Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vua Là Phật, Phật Là Vua »» Lời vào sách »»

Vua Là Phật, Phật Là Vua
»» Lời vào sách

Donate

(Lượt xem: 3.405)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vua Là Phật, Phật Là Vua - Lời vào sách

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Hôm nay ngày 11 tháng 9 năm 2019 nhằm ngày 13 tháng 8 năm Kỷ Hợi, tôi đặt bút bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 của mình tại Tu viện Viên Đức, thuộc miền Nam nước Đức. Sách có tựa đề là: Vua là Phật, Phật là Vua. Ở đây phong cảnh tuyệt vời, vì tu viện nằm gần vùng Boden See nên không khí trong lành, cách biên giới Thụy Sĩ chừng 15 cây số, cách biên giới Áo chừng 13 cây số. Đây gọi là vùng tam biên. Hầu như cả 3 nước này đều nói tiếng Đức, nên việc giao tiếp không có gì khó khăn mấy. Đặc biệt, Thụy Sĩ tuy chưa phải thành viên 27 quốc gia sử dụng đồng Euro của Âu Châu, nhưng biên giới giữa Thụy Sĩ và Đức, giữa Thụy Sĩ và Áo hầu như được bỏ trống. Thỉnh thoảng mới thấy một vài cảnh sát biên phòng đứng đó hờ hững với khách qua đường. Đây là dấu hiệu của tự do, của thương mại liên quốc gia, không bị giới hạn bởi rào cản của thuế quan cũng như những luật lệ khắt khe khác.

Từ năm 2007 tôi đã chọn nơi này làm chỗ nghỉ ngơi, sau khi mùa An Cư Kiết Hạ tại Tổ Đình Viên Giác Hannover chấm dứt. Đây cũng là nơi để tôi dịch kinh, viết sách, nhất là sau 10 năm, mỗi năm 3 tháng, kể từ năm 2003 đến cuối năm 2012, tôi đã có dịp tịnh tu nhập thất tại Tu viện Đa Bảo ở vùng Capelltown và Bleu Mountain, Sydney, Úc Châu, thì Ravensburg, nơi Tu viện Viên Đức này vẫn là nơi lý tưởng để tôi thực hiện ý nguyện của mình khi tuổi đã lớn. Đặc biệt năm nay (2019), lễ Khánh thọ 70 tuổi tại Tổ Đình Viên Giác Hannover vào cuối tháng 6 năm 2019 vừa qua đã giúp tôi có thêm năng lượng để tu tập, đọc kinh sách và viết lách trong những ngày còn lại của đời mình.

Cuộc đời con người, nếu lấy mốc 80 năm để tồn tại trên thế gian này thì tôi chỉ còn 10 năm nữa thôi, vì 70 năm trước đã trôi về dĩ vãng rồi. Nếu tôi sống được đến 90 tuổi thì còn 20 năm nữa và nếu 100 tuổi thì tôi còn 30 năm nữa. Nhưng vô thường đến bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng chấp nhận thôi. Vì với tôi, như thế cũng đã quá đủ cho một cuộc đời tu hành xuất gia học đạo, đến nay đã trải qua 55 năm và cũng là 55 mùa xuân, hạ, thu, đông như thế. Nếu mỗi ngày thủy triều lên xuống 2 lần, kể không biết bao nhiêu biến thiên của đời người và của lịch sử cho hết được. Sống chết, vui buồn, yêu giận, thương ghét v.v… vốn là những sự thường tình của nhân thế. Người xuất gia tuy cũng không khác biệt với người thế gian, nhưng họ dám chấp nhận, dám dứt bỏ những gì cần dứt bỏ, để có đầy đủ tư lương bước vào con đường của các bậc Thánh, học theo hạnh của những bậc Đại Trượng Phu. Tuy sống giữa trần gian nhưng không bị trần gian làm ô nhiễm, tâm cũng như thân.

Tôi không sợ chết, thậm chí còn rất vui khi biết được mình sẽ chết nữa, nhưng những năm còn lại của cuộc đời, từ 10 năm đến 20 năm hoặc 30 năm nữa, thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong 70 năm đã đi qua mà thôi. Do vậy, tôi ý thức rằng mình phải trân quý từng sát na của sự sống, để biết mình là ai và sẽ làm gì trong những ngày còn lại của đời mình. Do vậy, việc viết lách, phiên dịch, diễn giảng của tôi là một trong những niềm an vui khi có được những ngày an lạc trú ngụ tại tu viện này. Tôi sẽ cố gắng làm một cái gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời.

