Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 1: Thiền - Tại Sao Phải Bận Tâm? »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 1: Thiền - Tại Sao Phải Bận Tâm?

Donate

(Lượt xem: 8.648)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 1: Thiền - Tại Sao Phải Bận Tâm?

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thiền không phải là dễ dàng. Nó cần có thời gian và công sức. Nó cần sự can đảm, quyết tâm và kỷ luật. Nó cần một số những phẩm chất cá nhân mà chúng ta thường cho là khó chịu và chúng ta muốn tránh né chúng bất cứ lúc nào có thể. Chúng ta có thể tóm tắt trong một từ kiểu Mỹ là 'nghị lực' hay sự 'dám nghĩ dám làm' (gumption). Thiền cần nghị lực. Chắc chắn sẽ dễ dàng và dễ chịu hơn nếu bỏ ngang và quay sang coi TV. Vậy tại sao phải bận tâm làm gì? Tại sao phải tốn tất cả thời gian và sức lực trong khi bạn có thể đi chơi hưởng thụ? Tại sao lại bận tâm đến nó?. Đơn giản là như vầy. Bởi vì bạn là một con người, bạn nhận ra rằng bạn là người thừa kế lãnh đủ mọi sự bất toại nguyện tất nhiên trong cuộc đời. Mà sự bất toại nguyện đó sẽ không biến mất. Bạn có thể trấn áp nó ra khỏi tâm thức trong một lúc nào đó. Bạn có thể làm mình xao lãng khỏi nó, chú tâm vào chỗ khác trong vài giờ, nhưng nó sẽ luôn luôn quay lại – thường vào những lúc bạn ít ngờ đến. Rồi đột nhiên, như hoàn toàn bất ngờ, bạn ngồi dậy, để ý, và nhận ra được cái thực trạng đích thực của mình trong cuộc đời này.

Đó là bạn, và bạn đã bỗng nhiên nhận ra bạn đang sống cả một đời chỉ để đeo đuổi theo nó một cách chật vật. Bạn ra vẻ bề ngoài không sao. Bạn tìm cách xoay sở để giải quyết nhu cầu ‘cơm áo gạo tiền’ hàng ngày và bề ngoài tỏ ra OK, không có vấn đề gì. Nhưng trong những khoảng thời gian tuyệt vọng đó, những lúc bạn cảm thấy mọi thứ đó đang gậm nhấm bạn – bạn chỉ biết ôm chịu mà thôi. Bạn là một mớ hỗn độn. Và bạn biết vậy. Nhưng bạn che dấu nó một cách tài tình. Cùng lúc, khi đang chán nản vì lẽ thật đó, bạn chợt nghĩ chắc hẳn phải có cách sống khác để sống, có cách nhìn khác tốt hơn để nhìn thế giới cuộc đời, có cách nào khác để tiếp xúc với sự sống một cách trọn vẹn hơn. Rồi đôi lúc nào đó bạn cũng tình cờ tìm được cách. Bạn tìm được công việc tốt. Bạn biết yêu. Bạn thắng cuộc hay trúng số. Và khi đó, mọi sự đã khác đi. Cuộc sống dựa trên một sự giàu có và sự sáng sủa đã xua tan đi những khoảng đời khó khăn và vô vị. Toàn bộ nếp trải nghiệm của bạn đã thay đổi và bạn tự nhủ rằng: "Ok, tôi đã làm được; bây giờ tôi đã hạnh phúc". Nhưng rồi những hạnh phúc đó cũng phai nhạt dần, như làn khói bay trong gió chiều. Bạn chỉ còn lại một ký ức – vậy đó, và một ý thức mơ hồ rằng: có điều gì đó không ổn......

Bạn cảm giác rằng cuộc sống chắc thực sự vẫn còn một cảnh giới khác của chiều sâu và cảm nhận, nhưng bởi do thế nào đó mà bạn chưa thấy được. Chính vì bạn chưa thấy được, cho nên bạn có cảm giác bị chia cắt. Bạn cảm giác bị cô lập, không còn cảm nhận cái cảm giác mềm mại ấm áp của giường gấm nệm bông. Bạn không còn tiếp xúc thực sự với cuộc sống. Bạn không còn làm được (cuộc sống) nữa rồi. Và rồi cái ý thức mơ hồ đó phai đi, và bạn sẽ quay về lại với thực trạng y hệt như trước kia. Thế giới cuộc đời trông giống như một nơi vô vị, làm chán chường, ngao ngán. Nó giống như một chuyến xe cảm xúc, và bạn cứ bỏ nhiều thời gian loanh quanh dưới chân đồi, khao khát được lên những đỉnh đèo cao rộng.

