Không phải tự dưng mà Kinh Pháp Hoa ở phẩm Thường Bất Khinh ta được gặp Đại Thế Chí Bồ-tát và Phật Oai Âm Vương.
Đại Thế Chí, cũng gọi là Đại Tinh Tấn hay Đắc Đại Thế Bồ tát biểu trưng cho ánh sáng trí tuệ đến từ một ý chí, một nghị lực phi thường: đại hùng, đại lực, đại từ bi. Bi, Trí và Dũng gắn chặt với nhau, thiếu một không xong. Không có dũng thì khó mà tinh tấn lắm, dễ bỏ cuộc lắm. Để có thể làm một Pháp sư, một sứ giả của Như Lai thì không thể thiếu Bi, Trí và Dũng. Dám nói cái điều khó nghe khó hiểu, ngược tai với mọi người, dám “thấy biết” cái điều ít ai thấy biết và với lòng Từ bi, “dám” diễn giải, phiên dịch, mở toang ra cái kho tàng bí yếu của Như Lai cho mọi người thấy ra “sự thật” trần trụi, thấy được thật tướng vô tướng, quả là một chuyện không hề dễ dàng.
Quán Thế Âm Bồ tát thì đại từ đại bi nhưng chỉ đại từ đại bi thì chưa đủ, cần phải có đại hùng, đại lực của Đại Thế Chí Bồ-tát. Có đại hùng đại lực thì mới khuất phục được, mới giáo hóa được “chúng sanh khó điều phục”, nhất là ở vào thời mạt pháp, nơi cõi Ta-bà đầy ác trược này. Cho nên phải hết sức tinh tấn, hết sức nhẫn nhục mới dám “làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn”. Đại Thế Chí Bồ-tát thường đứng bên phải Phật A Di Đà, còn bên trái là Quán Thế Âm, một vị thì đại hùng đại lực, một vị thì đại từ đại bi. Ở đây còn có vị Phật tên là Oai Âm Vương, tiếng nói oai hùng của vị vua, ở kiếp Ly Suy, nước Đại Thành. Mỗi tên gọi ở Pháp Hoa đều mang một ý nghĩa. Thời kỳ mạt pháp, chúng sanh khó điều phục, chỉ cần một tiếng nói oai hùng kia là đủ để thanh tịnh được sáu căn. Được chăng?
Được. Dĩ nhiên với điều kiện. Đó là với hình ảnh biểu trưng của Thường Bất Khinh Bồ tát. Thường là luôn luôn, bất là không và khinh là coi nhẹ - Thường Bất Khinh là không bao giờ coi nhẹ, không bao giờ khinh người, nói khác đi luôn tôn trọng người, bất cứ là ai, ở đâu, không phân biệt. Bởi vì dưới mắt Thường Bất Khinh, ai cũng sẵn có Phật tri kiến, Phật tánh đó rồi, chẳng qua vì không thấy biết mà không rõ được sự thực, nên không tìm ra hạnh phúc đích thực của kiếp người mà quằn quại trong nỗi khổ đau, bất hạnh.
Thú vị là Thường Bất Khinh chưa từng học Pháp Hoa, cũng chẳng học Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ ba-la- mật gì cả, ông chỉ làm mỗi việc: chắp tay xá lạy mọi người, bất kể là ai và nói với họ rằng: Tôi không dám coi thường ngài. Ngài chính là một vị Phật tương lai. Ngài sẽ thành Phật! Nghe ông nói, ai cũng chưng hửng. Phật ư? Thành Phật tương lai ư? Còn lâu! Giỡn chơi sao chớ. Chế giễu hả? Và người ta đánh đuổi ông, nguyền rủa ông, ném đá vào ông. Mặc kệ, ông vẫn kiên trì, không một chút nao lòng, vẫn cứ mỗi một câu nói đó: Tôi không dám khinh ngài, ngài sẽ là một vị Phật tương lai, ngài sẽ thành Phật. Nghe một lần, hai lần thì nổi giận; nghe trăm lần, ngàn lần thì giật mình, ngạc nhiên và sửng sốt. Rồi nhìn ngắm lại mình. Ủa, mà cũng dám lắm chớ. Ai cũng có hạt giống Phật mà, chịu khó tưới tẩm có ngày dám mọc lên một cây Bồ đề lắm chớ. Phật là chúng sanh đã giác ngộ còn chúng sanh là Phật sẽ thành đó thôi. Và từ đó, lòng tự tin trỗi dậy. Tín thì tấn, rồi niệm, rồi định, rồi huệ. Con đường tất yếu nó vậy.
“Vị tỳ kheo đó chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy hàng tứ chúng cũng cố qua lễ lạy ngợi khen mà nói rằng: Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ làm Phật. Ông thường bị mắng nhiếc chẳng sanh lòng hờn giận, thường nói: Ngài sẽ làm Phật. Lúc nói lời đó chúng nhơn hoặc lấy gậy cây ngói đá để đánh ném, ông liền chạy tránh đứng xa mà vẫn to tiếng xướng rằng: Ta chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật”…
Tôn trọng, đức tính thứ nhất để thiết lập truyền thông hiệu quả giữa người với người. Thiếu tôn trọng thì truyền thông lập tức gãy đổ. Tôn trọng phải xuất phát từ lòng thành, nếu không chỉ là sự giả vờ, đóng kịch, không qua mắt được ai. Thường Bất Khinh bằng tất cả lòng thành nên mới nhẫn nhục và tinh tấn đến vậy. Vì thế, về sau ông được nghe Pháp Hoa và trở nên một người “có lục căn thanh tịnh, ở bốn chúng nói pháp lòng không sợ sệt”.
Thường Bất Khinh chẳng đọc tụng kinh điển, chỉ một lòng tôn trọng người, lễ lạy người mà trở thành một Pháp sư, một vị truyền bá Pháp Hoa và sau này trở thành một vị Phật. Nhờ đức luôn tôn trọng người – nhu hòa nhẫn nhục – ông đã mặc áo Như Lai, đã vào nhà Như Lai với lòng Từ bi vô lượng và thực sự, đã “thấy biết” Như Lai, sống cùng Như Lai. Bởi với ông, ai cũng từ tứ đại ngũ uẩn mà có, từ đất nước gió lửa mà ra, hoàn toàn giống nhau, không cần phải phân biệt.
Thường Bất Khinh chỉ với một niệm duy nhất, một câu duy nhất đã đủ nhất tâm bất loạn mà thành một vị Phật. Cho nên kiên trì, nhẫn nhục, đại hùng, đại lực, đại từ bi thì “nhiếp được cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau mà đắc tam-ma-địa”. “Vô biên quang” phát sinh từ đó vậy. Tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh, quốc độ thanh tịnh vậy.
(Từ Quang tập 26, tháng 10.2018)