào vị trí của thượng căn thượng trí, trung căn trung trí hay hạ căn hạ trí mà thôi. Thật ra bậc thượng căn thượng trí ngày nay khó gặp, khó biết, khó nhận ra. Bậc trung căn trung trí cũng thế, thoạt ẩn, thoạt hiện, biết đâu mà lường. Chỉ có bậc hạ căn hạ trí, đại biểu là chúng ta, chúng ta dễ nhận ra và từ đó cứ niệm Phật một cách tiệm tiến, trước sau gì chúng ta cũng sẽ nương vào lời nguyện của Đức Phật A Di Đà để vãng sanh về cõi Cực Lạc.

Nếu căn cứ vào cửu phẩm liên hoa ở cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì 3 cảnh giới của người trí này tiêu biểu cho thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm. Ai sinh về hạ phẩm xem như là người hạ trí. Ai sanh về trung phẩm xem như trung trí và ai sanh về thượng phẩm xem như thượng trí, nhưng ở phần cửu phẩm liên hoa của Tịnh độ tông Trung Hoa hay Việt Nam còn chia ra nhiều chi tiết nữa, mỗi phẩm thượng, trung, hạ, đều có phân chia ra hạ sanh, trung sanh và thượng sanh, do vậy mới hợp thành chín phẩm. Ở đây không thể giải thích hết được việc này, quý độc giả có thể xem thêm quyển “Tư Tưởng Tịnh Độ Tông” của Tác giả Thích Như Điển để rõ hơn.

Như vậy đến đời nhà Trần, Tịnh độ tông đã tiến triển khá nhanh qua việc giải thích cũng như hướng dẫn của Vua Trần Thái Tông. Các nhà nghiên cứu về Tịnh độ tông Việt Nam chưa ấn định rõ ràng là Tịnh độ tông đã du nhập vào Việt Nam tự lúc nào, nhưng theo người viết sách này thì cho rằng đó là vào khoảng năm 352, tức thế kỷ thứ 4, qua việc Ngài Đàm Hoằng đã tu theo Pháp môn Tịnh Độ và hành trì kinh Quán Vô Lượng Thọ trước khi tự thiêu tại núi Tiên Du ở Bắc Ninh. Như vậy ta có thể kết luận rằng: Tịnh Độ Tông Việt Nam có mặt còn sớm hơn Thiền tông nữa. Dĩ nhiên là vào thế kỷ thứ nhất, thứ hai Phật giáo đã có mặt tại Giao Châu như các Ngài Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Chi Cương Lương, Ma Ha Tăng Kỳ Vực v.v… nhưng thuở ấy các Ngài không phải chỉ truyền riêng tông thiền, mà là một Phật giáo tổng quát, để chờ đến thế kỷ 6 khi Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Giao Châu chúng ta thì lúc ấy phái Thiền đầu tiên mới hiện diện nơi này và dân chúng bắt đầu thâm nhập thiền học. Kế theo có Thiền Vô Ngôn Thông, Thiền Thảo Đường, rồi Thiền Trúc Lâm Yên Tử tiếp tục hiện hữu trên quê hương Đại Việt của chúng ta. Tuy nhiên, qua tác phẩm Niệm Phật Luận của Vua Trần Thái Tông viết, ta thấy nhà vua là một hành giả đã chứng đắc chỗ tối thắng của Thiền, mà cũng vừa là một bậc trí giả thượng nhân của Tịnh độ tông nữa. Từ đây, vấn đề “Thiền Tịnh song tu” của Phật giáo Việt Nam đã được truyền thừa cho đến thế kỷ 20, 21 này, mà các quốc gia khác như Trung Hoa, Đại Hàn hay Nhật Bản đều không thấy được nét tiêu biểu của “Thiền Tịnh song tu” như của ở Phật giáo Việt Nam chúng ta.

Về việc sám hối nghiệp của mắt, vua Trần Thái Tông đã giảng rằng:

“Dốc lòng sám hối, bọn chúng con từ vô thỉ vô lượng kiếp nay, quên mất bản tâm, không biết chính đạo, sa ba đường khổ, bởi sáu căn sai. Nếu không sám trước, khó kịp hối sau.

Nghiệp căn mắt là: Ác nhân xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh. Nhận lẫn hoa không, quên xem trăng thật. Ghét yêu đua dấy, đẹp xấu tranh giành. Mắt quáng sinh lầm, mờ đường chính kiến. Xanh qua trắng lại, tía đúng vàng sai. Nhìn lệch mọi thứ, khác chi gã mù. Gặp người đẹp sắc, liếc trộm nhìn xiên, mù mất đời sau, bản lai diện mục. Thấy của người khác, nhìn ngó đăm đăm, gặp kẻ nghèo hèn, mắt che chẳng đoái. Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô, thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu. Khi thấy Tam Bảo, lúc tới chùa chiền, gần Phật gần kinh, mắt không thèm ngó. Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai, cuối mắt cuối mày, ham mê sắc dục. Không kiêng Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần, trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi. Những tội như thế, vô lượng vô biên, tự căn mắt sinh, phải sa địa ngục. Trải hà sa kiếp, mới lại thụ sinh. Dẫu có thụ sinh, lại chịu mù chột. Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ. Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.”