Vậy thì cái gì không ổn đối với bạn? Bạn có điên khùng không? Không. Bạn chỉ là con người. Và bạn đang chịu cùng căn bệnh mà loài người cũng đang chịu. Căn bệnh như một con quái vật nằm bên trong mỗi chúng ta, và nó có nhiều tay, như vòi bạch tuộc, như là: Sự căng thẳng thường xuyên, sự thiếu lòng thương mến thật sự dành cho người khác kể cả những người thân thuộc nhất, cảm giác bị bít đường bế tắc, và sự chết trơ về tình cảm. Rất nhiều, rất nhiều tay. Không ai trong chúng ta thoát được nó hoàn toàn. Chúng ta có thể từ chối nó. Chúng ta cố trấn áp nó. Chúng ta xây một nền văn minh bao bọc chúng ta để trốn tránh khỏi nó, giả vờ như nó không có mặt, và hướng sự bận tâm của chúng ta vào những mục tiêu, toan tính và danh phận phàm trần. Nhưng nó chẳng bao giờ bỏ đi. Nó luôn hằng hữu và ngấm ngầm trong từng ý nghĩ và từng cảm nhận của ta; một giọng nói không lời cứ vang vọng từ phía sau đầu: "Chưa đủ. Phải có thêm. Phải làm tốt hơn. Phải tốt hơn nữa". Đó là con quái vật, một con quái vật luôn luôn hiện thị mọi lúc mọi nơi dưới những hình thức tinh xảo.

Bạn đến một buổi tiệc. Lắng nghe những tiếng cười nói giòn giã, cho thấy rằng niềm vui sướng thì ở trên bề nổi, còn nỗi sợ sệt thì nằm ngay bên dưới. Cảm giác sự căng thẳng, cảm giác áp lực. Không ai thực sự thanh thản. Họ đang giả tạo ngoài mặt. Bạn đến một trận đá banh. Quan sát cổ động viên trên khán đài. Thấy những nắm đấm dương oai vô duyên vô lý. Nhìn sự bất mãn bực tức và sự nhốn nháo cố tình dưới cái ‘nhãn mác’ là nhiệt thành cỗ vũ tinh thần đội banh. Sự la hét, hú huýt châm chọc và cái thói ‘dương oai ta đây’ một cách mất kiềm chế dưới cái danh nghĩa cỗ động viên trung thành của đội banh. Uống say, rồi đánh đập ẩu đả nhau trên khán đài. Có những người muốn giải tỏa những căng thẳng từ bên trong. Họ không phải là những người bình an với chính mình. Coi tin tức trên TV. Lắng nghe lời ca của những bài hát quen thuộc. Bạn sẽ thấy những chủ đề giống nhau cứ được hát đi hát lại nhiều lần bằng nhiều biến tấu khác nhau. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những chủ đề như sự ghen hờn, thất tình, sự khổ đau, sự chán chường, bế tắt, stress...

Cuộc sống dường như là một cuộc đấu tranh không ngừng, là một cuộc nỗ lực phi thường chống chế với sự thật éo le của kiếp người (là không bao giờ có sự hạnh phúc nào hay sự thỏa mãn nào là bền lâu và không phai biến). Và giải pháp nào cho chúng ta đối diện với tất cả sự bất toại nguyện này? Chúng ta thường mắc kẹt ở hội chứng "Ước gì". Ước gì tôi có thêm nhiều tiền, thì tôi sẽ được hạnh phúc. Ước gì tôi có thể tìm được người yêu thương mình, ước gì tôi xuống bớt 10 ký (kg), ước gì tôi có TV màu đẹp, một bồn mát-xa nước, và mái tóc xoăn, và vân vân..., mãi mãi. Vậy thì tất cả cái hội chứng “ước gì” xuất phát từ đâu?, và quan trọng hơn, chúng ta phải làm gì về hội chứng nó? Nó xuất phát từ những điều kiện (tùy duyên) của tâm chúng ta. Nó là những thói quen của tâm [tập khí] rất tinh tế và đã thấm ngầm từ rất lâu, giống như chỗ thắt gút dây thừng mà chúng ta đã thắt từng nút, từng nút...và bây giờ khi cần phải tháo gỡ, chúng ta cũng phải tháo gỡ từng thắt gút, từng gút một....vậy. Chúng ta có thể tập trung sự chú tâm, tháo gỡ từng cái và đem ra ánh sáng. Chúng ta có thể làm cho cái vô thức trở thành ý thức, sự không chú tâm trở thành sự chú tâm, chậm rãi...từng cái một.