Đôi khi, tôi vẫn thường so sánh với những bông hoa dại ven đường. Chúng nép mình vào những thảm cỏ xanh, tuy không tên gọi, nhưng mỗi khi hoa nở vẫn mang đến cho người những hương sắc đậm đà, khiến người qua đường cũng mát lòng khi cơn nắng hạ đang thiêu đốt. Vậy chúng ta là con người, phải làm sao cho xứng đáng với những gì ta đã tiêu thụ hằng ngày như: năng lượng mặt trời, đất, nước, gió, lửa, cơm gạo, tiền bạc, thuốc men, dầu, muối v.v… Kể ra ta cũng vay mượn của thiên nhiên và vạn hữu không biết bao nhiêu điều, nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp lại cho thiên nhiên những không khí hay năng lượng mặt trời đã sưởi ấm cho ta quanh năm suốt tháng chăng? Nếu chúng ta thực tập sâu vào trong từng hơi thở của chánh niệm và sự tỉnh thức thì chắc rằng ta sẽ nhận ra được việc ấy.

Cảm ân là một đức tính của con người cũng như khiêm cung và từ ái đối với muôn loài và muôn vật, nên tôi nguyện sẽ góp cho đời được một cái gì đó, dù thật nhỏ nhoi như cỏ cây ven đường hay những giọt sương mai vào buổi sáng tinh sương khi tiết trời mùa hè oi ả. Hoặc như một dòng nước nhỏ chảy qua khe rạch để nuôi sống cỏ cây, chuồn chuồn, muỗi mòng hay những loài côn trùng nhỏ nhoi nhất. Được như thế tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Năm 2018, tôi viết xong tác phẩm Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa và năm 2019, chùa Viên Giác tại Hannover xuất bản 3.000 cuốn, qua sự tài trợ chi phí in ấn của hai Phật tử Nguyên Hùng và Nguyên Ân ở Florida, vùng Jacksonville, Hoa Kỳ. Nhờ vậy, có nhiều người đã đọc được tác phẩm tiểu thuyết phóng tác lịch sử này. Nói là phóng tác, vì lẽ có nhiều điều sau năm 1308, khi Thượng Hoàng Trần Nhân Tông băng hà và Công Chúa Huyền Trân quyết tâm xuất gia với Pháp danh Hương Tràng, tu tập tại chùa Nộn Sơn ở Bắc Ninh, nay là chùa Hổ Sơn tại Nam Định, cho đến năm 1340, nghĩa là Bà có 32 năm tu hành như vậy, nhưng trong chính sử đã không kể lại chi tiết sự việc này và tôi đã làm việc phóng tác lịch sử ấy. Dĩ nhiên tôi không là nhân chứng của hơn 700 năm về trước vào thời nhà Trần, nhưng giới luật của người xuất gia và sự hành trì tự ngàn xưa cho đến ngàn sau cũng không có gì thay đổi cả. Do vậy mà tôi hình dung được về sự tu hành trong 32 năm của Bà để tạo nên tác phẩm này. Rồi từ đó có một học giả tại Hoa Kỳ, Pháp danh là Nguyên Tánh, tánh danh là Nguyễn Hiền, từng làm Trưởng Phòng Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, khi Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải còn sanh tiền điều hành Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh thuở nào. Sau khi đọc xong quyển tiểu thuyết phóng tác lịch sử này, đạo hữu Nguyên Tánh có đề nghị tôi viết một tác phẩm khác cũng tương tự như vậy về nhà Trần, đặc biệt là về Vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, không chỉ thuần là lịch sử, mà nên nhân cách hóa những vị vua này để dễ đi vào lịch sử hơn, làm sao cũng giống như tác phẩm Huyền Trân Công Chúa thì rất hay. Đạo hữu cũng yêu cầu tôi đừng viết đoạn kết, chỉ nên viết lời tạm kết mà thôi.

Thế rồi suốt thời gian cả hơn một năm qua như thế, tôi đã đắn đo suy nghĩ thật kỹ là mình nên viết theo thể loại nào? Cũng như viết làm sao để phù hợp với lịch sử, để người đời sau không chê trách khi xem sách của mình viết và cũng không cô phụ tấm lòng anh Nguyên Tánh, soạn giả quyển Vằng Vặc Một Mảnh Lòng.

Viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam thuộc triều Lý, Trần, từ năm 1010 đến năm 1222, rồi từ 1223 đến năm 1400, đã có nhiều tác giả như Ngài Mật Thể, ông Trần Văn Giáp, Giáo sư Nguyễn Lang (tức Thiền Sư Thích Nhất Hạnh) và gần đây có Giáo sư Lê Mạnh Thát là một học giả trên cả những học giả khác của Phật giáo, đã viết Toàn tập Trần Thái Tông, Toàn tập Trần Nhân Tông v.v… hay quyển Phật giáo Đàng Trong của học giả Giáo sư Nguyễn Hiền Đức, tôi thấy đã quá đủ cho một giai đoạn lịch sử như thế, nên cũng ngại ngùng khi chấp bút viết tác phẩm này. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu chỗ nào chưa viết rõ thì mình thêm vào cho rõ hơn, như nói về Vua Trần Thánh Tông chẳng hạn. Ông cũng là Vua, cũng tu học Phật ở chùa sau khi nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông. Thế nhưng, ông vua này cũng ít ai nhắc đến nhiều như Thái Tông và Nhân Tông. Hoặc giả Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung vốn là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, trong nhiều trận đánh với quân Nguyên Mông để lấy lại thành Thăng Long vào năm 1285 và 1288, ta chỉ thấy sử sách nhắc đến Hưng Đạo Vương nhiều nhất, trong khi đó vai trò của người anh ruột là Tuệ Trung Thượng Sĩ thì lịch sử bỏ trống.

Cũng vậy, chúng ta ai cũng biết là Trần Thủ Độ đã ép Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông về sau này. Đây là ông vua đứng đầu nhà Trần để dựng xây một cơ nghiệp vĩ đại tồn tại gần 180 năm (1226 - 1400). Điều này không ai là không biết, nhưng Trần Thánh Tông là con của bà Phi hay Hoàng Hậu nào, thì có rất nhiều người lờ mờ. Dẫu biết rằng cái bào thai của bà Thuận Thiên Hoàng Hậu Lý Ngọc Oanh khi kết hôn với Trần Liễu đã được 3 tháng tuổi, thì người này khi sinh ra được đặt tên là Trần Quốc Khang, chính là con của Thuận Thiên Hoàng Hậu với Trần Liễu chứ không phải là con của Trần Thái Tông. Chính Trần Thủ Độ biết rõ điều ấy cũng như triều đình bá quan văn võ đều rõ. Trước đó Trần Thủ Độ đã cho truất phế Lý Chiêu Hoàng vì lý do không có con khi mới vừa 18 tuổi (sau 10 năm chung sống cùng Trần Cảnh). Nhưng ông đã lầm, hoặc vì quá nôn nóng muốn cho Trần Cảnh - vốn là em ruột của Trần Liễu, con cùng cha là Trần Thừa - phải sớm có con nối dõi nên mới làm như vậy, bởi chúng ta biết rằng thực tế sau đó thì Lý Chiêu Hoàng tái giá và vẫn sinh con đẻ cái như thường.

