Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vua Là Phật, Phật Là Vua »» Chương 1. Nỗi lòng Công chúa Thuận Thiên »»

Vua Là Phật, Phật Là Vua
»» Chương 1. Nỗi lòng Công chúa Thuận Thiên

Donate

(Lượt xem: 6.315)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vua Là Phật, Phật Là Vua - Chương 1. Nỗi lòng Công chúa Thuận Thiên

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Từ khi hai bà Trưng nổi lên chống lại quân Nam Hán. Các Bà liều chết để không chịu nhục khi bị vây thành, nên đã nhảy xuống sông Hát Giang để tự tử. Mãi cho đến Thái Hậu Dương Vân Nga, vợ của vua Lê Đại Hành, thay chồng chấp chính khi nhà vua thân chinh dẹp giặc. Cho đến nhà Lý có Lý Chiêu Hoàng và Lý Ngọc Oanh. Cả hai Bà đều là những liệt nữ. Nếu không có họ, chắc rằng giang sơn Đại Việt của cha ông chúng ta gây dựng từ ngàn xưa sẽ thay ngôi đổi chủ theo hướng khác. Nhiều khi các bà Hoàng Hậu này cũng cố chịu nhục để làm xong một bổn phận, dầu là nữ nhi thường tình.

Sinh ra trong chốn hoàng cung cuối đời Lý, nàng là con gái đầu của vua Lý Huệ Tông, được cha mẹ đặt tên là Lý Ngọc Oanh và là chị ruột của Lý Chiêu Hoàng. Khi mẹ mang thai nàng, bà nội là Đàm Thái Hậu tỏ ra ghét cay ghét đắng và tìm đủ mọi cách để ám hại mẹ nàng là Trần Thị Dung, sau này là Linh Từ Quốc Mẫu, vốn là người dòng dõi họ Trần do Trần Thủ Độ vì mưu cầu chính trị đã gài người vào theo mỹ nhân kế, nhằm khiến cho nhà vua sủng ái và yêu mến cả tài lẫn sắc của Trần Thị Dung, nên câu chuyện oái oăm này chính nàng là người chịu oan khiên đau khổ nhất. Bên tình, bên hiếu nàng phải tính sao đây?

Để bảo toàn tính mạng của chính mình cũng như bào thai đang sắp ngày sinh nở, nhưng không được mẹ chồng thương yêu lại còn tìm cách ám hại, nên Trần Thị Dung đã cùng với Lý Huệ Tông đêm khuya trốn ra khỏi cung thành để chuẩn bị cho ngày lâm bồn. Nhưng trên đường đi, bà Trần Thị Dung đã chuyển dạ hạ sinh Công chúa Thuận Thiên ở Cửu Liên Châu, bên tả ngạn sông Hồng ngày nay. Điều oái oăm là chỉ có một mình người chồng hết mực yêu quý theo cùng, ông lại chẳng biết gì về việc sinh nở, nên thật không an tâm khi bên mình chẳng có kẻ hầu người hạ. Thông thường dẫu cho là một người dân thường đi chăng nữa, khi lâm bồn cũng phải rước một bà mụ để giúp cho mẹ tròn con vuông. Nhưng ở đây tứ bề vắng lặng, không một ai bên cạnh vợ chồng Lý Huệ Tông.

Người lớn dùng thế chính trị qua mỹ nhân kế để mưu bá đồ vương, còn con trẻ có tội tình gì mà phải vướng lụy bởi những âm mưu đen tối ấy? Ngày càng lớn khôn, công chúa Lý Ngọc Oanh càng được cha mẹ thương yêu nhiều hơn, vì lẽ bà nội chẳng đoái hoài đến, thì dẫu cho cha mình có thuyết phục cách mấy đi chăng nữa, việc ấy cũng vô bổ mà thôi. Ngay cả mẹ mình còn bị bà nội nghi ngờ thì làm sao đòi hỏi nội mình thương mình được? Nhưng dẫu sao thì nàng cũng vẫn là người con gái được làm con vua, sánh như cành vàng lá ngọc, nhưng ai hiểu được mối sầu này ở chốn thâm cung bí sử kia. Chỉ có nàng, mặc dầu còn nhỏ, nhưng nàng cũng đã cảm nhận được điều đó.

Khi Lý Ngọc Oanh lớn khôn thì đã có em gái là Lý Chiêu Hoàng ra đời cũng trong hoàn cảnh bà nội chẳng thương, nhưng vì đây là đứa con thứ hai của cha mẹ mình, nên những mũi kim nhọn không còn đâm thẳng vào Chiêu Hoàng nữa. So với em mình, Ngọc Oanh vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi hơn, mặc dầu là chị.

Lý Ngọc Oanh vẫn được cha lẫn mẹ chăm lo săn sóc về văn lẫn võ, nên nàng dần dần cũng được Bà Nội dõi mắt theo. Một hôm, đang chơi trong vườn ngự uyển, bỗng thấy Đàm Thái Hậu, bà nội của mình xuất hiện. Thay vì vui mừng đón nhận một nụ hôn nhân hậu từ bà nội, nàng bị khựng lại không dám tiến đến gần mà còn bị gạn hỏi nữa.

- Con biết ta là ai chăng?

- Muôn tâu! Là Nội của con.

- Ai cho phép gọi ta là Nội?

- Con nghĩ rằng cha con là con của nội, thì con gọi Nội là Nội của con.

Đàm Thái Hậu ngẩn người ra, sau đó xoay mặt về hướng hậu liêu và suy nghĩ tiếp. “Kể ra con bé này cũng khôn ngoan đáo để đấy chứ. Vậy ta phải làm cách nào đây cho dòng họ nhà Lý của mình vẫn có thể tiếp tục duy trì?” Tuy nghĩ vậy, nhưng bà biết rằng giữa bà và Lý Huệ Tông, nhất là Trần Thị Dung chưa bao giờ có một ý hướng chung với nhau cả. Nếu bà nghĩ cách này thì hai người kia sẽ dùng chước khác. Bà nghĩ cách khác thì hai người họ lại suy nghĩ cách lạ hơn để làm trái lòng bà. Nhiều khi bà tự nghĩ: Mình là một Thái Hậu, mẹ vua nhưng chẳng có quyền hành gì cả. Nếu có chăng, chỉ là những việc dẹp nội loạn ở cung đình của đám đàn bà con gái trong cung cấm. Ăn no rồi chẳng biết làm gì, ngồi lâu suy nghĩ ra nhiều cách khác nhau, cốt làm sao cho quân vương có thể dừng chân trước cửa phòng của mình để mây mưa và mục đích là cầu cho sanh ra được quý tử để tiếp tục ngôi vị kế thừa. Vì thế nên đã có nhiều cung nữ nghĩ ra cách là lấy lá dâu tằm ăn, nhử cho xe dê của vua dừng lại trước cửa phòng mình và đêm ấy nhất định quân vương sẽ trao tất cả cho người đẹp. Tuy nhiên mỗi người lại nghĩ ra mỗi cách khác nhau, cốt làm sao cho vua phải lụy vì mình. Từ đó phát sinh ra không biết bao nhiêu là điều thị phi nhân ngã và chính Đàm Thái Hậu phải đứng ra giải quyết những việc như vậy. Bởi lẽ bà đã biết quá nhiều khi bà về làm cung phi rồi Thái Hậu của Tiên đế, nên bà chẳng lạ gì với những việc đàn bà con gái ấy.