Bản chất của sự trải nghiệm [sự sống] của chúng ta là sự thay đổi. Sự thay đổi là liên tục. Trong từng khoảng khắc, sự sống trôi qua và không có lúc nào nó giống lúc nào hết. (Sự sống ở hai thời khắc tích và tắc cũng đã khác nhau). Sự thay đổi bất tận là bản chất của thế giới bất tận. Một ý nghĩ khởi sinh trong đầu bạn, sau nửa giây nó đã biến mất. Rồi tâm ý khác lại khởi sinh, rồi cũng biến mất. Một âm thanh chạm vào tai và rồi im lặng. Mở mắt ra, thế gian ùa vào, và nhắm mắt lại nó biến mất. Người đến trong đời mình, rồi họ lại ra đi. Bạn bè đi, người thân đi. Vận đời lúc lên, vận đời lúc xuống. Đôi lúc bạn được, cũng như nhiều lúc bạn mất. Nó liên tục vậy: thay đổi, thay đổi, thay đổi. Chưa bao giờ có hai khoảnh khắc nào giống nhau.

Không có gì sai trái về lẽ thật này cả. Đó là bản chất tự nhiên của vũ trụ. Nhưng văn minh con người đã dạy chúng ta ứng xử không đúng mực về dòng chảy bất tận này. Chúng ta phân loại những trải nghiệm. Chúng ta cứ cố dán nhãn sự nhận thức [tưởng] của ta cho mỗi trải nghiệm, mỗi sự thay đổi của tâm trong dòng chảy bất tận đó thành ba loại. Chúng ta tạo ra ba cái hộp1 dán nhãn là tốt, xấu, và trung tính. Rồi sau đó, theo ta nhận thức theo khuôn khổ thói quen như vậy. Một nhận thức nào đó được dán nhãn là ‘tốt’, chúng ta đóng băng (cố định) thời gian ở đó luôn để giữ nó lại, để không bị mất nó. Chúng ta chấp thủ vào ý nghĩ riêng biệt đó, chúng ta thích nó, chúng ta khoái nó, chúng ta ôm giữ nó, không muốn nó phai biến hay mất đi. Nhưng khi không thể nào giữ được, chúng ta lại cố tìm cách lập lại cái trải nghiệm đã tạo ra cái nhận thức ‘tốt’ đó. Điều đó được gọi là thói quen “nắm giữ” của tâm [tham dục, tham chấp].

Bên phía khác của tâm là cái hộp dán nhãn ‘xấu’. Khi chúng ta trải nghiệm điều gì tạo ra nhận thức ‘xấu’, chúng ta cố xua đẩy nó đi. Chúng ta từ chối nó, không chấp nhận nó, loại bỏ nó bằng mọi cách có thể. Chúng ta kháng cự, chống đối với trải nghiệm đó. Chúng ta chạy trốn khỏi từng ‘mảnh’ thân tâm của chính chúng ta. Điều đó gọi là thói quen “chối bỏ” của tâm [sân giận, ác ý].

Nằm giữa hai loại phản ứng này là nhận thức ‘trung tính’. Trung tính là không phải tốt cũng không phải xấu. Nó là trung gian, là trơ, không sướng cũng không khổ, không làm vui cũng không gây phiền não. Chúng ta đóng gói cất loại này vào trong hộp ‘trung tính’ và không cần quan tâm đến nó, và ta quay lại chú tâm vào những hành động và cái vòng bất tận của những Tham và Sân. Loại trải nghiệm này không được chú tâm bằng hai loại ‘tốt’ và ‘xấu’ kia. Điều này gọi là thói quen “làm ngơ” của tâm [si mê, ngu mờ].

Kết quả của những thái độ điên rồ này giống như một cuộc chạy trên máy chạy bộ chẳng chạy đến đâu. Không ngừng chạy theo khoái cảm, không ngừng chạy trốn khổ đau, không ngừng bỏ lơ 90 phần trăm những trải nghiệm của chúng ta. Rồi ta tự hỏi, sao cuộc đời này buồn tẻ đến như vậy?. Cuối cùng suy gẫm lại mới biết thái độ sống như vậy là không đúng. Cái kiểu dán nhãn suy luận các trải nghiệm như vậy là không ‘ăn’.