Việc sám hối đã có từ thời Đức Phật. Trong 12 năm đầu thuyết pháp của đức Phật, chúng Tăng đều thanh tịnh, không phạm những lỗi lầm đáng trách và đa phần là những vị Thánh Tăng, có tu, có hành và có chứng. Kể từ năm thứ 13 trở đi, vì trong chư Tăng có người làm sai giới luật, Đức Phật mới bắt đầu chế giới để ngăn ngừa, trên tinh thần chế giới để ngăn người phạm giới và người phạm giới rồi cũng cho phép sám hối ăn năn để làm thanh tịnh chính mình. Như vậy, giới luật là một sự bảo hộ, một sự răn dạy để giúp người tu hoàn thiện, chứ không phải một sự trừng phạt. Do vậy, sám hối là một hành động dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tăng hay tục. Ở đây vua Trần Thái Tông cho tăng ni sám hối một ngày 6 thời, sám hối 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là một trong nhiều phép tu như niệm Phật hay ngồi Thiền hoặc trì chú v.v…

Về phương diện ngồi thiền thì vua Trần Thái Tông quan tâm đặc biệt và cho rằng: “Người học đạo chỉ cốt cầu thấy tính. Tuy thọ hết mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh. Định lực không sinh thì niệm vọng không diệt, thế mà lại muốn thấy tính, chẳng cũng khó sao!”

Đây là lời văn viết trong Tọa Thiền Luận. Nhà vua quan niệm việc thấy tính, tức là bản lai diện mục của mỗi người hay chân như Phật tính là quan trọng, nhưng nếu không ngồi thiền để gạn đục khơi trong thì chẳng bao giờ có thể thấy tính được. Dầu có thọ tất cả giới mà không chú tâm về thiền định, thì tâm giới hay thân giới ấy vẫn chưa làm cho ta sáng ra được. Việc tỏ ngộ qua thiền cơ cũng giống như con gà con tự chui ra khỏi vỏ trứng. Trong trứng sẵn có gà con, nhưng con gà con ấy muốn chui ra được khỏi lớp vỏ trứng thì phải cần có tự lực cũng như ngoại duyên.

Qua 43 bài tập Thiền mà vua Trần Thái Tông đã ghi chú lại xuất phát từ chư Phật trong quá khứ, chư Tổ của Trung Hoa, Việt Nam và ngay cả chính tự bản thân của nhà vua soạn ra nữa. Từ đó nhà vua kết luận rằng:

“Nếu lúc ngồi mà các niệm không tắt, tâm vượn tranh dậy, ý ngựa đua rong, hoặc loạn tưởng mà nhớ tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh, dựa giường dựa vách, nhắm mắt che ngươi, dãi chảy ngủ mê, lưng cong đầu cúi, dẫu mang tiếng ngồi thiền mà như ngồi dưới núi Hắc Sơn trong hang quỷ.”

Rõ ràng là như vậy, dầu cho quán thoại đầu, hay mặc chiếu hay công án, nhưng thiền sinh các niệm không dập tắt, cứ suy nghĩ mông lung, không định tâm vào một chỗ. Đôi khi tâm của mình chạy nhảy đó đây như vượn chuyền cây mà không dừng lại được, chẳng khác nào ngựa chẳng có cương, cứ băng rừng, lội suối, trèo đèo. Hoặc giả sự quan niệm ấy không nhất tâm mà quên sau nhớ trước, quên trước nhớ sau, khiến cho đề mục quán tưởng bị quên mất. Chỉ lo nhớ nghĩ đến những chuyện không đâu, khiến cho tâm bị rối loạn. Đôi khi vì bản tâm nghiệp nặng chất chồng, nên dù có cố gạn lọc đến đâu đi chăng nữa, thì tự tánh của mình khơi dậy mãi không xong.

Tuy có ngồi đó, nhưng ngồi để mà ngồi, sinh ra mệt mỏi, đoạn dựa chỗ này, ngã nghiêng qua chỗ kia. Nếu có nhắm mắt lim dim cũng chỉ để ngăn không nhìn thấy, chứ thật ra chẳng tập trung vào đề mục để quán tưởng. Khi ấy thì nước mũi chảy dài, chẳng tài nào kềm chế lại nổi trong lúc mê man như vậy.