Trong hậu cung thường có tam cung, lục viện. Nơi đó chỉ có vua là chúa tể và khi hoàng hậu không con hay đã có con trai rồi thì vua say mê nhan sắc của những cung phi mỹ nữ được tiến cung vào sau đó, nên mới có chuyện kình địch, thù hằn, ganh tị, đố kỵ, hoặc đôi khi còn tìm cách ám hại lẫn nhau. Đó cũng là những chuyện bình thường mà thôi.

Chuyện trong cung cấm từ xưa, ở Trung Hoa hay Việt Nam cũng vậy. Những chuyện “linh miêu tráo chúa” cốt chỉ làm thỏa mãn lòng ích kỷ của mình, khi con mình là con trai, nếu được lên làm vua, cả họ đều nhờ. Hoặc giả cũng có những nàng cung nữ đẹp yêu kiều nhưng không biết toan tính chuyện riêng tư nên cứ ở hoài như vậy để đợi vua đến, mà giờ tốt ấy chẳng biết là khi nào, nên mới viết thành lời thơ và chuyển ra bên ngoài cung cấm để sau này thế nhân gọi là “Khúc ngâm vịnh ai oán của nàng cung nữ”. Hoặc đôi khi làm loạn trong nội cung cũng chỉ vì muốn được đấng quân vương sủng ái, nên đã tìm đủ mọi cách để vượt qua lễ nghi triều kiến, dẫu cho việc ấy có dẫn đến tội “khi quân” đi chăng nữa thì cũng sẽ hạ hồi phân giải. Có nàng bị nhốt vào lãnh cung, ngày đêm lạnh lẽo, cô đơn, một thân một mình chẳng có ai bên cạnh để mà mong, mà đợi, mà chờ. Đôi khi chết một cách thê thảm ở những nơi lạnh lẽo như thế mà ít có người tới lui thăm viếng, hỏi han. Như vậy, cuộc đời cung nữ đâu có gì vui? Thế mà thiên hạ ở ngoài thành, nếu thấy ai có con gái đẹp thì cũng mong được tiến cung và mục đích duy nhất, nếu được đấng quân vương ưu ái thì cha mẹ của cung nữ kia sẽ trở thành Quốc trượng. Từ đó quyền hành, tiền bạc, ngựa xe… không thiếu thứ gì cả. Như vậy ai mà không muốn. Chỉ tội cho những tấm thân bồ liễu mà thôi. Ban ngày thêu thùa, may vá. Tối về lo trang điểm soi gương, cốt sao cho ngày qua tháng lại có đấng quân vương ghé đến loan phòng thì đó chính là diễm phúc của một nàng cung nữ.

Ngày xưa cha mẹ sinh con ra, dầu là con trai hay con gái, quyền cưới gả là do cha mẹ quyết định, chứ con cái chẳng được dự phần. Nên sau này người đời không muốn lặp lại chuyện này nữa. Do đó mới có chuyện tự do luyến ái, tự do kết hôn giữa nam nữ và từ đó việc tự do ly thân, ly dị cũng là chuyện bình thường. Việc này xảy ra nhiều như cơm bữa trên thế giới ngày nay. Xưa kia tuy độc tài, độc đoán, nhưng đa phần những cuộc lương duyên như thế cũng khá lâu bền, ít nghe đến việc ly thân hay ly dị, nhưng bây giờ lại trái ngược hoàn toàn. Nhiều khi chắc cũng có việc hai vợ chồng không hiểu nhau, gây gổ và đổ vỡ, nhưng nhờ họ kín tiếng hay nếu có thì cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ thường can thiệp giúp đỡ để giải hòa nên tình cũ vẫn trở lại như xưa. Đôi khi vì sĩ diện của gia đình, của dòng họ, nên họ đã quên đi tình riêng và nghĩ đến nghĩa chung, cố gắng sống với nhau cho qua ngày tháng. Đây cũng là một điều hay, mà cũng có khía cạnh dở, vì người con gái bao giờ cũng vẫn chịu sự thiệt thòi nhiều hơn so với người chồng.

Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung đoán chắc trước sau gì thì Đàm Thái Hậu cũng sẽ bảo mình chọn gả Lý Ngọc Oanh cho ai đó để đỡ lo hậu họa về sau, nên trong nhiều kế sách, tốt nhất là gả cho Phụng Càn Vương Trần Liễu, vốn là con trai trưởng của Trần Thừa. Họ nghĩ rằng con gái mình được gả đi làm vợ của một người họ Trần thì có thể trực tiếp hay gián tiếp ngăn chặn việc nhà Trần lật đổ ngôi nhà Lý. Đây cũng là một kế sách sử dụng nữ nhi như vật cống, vì giá trị của người đàn bà trong thời đại quân chủ xưa nay vốn thường bị đối xử như vậy. Đây cũng có thể nói là một cuộc hôn nhân có tính cách chính trị và Công chúa Thuận Thiên chỉ là một con bài đã được toan tính trước trong vấn đề tranh giành quyền lực giữa tộc Lý và tộc Trần. Điều này hẳn nhiên là Đàm Thái Hậu, mẹ của Lý Huệ Tông và là bà nội của Lý Ngọc Oanh rõ hơn ai hết, khi biết dã tâm của Trần Thủ Độ là cấy gài Trần Thị Dung vào làm vợ con trai mình là Lý Huệ Tông, nhằm làm lung lạc lòng người cũng như trăm họ, nên bà muốn ra tay trước nhưng không thành. Bây giờ con trai bà lại nghĩ kế ngược lại, nghĩa là đem con gái đầu lòng là Lý Ngọc Oanh gả cho Trần Liễu để biết đâu Liễu sẽ vì tình chung nghĩa riêng mà không đang tâm chiếm đoạt ngôi của nhà Lý? Bà nghĩ như vậy, đoạn mỉm cười và bỏ vào hậu cung.