Khi Lý Ngọc Oanh sanh ra Trần Hoảng thì mới chính là con ruột của Trần Thái Tông. Do vậy Trần Thủ Độ và triều đình đã lập Trần Hoảng làm Thái tử, về sau lên ngôi xưng hiệu là Nhân Hoàng, đổi niên hiệu là Thiệu Long từ 1258 - 1272 và đổi thành Bảo Phù từ năm 1273 - 1278. Bây giờ thì mọi người mới rõ, cuộc lương duyên của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh chỉ là sự sắp xếp của Trần Thủ Độ nhằm chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, cho nên Lý Chiêu Hoàng đã bị truất ngôi Hoàng Đế cuối cùng của triều Lý để trở thành Hoàng Hậu đầu tiên của triều Trần. Để rồi chỉ vì chậm sinh hoàng tử cho nhà Trần, bà đã bị truất phế cả ngôi Hoàng Hậu. Tuy vậy, người không chờ làm Hoàng Hậu là bà Lý Ngọc Oanh, vì bà là chị ruột của Lý Chiêu Hoàng và đã được gả cho Trần Liễu, nhưng có lẽ vì mệnh trời hay duyên số, nhờ vào cái bào thai của Trần Quốc Khang do Trần Liễu tạo nên đã giúp bà lên ngôi Hoàng Hậu Thuận Thiên. Cho dù bà là con của Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung với Lý Huệ Tông, nhưng Đàm Thái Hậu, mẹ của vua Lý Huệ Tông vốn không ưa Trần Thị Dung vì biết rằng Trần Thủ Độ đã cho gài người họ Trần vào nhà Lý để chuẩn bị soán ngôi, nên đứa con gái đầu của Lý Huệ Tông là Lý Ngọc Oanh bị nghi ngờ. Nhưng vua Huệ Tông vẫn yêu mến Trần Thị Dung nên cả vua và Hoàng Hậu đã trốn ra bên ngoài hoàng thành để sinh con. Lịch sử cũng cho biết rằng bà Đàm Thái Hậu nhiều khi có ý bảo Lý Huệ Tông phải giết Trần Thị Dung và thai nhi Lý Ngọc Oanh đi, nhưng Huệ Tông không nghe, vẫn trọng dụng họ Trần để cuối cùng bị ép buộc phải đi xuất gia ở chùa Chân Giáo lấy hiệu là Huệ Quang Thiền Sư. Nhưng rồi cũng chẳng được yên thân. Khi ông đang ngồi nhổ cỏ trước sân chùa, Thủ Độ đi ngang qua bảo rằng: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc.” Hiểu được thâm ý sâu độc của Trần Thủ Độ muốn diệt tận nhà Lý, Thiền Sư Huệ Quang đành phải tự mình kết liễu mạng sống.

Bà Lý Ngọc Oanh không được bà nội là Đàm Thái Hậu thương yêu, nhưng khi Huệ Tông sinh ra em gái bà là Lý Chiêu Hoàng, có lẽ cơn giận đã nguôi, nên Đàm Thái Hậu cũng đồng ý để cho Lý Chiêu Hoàng làm vợ của Trần Cảnh. Vì đến năm 1230 bà mới quy tiên, nên những cảnh này chắc chắn bà đã chứng kiến từ lúc 8 tuổi Trần Cảnh đã vào cung để làm người hầu cho Lý Chiêu Hoàng do sự sắp đặt của Trần Thủ Độ và sau đó trở thành bạn thân của Trần Cảnh, rồi lấy Trần Cảnh làm chồng.

Như thế, người mong muốn thì không được, người muốn lại chẳng nên. Đó là nhân duyên theo nhà Phật đã bắt nguồn từ bao đời trước, chứ không phải chỉ có đời nay mà thôi. Vả lại, khi Trần Thị Dung mang thai Lý Ngọc Oanh, chắc rằng lo sợ Đàm Thái Hậu nhiều nên thai nhi cũng bị ảnh hưởng không ít và khi sinh ra bên ngoài hoàng cung không được ai chăm sóc, nên chắc rằng lúc nhỏ Lý Ngọc Oanh cũng bị đối xử không được tốt đẹp gì, dầu cho mang danh là một nàng công chúa.

Cuộc thế lại đổi thay, qua cuộc ép duyên ngang trái em chồng lấy chị dâu của Trần Cảnh với Lý Ngọc Oanh, sau đó sinh ra Trần Hoảng rồi Trần Quang Khải, Trần Ích Tắc, Trần Nhật Duật là những tướng tài, nhưng cũng có người phản quốc “cõng rắn cắn gà nhà” như Trần Ích Tắc chẳng hạn. Lịch sử vẫn còn đó, tốt và xấu, lành hay dữ chẳng qua chỉ do nghiệp lực mà thôi. Ai cũng muốn điều tốt, không ai muốn điều xấu, nhưng xấu tốt là hai mặt mà một cuộc đời phải kinh qua, dẫu cho đó là vua chúa hay hoàng hậu, thái tử hay hoàng phi v.v...

Tôi sẽ cố gắng tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử này để giới thiệu nguồn tư liệu đến với độc giả, nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Thánh Tông. Ông có công đứng đầu trong chiến thắng ngoại xâm với quân Mông Cổ lần thứ nhất vào năm 1257, nhưng Thượng Hoàng Trần Thái Tông cũng đã giúp ông thành công trong cuộc đại chiến này. Đến năm 1258, Thượng Hoàng băng hà thì năm này Trần Nhân Tông cũng được sinh ra. Điều đặc biệt cuối đời của Trần Thánh Tông là sau khi nhường ngôi cho Trần Nhân Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng, ông cũng như cha mình là Trần Thái Tông đều vào chùa xuất gia tu niệm. Như vậy, triều Trần không phải chỉ có một vị vua học làm Phật, mà cả 3 ông vua đầu nhà Trần đều như thế cả.