Ngồi Thiền lưng phải thẳng, mắt phải ngay, nhưng vì trong tâm loạn tưởng quá nhiều, nên lưng cong lúc nào chẳng rõ. Đúng là ngồi thiền như vua Trần Thái Tông nói ở đây cho ta thấy rằng người ngồi ấy khổ tâm lắm, chẳng khác nào mình ngồi trong núi đen thăm thẳm, nơi ấy có nhiều ma quỷ hiện hành.

Vậy chúng ta phải ngồi sao cho đúng? Muốn thiền tọa, thiền hành, thiền trụ, thiền ngọa cho đúng cách thì phải làm ngược lại những điều trên. Nếu tâm an thì cảnh sẽ an. Tâm vắng lặng thì chân như diệu hữu sẽ hiện tiền. Đó là chánh niệm, chánh tư duy, sẽ nhận rõ được bản lai diện mục của chính mình. Có một thí dụ đơn giản có thể giúp cho hành giả của Thiền cũng như Tịnh Độ, hay ngay cả Mật Tông cũng có thể ứng dụng được. Đó là chúng ta để một ly nước đục và một ly nước trong bên cạnh nhau. Nếu chúng ta đem ly nước trong ấy đổ hết vào ly nước đục thì nước đục kia sẽ tràn ra hết. Ngược lại, nếu chúng ta đem ly nước đục ấy đổ hoàn toàn vào ly nước trong, thì nước trong ở trong ly kia biến mất, chỉ còn lại ly nước đục. Đục là tượng trưng cho tình trần, sự nhiễm trước, dục vọng, khổ đau. Trong là tượng trưng cho trí tuệ, minh mẫn, giải thoát, tự tại v.v… Vậy điều căn bản của người tu là phải biết gạn đục khơi trong. Có như vậy Phật tánh của mỗi chúng sanh mới có thể hiện hữu được.

Về phương diện văn học, thơ văn, Phật học v.v… vua Trần Thái Tông xứng danh là một đại thi hào, một Phật học gia, một thiền sư liễu ngộ theo đạo thiền. Một điều cần quán chiếu thêm là Vua sanh năm 1218 và sống chưa được 60 năm, nghĩa là năm 1277 vua đã băng hà. Đọc qua lịch sử, chúng ta thấy rằng năm 1225-1226 thì Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Vậy lúc ấy Trần Cảnh cũng chỉ 8 tuổi, cái tuổi ấy mà đã được Trần Thủ Độ cho dựng vợ gả chồng. Đến 10 năm sau, nghĩa là Trần Cảnh 18 tuổi, hai người sống chung với nhau nhưng chưa có con, thế là sự kiện ngày mùng 3 tháng 4 năm Bính Thân (1236) đã xảy ra, nhà vua vào núi Yên Tử gặp Quốc Sư Phù Vân muốn xuất gia làm Phật. Vậy thì trong thời gian 10 năm của thời niên thiếu này tại Thăng Long, vua Thái Tông đã được Trần Thủ Độ hoặc trực tiếp hay gián tiếp mời những bậc kỳ lão dạy cho chữ nghĩa và cách làm vua. Trí thông tuệ sáng đã giúp vua ý niệm được cuộc đời là khổ, cho nên mới tìm cách xuất gia học đạo. Sau khi trở về Thăng Long vào năm 1236 nhà vua chong đèn học Phật vào ban đêm, suy tầm lẽ đạo. Có lẽ nhờ thế mà vua đã ngộ được thiền cơ. Lúc ngồi trên ngai vàng, ông đã làm vua với tâm Phật. Nhờ vậy mà nước nhà thịnh trị, mưa thuận gió hòa, nơi nơi an cư lạc nghiệp.

Tinh thần vua thảnh thơi nên đã xem hết kinh này đến kinh khác và tự mình soạn Khóa hư lục hay Lục thời sám hối khoa nghi giúp đời sau nương theo đó mà sám hối các căn để được rảnh rang, giải thoát. Cuối cùng rồi nhà vua cũng đã ngộ rõ được lý vô thường của vạn hữu, nên ông đã soạn biểu nhường ngôi cho con như sau:

Năm Bảo Hựu thứ 6 (1258) của nhà Tống, vua Trần của An Nam nhường ngôi, dâng biểu:

“Thần nghe: Người phải biết đủ, thân lui chẳng đợi tuổi già. Khi con đã gánh vác được việc nhà, nên cho nối dõi để không bị mất thờ cúng. Đó là lẽ thường của đạo trời xưa nay, và thật cũng giống với tình người trên dưới, nên dám bày lời truyền ngôi cho con, bèn dám phiền bậc tột cao nghe đến.