Lý Ngọc Oanh khi về làm dâu họ Trần, làm vợ của Trần Liễu và đường đường là chị dâu của Trần Cảnh, rất được người chồng sủng ái yêu thương hết mực và hai năm sau đó tại gia đình của cha mẹ ruột lại xảy ra chính biến. Đó chính là mẹ đẻ của nàng, Trần Thị Dung đã liên kết với Thái Sư Trần Thủ Độ bắt ép cha nàng là Lý Huệ Tông phải thoái vị và nhường ngôi cho người em gái của Ngọc Oanh là Lý Chiêu Hoàng, lúc ấy mới 6 tuổi, lên làm Nữ Hoàng của nước Đại Việt. Nhà vua Lý Huệ Tông bây giờ đã rõ việc can ngăn của Đàm Thái Hậu là đúng, nhưng đâu còn cách nào khác hơn là lánh mặt cuộc đời và giao sơn hà xã tắc lại cho con để vào chùa tu niệm. Chính những ngày biến động trong cung cấm nhà Lý đã làm cho Huệ Tông, tức Thiền sư Huệ Quang, mỗi khi tham thiền, đọc kinh niệm Phật đều rõ mồn một lý nhân duyên và nhân quả của nhiều đời và suy nghĩ rằng:

“Ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi gặp cảnh sanh, già, bệnh đã ưu tư khá nhiều về cuộc sống của con người nơi trần thế. Lần cuối cùng Ngài gặp một vị đạo sĩ với dáng đi, đứng, ngồi, nằm thanh cao thoát tục, nên Ngài đã quyết chí xuất gia tìm Đạo. Nếu Ngài ở lại cung son thì một dải giang sơn trên Hy Mã Lạp Sơn chắc chắn cũng sẽ được vua Tịnh Phạn cho nối truyền, nhưng điều Thái Tử đã không màng thì ta ngày nay cũng vậy. Tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng sự thoát tục thì không khác. Ta vì sủng ái Trần Thị Dung, nuông chiều quá mực, nên mới ra như vậy và bởi lẽ ta không có con trai để nối dõi tông đường nên đã truyền ngôi cho con gái thứ là Lý Chiêu Hoàng. Với tuổi 6, 7 đâu biết gì, nhưng đây là ý của Thủ Độ, vì Thủ Độ đã cho Trần Cảnh, vốn là em ruột của Trần Liễu ra vào cung son tự tiện để săn sóc cho Chiêu Hoàng và trai gái gặp nhau dầu là tuổi nhỏ, nhưng rơm và lửa dầu nhỏ đến đâu, ngọn rơm cũng bắt đầu bốc cháy, khi ngọn lửa nhỏ gần kề và đây chính là dã tâm của Trần Thủ Độ để một mực thâu tóm quyền bính về cho nhà Trần.”

Lý Huệ Tông xuất gia không phải mục đích như Thái Tử Tất Đạt Đa, mà chính là chán ngán cung cấm cũng như những trò lừa đảo chính trị của Trần Thủ Độ. Bây giờ vợ mình là Trần Thị Dung cũng bị Trần Thủ Độ chiếm đoạt làm vợ. Con chung của hai người bây giờ đều là con dâu của họ Trần và hai anh em Trần Liễu, Trần Cảnh lấy hai chị em ruột Lý Ngọc Oanh và Lý Chiêu Hoàng. Kể ra tình đời thì không trái nghịch nhau mấy. Đó cũng là điều có thể chấp nhận được. Nhưng khi Huệ Tông vào chùa Chân Giáo để tu hành mà nhớ nghĩ đến những sự kiện vừa mới xảy ra cũng ngán ngẩm làm sao. Nhiều khi ông tự trách mình rằng: “Kể từ khi Lý Thái Tổ khai mở cho dòng họ nhà Lý này, tính đến nay cũng đã trên dưới 200 năm (1010-1222). Lúc đầu cũng do Thiền sư Vạn Hạnh và Thiền sư Lý Khánh Vân cùng với Đào Cam Mộc thực hiện việc lên ngôi của Tiên Đế, nhưng đó là vì Lê Long Đĩnh sống đời quá trụy lạc, vô độ, nên những bậc quân thần mới muốn thay ngôi đổi chủ, còn ta đây đâu có gây sự gì với Trần Thủ Độ hay nhà Trần mà phải bị họa lây như thế?”

Một hôm Lý Huệ Tông ra ngồi nhổ cỏ trước sân chùa Chân Giáo, Trần Thủ Độ đi lễ chùa, nhưng cũng cố ý muốn biết Huệ Tông đang làm gì, để đề phòng hậu sự, nếu có việc chuẩn bị nào cho binh biến có thể xảy ra. Thế nhưng Thủ Độ vẫn thấy ngôi chùa yên tĩnh không có động tĩnh gì, nên mới an tâm và khi bước ra ngoài sân Thủ Độ gạn hỏi:

- Bệ hạ đang làm gì đó? À quên, mà thiền sư mới đúng chứ.

- Ta đang nhổ cỏ.

Huệ Tông trả lời.

- Nhớ rằng! Nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc đấy!

Thiền Sư Huệ Quang suy nghĩ hồi lâu và thoáng lên trong đầu chuyện triều Lý đã đến thời mạt vận. Đây có lẽ là ý của Thủ Độ muốn tru diệt hết người nhà Lý, nên mới khẩu lịnh với ta như thế chăng? Ngày xưa khi còn làm vua và Thủ Độ dầu cho là Thái Sư đi chăng nữa, thì vẫn còn tung hô trước ta là Bệ Hạ vạn tuế. Nay bách tuế cũng chưa đến, làm sao sống đến vạn tuế được? Thế mà vận số đổi thay. Bây giờ kẻ làm quân sư cho vua nhỏ, người phải ngồi nhổ cỏ tại sân chùa. Huệ Quang tủi phận mình và quyết chọn cái chết cho tròn thanh danh và đền ơn chư liệt Thánh của nhà Lý, chứ sống làm chi khi phải chứng kiến cảnh trái ngang từ trong cung cấm ra đến ngoài nhân thế, khiến cho kẻ bàng quan khi nhắc đến lại chê cười.