Dù cho bạn có nỗ lực cách mấy để chạy theo khoái lạc và thành đạt, thì cũng có nhiều lúc bạn không làm được. Cho dù bạn chạy trốn nhanh cách mấy, thì cũng có nhiều lúc đau khổ sẽ bắt kịp bạn. Và ở giữa những số lần khoái lạc và đau khổ đó, cuộc sống thật là vô vị nhàm chán đến nỗi ta chỉ muốn hét lên. Tâm trí của chúng ta chứa đầy những ý kiến và thành kiến (đầy những ‘tốt’ và ‘xấu’, khen và chê, này và nọ...). Chúng ta xây những bức tường xung quanh ta và tự nhốt mình trong ngục tù của những cái thích và không thích, thương và ghét, khen và chê, đối và đãi...do chính chúng ta đã đặt ra. Cho nên chúng ta khổ.

“Khổ” là một chữ lớn trong tư tưởng Phật giáo. Đó là một thuật ngữ trọng yếu và nó nên được hiểu biết một cách tường tận. (Không phải chỉ hiểu biết qua khái niệm sơ sài). Tiếng Pali là dukkha và nó không phải chỉ có nghĩa là đau khổ hay đau đớn về thân xác. Nó mang nghĩa sâu sắc và tinh tế hơn về sự bất toại nguyện. Sự bất toại nguyện là một phần của cuộc chạy vô đích trên máy chạy bộ của tâm chúng ta. Bản chất của sự sống là khổ, như Đức Phật đã nói. Mới nghe, chữ “khổ” nghe có vẻ chỉ mang toàn màu sắc bệnh hoạn và bi đát. Thậm chí nghe như người ta nói sai vậy. Rốt cuộc, có bao nhiêu lần chúng ta được hạnh phúc?. Có không?. Không, không có. Có lẽ là như vậy. Hãy thử lấy một lúc mà bạn cảm thấy thật sự mãn nguyện và xem xét kỹ về nó. Bên dưới niềm vui sướng, bạn sẽ thấy một luồng chảy ngấm ngầm tinh tế của sự căng thẳng, rằng cho dù giây phút mãn nguyện đó có cao đẹp đến đâu thì nó cũng đến lúc kết thúc. Dù bạn có vừa hưởng lạc được nó nhiều như thế nào, bạn cũng sẽ nhanh chóng mất đi một phần, hoặc phải suốt ngày canh giữ nó, và toan tính làm sao có được nó nhiều hơn. Và cuối cùng bạn cũng phải chết. Cuối cùng, bạn cũng mất tất cả. Mọi thứ đều giả tạm. Tất cả đều phù du, tạm bợ.

Nghe có vẻ ảm đạm quá phải không?. May thay, không phải vậy – hoàn toàn không phải vậy. Điều đó chỉ nghe thật ảm đạm khi bạn nhìn nó bằng cái nhìn thông thường của tâm thức, bằng chính cái nhìn theo cái ‘cơ chế vận hành của cái máy chạy bộ’ mà chúng ta đã không ngừng chạy về vô đích. Nằm bên dưới đó là cách nhìn khác, là một cách nhìn hoàn toàn khác về thế giới. Đó là một tầm nhìn chức năng trong đó tâm không còn cố ‘đóng băng thời gian’: khi mà chúng ta không còn nắm giữ (một cảm nhận sướng) khi nó trôi qua, tâm chúng ta không còn chối bỏ (một cảm nhận khổ), và không còn làm ngơ (một cảm nhận trung tính)3. [Không còn tham, sân, si rõ rệt]. Đó là trình độ trải nghiệm vượt qua khái niệm “tốt” và “xấu”, vượt qua khái niệm “khoái, sướng, dễ chịu...” và “đau, khổ, khó chịu...”. Vượt qua phân biệt đối đãi. Đó là cách rất hay để cảm nhận thế gian. Và đó là một kỹ năng có thể tu học được!. Nó không dễ, nhưng có thể học được.

Hạnh phúc và bình an. Đó là những mối quan tâm chính của đời sống con người. Đó là tất cả những gì chúng ta (nên) cố gắng tìm cầu. Thường thì khó mà nhận thấy được bởi vì chúng ta đã che phủ những mục tiêu chính đó bằng những đối tượng bề ngoài. Chúng ta muốn thức ăn, chúng ta muốn tiền, chúng ta muốn tình dục, của cải và muốn sự tôn trọng. Chúng ta thậm chí luôn tự nhủ rằng ý tưởng về ‘hạnh phúc’ là quá trừu tượng: “Này, tôi là người thực tế. Cứ đưa tôi tiền tôi sẽ mua được tất cả hạnh phúc mà tôi cần. Có tiền là có tất cả”. Đáng tiếc, đây là một thái độ bất khả thi, không thể thực hiện được; không phải có tiền là giải quyết được tất cả. Hãy thử nhìn xem từng mục tiêu nhu cầu đó và bạn sẽ thấy chúng chỉ là bề ngoài mà thôi. Bạn cần ăn. Tại sao? Bởi vì bạn đói. Vậy bạn đói thì sao?. Thì nếu bạn ăn, bạn sẽ không còn bị đói và bạn sẽ cảm thấy tốt. Àh thì ra là vậy!: chỉ để cảm thấy tốt. Bây giờ mới đúng là thứ bạn thực sự cần, đó sự "Để cảm thấy tốt". Vậy cái chúng ta cần thật sự không phải là những mục tiêu bề ngoài đó, ví dụ như thức ăn; chúng chỉ là phương tiện để dẫn đến mục tiêu cuối. Cái chúng ta thực sự theo đuổi chính là cái "cảm giác được giải tỏa" có được khi những động cơ dục vọng được thỏa mãn. Đó là sự giải tỏa, sự thư xả nhẹ nhàng, và không còn căng thẳng tìm cầu. Bình an, hạnh phúc – không còn tham khát nữa.