Tác phẩm này mang tên “Vua là Phật, Phật là Vua”, ghi lại chuyện những vị vua đã từ giã ngôi vị đế vương quyền quý để xuất gia học làm Phật. Điều này không chỉ có ở Việt Nam, mà từ xa xưa ở Ấn Độ, Thái tử Tất Đạt Đa cũng đã làm như vậy, nên đề tài này quý độc giả có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn. Bởi lẽ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng là Thái tử và Thái tử ấy đã bỏ ngôi vua để đi làm Phật. Điều này chứng minh rằng quả vị Phật cao hơn và giải thoát hơn là địa vị của một nhà vua đứng đầu thiên hạ. Khi Phật giáo được truyền sang Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam hay các nước Nam tông Phật giáo như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Lào v.v… cũng đã có rất nhiều nhà vua bỏ ngôi báu để xuất gia tìm tánh Phật của mình. Hoặc giả như ở Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ theo Kim Cang Thừa thì đã có nhiều vị vừa làm vua vừa làm Bồ Tát hay Phật, như Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 hiện nay của Tây Tạng.

Trên đây là những nguyên nhân xa và gần khiến tôi phải chấp bút viết tác phẩm này. Lẽ ra tôi đã ngưng viết tiểu thuyết, cho dù là tiểu thuyết phóng tác lịch sử, nhưng vì đạo hữu Nguyên Tánh Nguyễn Hiền đã có ý hay, nên tôi bắt đầu viết tác phẩm này từ ngày 11/09/2019, mãi đến năm 2020 mới đánh máy và in ấn xong để gửi đến quý vị xa gần. Nếu có những sai lầm hay nhận định thô thiển về lịch sử, đều là lỗi của tôi. Cho nên, nếu độc giả thấy có điều gì cần bổ chính thì xin cho chúng tôi biết, để lần sau tái bản sẽ hoàn hảo hơn.

Từ sau khi đạo hữu Giác Đạo Dương Kinh Thành viết xong tuồng cải lương “Chuyện tình Liên Hoa Hòa Thượng”, dựa trên tiểu thuyết phóng tác lịch sử từ câu chuyện có đăng trong “Thiền Sư Việt Nam” của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” của Nguyễn Hiền Đức, đã được nghệ sĩ Út Bạch Lan, Tô Châu, Phượng Loan trình diễn. Nhiều người xem đã hâm mộ, khen ngợi cũng như tán thưởng vở cải lương này, và đó cũng là động lực để sau khi tôi viết xong tác phẩm tiểu thuyết phóng tác lịch sử “Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa” cũng đã được nhà soạn tuồng cải lương Phật tử Giác Đạo Dương Kinh Thành tiếp tục chuyển thể cải lương. Nhưng đến nay sau hai năm mà kịch bản vẫn chưa xong, vì lẽ đạo hữu đã lớn tuổi, nhiều bịnh duyên, lại khi dùng máy computer để ghi chép thường bấm lộn nút, nên nhiều chương bị xóa mất, phải biên soạn lại. Rất nhiều lần như thế nên cho đến bây giờ tuồng cải lương này vẫn chưa hoàn chỉnh. Dù vậy, hy vọng một ngày không xa quý khán thính giả năm châu cũng sẽ được thưởng thức vở tuồng này.