Lý Ngọc Oanh đang ở nhà chồng, sống yên ổn với nhà chồng và được Trần Liễu thương yêu rất mực, nhưng khi nhìn về bối cảnh của hoàng cung nhà Lý bây giờ vắng vẻ quá. Bà nội Đàm Thái Hậu vì buồn nản nên đã băng hà. Cha bị ép buộc truyền ngôi sớm cho em mình rồi vào chùa để tu niệm. Nàng suy nghĩ miên man như vậy. Bỗng dưng Chiêu Hoàng đến gặp chị và tâm sự:

- Chị ơi! Lâu nay chị sống ra sao? Kể từ khi chị đi lấy chồng, em buồn lắm, không có ai bạn bè, may mà có anh Trần Cảnh do chú Trần Thủ Độ cho vào hầu hạ rồi trai gái sinh ra mến nhau nên em đã được hứa gả cho Cảnh và nếu em có làm vợ Cảnh thì em vẫn là em của chị mà?

- Việc này tất cả đều do người lớn hai bên sắp đặt cả, chị đâu có biết gì. Mặc dầu cuộc hôn nhân của chị cũng ấm êm đấy chứ, nhưng nhìn về triều ca của dòng họ mình, chị thấy sao buồn quá!

- Biết làm sao hơn. Tất cả chị em chúng ta đều không có anh hay em trai để nối dõi tông đường dòng tộc họ Lý, mà chúng ta chỉ là những nhi nữ bình thường, dẫu cho là công chúa, hoàng đế đi nữa thì cũng làm sao “mặc áo cho qua khỏi đầu” được. Tất cả đều do người lớn đã dọn đường rồi.

- Đành rằng là vậy, nhưng sao em thấy Phụ vương mình tội nghiệp quá, còn Mẹ mình thì sao lại có thể đang tâm nghe theo Trần Thủ Độ để làm những việc tày trời mà người đời ít ai có thể nghĩ ra được!

- Ừ... ừ, ừ! Đúng ra là vậy, nhưng biết làm sao bây giờ. Vả lại chúng ta còn nhỏ dại quá và cũng nữ nhi thường tình quá. Cha mẹ đặt đâu, mình ngồi đó vậy thôi. Cứ để cho con tạo xoay vần xem sao.

- Chị nói như vậy nghe cũng phải. Thôi để chờ xem.

Một năm, hai năm rồi ba năm sau, Trần Thủ Độ thấy Lý Chiêu Hoàng có vẻ chịu được sự săn sóc của Trần Cảnh nên đã sắp đặt với Trần Thị Dung tạo ra một sự ép duyên, một đám cưới có sự tham dự của triều đình. Ai đời con gái mới 8 tuổi mà đã có chồng? Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, thế mà hai người lớn họ Trần đã toa rập và bày sẵn ra mưu kế như thế, khiến cho Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng phải tuân phục mà thôi. Trước khi Trần Cảnh cưới, thì Lý Chiêu Hoàng là Hoàng Đế của Đại Việt, nhưng sau khi Chiêu Hoàng làm vợ Trần Cảnh, bà đã trở thành Hoàng Hậu, phò tá cho chồng. Triều đại nhà Trần chính thức bắt đầu từ đầu năm 1226 và nhà Lý đã cáo chung, nhường lại sơn hà xã tắc này cho Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung làm mưa làm gió. Vì đứng ở phương diện nào đi nữa thì Thủ Độ và Thị Dung vẫn là những bậc cha mẹ của cả Trần Cảnh và Chiêu Hoàng. Lúc này những Sắc Dụ ban ra đều do sự cố vấn của Trần Thủ Độ còn Trần Thị Dung thì đứng phía sau màn nhung để nhắc khéo chồng hờ của mình.

Lý Chiêu Hoàng sống với Trần Cảnh từ năm lên 8 đến năm 18 tuổi, nhưng chuyện thai nghén chẳng nghe động tĩnh gì cả, nên cả Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đều lo lắng, vì nghĩ rằng Chiêu Hoàng chắc không thể có con, nên hai người lại tìm mưu tính kế. Thị Dung bàn với Thủ Độ rằng:

- Thuận Thiên đang thời kỳ thai nghén. Bào thai ấy tuy là của Trần Liễu, nhưng chúng ta ép Trần Liễu và Thuận Thiên nhường cái bào thai ấy cho em mình thì có sao đâu? Ông nghĩ sao?

Thủ Độ nhướng mắt nhìn Trần Thị Dung và nói:

- Làm như vậy chỉ sợ là “vải thưa không che được mắt thánh”, người ngoài biết chuyện thì sao?

- Thế gian lâu nay chuyện ấy cũng thường tình. Dẫu sao đi nữa thì cái bào thai kia cũng là huyết thống họ Trần.

Trần Thị Dung đáp lại như vậy.

- Tuy là được, nhưng ta thấy hơi khó coi. Vì lẽ Trần Cảnh dẫu sao cũng là em ruột của Trần Liễu, làm sao lấy chị dâu của mình được?

- Xưa nay ông không thấy rằng trong các dòng vua chúa ở xứ ta hay xứ người, họ đều lấy người cận huyết chăng?

- Để làm gì? Thủ Độ vặn hỏi lại.

- Còn để làm gì nữa? Để cho thiên hạ chỉ quy về một mối thôi, dẫu cho có bị lật đổ ngôi báu thì cũng là người trong họ và giang sơn của họ Trần này sẽ không bị đổi qua họ khác.

Trần Thủ Độ nghe lập luận của người tình Trần Thị Dung có lý, nên ông gật đầu và thế là một màn hạ bệ có tính cách chính trị nữa đã được sắp đặt. Ông gọi Chiêu Hoàng vào bảo:

- Đã 10 năm rồi sao con không sinh cho bệ hạ một mụn con nào?

- Việc này đâu phải do con.

- Ta có một việc muốn nói với con. Chắc con không từ chối?

- Xin Thái Sư cứ chỉ bày.

- Đã từ lâu, có thể đã hơn 10 năm nay rồi, ta chờ đợi ngày đêm giữa con và Thái Tông báo tin vui, nhưng sự chờ đợi cũng có giới hạn của nó. Bây giờ ta muốn con thôi làm Hoàng Hậu, trở lại đời sống bình thường và lập chị con là Thuận Thiên lên làm Hoàng Hậu. Vì Hoàng Hậu đang hoài thai. Con nghĩ thế nào?