“Nép nghĩ, thần không công nghiệp mà được vua ban tước, lại thêm phong hầu. Nhận mệnh từ triều đình, lại cản trở lễ đến chầu ngắm, dâng lời trung với nước, mà lòng chưa hề báo đền ơn nước. Nay nghĩ khó khăn, tôi rất sợ hãi, trông cây bồ liễu trước mùa thu, dám xin tha gánh nặng, để trộm được chút yên. Lòng như hoa quỳ hướng về mặt trời, nghĩ muốn gần nơi chốn thanh quang mà không gặp. Thời trước đã cản trở việc thỉnh mệnh, sau này lại dám tâu xin phong. Nên suốt ngày run rẩy, xét mình lom khom, kính dâng lễ mọn bao mao, để tỏ lòng thành cầu hiến, bắt chước chút lễ đến sân, hèn làm hết chức phận.

“Cúi trông bệ hạ vung ánh sáng lớn đến nơi đèn tối, vận hết đức ở hồi rực rỡ, xét lòng thần ngu muội, thương cho gánh nặng thần đang đội là chứa dân, nuôi chúng, làm rõ nghề học có thể truyền, cùng cứu cơ vi, gởi củi chặt có thể gánh được, ban cho áo mũ, để tỏ sủng minh, bền tợ núi sông, khiến đều thề thốt, lòng nguyện cầu của thần, trời tất muốn theo, ban hiệu Thái Tông quốc chúa, mong chiếu đủ mười hàng ban xuống. Nếu được thỏa tình thô lậu, thì ấp mọn thật được sủng minh. Thần dám không suốt đời làm đúng, giữ tất trung trinh, tấm lòng vàng đá, mãi gắng đức càn khôn để đền ơn hải hà trong muôn một.”

Như vậy nhà vua ở ngôi vua gần 32 năm (1226-1258), sau đó nhường ngôi cho con trai Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông sau này. Lúc này Thái Tông mới 40 tuổi. Cái tuổi trưởng thành của một ông vua, nhưng đã vội nhường ngôi cho con và lên làm Thái Thượng Hoàng, đến năm 1277 thì Thái Tông băng hà. Sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258 thì chính năm ấy vua đã nhường ngôi cho con và đã cho người dâng biểu qua vua Nam Tống bên Trung Hoa để xin nhường ngôi. Qua lời biểu này, chúng ta thấy Thái Tông rất khôn ngoan. Mặc dầu Đại Việt lúc bấy giờ đã độc lập, đánh bại cả một đạo quân hùng mạnh của Nam Tống và Nguyên Mông. Thế mà nhứt nhứt đều van xin như thể mình đang ở nơi yếu thế lắm. Ví dụ nhà Nam Tống bắt vua đến chầu thì vua viện lý lẽ rằng: Đường xa cách trở, phong thổ không hợp nên chẳng sang. Đây chỉ là lý do phụ mà thôi. Lý do chính là vua tôi Đại Việt nghĩ rằng mình chỉ cần cống phẩm vật là đủ, chứ kẻ thắng trận không quỳ gối trước người thua trận, nếu sang Trung Quốc. Đây là lần đầu và hầu như các lần khác dưới thời các vua nhà Trần từ năm 1226 đến 1400 đều theo một cách như Thái Tông mà giao hảo với nước lớn nằm cạnh bên mình. Dĩ nhiên là nhà Nam Tống và Nguyên Mông biết rõ điều ấy, nhưng không có lý lẽ nào để bắt bẻ lại được.

Bây giờ ta thử phân tách từng chữ, từng câu, từng đoạn trong biểu nhường ngôi này, vua đã cho sứ thần sang Trung Quốc để đệ trình lên vua Nam Tống. Qua đó ta sẽ rõ biết từng chi tiết khi được phân tích tỉ mỉ.

Khi xưng “thần” có nghĩa là người dưới tâu lên bậc trên. Đó là vua hay hoàng đế của Trung Quốc. Câu “người phải biết đủ” có nghĩa là sống cũng như ngồi trên ngôi vua bao nhiêu lâu mới là đủ thì chính kẻ chăn dân trị nước phải tự xét phận tri túc của mình. Do vậy thân lui về chốn an tĩnh để chờ cho đến tuổi già. Vì lẽ con (Trần Thánh Tông) đã có thể gánh vác được việc nhà, việc nước rồi, nên vua Trung Hoa nên hiểu giùm cho điều này để nhà Trần có người nối dõi, thờ cúng Tổ Tiên. Khi nêu lên điều kiện tiên quyết này, vua Nam Tống cũng khó khước từ. Vi lẽ hiếu đạo là điều mà Nho gia lâu nay vẫn thường hay dạy cho môn đồ của Khổng Tử, thì việc nối dõi tông đường, đâu có gì là trái đạo mà có thể cản ngăn? Đạo thờ cúng ông bà Tổ Tiên xưa nay đều như vậy. Điều này cũng thuận với Trời đất và tình người có trên có dưới, nên vua Thái Tông đã truyền ngôi cho con mình và kính nhờ vua Nam Tống cố gắng lắng nghe.