Vậy thì hạnh phúc là gì? Đối với hầu hết chúng ta, hạnh phúc hoàn hảo có nghĩa là có được mọi thứ mình cần, kiểm soát được mọi thứ, được làm ‘Vua’, bắt cả thế gian phải nhảy múa theo ý mình. Xin nhắc lại, những tham muốn kiểu này khó mà thực hiện được. Hãy nhìn lại xem những người trong lịch sử đã từng có được những quyền lực tối cao như vậy. Họ không phải là những người hạnh phúc. Tự bản thân họ không phải là những người an bình hay hòa bình. Vì sao? Vì họ mang động cơ thâu tóm hết toàn bộ thế giới, và họ không thể nào làm được. Họ muốn kiểm soát tất cả mọi người, nhưng vẫn luôn còn những người không muốn bị họ kiểm soát. Họ không thể kiểm soát những vì sao trên trời. Họ vẫn phải già, bệnh. Họ vẫn phải chết.

Bạn không thể nào có được mọi thứ bạn mong cầu. Không thể nào. May thay, có một sự chọn lựa khác cho bạn. Bạn có thể học cách kiểm soát Tâm của mình, bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn bất tận của Tham và Sân. Bạn có thể học cách không cần thứ bạn muốn, học cách nhận biết tham muốn của mình mà không bị nó kiểm soát hay thúc giục. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn cứ nằm dài ra trên đường để mọi người bước qua người bạn. Mà điều này có nghĩa là bạn cứ tiếp tục sống cái cuộc sống bình thường vốn có của nó, nhưng sống hoàn toàn với một cách nhìn mới. Bạn vẫn cứ làm những điều một người phải làm, nhưng bạn tự do không bị đeo bám và thúc giục bởi những dục vọng ám ảnh. Thì bạn cần thứ gì đó, nhưng không nhất thiết phải chạy theo nó. Thì bạn có thể sợ điều gì đó, nhưng không nên chỉ đứng trồng ra đó và cam chịu với hai chân run rẩy. Tuy nhiên, về cách xử lý thì nói như vậy, nhưng để tu tập, để tâm xử lý được như vậy thì cũng khó. Phải mất nhiều năm mới từ từ tu tập được. Cái lý ở đây là: sự cố gắng để kiểm soát tất cả mọi thứ đã là điều không thể, là bất khả thi. Và vì vậy, hãy chọn cách làm khả thi dù là khó, vẫn tốt hơn là chọn cách làm bất khả thành.

Nhưng khoan đã, hãy đợi một chút. Bình an và hạnh phúc! Có phải văn minh con người nhắm đến điều này không? Chúng ta xây nhà chọc trời và xa lộ siêu tốc. Chúng ta có những kỳ đi nghỉ mát vẫn được hãng trả lương, có những tiện nghi hiện đại. Chúng ta có trợ cấp chi phí nhà thương và nghỉ bệnh, có An sinh Xã hội và những phúc lợi khác. Tất cả những thứ đó cũng đều nhằm đáp ứng một mức độ nào đó cho hạnh phúc và bình an. Tuy vậy, số lượng người bệnh tâm thần ở những đất nước này vẫn cứ tăng đều và tỷ lệ tội phạm vẫn cứ tăng nhanh. Ngoài đường phố thì đầy những kẻ bất hảo và những kẻ bất thường. Thò cánh tay ra khỏi cửa nhà và dường như ai đó sẽ giựt lấy đồng hồ của bạn. Đậu chiếc xe Honda ngay trước cửa tiệm, khóa xe cẩn thận và vào mua một cái bánh, quay lại có thể ai đó đã lấy mất xe rồi, trong một phút chốc. Có điều gì đó không ổn trong cuộc sống ngoài kia của chúng ta! Một người hạnh phúc thì đâu cảm thấy phải ăn cắp hay giết chóc. Chúng ta cứ hay nghĩ rằng xã hội chúng ta luôn khai thác mọi lĩnh vực hiểu biết của con người để phục vụ cho sự bình an và hạnh phúc, nhưng điều đó là không đúng.