- Nếu cậu nghĩ như thế thì cháu vâng theo. Dẫu sao đi nữa thì Thuận Thiên vẫn là chị ruột của con, thay thế con trong ngôi vị này cũng xứng đáng thôi.

Bên ngoài thì Chiêu Hoàng nghĩ vậy, nhưng bên trong tự nhiên nàng suy nghĩ rằng: “Làm sao chị mình đang hạnh phúc, lại làm cho hạnh phúc của mình và Trần Cảnh tan vỡ. Dẫu sao đi nữa thì cũng đã có 10 năm cùng chăn gối mặn nồng mà?” Mặt khác giữa Trần Liễu vai anh và Trần Cảnh vai em cũng cảm thấy khó xử cho việc không phải đạo này, nhưng nghĩ cho cùng thì việc này do Trần Thị Dung và Thái Sư Trần Thủ Độ sắp đặt tất cả, chứ cả 4 người gồm 2 cặp vợ chồng trẻ đâu có được ý kiến gì?

Từ đó họ sống bên nhau, nhưng luôn có sự xa cách. Cuối cùng, cũng vì lợi ích của gia tộc và cuộc sống của một công chúa, nên Thuận Thiên đã liều nhắm mắt đưa chân để đi thêm bước nữa với người em rể của mình.

Lẽ ra bà mới là người chính thức làm vợ Trần Cảnh từ trước, nhưng bà bị hất hủi khi mẹ mình mới sinh ra, do bà nội Đàm Thái Hậu không đồng ý, nên Trần Thị Dung khi hoài thai nàng lo âu dồn dập. Do vậy khi thai nhi được sinh ra yếu ớt, đau ốm liên miên và bây giờ biết đâu trong cái rủi ấy lại có cái may, mình không phải người đi chiếm đoạt ngai vàng để trở thành bậc mẫu nghi của thiên hạ, mà ngai vàng ấy tự dưng đưa đẩy đến tay ta thì ta nhận lãnh mà thôi. Dẫu biết rằng em gái Chiêu Hoàng chắc rằng chẳng vui mấy, nhưng ta là chị. Chắc có lẽ ơn trên đã ban cho ta vậy.

Vừa sống với Trần Liễu chẳng được bao lâu và đang mang trong mình dòng máu của chồng, Thuận Thiên thật khó xử khi gọi em chồng là chồng, nó ngờ ngợ làm sao. Những ngày đầu Trần Thái Tông kém vui, nhưng nhờ sự khôn khéo của Thuận Thiên nên cuối cùng rồi mối lương duyên ấy cũng tạm ổn để chuẩn bị hạ sinh cho Trần Liễu và Trần Cảnh một người con chung. Đó là Trần Quốc Khang.

Bên trong triều nội, người vui nhất là Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ, vì tất cả kế hoạch sắp đặt từ trước đến nay cứ như thế mà tuần tự đến. Nếu nhớ lại chuyện xưa thì Thủ Độ cũng vui, vì nhờ ông mà Trần Thị Dung được vào cung son, làm vợ của Lý Huệ Tông và cũng chính nhờ ông mà triều Trần đã có con trai để nối dõi tông đường. Không những thế Trần Thị Dung bây giờ cũng giống như Trần Thái Hậu, vợ của Thái Sư chuyên chính này. Ấy chẳng phải mệnh trời là gì?

Tuy nhiên, trong thành Thăng Long dân chúng bàn tán xôn xao. Kẻ bảo thế này, người nói thế khác. Có kẻ cho là hay, lắm người bảo là dở. Nhưng dở hay đâu chưa biết, câu chuyện này đã làm đảo ngược cả luân thường đạo lý. Ai đời em chồng đi lấy chị dâu, xưa nay dù trong dân gian cũng chưa từng có, mà nay chuyện trái đạo này lại xảy ra ngay trong triều đình nhà Trần. Đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán xôn xao, cuối cùng cũng đến tai vua. Năm ấy thuộc niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 6, tức năm Đinh Dậu (1237), nhà vua chính thức lấy chị dâu là Thuận Thiên làm vợ. Trần Liễu bất bình đã tập hợp quân ở sông Cái để nổi loạn.

Vua trong lòng không yên nên đang đêm bỏ ra khỏi kinh thành, đến núi Yên Tử gặp Quốc Sư Phù Vân nói là “chỉ muốn làm Phật”. Nhưng Trần Thủ Độ đâu dễ để cho vua yên, nên bắt buộc vua Trần Thái Tông phải trở về lại cung thành Thăng Long. Ông ta nói: “Nếu bệ hạ không về thì bệ hạ ở đâu, triều đình sẽ đóng tại đó.”

Sau khi nghe lời khuyên bảo của Quốc Sư Phù Vân, vốn là bạn cũ của vua, ông cùng Trần Thủ Độ xa giá trở về Thăng Long, sống với Thuận Thiên trong nhiều năm và sau đó sinh ra Trần Hoảng vào năm 1240. Người này mới chính là con ruột của Trần Thái Tông và Công Chúa Thuận Thiên, nên sau này mới được chính thức tôn lên làm vua với miếu hiệu là Thánh Tông, xưng hiệu là Nhân Hoàng, đặt niên hiệu là Thiệu Long (1258-1272) và Bảo Phù (1273-1278). Sau khi vua băng hà, triều thần dâng thụy hiệu là Huyền Công Thịnh Đức Nhân Minh Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng Đế, xây Lăng mộ là Dụ Lăng (thuộc phủ Long Hưng).

Trần Hoảng là một vị vua anh minh trong sử Việt, trị vì từ năm 1258, nghĩa là sau khi Thái Tông đánh thắng quân Nam Tống vào năm 1257, và đến năm 1278, nghĩa là chỉ 20 năm sau, Thánh Tông cũng nhường ngôi cho Nhân Tông, còn mình thì làm Thái Thượng Hoàng lui về ở phủ Thiên Tường để hỗ trợ cho vua con.