Xét thấy mình chẳng có công trạng gì mà được vua Trung Quốc ban cho tước làm An Nam Quốc Vương, lại nhận thêm được nhiều lợi lộc từ nơi cai trị. Đúng là phải tuân thủ mệnh lệnh từ Trung Quốc gởi sang Đại Việt, nhưng lại chưa bao giờ Thái Tông có một lần đến sân chầu để bệ kiến tôn dung của Bệ Hạ. Theo lời biểu dâng thì An Nam Quốc Vương luôn trung thành với mẫu quốc nhưng chưa hề báo đền được ơn vua, lộc nước là gì. Nay thật là khó nói hơn nữa và sợ hãi bậc trưởng thượng nên trộm nghĩ rằng: Cây liễu đẹp vào mùa xuân khi đâm chồi nảy lộc, nhưng khi thu sang, lá đã đổi màu, điều này chứng tỏ sự vô thường của nhân thế và ai mà chẳng chạnh lòng. Do vậy gánh nặng này nay không thể tiếp tục cưu mang nữa, mà sẽ thoái vị cho con để được hưởng những ngày còn lại bình an trên cõi thế. Lòng của Thái Tông lúc nào cũng hướng về phương Bắc, nơi ấy có Hoàng Đế Trung Quốc đang trị vì để tung hô vạn tuế, giống như hoa hướng dương luôn tìm về hướng mặt trời mà xoay hướng. Luôn nghĩ và hướng đến chỗ cao cả sáng suốt ấy mà đã chưa từng gặp được. Lúc trước đã cản trở việc tới lui, mà nay lại còn tâu lên Thánh Thượng ban thêm cho nhiều ân tứ nữa. Quả là điều đáng trách vậy. Bây giờ chẳng biết làm sao, chỉ khiêm nhường dâng lên lễ mọn, mang đến trước bệ rồng để dâng lên Thánh Thượng, bày tỏ tấm lòng thành kính. Kính mong Thánh Thượng đoái thương.

Bệ Hạ giống như một ánh quang minh, hãy nên dùng ánh sáng này để chiếu soi cho những nơi tối tăm đày đọa, hãy dùng đức trị thanh cao mà ban cho chúng thần như những người ngu muội. Hãy thương cho Thái Tông trong hiện tại là hai vai đều đang gánh nặng, cốt làm sao cho yên dân, yên nước. Hãy chỉ rõ những điều có thể lãnh hội được rồi ban cho áo mũ như xưa và chính sự ban ân báo đức bằng áo mão của triều đình cũng như ban chiếu chỉ Thái Tông bây giờ trở đi là Thái Thượng quốc chúa để cho thần dân bổn quốc biết đến mà tri ân. Nếu được như vậy thì còn gì quý hơn nữa. Thần làm sao suốt đời không tuân thủ được và lúc nào cũng như lúc nào, luôn giữ khí tiết trung với vua và hiếu với nước. Tấm lòng này như vàng như đá, thật khó phai và điều ấy có nghĩa là Thần luôn mang ơn của bệ hạ, dầu cho trời đất có đổi thay thì tấm chân tình này vẫn không bao giờ thay đổi.

Viết về Trần Thái Tông lâu nay đã có nhiều người viết, nhưng đa phần dưới cái nhìn của Nho giáo, còn Phật giáo chỉ có thể tìm rải rác ở các văn kiện đơn lẻ rời rạc. Tuy nhiên Tác giả Lê Mạnh Thát là một học giả uyên thâm về Phật học và Hán văn cũng như Anh văn và những ngoại ngữ khác nữa. Từ mùa đông năm Quý Mùi 2003, Giáo sư đã viết lời nói đầu, nghĩa là tốn nhiều năm tháng như vậy Giáo sư mới hoàn thành được tác phẩm “Toàn Tập Trần Thái Tông” này, nhưng mãi trước đó ngày 22 tháng 12 năm 1999 thì giấy phép xuất bản đã có. Thế mà đến tháng 4 năm 2004 mới in xong 1.000 cuốn và phổ biến rộng rãi ở trong cũng như ngoài nước. Nhờ vậy mà người viết tác phẩm này mới có cơ hội đọc cũng như tham khảo được những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của vị vua đầu nhà Trần này. Ông vừa làm Vua, mà cũng vừa làm Phật, mặc dầu ông chưa được ai truy phong danh hiệu ấy như vua Trần Nhân Tông sau này.

Giáo sư Lê Mạnh Thát là người am tường sử học nước nhà và nhất là sử Phật giáo, ngoài ra Giáo sư còn so sánh được với những bản dịch từ Nhật ngữ hay Anh ngữ để thẩm định sự đúng, sai qua sự việc đề cập đến những vị vua đời Trần qua cái nhìn lịch sử của một thời như vậy. Giáo sư cũng rất rành chữ Hán, nên một số tài liệu tiêu biểu liên quan về Phật giáo mà vua Trần Thái Tông đã sáng tác khi còn tại vị, chưa có ai dịch sang Việt ngữ, thì trong tác phẩm này đã được Giáo sư triển khai ra hết cho quần chúng biết qua 650 trang như vậy. Nhờ vậy mà Phật giáo chúng ta mới có được những sử sách về Phật học đáng tin cậy hơn.