Chúng ta mới chợt nhận ra rằng chúng ta đã phát triển quá nhiều về những phương diện vật chất, bằng cái giá đánh mất đi những mảng sâu sắc hơn về tình cảm và tâm linh. Và rồi bây giờ chúng ta đang trả giá cho những sai lầm đó. Một phần điều đó nói lên sự suy giảm giá trị đạo đức và tâm linh trong xã hội hiện nay, nhất là ở phương Tây; và một phần nói về việc chúng ta phải làm gì cho thực trạng đó. Nơi bắt đầu là từ trong mỗi chúng ta. Hãy quay lại nhìn vào bên trong chúng ta, một cách chân thật và khách quan, và rồi mỗi chúng ta sẽ thấy được những giây phút khi “Ta là kẻ chẳng ra sao”, và khi “Ta là kẻ điên khùng”. Chúng ta sẽ học để nhìn thấy những khoảng khắc, nhìn thấy một cách rõ ràng, nhìn một cách công minh, và không trách cứ hay cảm xúc gì về thực trạng đó, và như vậy chúng ta sẽ đi đúng đường, rồi sẽ tốt hơn, không còn phải bị như vậy nữa.

(Lấy một ví dụ cho chỗ này. Chẳng hạn như ta thường xuyên tức giận hay bực mình rất nhiều lần trong một ngày...vì bao điều lớn nhỏ muốn làm theo ý mà không được, hay vì ghen ghét tranh đua...Nếu ta để ý nhìn lúc ta đang giận, quay lại nhìn sự tức giận của mình một cách rõ ràng, khách quan, chứ không đưa vào cảm giác hay can thiệp nào khác nữa, thì tự nhiên sự tức giận đó cũng phai biến đi, chúng ta sẽ không còn giận nữa và chúng ta sẽ tốt hơn. Thực trạng ta tốt hơn. Ta tốt hơn. Nếu ta bắt đầu tu tập một cách nhìn mới về sự sống, về mọi sự thể).

Bạn không thể nào thay đổi hay cải thiện tận gốc cách sống của bạn cho đến khi nào bạn vẫn chưa bắt đầu nhìn thấy bản thân mình một cách chính xác “đúng như bạn là”. Ngay sau khi bạn làm được điều đó, sự thay đổi sẽ trôi chảy một cách tự nhiên. Bạn không cần phải miễn cưỡng hay chấp hành theo những quy tắc mà đời sống áp đặt cho mình. Bạn chỉ việc thay đổi. Nó tự động diễn ra (sau khi bạn nhìn thấy rõ bạn đúng “như bạn là”). Việc đó là tự động. Tuy nhiên, để đạt được cách nhìn trí tuệ ban đầu như vậy cũng cần tốn ít nhiều công sức. Bạn đã nhìn thấy được bạn là gì và bạn là như thế nào, không phải là cái ‘bạn’ do ảo tưởng nhìn lầm, do suy đoán hay do chống chế mà có như trước đây. Bạn đã thấy được mình đứng ở đâu trong xã hội này và mình làm gì như một cá nhân trong đó. Bạn thấy được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với đồng loại, và trên hết, trách nhiệm đối với chính bản thân bạn như là một cá nhân đang sống chung với những cá nhân khác. Và bạn đã thấy được tất cả điều đó một cách rõ ràng như là một, là một thể hay một cấu hình duy nhất của quan hệ tương giao của mọi sự trên đời. Điều này nghe có lẽ phức tạp, nhưng nó thường diễn ra trong một đơn vị khoảng khắc nào đó. Việc tu dưỡng tâm thông qua thiền tập là cách thực hành hay nhất, không gì bằng, để giúp bạn chứng đạt được loại hiểu biết và niềm hạnh phúc tĩnh lặng như vậy!.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) cổ xưa của Phật giáo đã đi trước mấy ngàn năm so với tư tưởng học thuyết phân tâm của Freud, một triết gia người Đức. Một đoạn trong Kinh này đã ghi lại rằng:

Ta hiện tại là kết quả của ta quá khứ.
Ta ngày mai là kết quả của ta hiện tại.
Những trạng thái của tâm, đều có tâm dẫn trước,
Do tâm làm chủ đạo, và do tâm tạo tác.
Nếu ai nói hay làm, với cái tâm ô nhiễm,
Đau khổ sẽ theo như, bánh xe theo chân bò.
Những trạng thái của tâm, đều có tâm dẫn trước,
Do tâm làm chủ đạo, và do tâm tạo tác.
Nếu ai nói hay làm, với cái tâm thanh tịnh,
Hạnh phúc sẽ theo sau, như bóng không rời hình.