Một năm sau khi sinh Trần Hoảng, nghĩa là năm 1241, Thuận Thiên đã sinh thêm một người con trai cho Trần Thái Tông lấy tên là Quang Khải và sau này là Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Đây là vị tướng tài, sau này đã giúp cho vua Trần Nhân Tông đánh thắng quân Nguyên Mông hai lần vào năm 1285 và 1288. Sử sách vẫn còn ghi rõ ràng như vậy. Thuận Thiên cũng sinh thêm một Trần Ích Tắc. Ông này thông minh, học rộng, nhưng sau này quy hàng quân Nguyên Mông và bị mang tiếng xấu là “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi giày mả tổ”. Điều này có lẽ Hốt Tất Liệt biết rõ nội tình của huynh đệ nhà Trần hơn, nên mới tạo ra cảnh nội loạn, ngoại phân như vậy. Hay biết đâu Trần Ích Tắc cũng ganh tị với anh mình là Trần Hoảng nên mới cam tâm chạy theo giặc Nguyên Mông để thừa nước đục thả câu. Tuồng đời xưa nay luôn diễn ra như vậy. Chỉ có điều hoàn cảnh và thời gian khác nhau thôi, nhưng sự kiện trong cung cấm chẳng có gì thay đổi mấy. Cuối cùng cũng chỉ vì chiếc ngai vàng ấy, nên muôn sự cũng từ đây mà ra.

Thuận Thiên Hoàng Hậu cũng sinh thêm cho Trần Thái Tông một hoàng nam nữa. Đó là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ông này cũng là một tướng tài trong những trận đánh kinh thiên động địa với quân Mông Cổ vào những năm 1285-1288.

Vai trò của Trần Quốc Khang ra sao, sử sách ít đề cập đến, vì lẽ ông chỉ là một con tốt dùng để thí khi ván cờ chính trị đã hạ màn. Ông sinh ra trong sự toan tính dự phòng của Thủ Độ vào lúc nhà Trần chưa có người nối nghiệp, nên khi các hoàng tử nối nhau ra đời thì số phận của ông thật hẩm hiu. Lẽ ra ông đã là Đông cung Thái Tử nếu là huyết thống của Thuận Thiên và Trần Cảnh, nhưng ai cũng biết ông thực sự là con của Trần Liễu nên địa vị này ông phải nhường lại cho em mình là Trần Hoảng, vốn vừa là em cùng mẹ khác cha, nhưng lại cũng là anh em nhà chú nhà bác. Chuyện oái ăm hỗn độn này quả thật chỉ có trong triều Trần mà thôi.

Cuộc đời của công chúa Thuận Thiên quá gian truân, từ khi mới sinh ra cho đến khi lấy chồng và sinh con. Đứa con Trần Quốc Khang ấy, tuy là anh của Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, nhưng không phải là con của Trần Thái Tông, mà là con của Trần Liễu. Do vậy bà rất đau buồn. Sau đó chính thức Thuận Thiên Hoàng Hậu mới cùng với Trần Thái Tông sinh ra ba người con trai khác như bên trên đã nói lược qua. Bà là công chúa nhà Lý, sau làm hoàng hậu nhà Trần, rồi làm thái hậu khi Trần Thái Tông lên làm Thái Thượng Hoàng, nhường ngôi cho Trần Thánh Tông. Năm 1248, bà qua đời khi mới vừa tròn 32 tuổi và được truy phong là Hiển Từ Hoàng Thái Hậu. Nhưng điều đặc biệt ở tại ấp A Sào, nay là xã An Thái, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình người dân đã làm miếu thờ bà bên cạnh đền của người chồng trước là Trần Liễu chứ không phải Trần Thái Tông. Cho hay cái nhân nghĩa ở đời là vậy. Phàm có sóng vì có nước, nếu nước không thì sóng cũng không. Có phân biệt bỉ thử nên mới có sự tranh giành. Nếu một niệm khởi như lúc ban đầu không thiện không ác, thì có đâu lại sanh, lại diệt, có đến có đi, có còn có mất? Ai liễu ngộ được điều này, người ấy sẽ biết được sự vô thường sanh diệt là gì.

Về phía Trần Liễu tức anh ruột Trần Thái Tông, có vợ chung là công chúa Thuận Thiên, con gái lớn của vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Đứa con bị gán ép đó tên Trần Quốc Khang mới chính là máu mủ của Trần Liễu và Thuận Thiên công chúa. Như vậy, nhiều người thắc mắc rằng những người con của Trần Liễu về sau này như Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu Trần Triều, là con của bà nào đã kết hôn với Trần Liễu?

Theo Trần Triều thế phả hành trạng thì Trần Liễu kết hôn với bà Trần Thị Nguyệt, tức là Thiện Đạo Quốc Mẫu sinh ra ba người trên. Còn Thuận Thiên Hoàng Hậu sinh ra cho Trần Liễu hai người con trai. Đó chính là Trần Quốc Khang và người anh là Vũ Thành Vương Trần Doãn. Ông này vào năm 1256 đem cả nhà qua nhà Tống thì bị bắt lại. Nếu kể phổ hệ bên Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, thì có nhiều người nổi tiếng hơn. Nhưng tại sao lịch sử lại oái oăm như vậy? Có phải chăng tất cả ván bài này đã được Thái Sư Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung toan tính trước?

Đa phần trong sách sử của Việt Nam ít ghi rõ nét về Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung. Không hiểu lý do tại sao. Có thể vì ông là một bậc thầy quá nổi bật trong thiên hạ lúc bấy giờ và ông là một thiền sư cư sĩ, nên người ta không biết xếp ông vào đâu chăng? Trên thực tế, những trận đánh ở Thăng Long với quân Nguyên Mông cùng với người em ruột là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông là người chỉ huy đại tài trong những trận đánh năm 1285 và 1288. Thế mà lịch sử chỉ tuyên dương công trạng của Hưng Đạo Vương, còn vai trò làm anh của ông, chỉ huy trong những trận này, dường như phai nhạt. Lý do gì đi nữa thì ông vẫn là người anh con nhà bác của Trần Thánh Tông và ông cũng là anh ruột của Hoàng Hậu Thiên Cảm, mà Hoàng Hậu này lấy Trần Thánh Tông để sinh ra Nhân Tông. Như vậy vua Trần Nhân Tông gọi Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là cậu, nếu xét về phía bên ngoại, và phải gọi là bác nếu xét về phía bên nội.

Sau này vua Trần Nhân Tông lấy Hoàng Hậu Khâm Từ, con gái của Hưng Đạo Vương thì việc gọi theo lớp lang cũng không khác gì cha mình, nghĩa là Hưng Đạo Vương là anh rể của Thánh Tông, Nhân Tông vừa gọi Hưng Đạo Vương là bác mà cũng là cha vợ. Điểm đặc thù của họ Trần là anh em chú bác lấy nhau, con nhà bác lấy con nhà chú, hay ngược lại. Theo đạo lý thông thường thì như vậy gọi là loạn luân, nhưng cũng có thể Trần Thủ Độ đã chủ trương như vậy ngay từ đầu để bảo vệ quyền lực trong dòng họ và về sau mọi người cứ thế mà noi theo, để ngôi vua không lọt vào dòng họ khác.