Từ những căn bản rất chi tiết đó, người đời sau chúng ta mang ơn Giáo sư không phải là ít. Ngay như người viết tác phẩm này, nếu không có sách vở của Giáo sư soạn về Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông thì chắc rằng sự nhận xét đã thô thiển lại càng nông cạn hơn nữa. Nay đọc được tác phẩm này của Giáo sư nên xin trích ra một số đoạn để làm tiêu đề nghiên cứu cho chương này. Kính mong Giáo sư hiểu cho sự trích dẫn này. Đồng thời văn dịch thuật của Giáo sư rất sáng sủa dễ hiểu, khiến ai đó đọc vào là hiểu ngay, không cần phải tra cứu thêm sách vở hay tự điển nào nữa cả. Ví dụ bài kệ bằng chữ Hán - Thái Tông Hoàng Đế Khuyến Chúng Kệ ở trang 475 như sau:

生老 病死

理之常然

欲求解脫

解縛添纒

迷而求佛

惑而求禪

禪也不求

杜口忘言。

Sanh lão bệnh tử
Lý chi thường nhiên
Dục cầu giải thoát
Giải phược thiêm triền
Mê nhi cầu Phật
Hoặc nhi cầu thiền
Thiền dã bất cầu
Đỗ khẩu vong ngôn.

Đây cũng là bài kệ cuối trong Khóa Hư Lục và bên dưới có hàng chữ Hán như sau: Thái Tông Hoàng Đế ngự chế Khóa Hư Tập quyển hạ hoàn. (太宗黃帝御製課虛集卷下完 )

Giáo sư Lê Mạnh Thát đã dịch sang Việt ngữ như sau:

Sinh già bệnh chết,
Lẽ ấy thường nhiên.
Muốn cầu giải thoát,
Cởi buộc thêm triền.

Mê mà cầu Phật,
Lầm mà cầu thiền.
Thiền cũng chẳng cầu,
Ngậm miệng quên nói.

Dịch như vậy, không ai có thể dịch hay hơn được. Vì thế những gì mà Giáo sư đã dịch, giải và bình chú trong tác phẩm này, khiến cho chúng ta có lòng tin về độ chính xác nhiều hơn các tác phẩm đã có xưa nay vậy.

Từ trang 475 đến trang 645 là phần chữ Hán cổ đã được khắc in trên bản gỗ qua nhiều đời khác nhau, nhưng Giáo sư đã dày công phiên dịch cũng như chú giải, khiến cho người đời sau của chúng ta với những người ít rành chữ Hán, tiện lợi vô cùng. Dĩ nhiên là cũng có một số câu, số chữ tác giả hay nói đúng hơn là dịch giả muốn dịch cho thuận vần Việt ngữ, nên đã có chút ít gượng ép, nhưng không sao. Đó chỉ là thủ thuật của người viết văn vậy.

Nhìn chung về cuộc đời của vị vua đầu nhà Trần này, phải nói là tuyệt hảo. Ban đầu ở tuổi vị thành niên chưa biết gì nhiều, nhưng đã sớm phải chịu người lớn bày đặt đủ điều, kể cả chuyện gán ép để thỏa lòng người chủ trương là Trần Thủ Độ. Nhưng về sau, nhất là sau khi việc xuất gia vào đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân (1236) đã là một bước ngoặc quá lớn trong những ngày tháng còn lại của Vua Trần Thái Tông, ít nhất là 42 năm sau này. Trong 42 năm ấy, ông vừa làm Vua, vừa làm Thái Thượng Hoàng, vừa làm thiền sư v.v… kể cả văn, thơ, phú, bình luận… đều hiển thị một cách rõ nét trong thời gian này. Cho nên ta có thể gọi ông là Phật trong Vua và Vua trong Phật.