Tự mình làm ô nhiễm, tự mình làm thanh tịnh
Không ai làm cho mình, trở nên thanh tịnh được.
Khi tâm được điều phục, sẽ mang lại hạnh phúc.
(theo bản dịch từ tiếng Pali của HT. W. Rahula)

Thật vậy, không ai, kể cả cha mẹ, vợ, chồng, người thân, bạn bè...có thể giúp mình. Chỉ có cái tâm trong sạch của mình mới giúp được mình. Một cái tâm được điều phục sẽ mang lại hạnh phúc.

Thiền nhằm mục đích làm trong sạch tâm, làm cho tâm thanh tịnh. Thiền thanh lọc tiến trình tư duy của những thứ được gọi là những kích động tâm thần hay xáo trộn tâm linh (thường được gọi là những "chướng ngại"), những thứ như tham, sân và ghen tỵ, những thứ làm bận tâm bạn với những dính mắc thuộc về xúc cảm. Những thứ làm bạn bất an. Thiền đưa tâm trí đạt đến một trạng thái tĩnh lặng và tỉnh giác, một trạng thái tập trung [chánh định] và trí tuệ minh sát [chánh niệm].

Trong xã hội chúng ta, chúng ta luôn đặt niềm tin quá lớn vào giáo dục. Chúng ta tin rằng một người được giáo dục là có văn minh. Tuy nhiên, văn minh chỉ đánh bóng con người bên ngoài mà thôi. Nếu đặt những quý ngài ‘cao sang học rộng’ đó vào những tình huống căng thẳng của chiến tranh hay suy sụp kinh tế, và bạn sẽ thấy ngay điều gì xảy ra. Có hai điều người đời thường tự biết: Một phần họ phải tuân thủ theo luật lệ bởi vì họ biết những hình phạt và họ sợ những hậu quả nếu không tuân theo. Nhưng một phần khác họ tuân thủ luật lệ bởi vì lòng họ trong sạch không còn Tham lam phải khiến họ ăn cắp, gian lận và không còn Sân hận phải khiến họ phải ác cảm, hãm hại, giết chóc. Quăng một hòn đá vào dòng suối. Nước chảy mòn chỉ đánh bóng được bề ngoài, nhưng bên trong vẫn không thay đổi gì. Lấy hòn đá đó lên và đặt vào một lò lửa nung, hòn đã sẽ biến đổi bên ngoài lẫn bên trong. Nó nóng chảy từ ngoài lẫn trong. Nền văn minh chỉ thay đổi con người ở vẻ bên ngoài. Thiền tập làm mềm (tôi luyện, chuyển hóa) người ấy từ bên trong, xuyên suốt và xuyên suốt.

Thiền được ví như một “Vị Thầy Lớn” (đại sư). Thiền là ngọn lửa nung rèn, tinh luyện từng bước cái ‘con người thô thiển’, thông qua sự hiểu biết. Càng hiểu biết nhiều, bạn càng dẻo dai hơn và chịu đựng giỏi hơn. Càng hiểu biết nhiều, bạn càng trở nên bi mẫn thương yêu nhiều hơn. Bạn sẽ trở nên một bậc cha mẹ hoàn hảo hay một người thầy lý tưởng. Bạn sẵn sàng tha thứ và bỏ qua. Bạn cảm thấy yêu mến mọi người vì bạn hiểu biết họ. Và bạn hiểu được mọi người bởi vì bạn đã hiểu rõ được chính con người mình. Bạn đã nhìn thấu bên trong mình và đã thấy được sự si mê sai lầm về cái ‘tôi’ và những bất toại bất thành của kiếp người. Bạn đã nhận thấy rõ được nhân tính trong chính mình và học cách bao dung và thương mến. Khi bạn đã biết hiểu thương mình, thì tự động bạn cũng hiểu thương người. Bi mẫn với chính mình thì tự nhiên sẽ trở nên bi mẫn với tha nhân. Vì người cũng như mình, cũng mang đầy tham sân si và cái ‘tôi’ mê lầm. Một thiền sinh thành công đạt được những hiểu biết sâu sắc về sự sống, và chắc chắn rằng người ấy liên hệ với thế giới bằng tình yêu thương sâu xa và rộng lượng.