Đến tác phẩm này, trong khi tôi viết chưa xong nội dung vẫn hy vọng sẽ có Phật tử đứng ra bảo trợ để xuất bản. Và nếu nội dung có ý nghĩa thì một tuồng cải lương hay thoại kịch sẽ ra đời, giúp cho những người yêu thích bộ môn này được thưởng thức cũng không chừng. Cải lương vốn dĩ xuất phát từ miền Nam và ngày nay đa phần giới trẻ chuộng tân nhạc hơn cổ nhạc, nhưng nếu không có người viết sách, soạn tuồng thì các nghệ sĩ cải lương sẽ mai một và trên sân khấu cuộc đời thiếu đi những tuồng tích và 6 câu vọng cổ thì thiệt thòi cho những thế hệ đi sau không phải ít. Tân nhạc ngắn gọn, hát lên nghe dễ hiểu, chỉ trong vòng 5 phút là nghe xong một bài hát về quê hương hay tình mẹ, trong khi đó một tuồng cải lương phải cần không biết bao nhiêu là nhân vật và phải diễn nhiều màn khác nhau mới xong một tuồng. Đó là chưa kể đến điển tích, lịch sử, sự kiện v.v… khó nhớ, khó học thuộc vô cùng. Chỉ những người nào yêu thích bộ môn này mới trân quý mà thôi. Bởi lẽ ngày nay người ta có rất ít thời gian trong 24 giờ của một ngày, nên cần cái gì giản đơn, nhanh chóng hay tiện lợi là hợp thời nhất. Ví dụ như đồ ăn nhanh, đồ uống gọn, đồ mặc hợp thời trang... Truyền hình, Facebook hay điện thoại Viber có hình ảnh v.v… là những phương tiện giao tiếp văn minh của thời đại. Ai đâu có dư thời gian mà ngồi đó để xem tuồng cải lương dài ba hay bốn tiếng đồng hồ. Hơn nữa, xem xong rồi chỉ cần biết kép nào đẹp trai, đào nào đẹp gái v.v… còn nội dung của tuồng thì ít người nhớ hết được.

Nhưng chẳng lẽ vì thế mà người ta không viết sách hay soạn tuồng? Viết sách là dành cho người thích đọc sách, soạn tuồng để dành cho những người thích môn nghệ thuật cổ xưa này qua việc đờn ca của các tài tử tự thuở nào. Người không ưa đọc sách, nếu có bắt buộc, họ cũng chỉ xem qua loa rồi gấp sách lại. Người ham danh lợi, bạc tiền thì bảo rằng: Làm như thế để làm gì, hãy dành thời gian đọc sách, xem tuồng, nghe nhạc ấy để đầu tư kiếm tiền phục vụ cho sự giàu có của mình có phải hữu ích hơn không? Nghĩa là có cả trăm ngàn cách để người ta có thể chọn lựa điều mình ưa thích, nhưng nếu nói cho cùng, nó cũng chỉ là những sự cảm thọ mà thôi. Vui buồn, yêu giận, thương ghét, phiền não, khổ đau, hạnh phúc, giàu nghèo, cao sang, ti tiện, thông minh, ngu dốt v.v… tất cả những gì có hình tướng hay ngay cả không hình tướng, chúng ta không thấy được, đều bị vô thường chi phối. Đã là vô thường thì đều gây ra sự khổ. Nếu biết diệt khổ thì vô ngã hay Niết-bàn sẽ hiện hữu. Lý do chúng ta chưa đạt đến vô ngã là vì chúng ta còn đang bị những cảm thọ chi phối và không tự làm chủ mình, nên mọi việc lại xoay vần như cũ, luân lưu mãi trong vòng sanh tử, luân hồi.

Đạo hữu Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến là chủ biên trang nhà Rộng Mở Tâm Hồn, đã cùng với quý đạo hữu khác như Nguyên Tánh Nguyễn Hiền, Nguyên Trí Nguyễn Hòa và Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, trong thời gian qua đã giúp tôi một cách nhiệt tình trong việc chỉnh sửa câu văn, ý tứ hay những đoạn cần phải viết lại của các sách tiếng Việt và tiếng Đức, chừng 10 tác phẩm đã đưa lên trang Amazon, mọi người khắp năm châu bốn biển có thể vào đây để xem qua hình thức, nội dung của sách và đặt mua. Amazon sẽ gửi sách đến tận nhà cho quý vị. Hình thức phát hành này hiện đã có trên khắp Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc châu.

Nếu xuất bản tiếng Đức và tiếng Việt riêng thì tôi sẽ có nhiều tác phẩm hơn là 66 tác phẩm như trong hiện tại. Tôi hy vọng quý anh em sẽ tiếp tục giúp tôi đưa toàn bộ những sách tôi đã viết và dịch lên Amazon để lưu trữ tại đó và đáp ứng được nhu cầu của độc giả toàn cầu. Đây là một thư viện trực tuyến lớn mà ai cũng có thể vào đó để xem cũng như chọn mua những quyển sách mình yêu thích.