Ở Việt Nam, vào thế kỷ thứ 13 chưa xuất hiện việc tái sinh của các vị Hoạt Phật như Tây Tạng và ngay như cả Tây Tạng phái Nyingma (Cổ Mật) cũng phải chờ cho đến Ngài Tsongkhapa (Tông Khách Ba) ra đời vào thế kỷ thứ 14 (1357-1419). Vị này xiển dương giáo lý của Ngài Asita để chủ trương Phật giáo hiện thế và kể từ đó truyền thống Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng đã ra đời. Đời thứ nhất bắt đầu từ thế kỷ thứ 14 và nay đời thứ 14 kéo dài giữa thế kỷ thứ 20 đến đầu thế kỷ 21 này. Truyền thống này cho biết rằng, Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và cứ hóa thân sau nhận ra đúng những gì của hóa thân trước để lại thì các Đạo Sư có tuổi đạo lớn sẽ thừa nhận là người kế nhiệm và ở đời thì được phong vương, còn ở đạo danh từ gọi khác đi, nhưng những vị Hoạt Phật này cũng nắm cả hai cương vị vừa đời vừa đạo như Phật giáo Tây Tạng vậy. Có nghĩa là vị cai trị thiên hạ của nhân dân Tây Tạng từ thế kỷ 14 đến nay vừa là Tăng Vương, Pháp Vương và cũng vừa là Quân Vương nữa. Chỉ có điều khác với Trần Thái Tông hay những vị vua của nhà Trần ở Đại Việt về sau này như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông… là các vị Hoạt Phật Tây Tạng không có gia đình riêng, không có Hoàng hậu đi kèm, không có tam cung lục viện, mà chỉ được chọn ra qua các dấu hiệu của việc tái sanh mà thôi. Trong khi đó các vua nhà Trần tuy là thiền sư, nhưng là những thiền sư cư sĩ, ngoại trừ vua Trần Nhân Tông về sau này xuất gia, và những ông vua này vẫn có hoàng hậu, hoàng phi và thái tử, công chúa để nối dõi tộc họ nhà Trần.

Nếu bảo rằng có sự liên hệ máu mủ để giữ lại ngôi báu cho nhà Trần như Trần Thủ Độ mong muốn, thì nhà Trần của Đại Việt cũng chỉ tồn tại từ năm 1226 đến năm 1400 mà thôi. Trong gần 200 năm lịch sử ấy đã có biết bao nhiêu sự thăng trầm vinh nhục của một triều đại. Riêng chế độ Hoạt Phật của Tây Tạng không lấy chuyện sanh con đẻ cái để nhường ngôi, mà lấy sự tái sanh để định hình một vị Tăng Vương trong tương lai. Tuy không phải là con, cháu ruột của một dòng họ, mà là sự liên tục hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, để mang Đạo vào Đời. Nếu tính kỹ thì từ thế kỷ thứ 14 đến đầu thế kỷ thứ 21 này, Đức Hoạt Phật của Tây Tạng cũng đã trên dưới 700 năm lịch sử rồi. Trên thế gian này thật ra ít có triều đại vua chúa nào mà có thể truyền thừa lâu dài như thế.

Từ năm 1959 đến nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã hiện diện tại Ấn Độ mà các nước trên thế giới, Ngài đã tham gia với những chính khách khác đòi lại sự tự trị cho dân tộc Tây Tạng sau khi Trung Cộng xua quân xâm chiếm lãnh thổ của Ngài từ năm 1950. Có lẽ Ngài đã tiếp xúc khá nhiều với các chính thể tự do ở Tây Phương, Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Á Châu v.v…, nên cách đây không lâu, độ chừng 10 năm, Ngài đã tự chấm dứt nhiệm vụ của mình như là một Quân Vương của dân Tây Tạng và Ngài chỉ nhìn nhận mình là một tăng sĩ của Phật giáo Kim Cương Thừa. Còn việc tái sanh của Ngài như thế nào thì Ngài chưa cho biết rõ ràng, vì cho đến năm nay 2019, Ngài đã trên 84 tuổi và vẫn còn cư trú tại Dharamshala, Ấn Độ. Lịch sử đã sang trang và Ngài đã cho bầu ra chức Thủ Tướng là một người Tây Tạng bình thường, thay Ngài để lo những vấn đề đối nội, đối ngoại của Tây Tạng. Tuy vậy hình ảnh và tư tưởng của Ngài ngày nay không những chỉ ảnh hưởng trực tiếp với người dân Tây Tạng mà cả thế giới gần 7 tỷ người khắp năm châu, bốn biển, hầu như không ai là không nghe biết đến Ngài. Với người dân Tây Tạng luôn quy ngưỡng về Ngài, Ngài dạy rằng: “Nếu đa số người dân Tây Tạng mong đợi, thì Ngài sẽ tái sanh. Trách nhiệm ấy Ngài giao cho số đông, chứ không phải tự Ngài quyết định.” Thật là trí tuệ. Chúng ta hãy chờ xem.

Tổ Đình Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc có nhân duyên cung đón Ngài hai lần. Lần thứ nhất Ngài đến viếng thăm và giảng pháp, có dùng trưa tại chùa vào ngày 18 tháng 6 năm 1995. Ngày ấy và bây giờ mới đó mà đã 25 năm rồi. Năm ấy chúng tôi chuẩn bị thật kỹ càng. Ngài đã đến và đã đi, nhưng đã để lại không biết bao nhiêu sự kính mến, trân quý của người Phật Tử Việt Nam, Đức cũng như Tây Tạng. Sau đó Ngài cũng đến Đức để giảng pháp nhiều lần, nhưng Ngài không ghé qua Tổ Đình Viên Giác. Mãi cho đến ngày 20 tháng 9 năm 2013, chúng tôi lại có nhân duyên một lần nữa để cung đón Ngài về chùa chỉ để viếng thăm trong mấy tiếng đồng hồ, giảng pháp và chụp hình lưu niệm, rồi Ngài lại ra đi như lần trước.