Thế kỷ thứ 20, 21 này, đa phần nước nào còn vua cũng chỉ lập một Chánh cung Hoàng hậu, ít có thứ phi như những thế kỷ trước. Có lẽ ngoài nhân gian đã cấm việc đa thê thì vua chúa, người đứng đầu của một đất nước cũng phải tuân theo luật pháp. Đời nhà Trần khởi sinh việc con vua cháu chúa chỉ lấy với nhau trong hoàng tộc, nhưng ngày nay nhiều hoàng hậu xuất thân từ dân dã bình thường, như Anh Quốc hay Nhật Bản cũng đều như vậy. Vì theo các nghiên cứu khoa học thì hôn nhân cận huyết như con chú con bác, con cô con cậu lấy nhau sẽ sinh ra nhiều chứng bệnh nan y khó trị.

Riêng bà Thuận Thiên sinh cho Trần Liễu hai người con Trần Quốc Khang và Vũ Thành Vương Trần Doãn cũng là những người bình thường, không có gì đặc biệt, nên lịch sử ít đề cập đến hai người này. Vũ Thành Vương Trần Doãn sau này có lẽ vì bất mãn với Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông nên đã dẫn bầu đoàn thê tử chạy sang nhà Nam Tống, nhưng cơ mưu bại lộ, cả nhà đều bị bắt phải quay lại Đại Việt.

Chiến sự, hậu sự ở hoàng cung lâu nay là vậy. Khi một triều đại này lên có nhiều người trong triều đại cũ không phục tùng, nên phải đi lánh nạn để giữ trọn nghĩa trung quân ái quốc. Thời vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, quân Mông Cổ thôn tính gần hết nhà Nam Tống. Do vậy những người Hán không chịu hàng quân nhà Nguyên để giữ tròn khí tiết của mình đã chạy sang Đại Việt của chúng ta và Thái Tông cũng như Nhân Tông dang tay ra đón họ. Sau này khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta dưới thời Nhân Tông thì chính những người tỵ nạn từ Nam Tống này cũng đã góp phần đánh bại quân Nguyên Mông với các vua nhà Trần. Đây là sự trả ơn cho người chủ mới đã bảo toàn tánh mạng và dòng họ của họ khi lưu trú tại xứ người.

Lịch sử là sự lặp lại, nên trước đó không lâu, năm 1226 khi Trần Thủ Độ chuyên quyền ở nhiều lãnh vực, có nhiều người con cháu của nhà Lý không phục nhà Trần mới soán ngôi, đã bỏ nước ra đi, trong đó có Hoàng Tử Lý Long Tường. Theo Bác sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ hiện ở Pháp đã nghiên cứu về những sự kiện trên và ông ta đã đưa ra những bằng chứng rõ ràng về sự ra đi không hẹn ngày trở lại của Hoàng Tử Lý Long Tường cùng thời với Lý Huệ Tông. Huệ Tông ở lại để chịu nhục, không phải để cầu vinh. Vì cái thế của ông phải như vậy, để rồi tự mình phải kết liễu đời mình, vì không muốn bị làm nhục bởi Trần Thủ Độ khi nhà Lý đã mất ngôi vào tay nhà Trần và nhất là vợ mình là Trần Thị Dung cam tâm chịu làm người tình, rồi người vợ của Trần Thủ Độ. Sự kiện ấy đã làm cho Huệ Tông đau lòng, mặc dầu ông đang sống trong chùa, muốn quên đi bao nhiêu sự hưng phế của triều đại và thế sự đã xảy ra chung quanh mình, nhưng nào đâu có dễ.

Trong khi đó, Hoàng tử Lý Long Tường lại cao bay xa chạy để tránh vạ lây. Sử sách cho biết ông đã dùng 3 chiến thuyền chở 6.000 người tộc họ nhà Lý giong buồm thẳng đến các đảo quốc ở phương bắc, trong đó có Đài Loan và Đại Hàn. Khi gần đến đảo quốc Đài Loan, người con của Hoàng tử Lý Long Tường bị bệnh nặng nên một chiến thuyền phải ghé sang đó và sau này làm nên cơ nghiệp tại đây. Khi nghiên cứu về gia phả của nhà Lý tại Đài Loan thì nhiều người quyết đoán rằng Tổng Thống Lý Kính Huy của Đài Loan vào cuối thế kỷ 20 chính là hậu duệ của nhà Lý và con cháu của Lý Long Tường từ thế kỷ 13, đã đóng góp cho đảo quốc này những con người làm nên danh phận như vậy. Cánh còn lại giong buồm đi thẳng đến Đại Hàn, cặp bến ở Nam Hoa và sau này khi quân Mông Cổ đến chiếm Triều Tiên, Hoàng tử Lý Long Tường cùng gia thân quyến thuộc đã giúp vua chúa Triều Tiên chống lại sự bành trướng của Thành Cát Tư Hãn từ Trung Hoa. Cuộc chiến thành công, nên vua Triều Tiên mới ban cho Hoàng tử Lý Long Tường danh hiệu là Nam Hoa Tướng Quân. Nếu ông còn ở lại Đại Việt, không biết ông có cộng tác với Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ) và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để chống lại quân Nguyên Mông chăng? Vì lẽ ôm mối hận nhà Trần cướp ngôi nhà Lý thì khi có thù trong giặc ngoài, chắc rằng ông cũng phải chọn một trong hai, đó là nợ nước hay thù nhà. Nếu xem thù nhà nặng hơn thì chí làm trai sao có thể ngẩng mặt với giang sơn, khi để giặc ngoại xâm lan tràn trên quê hương của mình? Hoặc là chấp nhận xóa thù nhà giữa họ Lý và họ Trần, cùng hợp sức với nhau để giữ vững quê hương Đại Việt.

