Không biết ai là người đã viết nên “4 lời nguyện rộng lớn” (Tứ hoằng thệ nguyện) này nhưng từ thời Lục Tổ Huệ Năng (TK VII) đã thấy đề cập và cho đến nay hằng ngày các tu sĩ cũng như cư sĩ theo con đường của Phật đều tụng niệm như một lời nhắc nhở để… đừng bao giờ quên:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn Pháp môn vô lượng thệ nguyện học Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
Chúng sanh thì “vô biên”, phiền não thì “vô tận”, pháp môn thì “vô lượng” còn Phật đạo thì “vô thượng”…
Chuyện kể có vị thiền sinh được Thầy cho có một chữ làm “công án” để mà nghiền ngẫm suốt mấy năm trời: “Vô”! Đọc Bát Nhã Tâm Kinh thấy toàn… Vô: “Vô sắc, vô thọ… vô nhãn nhĩ… vô vô minh, vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc…”
Nhưng, tại sao chúng sanh thì vô biên?
Vô biên bởi vì không thể đếm, không thể đo được.
Sợi tóc trên đầu cũng đếm được, các ngôi sao trong vũ trụ cách xa hàng triệu năm ánh sáng cũng đo được… Còn chúng sanh thì chịu!
Bởi “chúng” “sanh” ở trong tâm. Mà tâm ở đâu thì không biết. Không ngằn mé. Không biên giới. Ngồi đây mà tức khắc đã có thể có mặt ở chân trời góc biển, ở bên kia nửa quả địa cầu, ở cả bên kia thế giới, với “những người muôn năm cũ”…
Vậy làm sao “độ” được? Dễ thôi. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh” (chúng sanh tức không phải chúng sanh, chỉ tạm gọi là chúng sanh). Và Bồ-tát thì phải “… diệt độ tất cả các loại chúng sanh, đưa vào vô dư Niết bàn”, “mà thiệt ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả”
Nghĩa là chỉ cần làm “tắt ngấm” tham sân si (Niết bàn) thì chúng sanh đã được… diệt độ! Mà, lúc đó đâu còn “chúng” nào “sanh” ra nữa đâu, nên nói không có chúng sanh nào được diệt độ. Tóm lại, chúng sanh do ta bày ra, do ta vẽ ra… để tự làm khổ ta thì ta “tự diệt độ” lấy. Chả ai giúp mình đâu!
Lục Tổ Huệ Năng nói gọn: “Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”
Tại sao phiền não lại vô tận?
Vô tận nghĩa là không… dứt được, không hết được. Nó cứ liên miên… bất tận. Thiệt ra phiền não cũng là một “pháp”, nó cũng “sanh trụ dị diệt”, nhưng nó liên miên là vì nó “phan duyên”, dắt díu nhau. Không ư? Khi xảy ra một chuyện phiền não nào đó thì nó dắt dây dắt nhợ, chuyện xưa chuyện sau… lải nhải hoài không dứt!
Nhưng phiền não… cũng rất cần thiết đó chớ! Phiền não là Bồ đề mà! Không có phiền não thì ta không nhận ra Bồ đề, ta cứ để mình “trôi lăn” mãi trong khổ đau thôi. Cũng như nhờ có đau bụng mà ta biết bị “viêm ruột thừa” để kịp thời đi mổ!
Có thể “đoạn” được không? Được! Cái khó là thấy biết nguyên nhân của phiền não. Thường thì do tham, sân, si… mà ra. “Đoạn” (cắt đứt) được không là tùy tâm ta mà thôi.
Lục Tổ Huệ Năng bảo: Tự tâm phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
***
Tại sao Pháp môn thì vô lượng?
Vô lượng nghĩa là vô số, nhiều đếm không xuể! Chi nhiều vậy? Là bởi vì mỗi pháp môn “trị” một thứ phiền não. Mà phiền não thì vô tận nên pháp môn cũng phải… vô tận. Có người chịu khó… đếm thử, thấy có tám vạn bốn ngàn pháp môn! Thế mà “thệ nguyện” học cho hết. Tẩu hỏa nhập ma là phải thôi! Tham quá mà. Thiệt ra, tùy theo căn cơ mỗi người mà chọn pháp môn cho phù hợp. Nói khác đi, tùy bệnh mà bốc thuốc. Cần thầy giỏi, chẩn đoán chính xác, chớ không phải thầy hù dọa làm cho người ta sợ hãi, lệ thuộc. Một “chứng” đau bụng có hàng trăm thứ bệnh, một chứng nóng sốt có hàng trăm thứ bệnh… Vì thế mà có tám vạn bốn ngàn thứ thuốc… ở trong Pharmacy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đề ra một danh mục “Thuốc thiết yếu” chừng vài trăm món để hướng dẫn sử dụng… Một “hoạt chất” (principe actif) của thuốc gốc có thể có hàng chục loại tên thương mại khác nhau dễ làm quáng mắt. Thầy thuốc có thể tùy tâm lý người bệnh mà “bào chế” sao cho phù hợp.
“Thuốc thiết yếu” ở đây là Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Bát nhã, Lục độ Ba-la-mật… vậy.
Và nhớ, “Pháp môn” còn là cửa đi vào Pháp, để thấy Tánh.
Cho nên Lục Tổ Huệ Năng dạy:
Tự tánh Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
***
Tại sao Phật đạo lại vô thượng?
Phật chưa bao giờ nói đạo Ta vô thượng, Ta là giáo chủ… Chỉ nói ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành… Và dạy: Đừng vội tin ta, đừng vội tin ai cả. Hãy đến thử đi rồi biết.
Phật đạo vô thượng ở đây không có nghĩa là… cao nhất mà chỉ có nghĩa là “khó nhất”! Thật vậy. Kinh Duy Ma Cật có một câu hỏi hay: Thế nào là “Phật đạo”? Trả lời: Phật đạo là phi đạo! “Phi đạo” có nghĩa là ngược chiều, ngược lại con đường bình thường của nhân sinh. Giàu sang phú quý, vợ đẹp con khôn, công danh vinh hiển… chẳng phải là “con đường” mơ ước của kiếp nhân sinh ư? Vậy mà Thái tử Tất-đạt-đa bỏ hết, đang đêm trốn ra khỏi cổng thành, lên rừng, sống đời khổ hạnh, nhịn đói, nhịn khát, nhịn thở, ngủ trong nghĩa địa… Tóm lại là lội dòng nước ngược. Người theo Phật đạo chấp nhận gian khổ, từ bỏ tham ái, chấp thủ… để giải thoát “luân hồi sanh tử” Không dễ chút nào là vậy!
Phật đạo cũng chính là con đường để thành Phật. Cho nên Lục Tổ Huệ Năng nói:
Tự tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
(Từ Quang tập 36, tháng 4.2021)