Lần đầu vào năm 1995, Thầy Hạnh Tấn, Christoff và Đức Thụ đảm nhận phần thông dịch từ tiếng Tây Tạng hay tiếng Anh, Đức và Thầy Hạnh Tấn cùng Đức Thụ dịch sang Việt ngữ cho hơn 1.000 Phật Tử Việt Nam và Đức nghe. Đến lần thứ 2 vào năm 2013 chỉ một mình Thầy Hạnh Giới dịch thẳng từ tiếng Anh do Ngài thuyết giảng sang tiếng Việt. Lần thứ 2 này cũng có rất đông Phật Tử Việt Nam và Phật Tử người Đức đến nghe Ngài thuyết giảng.

Sau lần thứ nhất cũng như khi được học Phật Pháp trực tiếp với Ngài tại Schneverdingen, tôi về lại chùa đã chấp bút viết quyển sách tiếng Việt nhan đề là Tiếp Kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, sau đó nhờ sự tài trợ của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức, nên chúng tôi đã xuất bản quyển sách này cho Cộng đồng người Việt. Thầy Hạnh Tấn thuở ấy đã dịch sang tiếng Đức và xuất bản chung với tiếng Việt cùng một lúc. Đến đầu những năm 2019 này, để kỷ niệm 70 tuổi đời và 55 năm xuất gia học đạo của tôi, một số các anh em trong Ban Biên Tập báo Viên Giác đề nghị nên cho tái bản lại những sách của tôi viết, ít nhất là 10 cuốn cho đến ngày 28.6.2019, trên trang nhà của Amazon, nơi có thể trực tiếp mua sách và được gửi về tận nhà. Quyển sách này được chia ra làm 2 quyển cho độc giả của hai văn hóa khác nhau. Đó là người Việt và người Đức. Hy vọng trong những ngày sắp tới, qua sự bổ khuyết, phụ chính của nhiều người, gần 70 tác phẩm của tôi cũng sẽ lần lượt được đưa lên trên mạng Amazon để bà con Việt Nam và người Đức có cơ hội vào đó đặt mua sách.

Sách vở là món ăn tinh thần tuyệt vời nhất. Vì ngoài vấn đề món ăn vật chất hằng ngày mà ta phải dùng để nuôi sống cơ thể này, thì tinh thần cũng là một món ăn quan trọng, tại sao chúng ta lại không chấp nhận, mà hay quay mặt làm ngơ và thường hay biện minh rằng mình có ít thời gian để đọc. Nếu chúng ta không tập trung những tư liệu có tính cách lịch sử lại thì ngày sau này chừng ba bốn trăm năm nữa, nếu có ai đó muốn tìm về một giai đoạn phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam tại nước Đức này từ sau năm 1975 đến nay cũng sẽ không có một tư liệu nào khả dĩ để chứng minh được, nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề in ấn cũng như xuất bản sách.

Cũng như thế đó, bây giờ ở vào cuối thế kỷ thứ 20, đầu thế kỷ thứ 21, Giáo sư Học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, người có khả năng đọc và dịch lại tất cả những sách vở bằng Hán văn hay Anh văn, nhưng tiếc thay những văn kiện in ấn bằng bản gỗ thời Trần Thái Tông, nay chỉ còn lại một “Khóa Hư Lục” là trọn vẹn và Giáo sư tìm đủ mọi cách để khảo sát các bản in cũ, nhưng Niệm Phật Luận hay lời tựa của Kinh Kim Cương chú giải cũng không còn nội dung trọn vẹn. Quả là điều đáng tiếc biết bao. Bây giờ có người dịch và chú giải, nhưng lại không còn bản chính thì phải làm sao đây?

Từ những lý do chính đáng ấy mà riêng cá nhân tôi đã chấp bút dịch từ tiếng Anh, Đức, Hán, Nhật ra Việt ngữ hay viết thành nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt khác, tôi cũng chỉ viết bằng tay, qua giấy trắng mực đen, sau đó xem kỹ lại nhiều lần nữa để rồi giao cho thư ký đánh máy và dò lại lỗi chính tả, layout, in thành sách để gởi đi các nơi trên thế giới. Thông thường kinh sách của tôi dịch và viết số lần được in ấn ít nhất là 1.000 cuốn hay 2.000 và nhiều nhất là 3.000, trong đó có nhiều sách đã tái bản nhiều lần như: “Những mẩu chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát” hay “Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận” v.v…


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.115.45 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...