Điều này dẫu có muốn đi chăng nữa thì Trần Thủ Độ cũng không cần, vì ông chỉ muốn giết sạch hết người nhà Lý. Bằng chứng là ông cho quân lính đào hầm hố chung quanh lăng tẩm của vua chúa nhà Lý vào ban đêm để mọi người khỏi dị nghị, rồi cho chôn cọc nhọn bên dưới, bên trên ngụy trang bằng những tấm ván và thảm cỏ xanh. Xong đâu đó rồi, ông loan báo cho con cháu nhà Lý biết là: Nếu muốn tảo mộ, thăm lăng tẩm của những bậc tiền nhân nhà Lý thì hãy sắm lễ lộc để đi tảo mộ. Thế là mọi người hớn hở xuất hiện để đi thăm viếng lăng mộ của Tổ Tông mình. Nào ngờ đâu hầu như tất cả những người còn lại của con cháu nhà Lý đã bị lừa. Đến khi mọi người tập trung ở các lăng tẩm của các tiên vương, Trần Thủ Độ hạ lệnh cho rút tất cả những tấm ván kê tạm gần lăng mộ, khiến mọi người đang đứng lễ bị sụp xuống hầm chông và Thủ Độ cho quân lính lấp đất lại. Thế là xong một triều đại.

Những người biết trước thời thế và gian tâm của Thủ Độ như Hoàng tử Lý Long Tường nên mới bỏ nước ra đi. Ra đi như vậy không phải là để cầu vinh, mà chắc rằng ai trong 6.000 người của họ cũng trông về cố quốc, muốn trở lại thăm lăng mộ, làng xưa xóm cũ, nhưng khi hay tin Trần Thủ Độ cư xử như vậy, nên đa phần đã quyết định ở lại Triều Tiên cho đến ngày hôm nay. Trải qua hơn 800 năm lịch sử thăng trầm như vậy, vào thế kỷ 20 đã có một người mang dòng họ Lý lên làm Tổng Thống của Nam Hàn. Đó là Lý Thừa Vãng. Ông là hậu duệ của nhà Lý Việt Nam và chính con cháu của ông thời trước 1975 muốn trở về quê hương để thăm lăng mộ của tiên đế nhà Lý tại miền Bắc. Nhưng lúc bấy giờ vì quan san cách trở cũng như chủ nghĩa cộng sản khắt khe nên họ đã không thực hiện được. Và sau này, gần đây nhất là việc con cháu nhà Lý từ Triều Tiên và Đại Hàn đã về thăm lại quê xưa, nhất là lăng mộ của gia tộc nhà Lý. Tuy họ không còn nói tiếng Việt nhuần nhuyễn nữa, nhưng họ Lý vẫn giữ nguyên, cũng có người học và nói tiếng Việt thật giỏi để thi vào quốc tịch Việt Nam trong hiện tại. Đúng là: “Cây có cội, nước có nguồn” là vậy.

Từ khi hai bà Trưng nổi lên chống lại quân Nam Hán. Các Bà liều chết để không chịu nhục khi bị vây thành, nên đã nhảy xuống sông Hát Giang để tự tử. Mãi cho đến Thái Hậu Dương Vân Nga, vợ của vua Lê Đại Hành, thay chồng chấp chính khi nhà vua thân chinh dẹp giặc. Cho đến nhà Lý có Lý Chiêu Hoàng và Lý Ngọc Oanh. Cả hai Bà đều là những liệt nữ. Nếu không có họ, chắc rằng giang sơn Đại Việt của cha ông chúng ta gây dựng từ ngàn xưa sẽ thay ngôi đổi chủ theo hướng khác. Nhiều khi các bà Hoàng Hậu này cũng cố chịu nhục để làm xong một bổn phận, dầu là nữ nhi thường tình.

Kế đến có Huyền Trân Công Chúa vâng lời phụ vương Trần Nhân Tông sang Chiêm Thành làm vợ của Chế Mân, nhưng nhờ thế mà Đại Việt có thêm Châu Ô, Châu Lý. Đến thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, bà công chúa Ngọc Vạn cũng đã vì giang sơn của Việt tộc mà về làm vợ vua Miên và cuối đời cũng đã dùng lời hay tiếng khéo để cho Thái Tử rõ ước nguyện của mình, nên mới có được Sài Gòn, Gia Định ngày nay. Một bà Vĩnh Tế, vợ của Thoại Ngọc Hầu, nếu không hy sinh vì chồng đi kinh lược xa tận miền Nam để chủ trì cho dân Nam đào kinh, khơi nước thì miền Nam ngày nay đâu có được giao thông tiện lợi như vậy?

Đồng thời cũng có những người đàn bà ác độc như Trần Thị Dung. Lúc thì làm vợ vua, lúc làm người tình của Trần Thủ Độ. Lúc gả con gái trưởng cho người anh, khi lại đồng tình cho phế lập kỷ cương để về làm vợ của người em, cốt chỉ mong con mình làm sao giữ được ngôi Hoàng Hậu của nhà Trần. Và gần đây nhất từ những năm 1954 đến 1963, bà Ngô Đình Nhu cũng là một người đàn bà quá tàn nhẫn khi xem việc tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức vào ngày 20 tháng Tư năm Quý Mão (1963) là việc “nướng thịt”.

Những cách hành xử, nói năng của những nữ lưu trong lịch sử Việt Nam vẫn còn đó. Hay hoặc dở, tốt hay xấu, lịch sử vẫn ghi lại trung thực những gì đã xảy ra để người đời sau lấy đó làm bài học cho chính bản thân mình, nhất là khi có quyền thế trong tay phải cần suy nghĩ thật chín chắn trước khi quyết định một việc gì.

Chương Một này nói về việc chính là “Nỗi lòng Công chúa Thuận Thiên”, nhưng lịch sử giống như một mắc xích, khi viết việc này không thể không viết việc kia, lại không được và viết bao giờ cho đủ? Thông thường những người viết sử ở mỗi triều đại đều phải tuân theo khuôn phép, luật lệ của triều đại ấy. Tuy hay với triều đại này mà dở với triều đại kia. Chỉ có những ai đứng ngoài vòng tranh chấp mới có được một cái nhìn khách quan hơn.

Tuy vậy sự nhận xét phê phán cũng chỉ có giá trị theo từng người, từng quan điểm và từng thời đại khác nhau, không có gì là chân lý bất biến cả. Do vậy, người đọc sách lịch sử phải tự chọn cho mình một thái độ nghiêm túc để phán xét hay viết về một sự kiện. Có như vậy, người đọc mới dễ lãnh hội hơn. Nói cho cùng, văn chương chữ nghĩa chỉ là vấn đề chuyển tải tư tưởng của người viết. Người đọc sách hay xem truyện hãy tự mình kiểm soát tư tưởng của mình, để khi đọc được nhiều lợi lạc hơn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Chắp tay lạy người


Đường Không Biên Giới

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.140.196.5 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...