Cho đến nay, ngoài sách viết tay bằng tiếng Việt, tôi cũng đã dịch từ tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Đức và tiếng Nhật khá nhiều sang Việt ngữ. Văn tôi không hay, chữ tôi không tốt, nhưng tất cả đều là những nỗ lực chân thành của một đời người, nhằm dệt nên những gấm hoa tô điểm cho đời và đạo, cho cuộc sống thêm tươi vui, lợi lạc, cũng giống như những hoa hoang cỏ dại khiêm tốn ven đường. Nếu có ai đó hữu duyên đi vào vườn hoa văn hóa nhỏ bé của tôi thì cũng có thể thưởng thức được hương sắc của những loài hoa văn chương tuy không lấy gì đặc sắc lắm. Đó là ý nguyện của tôi khi chấp bút viết nên những tác phẩm và những dịch phẩm của mình.

Hôm nay ngày 11 tháng 9 năm 2019 chỉ là trong sự tình cờ, nhưng lại trùng hợp với ngày này của năm 2001, nghĩa là cách nay đúng 18 năm về trước tại New York, Hoa Kỳ, sự kiện hai tòa nhà thương mại và Ngũ Giác Đài bị đại họa, khiến cho gần 3.000 người chết. Tiếng kêu cầu khi bị nạn dường như vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay. Nơi ấy tôi cũng đã có mấy lần đến cầu nguyện sau biến cố tang thương này. Quả đất vẫn xoay vần và mưa vẫn rơi, tuyết vẫn đổ, chiến tranh vẫn tàn phá nhiều nơi trên quả địa cầu này. Ngoài ra, thiên tai hạn hán cũng là một khổ nạn nặng nề cho nhân loại. Hiện tại nhiều nước Phi châu không đủ nước cho người và gia súc dùng. Tại Á châu, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam không đủ lương thực cho mấy tỷ người đang sinh sống trên lục địa này, nên số dân nghèo chịu cảnh đói khát cũng không ít. Hoa Kỳ và Âu châu vẫn bị tai ương dồn dập, nhưng có lẽ nhờ họ có phước báu nhiều đời, vả lại sau chiến tranh Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, họ khổ đau quá nhiều, nên bây giờ họ biết tu thân cũng như tu tâm, nên đời sống vật chất dù sao cũng tốt đẹp hơn so với những lục địa khác.

Xin nguyện cầu cho tất cả mọi người, mọi loài luôn được sống an lành trong ánh từ quang của Đức Phật. Phật vẫn mãi là bậc đạo sư tối thượng cho cả vua quan hay hàng dân dã. Pháp chính là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho tất cả chúng sanh còn ngụp lặn trong biển trần. Tăng chính là một đoàn thể hòa hợp để mọi người có thể lấy đó làm chỗ dựa cho cuộc sống tâm linh của mình. Tam bảo quý vô cùng, tất cả kẻ tăng người tục đều nên quy ngưỡng về. Có như vậy, phần tâm linh của chúng ta mới đỡ bơ vơ lạc lõng giữa muôn trùng bủa vây của cuộc sống trên trần thế này.

Kính nguyện những tâm thức đã trở thành người thiên cổ luôn gia hộ cho người còn sống được vững chí bình sinh mà đi nốt trên con đường thiên lý của mỗi người và giúp cho những người đã ra đi vĩnh viễn luôn có nơi để hướng về. Đó là ánh sáng từ quang của chư Phật và chư vị Bồ Tát, đặc biệt nhất là sự duỗi tay tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà.

Kính nguyện Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát luôn gia hộ cho quê mẹ Việt Nam của chúng con, giữa người và người ngày càng gần gũi, hiểu biết nhau hơn, không nghi kỵ nhau, không thù oán nhau nữa. Bởi vì ông bà tổ tiên của chúng con trong nhiều đời nhiều kiếp từ xưa đến nay đã tạo ra không biết bao nhiêu nỗi oán hờn chồng chất lên nhau và biết đâu họ cũng là chúng con và chúng con cũng là họ, nên ngưỡng mong chư Phật và chư vị Bồ Tát luôn gia hộ cho chúng con có đầy đủ sức mạnh của lòng từ, sự dũng cảm của tâm bi và sự sáng suốt của trí tuệ để đi đúng con đường mà các bậc giác ngộ đã trải qua. Chính các Ngài mới xứng danh là Vô Thượng Y Vương của con người và muôn loài.

Viết xong Lời Vào Sách này lúc 17 giờ
ngày 11 tháng 9 năm 2019
tại Tu Viện Viên Đức thuộc vùng Ravensburg,
miền Nam nước Đức.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguyên lý duyên khởi


Phát tâm Bồ-đề


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Cảm tạ xứ Đức

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.68.97 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...