Thiền cũng rất giống như việc gieo trồng trên một miếng đất. Trước khi có đất trồng, người nông phu phải phát quang rừng và đào hết những gốc cây rừng. Sau đó cày bừa và tưới nước bón phân cho đất. Sau đó người nông phu gieo trồng và thu hoạch vụ mùa. Để tu dưỡng tâm, trước tiên bạn phải dọn sạch những ô nhiễm chướng ngại trước mắt, nhổ sạch gốc để chúng không còn mọc lại. Sau đó bạn chăm bón, bồi dưỡng. Bạn bơm ‘nguồn nước’ nỗ lực và nề nếp vào miếng đất tâm thức. Sau đó gieo hạt giống và thu về được trái quả là: lòng tin, đức hạnh, sự chánh niệm và trí tuệ.

Nhân tiện, lòng tin và đức hạnh ở đây có nghĩa riêng biệt trong ngữ cảnh này. Phật giáo không chủ trương lòng tin theo kiểu đức tin mù quáng, không phải lòng tin vào một điều gì chỉ vì nó được ghi chép trong kinh kệ, hay lời tiên tri, hay được truyền dạy bởi một đấng hay nhân vật quyền uy nào đó. Đó là lòng tin kiểu mê tín. Ý nghĩa lòng tin đang nói ở đây gần đúng hơn với sự tự tin. Sự tự tin có được về một điều gì là do chính mình đã nhìn thấy rõ điều đó diễn ra, là do chính mình quan sát được mọi hiện tượng diễn ra bên trong bản thân mình. Đây là lòng tin chánh tín.

Tương tự, đức hạnh ở đây không phải là sự phục tùng theo những nghi luật hay giáo điều được đặt ra bởi một thế lực hay tổ chức bên ngoài. Đức hạnh ở đây là một lối sống lành mạnh mà bạn đã tự chọn và đặt ra cho mình một cách có ý thức; bởi vì bạn biết rằng lối sống đạo đức đó là ưu việt và tốt lành hơn lối sống hiện tại của mình.
Mục đích của thiền là chuyển hóa cá nhân con người. Cái ‘con người’ của bạn đi vào một phía của thiền tập không còn giống với cái ‘con người’ của bạn đi ra phía kia của (sau khi) thiền tập. Thiền thay đổi tâm tính của bạn thông qua tiến trình nhận thức, bằng cách làm cho bạn chú tâm sâu sắc đến từng những suy nghĩ, lời nói, và hành động [ba nghiệp] của chính mình. Tính kiêu ngạo của bạn dần bốc hơi và sự đối kháng dằn co bên trong bản thân cũng dần vơi vạn đi. Tâm bạn trở nên yên lặng, không động vọng và tĩnh lặng. Và cuộc sống sẽ êm đềm hơn. Vì vậy, thiền tập nếu thực hành đúng đắn sẽ giúp bạn dễ dàng đối diện với những thăng trầm thành bại của cuộc đời. Nó làm giảm đi những căng thẳng, sợ sệt, và lo lắng của bạn. Sự bất an sẽ lùi bước và tình yêu sẽ đầm thấm hơn. Mọi sự đều bắt đầu đâu vào đó và cuộc đời bạn trở nên lướt nhẹ hơn thay vì chỉ là một cuộc tranh đấu bon chen. Tất cả những điều đó đều diễn ra thông qua sự hiểu biết.

Thiền tập làm sắc bén sự tập trung [định] và năng lực tư duy suy nghĩ của bạn. Rồi thì từng cái một, những động lực và cơ chế từ dưới lớp tiềm thức của bạn trở nên rõ ràng và dễ thấy hơn đối với bạn. Trực giác của bạn nhạy bén hơn. Sự chính chắn của tư duy sẽ tăng lên và lần lần bạn sẽ có được một kiến thức trực diện về mọi sự vật hiện tượng đúng thực “như chúng là”; bạn không còn thiên kiến và không còn ảo tưởng hay nhận lầm về chúng nữa.

Vậy thì, bao nhiêu lý do đó có đủ trả lời câu hỏi tại sao chúng ta phải bận tâm đến việc “thiền” hay chưa?. Chưa, vẫn chưa, vẫn chưa đủ lý do!. Những điều vừa nói chỉ là lời hứa suông trên giấy. Chỉ có một cách để bạn biết chắc rằng việc thiền tập có đáng giá để bỏ công thực hiện hay không. Đó là hãy học cách thiền một cách đúng đắn, và thực hành nó. Rồi tự mình sẽ thấy được điều đó.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.233.83 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (50 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...